Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/02/2018

Ảo vọng được sống muôn đời sẽ mãi chỉ là ảo vọng...

Mai Tú Ân

Những người cộng sản cầm quyền xây lăng tẩm to lớn, tượng đài hào nhoáng và giờ lại thêm hay nghĩa trang bia mộ to lớn cho mình thì cũng chỉ mục đích là mong chế độ của họ sẽ tồn tại mãi với thời gian qua sự chễm chệ của những thứ hào nhoáng đó trên trần gian.

aovong1

Những ảo vọng phù du đã khiến cho những ông quan lớn cố xây những tượng đài ngàn khắp nơi và giờ là nghĩa trang ngàn tỷ cho các cán bộ cao cấp.

Bất chấp đói nghèo khắp vùng sâu vùng xa, bất chấp nợ công cao ngất thì Ban lãnh đạo đất nước vẫn lao vào những việc vì lợi ích ích kỷ cho chính mình và đảng phái của mình. Như một đám thủ du thủ thực họ cưỡng chiếm được đất nước Việt Nam rồi thì họ là người sở hữu đất nước như một thứ chiến lợi phẩm ăn hoài không hết. Bao nhiêu tiêu chuẩn cao cấp, nhà cửa đặc quyền đặc lợi cho giới cầm quyền vung vít xênh xang ở trên đời chưa đủ hay sao mà giờ đây họ còn vung vít xênh xang ở thế giới tối đen ở bên kia, nơi mà mọi người dù là ông đại tướng, ông tổng bí thư đều xuôi tay như mọi người dân đen khác. Nghĩa trang Yên Trung của cán bộ cấp cao chỉ dành cho những người cấp cao, những người đã một đời vinh hoa phú quí trên đầu người dân rồi thì khi chết đi cũng muốn được muôn đời tên tuổi trên đầu những hồn ma dân đen trong kiếp đọa đày chăng ?

Tham vọng hay là những ảo vọng phù du đã khiến cho những ông quan lớn cố xây những tượng đài ngàn tỷ được xây dựng khắp nơi và giờ là nghĩa trang ngàn tỷ cho các cán bộ cao cấp. Cũng xin nói ngay là số tiền 1.400 tỷ chỉ là bước đầu rồi còn đội giá lên khi đi vào chi tiết. Rồi các đơn vị quân nhân làm lính tiêu binh danh dự phải gác cho những hồn ma. Rồi quan tài, rồi đủ thứ lễ bái kiểu Tây, kiểu Tàu... tất cả đều trông vào số tiền đóng thuế khó nhọc của muôn triệu người dân Việt Nam chẳng dính dáng gì đến những lăng tẩm vô tích sự đó.

Thật là một ảo vọng vô ích cho những người có tư tưởng ngu ngốc đó. Hãy nhìn sang đất nước cộng sản đàn anh Liên Xô thì sẽ thấy không nơi đâu có nhiều địa danh mang tên các lãnh tụ Cộng sản nhiều như ở đó với bao thành phố, địa điểm, công trình, nhà máy, trường học... Bao nhiêu lăng tẩm mang tên trá hình là khu tưởng niệm, bao nhiêu dòng văn, bài thơ bài hát ca ngợi những tên tuổi những con người Cách Mạng vĩ đại đó. Nhưng được bao lâu khi chế độ cộng sản chủ nghĩa sụp đổ thì tất cả đã biến mất như chưa từng hiện hữu. Giờ đây làm gì còn thành phố công trình nào mang tên K. Marx, F. Enghel, V. Lenin, J. Stalin, V. Kirov... Những vần thơ hay những bài ca veo véo ca ngợi những cái tên đó đâu có còn vang lên nữa trong cơn sốt đập bỏ tất cả những tượng đài trên một cách không thương tiếc. Các lăng tẩm ước xác của V. Lenin thì đều bị trục xuất hoặc hạ tầng thê thảm. Ngay cả lãnh tụ cách mạng vĩ đại của đất nước cộng sản Cuba đang được người em R. Castro cầm quyền cũng như nhìn thấy trước cơn sốt đập phá khi đất nước đổi màu cờ nên quyết định không có bất cứ địa danh hay tượng đài nào mang tên Fidel Castro cả.

Khi ông Võ Nguyên Giáp qua đời thì có thể do cao ngạo không muốn nằm chung với các ông đã đầy ải mình như Lê Duẩn, Lê Đức Thọ ở Nghĩa Trang Quốc Gia Mai Dịch, hoặc cũng có thể lo xa, sợ ở Mai Dịch mà khi có nạn can qua, bọn dân đen nổi dậy nó đốt phá Nghĩa Trang Mai Dịch thì mình mất mả nên ông Giáp và gia đình quyết định cho ông tướng này ra nằm ở đảo Chùa, Vũng Yến, Quảng Bình. Mặc dù lúc đó cam kết không tốn tiền ngân sách để bảo quản mộ nhưng qua thời gian thì đó chỉ là lời nói dối. Mộ ông Giáp được quân đội chăm lo bảo vệ, tối thắp đèn, sáng vòng hoa với cả một đội tiêu binh danh dự để canh gác cho một ông tướng không xứng đáng với vinh dự ấy (1). Người dân sẽ không biết số tiền khủng ấy là bao nhiêu nhưng biết chắc nhà nước này sẽ chi tiền ngân sách cho lăng Võ Nguyên Giáp cho đến khi tận thế, nếu chính quyền này tồn tại đến tận thế.

Cũng nên nói ngay các cán bộ cấp cao này cũng chẳng ai nghèo đến mức phải nhờ tiền ngân khố để xây cái nghĩa trang khủng này mà chính là cái danh cái dự để đua tranh kể cả khi đã chết. Phải hiểu là những người cộng sản đã tạo nên một tầng lớp cán bộ cấp cao cùng gia đình họ có những tính cách khôi hài. Mặc dù xuất thân từ đồng chiêm nước trũng Bắc Kỳ hay vùng chó ăn đá, gà ăn sỏi miền Trung hoặc miền đất rặc phèn chua Nam Bộ nhưng cứ lên được chức vụ cao về Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh là ở tịt trên đó không về. Có nhà cao cửa rộng ở hai thủ đô mới, cũ rồi là chết cứ phải ở hai nghĩa trang quốc gia chớ chẳng có mấy người chịu đem thân xác về quê hương tỉnh lẻ của mình. 

Xây dựng Nghĩa Trang Quốc Gia mới này sẽ sinh thêm một thứ kèn cựa của những quan lớn sắp chết nữa. Ai sẽ có chuẩn được nằm trong Yên Trung, ai sẽ không. Ai sẽ được nằm ở vị trí nào gần mặt trời trung tâm nhất, và thậm chí ai được dẫn vợ vào nằm cùng để dễ bề chăn gối vợ chồng nơi miền đất thánh âm u...

Trước đến giờ các quan to kèn cựa từng chút trong các câu lạc bộ cựu này cựu kia, tranh cãi nhau ầm ĩ như các cụ tiên chỉ làng ngày xưa cãi nhau dành thủ lợn. Nào là ông nào ở chiếu trên với bao nhiêu huy chương, huy hiệu hay tuổi Đảng, rồi chết đi thì có bao nhiêu vòng hoa hay đồng chí to nào đến chia buồn hay đọc cáo phó. Từ ngữ thì "Chia buồn, Vô cùng thương tiếc hay Vô cùng đau đớn báo tin…" chỉ là những thuật ngữ tầm thường với người dân nhưng là những đòi hỏi sống chết của các ông sắp về núi. Rồi chết thì thông báo ra sao, tổ chức ở đâu, bao nhiêu xe hoa. Ai cũng tranh chấp những điều phù phiếm vô nghĩa đó và còn ai nghĩ đến những ngàn tỷ đồng tiền quốc khố gió bay đi cùng với sự phù phiếm vô nghĩa đó. Ảo vọng sẽ mãi chỉ là ảo vọng nhưng hàng ngàn tỷ đồng xây cất nghĩa trang lại là những đồng tiền thật mà người dân Việt Nam phải chắt chiu mới có được.

Đã bao nhiêu đặc quyền đặc lợi để phân chia 4 triệu công dân hạng nhất với 90 triệu công dân hạng nhì rồi mà giờ đây còn xây dựng nghĩa trang lăng tẩm hùng vĩ để cho vài ngàn công dân đặc biệt được sống mãi ở thế giới bên kia trên đầu dân tộc Việt Nam. Hãy nhìn để làm gương bao chế độ vương quyền phong kiến ngày xưa cũng xây dựng bao lăng tẩm sừng sững thì giờ đây tất cả đã không còn, hoặc nằm im ở đâu đó với quên lãng của người đời và rêu xanh của thời gian...

Mai Tú Ân

Nguồn : VNTB, 10/02/2018

-----------------

(1) Những người trắng đêm canh giấc ngủ cho Đại tướng (TTO, 21/12/2013)

Hơn hai tháng kể từ ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất cũng là hơn 60 đêm các chiến sĩ biên phòng thuộc đội bảo vệ khu vực mộ Đại tướng tại Vũng Chùa, xã Quảng Đông (Quảng Trạch, Quảng Bình) gần như phải thức trắng đêm.

aovong3

Anh Hoàng Đức Lợi, một trong 31 chiến sĩ biên phòng hướng dẫn khách vào viếng mộ Đại tướng chiều 21/12 - Ảnh : Quốc Nam

Đội bảo vệ mộ đại tướng được thành lập sau ngày an táng đại tướng, gồm 31 chiến sĩ thuộc đồn biên phòng Ròn (Quảng Bình). Các anh đứng giữa mưa bão, giá rét căm căm để bảo vệ sự bình yên cho giấc ngủ ngàn thu của vị Đại tướng mà các anh đều tôn kính.

Không rời vị trí dù đêm mưa bão

18g, trời bắt đầu tối om là lúc Vũng Chùa trở thành vũng gió. Từng đợt gió rát buốt dồn dập hắt vào từ phía biển làm những người lính bắt đầu lạnh cóng. Đó cũng là lúc ca gác đầu tiên của buổi tối bắt đầu vào vị trí. Sáu cán bộ biên phòng được chia thành ba điểm chốt dọc từ phía bãi đổ xe lên đến bên phần mộ Đại tướng.

aovong2

Giữa đêm giá rét, hai chiến sĩ biên phòng vẫn đứng canh gác bảo vệ mộ Đại tướng - Ảnh: Quốc Nam

Một nhóm gần chục cán bộ biên phòng khác dẫn theo chó nghiệp vụ bắt đầu vòng lên phía sườn núi quanh khu vực mộ thực hiện nhiệm vụ đi tuần tra. Tại khu vực huyệt mộ, vị trí quan trọng nhất và cũng là điểm cao nhất trong khuôn viên khu mộ, chiến sĩ Hoàng Văn Quả cùng một chiến sĩ khác vẫn đứng nghiêm trang.

Bộ quân phục biên phòng, chiếc mũ vải trùm xuống vành tai cùng đôi găng tay len mới được cấp là tất cả những hành trang mà người lính canh gác được khoác lên người. Khoảng hai tuần gần đây, nhiệt độ ngoài trời tại Vũng Chùa xuống dưới 10 độ C. Ban đêm thấp hơn nữa. Ca trực của chiến sĩ Hoàng Văn Quả kéo dài đến nửa đêm. Khoảng 3g sáng lại phải ra trực ca khác.

Chiến sĩ Khắc Ngọc Tân Hào, đội trưởng đội bảo vệ khu mộ Đại tướng, nói mới hơn hai tháng nhưng mỗi tháng đội bảo vệ nếm trải một cảm giác khác nhau: tháng đầu tiên là "tháng dầm mưa". Nặng nề nhất là đợt bão số 11 và siêu bão Hải Yến. 31 người lính phải thay phiên nhau vừa trực vừa đi tuần nên bình quân mỗi đêm mỗi người phải trực hai ca. Trước và trong lúc bão kéo tới, mưa xối xả, gió giật bay luôn các lều bạt dã chiến. Các chiến sĩ mặc áo mưa đứng gác quanh khu mộ. "Tấm áo mưa lâu quá cũng bị thấm nước. Xong ca gác ai nấy đều ướt. Có đêm mưa suốt đêm, áo quần không kịp khô để thay ca khác…", chiến sĩ Hào kể.

Ấm lòng

22g đêm, Vũng Chùa lạnh buốt. Nơi mộ Đại tướng có mấy bóng đèn chiếu sáng bằng máy nổ, còn lại xung quanh tối mịt mù. Nhà dân gần nhất cũng cách đó hơn 2km nhưng nằm phía bên kia chân núi. Bất chợt có một ánh đèn xe từ từ tiến vào khu mộ.

Thông tin về đoàn viếng muộn này nhanh chóng được báo lên vị trí canh gác bên huyệt mộ. Đó là một đoàn sinh viên từ miền Bắc đang đi thực tập ngang qua tranh thủ vào viếng Đại tướng. Việc hành lễ vẫn diễn ra như bình thường.

Chiến sĩ Hoàng Đức Lợi, một cán bộ gác chốt trên huyệt mộ, nói đây vẫn chưa phải là đoàn đến viếng muộn nhất. Anh Lợi kê mới tháng trước có một đoàn khách là cựu chiến binh từ Điện Biên vào viếng mộ Đại tướng. Vượt hơn một ngàn cây số đến nơi cũng là gần 1g sáng. Các cựu binh cứ nhìn mộ Đại tướng khóc nức nở. Có người đã hơn 90 tuổi, đi không vững vẫn cứ nằng nặc đòi đi bằng được đến tận nơi thắp cho Đại tướng nén nhang, sờ lên chỗ Đại tướng nằm.

Chiến sĩ Lợi tâm sự nhìn những cảnh như thế anh em trong đội thấy ấm lòng, đêm gác vì thế cũng bớt lạnh hơn: "Rét run cầm cập nhưng anh em bảo nhau phải cố gắng. Hàng ngàn người từ cách cả ngàn cây số đội rét đến viếng Đại tướng được thì mình sợ chi giá rét".

Chiến sĩ Hoàng Văn Quả kể anh nhận được lệnh điều động về Vũng Chùa ngày 22/10. Khi đó anh như run tay bởi không bao giờ dám nghĩ mình có ngày lại được ở gần Đại tướng đến thế. Lúc nhận tin Đại tướng mất, anh đang công tác tại đồn biên giới Cà Roòng, thuộc xã Thượng Hóa, huyện Tuyên Hóa. Suốt những ngày diễn ra lễ tang anh cùng anh em trong đơn vị cứ dán mắt vào tivi để xem tin tức và bái vọng Đại tướng. "Với những người lính như chúng tôi, Đại tướng như anh, như cha. Được canh cho người yên nghỉ đã là một niềm vinh dự lớn chứ đừng nói đến gian khổ", chiến sĩ Quả nói.

Đại tá Nguyễn Văn Phúc, chỉ huy trưởng bộ đội biên phòng Quảng Bình, cho hay khi biết Đại tướng về an nghỉ tại Vũng Chùa, có rất nhiều cán bộ chiến sĩ biên phòng tình nguyện về Vũng Chùa để canh giấc ngủ ngàn thu cho Đại tướng. Ai cũng nói rất quyết tâm rằng khổ mấy cũng chịu được, miễn là được ở gần Đại tướng.

"Hiện anh em trong đội canh gác vẫn phải ăn uống tắm giặt bằng nước khe suối, điện chỉ chạy máy nổ, nhưng hỏi ai cũng đều lắc đầu không muốn về. Mọi người đều nói rằng cả cuộc đời Đại tướng đã dành cho đất nước, nên xin được ở lại góp chút công sức chăm sóc cho Người khi về với đất mẹ", ông Phúc kể.

Quốc Nam

Quay lại trang chủ
Read 638 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)