Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/12/2022

Lãi suất cho vay của ngân hàng vẫn đang cao ngất ngưỡng

Hàn Lam

Trung tuần tháng 12/2022, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức họp với các đại diện các tổ chức tín dụng bàn về việc thống nhất lãi suất huy động, nhằm ổn định lãi suất và các giải pháp hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.

laisuat1

"Cuộc đua tăng lãi suất chỉ khiến cho tiền chạy từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, gây rối loạn thị trường, rủi ro cho cả ngân hàng, doanh nghiệp và chính người gửi tiền" – giám đốc một ngân hàng nhận xét.

Tại cuộc họp này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay, các ngân hàng thực hiện đúng cam kết giảm lãi suất cũng là một trong những yếu tố quan trọng để Ngân hàng Nhà nước có thêm điều kiện xác định hạn mức tín dụng năm 2023 cho ngân hàng đó, bên cạnh những chỉ tiêu đánh giá xếp loại…

Phía VNBA cho rằng, vừa qua, một số ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng mạnh lãi suất huy động, gây ra tình trạng cạnh tranh gay gắt, tạo tâm lý bất ổn đối với cả người gửi tiền và người đi vay. Tính đến ngày 14-12, lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng đa số dao động từ 6,1 – 8,3%/năm, có ngân hàng huy động lãi suất lên đến 11%. Do lãi suất cho vay được đẩy cao, khách hàng càng khó tiếp cận được nguồn vốn.

Cũng cần lưu ý là Ngân hàng Nhà nước đã liên tục bơm ra từ ngày 12 đến 16/12 thông qua thị trường mở, với tổng giá trị khoảng 32.137 tỷ đồng. Các ngân hàng trúng thầu chủ yếu ở mức lãi suất từ 6 – 6,4%/năm, ở các kỳ hạn 14 ngày và 91 ngày. Nhà điều hành đã không có phiên nào rút vốn về.

Thế nhưng lãi suất giao dịch trên thị trường liên ngân hàng có lúc lên gần 11%/năm. Cụ thể, ngày 15/12, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm lên 5,19%/năm, 1 tuần lên 6,08%/năm, 2 tuần lên 7,48%/năm, 1 tháng 7,96%/năm. Đến kỳ hạn 3 tháng, lãi suất lên đến 10,73%/năm, 6 tháng lên 10,93%/năm. Doanh số giao dịch duy trì ở mức cao, chẳng hạn qua đêm ở mức 231.924 tỷ đồng, 1 tuần 7.642 tỷ đồng, 1 tháng 3.217 tỷ đồng…

Lãi suất huy động của một số nhà băng vẫn ở mức cao. Chẳng hạn, Saigonbank áp dụng lãi suất huy động 6 tháng ở mức 9,6%/năm, 9 tháng ở mức 9,8%/năm, 12 tháng lên 10%/năm và mức cao nhất là 10,5%/năm ở kỳ hạn 13 tháng. DongABank huy động lãi suất cao nhất 9,85%/năm đối với kỳ hạn 13 tháng trở lên. Ngoài ra, nhà băng này còn cộng thêm biên độ từ 0,7 – 1,1% tùy theo kỳ hạn gửi 6 hay 13 tháng cuối kỳ, dựa vào số tiền gửi. Hay SCB duy trì lãi suất huy động tiết kiệm online 9,9%/năm từ kỳ hạn 6 tháng trở lên.

Công thức tính lãi suất ngân hàng như sau : Tiền lãi = tiền gửi x lãi suất%/12 x số tháng gửi. Ví dụ, tại ngân hàng A, nếu gửi tiết kiệm 100 triệu đồng kỳ hạn 6 tháng, lãi suất 6,1%/năm thì số tiền lãi sẽ là : 100 triệu x 6,1%/12 x 6 = 3,05 triệu đồng.

Cũng cùng số tiền 100 triệu, gửi tiết kiệm tại ngân hàng B, kỳ hạn 13 tháng, lãi suất 10,5%, số tiền lãi được lĩnh cuối kỳ là : 100 triệu x 10,5%/12 x 13 = 11,375 triệu đồng.

Mỗi ngân hàng sẽ quy định mức lãi suất khác nhau, tùy theo thời hạn và số tiền tiết kiệm bạn gửi. Bạn có thể gửi tiết kiệm kỳ hạn dài để hưởng lãi suất cao, hoặc chia nhỏ làm các khoản, gửi với các kỳ hạn khác nhau để phù hợp với mục đích sử dụng

So với cuối năm 2021, lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng hiện nay đã tăng khoảng 3-4% ở các kỳ hạn trên 6 tháng và trên 12 tháng. "Điều này gây nên tình trạng cạnh tranh huy động gay gắt, tạo tâm lý bất ổn với cả người gửi tiền và đi vay", Tổng thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng nhận xét.

Ở một góc nhìn khác, có ý kiến cảnh báo việc áp đặt các biện pháp hành chính trong điều hành chính sách lãi suất hiện nay dễ đi theo vết xe đổ của năm 2009 – 2011. Lúc đó, Ngân hàng Nhà nước áp trần lãi suất huy động, các ngân hàng nhỏ buộc phải "đi đêm" huy động lãi suất, dẫn đến lãi suất tăng cao, bất động sản đóng băng, nợ xấu tăng lên…

"Khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện bơm vốn cho những nhà băng yếu thanh khoản thì không còn tình trạng chạy đua huy động hút vốn giữa các ngân hàng với nhau nữa. Vấn đề thanh khoản ngân hàng được giải quyết thì tự động lãi suất sẽ giảm.

Không ngân hàng nào muốn đẩy lãi suất huy động lên cao cả. Tốc độ huy động vốn của các ngân hàng trong thời gian qua chậm hơn cho vay. Nên ngay cả cấp thêm hạn mức tín dụng 200.000 tỷ đồng vừa qua mà ngân hàng không huy động vốn được thì cho vay ra cũng khó" – phía ý kiến phản đối việc áp đặt các biện pháp hành chính trong điều hành chính sách lãi suất, đưa ra hướng xử trí vấn đề.

Hàn Lam

Nguồn : VNTB, 19/12/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hàn Lam
Read 277 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)