Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

03/02/2019

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên có tương lai không ?

Việt Hoàng

Có lần, một linh mục (ở hải ngoại) hỏi một thành viên Tập Hợp rằng : "Anh có tin vào tương lai, vào sự thành công của Tập Hợp hay không ?". Thành viên của Tập Hợp vừa cười vừa hỏi lại : "Là một linh mục vậy Cha có tin vào Chúa không ?". Vị linh mục không trả lời và bỏ đi.

tuonglai1

Tranh đấu chính trị là gieo trồng những mầm giống tốt cho tương lai.

Chính trị và tôn giáo có những điểm giống nhau và khác nhau. Cả hai đều giống nhau về bản chất đó là hướng thiện. Các tôn giáo lớn sỡ dĩ tồn tại đến hôm nay là vì chúng hướng thiện. Tranh đấu chính trị cũng là hướng thiện. Thế giới được hòa bình và phát triển như ngày hôm nay cũng nhờ vào sự tranh đấu chính trị không mệt mỏi của những người con ưu tú trên khắp thế giới. Trong hành trình gian nan tiến về tương lai đó vẫn có những luồng tư tưởng độc hại xuất hiện và gây hậu quả nghiêm trọng như chủ nghĩa khủng bố và cộng sản. Chính vì không hướng thiện nên sớm muộn chúng cũng sẽ bị đào thải.

Điểm khác nhau quan trọng nhất giữa chính trị và tôn giáo đó là niềm tin chính trị đặt trên tư tưởng và lý luận, tức là dựa trên những phân tích và đánh giá khoa học trong khi đó đức tin vào tôn giáo là bất biến, mặc định và không bàn cãi.

Dưới cái nhìn của những người hoạt động chính trị như chúng tôi thì Giê-su là một chính trị gia kiệt xuất, là người đã mở ra một nền văn minh mới cho nhân loại. Giê-su là người thứ hai sau triết gia Socrates chết vì lý tưởng của mình. Socrates sống vào cuối thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên, Socrates đả kích gay gắt chế độ dân chủ vừa được tái lập tại Athens và bị chế độ dân chủ này xử án tử hình. Ông chấp nhận chết để bảo vệ ý kiến của mình. Giê-su là một nhà cách mạng, một nhà tư tưởng, ông kêu gọi hòa bình, yêu thương, bình đẳng, công bằng, lẽ phải và nhất là phương pháp đấu tranh bất bạo động bằng tinh thần bao dung, hòa giải. Giê-su đã chọn cái chết vì tình yêu thương đồng loại, vì muốn thay đổi nhân loại. Giê-su là người đầu tiên muốn xóa bỏ ranh giới giữa các tầng lớp trong xã hội (Do Thái thời đó vốn rất nhiều giai cấp) để tiến tới sự bình đẳng bằng việc rửa chân cho môn đồ của mình trước lúc chết. Giê-su cũng là người đầu tiên "phát minh" ra công thức "tam quyền phân lập" và sự tách biệt giữa chính trị và tôn giáo qua câu nói "cái gì của Caesar thì trả cho Caesar, cái gì của Thiên Chúa thì trả cho Thiên Chúa"…

Giê-su đi trước nhân loại hơn 2000 năm và có lẽ vì thế mà Giê-su được tôn vinh và trở thành giáo chủ của một tôn giáo lớn và có ảnh hưởng nhất thế giới cho đến tận ngày hôm nay. Niềm tin của các tín đồ vào Chúa Giê-su là mặc định và không bàn cãi.

Chính trị là một công việc phụ thuộc rất nhiều vào suy nghĩ và tư duy của con người mà tư duy, nhận thức của con người lại không giống nhau và chúng luôn thay đổi và bị chất vấn gay gắt. Tôn giáo hứa hẹn tương lai (thiên đàng) ở một thế giới khác, sau khi đã chết, còn chính trị là giải quyết các vấn đề dân sinh trong hiện tại. Chính vì thế mà chính trị phải cảm nhận được, phải cụ thể và có hiệu quả trong thời gian ngắn. Việc đặt ra các cuộc bầu cử trong một thời hạn nhất định là để người dân phúc kiểm các giải pháp chính trị xem chúng có hiệu quả hay không.

Việc đặt ra các thời hạn cho các chính đảng cầm quyền vừa có ưu điểm vừa có khuyết điểm. Ưu điểm là không để cho các chính phủ câu giờ hoặc ngủ quên trên chiến thắng, buộc họ phải cố gắng tối đa để tạo ra những thay đổi rõ nét trong nhiệm kỳ đó. Khuyết điểm của nó là khiến các chính phủ phải lấy những quyết định mang lại lợi ích trong ngắn hạn nhưng lâu dài thì có thể không tốt nhằm mục đích kiếm phiếu và tiếp tục cầm quyền. Chính khuyết điểm này là một trong những lý do tạo ra làn sóng dân túy trên toàn cầu trong thời gian qua. Nó càng đặc biệt nghiêm trọng trong các chế độ theo mô hình chính trị "tổng thống chế" khi mà người dân bầu cho một người thay vì một chính đảng. Hệ quả dĩ nhiên là tất cả các ứng cử viên tổng thống đều phải dân túy vì ngôn ngữ dân túy gần gũi và dễ hiểu với người dân thay vì các lý luận sâu sa, khó hiểu.

Giải pháp duy nhất cho vấn nạn trên là mô hình chính trị "dân chủ đại nghị và tản quyền". Chỉ dưới mô hình đó các chính đảng mới dám đưa ra một Dự án chính trị khả thi và bền vững cho hiện tại và cả tương lai. Tập Hợp đề nghị mô hình chính trị cho Việt Nam là "đại nghị và tản quyền" gần như Cộng hòa liên bang Đức.

"Cung cấp giải pháp" là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của mỗi chính đảng trước các cuộc bầu cử. Nếu muốn có giải pháp đúng và khả thi thì các chính đảng phải đầu tư rất nhiều cho tư tưởng chính trị và kiến thức chính trị…Chỉ khi đó may ra mới có được một giải pháp hiệu quả. Trên thực tế bất cứ một chính đảng nào dù cực đoan như đảng cộng sản thì họ vẫn đưa ra và thực thi một "giải pháp" mà họ cho là tốt, họ cũng muốn đất nước phát triển để họ được cầm quyền suốt đời nhưng vì thiếu kiến thức chính trị và tư tưởng chính trị nên họ phải vay mượn một giải pháp ngoại lai và lỗi thời là chủ nghĩa cộng sản của Mác-Lênin. Giải pháp đó là sai từ gốc và hoàn toàn đã bị vứt bỏ trên thế giới. Một trong những khủng hoảng lớn nhất của đảng cộng sản bây giờ là tư tưởng và lý luận. Họ biết sai nhưng lại không đủ can đảm để vứt bỏ nó vì như thế họ không có chính danh để cầm quyền. Biết thế, nhưng vì thấy trước mặt cũng không có tổ chức nào có thể cạnh tranh nên họ đành "cố đấm ăn xôi".

"Thực thi các giải pháp đã đề nghị" là nhiệm vụ quan trọng tiếp theo của các tổ chức chính trị sau khi được người dân bầu chọn làm đảng cầm quyền. Muốn làm được việc thì tổ chức đó phải có một "đội ngũ nhân sự" để thực hiện và thực thi công việc. Đội ngũ cán bộ đó phải được chuẩn bị từ trước khi trở thành đảng cầm quyền. Họ phải hiểu nhau, đồng thuận với nhau trên những lập trường căn bản của tổ chức thì mới gắn kết thành một ê-kíp ăn ý nếu không sẽ "ông nói gà bà nói vịt", "trống đánh xuôi kèn thổi ngược". Chưa có một tổ chức nào thành lập sau khi cầm quyền mà có thể thành công. Muốn cho đội ngũ cán bộ đó tìm được nói chung thì họ phải liên tục học hỏi, thảo luận và nghiên cứu về đường lối và tư tưởng của tổ chức trong một thời gian dài trước đó. Tổ chức là môi trường để học hỏi và sàng lọc các ý kiến.

Đảng cộng sản đã hoàn toàn thất bại trong việc đem lại "Độc lập-Tự do-Hạnh phúc" cho người dân Việt nam dù rằng họ đã cầm quyền tuyệt đối hơn 70 năm qua. Nhân sự của đảng cộng sản ngày càng xuống cấp vì qui trình chọn lựa khép kín trong nội bộ thông qua việc "qui hoạch cán bộ" từ trung ương đến địa phương. Đây là hành động co cụm để tự vệ của đảng cộng sản. Chúng khiến cho nhân tài không có cơ hội tham gia vào bộ máy chính quyền và vì thế sự suy thoái của đội ngũ cán bộ đảng là không thể tránh khỏi.

Một yêu cầu quan trọng nữa đối với các chính đảng đó là tư cách và đạo đức của các thành viên của nó. Chính trị là đạo đức ứng dụng trong xã hội. Một người có tài đến đâu mà thiếu đạo đức thì cũng có ngày gây họa. Đạo đức phải được nuôi dưỡng và rèn luyện từ nhỏ trong một môi trường sạch. Điều này giải thích vì sao đạo đức công chức Việt Nam ngày càng suy đồi. Không chỉ mỗi họ (các công chức nhà nước) mà toàn thể người dân Việt Nam phải sống và làm việc trong một môi trường mà sự dối trá, luồn lách, cơ hội, vô cảm và chỉ biết đến bản thân…ngay từ nhỏ, từ lúc đi học mẫu giáo cho đến lúc đi làm rồi về hưu.

Người Việt không chỉ bị mỗi ô nhiễm môi trường sống mà còn bị ô nhiễm nặng về tinh thần và đạo đức. Có những chuyện mà không ai tin là có thật vẫn xảy ra hàng ngày tại Việt Nam. Chính sự đồi bại của giai cấp thống trị khiến xã hội đảo điên và xuống cấp theo, bởi vì "nhà dột từ nóc". Phương pháp cai trị dựa trên dối trá và bạo lực của đảng cộng sản đẩy xã hội Việt Nam vào một dòng xoáy của hận thù và bất dung. Mọi "bất đồng" đều được ưu tiên giải quyết bằng nắm đấm thay vì đối thoại…

Tập Hợp đã nghiên cứu và hiểu rõ tình hình xã hội Việt Nam. Chúng tôi có giải pháp cho tất cả mọi vấn đề của Việt Nam qua 3 ví dụ nêu trên.

1. Tập Hợp đã chuẩn bị và cung cấp cho người dân Việt Nam một giải pháp chính trị "dân chủ đa nguyên" để thay thế cho "giải pháp cộng sản", đó là Dự án Chính trị với tên gọi Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai. Mọi người có thể đọc và so sánh với hệ tư tưởng Mác-Lênin mà đảng cộng sản đang áp dụng tại Việt Nam và với các hệ tư tưởng của các tổ chức đối lập khác.

2. Tập Hợp cũng đã chuẩn bị cho mình một đội ngũ cán bộ nhân sự nòng cốt có hiểu biết, viễn kiến, yêu nước và bao dung. Đội ngũ nhân sự của Tập Hợp sẵn sàng đảm nhận các công việc thích hợp để thực thi những đề nghị trong giải pháp chính trị mà chúng tôi đã đưa ra trong Dự án Chính trị của mình.

3. Các thành viên của Tập Hợp không ngừng nhắc nhở nhau và xiển dương các giá trị đạo đức căn bản (mà loài người đã tích lũy được từ hàng triệu năm qua) và nhất là cổ vũ cho tinh thần bao dung và hòa giải dân tộc. Chúng tôi xem đó là lập trường chủ đạo của tổ chức và cũng là triết lý cầm quyền và điều hành đất nước trong tương lai.

Tập Hợp đã, đang và sẽ làm tất cả phần việc của mình với sự cố gắng và kiên nhẫn cao nhất. Chúng tôi muốn chuẩn bị sẵn cho Việt Nam một tổ chức chính trị đúng nghĩa mà chúng tôi tin là cần thiết và đứng đắn. Thế giới đang đứng trước những thay đổi dồn dập và khó lường, mọi chuyện đều có thể xảy ra, nhất là sự tan rã không thể tránh khỏi của đế quốc Trung Hoa. Lịch sử thường sang trang vào những lúc bất ngờ nhất. Ví dụ không ai nghĩ rằng nước Mỹ thời Donald Trump lại từ nhiệm vai trò lãnh đạo thế giới trong lúc đang ở đỉnh cao và hai nước độc tài lớn nhất thế giới là Nga và Trung Quốc đang suy yếu hơn bao giờ hết.

Năm 1945 thời cơ đến với Việt Nam cũng khá bất ngờ khiến trí thức và người dân không kịp hiểu, không kịp chuẩn bị gì để rồi một tổ chức duy nhất có chuẩn bị là đảng cộng sản giành được vai trò cầm quyền và biến Việt Nam thành một nước độc tài từ đó đến giờ. Tập Hợp không muốn điều đó xảy ra một lần nữa. Tập Hợp chấp nhận cô đơn vì đi trước để dẫn đường và chuẩn bị sẵn một phương án khả thi khi đất nước cần đến. Chúng tôi cho rằng làm chính trị là hò hẹn với tương lai. Chúng tôi đã nhìn thấy tương lai đó và tin rằng người dân Việt Nam sẽ tìm đến với chúng tôi, lựa chọn chúng tôi và tin tưởng giao cho chúng tôi trọng trách vào thời điểm lịch sử.

Chúng tôi đã tồn tại cho đến ngày hôm nay nhờ một yếu tố quan trọng, đó là NIỀM TIN. Niềm tin vào lẽ phải, niềm tin vào tương lai của dân tộc, niềm tin vào sự dấn thân trong sáng và lương thiện của các thành viên Tập Hợp…Niềm tin đó đã nâng đỡ và đồng hành cùng chúng tôi tiến về tương lai. Chúng tôi tin là Tập Hợp nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung sẽ có tương lai.

Việt Hoàng

(3/2/2019)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 1679 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)