Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Báo cáo Đánh giá về chi tiêu công Việt Nam do Chính phủ Việt Nam phối hợp với Ngân Hàng Thế Giới thực hiện và được công bố vào đầu tháng 10 vừa qua cho thấy, tỷ lệ nợ công trên tổng sản phẩm nội địa GDP của Việt Nam đã tăng mạnh trong những năm gần đây, từ 51,7% năm 2010 lên 61% năm 2015. Báo cáo này cho rằng vấn đề đáng lo ngại là Việt Nam nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ nợ trên GDP tăng nhanh nhất thế giới, khoảng 10% trong 5 năm qua.

nocong1

Một nhà máy sản xuất quần áo ở tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh chụp ngày 23/05/2017. Reuters

Ngân Hàng Thế Giới cảnh báo, nếu xu hướng này vẫn tiếp diễn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những quan ngại nghiêm trọng về bền vững tài khóa. Lời cảnh báo này không thừa, vì theo số liệu mới nhất của bộ Tài Chính, tính đến năm 2016, nợ công của Việt Nam đã tiếp tục tăng lên đến 64,7% GDP, tức là gần ngưỡng báo động 65%.

Với mức tăng nhanh như vậy, gánh nặng nợ công có thể sẽ kềm hãm mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, đó là điều mà chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Lê Đăng Doanh muốn cảnh báo khi trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ :

RFI : Thưa ông Lê Đăng Doanh, tỷ lệ nợ công của Việt Nam trên thực tế là như thế nào ?

Lê Đăng Doanh : Vừa rồi thì Ngân Hàng Thế Giới có báo cáo về tình hình tài chính và nợ công. Ngân Hàng Phát Triển Châu Á cũng có báo cáo về tình hình ngân sách và nợ công. Cả hai báo cáo đều thống nhất ở một điểm là nợ công của Việt Nam đã lên đến mức trần có thể chấp nhận được là 65% GDP và tốc độ tăng nợ công là rất nhanh. Họ khuyến cáo là cần phải có những biện pháp để giải quyết, nếu không thì sẽ dẫn đến những tình huống phức tạp.Tôi hoàn toàn nhất trí rằng tình hình nợ công của Việt Nam là phức tạp và mức độ tăng nợ công lên rất nhanh.

Bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam vào tháng 11/2016 đã ra nghị quyết 07 về tái cơ cấu ngân sách và giải quyết vấn đề bội chi. Cho đến nay, việc giải quyết vẫn chủ yếu là ở bộ Tài Chính. Có nhiều dự kiến là sẽ tăng thu thuế, như tăng phí môi trường trong xăng dầu từ 3.000 đồng lên 8.000/lít, tăng thuế giá trị gia tăng VAT, rồi đánh thuế vào bia, nước ngọt, rồi thêm các loại thuế và phí khác.

Còn về việc giảm chi và tiến tới cân bằng ngân sách để giảm nợ công thì cho tới nay chưa có bước đi và kế hoạch cụ thể để giảm các bộ máy, giảm sự trùng lặp, sự cồng kềnh và không có các biện pháp để giảm bội chi ngân sách và kiểm soát nợ công.

RFI : Thưa ông Lê Đăng Doanh, trong vấn đề nợ công thì trách nhiệm của các doanh nghiệp Nhà nước là như thế nào ? Bởi vì có những doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ, mà Nhà nước vẫn phải tiếp tục gánh ?

Lê Đăng Doanh : Rất tiếc là các doanh nghiệp Nhà nước đã đóng góp phần quan trọng vào việc tăng nợ công. Chúng ta đều biết là có 12 dự án đầu tư không hiệu quả và hiện nay cần phải xử lý ở chổ bộ Công Thương. Ngoài ra, bộ Tài Chính đã báo cáo có đến 72 dự án đầu tư khác của các doanh nghiệp Nhà nước cũng đang có vấn đề và có thể gây thua lỗ.

Lẽ ra các doanh nghiệp Nhà nước phải là nguồn tăng thu và cải thiện nợ công, thì các doanh nghiệp Nhà nước hiện nay lại đóng góp phần đáng kể vào việc tăng nợ công, tăng gánh nặng lên ngân sách và tăng gánh nặng trả nợ đối với chính phủ.

RFI : Một lý do khác phải chăng cũng là vì Việt Nam nay đã là một quốc gia có thu nhập trung bình, nên không còn được hưởng những khoản vay ưu đãi như trước đây nữa ?

Lê Đăng Doanh : Theo quy định thì một khi đã ra khỏi ngưỡng là một nước nghèo để trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, như Việt Nam hiện nay có thu nhập bình quân tính theo đầu người khoảng 2.200 đôla/năm, thì những ưu đãi về vay vốn với lãi suất thấp và có thời gian ân hạn dài, khoảng 10 năm, sẽ không còn. Việt Nam nay phải vay với lãi suất cao hơn và ân hạn cũng ngắn hơn.

Điều đó đòi hỏi là nếu vay vốn, thì Việt Nam phải tổ chức đầu tư một cách rất có hiệu quả, để nhanh chóng đưa đồng vốn đó vào sản xuất, kinh doanh có lãi, rồi lấy số lãi đó trả được nợ cũng như lãi suất đã vay của các tổ chức tín dụng khác.

RFI : Tức là trong trường hợp của Việt Nam thì có nguy cơ là lãi mẹ đẻ lãi con khiến cho mức nợ tăng theo ?

Lê Đăng Doanh : Vâng. Việt Nam nay phải bán trái phiếu chính phủ ở thị trường trong nước và với một lãi suất khá là cao, 8 hoặc 9%. Nguồn thu của việc bán trái phiếu được dùng để trả lãi cho nợ cũ và trả một phần vốn vay, chứ không trả được hết. Vì vậy nợ mới cộng với một phần nợ cũ chưa trả được làm cho tốc độ nợ công tăng nhanh lên.

Cũng phải lưu ý rằng số nợ công được công bố ở đây chủ yếu là nợ của chính phủ, chứ nợ của doanh nghiệp Nhà nước chưa được cộng đầy đủ vào đấy. Chúng ta đều biết là theo thông lệ quốc tế, nếu doanh nghiệp Nhà nước vay mà không trả được, bên chủ nợ có thể kiện ra tòa án hoặc trọng tài. Nếu như không trả nợ được thì họ có thể tạm thời tịch biên một máy bay, một tàu thủy, hoặc một tài sản nào đó của Việt Nam để gây áp lực buộc Việt Nam trả nợ.

Vì vậy, dù muốn hay không muốn, một phần rất lớn số nợ của doanh nghiệp Nhà nước sẽ do chính phủ Việt Nam trang trải. Đó là một gánh nặng và số đó chưa tính vào số 65% GDP.

RFI : Việt Nam hiện vẫn trong giai đoạn phát triển và cần phải duy trì một mức tăng trưởng cao, cũng như cần tiếp tục đầu tư vào các cơ sở hạ tầng. Nợ công tăng cao sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ?

Lê Đăng Doanh : Nợ công tăng cao sẽ là một gánh nặng lớn đối với ngân sách Nhà nước trước mắt và trong tương lai. Cơ cấu chi ngân sách hiện nay là rất không lành mạnh, tức là trong tổng số chi, thì chi thường xuyên lên đến 71%, còn chi trả nợ là 24,5%. Cộng hai khoản đó thì ta thấy chỉ còn độ 4,5% của ngân sách là có thể được chi cho đầu tư. Vì vậy chính phủ sẽ lại phải mua trái phiếu, lại phải vay nợ để có thể đầu tư được. Và nếu như đầu tư không hiệu quả và lại được giải ngân chậm thì sẽ rất nguy hiểm.

Hiện nay thì Việt Nam đang phải giải ngân độ 17 tỷ đôla ODA ( viện trợ phát triển ) và số tiền vay đó thì phải trả lãi ngân hàng rồi. Nhưng nếu như giải ngân chậm, công trình không phát huy hiệu quả, thì cả vốn lẫn lãi đều không phát huy hiệu quả và nó làm tăng gánh nặng nợ công lên. Với nợ công như vậy thì rõ ràng là khả năng đầu tư rất hạn chế. Cho nên, việc tái cơ cấu ngân sách, giảm các khoản chi thường xuyên, như nghị quyết Bộ chính trị, là việc rất cấp bách.

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 20/11/2017

Published in Diễn đàn

'Chúng ta không thể ứng xử như vô can' (BBC, 24/09/2017)

Việt Nam đang chịu nhiều áp lực và sức ép từ quốc tế, trong lúc các vụ việc Trịnh Xuân Thanh và Trịnh Vĩnh Bình đặt ra những câu hỏi về uy tín, niềm tin của nhà đầu tư tới Việt Nam, trong bối cảnh đầy 'gánh nặng' ấy, Chính phủ không thể tiếp tục 'ứng xử như vô can' và 'không biết gì', ý kiến từ giới chuyên gia và quan sát chính trị nội bộ Việt Nam nói với BBC.

"Trước hết là tình hình quốc tế với sức ép và tác động của hai vụ Trịnh Xuân Thanh và Trịnh Vĩnh Bình đối với uy tín, niềm tin của các nhà đầu tư", Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cựu thành viên Ban cố vấn Chính phủ Việt Nam thời các Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải nói với BBC trong một phỏng vấn thượng tuần tháng 9/2017.

"Tất cả những điều đó là một gánh nặng đối với chính phủ Việt Nam và chúng ta không thể tiếp tục ứng xử như chúng ta không biết gì và chúng ta vô can. Theo tôi điều đó là không thích hợp".

"Còn trong nước, tình hình kinh tế, xã hội hiện nay đòi hỏi cấp bách là cải cách thể chế, phải thật sự công khai minh bạch, phải tôn trọng pháp luật, phải có trách nhiệm giải trình, những ai quyết định những việc gì thì phải chịu trách nhiệm về mặt hành chính, về mặt tài chính, về mặt hình sự đối với tất cả những tác động đã gây ra.

"Và trước mắt cần phải cải cách bộ máy, tránh sự trùng lặp. tránh biên chế phình ra quá cao, tránh các chi tiêu ngân sách một cách lãng phí". nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nói.

lê1

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh bình về quan hệ Đức - Việt và Hội nghị Trung ương 6.

Còn theo Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quang A, nút thắt quan trọng nhất cần lưu ý với Việt Nam hiện nay là vấn đề tôn trọng pháp luật, ông nói :

"Cả chuyện ông Trịnh Vĩnh Bình lẫn vụ ông Trịnh Xuân Thanh chúng ta có thể thấy rằng chính cơ quan nhà nước và một số người nào đó trong cơ quan nhà nước đã vi phạm luật pháp một cách rất trắng trợn, không chỉ luật pháp Việt Nam mà cả luật pháp quốc tế.

"Người dân Việt Nam phải lên tiếng đòi chính các cơ quan nhà nước, đòi chính những quan chức nhà nước phải tôn trọng luật pháp của Việt Nam và luật pháp quốc tế.

"Nếu họ thật sự tôn trọng luật pháp thì tôi nghĩ rằng đã thành công 2/3 của việc đổi mới lần thứ hai".

'Cấm đoán sẽ không có hiệu lực'

Một thách thức rất lớn khác với Việt Nam trong thời gian sắp tới được Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhấn mạnh là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông nói :

"Hiện nay thông tin trở thành tài sản quan trọng nhất đối với nền kinh tế và đối với mỗi con người.

"Vì vậy nhà nước cần phải tìm cách một mặt bảo đảm luật pháp, bảo đảm lợi ích của xã hội, nhưng mặt khác cũng phải thừa nhận rằng việc hạn chế, việc cấm đoán sẽ trở nên không có hiệu lực trong thời gian sắp tới.

"Tôi rất hy vọng rằng nhà nước Việt Nam sẽ chuyển đổi, trở thành một nhà nước ủng hộ sự sáng tạo, ủng hộ sự thay đổi, ủng hộ sự đổi mới và ủng hộ tiến bộ khoa học công nghệ, tôn trọng và trọng dụng nhân tài", nguyên thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam nói với Quốc Phương của BBC tại Budapest, Hungary, hôm 01/9/2017.

********************

Hai dự án "phá của" ở Tiền Giang (Người Lao Động, 24/09/2017)

Cả 2 dự án lớn ở Tiền Giang là khách sạn Mê Kông - Mỹ Tho và Nhà máy nước BOO Đồng Tâm đều rơi vào tình trạng khó khăn

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến cuối tháng 8/2017, trong các dự án của doanh nghiệp nhà nước có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả, tỉnh Tiền Giang có 2 dự án. Đó là khách sạn Mê Kông - Mỹ Tho (Công ty trách nhiệm hữu hạn MTV Xổ số kiến thiết Tiền Giang đầu tư) và Nhà máy nước BOO Đồng Tâm (UBND tỉnh Tiền Giang làm chủ đầu tư, ký hợp đồng xây dựng với Công ty cổ phần BOO Nước Đồng Tâm - DTW).

Khách sạn Mê Kông - Mỹ Tho đưa vào khai thác từ tháng 10/2015 là dự án lớn nhất về khách sạn ở Tiền Giang với tổng vốn đầu tư 370 tỉ đồng. Trong đó, Công ty trách nhiệm hữu hạn MTV Xổ số kiến thiết Tiền Giang góp 360 tỉ đồng, Quỹ Đầu tư phát triển Tiền Giang và Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật (CII) Thành phố Hồ Chí Minh mỗi đơn vị góp 5 tỉ đồng. Một lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cho biết khách sạn này lỗ khoảng 500 triệu đồng/tháng. Trong phương án tính toán của địa phương, dự trù khách sạn này chịu lỗ khoảng 3 năm nhưng với cách tổ chức, quản lý hiện nay thì có thể rất khó. Vì thế, tỉnh đang tìm cách cho thuê hoặc thoái vốn cho các nhà đầu tư ngoài nhà nước (chiếm 2,7% tổng vốn đầu tư) để bán công trình. Tuy nhiên, phương án bán có thể cả năm nữa mới giải quyết xong.

Nguyên nhân Mê Kông - Mỹ Tho kinh doanh không hiệu quả là do Mỹ Tho chỉ có một khách sạn 4 sao - quá đơn lẻ, chưa đủ sức tổ chức những hoạt động lớn nhằm thu hút khách. Các hoạt động vui chơi giải trí của Mỹ Tho cũng không giữ được chân du khách khiến hoạt động của khách sạn gặp khó theo.

Trong khi đó, năm 2007, DTW ký hợp đồng với UBND tỉnh Tiền Giang xây dựng Nhà máy Nước BOO Đồng Tâm tại huyện Châu Thành để cung cấp nước cho khoảng 60.000 hộ dân và các khu, cụm công nghiệp ở phía Đông. Công suất giai đoạn I là 50.000 m3/ngày đêm. Giai đoạn II, mỗi năm tiếp theo tăng lên 10.000 m3/ngày đêm và khi hoàn tất có thể cung cấp 90.000 m3/ngày đêm. Tổng kinh phí đầu tư công trình này là hơn 1.400 tỉ đồng, trong đó ngân sách tỉnh bỏ ra 168 tỉ đồng làm vốn đối ứng. Theo tiến độ cam kết, đến ngày 1/6/2011, nhà máy bắt đầu phát nước giai đoạn I là 50.000 m3/ngày đêm, với giá bán 8.000 đồng/m3. Tuy nhiên, do các khu, cụm công nghiệp phía Đông chưa triển khai xong nên chưa có nhu cầu sử dụng nguồn nước này.

tiengiang1

Khách sạn Mê Kông - Mỹ Tho

Đến tháng 6/2016, UBND tỉnh Tiền Giang công bố những sai phạm trong quá trình triển khai dự án Nhà máy Nước BOO Đồng Tâm. UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng làm rõ chênh lệch giá trị đầu tư thực và giá trị quyết toán ; kiểm điểm những tập thể, cá nhân liên quan. UBND tỉnh sẽ tiếp tục đàm phán với DTW để mua lại cổ phần của các nhà đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời tiếp tục duy trì việc tiếp nhận 20.000 m3 nước/ngày đêm.

Thanh tra Nhà nước tỉnh Tiền Giang phát hiện trong quá trình triển khai dự án, UBND tỉnh và DTW có nhiều sai phạm, như : không tuân thủ Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành, qua đó làm chênh lệch giá trị đầu tư thực tế so với quyết toán gần 166 tỉ đồng. UBND tỉnh Tiền Giang có những sai phạm như : hình thức đầu tư BOO không có trong Luật Đầu tư nhưng không xin phép Thủ tướng ; vốn đầu tư cao hơn vốn dự án xin phép Chính phủ, giá nước cao trái với quy định của Bộ Tài chính (nếu cung cấp cho người tiêu dùng với giá như quy định của UBND tỉnh thì ngân sách tỉnh phải bù lỗ mỗi năm 350 tỉ đồng).

Sai phạm của DTW gồm : thiết kế bản vẽ thi công được lập không đúng ; lập dự toán không căn cứ vào các định mức, chỉ tiêu do cơ quan có thẩm quyền quy định ; sai sót trong chọn nhà thầu, đấu thầu ; tổ chức thi công không đúng thiết kế ; nghiệm thu, quyết toán khối lượng không đúng thực tế thi công và sai thiết kế, quyết toán khống chi phí hỗ trợ đền bù tuyến ống vượt kênh Chợ Gạo... 

Minh Sơn

Published in Việt Nam