Chuyến công du Việt Nam sắp tới của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper sẽ tiếp tục là một lời đánh đố về tính bất ổn thường trực trong quan hệ Việt - Mỹ, gây ra bởi đức tính đu dây ngả ngớn và căn bệnh kiêu ngạo cộng sản của những tín đồ ngày rao giảng Mác - Lê, nhưng đêm xuống lại vục mặt vào đống của chìm vơ vét được từ nhân dân.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper - Ảnh minh họa
Tiền trạm cho Mark Esper là một cuộc gặp của Randall Schriver - Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách an ninh khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương với Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Tuy nhiên đã không có tin tức đặc việt nào được đưa lên mặt báo chí nhà nước Việt Nam về nội dung trao đổi giữa hai quan chức này.
Thậm chí một số dư luận còn nghi ngờ không biết cuộc gặp Randall Schriver - Nguyễn Chí Vịnh có gì được xem là đi vào chi tiết và mang tính thực chất, hay chỉ là những lời xã giao bóng lộn và cuối cùng nước chảy bèo trôi.
Bởi cho tới nay, những đề nghị của Hoa Kỳ được cho là muốn tiếp cận sâu hơn nữa hệ thống cảng biển Việt Nam, đặc biệt là quân cảng Cam Ranh, hoặc một vị trí cảng biển là nơi có thể dùng làm căn cứ hậu cần - kỹ thuật cho hải quân Mỹ, đã bị phía Việt Nam thơn thớt khước từ.
Nguyễn Phú Trọng - quan chức mà ngoài việc ngồi cả hai ghế tổng bí thư và chủ tịch nước còn là Bí thư quân ủy trung ương và nắm giữ cả vận mệnh quốc phòng của quốc gia, cùng với Bộ Ngoại giao của ông vẫn cố thủ nguyên tắc ‘Ba Không’, nhất là không liên minh quân sự với nước này để chống nước khác, và không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam.
Ngay cả khi đã bị Trung Quốc gây hấn và đe dọa sát sườn ở khu vực Bãi Tư Chính trong hai năm liên tiếp 2017 và 2018, Trọng cũng chỉ muốn ‘dựa hơi’ hàng không mẫu hạm và các tàu chiến Mỹ để ‘hù’ Trung Quốc, tức chỉ mở rộng khái niệm ‘Việt Nam tôn trọng tự do hàng hải’ và cả ‘tự do hàng không’ để tàu chiến và máy bay Mỹ có thể áp sát các căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng vẫn không chịu nhả bất kỳ vị trí quân sự nào trên đất liền của Việt Nam.
Trong Hội nghị trung ương 11 của đảng cầm quyền ở Việt Nam, việc không một quan chức cao cấp nào từ Trọng trở xuống dám nhắc tới vụ Bãi Tư Chính và cái tên Trung Quốc đã gián tiếp phát ra thông điệp chính thể độc đảng này vẫn tiếp tục ‘đu dây’ với ‘đảng anh’.
Đu dây cho tới lúc té lộn cổ…
Tương lai té lộn cổ của giới chóp bu chuyên ưỡn ẹo làm cao của Việt Nam là hầu như không cần bàn cãi. Cho tới nay khi đã phải chịu sức ép nặng nề và liên tiếp của Trung Quốc ở Bãi Tư Chính và một số vùng biển Phan Rang, Phan Thiết, Phú Yên, Bộ Chính trị Việt Nam đã trở thành một kẻ cô độc theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen khi không nhận được bất cứ sự ủng hộ nào, thậm chí còn không có nổi sự chia sẻ nào từ không chỉ các nước trong khối ASEAN, mà còn từ 12 quốc gia ‘đối tác chiến lược’ với Việt Nam, kể cả Nga là nước có lợi ích trong dự án khai thác mỏ Lan Đỏ, và đau đớn nhất là ‘đối tác chiến lược toàn diện quan trọng nhất’ - Trung Quốc, theo cái cách cắm đầu ca tụng không còn biết liêm sỉ là gì của giới lãnh đạo Việt Nam dành cho kẻ cướp, lại là kẻ đang dồn ‘đảng em’ vào chân tường.
Đến lúc này, tại sao lại không nghĩ rằng chuyến công du Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper là một phép thử mà Tổng thống Trump - với tính cách thật thực dụng của ông ta - đặt ra đối với Hà Nội ?
Rằng trước khi có một cuộc gặp chính thức ở cấp nguyên thủ quốc gia ở Washington, Hà Nội cần phải chứng tỏ dứt khoát quan điểm về ‘Ba Không’, đu dây, về tính thực chất phải có chứ không thể mãi mãi chỉ là phép tô hồng nếu ‘quan hệ đối tác chiến lược Việt - Mỹ’ được chính thức hình thành, và cách quan hệ cùng cách chơi với Mỹ.
Đó có thể là những điều kiện cứng rắn của Trump.
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 11/2019
Mark Esper sắp đến Việt Nam để bảo vệ cho ExxonMobil ?
Thường Sơn, VNTB, 14/10/2019
Sự tự tin của ExxonMobil khi lên tiếng về mỏ Cá Voi Xanh phát xuất tự sự hiện diện của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ cập cảng Đà Nẵng vào đầu tháng Ba năm 2018...
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper
Tân bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper sắp đến Việt Nam trong bối cảnh cuộc chiến giàn khoan của Trung Quốc còn lâu mới chịu kết thúc. Tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8, và sau đó là hàng lô hàng lốc phương tiện khai thác dầu như tàu cẩu Lam Kình, giàn khoan Hải Dương Thạch Du 982 kéo vào Biển Đông, giễu qua ngay trước mũi Bộ Chính trị Việt Nam, và có trời mới biết còn bao nhiêu hình ảnh ngáo ộp nữa sẽ được Bắc Kinh cho trình diễn trong tương lai gần…, đã làm tê tái những kẻ vẫn cắm mặt giương cao lá cờ mang tên "Mười sáu Chữ Vàng" ở Hà Nội.
Tiền trạm cho Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper là Randall Schriver - Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách an ninh khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương. Randall Schriver đã có một cuộc gặp với Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.
Vào năm 2018, kết quả được xem là thành công nhất của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ khi đó là James Mattis với phía Việt Nam chỉ là một hàng không mẫu hạm của Mỹ là USS Carl Vinson cập cảng Đà Nẵng vào tháng 3 năm 2018.
Người Mỹ có mối quan tâm đặc biệt ở Đà Nẵng, bởi nơi đây rất gần với mỏ khí đốt Cá Voi Xanh ngoài khơi Quảng Nam, Quảng Ngãi, nằm cách đất liền khoảng 100km, được liên doanh khai thác giữa tập đoàn dầu khí khổng lồ của Mỹ là ExxonMobil với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Mỏ này có trữ lượng đến 150 tỷ mét khối và hứa hẹn mang lại doanh thu lên đến 60 tỷ USD, trong đó 2/3 thuộc về ExxonMobil và 1/3 dành cho nền ngân sách đang lâm vào tình trạng hộc rỗng ngoại tệ của chính thể độc tài ở Việt Nam.
Cũng bởi triển vọng siêu lợi nhuận trên, Cá Voi Xanh đã lọt vào lòng tham và tầm đe dọa của Trung Quốc. Động thái Trung Quốc điều giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng lãnh hải Việt Nam vào năm 2014 là một thông điệp rất rõ ràng về việc Bắc Kinh muốn nuốt trọn mỏ Cá Voi Xanh nếu mỏ này không được hỗ trợ bởi hải quân Mỹ.
Kể từ khi Trung Quốc tuyên bố "đường Lưỡi Bò" 9 đoạn chiếm tới 90% diện tích Biển Đông, nhiều hãng dầu khí khác của Mỹ đã bỏ cuộc trước áp lực từ Trung Quốc. Nhưng ExxonMobil vẫn tiếp tục thăm dò và tập đoàn này đã phát hiện mỏ khí đốt lớn nhất của Việt Nam từ trước đến nay.
Nhưng vào ngày 7/11/2017 - trùng với thời gian Tổng thống Trump dự Hội nghị thượng đỉnh kinh tế APEC Đà Nẵng mà được báo chí đảng tung hô "thành công tốt đẹp" và "Việt Nam là nước hưởng lợi kinh tế lớn nhất trong APEC", ExxonMobil đã mang lại nỗi thất vọng lớn lao cho giới chóp bu Việt Nam : Chủ tịch Liam Mallon của Công ty Phát triển ExxonMobil đã tuyên bố sẽ hoãn dự án hợp tác với Việt Nam trên biển Đông tới năm 2019, với lời giải thích rất cô đọng : "chúng tôi cần phải đạt được một số thỏa thuận cụ thể" trước khi triển khai đầu tư chính thức.
Khi đó, một số đánh giá đã giả thiết về nguyên nhân chủ yếu và có thể là duy nhất của việc phải hoãn dự án có thể là Trung Quốc gây sức ép mà đã khiến Việt Nam có thể phải điều đình để ExxonMobil tạm ngừng khai thác mỏ Cá Voi Xanh.
Đến tháng Ba năm 2018 khi xảy ra vụ Repsol phải lần thứ hai liên tiếp rút khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ, giả thiết đã biến thành thực tế được xác nghiệm một cách sống sượng : vẫn là "đối tác chiến lược toàn diện lớn nhất của Việt Nam" là Trung Quốc đã nhảy bổ vào nhà của giới chóp bu Việt Nam để đòi không được hợp tác với Mỹ mà phải hợp tác với Trung Quốc để khai thác dầu khí.
Vào tháng Tư năm 2018, lần đầu tiên ExxonMobil đã lên tiếng liên quan đến mỏ Cá Voi Xanh. Tuy không xác nhận về một sức ép của Trung Quốc đối với mỏ dầu khí dồi dào trữ lượng này, ExxonMobil vẫn khẳng định kế hoạch và lộ trình sắp tới - một biểu hiện cho thấy tập đoàn này không mấy lo ngại cho dù Bắc Kinh sẽ làm những động tác nhằm bắt buộc ExxonMobil phải rút khỏi mỏ Cá Voi Xanh như đã khiến Repsol phải rút khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ.
Sự tự tin của ExxonMobil khi lên tiếng về mỏ Cá Voi Xanh phát xuất tự sự hiện diện của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ cập cảng Đà Nẵng vào đầu tháng Ba năm 2018, nằm trong chiến lược tăng cường sự hiện diện của Mỹ tại Biển Đông và sẵn sàng đối đầu với hải quân Trung Quốc.
Cho tới nay, dự án Cá Voi Xanh đã nhận được sự ủng hộ công khai và mạnh mẽ của Chính phủ Mỹ. Rất có thể chuyến công du Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper sẽ nhắm đến một trong những mục đích lớn là làm cách nào để bảo vệ mỏ Cá Voi Xanh và ExxonMobil trước sự đe dọa của Trung Quốc.
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 14/10/2019
******************
Mark Esper đến Việt Nam : Nhìn lại hai chuyến công du của Jim Mattis
Thường Sơn, VNTB, 12/10/2019
Người vừa trở thành Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ - Mark Esper - sẽ có một chuyến công du Việt Nam, nhiều khả năng diễn ra tháng 10 năm 2019, với mục đích danh nghĩa là "thảo luận việc gia tăng hợp tác quốc phòng giữa hai nước".
Tổng thống Donald Trump ký sắc luật phong Mark Esper Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ - Ảnh minh họa
Đó sẽ là chuyến công du Việt Nam lần thứ ba của hai đời Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ - một mật độ đặc biệt, cho thấy Hoa Kỳ vẫn giữ nguyên chiến lược xoay trục về Châu Á - Thái Bình Dương và mối quan tâm về vấn đề Biển Đông và Việt Nam.
Vào năm 2018, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ khi đó là Jim Mattis đã có đến hai lần công du Việt Nam - tháng Giêng và tháng Mười.
Chuyến công du Việt Nam tháng 3 năm 2018 của Jim Mattis diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang tiến vào giai đoạn căng thẳng của chiến dịch dựng đứng hàng rào thuế quan đầu tiên do Tổng thống Donald Trump là tổng đạo diễn, trong khi các hạm đội 7 và hạm đội 5 của hải quân Hoa Kỳ ngày càng áp sát Biển Đông, trong bối cảnh ngày 10/10/2018 Thượng Viện Hoa Kỳ đã thông qua đạo luật cắt đứt đường lưỡi bò của Trung Quốc trên Biển Đông.
Còn tương lai về một cuộc xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ tại khu vực này đang dâng lên như một cơn sóng thần cấp độ vừa phải.
Chuyến công du trên cũng là lần thứ hai liên tiếp trong vòng 10 tháng kể từ khi Jim Mattis nhận lãnh chức vụ Bộ trưởng quốc phòng Mỹ - một mật độ ‘thăm viếng’ khá dày đặc đối với quốc gia cách Mỹ đến nửa vòng trái đất.
Lần đầu tiên Jim Mattis đặt chân đến Hà Nội là vào tháng Giêng năm 2018, tiếp liền sau chuyến đi Washington của Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch mà có thể hiểu như lời cầu cứu rõ như ban ngày : chính thể độc đảng ở Việt Nam liên tiếp bị ‘bạn vàng’ Trung Quốc gây sức ép cả về chiến thuật ‘ngoại giao tàu cá’ lẫn tàu hải giám và tàu quân sự vây bọc khu vực mỏ Cá Rồng Đỏ ở Bãi Tư Chính phía đông nam Việt Nam - một chiến dịch mà Bắc Kinh đã quá thành công trong việc ‘hù’ Việt Nam, khiến công ty dầu khí Repsol của Tây Ban Nha (liên doanh với Việt Nam) phải cuốn cờ tháo chạy khỏi mỏ dầu khí này.
Khi đó, tình cảnh của Bộ Chính trị Việt Nam thật chẳng khác gì ‘mỡ treo miệng mèo’ : ngay cả dầu khí trong vùng biển được xem là ‘chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam’ cũng không làm cách nào ‘ăn’ được.
Trong khi đó, Mỹ lại đang cần đến cái gật đầu của Việt Nam để phát triển triết lý ‘tàu Mỹ đi qua vô hại’ ở Biển Đông - như một cách lý giải của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho báo giới quốc tế, bắt đầu từ năm 2016 và vẫn tồn tại cho đến giờ. Tuy vậy, các hạm đội Châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ không phải cần đến sự chuẩn thuận của giới chóp bu Việt Nam như một điều kiện cần, mà chỉ là điều kiện đủ trong bối cảnh dù Việt Nam có gật hay lắc thì các tàu chiến Mỹ cũng đã áp sát quần đảo Hoàng Sa - trên danh nghĩa là thuộc Việt Nam nhưng đã thuộc về sự chiếm cứ của ‘người đồng chí tốt’ từ hơn bốn chục năm qua.
Chỉ vài tháng sau chuyến đến Việt Nam lần đầu tiên của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Jim Mattis, đến tháng Ba năm 2018 đã hiện ra một hình ảnh chưa từng có tiền lệ kể từ thời điểm 1975 : một hàng không mẫu hạm của Mỹ là USS Carl Vinson cập cảng Đà Nẵng - vùng biển mà 5 năm trước lần đầu tiên đã có 3 tàu chiến của Mỹ cập bến để ‘giao lưu hải quân’ với phía Việt Nam.
Nhưng ngay sau khi hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson rút về nước và công ty Repsol của Tây Ban Nha cùng đối tác của nó ở Việt Nam một lần nữa thử khai thác dầu khí ở mỏ Cá Rồng Đỏ, nỗi nhục Bãi Tư Chính lại nổ ra lần thứ hai và phủ đầy khắp bộ mặt chính thể Việt Nam : một lần nữa Repsol phải tháo chạy khỏi mỏ dầu khí này sau khi Trung Quốc lại ra tay dọa dẫm. Và đó là lần mà Repsol có vẻ ‘một đi không trở lại’. Còn ‘bản lĩnh Việt Nam’ đã chỉ hiển hiện đến mức cúi đầu chấp nhận bồi thường cho Repsol một số tiền lớn - có thể từ 400 triệu USD đến hàng tỷ USD, nhưng còn lâu mới dám hó hé trước sức ép ngày càng thô bạo của Trung Quốc.
Còn vào lần này, Tân bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper đến Việt Nam trong bối cảnh cuộc chiến giàn khoan của Trung Quốc còn lâu mới chịu kết thúc. Tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8, và sau đó là hàng lô hàng lốc phương tiện khai thác dầu như tàu cẩu Lam Kình, giàn khoan Hải Dương Thạch Du 982 kéo vào Biển Đông, giễu qua ngay trước mũi Bộ Chính trị Việt Nam, và có trời mới biết còn bao nhiêu hình ảnh ngáo ộp nữa sẽ được Bắc Kinh cho trình diễn trong tương lai gần…, đã làm tê tái những kẻ vẫn cắm mặt giương cao lá cờ mang tên ‘Mười sáu Chữ Vàng’ ở Hà Nội.
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 12/10/2019