Lễ tuyên thệ nhậm chức là biểu tượng của nền dân chủ Mỹ
VOA, 21/01/2021
Cứ mỗi 4 năm, người Mỹ nghỉ Ngày Tuyên thệ nhậm chức để chứng kiến một nét đặc trưng của nền dân chủ Mỹ-chuyển giao quyền hành một cách ôn hòa. Vào ngày 20/1 mọi con mắt đều đổ dồn vào cựu Phó Tổng thống Joe Biden, người tuyên thệ để trở thành tổng thống thứ 46 của nước Mỹ.
Ngày Tuyên thệ nhậm chức để chứng kiến một nét đặc trưng của nền dân chủ Mỹ-chuyển giao quyền hành một cách ôn hòa.
Ngày Tuyên thệ nhậm chức xác nhận biểu tượng lâu dài về việc tự cai trị của nước Mỹ. Nhà lãnh đạo mới tuyên thệ nhậm chức sau khi nhận được quyền cai trị với sự đồng ý của người bị trị.
Vạch ra đường hướng
Những tổng thống mới bắt đầu nhiệm kỳ với một bài diễn văn đặt ra đường hướng cho 4 năm tới.
"Đây là một cơ hội thực sự cho việc tái lập những hoạt động của người Mỹ", bà Colleen Shogan, phó chủ tịch của Hiệp hội Lịch sử Tòa Bạch Ốc nói. "Đây là lần đầu tiên tổng thống tự giới thiệu mình là tổng thống của nước Mỹ, và ông sẽ không bao giờ có lại cơ hội này để làm như vậy. Do đó, đây là một thời điểm rất quan trọng trong lịch sử nước Mỹ".
Một số câu chữ trong lễ tuyên thệ gây ra những đáp ứng mạnh mẽ đủ để trở thành một phần của từ vựng Mỹ.
Như vào năm 1933 Tổng thống Franklin D. Roosevelt nói "Việc duy nhất chúng ta phải sợ là sợ chính mình". Và vào năm 1961, Tổng thống John F. Kennedy nói với người Mỹ "đừng hỏi đất nước của bạn có thể làm gì cho bạn-nhưng nên hỏi bạn có thể làm gì cho đất nước của bạn".
"Bài diễn văn bao gồm những ý tưởng, ý thức hệ, và cách thức và giọng điệu của tân tổng thống", giáo sư lịch sử chính trị Matt Dallek, Trường đại học George Washington nói.
Một số bài diễn văn nhậm chức có ảnh hưởng lâu dài lên khung cảnh chính trị. Bốn mươi năm sau khi Tổng thống Ronald Reagan tuyên bố rằng "chính phủ không phải là giải pháp cho vấn đề của chúng ta, mà chính phủ là vấn đề", người Cộng hòa tiếp tục trân quí lời lẽ chống chính phủ này.
Thời điểm tiên nghiệm
Dù là lời kêu gọi hạn chế quyền hạn liên bang của ông Reagan, hay là lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Barack Obama, Tổng thống Mỹ gốc Phi đầu tiên, có những thời điểm mà lễ nhậm chức biểu hiện thời điểm của họ.
"Họ sống trong trí nhớ của mọi người vì họ nói về những điều căn bản hơn về đất nước và về thời kỳ trong đó mọi chuyện trôi qua", ông Dallek nói.
Lễ nhậm chức 2021 sẽ nằm trong số lễ nhậm chức đặt ra tiền lệ, vì Thượng nghị sĩ California, Kamala Harris, trở thành phụ nữ đầu tiên, và người da màu đầu tiên, tuyện thệ nhậm chức Phó Tổng thống.
Tổng thống Mỹ đầu tiên George Washington, đọc bài diễn văn nhậm chức ngắn nhất. Bài diễn văn năm 1793 gồm 135 từ. Bài diễn văn nhậm chức của Tổng thống William Heny Harrison năm 1841 dài nhất với 8.455 từ. Và cũng trở thành một thảm kịch.
Ông Harrison là người lớn tuổi nhất được bầu làm tổng thống lúc bấy giờ. Để chứng tỏ ông mạnh mẽ và thích hợp với công việc, tân tổng thống 68 tuổi đọc bài diễn văn tràng giang đại hải, mất hơn một giờ trong nhiệt độ giá lạnh. Ông bị bệnh và chết một tháng sau đó.
Ông là tổng thống phục vụ ngắn nhất trong lịch sử.
Biểu tượng cầu kỳ
Biểu tượng có thể là một phần lớn trong Ngày Tuyên thệ nhậm chức.
Vào năm 1809 trong khi nước cộng hòa non trẻ vẫn còn đang phát triển tính chất quốc gia, ông James Madison muốn đảm bảo là toàn bộ trang phục nhậm chức của ông, cho đến vớ bằng lụa, phải được làm tại Mỹ. Tổng thống Dwight D. Eisenhower trong cuộc diễn hành nhậm chức vào năm 1953 và 1957, chứng tỏ sức mạnh quân sự của Mỹ bằng cách trình diễn xe tăng, binh sĩ và phi đạn.
"Vào năm 1865, nhân lễ nhậm chức nhiệm kỳ hai của ông, Tổng thống Abraham Lincoln, mời tất cả người Mỹ tham dự diễn hành lần đầu tiên", bà Shogan nói. "Vào năm 1917, trong lễ nhậm chức nhiệm kỳ hai của tổng thống Woodrow Wilson, phụ nữ lần đầu tiên tham gia diễn hành".
Lễ nhậm chức từ một việc đơn giản đã trở nên hào nhoáng.
Vào năm 1801 ông Thomas Jefferson đi bộ đến nơi tuyên thệ tại Điện Capitol, đọc bài diễn văn và đi bộ đến nhà thuê. Ngày nay, toán an ninh nghiêm nhặt hộ tống xe limousing của Tổng thống đến nơi tuyên thệ, được hàng triệu người theo dõi hoặc đích thân hoặc qua màn ảnh truyền hình.
Lễ tuyên thệ được tiếp theo bằng một cuộc diễn hành với sự tham dự của 50 tiểu bang và có thể kéo dài nhiều giờ. Một vài cuộc dạ vũ kết thúc ngày lễ.
Việc khai sinh máy truyền hình đóng một vai trò làm cho việc xem ngày lễ nhậm chức quan trọng hơn, nhưng cũng làm tăng thêm gánh nặng của công việc.
"Chức vụ Tổng thống đã trở nên, qua nhiều thế kỷ-và đặc biệt là kể từ Thế chiến thứ Nhất và Thế chiến thứ Hai- là một việc lớn hơn", ông Dallek nói. "Và những kỳ vọng đã trở nên, như một sử gia nói, thực sự là một chức vụ tổng thống khó có thể xảy ra… Khi nhiệm vụ và trách nhiệm của tổng thống gia tăng, tôi nghĩ chúng ta đã chứng kiến lễ nhậm chức có một bầu không khí lớn hơn cuộc sống với các đảng và những cuộc diễn hành".
Trong khi đại dịch vẫn cản trở nhiều sinh hoạt bình thường trong lễ nhậm chức năm nay, nhưng COVID-19 không ngăn nước Mỹ chào mừng sự kiên cường của nền dân chủ Mỹ.
(Nguồn Dora Mekouar)
Nguồn : VOA, 21/01/2021
********************
Ông Biden nhậm chức : Mỹ chấm dứt thời kỳ chia rẽ ?
VOA, 21/01/2021
Bài diễn văn nhậm chức kêu gọi đoàn kết của Tổng thống Joe Biden gây được tiếng vang với các ủng hộ viên Dân chủ gốc Việt nhưng các cử tri Cộng hòa nói ‘cần thời gian để xem ông làm như thế nào’.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong buổi lễ nhậm chức
Một trong những điểm nhấn quan trọng trong bài diễn văn nhậm chức của Tổng thống Joe Biden là kêu gọi người dân Mỹ bỏ qua khác biệt, đoàn kết với nhau để cùng nhau vượt qua thách thức và xây dựng lại nước Mỹ. Ông Biden cũng hứa ông sẽ là ‘tổng thống của tất cả mọi người Mỹ’.
‘Hàn gắn đất nước’
Lời kêu gọi đoàn kết này là một trong những điểm mà ông Nguyễn Bình Phương, một kỹ sư phần mềm ở thành phố Fremont, bắc California, cảm thấy tâm đắc nhất, ông nói với VOA.
"Suốt bốn năm qua, (cựu tổng thống) Donald Trump luôn dùng những lời lẽ gây phân hóa, gây chia rẽ giữa các nhóm đa số và thiểu số, giữa người da trắng với người da màu để tranh thủ sự ủng hộ của các cử tri của ông", ông Phương giải thích. "Sự phân hóa này đã đi vào gần như tất cả các cộng đồng, các gia đình".
Ông Joe Biden không chỉ dừng lại ở lời kêu gọi mà nội các của ông cũng ‘bao gồm đại diện các nhóm thiểu số, các sắc dân khác nhau’, ông Phương chỉ ra và nói ông hy vọng các chính sách sắp tới của tân tổng thống ‘sẽ giúp hàn gắn nước Mỹ trở lại’.
"Nhìn sâu hơn vào những chính sách và việc làm của ông Biden có một điều có thể thấy là ông hướng tới những người thiệt thòi và yếu thế", ông nói.
Tuy nhiên ông cho rằng ‘những tiếng ồn từ phía ông Trump và phe ủng hộ ông Trump’ trong những ngày đầu nhiệm kỳ sẽ gây khó khăn cho ông Biden thực hiện những chính sách của mình.
"Cần nỗ lực từ cả hai phía để nước Mỹ trở lại mạnh như trước đây thay vì một đất nước chia rẽ như hiện tại", ông nói.
Khi được hỏi có nghe theo lời ông Biden để hòa giải với những người Việt ủng hộ ông Trump ở phía bên kia hay không, ông Phương nói những người phía Trump ‘đều là người Việt da vàng như mình’.
"Có những người đồng bào của mình trong lúc nào đó vì thông tin sai lệch nên cứ lầm tưởng ông Trump là người tốt đẹp nhưng từ từ sự thật sẽ được phơi bày ra ánh sáng trong vòng 1-2 năm tới", ông Phương giãi bày.
Ông chỉ ra một điều mà ông cho là ‘ngộ nhận’ của người Việt ủng hộ ông Trump là ‘chỉ có ông Trump mới chống lại được Trung Quốc’ trong khi các chính quyền Mỹ từ trước đến nay đều dè chừng Bắc Kinh.
"Không phải ở thời Trump mà từ thời (cựu tổng thống) Barack Obama đã có chính sách cứng rắn với Trung Quốc", ông phân tích.
Ông cho rằng những người Việt ‘cuồng Trump’ ‘là nạn nhân của sự dối trá’.
"Có những người đến nay vẫn dùng tin giả, vẫn bóp méo thông tin, làm lung lạc sự thật để ảnh hưởng đến suy nghĩ của đồng bào mình vốn không rành tiếng Anh, không theo dõi kỹ tin tức", ông lên án và cho rằng những người lừa gạt người Việt như vậy là ‘đáng phê phán’.
‘Có sự thấu cảm’
Trong bài diễn văn nhậm chức, ông Joe Biden đã dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ hơn 400.000 người Mỹ đã thiệt mạng vì dịch Covid-19 trong một năm qua, nhiều hơn tất cả người Mỹ chết trong Đệ nhị Thế chiến.
"Ông Biden đã trải qua những thăng trầm và đau khổ cá nhân nên có sự đồng cảm với người đã mất", ông Phương nói. Ông Biden từng mất người vợ đầu và con gái nhỏ trong một tai nạn giao thông và mới đây còn mất người con trai lớn Beau Biden vì bệnh ung thư não.
"Không riêng gì trong bài diễn văn hôm nay mà trong cả những lần trước đây ông ấy đều nhắc đến những người đã mất vì virus", ông lưu ý. Trong khi đó, ông Trump, theo ông Phương đánh giá, ‘toàn bộ suy nghĩ tập trung vào bản thân ông và sau đó là phe nhóm của ông chứ không phải phục vụ người dân Mỹ’.
"Virus không ai muốn, tử vong không ai muốn nhưng vấn đề là anh đối đầu với nó như thế nào để giảm thiểu tử vong thì mới là lãnh đạo tốt chứ không phải là nằm vạ, đổ thừa", ông chỉ trích vị tổng thống vừa mãn nhiệm.
Ông chỉ ra rằng khác với ông Trump, Tổng thống Biden sẽ ‘nhìn thẳng vào sự thật dịch bệnh’ chứ không che giấu, chia sẻ mất mát của người dân và đã đặt mục tiêu trong vòng 100 ngày ‘sẽ chích ngừa cho 100 triệu dân Mỹ’.
"Từ khi tranh cử đến giờ, ông Trump chỉ toàn nói tào lao về gian lận bầu cử mà có bao giờ thấy ông ấy nói gì về dịch lây lan hay là dân chết nhiều quá không", ông nói.
Người kỹ sư phần mềm này cũng đồng tình với nhận định của ông Biden là ‘giai đoạn này là giai đoạn rất khó khăn và đầy thách thức của nước Mỹ’. Trong bài diễn văn, ông Biden đã chỉ ra một loạt thách thức như dịch bệnh, kinh tế xuống dốc, người dân mất việc làm, bất bình đẳng sắc tộc, chủ nghĩa cực đoan…
Ông Phương chỉ ra việc ông Trump ‘chà đạp thể chế dân chủ, chà đạp lên Hiến pháp’ với cuộc bạo loạn tấn công vào Quốc hội ngày 6/1 của những người biểu tình ủng hộ ông trong khi nước Mỹ đi rao giảng dân chủ cho thế giới để chứng minh ‘nền dân chủ Mỹ đã gặp nguy hiểm như thế nào’.
‘Chờ coi kết quả của Biden’
Từ Orlando, Florida, Tiến sỹ Nguyễn Văn Lương, một chuyên gia về kinh tế đồng thời là người ủng hộ ông Donald Trump, nói ông sẽ chờ xem kết quả làm việc của Tổng thống Joe Biden để quyết định có ủng hộ hay không chính quyền của ông.
Trong bài diễn văn nhậm chức, ông Biden nói ông sẽ ‘phấn đấu cho những người Mỹ đã không ủng hộ cũng như những người Mỹ đã ủng hộ cho ông’.
"Tôi sẽ nhìn về phía trước", ông Lương cho biết. "Nhưng cái kết quả ông Biden phải làm thế nào để lấy lòng tin của người dân chứ nói không thì tôi không tin".
"Trong bốn năm ngắn ngủi vừa qua người ta đã chứng kiến ông Trump làm việc như thế nào", ông nói thêm. "Người dân sẽ có sự so sánh với ông Biden".
Ông chỉ ra việc ông Joe Biden chưa nhậm chức ‘đã có cả ngàn người tị nạn từ Nam Mỹ hướng tới nước Mỹ’ và nói rằng ông cảm thấy lo lắng ‘cuộc sống của người dân Mỹ sẽ bị đảo lộn’.
Vị chuyên gia kinh tế này nói rằng điều ông mong chờ ở chính quyền Biden là ‘giúp được Việt Nam như thế nào’. Ông cho rằng ‘nước Mỹ phải làm như ông Trump, đánh cho Trung Quốc sụp thì Việt Nam mới thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc và người Việt hải ngoại mới có cơ hội xây dựng lại Việt Nam’.
Về việc ông Biden tuyên bố trong bài diễn văn là ‘sẽ đưa nước Mỹ trở lại vũ đài thế giới’, tức từ bỏ phương châm ‘Nước Mỹ trên hết’, ông Lương phản bác: "Nếu không đặt nước Mỹ lên trước tiên thì không thể nào lãnh đạo thế giới".
Ông Lương cũng ‘không đồng ý 100%’ về tình hình bi đát của nước Mỹ mà ông Biden miêu tả sau bốn năm cầm quyền của ông Trump. "Trước khi có dịch Covid, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ là 3.9%, thấp chưa từng thấy trong lịch sử. Người dân có tiền bạc rủng rỉnh, cuộc sống thoải mái", ông dẫn chứng.
Về thái độ vô cảm của ông Trump trước các nạn nhân Covid, ông Lương lý giải: "Đâu phải những người nói ra là quan tâm đâu?"
Ông chỉ ra việc chính quyền Trump đã ‘đốc thúc việc nghiên cứu sản xuất vaccine trong vòng 7-9 tháng đã có.
"Điều đó chứng tỏ ông Trump có quan tâm", ông nói.
Nguồn : VOA, 21/01/2021
*********************
Tổng thống Biden chỉ định người gốc Việt làm quyền bộ trưởng Bộ Sự vụ Cựu Chiến binh
VOA, 21/01/2021
Tổng thống Joe Biden ngày thứ Tư chỉ định một người gốc Việt tạm thời làm bộ trưởng Bộ Sự vụ Cựu Chiến binh Hoa Kỳ, một trong số hàng loạt các công chức chuyên nghiệp đang giúp cho quá trình chuyển tiếp của chính quyền Biden ngay sau khi ông nhậm chức.
Ông Dat Tran hiện là phó trợ lý bộ trưởng cao cấp đặc trách Văn phòng Tích hợp Tổ chức thuộc Bộ Sự vụ Cựu Chiến binh Hoa Kỳ.
Ông Dat Tran, phó trợ lý bộ trưởng cao cấp đặc trách Văn phòng Tích hợp Tổ chức, sẽ nắm quyền lãnh đạo bộ này cho tới khi Thượng viện Hoa Kỳ chuẩn thuận người được ông Biden lựa chọn, Nhà Trắng cho biết trong một thông cáo loan báo một loạt các quan chức tạm quyền tại các cơ quan chính phủ liên bang.
"Các công chức này, giống như rất nhiều công chức trong chính phủ liên bang, tận tâm phục vụ người dân Mỹ chứ không phải một đảng phái chính trị hay chủ trương nào", ông Biden được dẫn lời nói trong thông cáo. "Kinh nghiệm của họ trong chính phủ và cam kết phục vụ công chúng sẽ cho phép chính quyền này nắm quyền trong khi chúng tôi chuẩn bị kiểm soát đại dịch và vực dậy nền kinh tế của chúng ta".
Trong vai trò phó trợ lý bộ trưởng cao cấp, ông Dat Tran cố vấn các nhà lãnh đạo cao cấp của Bộ Sự vụ Cựu Chiến binh về hoạch định chiến lược; quản lý hiệu suất; quản lý rủi ro; cải tiến hiệu suất; nghiên cứu chính sách; phân tích dữ liệu; chuyển đổi, và đổi mới, theo phần giới thiệu đăng trên website của bộ.
Trước khi được bổ nhiệm làm phó trợ lý bộ trưởng cao cấp, ông từng là phó trợ lý bộ trưởng về Quản trị và Phân tích Dữ liệu. Trong vai trò này, ông giám sát Trung tâm Quốc gia về Phân tích và Thống kê Cựu chiến binh và Văn phòng Phân tích Rủi ro. Ông đã có hơn một thập niên kinh nghiệm dẫn đầu các hoạt động thống kê và phân tích dữ liệu tại bộ, góp phần giúp "bảo đảm dữ liệu được chính xác, đáng tin cậy, và dễ truy cập", theo website của bộ.
Ông Dat ngay lập tức thay thế cựu Bộ trưởng Robert Wilkie, người đã giữ chức vụ này kể từ tháng 7 năm 2018.
Không rõ ông có thể giữ chức quyền bộ trưởng trong bao lâu. Ủy ban Sự vụ Cựu chiến binh Thượng viện đã lên lịch điều trần chuẩn thuận người được ông Biden lựa chọn, Denis McDonough, vào ngày 27 tháng 1.
Ông McDonough, 51 tuổi, trước đây từng là phó cố vấn an ninh quốc gia cao cấp của cựu Tổng thống Barack Obama và sau đó đảm nhận chức vụ chánh văn phòng Nhà Trắng.
Nguồn : VOA, 21/01/2021