Lãi suất cho vay để làm ăn ở Việt Nam là cao nhất thế giới ?
Hàn Lam, VNTB, 07/02/2023
Lãi suất tiền đồng tăng mạnh lên 9 – 13%/năm vào tháng 10/2022 trở đi
Bóng ma lạm phát
Lạm phát ở Việt Nam năm 2022 được kiểm soát trong mức 3,15%, định hướng năm 2023 là dưới 4,5%. Trong khi đó thì từ giữa tháng 10-2022 đến nay, mặt bằng lãi suất huy động tiết kiệm của các ngân hàng thương mại đã từ 9,5 – 13%/năm. Điều này cho thấy lãi suất huy động vốn của các nhà băng cao gấp đôi, gấp ba so với lạm phát. Do vậy nên tất yếu sẽ đẩy lãi vay đối với khách hàng lên 12 – 15%/năm, thậm chí cao hơn.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Ảnh minh họa
Theo số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước cập nhật, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm trên 95% khối giao dịch) ở mức 6,26%/năm, tăng thêm 0,17%/năm so với mức ghi nhận vào trước kỳ nghỉ Tết, và cao hơn khoảng 1,7%/năm so với cuối năm 2022.
Trong khi lãi suất kỳ hạn 9 tháng bất ngờ tăng lên 13%/năm từ mức 9,61% ghi nhận trước đó. Tuy nhiên doanh số giao dịch tại kỳ hạn này chỉ ở mức 200 tỷ đồng, chiếm chưa đến 0,1% quy mô giao dịch liên ngân hàng trong phiên này.
Đáng chú ý lãi suất liên ngân hàng bật tăng sau khi Ngân hàng Nhà nước bất ngờ chuyển từ trạng thái bơm ròng sang hút ròng.
Cụ thể, sau 5 phiên liên tiếp bơm ròng thanh khoản cho hệ thống ngân hàng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Ngân hàng Nhà nước đã mở lại hoạt động phát hành tín phiếu và hút 15.000 tỷ đồng từ 3 thành viên với kỳ hạn 7 ngày và lãi suất 5,79%/năm.
Công ty chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) dự báo mặt bằng lãi suất liên ngân hàng nhiều khả năng tiếp tục cao hơn đáng kể so với năm ngoái, trung bình quanh mức 7% đối với các kỳ hạn 1 đến 3 tháng. Các thời điểm căng thẳng thanh khoản dự báo rơi nhiều hơn vào nửa đầu năm. Đối với các kỳ hạn ngắn có thể dao động ở mức thấp hơn trong điều kiện dòng vốn đầu tư có những diễn biến thuận lợi hơn so với kỳ vọng.
Giá của đồng vốn làm ăn ở Việt Nam rất đắt
Giới chuyên gia tài chính độc lập nhìn nhận Việt Nam là một trong những nước duy trì lãi suất thực dương ở mức cao trên thế giới, trong khi một số nước thậm chí để lãi suất thực âm để hỗ trợ sự phát triển, tăng trưởng kinh tế.
Quan sát thị trường tiền tệ những tháng gần đây, theo nhận xét của ông Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, thì mục tiêu giảm lãi suất mà chính phủ kêu gọi là không hiệu quả.
"Cứ thấy kêu gọi các ngân hàng giảm lãi suất nhưng mấy tháng qua không giảm được bao nhiêu để hỗ trợ khách hàng vay vốn. Đừng đổ cho lãi suất quốc tế tăng lên mà lý giải cho lãi suất trong nước ở mức quá cao như hiện nay. Cần phải nhìn vào vấn đề nội tại vì sao lãi suất lại ở mức cao như vậy thì mới có có thể bốc trúng thuốc giải", ông Lê Đạt Chí nhấn mạnh.
Nhìn ra thế giới, vẫn theo diễn giải của ông Lê Đạt Chí, Mỹ chính thức tăng lãi suất từ tháng 3-2022 đến nay và gần đây nhất Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất USD lần thứ 8, lên 4,5 – 4,75%/năm. Thế nhưng lãi suất trái phiếu kho bạc của nước này kỳ hạn 10 năm có xu hướng giảm từ mức 3,8 – 3,9%/năm xuống còn 3,3%/năm. Trong khi đó thì ở Việt Nam, lãi suất tiền đồng tăng mạnh lên 9 – 13%/năm vào tháng 10-2022 trở đi.
Niềm tin của người dân ?
Lãi suất thực dương ở Việt Nam sở dĩ được theo đuổi vì chính phủ vốn từng bị ám ảnh của cuộc khủng hoảng đổ vỡ các quỹ tín dụng vào cuối thập niên 80 ở thế kỷ trước.
Sau khủng hoảng quỹ tín dụng nhân dân 1989, niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng bị sụt giảm nghiêm trọng, hệ quả là đa số người dân đều cất giữ tài sản tại nhà dưới dạng vàng, ngoại tệ…
Để khôi phục niềm tin vào hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã thực thi chính sách lãi suất huy động thực dương, làm tăng tính hấp dẫn của kênh tiết kiệm so với đầu tư vào vàng, ngoại tệ, bất động sản…, qua đó giúp tăng nguồn vốn huy động của các ngân hàng để phân phối vốn đến các lĩnh vực có nhu cầu, thúc đẩy nền kinh tế phát triển một cách hài hòa và cân bằng hơn.
Đồng thời, chính sách lãi suất thực dương cũng khuyến khích người dân tiết kiệm nhiều hơn và do đó làm tăng nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế.
Những thành công của chính sách lãi suất thực dương chính là lý do khiến Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục duy trì chính sách này từ đó cho đến nay.
Tuy nhiên chính sách lãi suất thực dương chỉ đứng về người gửi tiền mà trong nhiều trường hợp không tạo ra sự chia sẻ gánh nặng chi phí tài chính giữa người đi vay và người cho vay. Điều này có nghĩa là mọi rủi ro bị đẩy về phía người vay nên sẽ không khuyến khích hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế.
Và đó chính là điều mà Ngân hàng Nhà nước phải giải quyết rốt ráo hơn trong hài hòa giữa "thực dương – thực âm", giúp hài hòa lợi ích của cả người gửi tiền, ngân hàng và cả người đi vay tạo điều kiện hình thành mức lãi suất hợp lý trong nền kinh tế.
Hàn Lam
Nguồn : VNTB, 07/02/2023
************************
Vì sao họ không bận tâm về thuế thu nhập cá nhân ?
Hồng Dân, VNTB, 07/02/2023
Với đồng lương và phụ cấp theo quy định, tin chắc Chủ tịch Quốc hội và Bộ trưởng Công an không cách gì có thể dành dụm để chu cấp cho ái nữ của hai ông du học bên tận trời Tây.
Thuế thu nhập cá nhân chẳng bõ bèn gì nên chẳng mấy bận tâm
Mức lương tứ trụ của Đảng là bao nhiêu ?
Từ 01/07/2023, theo quy định thì sẽ tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng. Khi ấy thì tiền lương Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội năm 2023 sẽ thay đổi ra sao, họ có phải đóng thuế thu nhập cá nhân với chiết trừ gia cảnh như mọi người hay không ?
Hiện hành, tiền lương Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội được tính theo công thức :
Mức lương = Lương cơ sở x Hệ số lương
Mức lương cơ sở 2023 được thực hiện như sau :
– Từ ngày 01/01 – 30/6/2023 : Mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng.
– Từ ngày 01/7/2023 : Mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/tháng.
Hệ số lương của các chức danh nêu trên như sau : Theo Quyết định 128-QĐ/TW năm 2004, hệ số lương của Tổng bí thư là 13,00. Theo Nghị quyết 730/2004/NQ-UBTVQH11, hệ số lương của Chủ tịch nước là 13,00 ; hệ số lương của Thủ tướng và Chủ tịch quốc hội là 12,50.
Cụ thể, từ ngày 01/07/2023, đối với chức danh Tổng bí thư và Chủ tịch nước thì tiền lương sẽ tăng từ 19,370 triệu đồng lên 23,4 triệu đồng/tháng. Còn tiền lương Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội tăng từ 18,625 triệu đồng lên 22,5 triệu đồng một tháng. Tiền lương của Bộ trưởng cũng tăng thêm 3 triệu đồng lên mức 17,46 triệu đồng/tháng.
Như vậy, lương của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch quốc hội sẽ tăng thêm khoảng 4 triệu đồng/tháng so với hiện nay.
Họ đóng thuế thu nhập cá nhân là bao nhiêu ?
Cho đến nay thì có lẽ ai cũng tin rằng những quan chức chóp bu tầm Ủy viên Bộ Chính trị như Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội, các Bộ trưởng… đều lãnh nguyên lương, và phần thuế thu nhập cá nhân cũng như các quy định về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thì rất có thể được hạch toán bằng khoản chi từ… ngân sách.
Giả dụ như có tính thuế thu nhập cá nhân, thì khi Tổng bí thư có tổng thu nhập là 25 triệu đồng, không có khoản thu nhập được miễn thuế, và cũng không có người phụ thuộc, thì thu nhập chịu thuế của Tổng bí thư là 25 triệu đồng. Khoản đóng bảo hiểm bắt buộc hàng tháng : 2.625.000 đồng (8% tiền bảo hiểm xã hội, 1,5% bảo hiểm y tế, 1% bảo hiểm thất nghiệp trên lương).
Như vậy thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân của Tổng bí thư là : 25.000.000 – (11.000.000 + 2.625.000) = 11.375.000 đồng.
Vậy nên căn cứ vào bảng mức thuế suất thì Tổng bí thư phải thanh toán mức thuế là 15% với công thức là : 15% thu nhập cá nhân – 0,75 triệu đồng => Tổng bí thư phải đóng mức thuế là : 15% x 11.375.000 – 750.000 = 956.250 (đồng) mỗi tháng.
Con số chưa đến một triệu đồng này có lẽ chẳng bõ bèn gì nên với những quan chức trong bộ máy công quyền, họ chẳng mấy bận tâm.
Không nên cào bằng về giảm trừ gia cảnh
Mới đây, Tổng cục Thuế công bố thuế thu nhập cá nhân năm 2022 cả nước đạt 166.733 tỷ đồng, đạt 138% dự toán và tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, so với mức dự toán đề ra vào đầu năm, thuế thu nhập cá nhân năm 2022 đã thu vượt 48.658 tỷ đồng.
Trong 10 năm qua, số thu thuế thu nhập cá nhân đã tăng gấp 3,6 lần, đạt mức kỷ lục vào năm 2022.
Hiện nay, thuế thu nhập cá nhân đối với người làm công, ăn lương được chia làm 7 bậc :
- bậc 1 từ 0 – 5 triệu đồng/tháng thuế suất 0,5% ;
- bậc 2 từ 5 – 10 triệu đồng/tháng thuế suất 10% ;
- bậc 3 từ 10 – 18 triệu đồng/tháng thuế suất 15% ;
- bậc 4 từ 18 – 32 triệu đồng/tháng thuế suất 20% ;
- bậc 5 từ 32 – 52 triệu đồng/tháng thuế suất 25% ;
- bậc 6 từ 52 – 80 triệu đồng/tháng thuế suất 30% ;
- bậc 7 trên 80 triệu đồng/tháng thuế suất 35%.
Nhận xét về vấn đề trên, Bộ Tư pháp dẫn báo cáo khảo sát mức sống dân cư năm 2021 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và đầu tư) công bố cho thấy, thu nhập bình quân đầu người/tháng của Việt Nam trong năm 2021 (theo giá hiện hành) là 4,2 triệu đồng và nhóm hộ có thu nhập cao nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất – nhóm 5) có thu nhập bình quân là 9,184 triệu đồng/tháng/người.
Theo đó, mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay (11 triệu đồng/tháng) là bằng hơn 2,6 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người (cao hơn nhiều so với mức phổ biến mà các nước đang áp dụng) ; đồng thời cũng cao hơn mức thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số có thu nhập cao nhất. Mức giảm trừ đối với người phụ thuộc (4,4 triệu đồng/tháng) cũng tương đương với mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay.
Gia cảnh theo lạm phát hay theo mức sống ?
Hiện tại mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế, người phụ thuộc là mức cụ thể theo mặt bằng chung của xã hội, không phân biệt người có thu nhập cao hay thấp, với nhu cầu tiêu dùng khác nhau.
Vì thế, theo ý kiến của Bộ Tư pháp là mức cụ thể cần được nghiên cứu, tính toán một cách kỹ lưỡng, đảm bảo cao hơn GDP bình quân đầu người, tiền lương tối thiểu vùng, mức chi tiêu bình quân đầu người trong một giai đoạn nhất định.
Mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Trong 10 năm tính từ khi áp dụng Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi, lương tối thiểu vùng của Chính phủ đã tăng 9 lần (trừ năm 2021 do dịch Covid-19 nên không tăng, từ mức 2 triệu đồng/người/tháng lên hơn 4,68 triệu đồng/tháng, tương đương mức tăng gần 2,4 lần. Tuy nhiên, mức chiết trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc chỉ mới điều chỉnh được 1 lần vào giữa năm 2020.
Chuyện điều chỉnh giảm trừ gia cảnh này được gọi là điều hành thuế theo lạm phát, và điều đó cho thấy rất khó chấp nhận, vì theo mỗi năm, mức sống của người dân cần phải được tăng lên. Mỗi thứ một năm một khác tại sao lại cố định giảm trừ gia cảnh theo lạm phát ?.
Ngoài ra ở đây còn có vấn đề thu thuế thu nhập cá nhân, nhưng khi cá nhân ấy cần những chính sách an sinh tương ứng thì không thấy có chính sách nào đáp ứng…
Hồng Dân
Nguồn : VNTB, 07/02/2023
Trung tuần tháng 12/2022, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức họp với các đại diện các tổ chức tín dụng bàn về việc thống nhất lãi suất huy động, nhằm ổn định lãi suất và các giải pháp hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.
"Cuộc đua tăng lãi suất chỉ khiến cho tiền chạy từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, gây rối loạn thị trường, rủi ro cho cả ngân hàng, doanh nghiệp và chính người gửi tiền" – giám đốc một ngân hàng nhận xét.
Tại cuộc họp này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay, các ngân hàng thực hiện đúng cam kết giảm lãi suất cũng là một trong những yếu tố quan trọng để Ngân hàng Nhà nước có thêm điều kiện xác định hạn mức tín dụng năm 2023 cho ngân hàng đó, bên cạnh những chỉ tiêu đánh giá xếp loại…
Phía VNBA cho rằng, vừa qua, một số ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng mạnh lãi suất huy động, gây ra tình trạng cạnh tranh gay gắt, tạo tâm lý bất ổn đối với cả người gửi tiền và người đi vay. Tính đến ngày 14-12, lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng đa số dao động từ 6,1 – 8,3%/năm, có ngân hàng huy động lãi suất lên đến 11%. Do lãi suất cho vay được đẩy cao, khách hàng càng khó tiếp cận được nguồn vốn.
Cũng cần lưu ý là Ngân hàng Nhà nước đã liên tục bơm ra từ ngày 12 đến 16/12 thông qua thị trường mở, với tổng giá trị khoảng 32.137 tỷ đồng. Các ngân hàng trúng thầu chủ yếu ở mức lãi suất từ 6 – 6,4%/năm, ở các kỳ hạn 14 ngày và 91 ngày. Nhà điều hành đã không có phiên nào rút vốn về.
Thế nhưng lãi suất giao dịch trên thị trường liên ngân hàng có lúc lên gần 11%/năm. Cụ thể, ngày 15/12, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm lên 5,19%/năm, 1 tuần lên 6,08%/năm, 2 tuần lên 7,48%/năm, 1 tháng 7,96%/năm. Đến kỳ hạn 3 tháng, lãi suất lên đến 10,73%/năm, 6 tháng lên 10,93%/năm. Doanh số giao dịch duy trì ở mức cao, chẳng hạn qua đêm ở mức 231.924 tỷ đồng, 1 tuần 7.642 tỷ đồng, 1 tháng 3.217 tỷ đồng…
Lãi suất huy động của một số nhà băng vẫn ở mức cao. Chẳng hạn, Saigonbank áp dụng lãi suất huy động 6 tháng ở mức 9,6%/năm, 9 tháng ở mức 9,8%/năm, 12 tháng lên 10%/năm và mức cao nhất là 10,5%/năm ở kỳ hạn 13 tháng. DongABank huy động lãi suất cao nhất 9,85%/năm đối với kỳ hạn 13 tháng trở lên. Ngoài ra, nhà băng này còn cộng thêm biên độ từ 0,7 – 1,1% tùy theo kỳ hạn gửi 6 hay 13 tháng cuối kỳ, dựa vào số tiền gửi. Hay SCB duy trì lãi suất huy động tiết kiệm online 9,9%/năm từ kỳ hạn 6 tháng trở lên.
Công thức tính lãi suất ngân hàng như sau : Tiền lãi = tiền gửi x lãi suất%/12 x số tháng gửi. Ví dụ, tại ngân hàng A, nếu gửi tiết kiệm 100 triệu đồng kỳ hạn 6 tháng, lãi suất 6,1%/năm thì số tiền lãi sẽ là : 100 triệu x 6,1%/12 x 6 = 3,05 triệu đồng.
Cũng cùng số tiền 100 triệu, gửi tiết kiệm tại ngân hàng B, kỳ hạn 13 tháng, lãi suất 10,5%, số tiền lãi được lĩnh cuối kỳ là : 100 triệu x 10,5%/12 x 13 = 11,375 triệu đồng.
Mỗi ngân hàng sẽ quy định mức lãi suất khác nhau, tùy theo thời hạn và số tiền tiết kiệm bạn gửi. Bạn có thể gửi tiết kiệm kỳ hạn dài để hưởng lãi suất cao, hoặc chia nhỏ làm các khoản, gửi với các kỳ hạn khác nhau để phù hợp với mục đích sử dụng
So với cuối năm 2021, lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng hiện nay đã tăng khoảng 3-4% ở các kỳ hạn trên 6 tháng và trên 12 tháng. "Điều này gây nên tình trạng cạnh tranh huy động gay gắt, tạo tâm lý bất ổn với cả người gửi tiền và đi vay", Tổng thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng nhận xét.
Ở một góc nhìn khác, có ý kiến cảnh báo việc áp đặt các biện pháp hành chính trong điều hành chính sách lãi suất hiện nay dễ đi theo vết xe đổ của năm 2009 – 2011. Lúc đó, Ngân hàng Nhà nước áp trần lãi suất huy động, các ngân hàng nhỏ buộc phải "đi đêm" huy động lãi suất, dẫn đến lãi suất tăng cao, bất động sản đóng băng, nợ xấu tăng lên…
"Khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện bơm vốn cho những nhà băng yếu thanh khoản thì không còn tình trạng chạy đua huy động hút vốn giữa các ngân hàng với nhau nữa. Vấn đề thanh khoản ngân hàng được giải quyết thì tự động lãi suất sẽ giảm.
Không ngân hàng nào muốn đẩy lãi suất huy động lên cao cả. Tốc độ huy động vốn của các ngân hàng trong thời gian qua chậm hơn cho vay. Nên ngay cả cấp thêm hạn mức tín dụng 200.000 tỷ đồng vừa qua mà ngân hàng không huy động vốn được thì cho vay ra cũng khó" – phía ý kiến phản đối việc áp đặt các biện pháp hành chính trong điều hành chính sách lãi suất, đưa ra hướng xử trí vấn đề.
Hàn Lam
Nguồn : VNTB, 19/12/2022