"Đó là một sự xấu hổ thường nhật". Ken Burns đã nói như vậy khi được hỏi về trải nghiệm sản xuất bộ phim tài liệu "Cuộc chiến Việt Nam" mà ông hợp tác cùng nữ đạo diễn Lynn Novick. Burns và Novick bắt đầu dự án với "một sự ngạo mạn" rằng họ hiểu cuộc chiến. Nhưng ngay khi bắt đầu quá trình nghiên cứu, họ nhận ra họ đã gần như không biết gì.
Tượng đài chiến tranh Việt Nam tại Military Park, Oklahoma City. (Photo by Jacob Derichsweiler)
Những năm gần đây là thời gian nở rộ cho những nghiên cứu mới về Việt Nam, một chủ đề phần nào đánh mất sự hứng thú từ phía các học giả và công chúng vào những năm 90. Chiến tranh lạnh kết thúc với sự sụp đổ của hệ thống Cộng sản làm tăng sự tự tin về sức mạnh và làm giảm mối quan tâm tới những cuộc chiến thất bại của Mỹ. Nhưng sang thế kỷ 21, hai cuộc chiến Afghanistan và Iraq mà nhiều người gọi là "một Việt Nam khác" cùng các tài liệu được giải mật từ tàng thư của Mỹ, Đông Âu, một phần từ Trung Quốc và Việt Nam đã khiến Chiến Tranh Đông Dương lần thứ 2 thu hút những nghiên cứu mới. Một trong các công trình được mong đợi là bộ phim tài liệu "Cuộc chiến Việt Nam" bắt đầu phát sóng vào giữa tháng 09/2017 trên kênh PBS đồng đạo diễn bởi Ken Burns và Lynn Novick.
Ken Burns, 64 tuổi, nổi tiếng với kiểu tóc "úp nồi", là một tượng đài về làm phim tài liệu ở Mỹ. Ông trở nên nổi tiếng sau khi hoàn thành bộ "Cuộc Nội Chiến" nói về Nội Chiến Hoa Kỳ phát sóng năm 1990. "Cuộc Nội Chiến" thu hút tới 40 triệu người xem, thiết lập kỷ lục cho chương trình có nhiều người xem nhất trong lịch sử của PBS. Sau thành công đó, Burns tạo cho mình danh tiếng như "người kể chuyện nước Mỹ" bằng loạt phim tài liệu về các câu chuyện kinh điển của Mỹ như "Bóng chày" (1994), "Jazz" (2001), "Luật cấm đồ cồn" (2011), và "Gia tộc Roosevelt" (2014). "Cuộc chiến Việt Nam" có lẽ cũng sẽ theo mạch đó, chỉ là một câu chuyện khác của nước Mỹ nếu không có Lynn Novick, người quả quyết rằng "Cuộc chiến Việt Nam" phải được thực hiện cả ở Việt Nam và kể những câu chuyện Việt Nam.
Lynn Novick sinh năm 1962, bà tốt nghiệp Đại học Yale và bắt đầu làm việc cho Burns khi bộ phim "Cuộc Nội Chiến" đang ở giai đoạn hậu kỳ. Ấn tượng với năng lực của Novick, Burns đã đề nghị bà làm nhà sản xuất cho phim tài liệu "Bóng Chày". Tới bộ tài liệu về Frank Lloyd Wright, kiến trúc sư bậc thày của Mỹ thì Burns và Novick trở thành đồng đạo diễn và tiếp tục như vậy với hầu hết các phim về sau. Trong quá trình làm "Cuộc chiến Việt Nam", Lynn Novick đã tới Việt Nam ba lần. Cùng nhà sản xuất Sarah Botstein, bà điều hành tất cả các hoạt động của dự án tại đây. Ken Burns do phải phẫu thuật thận đã không thể bay sang. Trong chuyến bay từ Mỹ tới Việt Nam tháng 08/2017, Novick đã tự nhủ đó sẽ là lần cuối cùng nhưng bà biết mình đã nhầm ngay khi đặt chân xuống mặt đất. Tuy dự án phim đã kết thúc nhưng một mối liên hệ cá nhân đã hình thành giữa bà và nhiều người bạn Việt. Sau những gì nhận được từ Việt Nam, bà cảm thấy mình có trách nhiệm phải làm cho bộ phim xem được ở Việt Nam thay vì chỉ mang nó về Mỹ như một sản phẩm thương mại. Lynn Novick mong rằng một ngày bà sẽ mang con trai và cả Ken Burns tới Việt Nam. Như vậy sẽ là lần đầu tiên bà giúp ông mở rộng tầm nhìn chứ không phải chiều ngược lại.
Có thể nói "Cuộc chiến Việt Nam" là một trong những dự án tham vọng nhất của Ken Burns và Novick. Bộ phim có độ dài 18 giờ chia làm 10 tập, được thực hiện trong 10 năm với kinh phí 30 triệu Đô-la Mỹ. Đội ngũ sản xuất đã thực hiện khối lượng nghiên cứu khổng lồ với 25,000 bức ảnh, hơn 15,000 giờ phim tư liệu, phỏng vấn trên dưới 80 nhân chứng, cung cấp nhiều tài liệu, thông tin mới được giải mật chưa từng được biết tới. Trent Reznor, nhạc sĩ từng đạt tượng vàng Oscar cho phần âm thanh của phim "Mạng xã hội" chịu trách nhiệm sản xuất âm thanh. 120 tác phẩm nổi tiếng của Bob Dylan, The Beatles và rất nhiều tên tuổi khác cũng được cấp quyền sử dụng để tái tạo không khí những năm 60, 70 của thế kỷ 20. Do tính chất nhạy cảm của đề tài này ở Việt Nam, Thomas Vallely, một cựu binh Mỹ, người có đóng góp lớn vào tiến trình bình thường hoá quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, đã phải lên tiếng để Bộ Ngoại Giao và bộ Quốc Phòng Việt Nam đồng ý ngầm cho Novick phỏng vấn và quay phim. Đội ngũ cố vấn cũng tập hợp các chuyên gia hàng đầu về Việt Nam như nhà sử học Fredrik Logevall từ Đại học Harvard, hay nhà báo Huy Đức, tác giả cuốn "Bên Thắng Cuộc".
Cả Ken Burns và Lynn Novick đều thừa nhận "Cuộc chiến Việt Nam" là chủ đề khó khăn và phức tạp nhất mà họ từng thực hiện khi có quá nhiều luồng quan điểm, quá nhiều cách nhìn nhận từ các đối tượng khác nhau. Khi được hỏi vì sao lựa chiến tranh Việt Nam, mở lại những hồi ức đau thương và tranh luận cay đắng không có hồi kết, hai đạo diễn cho rằng "Việt Nam" vẫn là công việc còn dang dở của nước Mỹ. Không có ai thực sự hiểu cuộc chiến đã xảy ra thế nào và những người trải qua nó phải chịu đựng ra sao. "Việt Nam" là chìa khoá để hiểu những vấn đề nội tại của nước Mỹ: chính quyền gian dối, chia rẽ trong xã hội và sự thiếu vắng những trao đổi mang tính xây dựng. Năm mươi năm sau đỉnh điểm của cuộc xung đột dường như là thời điểm lý tưởng cho một cách nhìn mới. Quãng thời gian đủ dài để bụi bặm chính trị lắng xuống nhưng cũng không quá dài để còn được nghe trực tiếp từ người đã thật sự trải qua nó. Burns và Novick cũng chia sẻ hy vọng bộ phim sẽ là một cơ hội để người Việt Nam hiểu hơn về cuộc nội chiến của chính mình cũng như "Cuộc Nội Chiến" của Burns đã làm cho người Mỹ vào năm 1990.
Ken Burns và Lynn Novick đặt ra một nguyên tắc khi bắt tay vào sản xuất "Cuộc chiến Việt Nam". Đó là phim sẽ không có sự tham gia của những nhân vật cộm cán mà theo Burns là những người "sẽ lái lịch sử theo hướng mà họ muốn". Không John Kerry hay John McCain, không Henry Kissinger hay Jane Fonda. Thay vào đó, bộ phim đã phỏng vấn những người "bình thường" từ tất cả các bên. Những người lính Mỹ, miền Bắc Việt Nam, Nam Việt Nam, giải phóng quân, gia đình tử sĩ Mỹ, liệt sĩ Việt Nam, thanh niên xung phong, người tị nạn, nhà hoạt động phản chiến...đã phơi bày cho công chúng một Cuộc chiến Việt Nam ở nhiều góc cạnh nhất và nhiều sự thật nhất, hơn tất cả những gì từng được biết. Một Cuộc chiến Việt Nam không phải từ lời lẽ của những người tiến hành nó mà từ câu chuyện của những người đã trực tiếp trải qua và chịu đựng nó một cách đau thương nhất và cũng hào hùng nhất.
Nhật Huy
Nguồn : VOA, 09/26/2017
Tổng hợp từ các nguồn: