Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Bế tắc với Lê Thanh Hải, Nguyễn Phú Trọng cho Tô Ân Xô mang Lê Tấn Hùng ra hành hạ

Đã bắt Lê Tấn Hùng gần 2 năm mà chẳng khai thác được gì đó là lỗi tệ hại của Tô Lâm. Bắt một quan chức thành phố nhỏ nhoi mà huy động đến cả Bộ Công an vào tận Thành phố Hồ Chí Minh bắt rồi mang ra Hà Nội khai thác. Không biết khai thác thế nào mà đến hơn một năm sau cũng chẳng làm gì được Lê Thanh Hải.

lethanhhai1

Ông Lê Tấn Hùng đã bị bắt gần 2 năm trong vụ công ty Sagri

Ông Tô Lâm có thể vâng lời Nguyễn Phú Trọng lặn lội sang tận Berlin bát cóc Trịnh Xuân Thanh mang về nước quy án mà với một mình Lê Tấn Hùng nhỏ nhoi ông Tô Lâm không làm gì được. Không biết nghiệp vụ của bộ Công An như thế nào mà vẫn không giải quyết nổi một nhân vật nhỏ như vậy.

Thực ra tầm như Lê Tấn Hùng thì chỉ cần công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt là được không cần phải Bộ Công an từ Hà Nội và bắt. Tưởng rằng bắt Lê Tấn Hùng mang đi là có thể khai thác được Lê Thanh Hải, nhưng cuối cùng cả Bộ Công an đã lầm. Không khai thác được gì về ông Lê Thanh Hải từ người em của ông là Lê Tấn Hùng.

Quan việc bế tắc của ông Trọng và cả Bộ Công an thì vấn đề gì cần được phân tích ? Đó là ông Lê Thanh Hải dường như đã liệu trước tình huống. Chỉ có liệu trước thì Lê Tấn Hùng trong tù mới phối hợp với bên ngoài không cung cấp tin tức gì bất lợi cho Lê Thanh Hải.

Nếu chỉ điều tra sai phạm tại Sagri thì bộ Công An không phải tốn quá nhiều thời gian đến như vậy. Cho đến nay đã gần 2 năm mà vẫn chưa đưa Lê Tấn Hùng và những người liên quan ra tòa.

Có một điều là, nếu đem Lê Tấn Hùng ra tòa xử vụ án Sagri thì điều đó cũng có nghĩa là mọi việc khai thác Lê Tấn Hùng đều phải dừng lại. Lúc đó sai phạm liên quan đến Lê Thanh Hải, ông Tô Lâm không thể khai thác gì thêm. Nếu đem Lê Tấn Hùng ra xử càng sớm thì ông Lê Thanh Hải càng nhẹ nhõm.

Đã bắt được Tất Thành Cang sao lại vẫn bế tắc ?

Hồi tháng 12/2020 ông Nguyễn Văn Nên cho công an thành phố Hồ Chí Minh bắt Tất Thành Cang làm người dân ông Nên sẽ bắt Lê Thănh Hải tới nơi. Tuy nhiên cho đến nay đã 6 tháng mà ông Nguyễn Văn Nên vẫn chưa khai thác gì được ông cựu phó bí thư thường trực thành phố.

Việc Lê Tấn Hùng không khai về Lê Thanh Hải đã đành, nếu Tất Thành Cang mà không khai gì đến Lê Thanh Hải thì quả thật, ông Lê Thanh Hải quá cao tay. Qua những gì đang diễn ra cho thấy, ông Lê Thanh Hải đã liên kết với các người trong nhóm lợi ích chuẩn bị đối phó với tính huống xấu nhất. Phải nói rằng, ông Lê Thanh Hải có chiến lược đối phó rất hiệu quả trước những đợt tấn công từ thế lực miền Bắc.

Đứng trước những bế tắc trên, mới đây ngày 27/5 ông Tô Lâm lại cho mang vụ án Sagri ra moi móc thêm tội. Được biết cựu lãnh đạo Sagri ông Hồ Văn Ngon bị cáo buộc che giấu tội phạm và 2 tội danh khác.

Ông Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, cho biết Bộ Công an hiện nay đang trong quá trình mở rộng điều tra vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Tham ô tài sản tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn – Sagri.

Các sai phạm tại Sagri được kết luận là do cựu Tổng giám đốc Lê Tấn Hùng chủ mưu, gây thiệt hại 348 tỷ đồng.

Ngoài hành vi che giấu tội phạm, ông Ngon, 66 tuổi ; Dư Huy Quang (nguyên Giám đốc Văn phòng Đăng kỳ đất đai, hiện là Trưởng Phòng quản lý đất thuộc Sở Tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh) ; Lê Thị Diệp Cẩm (Phó phòng nhân sự hành chính) còn bị điều tra về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Cố moi thêm tội nhưng vẫn bế tắc

Sagri là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, trực thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 8/2015, ông Lê Tấn Hùng được ông anh ruột Lê Thanh Hải bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc. Một sự bổ nhiệm mang tính gia đình. Ông Lê Tấn Hùng bất tài thì cả bộ máy chính quyền thành phố ai cũng biết. Tuy nhiên, giống như ông Nguyễn Tấn Dũng, ông Lê Thanh hải cũng không tự ký quyết định bổ nhiệm Lê Tấn Hùng mà để Lê Hoàng Quân ký.

Năm 2016, ông Hùng đề nghị Ủy ban Nhân dâm Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận chuyển nhượng dự án Phước Long B (Sagri quản lý) cho Tổng công ty Cổ phần Phong Phú với giá 168 tỷ đồng (tương đương hơn 10,5 triệu đồng/m2) – thấp hơn giá thị trường, gây thiệt hại nghiêm trọng.

Ông Hùng bị cho là biết việc chuyển nhượng này phải thực hiện đúng quy định về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp ; phải thẩm định giá, xác định giá trị chuyển nhượng theo giá thị trường và các quy định pháp luật khác có liên quan… nhưng đã không thực hiện đầy đủ. Dự án mới được 80% công trình hạ tầng kỹ thuật, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng, chưa có phương án thoái vốn nhưng ông Hùng vẫn chỉ đạo cấp dưới hoàn thiện các thủ tục.

Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến đã ký quyết định chấp thuận cho Sagri chuyển nhượng dự án khu nhà ở Phước Long B, sau khi được Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn và hàng loạt cán bộ của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tham mưu.

lethanhhai2

Bế tắc, ông Nguyễn Phú Trọng lại đem Sagri là moi thêm tội của người có liên quan

Ngoài ra, ông Hùng còn bị cho là đã lợi dụng chức vụ, chỉ đạo thuộc cấp lập khống 10 hồ sơ hợp đồng cho cán bộ đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài để tham ô hơn 13 tỷ đồng.

Ai cũng biết, nếu không có chỉ đạo miệng ông Lê Hoàng Quân không bao giờ ký bổ nhiệm một con người kém năng lực vào trong vị trí mà ông quản lí. Tuy nhiên, vì không có bằng chứng nên khai chỉ đạo sai trái này là không thể. Bởi trên giấy tờ ông Lê Thanh Hải không ký bổ nhiệm em trai mình.

Còn vấn đề Sagri, dù ông Tô Lâm có cố tình moi móc thêm sai phạm tại doanh nghiệp này thì tội cũng chỉ đổ lên đầu Lê Tấn Hùng chứ chẳng có cơ sở nào cho thấy ông Lê Thanh hải chịu trách nhiệm.

Có thể nói, vấn đề của ông Lê Thanh hải là dùng chiến thuật khác, còn lấy Sagri ra hành hạ lần này đến lần khác thì cũng chẳng làm được gì. Vụ án chỉ là sai phạm trong vấn đề chuyển nhượng đất đai mà 2 năm điều tra không xong.

Với chính quyền cộng sản, tội dùng để khởi tố chỉ là cái cớ, còn khi bắt về họ sẽ khai thác theo hướng khác. Cũng giống như vụ án ông Trịnh Xuân Thanh vậy, cái xe mang biển xanh mà ông Thanh sử dụng nó không phải là lỗi lớn nhưng ông Tô Lâm vẫn dùng đó như là cái cớ để bắt Trịnh Xuân Thanh.

Dấu hiệu ông Nguyễn Phú Trọng đã đuối ?

Ông Nguyễn Phú Trọng giờ đã già nua, hôm ngày 23/5 ông bỏ phiếu trước ông kính truyền hình cho thấy sức khỏe ông đã yếu. Trong Bộ Chính trị thì cho đến giờ ông Trọng vẫn không sắp xếp ghế xong xuôi cho các thành viên, còn đó ông Nguyễn Hòa bình chưa được bố trí, còn đó ông Lương Cường chưa được bố trí. Quyền chức và bổng lộc mà không thỏa đáng thì nội bộ Bộ Chính trị sẽ không yên ổn. Trong khi đó bên ngoài, ông Nguyễn Phú Trọng đang vấp phải sự chống đỡ rất quyết liệt từ phía Lê Thanh Hải. Với tuổi 77 và sức khỏe kém như thế thì ông Nguyễn Phú Trọng sẽ làm gì đây ?

Hiện nay bộ máy đảng và bộ máy nhà nước của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa được kiện toàn. Ghế ông Trần Lưu Quang vẫn còn đang bỏ trống, rồi ông Nguyễn Thành Phong cũng chưa muốn đi. Cho đến bây giờ, ông Nguyễn Phú Trọng khó mà khai thác được gì từ Lê Tấn Hùng và Tất Thành Cang. Hướng còn lại là củng cố bộ máy đảng và bộ máy nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh theo kịch bản nhân sự mà ông Trọng đã đề ra để ông Nguyễn Văn Nên có đồng đội trong cuộc chiến triệt hạ thế lực Lê Thanh Hải.

Cho đến bây giờ, việc Nguyễn Văn Thể có về thành phố hay không cũng chưa chắc chắn. Chưa chắc chắn vì thế lực Lê Thanh Hải đang phá để ông Thể không thể về thành phố được.

Còn vấn dề ông Thể cũng là một ẩn số. Liệu rằng ông Thể về thành phố có kết hợp tốt với ông Nguyễn Văn Nên hay không thì đó là một chuyện khác. Nói chung, việc bắt được ông Lê Thanh hải cũng lắm gian truân chứ không dễ dàng.

Minh Tú (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 30/05/2021

Published in Diễn đàn

Bắt Lê Tấn Hùng : Điềm quá xấu với ‘bố già’ Lê Thanh Hải

Thường Sơn, VNTB, 07/07/2019

Cho đến giờ phút này, khả năng vụ Thủ Thiêm chìm xuồng là gần như không thể... 

bat1

Chân dung hai anh em Lê Thanh Hải - Lê Tấn Hùng. Ảnh minh họa (internet)

Sẽ khó có thể so sánh hai vụ Phạm Nhật Vũ - Phạm Nhật Vượng và Lê Tấn Hùng - Lê Thanh Hải với nhau bởi một điểm khác biệt rất đáng kể : dù Phạm Nhật Vũ đã bị tống giam vì dính đậm vụ ‘MobiFone mua AVG’, nhưng anh trai của Vũ là Phạm Nhật Vượng không bị liên lụy vì chưa có cơ quan pháp luật nào xác định Vượng liên đới vụ mua bán khống đó ; còn vụ nhân vật Lê Tấn Hùng vừa bị cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt khẩn cấp vào ngày 6/7/2019 vì ‘ăn bẫm’ 13,3 tỷ đồng lại rất có thể dẫn đến ông anh ruột là ‘bố già’ Lê Thanh Hải - từng một thời là chủ tịch và bí thư đầy tai tiếng và cả ‘tội ác’ ở đất Sài Gòn.

Nguyên do : bản thân Lê Thanh Hải cũng đang dính phốt nặng vụ ‘ăn đất Thủ Thiêm’, chưa kể quá nhiều đồn đoán về những vụ ‘ăn uống’ khác.

Vào tháng trước, sau hơn một năm trời co kéo, vụ Lê Tấn Hùng mới được chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh chuyển từ hình thức kỷ luật khiển trách sang cách chức vì "vi phạm rất nghiêm trọng" khi ông Hùng còn ngồi ghế tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI). 

Trước khi được điều động về Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn vào năm 2014, Lê Tấn Hùng giữ chức Chỉ huy trưởng Lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh.

Lực lượng Thanh niên xung phong lại là "cái nôi cách mạng" để từ đó "đi lên" của Lê Thanh Hải. Đơn vị này là một trong số những tai tiếng lớn nhất về đặc quyền đặc lợi ở đất Sài Gòn và bị cho là được "bảo kê 100%" bởi ông Lê Thanh Hải.

Ngay sau khi Nguyễn Phú Trọng tạm hồi phục sau cơn bạo bệnh tại xứ Kiên Giang ‘nhà Ba Dũng’, hiện tượng vụ Lê Tấn Hùng bị lôi trở lại và trùng thời gian với vụ bắt hai giám đốc doanh nghiệp liên đới mật thiết với cựu phó bí thư thường trực thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh kiêm ‘đệ ruột’ của Lê Thanh Hải là Tất Thành Cang đang báo hiệu một điềm rất xấu với ‘bố già’ Lê Thanh Hải, cho dù mới đây Lê Thanh Hải chợt xuất đầu lộ diện trong "Hội thảo khoa hHọc 50 năm thực hiện di chúc thiêng liêng của chủ tịch Hồ Chí Minh" do Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh của Nguyễn Thiện Nhân tổ chức, với phát biểu đậm chất ‘lên lớp’ : ‘còn có một bộ phận cán bộ đảng, đảng viên dao động về phẩm chất chính trị, "tự diển biến", "tự chuyển hóa ", suy thoái, sa sút về phẩm chất đạo đức…" - như một hành động tự che chắn cho bản thân.

Lê Thanh Hải không chỉ được đồn đoán là một trong những ‘tư bản đỏ’ kếch xù nhất trên rẻo đất chữ S quằn quại đau thương của hàng triệu dân oan đất đai, mà có lẽ còn là cái tên ngự ngay ở tốp đầu trong bản ‘danh sách tử thần’ của Nguyễn Phú Trọng : danh sách những quan chức mà nếu bị ‘mổ’ theo cách không kịp và không thể tẩu tán tài sản cá nhân thì đảng của ông Trọng sẽ có thể ‘thu hồi tài sản tham nhũng’ từ 3 đến 5 tỷ USD mỗi năm - một thành tích không quá tệ so với việc Tập Cận Bình đã từng xử chung thân và tịch thu tài sản của ‘bạn’ của Lê Thanh Hải là Bộ trưởng công an Chu Vĩnh Khang, cùng lúc trám bớt vào cái lỗ trống toang hoác của nền ngân sách Việt Nam đang lao vào thời kỳ hộc rỗng đen tối.

Vào giữa năm 2019, tương lai của nhóm quan chức cao cấp ăn đất Thủ Thiêm đang trở nên mờ mịt và nguy khốn hơn hẳn năm 2018 khi cơ quan Thanh tra chính phủ công bố kết luận thanh tra về vụ khiếu tố khổng lồ ở Thủ Thiêm.

Bản kết luận trên tuy chẳng thèm đả động gì đến việc bồi thường và trả lại đất cho hàng chục ngàn người dân bị cưỡng chế giải tỏa theo kiểu luật rừng, tan nhà nát cửa và bị biến thành dân oan đất đai bất đắc dĩ, cũng không trả lời được những câu hỏi như "Cơ sở nào kết luận 4,3 ha của phường Bình An nằm ngoài ranh ?", "160 ha tái định cư biến đi đâu và rơi vào túi nhũng kẻ nào ?", "Tấm bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm biến đi đằng nào ?"…, nhưng lại khá chi tiết khi quy trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân trong việc quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, làm thất thoát ngân sách nhà nước, phá vỡ quy hoạch chung theo Quyết định 367, thu hồi tiền của các dự án về cho nhà nước… Về tầm vóc và chiều sâu, bản kết luận thanh tra này là sắc bén hơn nhiều so với bản kết luận kiểm tra - cũng của Thanh tra chính phủ - được ban hành vào tháng 9 năm 2018 theo cung cách ‘cho có’ và ‘chẳng chết ai’.

Chi tiết đắt giá nhất liên quan đến chuyện sống chết là ngoài kết luận thanh tra Thủ Thiêm được công bố, Thanh tra chính phủ còn có một văn bản không công khai đề cập đến những quan chức sai phạm thuộc diện quản lý của Ban bí thư và Bộ chính trị. Văn bản này chắc chắn đã được Thanh tra chính phủ gửi cùng kết luận thanh tra cho Ủy ban Kiểm tra trung ương, Thường trực Ban bí thư và ‘tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng.

Cho đến giờ phút này, khả năng vụ Thủ Thiêm chìm xuồng là gần như không thể. Vấn đề còn lại chỉ là Lê Thanh Hải và nhóm quan chức cao cấp ‘ăn đất’ trong Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phải chịu hậu quả đến mức nào - xử lý kỷ luật đảng hay theo chân Đinh La Thăng để phải gào lên ở tòa "Hãy đối xử với bị cáo như một con người !"…

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 06/07/2019

*******************

Em trai ông Lê Thanh Hải bị bắt về tội ‘gây thất thoát, lãng phí’

T.K, Người Việt, 05/07/2019

Ông Lê Tấn Hùng, cựu tổng giám đốc Tổng công ty Nông Nghiệp Sài Gòn (Sagri) và là em trai cựu Bí thư Thành Ủy ở Sài Gòn Lê Thanh Hải, bị bắt với cáo buộc "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Truyền thông trong nước loan tin hôm Thứ Bảy, 6/7/2019.

bat2

Cựu Tổng Giám Đốc Sagri Lê Tấn Hùng (đứng). (Hình : Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh)

Trước khi bị bắt, ông Hùng đã lần lượt bị cảnh cáo, hạ bậc lương và đình chỉ chức vụ "theo đúng quy trình kỷ luật cán bộ". Năm 2014, ông Hùng được điều động từ vị trí chỉ huy trưởng lực lượng Thanh niên xung phong về Sagri.

Báo Zing dẫn kết luận của thanh tra thành phố ở Sài Gòn cho biết, vào năm 2016, ông Hùng và cấp dưới ký 10 hợp đồng chi hơn 13 tỉ đồng (558.057 USD) cho hàng chục cán bộ, người lao động "đi nước ngoài học tập kinh nghiệm ở nước ngoài". Tuy nhiên, có 22 người không tham gia chuyến đi, 40 trong số 70 người được đi thì lại không có trong danh sách, số còn lại không có thông tin trên hệ thống xuất nhập cảnh.

Cũng theo Zing, ngoài sai phạm trên, ông Hùng còn bị quy trách nhiệm trong việc cho thuê đất, hợp tác đầu tư "khi chưa có ý kiến của cơ quan thẩm quyền", đầu tư kinh doanh trên đất ngoài ngành.

Cụ thể, công ty một thành viên xuất nhập khẩu Nông Lâm Hải Sản (100% vốn của Sagri) bị cáo buộc "đã ký 10 hợp đồng góp vốn thành lập pháp nhân mới để hợp tác đầu tư trên 24 khu đất có tổng diện tích hơn 1.900 héc ta. Ngoài ra, Sagri bị cơ quan thanh tra kết luận đã bàn giao đất và tài sản trên đất của Công ty Bò Sữa Thành phố cho hai công ty sản xuất nông sản với tổng diện tích 590 héc ta "khi chưa có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân thành phố ở Sài Gòn", chưa có quyết định thu hồi và giao đất của cơ quan có thẩm quyền.

Báo Thanh Niên online nêu rõ quá trình xử lý sai phạm tại Sagri đã bắt đầu từ tháng 10/2017. Khi đó Thanh tra (Thành phố Hồ Chí Minh) ban hành kết luận số 38 sau khi thanh tra toàn diện Sagri.

Tuy nhiên, đến tháng 10/2018, UBND (Thành phố Hồ Chí Minh) bàn bạc và thấy mức xử lý kỷ luật khiển trách ông Lê Tấn Hùng là "chưa tương xứng với mức độ sai phạm". Cho đến tháng 1/2019, ông Hùng bị kỷ luật về mặt Đảng.

Vụ án Sagri và xử lý sai phạm của ông Lê Tấn Hùng kéo dài dù đã có kết luận thanh tra toàn diện từ năm 2017 khiến cho dư luận đặt nhiều nghi vấn.

Hồi tháng 6/2019, nhà báo Trương Quang Vĩnh, cựu phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, từng bình luận trên trang cá nhân về vụ xử sai phạm của ông Lê Tấn Hùng :

"Việc xử lý Lê Tấn Hùng bị chống chọi, níu kéo hay đang bợt cỡn với phép nước, kỷ cương ? Hơn một năm qua việc thanh tra, kiểm toán và xử lý ông Lê Tấn Hùng là trường hợp hiếm thấy. Vì sao hơn một năm qua, hai lần thanh tra và một lần kiểm toán nhà nước chỉ ra rất nhiều sai phạm mà chỉ "khiển trách" đối với ông Hùng, rồi với áp lực của dư luận phải nâng lên mức "cảnh cáo" ? Và khi nâng lên "cảnh cáo" vì cho rằng mức "khiển trách" chưa tương xứng ? Và rồi thanh tra công bố kết luận thanh tra tại Sagri và "kỷ luật" cho các sai phạm trên là… "hạ bậc lương" đối với ông Hùng. Thật sự rất khó hiểu bên trong nó là gì. Nhưng cũng không phải ngẫu nhiên mà các đại biểu quốc hội nói với báo chí rằng em trai cựu Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải không phải là "vùng cấm" trong xử lý sai phạm".

Vụ bắt ông Hùng diễn ra trong bối cảnh có nhiều suy đoán về việc anh trai ông này, cựu Bí thư Thành Ủy ở Sài Gòn Lê Thanh Hải có thể sẽ bị nêu đích danh sai phạm trong vụ cướp đất dân oan tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Điều khá mỉa mai là chỉ một tuần trước, hôm 29/06, các báo nhà nước đồng loạt đăng bài phát biểu hùng hồn của ông Lê Thanh Hải về chuyện "một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, tự diễn biến, tự chuyển hóa và hô hào kiên quyết chống tham nhũng".

T.K

******************

Em trai ông Lê Thanh Hải bị bắt tạm giam và khởi tố

BBC tiếng Việt, 06/07/2019

Một quan chức ở Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, ông Lê Tấn Hùng, vừa bị bắt tạm giam và khởi tố, theo truyền thông chính thống Việt Nam.

bat2

Ông Lê Tấn Hùng, sinh năm 1963 bị khởi tố và bắt tạm giam

Ông Hùng là em ruột của ông Lê Thanh Hải - cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Hôm 06/07/2019, báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin cho hay cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiến hành điều tra một vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại doanh nghiệp trên.

"Quá trình điều tra, ngày 5/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành các biện pháp tố tụng, theo đó, ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn - trách nhiệm hữu hạn một thành viên, quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015", tờ báo trực thuộc Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh cho hay.

"Đồng thời ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với các bị can về hành vi "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại khoản 3, Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015, gồm : Lê Tấn Hùng, sinh năm 1963 ; nguyên Tổng Giám đốc ; cư trú tại số 22 Bis Trương Định, phường 6, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh ; và Nguyễn Thành Mỹ, sinh năm 1959 ; nguyên Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Đầu tư ; cư trú tại Số 157/32 Hưng Phú, phường 8, quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh".

Vẫn Sài Gòn Giải Phóng cho biết thêm : "Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, ngày 6/7/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các quyết định tố tụng nêu trên theo đúng quy định của pháp luật".

"Sai phạm khủng mức nào" ?

Cũng hôm thứ Bảy, báo Thanh Niên trong bài viết có tựa đề "Ông Lê Tấn Hùng bị bắt giam : Sai phạm tại SAGRI 'khủng' mức nào ?" cho biết thêm chi tiết về vụ việc :

"Ông Lê Tấn Hùng và ông Nguyễn Thành Mỹ bị khởi tố, bắt giam để điều tra về hành vi 'Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí', do có liên quan đến sai phạm nghiêm trọng trên nhiều lĩnh vực ở Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI).

"Qua thanh tra đã xác định các sai phạm nghiêm trọng tại SAGRI bắt đầu từ 2004, kéo dài đến 2017, tập trung vào các sai phạm đã phát hiện : quản lý đất đai liên quan đến khoảng 1.900 ha đất cho thuê, hợp tác, chuyển nhượng… không đúng quy định pháp luật, có nguy cơ gây thất thoát ; quản lý tài chính (vay vốn ngân hàng nhưng lại mang nguồn tiền vay đó gửi lại ngân hàng dẫn đến phải bù lãi suất)…

"Trong các sai phạm đó, "dính" tới 18 lãnh đạo chủ chốt trong Hội đồng thành viên, Ban tổng giám đốc, kiểm soát viên, kế toán trưởng của SAGRI các thời kỳ liên quan.

"Đáng chú ý, riêng cá nhân ông Lê Tấn Hùng bị xác định có trách nhiệm trong các sai phạm về quản lý đất đai, tài chính, và nghiêm trọng nhất là việc ông Hùng ký khống hợp đồng du lịch nước ngoài trị giá hơn 13 tỉ đồng (đã thanh lý và chi trả tiền, khi thanh tra mới phát hiện).

Báo Tuổi trẻ hôm 06/7 cũng trong một phiên bản điện tử nhắc lại một số diễn biến liên quan tới em trai của Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết :

'Vi phạm kỷ luật và điều tra kéo dài'

"Trước đó, chiều 12/6, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi công bố quyết định đình chỉ công tác tổng giám đốc SAGRI đối với ông Lê Tấn Hùng. Sau đó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong ký quyết định kỷ luật hình thức cách chức đối với ông Lê Tấn Hùng.

"Quyết định đình chỉ công tác nêu : tổng giám đốc SAGRI, đã có các sai phạm được Thanh tra thành phố, Kiểm toán nhà nước và Chủ tịch UBND Thành phố kết luận đã thể hiện vi phạm pháp luật kéo dài, thiếu trách nhiệm khắc phục hậu quả, không đủ phẩm chất để tiếp tục lãnh đạo, điều hành Tổng công ty.

"Thanh tra thành phố cũng đã ban hành kết luận thanh tra chỉ ra nhiều thiếu sót, sai phạm trong việc chấp hành các quy định pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất đai ; quản lý, sử dụng tài chính ; thực hiện dự án và chuyển nhượng dự án tại SAGRI.

"Trong đó, sai phạm về quản lý đất đai xảy ra từ các nhiệm kỳ trước, còn sai phạm quản lý điều hành thuộc về ông Lê Tấn Hùng.

"Ông Hùng có những sai sót trong chỉ đạo, kiểm tra giám sát các bộ phận chuyên môn xây dựng kịp thời các quy chế nội bộ theo quy định, tham mưu thực hiện chi trả tiền lương cho người lao động ; thiếu sót, sai phạm trong đầu tư dự án, trong việc khai thác, sử dụng đất và các mặt bằng nhà đất được giao, trong quản lý, sử dụng tài chính và các khoản vay", tờ báo thuộc Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.

Báo Thanh niên hôm 06/7 nhấn mạnh việc xử lý sai phạm liên quan doanh nghiệp trên và em trai bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã kéo dài tới hai năm, tờ báo viết :

"Việc xử lý sai phạm tại SAGRI kéo dài gần 2 năm qua. Cụ thể, sau khi có kết luận thanh tra toàn diện SAGRI vào tháng 10/2017, và tiếp đó Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra các vấn đề vi phạm của SAGRI, thì đến 3/2018, UBND Thành phố Hồ Chí Minh có quyết định kỷ luật khiển trách ông Lê Tấn Hùng. Tuy nhiên, đến tháng 10/2018, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã bàn và thấy mức xử lý kỷ luật khiển trách ông Lê Tấn Hùng là "chưa tương xứng với mức độ sai phạm".

"Do đó, tiếp tục quá trình xử lý, đến tháng 1/2019, Ủy ban Kiểm tra thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh kỷ luật cảnh cáo ông Lê Tấn Hùng về mặt Đảng. Về mặt chính quyền, ông Hùng cũng bị Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh kỷ luật cảnh cáo. Giữa tháng 6/2019, ông Lê Tấn Hùng bị đình chỉ công tác và bị cách chức Tổng giám đốc SAGRI vì "đã thể hiện vi phạm pháp luật kéo dài, thiếu trách nhiệm khắc phục hậu quả, không đủ phẩm chất để tiếp tục lãnh đạo, điều hành tổng công ty", Thanh Niên Online cho biết hôm thứ Bảy.

Published in Diễn đàn

Phải mất hơn một năm trời, vụ Lê Tấn Hùng - em trai của cựu bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải - mới được chính quyền thành phố này chuyển từ hình thức kỷ luật khiển trách sang cách chức.

bat1

Lê Tấn Hùng (trái) và Lê Thanh Hải

Tháng 6 năm 2019, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã ký quyết định kỷ luật cách chức đối với ông Lê Tấn Hùng, tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (SAGRI) vì vi phạm rất nghiêm trọng.

Vào đầu tháng Ba năm 2018, cũng Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã chỉ ký quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Lê Tấn Hùng.

Trước khi được điều động về Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn vào năm 2014, Lê Tấn Hùng giữ chức Chỉ huy trưởng Lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh.

Lực lượng Thanh niên xung phong lại là "cái nôi cách mạng" để từ đó "đi lên" của Lê Thanh Hải. Đơn vị này là một trong số những tai tiếng lớn nhất về đặc quyền đặc lợi ở đất Sài Gòn và bị cho là được "bảo kê 100%" bởi ông Lê Thanh Hải.

Lê Tấn Hùng là kẻ đầu tiên trong ‘gia tộc Lê Thanh Hải’ bị đảng ‘làm lông’. Vào tháng Ba năm 2018, Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh bất chợt công bố kết luận thanh tra về việc Lê Tấn Hùng đã "chi khống 13,3 tỉ đồng" - một con số quá đủ khiến Lê Tấn Hùng phải đi thẳng vào nhà giam nếu đảng muốn thế.

Theo logic, vụ việc "Lê Tấn Hùng chi khống 13,3 tỉ đồng" phải sang thẳng cơ quan điều tra của Công an Thành phố Hồ Chí Minh. Khi đó, số phận của ông Lê Tấn Hùng có thể coi như "xong" và chỉ còn chờ ngày bị truy tố và ra tòa lãnh án. Tuy nhiên từ đó đến nay đã chẳng có cơ quan điều tra nào vào cuộc mà đã khiến dư luận nghi ngờ lớn rằng Lê Tấn Hùng và Lê Thanh Hải đã ‘chạy’ các cửa.

Hiện tượng vụ Lê Tấn Hùng bị lôi trở lại trùng thời gian với vụ bắt hai giám đốc doanh nghiệp liên đới mật thiết với cựu phó bí thư thường trực thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh kiêm ‘đệ ruột’ của Lê Thanh Hải là Tất Thành Cang. 

Vụ việc Lê Tấn Hùng dường như không còn được cho chìm xuồng nữa. Lệnh bắt có lẽ sẽ được công bố trong không bao lâu nữa.

Sau "đánh vòng ngoài" sẽ là "đánh vòng trong". Nếu đến nay đã có 2 trong số 3 người con của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang bị "lên thớt", thì "thòng lọng" siết cựu bí thư Lê Thanh Hải có lẽ cũng chẳng khác mấy.

Một khi những ‘đệ ruột’ gần gũi nhất của Lê Thanh Hải như Nguyễn Hữu Tín và có thể sắp tới cả Tất Thành Cang rơi vào vòng lao lý, liệu số phận Lê Thanh Hải còn giữ được uy danh ‘bố già’ trên đất Sài Gòn ?

Lê Thanh Hải không chỉ được đồn đoán là một trong những ‘tư bản đỏ’ kếch xù nhất trên rẻo đất chữ S quằn quại đau thương của hàng triệu dân oan đất đai, mà có lẽ còn là cái tên ngự ngay ở tốp đầu trong bản ‘danh sách tử thần’ của Nguyễn Phú Trọng : danh sách những quan chức mà nếu bị ‘mổ’ theo cách không kịp và không thể tẩu tán tài sản cá nhân thì đảng của ông Trọng sẽ có thể ‘thu hồi tài sản tham nhũng’ từ 3 đến 5 tỷ USD mỗi năm - một thành tích không quá tệ so với việc Tập Cận Bình đã từng xử chung thân và tịch thu tài sản của ‘bạn’ của Lê Thanh Hải là Bộ trưởng công an Chu Vĩnh Khang, cùng lúc trám bớt vào cái lỗ trống toang hoác của nền ngân sách Việt Nam đang lao vào thời kỳ hộc rỗng đen tối.

Chừng đó lý do sẽ đủ để vào một ngày đẹp trời nào đó, ‘Hải Heo’ sẽ nối gót đàn em để không chỉ ‘của thiên trả địa’, mà có khi còn phải thốt lên một triết lý chấn động ‘tâm thức cộng sản’ như Đinh La Thăng đã từng : "Hãy đối xử với bị cáo như một con người !".

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 23/06/2019

 

Published in Diễn đàn

Tổng giám đốc Công ty Nông nghiệp Sài Gòn SAGRI bị cách chức (RFA, 20/05/2019)

Ông Lê Tấn Hùng, em trai cựu bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Lê Thanh Hải, vào ngày 20 tháng 6, bị cách chức Tổng giám đốc Tổng Công ty Nông Nghiệp Sài Gòn trách nhiệm hữu hạn một thành viên (SAGRI). Lý do cách chức ông này được nói vì vi phạm rất nghiêm trọng.

cui1

Tổng giám đốc Tổng Công ty Nông Nghiệp Sài Gòn- Sagri, Lê Tấn Hùng (thư ba từ phải sang) tại một cuộc triển lãm của công ty Sagri. Courtesy Sagri

Truyền thông trong nước loan tin vừa nói cùng ngày.

Quyết định cách chức được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong ký ngày 19/6.

Cụ thể, với vai trò Tổng giám đốc trực tiếp quản lý, điều hành các hoạt động của Tổng công ty, ông Hùng đã vi phạm rất nghiêm trọng các quy định của pháp luật về quản lý tài chính, đầu tư dự án, sử dụng mặt bằng, nhà đất trong doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ...

Trước đó, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra 3 sai phạm tại SAGRI, là cho thuê đất, hợp tác đầu tư chưa xin phép và kinh doanh trên đất ngoài ngành.

Thanh tra thành phố vào tháng 10 năm 2017, cũng xác định ông Lê Tấn Hùng và Nguyễn Thị Thúy - kế toán trưởng, đã ký và chi khống hơn 13 tỉ đồng cho hàng chục cán bộ đi học tập nước ngoài.

Tuy nhiên, có 22 người không tham gia chuyến đi. Ngoài ra 40 trong 70 người tham gia chuyến đi nước ngoài không có trong danh sách, số còn lại không có thông tin trên hệ thống xuất nhập cảnh.

*******************

Cần thay đổi thể chế để người dân tham gia phòng chống tham nhũng (RFA, 19/06/2019)

Thanh tra để kiểm tra hay nhận phong bì ?

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, nhiều chủ doanh nghiệp cho biết tình trạng cán bộ đoàn thanh tra nhũng nhiễu, đòi phong bì có ở Việt Nam từ trước đến nay chứ không phải mới bây giờ.

cui2

Công an tỉnh Vĩnh Phúc khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam 3 cán bộ Đoàn Thanh tra Bộ Xây Dựng. RFA edit

Chị G., chủ chuỗi đồ uống tại Sài Gòn cho biết những cửa hàng của chị cũng hay bị Cục An toàn vệ sinh thực phẩm thanh tra. Vẫn theo chị G., tùy theo đợt cán bộ thanh tra mà sẽ có người khó hay dễ, nhưng hầu như lần nào nhân viên chị cũng phải để phong bì 1-2 triệu để không bị hạch sách. Thậm chí có lần dù thanh tra đã nhận phong bì nhưng vẫn cố tìm lỗi ghi giấy phạt :

"Vừa lấy phong bì vừa phạt tiền, chứ không là phạt nữa, thay vì phạt nặng hơn thì phạt bớt bớt lại".

Còn theo anh S., chủ một khách sạn nhỏ tại quận 1, thành phố Hồ Chí Minh cho biết việc đối phó với đoàn thanh tra hiện nay không hề dễ dàng :

"Không phải lúc nào cũng đưa phong bì, tùy thanh tra cái gì. Thanh tra thuế phạt dữ lắm, nó vô là thương lượng hết, nó hỏi giá, nói thẳng luôn".

Do vậy, việc chạy chọt hay có đường dây để thông báo mỗi lần thanh tra đến hay chỉ ‘thanh tra hình thức’ đã được đa số chủ doanh nghiệp áp dụng.

Xác nhận thực tế này, chị Y. cho biết khi chị và cộng sự xây dựng nhà nghỉ ở Đà Lạt cũng bị thanh tra bên xây dựng đến công trình, nhưng do cộng sự của chị đã ủy nhiệm cho một người quen lo lót trước nên không gặp phải khó khăn gì.

Còn theo chị G. thì chị luôn biết trước ngày nào đoàn thanh tra xuống :

"Có connection với nó, nó báo trước chuẩn bị xuống thanh tra nhưng báo cũng gần lắm. Cách khoảng 2, 3 ngày nó xuống thì báo 1 ngày, hôm sau nó xuống, chưa biết lúc nào".

Tuy nhiên, chị G. cũng cho rằng nếu cán bộ thanh tra thực hiện đúng các hạng mục kiểm tra tiêu chuẩn mà không phải thái độ hạch sách, bắt lỗi để ghi giấy phạt thì việc thanh tra như vậy rất tốt, đảm bảo các cửa hàng thực hiện đúng quy trình, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng.

Giải pháp

Từ Sài Gòn, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Chánh văn phòng Quốc hội Việt Nam cho rằng để ngăn chặn nạn tham nhũng, đảng và chính phủ Hà Nội đưa ra rất nhiều biện pháp, nhưng ở Việt Nam biện pháp và pháp luật vẫn chưa được thực thi triệt để.

cui3

Ông Đinh La Thăng (đứng) và ông Trịnh Xuân Thanh (ngồi) tại Tòa án Nhân dân Hà Nội vào ngày 8 tháng 1 năm 2018. AFP

"So với Bộ luật Hình sự của nhiều nước trên thế giới thì Bộ luật Hình sự Việt Nam có mức phạt cao hơn nhiều, nhất là nhóm tội tham nhũng thì phạt rất nặng. Nhưng vấn đề là có chứng minh được tham nhũng không, thường tội gây thất thoát tài sản người ta nói do thiếu trách nhiệm, do cơ chế, thể chế, có chiếm đoạt hay không chiếm đoạt. Có chiếm đoạt thì mới dẫn đến những tội đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ thì lúc đó hình phạt mới nặng, có thể lên đến mức tử hình".

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động dân sự độc lập cho rằng chính phủ Hà Nội cần phải thay đổi nhiều :

"Phải có tự do báo chí và tư pháp độc lập, chừng nào những vấn đề cơ bản như thế giải quyết được thì những người có quyền luôn có thể dùng quyền để làm tiền, như thế thì tham nhũng đã, đang, và sẽ tồn tại".

Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho biết thêm việc này không hề dễ dàng, rất phức tạp. Ông cho rằng chừng nào đảng cộng sản Việt Nam còn độc quyền thì những điều kiện ông vừa nói hoàn toàn không khả thi.

Với cách nhìn tích cực hơn, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, cho rằng trước đây việc phòng chống tham nhũng chưa hiệu quả, những vụ tham nhũng bị phát hiện còn ít, chưa tương xứng với thực tế, chỉ như phần nổi của tảng băng trôi. Nhưng gần đây theo sự chỉ đạo của Tổng bí thư kiêm Chủ Tịch nước Nguyễn Phú Trọng, người phát động phong trào chống tham nhũng, tình hình đã chuyển biến tích cực, các vụ đại án tham nhũng ngày càng được xử phạt công khai.

Mặc dù vậy, theo Luật sư Trần Quốc Thuận, việc phá được một vụ án tham nhũng không phải là chuyện đơn giản. Những vụ tham nhũng lớn dây chuyền, ‘dây mơ rễ má’ ăn chia với nhau nên việc bóc gỡ để xử lý phải có nhiều thời gian, công phu.

"Cần phải có cơ chế, thể chế thích hợp để người dân tham gia thì may ra mới làm tốt được vì những cuộc tham nhũng khi tháo gỡ ra thì nó dính chùm với mấy ông lãnh đạo từ trung ương xuống địa phương".

Trong vụ việc đoàn thanh tra Bộ Xây dựng nhận hối lộ khi đang công tác tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, báo chí trong nước đăng tải thông tin cho biết bà Nguyễn Thị Kim Anh và bà Nguyễn Thùy Linh là 2 chị em. Do vậy, việc bà Thùy Linh được vào đoàn thanh tra dù không phải công chức nhà nước cũng đang làm dấy lên quan ngại tình trạng ‘ô dù’ ở bộ máy nhà nước hiện nay.

Theo ông Lê Văn Cuông, trước đây mọi người cho rằng phòng, chống tham nhũng chỉ nắm những người với chức vụ nhất định trở xuống, có những đối tượng không thể đụng tới hoặc có vùng cấm. Nhưng tình hình hiện nay đã thay đổi :

"Vừa qua đã thể hiện phòng chống tham nhũng không loại trừ bất cứ ai, cũng không có vùng cấm, ai vi phạm tới đâu thì xử lý tới đó. Từ đó tạo niềm tin cho nhân dân là công tác phòng chống tham nhũng đang có chiều sâu và có hiệu quả".

Tổng bí thư kiêm Chủ Tịch nước Nguyễn Phú Trọng, người nắm giữ nhiều quyền lực nhất trong bộ máy chính trị tại Việt Nam, tỏng các cuộc họp của chính phủ Hà Nội luôn kêu gọi đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng do chính ông đề ra.

Tuy nhiên, thời gian gần đây ông Nguyễn Phú Trọng thường xuyên vắng mặt trong các sự kiện quan trọng.

Điều này gây ra quan ngại liệu công cuộc chống tham nhũng có bị gián đoạn khi vắng bóng người khởi xướng.

Giải thích về mối quan ngại này, Luật sư Trần Quốc Thuận cho biết cơ chế làm việc của nhà nước Việt Nam hiện nay là Tổng bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư là 4 người chịu trách nhiệm điều hành, nên việc vắng Tổng bí thư kiêm Chủ Tịch nước Nguyễn Phú Trọng vẫn không ảnh hưởng đến việc chống tham nhũng.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, việc chống tham nhũng không phải chỉ là công việc của riêng bộ máy nhà nướcViệt Nam mà là sự kết hợp giữa lãnh đạo và toàn dân :

"Vấn đề hoàn toàn phụ thuộc vào người lãnh đạo đất nước và sự lên tiếng của người dân. Người dân phải thúc ép rất mạnh mẽ và người lãnh đạo phải có quyết tâm thì việc chống tham nhũng mới có kết quả".

Published in Việt Nam

Hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam đang thi nhau dốc ngược cuộc đời của ông Tề Trí Dũng, 38 tuổi, cựu Tổng Giám đốc Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận Thành phố Hồ Chí Minh (IPC), vừa bị tống giam với hai cáo buộc : "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí", như một cách để chứng minh… "dĩ dzãng dơ dáy dễ dầu dzì dziấu dziếm"!

te1

Ông Tề Trí Dũng thăng tiến nhanh trong sự nghiệp nhưng rồi lại "ngã ngựa" ở tuổi 38.

Cứ như cách trình bày của hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam thì chuyện ông Dũng, mới 22 tuổi, vừa tốt nghiệp Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã được tuyển dụng – bổ nhiệm làm lãnh đạo Bộ phận thị trường của Phòng Kinh doanh, kiêm Phó Bí thư Thường trực của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tại Công ty Dầu khí Thành phố Hồ Chí Minh là khác thường. Theo hướng đó, khác thường không chỉ là một chuyện mà là một… chuỗi (1).

Rời Công ty Dầu khí Thành phố Hồ Chí Minh, ông Dũng về Tổng Công ty Bến Thành (Benthanh Group) làm Phó phòng rồi làm Trưởng phòng Tài chính - Kế toán và tham gia Đảng ủy của tổng công ty này. Sau khi được chọn tham gia "chương trình đào tạo 300 thạc sĩ, tiến sĩ", ông Dũng được gửi qua Úc du học. Cầm tấm bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh về nước, ông Dũng được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc, rồi Tổng Giám đốc Benthanh Group. Tháng sau, ông Dũng được điều sang làm Tổng Giám đốc IPC.

IPC là hậu thân của Ban Quản lý Khu Chế xuất Tân Thuận – khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam được thành lập năm 1991. Lĩnh vực hoạt động chính của IPC là "nghiên cứu, đầu tư, phát triển và mời gọi hợp tác đầu tư vào kinh doanh cơ sở hạ tầng đặc biệt trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, đô thị". Cần lưu ý, IPC là doanh nghiệp của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, hàng hóa mà IPC sử dụng để kinh doanh là công thổ, công thự, công sản với tất cả các ưu thế mà chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh dành cho nó. Vậy mà IPC thua lỗ. Đến giờ, IPC đang nợ nhiều nơi tới 69 tỉ.

Tuy nhiên đó không phải là lý do chính khiến ông Dũng xộ khám. Ông Dũng bị tống giam vì muốn làm Tề Thiên, sử dụng pháp thuật để chuyển hóa nguồn gốc tài sản...

te2

Công ty IPC nơi ông Tề Trí Dũng từng làm Tổng giám đốc.

IPC thành lập một công ty con theo hình thức cổ phần, đặt tên là Công ty Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco). Lúc đầu, IPC nắm giữ 78,4% cổ phần của Sadeco. Sau đó IPC bán 5,2 triệu cổ phiếu của mình tại Sadeco cho một công ty bất động sản tên là Exim. Mua xong, Exim bán hết số cổ phiếu đó cho Công ty Nguyễn Kim. Trong thương vụ này, Exim chỉ mua đi bán lại cổ phiếu của Sadeco đã kiếm được khoản lời khoảng 160 tỉ.

Giai đoạn hai, dù không thiếu vốn, lãnh đạo Sadeco - cũng là lãnh đạo IPC – vẫn ra một "nghị quyết" về việc tăng vốn bằng cách phát hành thêm cổ phiếu và chọn Công ty Nguyễn Kim làm "đối tác chiến lược". Công ty Nguyễn Kim mua sạch số cổ phiếu do Sadeco phát hành thêm và lời 153 tỉ vì lần này, giá cổ phiếu mua trực tiếp từ Sadeco, rẻ hơn giá cổ phiếu từng mua của Exim khoảng 17.000 đồng/cổ phiếu. Sau thương vụ này, Sadeco đổi chủ, Công ty Nguyễn Kim thay IPC điều hành Sadeco vì nắm 54% cổ phiếu.

Nắm trong tay nhiều công thự, công thổ, kinh doanh có lãi, về nguyên tắc, IPC phải nộp tiền lãi vào công quỹ. Tuy nhiên ông Dũng ra lệnh giữ lại tiền lãi và trong hai năm từ 2016 đến 2017, ông Dũng chỉ đạo thuộc cấp vay ngân hàng 400 tỉ để nộp cho công quỹ. Ông Dũng giải thích chuyện có tiền, vẫn đi vay để phải trả tới tám tỉ tiền lãi là vì… muốn tạo quan hệ tài chính với ngân hàng !

Từ tháng 10 năm ngoái, trong Kết luận Thanh tra IPC, Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ ra hàng loạt sai phạm khác của ông Dũng : Chỉ định thầu, vi phạm các qui định về đấu thầu, tùy tiện trả thêm chi phí trong quá trình xây dựng trụ sở ; tùy tiện trong việc cho thuê công thự ; vi phạm nhiều qui định khi thực hiện Khu Dân cư Long Hậu (2). Chỉ trong hai năm, ông Dũng dùng công quỹ đi nước ngoài 106 ngày (3),… nhưng đến nay, vụ "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí" xảy ra tại IPC mới được khởi tố.

***

Xét cho đến cùng, các sai phạm ở IPC nói chung và của cá nhân ông Dũng nói riêng không mới. Chắc chắn không phải tự nhiên mà ông Dũng thăng tiến thần tốc. Quá trình tuyển dụng – nâng đỡ ông Dũng từ vị trí này lên vị trí khác – điều động ông Dũng từ nơi này sang nơi khác đều diễn ra trong hệ thống doanh nghiệp nhà nước do UBND và Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh quản lý. Công ty Dầu khí Thành phố Hồ Chí Minh, Benthanh Group, IPC cùng của một chủ.

Thiên hạ vẫn bảo "chủ nào, tớ ấy". UBND và Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đâu chỉ có một thuộc cấp như ông Dũng và một doanh nghiệp như IPC.

Năm ngoái, Kiểm toán Nhà nước phát giác Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SaiGon Agriculture Incorporation - SAGRI) – một doanh nghiệp khác thuộc UBND Thành phố Hồ Chí Minh, vi phạm hàng loạt qui định về quản lý đất đai, công sản khi đem 24 khu đất có tổng diện tích 1.900 héc ta ra làm vốn để thành lập các doanh nghiệp mới. Tuy nắm trong tay 45 khu nhà và đất, tổng diện tích lên tới 6.300 héc ta và chỉ đem nhà, đất làm vốn, góp với các doanh nghiệp khác hoặc cho thuê nhưng lợi nhuận của SAGRI liên tục giảm so với mức biểu kiến mà SAGRI hứa hẹn. Năm 2017, lợi nhuận của SAGRI chỉ đạt 30% mức biểu kiến (4).

Cũng năm ngoái, Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh kết luận, năm 2016, ông Lê Tấn Hùng, Tổng Giám đốc SAGRI và bà Nguyễn Thị Thúy, Kế toán trưởng của SAGRI, phối hợp với hai công ty du lịch, làm giả 10 hợp đồng đưa cán bộ, nhân viên đi "tham quan – học tập kinh nghiệm" ở nước ngoài để chi khống hơn 13 tỉ đồng (5).

te3

Ông Lê Tấn Hùng. Ảnh minh họa 

Giống như Kiểm toán Nhà nước, sau khi thanh tra SAGRI, Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, tại SAGRI đã xảy ra hàng loạt sai phạm trong sử dụng công sản, công thổ, điều hành SAGRI. Hiệu quả của hoạt động đầu tư thấp, thua lỗ triền miên, nhiều liên doanh phải ngưng hoạt động, vốn nhà nước giao cho SAGRI bị tổn thất. Cả Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh cùng đề nghị các viên chức hữu trách ở Thành phố Hồ Chí Minh xem xét, xử lý lãnh đạo SAGRI.

Giữa lúc nhiều người tin rằng, ông Lê Tấn Hùng, Tổng Giám đốc SAGRI, em ruột ông Lê Thanh Hải, cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, vì chỉ riêng chuyện tổ chức chi khống – chiếm đoạt hơn 13 tỉ đồng - đã đủ để ông Hùng có thể bị phạt tử hình hay chung thân do "tham ô tài sản"... thì tháng 3 năm ngoái, Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ quyết định "khiển trách" ông Lê Tấn Hùng và bà Nguyễn Thị Thúy.

Quyết định "khiển trách" vừa kể bị công chúng chỉ trích kịch liệt nhưng không ăn thua. Mãi tới tháng 10 năm ngoái, bảy tháng sau khi "khiển trách", UBND Thành phố Hồ Chí Minh mới quyết định nâng hình thức kỷ luật ông Hùng và bà Thúy từ "khiển trách" lên… "cảnh cáo" (6).

So sai phạm của ông Hùng với ông Dũng, rõ ràng ông Dũng… xui hơn và không chỉ xui hơn… ông Hùng. Năm ngoái, sau khi scandal Công ty Đầu tư Xây dựng Tân Thuận (một doanh nghiệp của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh) bán rẻ cho Công ty Quốc Cường Gia Lai 34,2 héc đất ở Nhà Bè, chấp nhận chịu thiệt khoảng 2.000 tỉ đồng, bùng lên, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Công ty Đầu tư Xây dựng Tân Thuận hủy hợp đồng này.

te4

Khu Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao 650 ha được SAGRI hợp tác với Tập đoàn Trung Thủy không đúng quy định

Cho dù chỉ đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh bị chỉ trích là vi phạm pháp luật, xâm hại quyền tự do kết ước, tự do kinh doanh nhưng không có cơ quan bảo vệ pháp luật nào lên tiếng. Cũng năm ngoái, khi Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh phát giác Sadeco bán rẻ cổ phiếu cho Công ty Nguyễn Kim, khi ông Dũng chỉ đạo Sadeco tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường để thông qua quyết định thu hồi lại số cổ phiếu này từ Công ty Nguyễn Kim, chỉ đạo đó của ông Dũng bị cáo buộc là "xem thường kỷ luật, kỷ cương, có dấu hiệu đối phó, gây trở ngại cho hoạt động thanh tra…". Ông Dũng bị đình chỉ công tác ngay lập tức (7).

***

Ở một quốc gia luôn ra rả "sống và làm việc theo pháp luật", tại sao lại có tình trạng "hên – xui", rạch ròi… "bên trọng - bên khinh" kiểu đó ?

Nếu "số phận chính trị", "sự nghiệp chính trị" của các viên chức không phụ thuộc vào chuyện có thượng tôn pháp luật, có hội đủ cả tư cách lẫn năng lực hay không (?), mà sáng hoặc tối, trở thành hữu công hay có tội, hoàn toàn phụ thuộc vào tương quan giữa thế và lực của các anh từ Hai tới Út, cũng như các thỏa thuận thế thân thì chỉnh đốn có khác gì loạn đả giữa các băng du đãng giành quyền bảo kê ?

Trân Văn

Nguồn : VOA, 16/05/2019

Chú thích :

(1) https://laodong.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/ong-te-tri-dung-len-nhu-dieu-gap-gio-o-tuoi-22-va-nga-ngua-o-tuoi-38-733434.ldo

(2) https://tuoitre.vn/tai-sao-ong-te-tri-dung-bi-bat-2019051422465966.htm

(3) https://tuoitre.vn/hai-nam-ong-te-tri-dung-di-nuoc-ngoai-106-ngay-de-lam-gi-20190515100250503.htm

(4) https://www.tienphong.vn/dia-oc/kiem-toan-phanh-phui-24-khu-dat-cua-tong-cong-ty-sagri-1329114.tpo

(5) https://tuoitre.vn/sai-pham-tai-sagri-ky-luat-canh-cao-ong-le-tan-hung-20181103085740605.htm

(6) https://thanhnien.vn/thoi-su/ong-le-tan-hung-bi-canh-cao-ve-mat-dang-1042654.html

(7) https://tuoitre.vn/ong-te-tri-dung-ngang-chan-thanh-tra-vu-ban-9-trieu-co-phieu-ra-sao-20190515113839527.htm

Published in Diễn đàn