Phải mất hơn một năm trời, vụ Lê Tấn Hùng - em trai của cựu bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải - mới được chính quyền thành phố này chuyển từ hình thức kỷ luật khiển trách sang cách chức.
Lê Tấn Hùng (trái) và Lê Thanh Hải
Tháng 6 năm 2019, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã ký quyết định kỷ luật cách chức đối với ông Lê Tấn Hùng, tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (SAGRI) vì vi phạm rất nghiêm trọng.
Vào đầu tháng Ba năm 2018, cũng Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã chỉ ký quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Lê Tấn Hùng.
Trước khi được điều động về Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn vào năm 2014, Lê Tấn Hùng giữ chức Chỉ huy trưởng Lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh.
Lực lượng Thanh niên xung phong lại là "cái nôi cách mạng" để từ đó "đi lên" của Lê Thanh Hải. Đơn vị này là một trong số những tai tiếng lớn nhất về đặc quyền đặc lợi ở đất Sài Gòn và bị cho là được "bảo kê 100%" bởi ông Lê Thanh Hải.
Lê Tấn Hùng là kẻ đầu tiên trong ‘gia tộc Lê Thanh Hải’ bị đảng ‘làm lông’. Vào tháng Ba năm 2018, Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh bất chợt công bố kết luận thanh tra về việc Lê Tấn Hùng đã "chi khống 13,3 tỉ đồng" - một con số quá đủ khiến Lê Tấn Hùng phải đi thẳng vào nhà giam nếu đảng muốn thế.
Theo logic, vụ việc "Lê Tấn Hùng chi khống 13,3 tỉ đồng" phải sang thẳng cơ quan điều tra của Công an Thành phố Hồ Chí Minh. Khi đó, số phận của ông Lê Tấn Hùng có thể coi như "xong" và chỉ còn chờ ngày bị truy tố và ra tòa lãnh án. Tuy nhiên từ đó đến nay đã chẳng có cơ quan điều tra nào vào cuộc mà đã khiến dư luận nghi ngờ lớn rằng Lê Tấn Hùng và Lê Thanh Hải đã ‘chạy’ các cửa.
Hiện tượng vụ Lê Tấn Hùng bị lôi trở lại trùng thời gian với vụ bắt hai giám đốc doanh nghiệp liên đới mật thiết với cựu phó bí thư thường trực thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh kiêm ‘đệ ruột’ của Lê Thanh Hải là Tất Thành Cang.
Vụ việc Lê Tấn Hùng dường như không còn được cho chìm xuồng nữa. Lệnh bắt có lẽ sẽ được công bố trong không bao lâu nữa.
Sau "đánh vòng ngoài" sẽ là "đánh vòng trong". Nếu đến nay đã có 2 trong số 3 người con của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang bị "lên thớt", thì "thòng lọng" siết cựu bí thư Lê Thanh Hải có lẽ cũng chẳng khác mấy.
Một khi những ‘đệ ruột’ gần gũi nhất của Lê Thanh Hải như Nguyễn Hữu Tín và có thể sắp tới cả Tất Thành Cang rơi vào vòng lao lý, liệu số phận Lê Thanh Hải còn giữ được uy danh ‘bố già’ trên đất Sài Gòn ?
Lê Thanh Hải không chỉ được đồn đoán là một trong những ‘tư bản đỏ’ kếch xù nhất trên rẻo đất chữ S quằn quại đau thương của hàng triệu dân oan đất đai, mà có lẽ còn là cái tên ngự ngay ở tốp đầu trong bản ‘danh sách tử thần’ của Nguyễn Phú Trọng : danh sách những quan chức mà nếu bị ‘mổ’ theo cách không kịp và không thể tẩu tán tài sản cá nhân thì đảng của ông Trọng sẽ có thể ‘thu hồi tài sản tham nhũng’ từ 3 đến 5 tỷ USD mỗi năm - một thành tích không quá tệ so với việc Tập Cận Bình đã từng xử chung thân và tịch thu tài sản của ‘bạn’ của Lê Thanh Hải là Bộ trưởng công an Chu Vĩnh Khang, cùng lúc trám bớt vào cái lỗ trống toang hoác của nền ngân sách Việt Nam đang lao vào thời kỳ hộc rỗng đen tối.
Chừng đó lý do sẽ đủ để vào một ngày đẹp trời nào đó, ‘Hải Heo’ sẽ nối gót đàn em để không chỉ ‘của thiên trả địa’, mà có khi còn phải thốt lên một triết lý chấn động ‘tâm thức cộng sản’ như Đinh La Thăng đã từng : "Hãy đối xử với bị cáo như một con người !".
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 23/06/2019