Báo cáo Đánh giá về chi tiêu công Việt Nam do Chính phủ Việt Nam phối hợp với Ngân Hàng Thế Giới thực hiện và được công bố vào đầu tháng 10 vừa qua cho thấy, tỷ lệ nợ công trên tổng sản phẩm nội địa GDP của Việt Nam đã tăng mạnh trong những năm gần đây, từ 51,7% năm 2010 lên 61% năm 2015. Báo cáo này cho rằng vấn đề đáng lo ngại là Việt Nam nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ nợ trên GDP tăng nhanh nhất thế giới, khoảng 10% trong 5 năm qua.
Một nhà máy sản xuất quần áo ở tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh chụp ngày 23/05/2017. Reuters
Ngân Hàng Thế Giới cảnh báo, nếu xu hướng này vẫn tiếp diễn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những quan ngại nghiêm trọng về bền vững tài khóa. Lời cảnh báo này không thừa, vì theo số liệu mới nhất của bộ Tài Chính, tính đến năm 2016, nợ công của Việt Nam đã tiếp tục tăng lên đến 64,7% GDP, tức là gần ngưỡng báo động 65%.
Với mức tăng nhanh như vậy, gánh nặng nợ công có thể sẽ kềm hãm mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, đó là điều mà chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Lê Đăng Doanh muốn cảnh báo khi trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ :
RFI : Thưa ông Lê Đăng Doanh, tỷ lệ nợ công của Việt Nam trên thực tế là như thế nào ?
Lê Đăng Doanh : Vừa rồi thì Ngân Hàng Thế Giới có báo cáo về tình hình tài chính và nợ công. Ngân Hàng Phát Triển Châu Á cũng có báo cáo về tình hình ngân sách và nợ công. Cả hai báo cáo đều thống nhất ở một điểm là nợ công của Việt Nam đã lên đến mức trần có thể chấp nhận được là 65% GDP và tốc độ tăng nợ công là rất nhanh. Họ khuyến cáo là cần phải có những biện pháp để giải quyết, nếu không thì sẽ dẫn đến những tình huống phức tạp.Tôi hoàn toàn nhất trí rằng tình hình nợ công của Việt Nam là phức tạp và mức độ tăng nợ công lên rất nhanh.
Bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam vào tháng 11/2016 đã ra nghị quyết 07 về tái cơ cấu ngân sách và giải quyết vấn đề bội chi. Cho đến nay, việc giải quyết vẫn chủ yếu là ở bộ Tài Chính. Có nhiều dự kiến là sẽ tăng thu thuế, như tăng phí môi trường trong xăng dầu từ 3.000 đồng lên 8.000/lít, tăng thuế giá trị gia tăng VAT, rồi đánh thuế vào bia, nước ngọt, rồi thêm các loại thuế và phí khác.
Còn về việc giảm chi và tiến tới cân bằng ngân sách để giảm nợ công thì cho tới nay chưa có bước đi và kế hoạch cụ thể để giảm các bộ máy, giảm sự trùng lặp, sự cồng kềnh và không có các biện pháp để giảm bội chi ngân sách và kiểm soát nợ công.
RFI : Thưa ông Lê Đăng Doanh, trong vấn đề nợ công thì trách nhiệm của các doanh nghiệp Nhà nước là như thế nào ? Bởi vì có những doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ, mà Nhà nước vẫn phải tiếp tục gánh ?
Lê Đăng Doanh : Rất tiếc là các doanh nghiệp Nhà nước đã đóng góp phần quan trọng vào việc tăng nợ công. Chúng ta đều biết là có 12 dự án đầu tư không hiệu quả và hiện nay cần phải xử lý ở chổ bộ Công Thương. Ngoài ra, bộ Tài Chính đã báo cáo có đến 72 dự án đầu tư khác của các doanh nghiệp Nhà nước cũng đang có vấn đề và có thể gây thua lỗ.
Lẽ ra các doanh nghiệp Nhà nước phải là nguồn tăng thu và cải thiện nợ công, thì các doanh nghiệp Nhà nước hiện nay lại đóng góp phần đáng kể vào việc tăng nợ công, tăng gánh nặng lên ngân sách và tăng gánh nặng trả nợ đối với chính phủ.
RFI : Một lý do khác phải chăng cũng là vì Việt Nam nay đã là một quốc gia có thu nhập trung bình, nên không còn được hưởng những khoản vay ưu đãi như trước đây nữa ?
Lê Đăng Doanh : Theo quy định thì một khi đã ra khỏi ngưỡng là một nước nghèo để trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, như Việt Nam hiện nay có thu nhập bình quân tính theo đầu người khoảng 2.200 đôla/năm, thì những ưu đãi về vay vốn với lãi suất thấp và có thời gian ân hạn dài, khoảng 10 năm, sẽ không còn. Việt Nam nay phải vay với lãi suất cao hơn và ân hạn cũng ngắn hơn.
Điều đó đòi hỏi là nếu vay vốn, thì Việt Nam phải tổ chức đầu tư một cách rất có hiệu quả, để nhanh chóng đưa đồng vốn đó vào sản xuất, kinh doanh có lãi, rồi lấy số lãi đó trả được nợ cũng như lãi suất đã vay của các tổ chức tín dụng khác.
RFI : Tức là trong trường hợp của Việt Nam thì có nguy cơ là lãi mẹ đẻ lãi con khiến cho mức nợ tăng theo ?
Lê Đăng Doanh : Vâng. Việt Nam nay phải bán trái phiếu chính phủ ở thị trường trong nước và với một lãi suất khá là cao, 8 hoặc 9%. Nguồn thu của việc bán trái phiếu được dùng để trả lãi cho nợ cũ và trả một phần vốn vay, chứ không trả được hết. Vì vậy nợ mới cộng với một phần nợ cũ chưa trả được làm cho tốc độ nợ công tăng nhanh lên.
Cũng phải lưu ý rằng số nợ công được công bố ở đây chủ yếu là nợ của chính phủ, chứ nợ của doanh nghiệp Nhà nước chưa được cộng đầy đủ vào đấy. Chúng ta đều biết là theo thông lệ quốc tế, nếu doanh nghiệp Nhà nước vay mà không trả được, bên chủ nợ có thể kiện ra tòa án hoặc trọng tài. Nếu như không trả nợ được thì họ có thể tạm thời tịch biên một máy bay, một tàu thủy, hoặc một tài sản nào đó của Việt Nam để gây áp lực buộc Việt Nam trả nợ.
Vì vậy, dù muốn hay không muốn, một phần rất lớn số nợ của doanh nghiệp Nhà nước sẽ do chính phủ Việt Nam trang trải. Đó là một gánh nặng và số đó chưa tính vào số 65% GDP.
RFI : Việt Nam hiện vẫn trong giai đoạn phát triển và cần phải duy trì một mức tăng trưởng cao, cũng như cần tiếp tục đầu tư vào các cơ sở hạ tầng. Nợ công tăng cao sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ?
Lê Đăng Doanh : Nợ công tăng cao sẽ là một gánh nặng lớn đối với ngân sách Nhà nước trước mắt và trong tương lai. Cơ cấu chi ngân sách hiện nay là rất không lành mạnh, tức là trong tổng số chi, thì chi thường xuyên lên đến 71%, còn chi trả nợ là 24,5%. Cộng hai khoản đó thì ta thấy chỉ còn độ 4,5% của ngân sách là có thể được chi cho đầu tư. Vì vậy chính phủ sẽ lại phải mua trái phiếu, lại phải vay nợ để có thể đầu tư được. Và nếu như đầu tư không hiệu quả và lại được giải ngân chậm thì sẽ rất nguy hiểm.
Hiện nay thì Việt Nam đang phải giải ngân độ 17 tỷ đôla ODA ( viện trợ phát triển ) và số tiền vay đó thì phải trả lãi ngân hàng rồi. Nhưng nếu như giải ngân chậm, công trình không phát huy hiệu quả, thì cả vốn lẫn lãi đều không phát huy hiệu quả và nó làm tăng gánh nặng nợ công lên. Với nợ công như vậy thì rõ ràng là khả năng đầu tư rất hạn chế. Cho nên, việc tái cơ cấu ngân sách, giảm các khoản chi thường xuyên, như nghị quyết Bộ chính trị, là việc rất cấp bách.