"Đó là một sự xấu hổ thường nhật". Ken Burns đã nói như vậy khi được hỏi về trải nghiệm sản xuất bộ phim tài liệu "Cuộc chiến Việt Nam" mà ông hợp tác cùng nữ đạo diễn Lynn Novick. Burns và Novick bắt đầu dự án với "một sự ngạo mạn" rằng họ hiểu cuộc chiến. Nhưng ngay khi bắt đầu quá trình nghiên cứu, họ nhận ra họ đã gần như không biết gì.
Tượng đài chiến tranh Việt Nam tại Military Park, Oklahoma City. (Photo by Jacob Derichsweiler)
Những năm gần đây là thời gian nở rộ cho những nghiên cứu mới về Việt Nam, một chủ đề phần nào đánh mất sự hứng thú từ phía các học giả và công chúng vào những năm 90. Chiến tranh lạnh kết thúc với sự sụp đổ của hệ thống Cộng sản làm tăng sự tự tin về sức mạnh và làm giảm mối quan tâm tới những cuộc chiến thất bại của Mỹ. Nhưng sang thế kỷ 21, hai cuộc chiến Afghanistan và Iraq mà nhiều người gọi là "một Việt Nam khác" cùng các tài liệu được giải mật từ tàng thư của Mỹ, Đông Âu, một phần từ Trung Quốc và Việt Nam đã khiến Chiến Tranh Đông Dương lần thứ 2 thu hút những nghiên cứu mới. Một trong các công trình được mong đợi là bộ phim tài liệu "Cuộc chiến Việt Nam" bắt đầu phát sóng vào giữa tháng 09/2017 trên kênh PBS đồng đạo diễn bởi Ken Burns và Lynn Novick.
Ken Burns, 64 tuổi, nổi tiếng với kiểu tóc "úp nồi", là một tượng đài về làm phim tài liệu ở Mỹ. Ông trở nên nổi tiếng sau khi hoàn thành bộ "Cuộc Nội Chiến" nói về Nội Chiến Hoa Kỳ phát sóng năm 1990. "Cuộc Nội Chiến" thu hút tới 40 triệu người xem, thiết lập kỷ lục cho chương trình có nhiều người xem nhất trong lịch sử của PBS. Sau thành công đó, Burns tạo cho mình danh tiếng như "người kể chuyện nước Mỹ" bằng loạt phim tài liệu về các câu chuyện kinh điển của Mỹ như "Bóng chày" (1994), "Jazz" (2001), "Luật cấm đồ cồn" (2011), và "Gia tộc Roosevelt" (2014). "Cuộc chiến Việt Nam" có lẽ cũng sẽ theo mạch đó, chỉ là một câu chuyện khác của nước Mỹ nếu không có Lynn Novick, người quả quyết rằng "Cuộc chiến Việt Nam" phải được thực hiện cả ở Việt Nam và kể những câu chuyện Việt Nam.
Lynn Novick sinh năm 1962, bà tốt nghiệp Đại học Yale và bắt đầu làm việc cho Burns khi bộ phim "Cuộc Nội Chiến" đang ở giai đoạn hậu kỳ. Ấn tượng với năng lực của Novick, Burns đã đề nghị bà làm nhà sản xuất cho phim tài liệu "Bóng Chày". Tới bộ tài liệu về Frank Lloyd Wright, kiến trúc sư bậc thày của Mỹ thì Burns và Novick trở thành đồng đạo diễn và tiếp tục như vậy với hầu hết các phim về sau. Trong quá trình làm "Cuộc chiến Việt Nam", Lynn Novick đã tới Việt Nam ba lần. Cùng nhà sản xuất Sarah Botstein, bà điều hành tất cả các hoạt động của dự án tại đây. Ken Burns do phải phẫu thuật thận đã không thể bay sang. Trong chuyến bay từ Mỹ tới Việt Nam tháng 08/2017, Novick đã tự nhủ đó sẽ là lần cuối cùng nhưng bà biết mình đã nhầm ngay khi đặt chân xuống mặt đất. Tuy dự án phim đã kết thúc nhưng một mối liên hệ cá nhân đã hình thành giữa bà và nhiều người bạn Việt. Sau những gì nhận được từ Việt Nam, bà cảm thấy mình có trách nhiệm phải làm cho bộ phim xem được ở Việt Nam thay vì chỉ mang nó về Mỹ như một sản phẩm thương mại. Lynn Novick mong rằng một ngày bà sẽ mang con trai và cả Ken Burns tới Việt Nam. Như vậy sẽ là lần đầu tiên bà giúp ông mở rộng tầm nhìn chứ không phải chiều ngược lại.
Có thể nói "Cuộc chiến Việt Nam" là một trong những dự án tham vọng nhất của Ken Burns và Novick. Bộ phim có độ dài 18 giờ chia làm 10 tập, được thực hiện trong 10 năm với kinh phí 30 triệu Đô-la Mỹ. Đội ngũ sản xuất đã thực hiện khối lượng nghiên cứu khổng lồ với 25,000 bức ảnh, hơn 15,000 giờ phim tư liệu, phỏng vấn trên dưới 80 nhân chứng, cung cấp nhiều tài liệu, thông tin mới được giải mật chưa từng được biết tới. Trent Reznor, nhạc sĩ từng đạt tượng vàng Oscar cho phần âm thanh của phim "Mạng xã hội" chịu trách nhiệm sản xuất âm thanh. 120 tác phẩm nổi tiếng của Bob Dylan, The Beatles và rất nhiều tên tuổi khác cũng được cấp quyền sử dụng để tái tạo không khí những năm 60, 70 của thế kỷ 20. Do tính chất nhạy cảm của đề tài này ở Việt Nam, Thomas Vallely, một cựu binh Mỹ, người có đóng góp lớn vào tiến trình bình thường hoá quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, đã phải lên tiếng để Bộ Ngoại Giao và bộ Quốc Phòng Việt Nam đồng ý ngầm cho Novick phỏng vấn và quay phim. Đội ngũ cố vấn cũng tập hợp các chuyên gia hàng đầu về Việt Nam như nhà sử học Fredrik Logevall từ Đại học Harvard, hay nhà báo Huy Đức, tác giả cuốn "Bên Thắng Cuộc".
Cả Ken Burns và Lynn Novick đều thừa nhận "Cuộc chiến Việt Nam" là chủ đề khó khăn và phức tạp nhất mà họ từng thực hiện khi có quá nhiều luồng quan điểm, quá nhiều cách nhìn nhận từ các đối tượng khác nhau. Khi được hỏi vì sao lựa chiến tranh Việt Nam, mở lại những hồi ức đau thương và tranh luận cay đắng không có hồi kết, hai đạo diễn cho rằng "Việt Nam" vẫn là công việc còn dang dở của nước Mỹ. Không có ai thực sự hiểu cuộc chiến đã xảy ra thế nào và những người trải qua nó phải chịu đựng ra sao. "Việt Nam" là chìa khoá để hiểu những vấn đề nội tại của nước Mỹ: chính quyền gian dối, chia rẽ trong xã hội và sự thiếu vắng những trao đổi mang tính xây dựng. Năm mươi năm sau đỉnh điểm của cuộc xung đột dường như là thời điểm lý tưởng cho một cách nhìn mới. Quãng thời gian đủ dài để bụi bặm chính trị lắng xuống nhưng cũng không quá dài để còn được nghe trực tiếp từ người đã thật sự trải qua nó. Burns và Novick cũng chia sẻ hy vọng bộ phim sẽ là một cơ hội để người Việt Nam hiểu hơn về cuộc nội chiến của chính mình cũng như "Cuộc Nội Chiến" của Burns đã làm cho người Mỹ vào năm 1990.
Ken Burns và Lynn Novick đặt ra một nguyên tắc khi bắt tay vào sản xuất "Cuộc chiến Việt Nam". Đó là phim sẽ không có sự tham gia của những nhân vật cộm cán mà theo Burns là những người "sẽ lái lịch sử theo hướng mà họ muốn". Không John Kerry hay John McCain, không Henry Kissinger hay Jane Fonda. Thay vào đó, bộ phim đã phỏng vấn những người "bình thường" từ tất cả các bên. Những người lính Mỹ, miền Bắc Việt Nam, Nam Việt Nam, giải phóng quân, gia đình tử sĩ Mỹ, liệt sĩ Việt Nam, thanh niên xung phong, người tị nạn, nhà hoạt động phản chiến...đã phơi bày cho công chúng một Cuộc chiến Việt Nam ở nhiều góc cạnh nhất và nhiều sự thật nhất, hơn tất cả những gì từng được biết. Một Cuộc chiến Việt Nam không phải từ lời lẽ của những người tiến hành nó mà từ câu chuyện của những người đã trực tiếp trải qua và chịu đựng nó một cách đau thương nhất và cũng hào hùng nhất.
Nhật Huy
Nguồn : VOA, 09/26/2017
Tổng hợp từ các nguồn:
Với gần 200 giờ phỏng vấn, hàng ngàn giờ tư liệu và hàng chục ngàn tấm ảnh, hai nhà đạo diễn Mỹ Lynn Novick và Ken Burns sau 10 năm nghiên cứu, sản xuất đã cho ra loạt phim tài liệu về chiến tranh Việt Nam.
Đạo diễn Lynn Novick (thứ nhì từ trái sang), đứng giữa các ông Chuck Hagel và John McCain, và đạo diễn Ken Burns ở giữa hình
Hôm 30/9, phóng viên Thùy Linh của BBC Việt Ngữ có một buổi phỏng vấn riêng với một trong hai đạo diễn của series The Vietnam War là bà Lynn Novick.
Thùy Linh : Bộ phim đã được công chiếu trong vài tuần qua. Vậy bà đã nhận được những phản ứng gì từ phía khán giả ?
Lynn Novick : Phản ứng mà chúng tôi nhận được thì khá là tích cực. Hầu hết đều nói họ rất trân trọng bộ phim chúng tôi làm và cách mà chúng tôi cho thấy nhiều mặt, nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc chiến.
Họ nói họ rất trân trọng tính chân thực, sự thảm khốc và đau đớn của cuộc chiến mà chúng tôi đã thể hiện được trong bộ phim.
Chúng tôi vẫn chưa nhận được bất cứ phản ứng tiêu cực nào từ phía người xem. Có vẻ như bộ phim khiến nhiều người xúc động.
Phim 'The Vietnam War' (Cuộc chiến Việt Nam) - hình do đoàn làm phim cung cấp
Thùy Linh : Đây không phải là bộ phim tư liệu đầu tiên làm về Chiến tranh Việt Nam. Điều gì khiến The Vietnam War khác biệt với những bộ phim khác ?
Lynn Novick : Tôi nghĩ chưa có bộ phim tài liệu nào đã có thể thể hiện được nhiều khía cạnh, nhiều quan điểm từ những con người bình thường sống sót trong cuộc chiến.
Bộ phim bao gồm nhiều cá nhân khác nhau, gồm cả những người tham chiến và cả những người phản đối cuộc chiến.
Bộ phim cũng cho thấy một cái nhìn cận cảnh hơn về bối cảnh chính trị tại Washington, Sài Gòn cũng như Hà Nội.
Thùy Linh : Bà có thể chia sẻ về quá trình sản xuất bộ phim được không ? Một số người phân vân về quyết định lựa chọn một số cá nhân đã xuất hiện trong bộ phim. Xin bà lý giải thêm.
Lynn Novick : Chúng tôi đã dành suốt 10 năm để gặp gỡ làm quen với nhiều người và thu thập tư liệu. Nhiều tư liệu chưa bao giờ được trình chiếu trước công chúng.
Chúng tôi dành vài năm ở Việt Nam, tìm kiếm được hơn 1000 người, phỏng vấn 100 người và chọn được 79 người để tham gia vào bộ phim.
Những người xuất hiện trong bộ phim là những người cởi mở, những người có thể kể câu chuyện của họ và sẵn sàng kể câu chuyện của họ trước máy quay. Và chúng tôi cũng lựa chọn những người có câu chuyện phù hợp với mạch chuyện của bộ phim.
Chúng tôi may mắn gặp được nhà sản xuất tên Hồ Đăng Hòa, để giúp đỡ thu thập tư liệu từ Thông tấn xã Việt Nam, Bảo tàng Quân đội và ông cũng gặp từng nhiếp ảnh gia thời chiến, xem qua bộ ảnh của họ.
Thùy Linh : Bà có gặp khó khăn hay nhận được sự giúp đỡ gì từ phía chính phủ Việt Nam ?
Lynn Novick : Chúng tôi không gặp bất cứ khó khăn gì từ phía chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đơn giản chỉ giải thích là chúng tôi muốn làm một bộ phim về những câu chuyện về các cá nhân từ mọi phía của cuộc chiến và muốn được tiếp xúc với những người muốn nói lên câu chuyện của mình. Họ hỗ trợ chúng tôi với vấn đề hậu cần, xe cộ…
Chính quyền Việt Nam đã giúp đỡ nhưng không can thiệp.
Thùy Linh : Có một số người thắc mắc vì sao bộ phim không được công chiếu ở Việt Nam. Có phải vì lý do gì nhạy cảm ?
Lynn Novick : Chúng tôi đã có một số buổi công chiếu nhỏ ở Hà Nội và Sài Gòn.
Chúng tôi cũng không cần hay xin phép chính phủ để được chiếu ở Việt Nam.
Bộ phim này không phải là loại phim để chiếu ở rạp chiếu, mà phù hợp trên tivi và xem trực tuyến. Chúng tôi đang có hàng triệu khán giả theo dõi bộ phim từ Việt Nam trên trang PBS.
Thùy Linh : Rất nhiều nhà làm phim đã làm phim về Chiến tranh Việt Nam, lý do gì mà bà và ông Ken Burns lại tiếp tục sản xuất một bộ phim khác về chủ đề này ?
Lynn Novick : Rất nhiều người Mỹ vẫn không hiểu về cuộc chiến, đây là một phần quan trọng của lịch sử Hoa Kỳ, và chúng tôi cảm thấy nước Mỹ cần biết điều gì đã xảy ra.
Với lý do khác với người Mỹ, nhưng tôi nhận ra nhiều người Việt cũng không biết nhiều về cuộc chiến, họ cũng không nói nhiều về nó.
Nhiều người trẻ sau khi xem phim nói họ không biết nhiều về cuộc chiến, và rằng họ rất tò mò về những gì đã xảy ra. Tôi nghĩ bộ phim này cũng đóng một vài trò quan trọng với người Việt.
Ở Mỹ cũng vậy, rất nhiều người Mỹ gốc Việt trẻ tuổi cũng muốn xem nó và nói chuyện với cha mẹ lần đầu tiên về cuộc chiến… Tôi nghĩ nhiều người Nam Việt Nam cảm thấy họ bị lãng quên. Vì hầu hết các bộ phim mà người Mỹ làm tập chung vào những người dành chiến thắng, họ không đề cập nhiều đến cộng đồng người tỵ nạn Việt Nam… Cho nên có một sự trân trọng rằng chúng tôi đã chia sẻ những câu chuyện của họ. Chúng tôi nhận được phản ứng tích cực từ cộng đồng này.
Thùy Linh : Trong suốt quá trình làm phim, điều gì để lại ấn tượng với bà nhất ?
Lynn Novick : Điều tuyệt vời nhất mà tôi học được từ bộ phim này là một sự thấu hiểu sâu sắc về sức chịu đựng của con người.
Tôi đã lắng nghe một người phụ nữ kể lại việc bà đã mất hai con trai và cả tám người anh em trai trong cuộc chiến. Người phụ nữ nhỏ bé 90 tuổi này đã làm sống lại những khoảnh khắc đau đớn nhất của bà. Trải nghiệm đó thực sự thay đổi tôi. Thật không thể diễn tả thành lời. Thật sự rất đáng ngưỡng mộ và cũng rất đau lòng. Tất nhiều người kể lại cách họ vượt qua nỗi đau và điều đó sẽ đeo bám tôi mãi.
Tôi cũng nhận ra rằng tất cả những cựu chiến binh khi nói về trải nghiệm của họ và nếu họ nói cùng một ngôn ngữ, thì khi bạn nhắm mắt lại... bạn nhận ra không có chút sự khác biệt gì giữa những người lính Việt Nam và Hoa Kỳ… về những gì họ trải qua như một người lính, giữa những giết chóc và sống còn.
Tôi nhớ sau một buổi công chiếu nhỏ, tôi hỏi một cựu chiến binh là ông học được gì sau khi xem xong bộ phim, thì người cựu chiến binh này nói : "Đây là lần đầu tiên sau hàng chục năm trời, tôi nhận ra sự nhân đạo từ trong chính những người mà tôi từng muốn giết chết."
Tôi nghĩ đây là bài học lớn cho chúng ta, rằng luôn có sự nhân đạo và vô nhân đạo từ mọi phía của cuộc chiến.
Thùy Linh : Thách thức lớn nhất của bà khi làm bộ phim này là gì ?
Lynn Novick : Thách thức lớn nhất đối với chúng tôi là làm sao để thống nhất những bất đồng giữa các học giả và nhân chứng về những gì đã thực sự xảy ra. Chúng tôi rất chú trọng đến sự thật. Cố gắng tập trung vào điều đã thực sự diễn ra. Chúng tôi biết vẫn còn có rất nhiều câu hỏi về cuộc chiến mà đến giờ vẫn chưa có lời giải, thật sự khó khăn khi cố gắng muốn hiểu một cuộc chiến phức tạp như chiến tranh Việt Nam.
Và thật dễ dàng để gọi tên cuộc chiến này là một cuộc giải phóng, một cuộc xâm lăng, một cuộc nội chiến hay một cuộc chiến chống đế quốc. Tôi nghĩ nó phụ thuộc vào việc bạn là ai. Chúng tôi nghĩ đó không phải là việc của chúng tôi để gọi tên. Rất nhiều gia đình bị chia rẽ bởi cuộc chiến này. Ở cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam. Nhiều người đã cống hiến cuộc đời họ vào cái họ tin là thống nhất và giải phóng đất nước…
Chúng tôi rất công bằng. Tôi nghĩ không ai trong giới lãnh đạo Hoa Kỳ, miền Bắc hay miền Nam Việt Nam thực sự thẳng thắn với người dân của mình, cho họ biết chuyện gì thực sự diễn ra…
Thùy Linh : Nhiều người cho rằng bộ phim có mang tư tưởng chống chiến tranh, thiên tả. Có người thấy bộ phim có vẻ như ca ngợi Hồ Chí Minh, và xây dựng hình tượng Ngô Đình Diệm một cách khá tiêu cực. Bà nghĩ như thế nào về ý kiến này ?
Lynn Novick : Chúng tôi không hề có động cơ chính trị nào, hay cố gắng thuyết phục người xem thiên về bên nào. Chúng tôi chỉ lắng nghe các chuyên gia và cố gắng xây dựng một bộ phim mà chúng tôi nghĩ là chính xác nhất có thể. Một nơi mà những con người với những quan điểm khác nhau có thể chia sẻ.
Chúng tôi sẽ để khán giả tự quyết định thông điệp của bộ phim là gì. Và chúng tôi rất muốn nghe xem những cuộc thảo luận, trao đổi được nảy sinh từ bộ phim này.
Thùy Linh thực hiện
Nguồn : BBC, 04/10/2017
Chính phủ Việt Nam nói gì về phim 'The Vietnam War' ? (BBC, 22/09/2017)
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng lên tiếng về bộ phim tài liệu The Vietnam War (Chiến tranh Việt Nam) tại buổi họp báo thường kỳ hôm 21/9, theo truyền thông trong nước.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng
Trả lời câu hỏi của phóng viên AFP rằng chính phủ Việt Nam đánh giá như thế nào về bộ phim và những phản ánh trong bộ phim có thực sự khách quan hay không, bà Hằng nói :
"Đây là cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam, mang tính chính nghĩa, phát huy được truyền thống sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc, được bạn bè và nhân dân thế giới hết sức ủng hộ. Chính vì thế đã đi đến thắng lợi cuối cùng và thống nhất đất nước".
Phóng viên này cũng hỏi liệu Người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã xem bộ phim tài liệu hay chưa và mô tả những người làm phim cho rằng bộ phim của họ "phản ánh khách quan" về cuộc chiến này.
Bà Hằng nói rằng "Cá nhân tôi mong muốn nhân dân Mỹ và các nhà làm phim hiểu được tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam cũng như thiện chí của Việt Nam".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao không đưa ra bình luận gì về nội dung chi tiết trong bộ phim tài liệu mà chỉ khẳng định sự cải thiện trong mối quan hệ song phương giữa Việt Nam - Hoa Kỳ sau chiến tranh.
"Những bước phát triển tích cực trong mối quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ vừa qua là kết quả của những nỗ lực to lớn của hai nước và chủ trương của Việt Nam về việc gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai", bà Hằng cho biết.
Bộ phim tài liệu 10 phần dài 18 tiếng do hai đạo diễn người Mỹ Ken Burns và Lynn Novick chính thức được công chiếu hôm 17/9 trên kênh phát sóng cũng như trang web của đài PBS của Hoa Kỳ và đã thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng quốc tế và Việt Nam.
Giới trẻ và học giả Việt Nam nghĩ gì ?
Trong buổi Bàn tròn Thứ Năm với BBC Tiếng Việt, cựu đạo diễn, blogger Song Chi chia sẻ nhận định của bà về bộ phim Chiến tranh Việt Nam :
"Vẫn là cái nhìn của người Mỹ về Việt Nam. Bộ phim tư liệu phỏng vấn nhiều người khác nhau, tuy nhiên cả ba phe đều thấy những điểm không hài lòng.
"Bộ phim mổ xẻ được, chỉ trích sai làm của chính quyền Mỹ, sự thất bại của người Mỹ, và đề cao quân Bắc Việt, coi thường lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa. Ví dụ như anh em ông Diệm cũng không được Mỹ đánh giá tích cực. Miền Bắc cũng sẽ không thích đề cập đến Mặt trận giải phóng dân tộc là do cộng sản dựng lên dưới sự hậu thuẫn của Liên Xô và Trung Quốc".
"Bộ phim cho thấy ý chí sắt đá của người cộng sản, mặt khác cũng cho thấy sự tàn bạo, thảm sát Mậu Thân mà phía miền Bắc vẫn không muốn thừa nhận. Đây là lý do Hà Nội cũng không muốn công chiếu bộ phim dù miền Bắc được khen khá nhiều".
"Người Việt chưa bao giờ dám nhìn thẳng vào sự thật, đặc biệt là người cộng sản. Sẽ rất khó để có một bộ phim chiến tranh Việt Nam trung thực.
"Trong tương lai, người Việt Nam một lúc nào đó sẽ làm một bộ phim thật sự về cuộc chiến vì đó là cuộc chiến của chúng ta. Khi không học được bài học của quá khứ thì sao có thể bắt đầu về tương lai được".
Một khách mời trẻ trong chương trình, cựu sinh viên Học viện báo chí truyền thông, Mai Doãn Đông bình luận :
"Bộ phim là một khối tư liệu hình ảnh khổng lồ về cuộc kháng chiến chống Mỹ đối với nhân dân Việt Nam, ý nghĩa nhất cho các bạn trẻ, để có một cảm xúc, cái nhìn đa chiều về một cuộc chiến mà thế hệ chúng tôi chưa từng được trải qua.
Bộ phim cung cấp nhiều thông tin về nội bộ chính phủ của Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson (phải) trong cuộc chiến Việt Nam
"Tôi cũng có lời góp ý cho các bạn tra quan tâm đến lịch sử Việt Nam nói chung và chiến tranh Việt Nam nói riêng. Hãy đi, hãy tìm hiểu, để biết rằng thế giới này rộng lớn hơn rất nhiều, và tình chất phức tạp đa dạng của một cuộc chiến".
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo tự do Việt Nam nói :
"Đây là một trong những bộ phim về chiến tranh Việt Nam có tính khách quan nhất, có cả hai chiều, sẽ làm cho một số người Mỹ không hài lòng. Tôi không hiểu sao chính quyền Việt Nam thận trọng đến mức không cho công chiếu ở Việt Nam. Một cái gì đó thuộc về sự thật lịch sử thì trước sau cũng phải công bố. Chính quyền Hà Nội nên tôn trọng lịch sử, không thể bưng bít được".
**********************
"Vietnam War" được chiếu trên đài truyền hình Pháp-Đức (RFI, 18/09/2017)
Kể từ tối 19/09/2017, đài truyền hình Pháp-Đức Arte bắt đầu chiếu bộ phim tài liệu nhiều tập tựa đề "Vietnam War" (Chiến tranh Việt Nam) của đạo diễn Mỹ Ken Burns, với cái nhìn của các binh lính và thường dân của cả hai phía, và trong đó có nhiều tài liệu chưa bao giờ được công bố.
John O'Connor, một cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam năm 1967-1968, đang đọc danh sách trên màn hình Moving Wall, sau lễ khai trương Welcome Home 2011, tại Navy Pier, vào ngày 17/06/2011. SCOTT OLSON / GETTY IMAGES NORTH AMERICA / AFP
Bộ phim này đã bắt đầu được chiếu trên đài PBS ở Mỹ từ hôm qua, với 10 tập, mỗi tập hơn 1 giờ 30, còn trên đài Arte, khán giả sẽ được xem tổng cộng 9 tập, mỗi tập được thu gọn còn 52 phút, được phát trong 3 buổi tối, từ 19/09 đến 21/09.
Trả lời phỏng vấn AFP, đạo diễn Ken Burns, được coi là bậc thầy về phim tài liệu, thổ lộ : "Đây là bộ phim tham vọng nhất trong cuộc đời của tôi". Đạo diễn 64 tuổi này đã mất 10 năm và đã đầu tư đến 30 triệu đôla để thực hiện phim này.
Cùng với đồng đạo diễn Lynn Novick, Ken Burns đã làm bộ phim "Vietnam War" với cái nhìn từ phía Mỹ cũng như từ phía Việt Nam, và trong đó khán giả sẽ được nghe binh lính và thường dân của mỗi bên nói về cuộc chiến này. Mục tiêu của đạo diễn Ken Burns là trình bày "toàn cảnh đa chiều", "một cách đầy đủ nhất có thể được" về chiến tranh Việt Nam. Bên cạnh việc tái hiện một giai đoạn lịch sử quan trọng, đạo diễn Ken Burns còn giúp khán giả hiểu những trải nghiệm cá nhân của những người trong cuộc.
Để thực hiện bộ phim "Vietnam War", Ken Burns đã thu thập hơn 25 ngàn bức ảnh và vô số tài liệu lưu trữ, trong đó có những tài liệu, âm thanh chưa bao giờ được công bố, như đoạn ghi âm, đề ngày 27/05/1964, giọng nói của tổng thống Lyndon Johnson, bày tỏ quan ngại Mỹ sẽ sa lầy ở Việt Nam giống như trong cuộc chiến tranh Triều Tiên.
Tổng cộng có khoảng 20 sử gia và học giả tham gia vào bộ phim, cùng với lời kể của 84 nhân chứng. Đạo diễn Mỹ cũng đã đến Việt Nam hai lần để quay phim, ghi lại ký ức của các cựu chiến binh Việt Nam, những người ít khi có dịp phát biểu trong một phim tài liệu Mỹ về chiến tranh Việt Nam. Theo lời Ken Burns, những cựu chiến binh này nay đều đã rất lớn tuổi và họ có thể dám nói khác với quan điểm chính thống của Đảng Cộng sản Việt Nam về cuộc chiến này.
Đạo diễn Ken Burns nhấn mạnh : "Tại Hoa Kỳ, cuộc chiến vẫn là một chủ đề nhạy cảm và là điểm gây bất đồng lớn. Tại Việt Nam cũng vậy, vẫn có cái nhìn khác biệt giữa các cựu chiến binh miền Bắc và miền Nam, cũng như giữa người dân hai miền."
Theo số liệu chính thức của Hà Nội, trong cuộc chiến tranh Việt Nam, đã có hơn 3 triệu thường dân thiệt mạng, cùng với hơn 2,5 triệu binh lính của cả hai phía. Hoa Kỳ thì đưa ra con số chính thức là cùng với với 200 ngàn lính Việt Nam Cộng Hòa, đã có 58.220 quân nhân Mỹ thiệt mạng và hơn 1.600 quân nhân vẫn còn bị xem là mất tích.
Thanh Phương
*******************
Vietnam War : 'Cuộc chiến day dứt tất cả chúng tôi'
Cô gái rất trẻ giơ tay hỏi nữ đạo diễn Lynn Novick : "Tại sao trong những trích đoạn được xem, tôi chỉ thấy những nhân vật được phỏng vấn từ miền Bắc Việt Nam ? Vậy trong bộ phim tài liệu sắp chiếu có những người từ miền Nam được trả lời phỏng vấn không ?".
Khán phòng im lặng chờ đợi.
Nhưng đó không phải người đầu tiên đặt câu hỏi đó trong buổi chiếu giới thiệu phim "Vietnam War" - bộ phim tài liệu 10 tập do Ken Burns và Lynn Novick thực hiện trong 10 năm về cuộc chiến tranh Việt Nam - sắp được công chiếu.
Trong buổi ra mắt phim tại Tổng lãnh sự Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh hôm 25/8, nhiều khán giả đã được gặp và trao đổi với đạo diễn Lynn Novick và nhà văn Nguyên Ngọc - trong quá trình ông hỗ trợ thông tin cho đoàn phim.
Câu hỏi đại diện cho rất nhiều vết nứt hồ nghi và đầy ngờ vực của những khán giả trẻ đã có mặt tại Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại Sài Gòn ngày hôm ấy, muốn tìm kiếm một diện mạo khác của cuộc chiến đã đóng vẩy trên thân thể mình suốt hàng chục năm dài.
Một cuộc chiến luôn được viết và giới thiệu bằng cái nhìn hằn hộc và rạn vỡ từ cả hai phe, nơi chúng tôi học trong sách giáo khoa về một miền Nam "bù nhìn", dơ dáy, bẩn thỉu, đàng điếm ; hoặc đọc trên mạng về một miền Bắc đói kém, sĩ diện, ngu xuẩn và tàn bạo.
Phần trích được chiếu trong Tổng Lãnh sự Mỹ mở đầu bằng mái đầu bạc của Bảo Ninh với một câu nhận định hùng hồn : "Chiến tranh không ai thắng hay thua hết. Những ông không bao giờ đánh nhau mới bàn luận ai thắng thua"… Và tiếp sau đó, là những câu chuyện mở ra từ những cánh cửa tinh thần đóng chặt lại sau hàng chục năm dài tham chiến. Bảo Ninh thú nhận khi ông trở về nhà sau trận mạc, mẹ ông im lặng không dám vui mừng vì chợt nhớ ra người hàng xóm cũng có đứa con trai đi bộ đội - và bên ấy chưa có người về.
Một đoạn phỏng vấn mà một cựu binh Mỹ tên Bill Erhart nhớ lại khi ở Huế 1968. "Mỗi ngôi nhà là một chiến trường. Đó là một trận đánh xấu xí. Chúng tôi phải cho nổ từng bức tường, từng nhà"…,"thật là một nỗi xấu hổ khi phá hủy một thành phố đẹp như thế…".
Cảnh tại Huế ngày 15/3/1968
Đoạn trả lời khác của người lính Mỹ, thú nhận về một điều tàn bạo đã xảy ra : "…tôi 19 tuổi, tôi đã chứng minh được mình can đảm như thế nào… Nhưng lẽ ra tôi phải nói mình không được làm như thế. Tôi nghĩ về nó như một sự hổ thẹn. Mẹ tôi là một phụ nữ. Vợ tôi, con gái tôi cũng là phụ nữ. Tôi có mọi cơ hội để nói không".
Một người lính Việt Nam nói : "Thế hệ của họ hi sinh cho cái gì chứ ? Trong nhà tôi có sáu ông đàn ông đi lính, chỉ có mình tôi về thôi".
Nhiều đoạn phim rời rạc cùng câu chuyện của bộ đội Việt Nam, Hoa Kỳ trôi qua suốt hai giờ chiếu trích dẫn. Trong đó, hiếm hoi xuất hiện hình ảnh người lính nào của miền Nam Việt Nam Cộng Hòa. Câu hỏi đó của cô gái trẻ bật lên, như biểu tượng chất vấn cho sự công bằng của một lịch sử thoi thóp đã nằm im hơn nửa thế kỷ. Lynn Novick mỉm cười nói : "Có, chúng tôi có phỏng vấn những người từ miền Nam. Nội dung đó sẽ có đầy đủ khi bạn xem bộ phim được công chiếu trên trang web của PBS".
Câu trả lời của Lynn đào thêm một ngờ vực khó chịu khác : Có nghĩa là đoạn phim được chiếu giới thiệu ngày hôm đó đã đi qua bàn tay kiểm duyệt thô bạo và thiếu độ lượng - trước khi nó xuất hiện được dưới những ánh mắt trẻ măng đã rất thành tâm muốn hiểu cuộc chiến tranh Việt Nam theo nhiều hơn một nghĩa của cờ đỏ hay cờ vàng. Như mọi khi, có những kẻ vẫn tìm cách che mắt lịch sử, dù dưới nhân danh hay ngọn cờ nào. Lịch sử không dễ chịu, chúng tàn bạo khi ta cố nhìn vào đáy mắt người từng trải - hỏi về điều xảy ra- và bắt gặp một tia bối rối - bởi họ không đủ can đảm cúi đầu trước những người đã gục đổ thây mình vì một lý tưởng hùng hồn ngu ngốc nào đó.
Khán giả đã được gặp và trao đổi với đạo diễn Lynn Novick.
Một người đàn ông khác giơ tay hỏi trong buổi chiếu : "Tôi nghĩ bộ phim phải tên là American War mới đúng, chứ sao lại là Vietnam War ?". Tôi không còn nhớ câu trả lời của êkíp làm phim về câu hỏi hằn học đó. Nhưng gần cuối buổi trả lời khán giả, nữ đạo diễn Lynn Novick nói - có lẽ phù hợp để trả lời cho câu hỏi đó :
"Trước khi làm bộ phim, tôi đã xem và thấy những khó khăn, nhưng chúng tôi muốn biết CÁI GÌ ĐÃ XẢY RA Ở ĐÂY. Chúng tôi phải tìm ra câu trả lời trước khi bắt đầu làm phim, với những tiêu chí : mô tả hiện thực chiến tranh, chiến trường, sự chết chóc, sự hi sinh. Chúng tôi không bọc đường cuộc chiến. Chúng tôi cố gắng không phán xét. Chúng tôi nói về những trải nghiệm tối tăm nhất trong cuộc đời của nhân vật. Chúng tôi cố gắng trung thực với những bi kịch, kể câu chuyện từ nhiều phía, và tìm cách thể hiện rất nhiều trải nghiệm của người Việt Nam trong cuộc chiến".
Và những hình ảnh trong phần chiếu trích dẫn tôi coi, đó không phải là một cuộc chiến với tên gọi đầy biểu tượng là "Vietnam War" hay "American War", đó là những khung hình im lặng, nơi tiếng nói của những người Việt Nam thật, những người Mỹ thật, những ai ở đâu đó đã mất từng mảnh thân thể, tinh thần và trái tim sau nhiều chục năm dài gục ngã và đứng dậy trong cuộc chiến tàn bạo đó.
Một cảnh trong bộ phim - do đoàn làm phim Florentine cung cấp
Những nhân vật con người đó không cố gắng gồng mình để thể hiện biểu tượng thời đại hay chính trị nào, đã gần nửa thế kỷ kết thúc, giờ là lúc họ bình tĩnh kể lại trong sự nghẹn ngào, cay đắng, trong lòng hàm ơn, trong nước mắt về cách mình đã chiến đấu cho một phe nào đó.
Lynn Novick nói về lòng biết ơn những nhân vật đã chịu trả lời phỏng vấn bà : "Họ nói họ sẽ kể lại câu chuyện của mình. Nếu chuyện của họ không được kể lại, nó sẽ không được truyền cho thế hệ kế tiếp. Họ muốn câu chuyện của họ được kể cho thế hệ kế tiếp".
Khi kết thúc buổi chuyện trò, tôi hỏi Lynn về nhân vật hai vợ chồng lái xe tải trên đường Trường Sơn, vì sao bà tìm được họ. Lynn nói : "Chúng tôi mời những người trong cùng hội cựu chiến binh đó gặp mặt. Chúng tôi đã nói rất nhiều, nhưng tôi nhận ra hai vợ chồng họ thật đáng yêu và quấn quýt với nhau. Và họ thành thật sẵn sàng chia sẻ chuyện tình yêu của họ ở đó. Họ cởi mở. Họ sẵn sàng kể lại".
Phim 'The Vietnam War' (Cuộc chiến Việt Nam) - hình do đoàn làm phim cung cấp
Sự hấp dẫn của phần trích trong "Vietnam War" đến từ những câu chuyện có thật nhưng lại diễn biến kịch tính, tàn bạo và đầy tình tiết như bất cứ một bộ phim điện ảnh nào ta có thể tìm thấy, bởi hàng trăm câu chuyện được chọn lựa kỹ càng, những trải nghiệm vô giá, độc đáo, khó chịu và vượt xa tưởng tượng của bất cứ ai chưa từng trải qua thời gian khốn khó tàn bạo đó.
Đó là cách "Vietnam War" được làm, dù biết gương mặt cuộc chiến sẽ khác đi sau 25 năm, sau 50 năm, sau khi tư liệu mới được tiết lộ, giải mật, sau khi những "trận địa" chính trị quốc tế thay đổi, sau khi con người đã già đi và hấp hối… thứ họ ước muốn để lại : là một thế hệ nhỏ đầy chất vấn và hồ nghi cha mẹ mình, sẽ nhìn cuộc anh em tương tàn và nước Mỹ can dự đó theo một cách trưởng thành và bình tĩnh hơn.
Lịch sử không cố định. Nhưng máu và lửa không bao giờ nên được nhen lại…
Tác giả là một cây bút sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bài đã đăng trên trang cá nhân của tác giả. Bộ phim tài liệu Vietnam War 10 tập sẽ được chiếu tại Hoa Kỳ từ ngày 17/9. Bộ phim cũng sẽ được chiếu trên mạng với phụ đề tiếng Việt.
Phim tài liệu Chiến tranh Việt Nam - Phỏng vấn Đạo diễn Lynn Novick
Ken Burns and Lynn Novick
Hơn 42 năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, nhiều người vẫn bị giằng xé vì cuộc chiến không dứt gây tranh cãi này. Nhiều người bình thường thuộc tất cả các bên tham chiến, bị hoàn cảnh đẩy đưa vào cuộc chiến, vẫn bị dằn vặt bởi những dấu hỏi lớn về những nguyên do dẫn tới chiến tranh và kết cuộc bi thảm của nó, với hàng triệu người chết, nhiều triệu người khác mang thương tật hoặc chấn động tâm lý vĩnh viễn. Ngoảnh nhìn quá khứ, họ tự hỏi liệu cái giá mà tất cả các bên – kể cả bên thắng cuộc, phải trả, có quá đắt ? Liệu có hay không một giải pháp không đổ máu cũng có cơ may mang lại hòa bình, độc lập, tự quyết cho Việt Nam ? Và, nên rút ra bài học nào để tránh lặp lại lịch sử ?
Đạo diễn Ken Burns, bên trái, Trent Reznor, Atticus Ross và đạo diễn Lynn Novick, bên phải, nói về phim tài liệu "Chiến tranh Việt Nam" trên đài PBS trước Hội các nhà phê bình phim truyền hình ở Pasadena, California. Ảnh chụp ngày 15/1/2017.
Phim tài liệu 10 tập, dài 18 tiếng "The Vietnam War, Chiến tranh Việt Nam" của đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick sắp ra mắt khán giả trên kênh truyền hình PBS, khởi sự từ ngày 17/9/2017. Đạo diễn Lynn Novick đã dành cho VOA-Việt ngữ một cuộc phỏng vấn sau khi trở về từ Việt Nam, nơi nhiều trích đoạn của tập phim tài liệu được trình chiếu trước một số cử tọa chọn lọc, kể cả một số người xuất hiện trong phim. Mời quý vị theo dõi cuộc trao đổi giữa Hoài Hương và đạo diễn Lynn Novick sau đây.
*****************
VOA : Tập phim tài liệu này đã mất tới 10 năm mới hoàn tất. Đây là một câu chuyện bi tráng đòi hỏi một nỗ lực làm việc phi thường. Xin bà cho biết kết quả của những nỗ lực đó, bộ phim tài liệu này đã có những đóng góp nào mới để kể lại câu chuyện về chiến tranh Việt Nam ?
Lynn Novick : Đạo diễn Ken Burns và tôi tin rằng chúng tôi đã kể lại câu chuyện về chiến tranh Việt Nam theo cách chưa từng được kể trước dây, bởi vì phim tài liệu của chúng tôi trình bày quan điểm của những chứng nhân đã trải qua cuộc chiến từ cả 3 bên tham gia : người Mỹ, và người Việt, thuộc cả bên thắng cuộc lẫn bên thua cuộc. Cho tới nay, chưa ai làm điều đó. Về phương diện đó, chúng tôi đã đưa ra những góc nhìn mới về chiến tranh Việt Nam, một câu chuyện cực kỳ phức tạp và bi tráng.
VOA : Thưa như bà nói, phim tài liệu này kể lại chiến tranh Việt Nam theo một cách mới khác với các phim tài liệu trước đây. Bà so sánh như thế nào phim tài liệu này với phim tài liệu "Vietnam : A Television History" của Stanley Karnow ?
Lynn Novick : Tôi nghĩ rằng chúng tôi không ở trong vị thế để nêu lên những khác biệt hay tương đồng giữa hai phim tài liệu đó. Tôi chỉ có thể nói rằng nhiều năm đã trôi qua từ khi bộ phim tài liệu có tính dấu mốc của Karnow ra đời tiếp theo sau cuộc chiến. Thời ấy, bộ phim của Karnow đã đẩy xa biên cương của truyền thông báo chí, nhưng những nhà làm phim không thể có cái nhìn lịch sử như chúng ta bây giờ khi ngoái nhìn lại quá khứ. Nhiều năm đã trôi qua, bao nhiêu điều đã xảy ra, và đối với những người sống qua cuộc chiến, cái nhìn của họ đã biến đổi, lịch sử Hoa Kỳ và lịch sử Việt Nam cũng có những chuyển biến, quan hệ hai nước đã đổi cũng như trải nghiệm của những người Mỹ gốc Việt, mố tương quan giữa họ với Việt Nam bây giờ và Việt Nam ngày trước cũng khác đi nhiều. Bây giờ chúng ta được tiếp cận nhiều nguồn tài liệu hơn nhờ những trao đổi học thuật giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Một khác biệt nữa là phim của Karnow phần lớn nhìn lại lịch sử theo cách nhìn từ trên xuống, nghĩa là qua quan điểm của những nhân vật đã từng làm những quyết định quan trọng về cuộc chiến. Ngược lại, phim tài liệu của chúng tôi nhìn lịch sử từ dưới lên, qua lăng kính của những người bình thường đã trải qua cuộc chiến, mang ra đối chiếu với những gì diễn ra trong Tòa Bạch Ốc, trong Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam, và trong Dinh Tổng thống ở Sài Gòn.
Ảnh tư liệu.
VOA : Về mặt tài liệu, trong quá trình nghiên cứu, các nhà làm phim lần này có được tạo điều kiện để tra cứu những hồ sơ, tài liệu đặc biệt mà trước đây chưa hề được phổ biến ?
Lynn Novick : Tôi có thể nói là lần này, chúng tôi được tiếp cận nhiều tài liệu từ các kho lưu trữ tài liệu về chiến tranh Việt Nam. Các trung tâm lưu trữ trên khắp thế giới đều mở cửa cho phép chúng tôi tiếp cận các tài liệu trên mạng của họ, trong đó có các hãng tin đã gửi các đoàn quay phim sang Việt Nam để tường trình về cuộc chiến. Chúng tôi đã lục lọi kho lưu trữ của họ để tìm ra những thước phim bị lãng quên từ lâu, chúng tôi cũng được nhiều cá nhân cho phép sử dụng hình ảnh, âm thanh và video riêng tư của gia đình họ. Mạng internet cho phép chúng tôi tìm tài liệu hữu hiệu, thế cho nên chúng tôi có thể tìm ra những tài liệu mà thế hệ đi trước không sao tìm được, vì chưa có internet. Quan trọng hơn, chúng tôi có thể tra cứu các băng ghi âm các mẫu đối thoại mà nhiều Tổng thống Mỹ cho ghi lại, từ Tổng thống Kennedy, Tổng thống Johnson, nhất là Tổng thống Nixon. Chúng ta được nghe các nhà lãnh đạo này thảo luận những gì diễn ra ở Việt Nam thời đó, và nghe họ cân nhắc nên làm gì. Trong khi một số tài liệu đó đã được công bố trong độ 10, 15 năm trở lại đây, rất khó khai thác để gạn lọc thông tin và tìm ra một khoảnh khắc thực sự gây ấn tượng, một khoảnh khắc mà khi xem qua, khán giả không thể nào quên được. Chúng tôi có sự hướng dẫn của các chuyên gia để làm việc này.
VOA : Thưa bà, trong chiến tranh những hành động tàn bạo thường xảy ra, và cả hai bên đều phạm những tội ác. Truyền thông quốc tế tốn rất nhiều giấy mực để nói về vụ thảm sát ở Mỹ Lai do một đơn vị quân đội Mỹ thực hiện, nhưng dường như giới truyền thông về phần lớn, đã bỏ qua, hoặc tường trình qua loa và một cách không trung thực về vụ thảm sát Tết Mậu Thân năm 1968 do người cộng sản miền Bắc thực hiện. Phim tài liệu của bà và đạo diễn Ken Burns nhắc đến vụ thảm sát ở Huế, mà có người tố cáo là một hành động diệt chủng. Mặc dù Hà nội chưa bao giờ công nhận vụ thảm sát này, trong phim tài liệu này, lần đầu tiên có người bên thắng cuộc thừa nhận vụ thảm sát khi hàng ngàn người, cả thường dân vô tội, bị hành quyết và chôn tập thể. Theo một số nguồn tin, một số người có thể đã bị chôn sống. Xin bà cho biết bà và đạo diễn Burns đã cân nhắc như thế nào và quyết định đưa vụ thảm sát ở Huế vào bộ phim tài liệu này ?
Lynn Novick : Vâng, chiến tranh là một hoạt động đáng ghê sợ, đã xảy ra từ khi có loài người. Và trong chiến tranh, có khả năng xảy ra những hành động nhân bản cũng như phi nhân bản. Không một bên nào trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào giữ độc quyền về tội ác. Điều đó cũng đúng ở Việt Nam như trong Đệ nhị, Đệ nhất Thế chiến, hay bất cứ cuộc chiến tranh nào khác. Chúng tôi muốn làm một phim tài liệu nói lên sự thật, tường trình một cách trung thực những gì đã xảy ra. Thật không đúng nếu chúng ta chỉ đề cập đến hành động tội ác của một bên, trong khi bỏ qua hành động tội ác của phía bên kia trong cuộc chiến. Chúng tôi muốn tìm hiểu chiến tranh và những tình huống trong đó những hành động tội ác xảy ra, có thể xảy ra, và đã xảy ra. Đó là lý do vì sao chúng tôi không thể nhắm mắt làm ngơ trước những gì đã xảy ra ở Huế, cũng như không thể làm ngơ những gì đã xảy ra ở Mỹ Lai. Chúng tôi không so sánh hành động nào ác độc hơn hành động nào, mà chỉ muốn khán giả xem phim hiểu rõ những gì đã thật sự xảy ra và vì sao.
Ảnh tư liệu.
VOA : Bà vừa sang Việt Nam để trình chiếu và thảo luận về phim tài liệu Chiến tranh Việt Nam cho một số cử tọa. Xin được hỏi nói chung bộ phim đã được đón nhận ra sao ?
Lynn Novick : Vâng, tôi vừa trở về cách đây vài ngày, ở Việt Nam chúng tôi trình chiếu một số đoạn đáng chú ý nhất cho những người đã xuất hiện trong phim, khoảng 20 nhân chứng đã chia sẻ quan điểm với chúng tôi. Chúng tôi cũng có 7 buổi chiếu phim cho công chúng, và ngoài ra tổ chức một số buổi chiếu phim riêng dành cho các nhà văn, các sử gia và giới quan tâm. Có thể nói, phản ứng của mọi người nói chung hết sức tích cực, bộ phim gây rất nhiều chú ý, nhất là họ muốn biết chúng tôi kể lại chiến tranh Việt Nam như thế nào.
VOA : Vâng, đối với những người đã sống qua chiến tranh, chứng kiến những gì xảy ra trong chiến tranh, họ có những nhận xét gì ?
Lynn Novick : Tôi có ghi lại ý kiến của một số người trên máy tính. Xem nào, để tôi coi lại vì muốn dẫn lời họ một cách thật chính xác. Họ nói họ chưa bao giờ được xem một bộ phim nào trình bày cuộc chiến như phim tài liệu của chúng tôi. Chúng tôi nhận được rất nhiều lời khen về sức mạnh của bộ phim, cách biên tập, tính trung thực và sự thành thực, sẵn sàng và thẳng thắn trình bày chiến tranh nó tàn bạo đến mức nào, với bạo lực và những tàn phá, những đau thương và gian khổ của con người ở mọi bên cuộc chiến. Họ nói được lắng nghe quan điểm của tất cả các bên là một điều mới. Nhiều người bình luận rằng đây không phải là cách mà chiến tranh Việt Nam được kể lại ở Việt Nam, họ nói chiến tranh thường được kể như một cái gì trừu tượng, và cái giá phải trả không được đề cập. Chính vì vậy mà một số cảnh trong phim đã gây sốc và bất an cho nhiều người. Một số người tiếp xúc với chúng tôi, nói rằng rất quan trọng là người Việt Nam ở trong nước phải xem những gì thực sự xảy ra. Một điều mà tôi cảm nhận một cách là sâu sắc là khi được nghe nhiều người nói câu chuyện của chúng tôi đã giúp bên thắng cuộc hiểu hơn về những gì xảy ra ở bên thua cuộc, và nhận ra kích thước nội chiến của chiến tranh Việt Nam. Nhiều gia đình đã bị chia rẽ vì chiến tranh, họ hiểu được qua trải nghiệm của chính mình, rằng còn phải làm rất nhiều mới có thể đi đến hòa giải, và có thể phim tài liệu của chúng tôi có thể đóng góp phần nào khi trình bày cho cả hai bên phía bên kia đã gian khổ đau thương như thế nào.
VOA : Câu hỏi cuối, 10 năm để thực hiện phim là một thời gian khá dài trong đời. So sánh chính mình khi khởi sự dự án, và Lynn Novick của 10 năm sau ? Nói cách khác, dự án này đã thay đổi bà như thế nào ?
Lynn Novick : Ken và tôi bàn luận với nhau rất nhiều về điều này, bởi vì cả hai chúng tôi đều cảm nhận những thay đổi sâu sắc nơi chính mình sau trải nghiệm này, một phần là do phải làm việc những tài liệu đen tối, phải đối diện với những đau đớn tột cùng của con người, với sự dã man và tàn bạo của chiến tranh, và tính phi nhân của một số hành động xảy ra trong chiến tranh, nhưng điều mà tất cả những ai cộng tác với chúng tôi thực hiện phim tài liệu này đều chia sẻ, là sự cảm kích đối với những người đã sẵn lòng chia sẻ câu chuyện của họ với chúng tôi. Thấu hiểu trải nghiệm của họ một cách sâu sắc, biết họ đã trải qua những gì, và chứng kiến sức chịu đựng của họ trước một thảm họa ở tầm mức này, mà vẫn phấn đấu để tiếp tục sống và đóng góp, thật đáng ngưỡng mộ, không có lời để diễn tả cho hết.
*****************
The Vietnam War, Chiến tranh Việt Nam sẽ được trình chiếu lần đầu tiên vào ngày 17/9/2017 trên kênh truyền hình PBS. Bộ phim hoàn tất sau 10 năm dài là phần kết của bộ ba phim tài liệu của đạo diễn Ken Burns về các cuộc chiến tranh mang tính dấu mốc trong lịch sử Hoa Kỳ, thứ nhất là phim tài liệu về cuộc nội chiến Mỹ, thứ hai là phim tài liệu về Đệ nhị Thế Chiến, và thứ 3 là Phim Chiến tranh Việt Nam. Hai bộ phim sau có sự cộng tác của đạo diễn Lynn Novick.
Hoài Hương thực hiện
Nguồn : VOA, 06/09/2017