Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Mảnh đất Thủ Thiêm mấy chục năm nay đã trở thành một mảnh đất ma ám, khắc nghiệt và càng lúc càng trở nên một chốn địa linh, lắm ma nhiều quỉ và mãi không thể phát triển lên cùng thành phố. Vốn là một chốn thôn quê yên bình nằm sát với trung tâm thành phố Sài Gòn, với những người dân hiền lành chân chất, mảnh đất Thủ Thiêm cũng đã không thể thoát khỏi cơn sốt đô thị dữ dội tràn qua. Nhưng không ở đâu lại có sự ăn cắp đất đai hay sự dối lừa trắng trợn người dân của các quan tham như ở đất Thủ Thiêm này, cũng như không ở đâu những điều khốn nạn và bất công đó lại khiến cho người dân phải trải qua nhiều khổ ải đến như vậy. Biết bao nước mắt, biết bao tủi nhục và mất mát đau khổ đã đến với người dân Thủ Thiêm suốt hai mươi năm nay.

thuthiem1

Thủ Thiêm sẽ là mồ chôn sự nghiệp của các quan tham...

Để rồi cho đến giờ này thì Thủ Thiêm như một công trình nham nhở với những bản vẽ đô thị hoành tráng, những khu công trình hiện đại chen lẫn những mảnh đất trống trơn chen chúc những căn nhà xập xệ của người dân quyết tử ở lại giữ đất của mình cùng mối hờn căm ngày càng tích tụ. 

Giờ đây người dân Thủ Thiêm không còn nhún nhường nhịn nhục mãi được nữa. Hai mươi năm âm thầm kêu khóc với hàng ngàn lá đơn kêu oan vô ích với hàng trăm buổi họp vô tích sự với những kẻ ăn cắp đất của họ. Chính những kẻ ăn cắp đất đai đó đã bỏ lại một khu Thủ Thiêm nham nhở với vô số vết sẹo và một khu đất đầy tiềm năng nhưng không thể phát triển đồng bộ với thành phố. Những quan tham ăn cả đất đai đó đã bỏ lại hàng ngàn người dân oan khốn khổ chui rúc trong những cái lều cấp 4 để chờ đợi ông Bao Công không hề có.

Giờ đây người dân Thủ Thiêm đã đứng dậy đòi những quyền lợi chính đáng của mình và không để cho bọn quan tham muốn làm gì thì làm nữa. Một cô gái đã ném Giày vào mặt chính quyền và người dân đã biểu tình để đem cái oan ức của họ đến tận trụ sở chính quyền. Và chính người dân đã nêu đích danh một trong những tên quan tham đất đai của họ, Phó bí thư thường trực Tất Thành Cang và hắn đã ngã ngựa ngay sau đó. Nhưng đó chỉ là bước đầu và sẽ còn nhiều những tên quan tham nữa trong nhóm lợi ích, nhóm lãnh chúa Sài Gòn như cựu Bí thư Lê Thanh Hải và gia tộc hùng hậu, Phó bí thư Nguyễn Văn Đua... đều đã được kêu đích danh rồi.

Giống như cựu Bí thư Đinh La Thăng đã ngã ngựa khi phá chùa Liên Trì và hăm động chạm đến Nhà thờ Thủ Thiêm hay Nữ Tu Mến Thánh Giá thì giờ đây đất Thủ Thiêm đã trở thành mồ chôn công danh sự nghiệp của những quan tham của chế độ. Những kẻ sâu dân mọt nước đã ăn tàn phá hại mảnh đất Thủ Thiêm này sẽ lộ diện như bóng đêm lộ rõ dưới ánh sáng Mặt Trời để chúng phải trả giá xứng đáng cho những đau khổ bao nhiêu năm nay của những lương dân Thủ Thiêm khổ đau. Chỉ có trừng trị đích đáng bọn quan tham và trả lại cho người dân những gì của họ thì mảnh đất Thủ Thiêm mới bình yên và phát triển được...

Mai Tú Ân

Nguồn : VNTB, 25/11/2018

 

Published in Diễn đàn

Cũng như Điếu Cày Nguyễn Văn Hải hay Tạ Phong Tần trước đây thì việc ra đi của mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh từ những nhà ngục hắc ám ở Việt Nam để đến thẳng với bầu trời tự do của nước Mỹ thì bao giờ cũng gây ra sự ầm ĩ vừa phải trên mọi diễn đàn trên mạng, và của gần như tất cả những người đấu tranh dân chủ nước nhà. Đa số là mừng vui và cầu chúc mẹ Nấm, 2 con là Nấm, Gấu và mẹ Tuyết Lan được yên bình nơi cuộc sống mới nơi xứ người.

quynh1

Mẹ Nấm Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là người sáng lập ra MLBVN (Mạng Lưới Blogger Việt Nam)

Nhưng cũng không kém phần ồn ào là những tiếng nói riễu cợt, chì chiết và đậm chất ghen tỵ của một số người khi nhìn vào những quá khứ nào đó của mẹ Nấm, cũng như những nhận xét đầy tính đố kỵ khi nhìn vào chuyến ra đi đến nước Mỹ có một không hai của cả gia đình 4 người của mẹ Nấm.

Quả thật việc cả gia đình của Mẹ Nấm cuối cùng cũng đến được nơi bình an sau bao nhiêu trắc trở mệt nhoài của bao nhiêu con người có danh hay vô danh đã xúm lại giúp đỡ Mẹ Nấm trong âm thầm để rồi biến chuyến đi này thành một chuyến đi với kết thúc có hậu đầy chất Holywood với những giọt nước mắt mừng vui của tất cả.

Việc người nữ chiến sĩ đấu tranh dân chủ Việt Nam Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã đóng góp công sức không mệt mỏi cho phong trào chung, chống Formosa, chống lại sự bạo hành gây chết người nơi đồn công an... Và là người sáng lập ra MLBVN (Mạng Lưới Blogger Việt Nam) thì mẹ Nấm cũng xứng đáng với cái kết có hậu này của cô và gia đình. Không phải ai cũng làm được những việc như Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã làm. Cũng như những giải thưởng về Nhân Quyền đã liên tiếp gọi tên cô đã chứng tỏ đóng góp của cô cho phong trào chung không hề nhỏ chút nào. Và không thể tin được là tên của cô, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã được vinh danh trong Đề cử Giải Nobel Hòa Bình năm nay 2018 này...

Có lẽ tôi cũng chịu khi không nhớ, không biết các giải thưởng mà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã được trao. Có giải thưởng to, giải thưởng nhỏ nhưng dù to nhỏ thế nào thì đó cũng là những dấu mốc quan trọng của các tổ chức nhân quyền quốc tế vinh danh trao cho cô để tưởng thưởng cho cá nhân cô nhưng cũng là để động viên nâng đỡ tinh thần của những tù nhân lương tâm khác nữa còn đang rên xiết trong các nhà tù ở Việt Nam. Và cũng là một sự khẳng định rằng, các tổ chức nhân quyền hay các cơ quan về quyền con người ấy sẽ không bao giờ quên những tù nhân lương tâm còn đang ở trong ngục tù cộng sản. 

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã rời khỏi nhà tù tăm tối ở Việt Nam để đến với nước Mỹ tự do và cô sẽ làm gì ? Chẳng cần phải mò đoán gì thì ta cũng biết được rằng Mẹ Nấm vẫn sẽ tiếp tục đấu tranh cho quê hương đau khổ của mình. Phương pháp đấu tranh có thể khác với hồi còn ở quê nhà, con đường tranh đấu tranh cũng có thể khác với lúc trước bởi phải tuân theo pháp luật của nước sở tại nhưng mục đích thì không thay đổi. Mẹ Nấm cũng sẽ giống như những người đã ra đi trước cô như Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Nguyễn Văn Đài... tất cả những con người kiên cường ấy, dù ở một chân trời xa lạ mới thì họ cũng sẽ không bao giờ rời bỏ con đường đấu tranh mà họ đã chọn. Mẹ Nấm cũng sẽ như vậy.

Trên chuyến máy bay đi Mỹ ấy mẹ Nấm đã vỡ òa cảm xúc khi được xiết chặt vào lòng 2 đứa con để tưới những giọt nước mắt đã gần cạn bởi những đêm không ngủ ở trong tù chỉ để khóc vì nhớ thương chúng. Bốn con người, bà cháu, mẹ con mừng mừng, tủi tủi ôm chặt lấy nhau trên chuyến bay để đến một xứ sở mới lạ với cuộc sống mới lạ cho từng người trong cái gia đình nhỏ không có người đàn ông thực sự để nương tựa ấy. Chắc chắn rồi tất cả lại đổ lên đầu một người phụ nữ nhỏ bé như cô. Tất cả lại như phải làm lại từ đầu ở một nơi xa lạ với những người không quen biết. Sẽ có những điều được, mất ở nơi này nhưng không hẳn được là tốt và mất là xấu. Vấn đề là được mất gì trong một cộng đồng dân tộc luôn thay đổi, vừa chống Cộng lại vừa chống nhau. Nhưng có một việc rõ ràng và không thể bàn cãi là nếu không tôn trọng lá cờ vàng ba sọc đỏ thì cô sẽ phải hối tiếc vì đã đến đây cùng với gia đình của mình.

Giống như các đàn anh chị đi Mỹ trước cô thì mẹ Nấm cũng bị tống xuất đi Mỹ từ cánh cổng nhà tù ở Việt Nam. Một sự đối nghịch khôi hài khi bị tống cổ như đi từ Địa Ngục đến Thiên Đường vậy. Cho dù có là Thiên Đường đi nữa thì với 2 đứa con dại và người mẹ già, Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh sẽ không dễ dàng gì cho một sự hòa nhập vào cuộc sống mới với bao điều còn ngổn ngang, rối bời. Không chỉ cuộc sống của cô mà còn là của 2 đứa con dại và người mẹ già ở đất Mỹ, trên con đường như bị lưu đày biệt xứ dài thăm thẳm và không biết đến ngày nào mới được trở về để thấy lại cố hương. 

Nhưng dù sao thì những điều tốt đẹp nhất cũng đã ở trong tay cô. Nước Mỹ vĩ đại với những đồng bào hải ngoại thân thiện nhất sẽ đón mẹ Nấm và gia đình như đón đứa con vừa thoát khỏi ngục tù cộng sản, và mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh sẽ được ngả đầu vào những vòng tay thân thương của đồng bào hải ngoại như một đứa con được trở về với gia đình. Hãy như một đứa con ngoan hiền trong cộng đồng và đừng phạm phải những sai lầm không đáng có như cô đã phạm phải, hay những người đi trước cô đã phạm phải, và nếu hòa đồng vào với mọi người thì hẳn Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và gia đình nhỏ bé của cô sẽ cảm thấy như đang được ở trên thiên đường, và cô cũng tìm ra cho mình một chút thiên đường chống Cộng ở đó...

Mai Tú Ân

Nguồn : VNTB, 20/10/2018

Published in Diễn đàn
dimanche, 09 septembre 2018 13:49

Chọn lựa nào cho Trần Huỳnh Duy Thức ?

Tù nhân lương tâm nổi tiếng nhất Trần Huỳnh Duy Thức đang tuyệt thực để phản đối việc trại giam đang giam giữ anh đã cố tình o ép anh để anh phải viết giấy nhận tội và hưởng đặc xá. Rõ ràng là đây là một cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa người tù lương tâm số 1 Việt Nam Trần Huỳnh Duy Thức với cả hệ thống giam giữ của chính quyền Việt Nam.

thdt1

Trần Huỳnh Duy Thức đang tuyệt thực để phản đối việc trại giam đang giam giữ anh đã cố tình o ép anh để anh phải viết giấy nhận tội và hưởng đặc xá.

Ở trong ngục tù đen tối đã gần 10 năm dài đằng đẵng, Trần Huỳnh Duy Thức đã vài lần từ chối đi ra nước ngoài. Và bây giờ thì anh cũng từ chối nhận lệnh đặc xá nếu phải viết ra giấy để nhận những tội mà anh không làm. Đó là những phẩm chất không có gì phải bàn cãi về tính cương quyết, sự không khoan nhượng và phẩm chất chịu đựng hơn người, thậm chí là sự chấp nhận hy sinh cả mạng sống của anh. Dĩ nhiên là chúng tôi ủng hộ vô điều kiện cuộc đấu tranh một mất một còn đó của anh.

Nhưng là những người yêu mến Trần Huỳnh Duy Thức, chúng tôi cũng cần phải nói với anh rằng, anh tuyệt thực đã đủ rồi. Tuyệt thực nữa sẽ trở nên vô ích và có thể đưa anh đến cái nơi bất tử của một người đã chết, và cũng là nơi vô ích với chúng tôi nữa. Chúng tôi ủng hộ mọi chọn lựa đấu tranh của anh nhưng chúng tôi ủng hộ hơn nữa nếu anh khỏe mạnh và bước chân ra khỏi nơi đang giam cầm đày ải anh. Cha mẹ, vợ con anh và những người thân thiết với anh cần anh, chúng tôi cần anh và đất nước này cũng cần anh hơn bao giờ hết. Tất cả đều cần anh như một con người đang sống và hoạt động vì những lý tưởng cao cả mà anh đã vì nó mà dấn thân chứ không phải như một cái tượng đài đã chết. Chúng tôi cần anh như một con người đấu tranh hết mình với cường quyền nhưng cũng là một con bình thường với các bổn phận với gia đình và xã hội. Chúng tôi cần anh như cần một chiến sĩ đấu tranh dân chủ đã hết lòng cho sự nghiệp thiêng liêng, và cần anh phải sống để nhìn thấy cái sự nghiệp mà anh đã góp công vào đã đơm hoa kết trái.

Anh đã tuyệt thực nhiều ngày đủ để cho cường quyền khiếp sợ và để cho chúng tôi khâm phục. Hãy dừng lại ngay khi nó còn ở trong tầm kiểm soát của anh. Chúng tôi ủng hộ công cuộc tuyệt thực của anh nhưng nó không được làm ảnh hưởng đến sức khỏe hay tính mạng và tự do của anh. Chúng tôi ủng hộ những ngày đấu tranh kiên cường từ trong ngục tù cộng sản của anh 9 năm qua nhưng chúng tôi không muốn anh phải ở tù thêm 6 năm nữa. Bởi anh là một con người quí giá và không thể phung phí cuộc đời hay sức chiến đấu của mình cho những lần tuyệt thực hay cho những năm tháng tù đầy thêm nữa. Công cuộc đấu tranh dân chủ cũng cần anh như một thủ lĩnh thực sự ở bên ngoài chứ không phải chỉ là một tấm gương chói sáng nhưng lại không giúp ích gì nhiều khi cứ phải mòn mỏi ở mãi trong ngục tù tối tăm. 

Trong khi những người đấu tranh ở bên ngoài như anh đang hiếm hoi như một giọt nước nơi sa mạc thì chúng tôi mong sự trở về của với chúng tôi  như mong một dòng nước mát tràn về nơi nắng cháy khô hạn. Chúng tôi không cần một ông Thánh đấu tranh đến chết hay ở tù mãi mãi mà chỉ muốn có một con người giản dị như anh, cùng với những trách nhiệm to lớn với người dân của mình. Hãy làm những điều tốt nhất cho anh nhưng cũng phải là những điều tốt đẹp nhất cho công cuộc đấu tranh ở bên ngoài. Và chỉ có thể làm những điều đó khi anh đã ở bên ngoài ngục tù đen tối kia. Người anh hùng đôi khi phải có những bước dừng để thấy được biển rộng trời cao, thấy được con đường đang đi để tiến bước tiếp mạnh mẽ gấp trăm lần.

Đã có những con người đấu tranh dân chủ ở trong tù chấp nhận ra đi để có thể tiếp tục đấu tranh ở nước ngoài. Những Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần và cả luật sư Nguyễn Văn Đài mới đây đã ra đi, và cho dù họ có phải ký những giấy tờ nào đó để ra đi thì chúng tôi cũng vẫn yêu quí và trân trọng họ như những người đấu tranh dân chủ hàng đầu của đất nước chúng ta. Chúng tôi tin rằng chỉ vài ngày sắp tới thì Trần Huỳnh Duy Thức sẽ chọn lựa đúng con đường đi kế tiếp của mình.

Chúng tôi mong mỏi rằng những suy nghĩ vụng dại nhưng đầy yêu thương này của chúng tôi sẽ đến được với anh để anh hiểu rằng, cho dù ai nói ngả nói nghiêng thì với chúng tôi, những mảnh giấy vụn hay những lời cam kết mà những người như anh đã viết ở trong ngục tù CS (nếu có) sẽ không bao giờ có thể thay đổi được những phẩm chất anh hùng hay thay đổi được những người anh hùng như anh. Không bao giờ...

Người chiến binh bước về phía sông Dịch,

Mà đầu chưa một lần ngoái cố hương.

Gươm đàn qua sông bao lần gãy gánh,

Nhưng lòng trung vẫn dành trọn cho quê hương...

Mai Tú Ân

Nguồn : VNTB, 09/09/2018

********************

Gia đình gửi thư khẩn về tình trạng của Trần Huỳnh Duy Thức (RFA, 09/09/2018)

Sáng ngày 9/9, ông Trần Văn Huỳnh, cha ruột của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, đã gửi thư kêu gọi các tổ chức xã hội dân sự và nhân dân Việt Nam "cùng lên tiếng giữ lại tính mạng" của ông Trần Huỳnh Duy Thức, "trước đe dọa đã tính từng ngày" do tuyệt thực dài ngày.

giadinh1

Phong trào tiếp sức tuyệt thực cùng ông Trần Huỳnh Duy Thức - Courtesy FB

Cựu Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ điện thoại internet OCI -Trần Huỳnh Duy Thức, người bị tuyên án 16 năm tù giam với cáo buộc "hoạt động nhằm chống chính quyền nhân dân", đang tuyệt thực trong trại giam số 6 Thanh Chương - Nghệ An từ ngày 14/8/2018.

Ngày 9/9/2018 là ngày thứ 27 ông Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực để yêu cầu nhà nước Việt Nam thượng tôn pháp luật bằng cách trả tự do cho ông theo khoản 3 của điều 109 Bộ luật hình sự năm 2015 và công an trại giam ngừng việc áp bức ông.

Bức thư gửi cho lãnh đạo nhà nước, chính phủ Việt Nam, các tổ chức quốc tế, đại sứ quán, cơ quan ngoại giao quốc tế, các tổ chức xã hội dân sự cùng toàn thể nhân dân Việt Nam bày tỏ quan ngại về sức khỏe của ông Thức và cho rằng :

"Điều này là quá sức chịu đựng của một cơ thể thông thường. Và như vậy tính mạng con trai tôi có thể bị cướp đi bất cứ lúc nào".

Qua đó, gia đình yêu cầu 2 điểm như, cán bộ trại giam ngay lập tức phải thông báo về tình trạng sức khỏe của ông Thức và cho ông này gọi điện thoại về gia đình.

Thứ hai, gia đình của tù nhân đang thụ án qua năm thứ 9 "yêu cầu các cơ quan chấp pháp của Việt Nam xem xét ngay các yêu cầu của Trần Huỳnh Duy Thức và có trả lời ngay, dựa trên các quy định của Pháp luật".

Đây là cuộc tuyệt thực dài ngày lần thứ hai của ông Thức trong trại giam, đã gây cảm hứng cho nhiều người dân, những nhà hoạt động và các nhân sĩ trí thức thực hiện các cuộc nhịn ăn ít nhất 1 ngày để đồng hành cùng với ông.

Ông Trần Huỳnh Duy Thức, sinh năm 1966, nguyên là Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ điện thoại Internet One Connection thành lập ở Singapore khoảng năm 2002, nắm giữ giao thức gọi điện thoại qua Internet với mức phí rất rẻ được xem là tiền thân của các ứng dụng sau này như Viber, Skype…

Năm 2009, ông Thức bị bắt với cáo buộc ban đầu là "trộm cước viễn thông", tuy nhiên sau đó bị chuyển tội danh thành "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".

Ông Thức bị tuyên án 16 năm tù giam trong phiên tòa đầu năm 2010. Tổ chức Ân xá quốc tế sau đó gọi phiên tòa là "sự nhạo báng công lý".

Báo Người Lao Động dẫn cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, ông Thức và những đồng sự thành lập nhóm Nghiên cứu chấn để đề ra đường lối, kế hoạch hoạt động nằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Từ đó thông qua kế hoạch "Đoài đánh Đoài", tức là sử dụng những người cộng sản "đánh" cộng sản, từ đó, chia rẽ, phân hoá nội bộ trong Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức nhiều lần từ chối lời đề nghị đi định cư ở Hoa Kỳ hay Âu Châu, và tuyên bố "ở lại để cống hiến và phục vụ cho đất nước".

Published in Diễn đàn

Thế là xong, và thế là hết với phiên tòa xử "bọn phản động Nguyễn Văn Đài và đồng bọn". Một phiên tòa mở ra và đóng lại đúng với bản chất của một phiên tòa giả dối với những con người giả dối. Một phiên tòa "Nhân Danh Công Lý" của chính cái thứ "Công Lý" mà hôm nay nó đại diện để xét xử... Cũng chẳng mấy ai ngạc nhiên lắm khi thấy những bản án khủng cứ chụp lên đầu những văn nhân, trí thức can đảm. Những con người mà giờ đây đứng trước vành móng ngựa của kẻ thù thì lại như những kẻ sĩ đang có mặt trong những ô thuyền trưởng để dẫn dắt...

nvd1

Phiên tòa hôm nay đã chứng tỏ rằng Đảng cộng sản Việt Nam không phải chỉ đứng trên Pháp Luật mà còn "ngồi xổm" lên Pháp Luật Việt Nam.

Những người thuộc Hội Anh em dân chủ bị chính quyền Việt Nam đưa ra xét xử ngày 6/4/2018 đều là những con người nổi bật, không chỉ riêng ở trong Hội Anh em dân chủ, và cũng không chỉ ở trong nước Việt Nam. Mặc dù các anh có nhiều người không còn trẻ nữa nhưng bao trùm trong một Hội đoàn hoạt động hòa bình là một phong thái trẻ trung, vui nhộn và yêu đời. Hơn nữa các anh chị đều là những con người đã thành đạt trong sự nghiệp riêng của mình, có một mối quan hệ hỗ tương rộng mở với đủ thứ nghề nghiệp giúp ích cho đời. Như luật sư, nhà văn, nhà thơ, mục sư hay là các thiện nguyện viên, v.v. Ngay cả nghề nghiệp của các anh chị em là nhà báo thì các nhà báo của Hội Anh em dân chủ cũng chỉ là những sợi dây liên kết của tin tức, của sự thật từ nơi Có sự thật và đến nơi Cần sự thật. Cũng như với các Thiện Nguyện Viên là nơi sọi dây Có và sợi dây Cần mà thôi.

Phiên tòa xét xử Luật sư Nguyễn Văn Đài và những người bạn đã được nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mở ra và kết thúc đúng với ý muốn nhổ đi một cái Gai Hội Đoàn (Hội Anh em dân chủ) và với cái Gai Cá Nhân (Luật sư Nguyễn Văn Đài) với bản án 15 năm tù hèn hạ. Và cũng là lần hèn hạ thứ hai khi cố kết án lần thứ 2 một con người đã thề hết lòng bảo vệ cho dân tộc của mình. Một hệ thống pháp luật dựa trên sự dối trá và khép kín với những điều luật khéo léo để biến chuyển bất cứ ai. 

Phiên tòa xét xử bất công Hội Anh em dân chủ ngày hôm nay đã chứng tỏ rằng không thể làm điều gì tốt đẹp ở trên đất nước này và điều đó không chỉ dành riêng Hội Anh em dân chủ...

Phiên tòa hôm nay cũng đã chứng tỏ rằng. Không một ai, và không một nhóm nào lạị không bị lôi tuột ra trước Vành Móng Ngựa, dù có tội hay không.

Phiên tòa hôm nay đã chứng tỏ rằng không một ai miễn nhiễm với còng số 8 cả. Cha xứ, nhà văn, nhà báo, đi làm từ thiện, v.v.

Và cuối cùng thì phiên tòa hôm nay đã chứng tỏ rằng, Đảng cộng sản Việt Nam không phải chỉ đứng trên Pháp Luật mà sự thực là đã "ngồi xổm" lên Pháp Luật Việt Nam...

Mai Tú Ân

Nguồn : VNTB, 07/04/2018 

Published in Diễn đàn

Những người cộng sản cầm quyền xây lăng tẩm to lớn, tượng đài hào nhoáng và giờ lại thêm hay nghĩa trang bia mộ to lớn cho mình thì cũng chỉ mục đích là mong chế độ của họ sẽ tồn tại mãi với thời gian qua sự chễm chệ của những thứ hào nhoáng đó trên trần gian.

aovong1

Những ảo vọng phù du đã khiến cho những ông quan lớn cố xây những tượng đài ngàn khắp nơi và giờ là nghĩa trang ngàn tỷ cho các cán bộ cao cấp.

Bất chấp đói nghèo khắp vùng sâu vùng xa, bất chấp nợ công cao ngất thì Ban lãnh đạo đất nước vẫn lao vào những việc vì lợi ích ích kỷ cho chính mình và đảng phái của mình. Như một đám thủ du thủ thực họ cưỡng chiếm được đất nước Việt Nam rồi thì họ là người sở hữu đất nước như một thứ chiến lợi phẩm ăn hoài không hết. Bao nhiêu tiêu chuẩn cao cấp, nhà cửa đặc quyền đặc lợi cho giới cầm quyền vung vít xênh xang ở trên đời chưa đủ hay sao mà giờ đây họ còn vung vít xênh xang ở thế giới tối đen ở bên kia, nơi mà mọi người dù là ông đại tướng, ông tổng bí thư đều xuôi tay như mọi người dân đen khác. Nghĩa trang Yên Trung của cán bộ cấp cao chỉ dành cho những người cấp cao, những người đã một đời vinh hoa phú quí trên đầu người dân rồi thì khi chết đi cũng muốn được muôn đời tên tuổi trên đầu những hồn ma dân đen trong kiếp đọa đày chăng ?

Tham vọng hay là những ảo vọng phù du đã khiến cho những ông quan lớn cố xây những tượng đài ngàn tỷ được xây dựng khắp nơi và giờ là nghĩa trang ngàn tỷ cho các cán bộ cao cấp. Cũng xin nói ngay là số tiền 1.400 tỷ chỉ là bước đầu rồi còn đội giá lên khi đi vào chi tiết. Rồi các đơn vị quân nhân làm lính tiêu binh danh dự phải gác cho những hồn ma. Rồi quan tài, rồi đủ thứ lễ bái kiểu Tây, kiểu Tàu... tất cả đều trông vào số tiền đóng thuế khó nhọc của muôn triệu người dân Việt Nam chẳng dính dáng gì đến những lăng tẩm vô tích sự đó.

Thật là một ảo vọng vô ích cho những người có tư tưởng ngu ngốc đó. Hãy nhìn sang đất nước cộng sản đàn anh Liên Xô thì sẽ thấy không nơi đâu có nhiều địa danh mang tên các lãnh tụ Cộng sản nhiều như ở đó với bao thành phố, địa điểm, công trình, nhà máy, trường học... Bao nhiêu lăng tẩm mang tên trá hình là khu tưởng niệm, bao nhiêu dòng văn, bài thơ bài hát ca ngợi những tên tuổi những con người Cách Mạng vĩ đại đó. Nhưng được bao lâu khi chế độ cộng sản chủ nghĩa sụp đổ thì tất cả đã biến mất như chưa từng hiện hữu. Giờ đây làm gì còn thành phố công trình nào mang tên K. Marx, F. Enghel, V. Lenin, J. Stalin, V. Kirov... Những vần thơ hay những bài ca veo véo ca ngợi những cái tên đó đâu có còn vang lên nữa trong cơn sốt đập bỏ tất cả những tượng đài trên một cách không thương tiếc. Các lăng tẩm ước xác của V. Lenin thì đều bị trục xuất hoặc hạ tầng thê thảm. Ngay cả lãnh tụ cách mạng vĩ đại của đất nước cộng sản Cuba đang được người em R. Castro cầm quyền cũng như nhìn thấy trước cơn sốt đập phá khi đất nước đổi màu cờ nên quyết định không có bất cứ địa danh hay tượng đài nào mang tên Fidel Castro cả.

Khi ông Võ Nguyên Giáp qua đời thì có thể do cao ngạo không muốn nằm chung với các ông đã đầy ải mình như Lê Duẩn, Lê Đức Thọ ở Nghĩa Trang Quốc Gia Mai Dịch, hoặc cũng có thể lo xa, sợ ở Mai Dịch mà khi có nạn can qua, bọn dân đen nổi dậy nó đốt phá Nghĩa Trang Mai Dịch thì mình mất mả nên ông Giáp và gia đình quyết định cho ông tướng này ra nằm ở đảo Chùa, Vũng Yến, Quảng Bình. Mặc dù lúc đó cam kết không tốn tiền ngân sách để bảo quản mộ nhưng qua thời gian thì đó chỉ là lời nói dối. Mộ ông Giáp được quân đội chăm lo bảo vệ, tối thắp đèn, sáng vòng hoa với cả một đội tiêu binh danh dự để canh gác cho một ông tướng không xứng đáng với vinh dự ấy (1). Người dân sẽ không biết số tiền khủng ấy là bao nhiêu nhưng biết chắc nhà nước này sẽ chi tiền ngân sách cho lăng Võ Nguyên Giáp cho đến khi tận thế, nếu chính quyền này tồn tại đến tận thế.

Cũng nên nói ngay các cán bộ cấp cao này cũng chẳng ai nghèo đến mức phải nhờ tiền ngân khố để xây cái nghĩa trang khủng này mà chính là cái danh cái dự để đua tranh kể cả khi đã chết. Phải hiểu là những người cộng sản đã tạo nên một tầng lớp cán bộ cấp cao cùng gia đình họ có những tính cách khôi hài. Mặc dù xuất thân từ đồng chiêm nước trũng Bắc Kỳ hay vùng chó ăn đá, gà ăn sỏi miền Trung hoặc miền đất rặc phèn chua Nam Bộ nhưng cứ lên được chức vụ cao về Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh là ở tịt trên đó không về. Có nhà cao cửa rộng ở hai thủ đô mới, cũ rồi là chết cứ phải ở hai nghĩa trang quốc gia chớ chẳng có mấy người chịu đem thân xác về quê hương tỉnh lẻ của mình. 

Xây dựng Nghĩa Trang Quốc Gia mới này sẽ sinh thêm một thứ kèn cựa của những quan lớn sắp chết nữa. Ai sẽ có chuẩn được nằm trong Yên Trung, ai sẽ không. Ai sẽ được nằm ở vị trí nào gần mặt trời trung tâm nhất, và thậm chí ai được dẫn vợ vào nằm cùng để dễ bề chăn gối vợ chồng nơi miền đất thánh âm u...

Trước đến giờ các quan to kèn cựa từng chút trong các câu lạc bộ cựu này cựu kia, tranh cãi nhau ầm ĩ như các cụ tiên chỉ làng ngày xưa cãi nhau dành thủ lợn. Nào là ông nào ở chiếu trên với bao nhiêu huy chương, huy hiệu hay tuổi Đảng, rồi chết đi thì có bao nhiêu vòng hoa hay đồng chí to nào đến chia buồn hay đọc cáo phó. Từ ngữ thì "Chia buồn, Vô cùng thương tiếc hay Vô cùng đau đớn báo tin…" chỉ là những thuật ngữ tầm thường với người dân nhưng là những đòi hỏi sống chết của các ông sắp về núi. Rồi chết thì thông báo ra sao, tổ chức ở đâu, bao nhiêu xe hoa. Ai cũng tranh chấp những điều phù phiếm vô nghĩa đó và còn ai nghĩ đến những ngàn tỷ đồng tiền quốc khố gió bay đi cùng với sự phù phiếm vô nghĩa đó. Ảo vọng sẽ mãi chỉ là ảo vọng nhưng hàng ngàn tỷ đồng xây cất nghĩa trang lại là những đồng tiền thật mà người dân Việt Nam phải chắt chiu mới có được.

Đã bao nhiêu đặc quyền đặc lợi để phân chia 4 triệu công dân hạng nhất với 90 triệu công dân hạng nhì rồi mà giờ đây còn xây dựng nghĩa trang lăng tẩm hùng vĩ để cho vài ngàn công dân đặc biệt được sống mãi ở thế giới bên kia trên đầu dân tộc Việt Nam. Hãy nhìn để làm gương bao chế độ vương quyền phong kiến ngày xưa cũng xây dựng bao lăng tẩm sừng sững thì giờ đây tất cả đã không còn, hoặc nằm im ở đâu đó với quên lãng của người đời và rêu xanh của thời gian...

Mai Tú Ân

Nguồn : VNTB, 10/02/2018

-----------------

(1) Những người trắng đêm canh giấc ngủ cho Đại tướng (TTO, 21/12/2013)

Hơn hai tháng kể từ ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất cũng là hơn 60 đêm các chiến sĩ biên phòng thuộc đội bảo vệ khu vực mộ Đại tướng tại Vũng Chùa, xã Quảng Đông (Quảng Trạch, Quảng Bình) gần như phải thức trắng đêm.

aovong3

Anh Hoàng Đức Lợi, một trong 31 chiến sĩ biên phòng hướng dẫn khách vào viếng mộ Đại tướng chiều 21/12 - Ảnh : Quốc Nam

Đội bảo vệ mộ đại tướng được thành lập sau ngày an táng đại tướng, gồm 31 chiến sĩ thuộc đồn biên phòng Ròn (Quảng Bình). Các anh đứng giữa mưa bão, giá rét căm căm để bảo vệ sự bình yên cho giấc ngủ ngàn thu của vị Đại tướng mà các anh đều tôn kính.

Không rời vị trí dù đêm mưa bão

18g, trời bắt đầu tối om là lúc Vũng Chùa trở thành vũng gió. Từng đợt gió rát buốt dồn dập hắt vào từ phía biển làm những người lính bắt đầu lạnh cóng. Đó cũng là lúc ca gác đầu tiên của buổi tối bắt đầu vào vị trí. Sáu cán bộ biên phòng được chia thành ba điểm chốt dọc từ phía bãi đổ xe lên đến bên phần mộ Đại tướng.

aovong2

Giữa đêm giá rét, hai chiến sĩ biên phòng vẫn đứng canh gác bảo vệ mộ Đại tướng - Ảnh: Quốc Nam

Một nhóm gần chục cán bộ biên phòng khác dẫn theo chó nghiệp vụ bắt đầu vòng lên phía sườn núi quanh khu vực mộ thực hiện nhiệm vụ đi tuần tra. Tại khu vực huyệt mộ, vị trí quan trọng nhất và cũng là điểm cao nhất trong khuôn viên khu mộ, chiến sĩ Hoàng Văn Quả cùng một chiến sĩ khác vẫn đứng nghiêm trang.

Bộ quân phục biên phòng, chiếc mũ vải trùm xuống vành tai cùng đôi găng tay len mới được cấp là tất cả những hành trang mà người lính canh gác được khoác lên người. Khoảng hai tuần gần đây, nhiệt độ ngoài trời tại Vũng Chùa xuống dưới 10 độ C. Ban đêm thấp hơn nữa. Ca trực của chiến sĩ Hoàng Văn Quả kéo dài đến nửa đêm. Khoảng 3g sáng lại phải ra trực ca khác.

Chiến sĩ Khắc Ngọc Tân Hào, đội trưởng đội bảo vệ khu mộ Đại tướng, nói mới hơn hai tháng nhưng mỗi tháng đội bảo vệ nếm trải một cảm giác khác nhau: tháng đầu tiên là "tháng dầm mưa". Nặng nề nhất là đợt bão số 11 và siêu bão Hải Yến. 31 người lính phải thay phiên nhau vừa trực vừa đi tuần nên bình quân mỗi đêm mỗi người phải trực hai ca. Trước và trong lúc bão kéo tới, mưa xối xả, gió giật bay luôn các lều bạt dã chiến. Các chiến sĩ mặc áo mưa đứng gác quanh khu mộ. "Tấm áo mưa lâu quá cũng bị thấm nước. Xong ca gác ai nấy đều ướt. Có đêm mưa suốt đêm, áo quần không kịp khô để thay ca khác…", chiến sĩ Hào kể.

Ấm lòng

22g đêm, Vũng Chùa lạnh buốt. Nơi mộ Đại tướng có mấy bóng đèn chiếu sáng bằng máy nổ, còn lại xung quanh tối mịt mù. Nhà dân gần nhất cũng cách đó hơn 2km nhưng nằm phía bên kia chân núi. Bất chợt có một ánh đèn xe từ từ tiến vào khu mộ.

Thông tin về đoàn viếng muộn này nhanh chóng được báo lên vị trí canh gác bên huyệt mộ. Đó là một đoàn sinh viên từ miền Bắc đang đi thực tập ngang qua tranh thủ vào viếng Đại tướng. Việc hành lễ vẫn diễn ra như bình thường.

Chiến sĩ Hoàng Đức Lợi, một cán bộ gác chốt trên huyệt mộ, nói đây vẫn chưa phải là đoàn đến viếng muộn nhất. Anh Lợi kê mới tháng trước có một đoàn khách là cựu chiến binh từ Điện Biên vào viếng mộ Đại tướng. Vượt hơn một ngàn cây số đến nơi cũng là gần 1g sáng. Các cựu binh cứ nhìn mộ Đại tướng khóc nức nở. Có người đã hơn 90 tuổi, đi không vững vẫn cứ nằng nặc đòi đi bằng được đến tận nơi thắp cho Đại tướng nén nhang, sờ lên chỗ Đại tướng nằm.

Chiến sĩ Lợi tâm sự nhìn những cảnh như thế anh em trong đội thấy ấm lòng, đêm gác vì thế cũng bớt lạnh hơn: "Rét run cầm cập nhưng anh em bảo nhau phải cố gắng. Hàng ngàn người từ cách cả ngàn cây số đội rét đến viếng Đại tướng được thì mình sợ chi giá rét".

Chiến sĩ Hoàng Văn Quả kể anh nhận được lệnh điều động về Vũng Chùa ngày 22/10. Khi đó anh như run tay bởi không bao giờ dám nghĩ mình có ngày lại được ở gần Đại tướng đến thế. Lúc nhận tin Đại tướng mất, anh đang công tác tại đồn biên giới Cà Roòng, thuộc xã Thượng Hóa, huyện Tuyên Hóa. Suốt những ngày diễn ra lễ tang anh cùng anh em trong đơn vị cứ dán mắt vào tivi để xem tin tức và bái vọng Đại tướng. "Với những người lính như chúng tôi, Đại tướng như anh, như cha. Được canh cho người yên nghỉ đã là một niềm vinh dự lớn chứ đừng nói đến gian khổ", chiến sĩ Quả nói.

Đại tá Nguyễn Văn Phúc, chỉ huy trưởng bộ đội biên phòng Quảng Bình, cho hay khi biết Đại tướng về an nghỉ tại Vũng Chùa, có rất nhiều cán bộ chiến sĩ biên phòng tình nguyện về Vũng Chùa để canh giấc ngủ ngàn thu cho Đại tướng. Ai cũng nói rất quyết tâm rằng khổ mấy cũng chịu được, miễn là được ở gần Đại tướng.

"Hiện anh em trong đội canh gác vẫn phải ăn uống tắm giặt bằng nước khe suối, điện chỉ chạy máy nổ, nhưng hỏi ai cũng đều lắc đầu không muốn về. Mọi người đều nói rằng cả cuộc đời Đại tướng đã dành cho đất nước, nên xin được ở lại góp chút công sức chăm sóc cho Người khi về với đất mẹ", ông Phúc kể.

Quốc Nam

Published in Diễn đàn

Ông Đinh La Thăng, một bị cáo đình đám nhất trong vụ án lịch sử đang diễn ra ở Hà Nội đã thoắt chuyển mầu như một con tắc kè hoa. Từ một ông anh can đảm bao trùm trách nhiệm với các bị cáo đàn em thì qua phần tự bào chữa cho mình, ông đã trở lại với chính con người thật của mình. 

quan1

Ông Đinh La Thăng, một bị cáo đình đám nhất trong vụ án lịch sử đang diễn ra ở Hà Nội đã thoắt chuyển mầu như một con tắc kè hoa.

Đó không còn là hình ảnh hào hùng của một đàn anh lạnh lùng chấp nhận mọi nghịch cảnh nữa mà đã trở thành một người kể chuyện khổ, hay người ca bài ca con cá sống vì nước. Ông cựu ủy viên Bộ chính trị và cựu Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh kể lể chuyện hoàn cảnh có cha già và con dại, mà không biết rằng có hàng triệu gia đình Việt Nam có hoàn cảnh khổ hơn gia đình ông mà lại không có được một ông con làm to như ông. Ông cũng trích dẫn lời ông Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng, rồi xin lỗi ông Trọng trong khi đáng ra phải nguyền rủa ông Trọng, người góp phần chính đưa ông xuống hố. Ông Đinh La Thăng còn nói nhiều nữa, trong đó có câu :"Làm ma tự do còn hơn ma trong tù." một câu nói kêu oang oác nhưng chẳng có ý nghĩa gì nhưng đám bưng bô cho Thăng vẫn xúm vào ôm lấy như Thánh chỉ. 

Màn diễn nhắc đến gia đình của Thăng còn chêm vào những khúc nghẹn ngào cùng tiếng khóc không kiềm chế được đã bật ra trước tòa. Nhân vật thứ hai của phiên tòa là Trịnh Xuân Thanh cũng tham gia màn mưa nước mắt khi nhắc đến gia đình vợ con. Chả biết thật hay diễn nhưng nhiều ngày xử án rồi mà Trịnh Xuân Thanh vẫn không can đảm nói dõng dạc rằng :"Tôi bị bắt cóc". Có lẽ đã có sự trao đổi điều gì đó để đổi lấy sự thật mà trước tòa chỉ thấy Thanh nói rằng mình về đầu thú...

Tiếp theo là những màn kể lể đẫm nước mắt của 2 ông quan chức to nhất nhưng cũng giống như 2 chị hàng xén kể lể khi bị đuổi chợ chiều. Việc ở vào hoàn cảnh đen tối mà nhắc đến gia đình vợ con khiến ai đó rơi nước mắt thì cũng là một điều bình thường nhưng có một nơi người đàn ông đầu đội trời, chân đạp đất (ở giữa có cái quần xa lỏn che ngang) không bao giờ rơi lệ. Đó là tòa án đang xét xử ta. Bởi kể lể khóc lóc ở nơi đó là dấu hiệu yếu đuối và cầu xin. Nhưng ở tòa án này thì ông cựu ủy viên Bộ chính trị thì khóc, còn ông cựu phó tỉnh Hậu Giang thì lóc...

Tôi bỗng nhớ đến các anh chị em đấu tranh dân chủ của chúng ta trước các phiên tòa của bạo quyền. Họ thản nhiên đón nhận những bản án bất công nhưng không có ai hèn hạ để khóc lóc như 2 ông quan chức đang bị xử cả.

Than ôi ! Ta chỉ muốn khóc khi nghe anh Basam Nguyễn Hữu Vinh trả lời trước tòa bằng một câu nói giản dị nhưng đầy khí phách : "Tôi chấp nhận tất cả, kể cả cái chết".

Còn Trần Huỳnh Duy Thức thì nói khi cái án 16 năm tù tròng vào đầu : "Tôi sẽ chiến đấu chống lại cái xấu đến cùng, chừng nào tôi còn nhìn thấy nó".

Họ là những con người can đảm bởi họ đã đặt gia đình vợ con yêu quí ở phía sau khi dấn thân vào con đường gian nan diệu vợi để đem Tự Do về cho dân tộc.

Những con người đó đã khiến cho tôi nhớ về bài thơ Tống Biệt Hành của Thâm Tâm, nói về những người trai gạt gia đình để cất bước ra đi :

Đưa người ta không đưa qua sông

Sao có tiếng sóng ở trong lòng ?

Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong

Ly khách ! Ly khách ! Con đường nhỏ,

Chí lớn chưa về bàn tay không,

Thì không bao giờ nói trở lại !

Ba năm mẹ già cũng đừng mong.


Người đi ? Ừ nhỉ, người đi thực !

Mẹ thà coi như chiếc lá bay,

Chị thà coi như là hạt bụi,

Em thà coi như hơi rượu say...

Mai Tú Ân

Nguồn : VNTB, 14/01/2018

*****************

Bị cáo Đinh La Thăng khóc mong muốn không phải làm 'ma tù' (Nông Nghiệp, 13/01/2018)

Sau khi kết thúc phần bào chữa của các luật sư, các bị cáo được lần lượt trình bày quan điểm cá nhân. Người đầu tiên là bị cáo Đinh La Thăng, phần bào chữa dài gần 1 tiếng đồng hồ...

dlt2

Nếu bị xử 2 vụ, bị cáo Đinh La Thăng không biết có còn sống không để ra tù

Ngày 13/1, phiên tòa xét xử 22 bị cáo trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) tiếp tục phần tranh luận.

Sau khi kết thúc phần bào chữa của các luật sư, các bị cáo được lần lượt trình bày quan điểm cá nhân. Người đầu tiên là bị cáo Đinh La Thăng, phần bào chữa dài gần 1 tiếng đồng hồ khiến nhiều thời điểm nguyên Chủ tịch PVN nghẹn ngào.

Bị cáo Đinh La Thăng gửi lời cảm ơn đến các cơ quan tố tụng vì đã đẩy tiến độ xử lý vụ án một cách nhanh nhất, đồng thời cảm ơn Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đã có một phiên tòa dân chủ, công khai, đổi mới theo tinh thần của của Hiến pháp 2013 và tinh thần Bộ luật hình sự 2015. Cảm ơn các luật sư, trong đó có 3 luật sư luật sư Phan Trung Hoài, Nguyễn Huy Thiệp, Đào Hữu Đăng.

Trong phần tự bào chữa, bị cáo Thăng cũng nhắc lại lời của Tổng bí thư khi nói về việc xử lý cán bộ sai phạm: "Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, mỗi việc đều có bối cảnh và nguyên nhân của nó. Do đó cần xem xét đánh giá toàn diện với cách nhìn hướng về tương lai để xử lý. Xử lý cán bộ không phải dập cho người ta không ngóc đầu lên được mà xử lý để người ta sửa chữa tiến bộ, để người ta thấy sai. Khi Tổng bí thư phát biểu ý này, bị cáo thấy được, cảm nhận được sự nhân văn sâu sắc của Tổng bí thư. Bị cáo thấy rằng đây là tư tưởng của Bác Hồ đã được cụ thể hóa".

Vì vậy, bị cáo Đinh La Thăng đề nghị Hội đồng xét xử, Viện kiểm sát có đường lối xử lý công tâm khách quan trong bối cảnh của thời điểm. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét với tinh thần thấu tình đạt lý, đúng căn cứ, pháp luật và công bằng cho cán bộ dầu khí, không vì tư lợi mà chỉ muốn tập đoàn phát triển nhanh theo đúng kỳ vọng của Chính phủ.

Rất có thể ngay sau phiên xét xử này, bị cáo Đinh La Thăng sẽ tiếp tục đối mặt với vụ án đầu tư góp vốn 800 tỷ đồng vào OceanBank nên nguyên Chủ tịch PVN mong muốn có được mức án "nhân văn" bởi còn có bố gần 90 tuổi đang mắc bệnh hiểm nghèo, có hai con gái nhưng con gái út phát triển không bình thường, rất cần sự chăm sóc của bố mẹ.

"Khả năng khi bố mất chắc bị cáo khó được gặp mặt trước lúc đi xa... Nếu bị xử 2 vụ, bị cáo không biết có còn sống không để ra tù. Bị cáo chỉ mong muốn Hội đồng xét xử xem xét để tạo điều kiện cho bị cáo chấp hành hình phạt. Bản thân bị cáo từ năm 2006 đến nay cũng phải uống nhiều thuốc vì bị rất nhiều bệnh. Bị cáo chỉ mong muốn làm sao chấp hành án, trước khi chết thì được ra tù để được chết tại nhà mình, trong vòng tay người thân của mình. Bị cáo cũng mong muốn, nếu có chết thì là ma tự do, chứ không phải ma tù", bị cáo Đinh la Thăng nghẹn ngào.

Nguyên Chủ tịch PVN cũng gửi lời xin lỗi Đảng, nhân dân, xin lỗi các thế hệ cán bộ công nhân ngành dầu khí vì ảnh hưởng tới truyền thống ngành vì những sai phạm của mình : "Tôi tuyệt đối trung thành với Đảng, nhân dân, tuyệt đối tin tưởng vào lãnh đạo của Đảng, Tổng bí thư, tin vào đường lối xử lý công tâm, khách quan, bình đẳng toàn diện...".

Trịnh Xuân Thanh sợ làm "làm ma trong tù"

dlt3

Bị bị cáo Trịnh Xuân Thanh

Nghe bị cáo Đinh La Thăng trình bày, bị cáo Trịnh Xuân Thanh ngồi phía sau không thể cầm được nước mắt. Trịnh Xuân Thanh bắt đầu trình bày bài tự bào chữa với những dòng nước mắt tuôn rơi.

Vừa khóc, Trịnh Xuân Thanh vừa nói : "Tôi thấy có lỗi với anh Đinh La Thăng, với các anh ở PVN".

Sau khi bình tĩnh lại, bị cáo Trịnh Xuân Thanh bắt đầu trình bày : Cũng như anh Thăng, bị cáo không muốn đổ lỗi cho cấp dưới. Rất mong là Viện kiểm sát chỉ ra, bị cáo đã chỉ đạo cấp dưới làm sai bằng cách nào. Với cương vị của bị cáo, chỉ đạo miệng thì không thể.

Mong Hội đồng xét xử xem xét kỹ cho hành vi chuyển tiền sai mục đích mà bị cáo bị cáo buộc. Bị cáo cũng lo sợ viễn cảnh phải "làm ma trong tù" chứ không được "làm ma tự do", vì còn một phiên tòa nữa đang chờ đợi bị cáo.

Hoàng Anh

Published in Diễn đàn
samedi, 13 janvier 2018 15:58

Hà Nội : nỗi lòng người đi !

Tưởng nhớ tác giả tài hoa của bài hát này, nhạc sĩ Anh Bằng vừa rời bỏ trần gian, đem Nỗi Lòng Người Đi bất hủ của ông xuống với Tuyền Đài, chúng ta lại một lần nữa chìm vào giai điệu nhẹ nhàng, tha thiết của một người Hà Nội đi xa nhớ về người yêu nơi ấy.

Giờ đây biết ngày nào gặp nhau,

Biết tìm về nơi đâu, ân ái trao nàng mấy câu.

Thăng Long ơi, năm tháng vẫn trôi giữa dòng đời

Ngậm đắng nuốt cay nhiều rồi,

Hồ Gươm xưa vẫn chưa phai màu...

hanoi1

Nhạc sĩ Anh Bằng

Lời ca nhức nhối, ngập tràn nỗi nhớ nhung trong bài ca bất hủ Nỗi Lòng Người Đi trên của nhạc sĩ Anh Bằng thì hẳn không người yêu Hà Nội nào không thuộc, không thích. Và nếu có một cuộc bầu chọn bài hát hay nhất về Hà Nội mọi thời thì chắc chắn bài hát nghẹn ngào này sẽ đứng đầu.

Tưởng nhớ tác giả tài hoa của bài hát này, nhạc sĩ Anh Bằng vừa rời bỏ trần gian, đem Nỗi Lòng Người Đi bất hủ của ông xuống với Tuyền Đài, chúng ta lại một lần nữa chìm vào giai điệu nhẹ nhàng, tha thiết của một người Hà Nội đi xa nhớ về người yêu nơi ấy.

Hà Nội, thành phố u tịch thời ấy như buồn hơn, trầm mặc hơn khi một phần người dân thành phố đã phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, rời bỏ quê cha đất mẹ để lên đường di cư vào miền Nam. Hà Nội năm ấy sụt sùi mưa để khóc những người con ra đi mà vẫn quay đầu nhìn lại, khóc cho những gia đình ly tán và khóc cho những cặp tình nhân trẻ phải chia lìa đôi lứa khi chưa trao nhau nụ hôn đầu.

Tôi xa Hà Nội năm lên 18, khi vừa biết yêu

Bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành khói tan trong mây chiều

Hà Nội ơi, nào biết ra sao bây giờ.

Ai đứng trông ai ven hồ,

Khua nước trong như ngày xưa...

hanoi2

Hà Nội, thành phố u tịch thời ấy như buồn hơn, trầm mặc hơn khi một phần người dân thành phố đã phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, rời bỏ quê cha đất mẹ để lên đường di cư vào miền Nam.

Một tình yêu đôi lứa dang dở lồng trong bối cảnh của một thành phố buồn kẻ ở khóc người đi. Hà Nội giống với Huế hơn Sài Gòn ở chỗ khi chia xa mới nhớ nhiều. Như một báu vật mà xa mới nhớ, mất mới tiếc vậy. Chỉ khi ta phải rời xa cái nơi ấy cùng người yêu "16 trăng tròn đắm say", mà con đường trở về bỗng trở nên mịt mờ diệu vợi thì nỗi nhớ quắt quay mới dày vò ta. Để đêm về ta được gặp em trong những giấc mơ hoang đường nhất, và ngày lên ta lại mong lúc đêm về để được gặp em nơi ấy...

Giờ đây, biết ngày nào gặp nhau

Biết tìm về nơi đâu, ân ái trao nàng mấy câu.

Sài Gòn ơi, mộng với tay cao hơn trời

Tôi hái hoa tiên cho đời,

Để ước mơ nên đẹp đôi...

Chỉ còn những ước mơ hay những hoài vọng muộn màng về cái nơi vừa gần vừa xa ấy. Cái nơi luôn mời gọi ta trong những đêm hoang dã với những giấc mơ điên cuồng nhưng lại chống ta trở về bởi một thực tế trần trụi nhất. Nhưng than ôi ! Ngày rời Hà Nội ta đã để lại trinh tiết cùng với người em gái nhỏ xinh của ta mất rồi...

Mai Tú Ân

Nguồn : VNTB, 13/01/2018

Published in Văn hóa