Luật tổ chức Quốc hội Việt Nam đang được đưa ra bàn thảo sửa đổi, đang có đề xuất dành 5% số ghế đại biểu cho các chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý đã đến tuổi hưu nhưng vẫn còn khả năng công tác.
Luật tổ chức Quốc hội Việt Nam đang được đưa ra bàn thảo sửa đổi
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, một facebooker hay phản biện chính sách lo ngại rằng, đó rồi sẽ lại là những gương mặt cũ mèm ở các bộ ban ngành đoàn thể lâu nay mà thôi.
Về vấn đề này tôi có ý kiến như sau.
Xuất phát từ vai trò của Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri, đại diện cho các nhóm dân chúng, các ngành nghề, các thành phần trong xã hội, đó là những nhóm người có chung lợi ích và khác với những nhóm khác.
Ví như có Đại biểu đại diện cho công nhân, đó có thể là những lãnh đạo công đoàn có uy tín, có đại biểu đại diện cho nông dân là người đã đạt thành tựu về trồng cấy chăn nuôi được nhiều người biết đến.
Hoặc có đại biểu đại diện cho nhóm doanh nghiệp bất động sản, đại biểu khác đại diện cho nhóm ngành vật tư y tế.
Hoặc có đại biểu đơn thuần đại diện quyền lợi cho người dân bình thường mà đối với từng chính sách khác nhau họ có thể có quan điểm tùy nghi ủng hộ hay phản đối.
Mặt khác, trong đời sống luôn có những vấn đề phát sinh cần giải quyết đối với các nhóm dân chúng.
Hoặc đang trong điều kiện bình thường nhưng lại được đặt ra thúc đẩy cải thiện cho tốt hơn.
Nguồn lực quốc gia là có giới hạn
Trong khi chúng ta biết rằng nguồn lực quốc gia là có giới hạn, không phải vô tận, ngân sách luôn hạn hẹp so với nhu cầu, cho nên các Đại biểu đại diện cho các nhóm quyền lợi sẽ phải đấu tranh để giành lợi ích cho nhóm mà mình đại diện.
Bằng cách lên tiếng cho vấn đề cần giải quyết, đưa ra các dự án luật, liên tục rêu rao cho vấn đề để nhận được sự quan tâm của xã hội và thấy được tính quan trọng cần kíp.
Chung cuộc Quốc hội sẽ biểu quyết theo đa số cho những vấn đề được đánh giá là quan trọng và cấp thiết hơn, thông qua hay bác bỏ những dự án luật, trong quá trình đó các đại biểu và đằng sau đó là các nhóm lợi ích, các đảng phái phe nhóm chính trị sẽ phải thỏa hiệp với nhau.
Như thế Đại biểu Quốc hội phải là một người đấu tranh cho quyền lợi, và thường trước khi được bầu trở thành Đại biểu họ cũng thường là những nhà hoạt động vì lợi ích cộng đồng, bản chất cũng là những người đấu tranh cho quyền lợi.
Còn các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý thì bình thường họ có thể đưa ra ý kiến tư vấn.
Nhưng họ không có tính cách nhiệt huyết của những nhà hoạt động, những người đấu tranh cho quyền lợi.
Image captionChủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
Vậy họ có thích hợp làm Đại biểu Quốc hội không, nhất là khi họ đã quá tuổi hưu ?
Nói ra đến đây, nhiều người sẽ cho rằng vấn đề là mô hình cách thức tổ chức quyền lực ở Việt Nam khác với các nước, cho nên vai trò bản chất của Đại biểu Quốc hội cũng khác.
Nhưng thực chất sự khác nhau không nhiều, trong khi những điểm giống nhau về chức năng nhiệm vụ vai trò của Đại biểu với Nghị sĩ các nước lại lớn hơn.
Quốc hội Việt Nam hiện nay không thiếu về nguồn lực phản biện, không thiếu về nhân sự phản biện, không thiếu về tri thức phản biện, không thiếu về công tác tổ chức phản biện.
Những cái đó có ở các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, được thực hiện trong công việc hàng ngày trong mối tương tác kết hợp giữa các ban ngành lâu nay.
Thiếu mức độ tận tâm quyết liệt
Cái mà Quốc hội Việt Nam hiện nay thiếu là mức độ tận tâm quyết liệt với các lợi ích mà Đại biểu vốn được cho là đại diện.
Và thiếu năng lực tri kiến của Đại biểu trước các vấn đề thách thức đặt ra đối với đất nước và nhóm dân chúng.
Chỉ có sự tận tâm quyết liệt với lợi ích, mà mọi ngành nghề lĩnh vực đều có những đại biểu như vậy, thì mới mong nâng được chất lượng hiệu quả của sinh hoạt nghị trường.
Vì lý do đó, một cách giản dị khiêm tốn nhất trong môi trường bối cảnh Việt Nam hiện nay, tôi cho rằng nên dành con số 5% thay vì cho những người được đề xuất thì dành cho các ứng viên đại biểu độc lập.
Những người không được nhà nước cơ cấu mà bằng sự tự tin vào năng lực uy tín của mình nên đã tự đứng ra ứng cử.
Làm việc này Quốc hội sẽ có được nguồn năng lực chất lượng ngoài xã hội, gia tăng gia vị đậm đà cho sinh hoạt nghị trường.
Nhưng để làm được cũng đòi hỏi khả năng tầm vóc, bản lĩnh nhân cách lớn mới có thể làm được đối với lãnh đạo hiện nay.
Một ví dụ cho thấy công tác lập pháp yếu ảnh hưởng xấu tới kinh tế thị trường.
Condotel
Mấy năm qua người ta đang tranh cãi với nhau về việc xác định địa vị pháp lý của căn hộ nghỉ dưỡng Condotel.
Đây là loại hình sản phẩm bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, xuất hiện ở Việt Nam từ dăm bảy năm trở lại đây, học theo mô hình sản phẩm bất động sản đã có từ nước ngoài.
Hàng vạn căn hộ đã được xây dựng, vậy nhưng khung khổ pháp lý bị cho là thiếu hụt khiến các căn hộ không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu sử dụng.
Việc này đã làm đình trệ lưu thông cả một thị trường bất động sản căn hộ nghỉ dưỡng lên đến hàng chục nghìn căn. Thiệt hại kinh tế không biết bao nhiêu mà kể.
Đây là một ví dụ mà năng lực lập pháp yếu khiến ảnh hưởng xấu tới kinh tế thị trường.
Trong trường hợp này nền lập pháp đã không đủ tích cực hiệu quả để tạo lập hành lang pháp lý, khiến sự việc tranh cãi kéo dài mấy năm qua chưa dứt.
Bình thường thì nền lập pháp tác động tới lưu thông hàng hóa trong kinh tế thị trường bằng các quy định có tính ràng buộc khiến cho thị trường kém tự do,.
Hoặc nó tác động bởi sự chậm tiến lạc hậu không theo kịp những đòi hỏi của thị trường, khi không đưa ra quy định khiến người ta không biết hành xử ra sao cho đúng luật.
Trong khi thị trường bất động sản là một phần của nền kinh tế thị trường, giá trị của thị trường bất động sản chiếm tỷ trọng giá trị cao trong tổng thể nền kinh tế.
Từ đó dẫn đến những bất cập của khung khổ pháp lý của thị trường bất động sản làm cho nền kinh tế kém tính thị trường, ảnh hưởng xấu tới phát triển kinh tế, gây thất vọng cho nhà đầu tư nước ngoài hoặc các định chế kinh tế quốc tế.
Trong khi Việt Nam lâu nay luôn muốn được quốc tế công nhận có nền kinh tế thị trường để được hưởng các cơ chế bình đẳng như các nền kinh tế khác về xuất khẩu hàng hóa, tiếp cận vốn vay.
Thay vì bị các rào cản về xuất nhập khẩu hàng hóa, lãi suất vay vốn và hạn chế cho vay mà quốc tế họ áp đặt cho những nền kinh tế phi thị trường.
Như thế, vấn đề đặt ra hiện nay đòi hỏi ở nền lập pháp phải đủ tính năng hiệu quả, kịp thời khai thông vướng mắc cho nền kinh tế.
Hiện nay, dịch vi rút cúm đang làm ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế, theo tính toán mới đây riêng ngành hàng không có nguy cơ sụt giảm doanh thu 25.000 tỷ đồng.
Sự đứt gãy nguồn cung cầu về nguyên liệu và sản phẩm giữa nền kinh tế Việt Nam với các nước còn đưa đến nhiều hệ lụy kinh tế khác, nhưng đó là lý do thuộc về bất khả kháng.
Còn ngược lại, có những vấn đề thuộc về chủ quan, nền lập pháp thiếu hiệu năng đã gây hậu quả xấu cho nền kinh tế, ví như chuyện đang xảy ra đối với loại hình căn hộ du lịch nghỉ dưỡng Condotel hiện nay, và tương lai sẽ còn nhiều vấn đề khác,.
Để nền kinh tế pháp triển tốt thay vì cứ bước tiến bước lùi, thay vì bị phung phí tiềm năng cơ hội vì những lý do không đáng, thì cần nâng cao năng lực lập pháp, để nền lập pháp là cái thúc đẩy thay vì là nguyên nhân cản trở cho nền kinh tế.
Ngô Ngọc Trai
Nguồn : BBC, 03/03/2020
Luật sư Ngô Ngọc Trai gửi cho BBC tiếng Việt từ Hà Nội.
********************
Ý tưởng ‘5% ghế quốc hội cho chuyên gia, nhà khoa học’ gây tranh cãi
VOA, 02/03/2020
Quốc hội Việt Nam hiện cân nhắc ý tưởng dành "khoảng 5%" số ghế đại biểu cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, song điều này gây ra tranh cãi từ phía một số nhà phản biện.
Đại đa số ghế quốc hội Việt Nam do các quan chức lãnh đạo các bộ, các địa phương nắm giữ
Trang web của quốc hội và báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày gần đây loan báo rằng Luật Tổ chức Quốc hội đang được sửa đổi, và bản dự thảo mới sẽ được trình để thông qua khi quốc hội họp vào tháng 5 tới.
Một nội dung quan trọng được cân nhắc để sửa đổi hay không là tỷ lệ đại biểu quốc hội chuyên trách. Theo trang web của quốc hội và báo Pháp luật TP.HCM, hiện có hai phương án là vẫn giữ tỷ lệ 35% ghế dành cho đại biểu chuyên trách, hoặc tăng tỷ lệ này lên 40%, trong đó có thể bao gồm "khoảng 5% cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý gần đến tuổi nghỉ hưu hoặc đã nghỉ hưu nhưng đủ điều kiện về sức khỏe, có kinh nghiệm, năng lực công tác, trí tuệ và uy tín".
Đại biểu chuyên trách được hiểu là những người được bầu chỉ làm nhiệm vụ đại biểu của nhân dân và công việc quốc hội giao. Lâu nay, đại đa số đại biểu quốc hội Việt Nam cũng kiêm nhiệm các chức vụ lãnh đạo tại các cơ quan hành pháp, tư pháp, các tỉnh, thành phố, các lực lượng vũ trang, v.v…
Bình luận về phương án 5% ghế quốc hội nêu trên, tiến sĩ toán Nguyễn Ngọc Chu cho rằng đây là một đề xuất chứa đựng mong muốn về một quốc hội "mạnh hơn" và lưu tâm đến "chất xám khoa học, chuyên gia, và quản lý".
Nhưng tiến sĩ Chu cho rằng do có sự sắp đặt bởi hệ thống chính trị Việt Nam, thường được gọi là "cơ cấu", nên kết quả mang lại sẽ vẫn là "những khuôn mặt đã ‘quá cũ’ trong quốc hội và trong chính phủ".
Viết trên Facebook cá nhân có hơn 48.000 người theo dõi, tiến sĩ Chu khẳng định cải cách chất lượng đại biểu và hoạt động của quốc hội nằm ở một điểm cốt lõi khác, đó là "phải đi qua con đường tranh cử tự do". Ông nhấn mạnh : "Chỉ có tranh cử tự do mới chọn ra được một quốc hội trí tuệ và hiệu quả".
Nhắc đến nguyên tắc chung quan trọng nhất là đại biểu quốc hội do cử tri bầu chọn và các đại biểu phải được ấn định theo số lượng cử tri và theo địa phương, tiến sĩ Chu cho rằng việc luật đặt ra các con số phần trăm về ghế quốc hội dành cho đại biểu thuộc các bộ, ngành, giới tính, v.v… là "không khoa học".
"Đây là một trong những nguyên nhân chính đẻ ra các đại biểu quốc hội không chất lượng, hậu quả là làm suy yếu quốc hội", ông Nguyễn Ngọc Chu viết.
Để sửa chữa vấn đề này, vị tiến sĩ tái khẳng định phải có "tranh cử tự do" với quyết định bầu chọn "nằm trong tay cử tri".
Cũng lên tiếng về vấn đề này, luật sư Ngô Ngọc Trai viết trên trang cá nhân và một số diễn dàn trên mạng xã hội rằng"nên dành con số 5% đó cho các ứng viên đại biểu độc lập" là những người "tự tin vào năng lực, uy tín của mình nên đã tự đứng ra ứng cử".
Vị luật sư được nhiều người biết tiếng đưa ra lý giải cho đề xuất của ông rằng đại biểu quốc hội phải là "một người đấu tranh cho quyền lợi" của các nhóm cử tri và các ngành nghề, vì vậy, chỉ khi nào có sự tận tâm quyết liệt với lợi ích của những đại biểu như vậy, "mới mong nâng được chất lượng hiệu quả của sinh hoạt nghị trường".
Luật Đất đai năm 2013 được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2013 tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014. Đúng như lời Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương có nhắc đến, sau 3 năm thực thi, tháng 12/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị xây dựng dự án sửa đổi, bổ sung với lý do việc triển khai thi hành luật vẫn còn những tồn tại, bất cập.
Quốc hội Việt Nam Khóa 14 tại kỳ họp thứ 5, Hà Nội 21/5/2018. AFP
Từ thời điểm đó đến nay, theo lời Luật sư Đặng Đình Mạnh trả lời chúng tôi từ Vinh, thực chất đã có rất nhiều cuộc thảo luận xoay quanh đề nghị sửa đổi Luật đất đai. Tuy nhiên, nội dung chính luôn bị đặt sang bên lề sau những cuộc tranh luận.
"Hầu như những ý kiến nên công nhận quyền tư hữu của đất đai đều bị bỏ qua. Bị bỏ qua do nó bị cản trở bởi ý thức hệ. Vì vậy rất tiếc là những lần có ý kiến sửa đổi theo hướng tiệm cận hơn với luật pháp của các quốc gia khác thì mình đều bị bỏ lỡ".
Việt Nam ra luật đất đai lần đầu tiên vào năm 1985, khẳng định rằng "đất đai là sở hữu toàn dân và do nhà nước thống nhất quản lý". Một nguyên tắc của luật là "tôn trọng quyền sử dụng hiện tại của các cá nhân và của các tổ chức". Do đó, theo ý kiến của Luật sư Bùi Quang Nghiêm từng nhận định rằng, quyền sở hữu đất đai của người Việt Nam theo luật Việt Nam gây rất nhiều hệ luỵ.
Chính những hệ luỵ đó đã dẫn đến những cuộc biểu tình, khởi kiện kéo dài chục năm, những con người trong phút chốc phải đổi cả sinh mạng để quyết giữ lấy mảnh đất hay thửa ruộng.
Đồng Tâm, Văn Giang, Tiên Lãng, Thủ Thiêm, cộng với những cái tên khuấy động tòa án dư luận như Đoàn Văn Vươn, Cấn Thị Thêu, Lê Đình Kình, Đặng Văn Hiến…có lẽ là những chương điển hình trong lịch sử Luật đất đai của Việt Nam.
"Tôi hoàn toàn ủng hộ ý tưởng là phải thay đổi luật đất đai và công nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai, bởi vì đất đai là tư liệu sản xuất quan trọng nhất không những của nông dân mà còn của giới doanh nhân nữa".
Với Luật sư Đặng Đình Mạnh, ông cho rằng mục đích cuối cùng và cần phải hướng tới của việc sửa đổi Luật đất đai, đó là : "Công nhận quyền tư hữu của đất đai".
"Việc công nhận quyền tư hữu của đất đai không làm yếu đi quyền lực của nhà nước, chính quyền. Lúc nào cũng vậy, quyền tư hữu không chỉ đất đai mà tất cả các tài sản khác luôn luôn có giới hạn, giới hạn đó do luật pháp quy định chứ không phải tư hữu là cho người ta cái quyền vô hạn không đụng đến được".
Theo Luật sư Bùi Quang Nghiêm, ông đồng ý phải sửa đổi Luât đất đai để đảm bảo cho người đang sử dụng đất là đang sử dụng chính đất của họ.
"Khi nhà nước muốn lấy lại làm những công trình công ích thì phải có chính sách hay luật phải quy định một cách rõ ràng hơn để bớt đi thiệt hại của những người mà người ta đã sống gắn bó với đất đai vốn là tài sản của người ta đã có trên đất đó".
Những cuộc khởi kiện kéo dài dẫn đến những bất an trong đời sống xã hội chính là hệt quả của kẻ hở còn tồn đọng trong Luật đất đai hiện hành. Trong 5 vấn đề chính của Luật Đất đai 2013 mà Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị sửa đổi, bổ sung đều liên quan đến quản lý, sử dụng và chuyển dịch đất.
Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến những "ngọn lử bùng lên từ đất" theo cách nói của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương. Theo phân tích của Luật sư Mạnh, chủ trương "đất đai là sở hữu toàn dân và do nhà nước thống nhất quản lý" là một sợi dây nối vô hình của sự chuyển đổi từ chế độ phong kiến lên xã hội chủ nghĩa.
"Nhà nước lại đứng ra thay mặt để đền bù, mà thực tế đền bù với giá rẻ mạt. Thậm chí lại cưỡng chế để giao đất cho những đơn vị làm kinh tế. Điều đó không nên. Những cơ sở muốn sở hữu đất đai của người dân thì cứ để 2 bên thương lượng với nhau trên cơ sở giá thị trường, không nên can thiệp quá sâu, chỉ hỗ trợ về thủ tục".
Theo ông, cái bóng ma ý thức hệ từ quá khứ là nguyên nhân gây ra sự bế tắc trong con đường thay đổi một chuyên chế, trong đó có Luật về đất đai. Trên thực tế, mọi vấn đề về tài sản, sở hữu tài sản hay nền kinh tế gì đi nữa thì nó chỉ có 1 nền kinh tế là nền kinh tế thị trường. Nhưng chính quyền hiện tại lại xây dựng 1 cái khác với thế giới đó là nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.
"Chính cái chỗ là các triết lý gia của chính quyền Cộng sản họ bày ra những từ ngữ, thành ra họ vướng vào đó và không giải quyết được vấn đề.
Cốt lõi thuộc về ý thức hệ. Mà phàm thì cứ xã hội chủ nghĩa thì không thể chấp nhận được sở hữu tư nhân về đất đai".
Khái niệm kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa được đưa ra lần đầu tiên từ thập niên 1990. Theo nhận định của Tiến sĩ kinh tế Ngô Trí Long, vấn đề là Hiến pháp Việt Nam có qui định nền kinh tế nhà nước ở vai trò nòng cốt, chủ đạo hay không ?
"Trên thế giới không có một đất nước nào mà dựa vào nền kinh tế doanh nghiệp nhà nước mà phát triển một cách có hiệu quả cả. Nếu vẫn còn tư tưởng, suy nghĩ như vậy thì tôi nghĩ khó có thể để cho nền kinh tế phát triển có hiệu quả và khả năng tụt hậu ngày càng rõ".
Và cũng liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế, xã hội, Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, Bình Định có đề nghị cần có Luật phòng, chống phản bội Tổ quốc.
Không thể có ý kiến nhiều đề xuất này, vì theo luật sư Mạnh, khi đề nghị này được công bố rộng rãi trên truyền thông thì nó trở thành một câu chuyện khôi hài. Vì không chỉ riêng Việt Nam, mà luật pháp của bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng có chế tài rất rõ ràng với đối tượng phạm tội phản bội Tổ quốc.
Một nhận định của Luật sư Lê Luân nói rằng :
"Có lẽ đây là giai đoạn người dân bội thực về các loại quy trình và các loại phát ngôn, đề xuất của những người ở vị trí lãnh đạo, của cán bộ, công chức vì sự rất thiếu hiểu biết (trí tuệ) và nó cũng không có giá trị hữu ích hay thực tế nào mà vẫn được thốt ra rất thản nhiên và mạnh bạo. Thế rồi họ lại nháo nhào đi cải sửa, thay thế và mọi thứ lại trở về như lúc trước khi nó biến dạng".
Đánh giá sự việc này ở mặt bằng dân trí chung, Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận định rằng những vị đại biểu ấy được giao cho chiếc ghế ngồi cao quá cao so với sự hiểu biết của họ. Do đó, theo ông, sửa luật, hay thêm luật thời điểm này không phải là điều cần thiết nhất, mà là sự thay đổi con người và tư duy.
"Thay đổi luật là cần thiết, nhưng thay đổi thôi thì không đủ. Vì những con người mang tư duy cũ mà họ không thích nghi được với những quy định tiến bộ thì họ đang làm biến tướng những quy định của luật pháp".
Thay đổi luật là cần phải thay đổi cả con người. Người nào thay đổi được tư duy, điều đó tốt cho đất nước, nhưng xơ cứng quá thì chính ra họ đang làm biến dạng những quy định tiến bộ tiệm cận với thế giới.
Cát Linh
Nguồn : RFA, 30/05/2018