Một văn bản giải trí cực cao của Thanh tra Chính phủ
Lý Bá, RFA, 21/01/2020
Cuối năm, tình cờ thấy cái tin thuộc loại "đến hẹn lại lên" nên cũng chẳng quan trọng gì, nhưng đọc mấy mới hàng tôi đã sặc cười.
Cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son bị xét xử vì tội nhận hối lộ trước tòa tại Hà Nội năm 2019 - Courtesy of VCCI
Điểm gây cười thứ nhất : "Em kính đề nghị các anh chị báo cáo cho em các anh chị hối lộ như thế nào"
Xin trích ra đây cho quý vị : "Ông Trần Ngọc Liêm, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ vừa ký văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố, Tập đoàn kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước thực hiện nghiêm Luật phòng, chống tham nhũng và quy định tặng quà và nhận quà tặng. Cụ thể là báo cáo những trường hợp tặng quà, nhận quà trái quy định và sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi trước ngày 1/2/2020" (tức mùng 8 tết Nguyên đán).
Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị các đơn vị nêu trên không dùng ngân sách tổ chức đi thăm, chúc Tết, tặng quà đối với các lãnh đạo cơ quan, đơn vị các cấp ; không sử dụng phương tiện, tài sản công vào các hoạt động cá nhân trong dịp Tết, các lễ hội.
Tôi xin bày tỏ lời khen ngợi với khả năng sử dụng ngôn ngữ của ông Trần Ngọc Liêm. Ông đã dùng từ vô cùng uyển chuyển và khéo léo trong một văn bản thuộc lĩnh vực nhạy cảm.
Trong tiếng Việt, "đề nghị" là hành động đưa ra mong muốn với người khác, nhưng không có giá trị bắt buộc. Nếu bắt buộc thì phải dùng từ "yêu cầu". Nếu yêu cầu thì ai không thực hiện sẽ phải có lý do chính đáng và chịu chế tài khi vi phạm. Đằng này, Thanh tra Chính phủ chỉ nhỏ nhẹ "đề nghị" các anh không lạm tiêu công quỹ, không hối lộ, không nhận hối lộ. Các anh thích nghe thì nghe, không nghe chẳng sao, tôi chỉ có một ước ao, một khát khao thế thôi.
Việc yêu cầu chính những người có tiềm năng hối lộ, nhận hối lộ và lạm tiêu công quỹ phải lập báo cáo về việc làm của họ là điểm gây cười chính. Ông Liêm đang yêu cầu trẻ mẫu giáo thực hành bài học công dân hay sao ?
Tôi cá với quý vị, sau mùng 8 Tết Nguyên đán sẽ chẳng có bao nhiêu báo cáo được lập. Nếu có thì chỉ trong hai dạng : một là "thành công tốt đẹp", cơ quan chúng ta tất cả liêm khiết trong sáng như trăng rằm. Dạng thứ hai, nếu cán bộ nào bị phát hiện thì chỉ là do trật đường dây, GATO, do bị "đánh", kính thưa các đồng chí chưa bị lộ ạ !
Điểm gây cười thứ hai : Hiệu quả kiểm tra
Thanh tra Chính phủ dẫn ra 2.290 cuộc kiểm tra trong năm 2019, phát hiện gần 350 vụ, hơn 400 người vi phạm. Thế nhưng chỉ 8 người nộp lại quà tặng cho đơn vị với giá trị hơn 100 triệu đồng.
Tính ra, chi phí cho ngót 2.300 cuộc kiểm tra quá đắt đỏ. Kết quả thì dĩ nhiên-như trò hề.
Gần 400 người vi phạm kia đi đâu, tại sao chưa ai nộp lại quà tặng hay hoàn lại cho công quỹ các khoản chi vượt hoặc sai chế độ, tiêu chuẩn ? Hay sẽ không nộp ? Vì sao họ không nộp ? Có hình phạt nào cho những người đã nhận quà hay tiêu xài quá tay mà không nộp lại không ? Phạm Luật chống tham nhũng thì cứ lôi luật ra xử, sao phải ra công văn nhắc nhở ? Nguồn gốc của hối lộ và lạm tiêu công quỹ là gì ? Có cơ chế nào để ngăn chặn việc này không ?
À, dân thì ai chẳng biết nhưng ông Phó tổng Thanh tra Chính phủ không biết. Mọi chuyện minh bạch rõ ràng y như bầu trời Hà Nội mùa cao điểm bụi mịn.
Điểm gây cười thứ ba : Phát hiện 10 người vi phạm trong minh bạch tài sản
Vẫn theo Thanh tra Chính phủ, năm 2018 có 46 người được xác minh tài sản, thu nhập để minh bạch. Phát hiện 10 người vi phạm, đã kỷ luật 8, đang xem xét kỷ luật 2 trường hợp.
Tôi lại lăn ra cười với cái "phát hiện" này. Kê khai tài sản là quy định bắt buộc đối với cán bộ từ phó trưởng phòng của Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên và tương đương. Cả nước Việt Nam, dạng này có hàng trăm ngàn người, và thôi chẳng đếm chi cho mệt, cứ căn theo số vụ tham nhũng đã mang ra xét xử cũng đủ thấy số vi phạm phải gấp vài trăm lần, chứ sao chỉ có 8 người được. Ông Phó tổng thanh tra Chính phủ muốn đùa hay gì ?
Cách đây 14 năm, nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh khẳng định năm 2020 Việt Nam trở thành nước công nghiệp. Năm 2020 đến được 21 ngày rồi, chửa biết nước ta đã công nghiệp trong các nền khác chưa chứ nền công nghệ tham nhũng thì ta cho bọn 4.0 hít khói từ lâu lắm. Giờ này còn nghĩ tham nhũng là biếu tiền trong phong bì, xách quà lễ mễ đến nhà hay vác xe công đi ăn nhậu, đi du hí, đi lễ chùa… thì xin mời Thanh tra Chính phủ về lại đĩa bay cho chóng. Ông Nguyễn Bắc Son nhận 3 triệu đô la, chắc bên kia khiêng mấy valy đến nhà bảo, bác ơi cho em mượn cái máy đếm tiền em đếm cho cẩn thận kẻo mất lòng hai bên ạ ?
Cơ mà, nói thế thôi, chẳng ai tin ông Trần Ngọc Liêm lại cà dốt hay ngây thơ đến thế.
Thế thì đường đường là cơ quan phụ trách việc kiểm tra nội bộ cao nhất của cả một thể chế, có vai trò như con gõ kiến suốt đời chỉ đi tìm bắt sâu đục thân cây, cớ sao ông vẫn trịnh trọng ký hẳn một cái công văn không bói ra được một gam hiệu quả nào, một ly răn đe nào vào những ngày nhà bao nhiêu việc thế này ? Ông rảnh ? Ông hài quá ? Ông muốn gõ nhẹ một cái ?
Hay thực ra ông đúng là người miền Bắc có lý luận, nên mới chọn những ngày đốt lò hừng hực để tận hiến nhân dân một trò giải trí cao tay nhằm chứng minh cho thiên hạ thấy có những cơ quan Nhà nước quan trọng nhưng thực chất đang vô dụng đến mức nào.
Còn quý vị nghĩ sao ?
Lý Bá
Nguồn : RFA, 21/01/2020
******************
Tổng bí thư : Hiếm có đảng cầm quyền nào trên thế giới được dân tin yêu như 'Đảng ta'
VOA, 21/01/2020
Mặc dù thú nhận "không phải không có lúc mắc sai lầm, khuyết điểm", nhưng người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng Đảng đã sớm nhận ra những sai lầm khuyết điểm này và kiên quyết sửa chữa, dù đau đớn, nên đã khiến cho người dân càng tin tưởng vào đảng cầm quyền duy nhất tại Việt Nam.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trên giường bệnh. Ảnh biếm họa (facebook Nhật Ký Yêu Nước)
"Nói một cách công bằng và thẳng thắn, không phải không có lúc chúng ta mắc sai lầm, khuyết điểm. Nhưng với tinh thần tự phê bình và phê bình, Đảng đã sớm nhận ra những sai lầm, khuyết điểm và kiên quyết sửa chữa, dù có đau đớn hay phải đối diện với muôn vàn khó khăn, rào cản", ông Nguyễn Phú Trọng trả lời phỏng vấn báo Quân Đội Nhân Dân vào ngày 20/1, nhân dịp Tết Nguyên Đán và kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Vẫn theo lời ông Trọng, chính nhờ tinh thần "tự phê bình và phê bình này" mà "hiếm có dân tộc nào trên thế giới khi nói đến Đảng cầm quyền, nhân dân lại dành cho một sự trân trọng, tự hào, yêu thương như dân tộc Việt Nam đối với Đảng Cộng sản Việt Nam".
Bài phỏng vấn đặc biệt Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được đưa ra vào thời điểm công luận vẫn chưa ngớt chỉ trích Đảng Cộng sản và chính quyền Việt Nam về hành động được cho là "thất nhân tâm" khi thực hiện cuộc bố ráp, đột kích vào làng Đồng Tâm khiến cho "thủ lĩnh tinh thần" của người dân làng – ông Lê Đình Kình, 84 tuổi – và 3 công an thiệt mạng vào ngày 9/1, ngay thời điểm sát Tết Nguyên Đán, dịp hội tụ quây quần của các gia đình Việt Nam.
Bộ Công an quy kết ông Lê Đình Kình và hàng chục người dân làng Đồng Tâm là "đối tượng chống đối" và đưa ra quyết định khởi tố vụ án ngay sau đó đối với 22 người làng Đồng Tâm (trong đó có nhiều người là con cháu ông Kình) về 3 tội danh : giết người, tàng trữ-sử dụng vũ khí trái phép và chống người thi hành công vụ.
Trong khi đó, 3 công an tử vong ngay lập tức được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong cương vị Chủ tịch nước, truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cấp bằng "Tổ quốc ghi công" và Bộ Công an thăng cấp bậc hàm vượt cấp.
Theo nhận định của một số người quan sát tình hình thời sự Việt Nam, chưa có vụ tranh chấp đất đai nào từ trước tới nay lại dẫn đến sự phân hóa, chia rẽ công luận và rạn vỡ xã hội như trong vụ Đồng Tâm.
Hơn 10 ngày kể từ sau khi xảy ra vụ việc, công luận vẫn có thể nhìn thấy rõ làn sóng bất bình của người dân biểu lộ qua mạng xã hội và những hành động "bất tuân dân sự".
Chẳng hạn, ngay sau khi Bộ Công an tuyên bố việc phong tỏa số tiền phúng điếu ông Kình với hơn nửa tỷ đồng (gần 23.000 USD) mà người dân đóng góp là một trong những biện pháp nhằm ngăn chặn hành vi "tài trợ khủng bố", kêu gọi người dân "nâng cao cảnh giác, không gửi tiền và tài khoản của những người có hành vi kêu gọi tài trợ" và thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng xác minh, xử lý", thì người dân không những không tuân theo mà còn lập tức "tỏ thái độ" bằng cách kêu gọi tẩy chay ngân hàng Vietcombank, nơi lưu giữ số tiền gây quỹ trên, và đồng thời gây một quỹ khác trên GoFundMe và đóng góp số tiền còn nhiều hơn số tiền đã bị công an phong tỏa, gần 35.000 USD (vào tối 21/1) chỉ sau 3 ngày kêu gọi.
Một số người khác, đứng đầu là Tiến sĩ Nguyễn Quang A – người vận động cho xã hội dân sự tại Việt Nam, đã đến Viện kiểm sát Hà Nội nộp đơn "tố cáo" về hành vi giết người trong vụ việc mà họ cho là chính quyền đã "tấn công" vào người dân tại Đồng Tâm.
Nguồn : VOA, 21/01/2020