Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Là những người buộc phải mẫu mực về phẩm chất đạo đức để hoàn thành trách nhiệm và nghĩa vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, thế nhưng thật đáng tiếc thời gian qua có nhiều cán bộ công an đã trở thành những đối tượng tội phạm nguy hiểm cho xã hội. Một sự tha hóa từ đâu ?...

congan1

Trung tướng Phan Hữu Tuấn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Bộ công an, trong vụ án Phan Vănh Anh Vũ, tức Vũ nhôm

Ngày 17/04/2018 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ công an đã quyết định khởi tố và bắt tạm giam đối với ông Phan Hữu Tuấn (SN1955, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội) nguyên Phó Tổng cục trưởng Bộ công an đã nghỉ hưu và ông Nguyễn Hữu Bách, cán bộ Bộ công an (SN1963, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) về hành vi "Cố ý làm lộ bí mật nhà nước" quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015, liên quan đến vụ án Phan Văn Anh Vũ , tức Vũ "nhôm" và đồng bọn đã có hành vi " Cố ý làm lộ bí mật nhà nước" "Trốn thuế" và " Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" .

Trước đó, Trung tướng công an Phan Văn Vĩnh và Thiếu tướng công an Nguyễn Thanh Hóa đã bị khởi tố và bắt tạm giam 4 tháng vì có liên quan đến đường dây rửa tiền, bài bạc xuyên quốc gia do Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương cần đầu.

congan2

Ông Nguyễn Hữu Bách, cán bộ công an, liên quan đến vụ án Phan Văn Anh Vũ

Và phải kề thêm vụ án cán bộ Bộ công an Nguyễn Hoàng Dương vào hôm 16/04/2018, bị Tòa án Sài Gòn tuyên bản án sơ thẩm là 8 năm tù giam với hai tội danh "Gián điệp" và "Cưỡng đoạt tài sản" theo Điều 110 và 170 Bộ luật Hình sự 2015 vì lý do đánh bạc nên đã đánh cắp tài liệu mật để bán cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Campuchia. Trước đó là những vụ án liên quan đến nạn nhục hình và những lời tố cáo của người dân bị bạo hành dẫn đến thương tích hoặc tử vong liên quan đến lực lượng công an mà báo đài truyền thông phản ánh.

Vì đâu từ những người cán bộ với yêu cầu phải mẫu mực về phẩm chất đạo đức, về nghĩa vụ và trách nhiệm tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước, nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệnh công an nhân dân, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, trung thực, dũng cảm, cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân ; liên hệ chặt chẽ với Nhân dân ; tận tụy phục vụ Nhân dân, kính trọng, lễ phép đối với Nhân dân… theo luật cán bộ công an còn phải không được làm những việc như ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, những việc trái với pháp luật, điều lệnh công an nhân dân và những việc mà pháp luật quy định cán bộ, công chức, viên chức không được làm. Những cán bộ công an này thậm chí có những người cấp bậc tướng lãnh đạo những Tổng cục như Tổng cục tình báo, Tổng cục phòng chống tội phạm Công nghệ cao tại sao lại tha hóa về mặt đạo đức đến như vậy ?

Trao đổi với Việt Nam Thời Báo, nhà báo Võ Văn Tạo ở Khánh Hòa cho rằng những vụ bắt bớ tướng công an vừa qua là do ở Việt Nam đang có chiến dịch gọi nôm na là chống tham nhũng do Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam khởi xướng. Cho nên nó cũng ảnh hưởng từ hệ quả của chiến dịch này, còn hiện tượng những cán bộ công an, sĩ quan cao cấp trong ngành công an hư hỏng, tha hóa thì theo nhà báo Tạo nó xuất hiện từ lâu rồi không phải từ bây giờ mới có.

"Tôi nghĩ đối với hàng ngũ cao cấp không dưới hai, ba năm nay đâu, trở ngược thời gian khoảng gần hai mươi năm về trước thì có ông Bùi Quốc Huy với cấp bậc trung tướng thứ trưởng Bộ công an ra tòa vì liên quan đến việc bảo kê trùm xã hội đen Năm Cam, bên cạnh ông Huy còn có ông trung tá rồi anh hùng lực lượng vũ trang cũng dính trong vụ án Năm Cam, có nghĩa là nó có từ lâu rồi nhưng mà lâu nay người ta ít để ý đến lực lượng này. Ngay trong bản thân những người lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam cũng nghĩ yên tâm rằng ngành đó anh em cán bộ cấp cao sẽ gương mẫu nhưng thực tế không phải thế".

Cũng cầm phải nói thêm, hiện nay dư luận Việt Nam có lời truyền miệng với hàm ý không mấy tốt đẹp khi cho rằng lực lượng công an là thanh gươm lá chắn bảo vệ Đảng chỉ biết còn Đảng còn mình. Theo nhà báo Tạo, nếu đúng như lời truyền miệng của dư luận thì quả thật có sự kém cỏi bởi vì :

"Thời chúng tôi ở lứa tuổi học sinh, dưới mái trường xã hội chủ nghĩa ngày xưa khi vào cấp tiểu học thì đã học rằng ; một công dân của xã hội thì phải có lý tưởng vì tổ quốc, vì nhân dân, vì đồng bào đó mới là cái cao nhất đằng này lại vì còn Đảng còn mình, chỉ cần giữ Đảng thôi vì mục tiêu tồn tại tạo sự biến chất của lực lượng công an. Nhiều năm lại đây lực lượng công an bị nhiều ý kiến của dư luận cho là kiêu binh, phát triển số lượng một cách ồ ạt, sinh ra Tổng cục này Tổng cục kia rồi phong tướng phong tá quá nhiều. Điều này đã ra tới diễn đàn Quốc hội Việt Nam rồi, nhiều Đại biểu cũng đã nói rồi, đây là hệ quả của một thời gian rất dài…".

Cũng không thể nói là do hoàn cảnh khó khăn nên dẫn đến hiện tượng tha hóa của số cán bộ công an hoặc là sự tha hóa có nguyên nhân là do lực lượng Cộng an được pháp luật trao quá nhiều quyền lực. Có thể nguyên nhân này chỉ là một phần, nhà báo Tạo nói :

"Việc nói do luật pháp Việt Nam đã ưu ái dành cho công an quá nhiều quyền lực theo tôi nghĩ nó chỉ đúng một phần thôi. Bởi vì dù thế nào thì pháp luật cũng phải soạn thảo theo hướng cái quy chuẩn của quốc tế nên những điều khoản lộ liễu trong pháp luật về công an ít khi thể hiện ra. Cái tư tưởng công an trị trong hàng ngũ lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện còn rất nặng…".

Một ví dụ điển hình là hiện tượng Vũ "nhôm" đang là bản tin thời sự "nóng" ở Việt Nam ít nhiều đã cho dư luận quan tâm hiện tình Việt Nam thấy ra điều gì ? Nhân vật này được biết chỉ là một người thợ nhôm sắt rồi dần đà làm quen người này người nọ và sau đó được len lỏi vào hàng ngũ công an. Cho đến nay, Vũ "Nhôm" đã bị bắt nhưng thân phận thật sự của nhân vật này có phải là cán bộ Cấp tá tình báo của Bộ công an hay không thì chưa thấy cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ công an lên tiếng chính thức. Tuy nhiên, khi chưa bị bắt thì sự xuất hiện của Vũ "nhôm" đến những cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh cũng rất nể nang, thậm chí có người còn bị nhân vật này đe dọa như trường hợp Chủ tịch thành ủy Đà Nẵng ông Huỳnh Đức Thơ. Đặt trường hợp nếu Vũ "nhôm" là người của lực lượng công an nhưng tại sao phía cán bộ hành chính phải kiêng nể, thậm chí còn bị Vũ "nhôm" đưa vào đường dây phạm tội. Một giải thích tạm dễ hiểu là chính những cán bộ cấp cao của hệ thống hành chính Việt Nam có vấn đề, có tham nhũng nên đã bị những thế lực như Vũ "nhôm" nắm cán chứ ai đó không có tỳ vết gì thì sợ chuyện gì mà không mạnh tay xử lý tội phạm, bảo vệ kỷ cương pháo luật. 

Như vậy thì sự tha hóa của cán bộ công an cũng có một phần phát sinh từ sự tha hóa của những cán bộ hành chính trong hệ thống quản lý hành chính Nhà nước.

Minh Hải

Nguồn : VNTB, 21/04/2018

*******************

Tại sao các vị sĩ quan tình báo Bộ Công an bị bắt ?

Kính Hòa, RFA, 18/04/2018

Ngày 17 tháng tư 2018, hai ông Phan Hữu Tuấn và Nguyễn Hữu Bách là hai nhân vật mới nhất thuộc Bộ Công An bị bắt giữ. Đây là hai trong số những vụ bắt bớ ở bộ này từ cuối năm 2017 đến nay, và ông Phan Hữu Tuấn là người có cấp bậc và chức vụ quan trọng nhất, ông từng là sĩ quan cấp tướng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục tình báo của Bộ Công An.

VIETNAM-MILITARY-FESTIVAL-HANOI-1000YEARS

Công an vũ trang của Việt Nam diễn hành, tháng 10/2010. AFP

Tổng cục 5 bị xóa sổ

Theo cách loan tin của truyền thông nhà nước Việt Nam thì những vụ bắt bớ này có thể chia làm hai vụ án. Vụ thứ nhất gồm các ông Phan Văn Anh Vũ, bị bắt vào đầu năm 2018, ông Phan Hữu Tuấn và ông Nguyễn Hữu Bách. Các viên sĩ quan này đều thuộc Tổng cục tình báo của Bộ Công an, còn gọi là Tổng cục 5.

Vụ thứ hai là hai ông Phan Văn Vĩnh, và Nguyễn Thanh Hóa liên quan đến một đường giây đánh bạc.

Trong hai vụ này dư luận rất quan tâm đến các vị sĩ quan tình báo, vì nó liên quan trực tiếp đến việc Đảng Cộng sản Việt Nam đang xóa bỏ tất cả các tổng cục của Bộ Công an, trong đó có Tổng cục tình báo.

Vào tháng Giêng 2018, ngay sau khi ông Phan Văn Anh Vũ, còn gọi là Vũ nhôm bị bắt, nhà quan sát chính trị nội bộ Việt Nam là nhà báo Phạm Chí Dũng, từ Sài Gòn bình luận với chúng tôi :

"Tôi thấy rằng nếu Phan Văn Anh Vũ mà không có một vai trò quan trọng, thì đã không có cả một chiến dịch khổng lồ của công an và nghe nói có cả Tổng cục 2 của quân đội nữa, để truy bắt Phan Văn Anh Vũ, và cũng không có một cuộc thương thảo dày công đến thế giữa Chính phủ Việt Nam và Singapore để dẫn độ Phan Văn Anh Vũ về Việt Nam. Không đơn thuần là Vũ "nhôm" sai phạm về kinh tế hay làm lộ bí mật gì gì đó như ngành công an nêu ra, mà chắc chắn Vũ "nhôm" phải có vai trò quan trọng đến mức có thể là yết hầu, hay tử huyệt của một số quan chức, thậm chí là quan chức cao cấp ở Việt Nam".

Ông Vũ là một nhà kinh doanh nghề nhôm kính tại Đà Nẵng, có quân hàm sĩ quan tình báo cấp tá của Bộ Công an. Theo các bản tin chính thức của báo chí nhà nước Việt Nam thì ông Vũ đã lợi dụng chức vụ của ông để trục lợi trong việc mua rẻ nhà cửa của nhà nước tại Đà Nẵng và bán đi để kiếm lời.

Trên trang web của Bộ Công an Việt Nam, cả ba ông, Phan Văn Anh Vũ, Phan Hữu Tuấn, và Nguyễn Hữu Bách đều bị gán cho tội danh làm lộ bí mật nhà nước tuy không nói rõ là như thế nào.

Chúng tôi có liên lạc với Bộ Công an qua trang web của bộ này nhưng không thành công.

Nhận xét về các vụ bê bối của Tổng cục tình báo Bộ Công An, ngay sau khi ông Phan Văn Anh Vũ bị bắt, nhà báo Trương Duy Nhất, sống tại Đà Nẵng có nói với chúng tôi rằng sẽ phải truy cứu trách nhiệm của Trung tướng Nguyễn Việt Tân, nay đã về hưu từng đứng đầu Tổng cục này.

Cán cân quyền lực thay đổi

Theo các tài liệu báo chí được nhà nước Việt Nam công bố thì cho đến hiện nay công tác tình báo của Việt Nam được hai Tổng cục thuộc hai Bộ khác nhau thực hiện, đó là Tổng cục 5 của Bộ Công An, và Tổng cục 2 của Bộ Quốc phòng.

Nhà báo Phạm Chí Dũng nhận định với chúng tôi :

"Tỉ lệ nghịch với sự suy yếu vai trò của Bộ Công an là sự gia tăng ảnh hưởng của Bộ Quốc phòng, đặc biệt Tổng cục tình báo Bộ Quốc phòng. Tôi nghĩ rằng sau những vụ bê bối như là A10, T4 vào những năm 2000, thì Tổng cục tình báo của Bộ Quốc phòng đang lấy lại phong độ và quyền thế, đặc biệt ảnh hưởng của họ đối với chính trường Việt Nam và đối với Tổng bí thư".

Các vụ bê bối mà ông Phạm Chí Dũng đề cập có liên quan đến Thứ trưởng Bộ Quốc phòng hiện nay là Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Theo tiết lộ của cựu Đại tá Quân đội Việt Nam là ông Bùi Tín, hiện tị nạn chính trị tại Pháp, thì vào thời điểm những năm 1990, 2000, Tổng cục 2 là một tổ chức siêu quyền lực, lợi dụng vị trí đó lũng đoạn đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam.

Ông Đặng Xương Hùng, cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, hiện cư trú chính trị tại Thụy sĩ nhận xét về các tổ chức tình báo của Việt Nam :

"Công tác tình báo của cả bên công an lẫn quân đội, phục vụ cho đất nước thì ít mà phục vụ cho chuyện kiểm soát nội bộ với nhau thì nhiều. Tôi cảm nhận thấy điều đó, nhất là cái thời thành lập Tổng cục 2, tôi thấy rằng Bộ Chính trị hay là một số cá nhân trong Tổng cục 2 đó để mà kiểm soát các vị lãnh đạo trong Bộ Chính trị, để mà phục vụ cho những công việc như đấu đá, tranh giành quyền lực giữa các phe phái trong đảng".

Trở lại vụ án các sĩ quan công an tình báo hiện nay, còn có sự liên quan đến vụ án Ngân hàng Đông Á, trong đó ông Trần Phương Bình, Tổng Giám đốc đang bị bắt và bị xử án, đã mua một số lượng lớn đô la Mỹ cho ông Vũ.

Theo một nguồn tin thân cận với ông Bình mà chúng tôi chưa xác nhận được thì Ngân hàng Đông Á là một cơ quan kinh tài của Công an Thành phố Hồ Chí Minh.

Nếu so sánh với Bộ Quốc phòng thì Bộ Công an không phải là Bộ duy nhất có các cơ quan kinh tài, thậm chí các công ty làm ăn kinh tế của Bộ Quốc phòng còn có qui mô rộng lớn hơn, mà trong thời gian gần đây đã có nhiều chỉ trích, được đăng trên chính truyền thông nhà nước Việt Nam, rằng các đơn vị quân đội không nên tham gia vào các hoạt động kinh tế.

Có hai vụ được bàn đến nhiều nhất là vụ Công ty Viettel của quân đội được cấp đất tại xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội, tạo nên một cuộc xung đột lớn giữa dân chúng và các cơ quan chức năng. Vụ thứ hai là việc kinh doanh sân golf tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất đã cản trở việc mở rộng sân bay này.

Cho đến nay vẫn chưa có kết luận gì về sai phạm của các đơn vị quân đội ở hai nơi này, và dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất được Chính phủ phê chuẩn đã tránh không đụng đến sân golf.

Tuy nhiên cũng có nhận định khác về vai trò quyền lực của hai bộ phận tình báo, công an và quốc phòng.

Một nhà nghiên cứu chính sách tại Hà Nội xin ẩn danh nói với chúng tôi rằng sự mất quyền lực của Tổng cục 5, Bộ Công an cũng chỉ là một sự ngẫu nhiên lịch sử. Theo người này thì Tổng cục 5 cũng đã thực hiện được một công trạng lớn cho Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời gian qua là bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, một cựu quan chức ngành dầu khí bị cáo buộc tham nhũng, từ Đức mang về Việt Nam.

Việc này chưa bao giờ được Việt Nam chính thức công nhận hay phủ nhận mặc cho những cáo buộc rất mạnh mẽ từ Chính phủ Đức.

Nhà nghiên cứu ẩn danh nói tiếp với chúng tôi là có thể sau khi chấn chỉnh Bộ Công an, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ chấn chỉnh Bộ Quốc phòng. Theo ông Tổng cục 5 đã được giao quá nhiều quyền lực và không được kiểm soát trong thời gian vừa qua.

Kính Hòa

Nguồn : RFA, 18/04/2018

Published in Diễn đàn

Đinh La Thăng 13 năm tù giam, Trịnh Xuân Thanh chung thân và các bị cáo còn lại trong vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản" xảy ra tại Tập đoàn dâù khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) nhận mức án tù từ tù treo cho đến 22 năm tù giam. Dù phiên xử sơ thẩm đã qua mấy ngày nhưng sự âm ĩ thì vẫn còn, đặc biệt là bản án dành cho ông Cựu ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng liệu có thoả đáng hay không ? Đúng người đúng tội hay không ?...

dot1

Ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh tại tòa.

Còn nhiều vụ chưa cho thấy xử lý triệt để

Theo tờ VOV báo điện tử của Đài tiếng nói Việt Nam tổng hợp sau những ngày xét xử vụ án như sau ; Sáng ngày 8/01/2018, Tòa án Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và 20 bị cáo khác trong vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản" xảy ra tại Tập đoàn PVN và Tổng công ty PVC.

Theo cáo trạng, trong quá trình thực hiện dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, ông Thăng là người có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo PVPower ký hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định. Sau đó, ông Thăng chỉ đạo cấp dưới tại PVN căn cứ hợp đồng này tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.312 tỉ đồng cho PVC để các bị can tại PVC sử dụng hơn 1.115 tỉ đồng sai mục đích, trái quy định gây thiệt hại cho Nhà nước tổng số tiền hơn 119 tỷ đồng.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc đã chỉ đạo Vũ Đức Thuận ký hợp đồng số 3 trái quy định để PVC được nhận tạm ứng. Ông Thanh còn chỉ đạo cấp dưới sử dụng hơn 1.115 tỉ đồng trong số tiền tạm ứng vào mục đích khác, không đưa vào dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 119 tỷ đồng. Ngoài ra, Trịnh Xuân Thanh còn để ra chủ trương, chỉ đạo cấp dưới lập khống hồ sơ rút hơn 13 tỷ đồng từ ban điều hành dự án Vũng Áng- Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân. Trong đó bị cáo Trịnh Xuân Thanh được ăn chia 4 tỷ đồng.

Theo hồ sơ và diễn biến tại tòa, các bị cáo đều thừa nhận bản hợp đồng EPC số 33 do Tổng công ty Điện lực dầu khí- PVPower ký với PVC theo hình thức chỉ định thầu về dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 là bản hợp đống thiếu cơ sở pháp lý nhưng vẫn được ký. Sau này, chủ thể được chuyển về PVN và thay bằng hợp đồng 4194, tuy nhiên, bản hợp đồng này vẫn bị coi là chưa hoàn thiện.

Tại tòa, các bị cáo nguyên là lãnh đạo PVN gồm ; Đinh La Thăng, Phùng Đình Thục, Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Xuân Sơn khai do thiếu kiểm tra, giám sát, cấp dưới không khai báo cáo nên mới không biết kịp thời về những sai phạm của hợp đồng 33. Bản thân các bị cáo không có sự chỉ đạo ký hợp đồng do đã phân cấp, phân quyền rõ ràng trong tập đoàn nhưng thừa nhận trách nhiệm là người đứng đầu. Còn những người trực tiếp đàm phán, ký kết lại khai rằng do sức ép từ cấp trên, nội dung chỉ là "hợp đồng tạm" và thực tế hợp đồng chưa có hiệu lực. Ngày 22/01/2018, Tòa án Hà Nội tuyên án sơ thẩm, ông Đinh La Thăng –Nguyên Chủ tịch Hội dồng thành viên PVN 13 năm tù giam tội "Cố ý làm trái", Trịnh Xuân Thanh- Nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVC chung thân và Vũ Đức Thuận-Nguyên Tổng giám đốc PVC 22 năm tù giam, cả 02 bị cáo này cùng tội "Cố ý làm trái" và "tham ô", các bị cáo còn lại nhận mức án từ án tù treo cho đến 16 năm tù giam.

Mặc dù đây là một trong những đại án kinh tế ở Việt Nam, tuy nhiên tâm điểm chính của vụ án mà giới truyền thông tập trung khai thác chủ yếu là 02 nhân vật của vụ án Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh, đặc biệt là Đinh La Thăng cựu Ủy viên Bộ Chính trị. Từ Khánh Hòa, nhà báo Võ Văn Tạo có chung nhận định này, ông nói :

"Tôi nghĩ rằng vụ án này có hai bị cáo chính thôi, tuy rất đông người nhưng những người khác thì xã hội và dư luận không quan tâm lắm, kể cả có người chịu án khá cao hơn cả ông Đinh La Thăng nữa nhưng họ giữ trọng trách không tai tiếng nhiều lắm. Trên mạng xã hội cũng như bản thân tôi cũng không mấy quan tâm lắm".

Khi vụ án đang diễn ra những ngày xét xử sơ thẩm, nhà báo Tạo cũng đưa ra những suy đoán về bản án sẽ tuyên dành cho ông Đinh La Thăng. Đồng thời, bản án mà Hội đồng xét xử tuyên 13 năm dành cho ông Thăng cũng gọi là thỏa đáng.

"Tôi thấy mức án dành cho ông Đinh La Thăng như thế cũng gọi là thỏa đáng, trước khi xử án theo cáo trạng của Viện kiểm sát thì ở khung án từ 10-20 năm. Tôi có dự đoán, khi ra Tòa thì ông Thăng sẽ bị kêu mức án từ 10-12 năm, lệch một năm so với mức tối đa mà tôi dự kiến, trong khi Viện kiểm sát lại đưa từ 14-15 năm thì tôi bất ngờ vì hơi cao một chút. Kết quả hôm nay ông Thăng thì 13 năm".- Lời của nhà báo Tạo.

Cũng cần phải nói thêm, ông Thăng ngoài việc ra tòa vì vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản" xảy ra tại Tập đoàn PVN và Tổng công ty PVC thì thời gian tới đây ông Thăng còn phải ra tòa liên quan đến vụ án đã chỉ đạo Tập đoàn PVN góp 800 tỷ đồng vào Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) của Hà Văn Thắm để rồi sau đó bị mất trắng, cho nên khả năng ông Thăng cũng bị kết án tù trong vụ án này. Chung cuộc thì Tòa án sẽ tổng hợp kết quả của 2 vụ án thành hình phạt chung cho ông Thăng.

Trở lại vai trò của ông Thăng trong vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản", nhà báo Tạo chia sẻ thêm :

"Theo tôi nghĩ ông Thăng mức án như vậy cũng xứng đáng chứ không oan ức gì đâu. Bởi vì nhiều người ở Việt Nam do thiếu thông tin nên cho rằng ông ta bị oan, là người có nhiều thành tích... thực tế theo kinh nghiệm của tôi quan tâm môi trường doanh nghiệp nhà nước thì tôi biết có nhiều cán bộ giỏi đánh bóng hình ảnh, có số phát ngôn nghe rất bùi tai công chúng nhưng thực tế không phải thế. Trong giới báo chí những ai có mối quan hệ tốt đặc biệt với phía Viện kiểm sát thì người ta sẽ thấy ông Thăng bị kết án vậy cũng không oan gì".

Ngoài ra, ông Tạo nói rằng, bản thân ngạc nhiên ngay từ đầu là tại sao chỉ khởi tố ông Thăng với tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng mà không có thêm các tội khác liên quan trục lợi cá nhân như là "tham ô" hoặc "nhận hối lộ" điều này thấy hơi phi lý, không lẽ ông Thăng là cán bộ cao cấp của Đảng mà chỉ phạm tội cố ý làm trái, gây hậu quả cho công cuộc phát triển kinh tế của đất nước mà không có động cơ gì trong đó ?

Tuy vậy, nhà báo Tạo vẫn thừa nhận chiến dịch "đốt lò" chống tham nhũng trong thời gian gần đây do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động gặt hái không ít thành công mặc dù bên cạnh vẫn còn có nhiều trường hợp cho thấy Đảng và Nhà nước vẫn chưa thật sự quyết liệt, truy tận gốc rễ, có chăng vì tình nghĩa "đồng chí" và sỉ diện bộ mặt Đảng.

"Theo tôi để đánh giá trong đợt này, Cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam theo sự chỉ đạo của Đảng, đứng đầu phát động là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tôi thấy rất là ráo riết ở một số trường hợp. Tuy nhiên, cũng còn một số trường hợp khác sao lại chưa thấy làm hoặc có làm như chỉ xử lý hành chính chứ chưa thấy xử lý hình sự".

Một khi đã bắt tay vào làm, quyết tâm làm thì phải làm cho sạch sẽ chứ không thể nào chổ này làm mà chổ kia không làm. Nhưng dù sao, nói thế nào thì dư luận Việt Nam và cá nhân nhà báo Tạo xử lý được trường hợp nào thì tốt chừng đó, những con sâu làm hại đất nước thì cần phải trừng phạt để làm gương cho các cán bộ hiện nay đương chức, một số trường hợp khác dù về hưu mà có tội trạng rõ ràng cũng phải đem ra. Đứng về góc độ của ông Trọng về mặt Đảng thì đây là một thành công của ông Trọng về việc giương lá cờ chống tham nhũng và đưa cả Ủy viên Bộ Chính trị ông Đinh La Thăng ra tòa nhận bản án 13 năm tù không phải là nhẹ, rõ ràng về mặt hình thức đây là một thắng lợi của ông Trọng về mặt Đảng và cũng tác động nhất định đến quần chúng.

Minh Hải

Nguồn : VNTB, 26/01/2018

Published in Diễn đàn

Cựu Bí thư thành ủy Sài Gòn ông Đinh La Thăng bị bắt với cáo buộc tội liên quan đến vụ án kinh tế dù đã qua mấy ngày nhưng dư luận Việt Nam vẫn còn tranh luận sôi nổi. Một trong những đề tài được tranh luận khá nhiều là liệu sau ông Thăng thì còn nhân vật tầm cỡ nào khác trong chính trường Việt Nam sẽ nối gót ông Thăng vào nhà giam,...

Có thể là Nguyễn Văn Bình hoặc Vũ Huy Hoàng… ?

Giới quan tâm chính sự Việt Nam lâu nay có những tranh luận, mổ xẻ để đi đến kết luận rằng ; chính trường Việt Nam hiện nay đang tồn tại hai phe quyền lực đấu đá nhau. Một là phe của Tổng bí thư Đảng ông Nguyễn Phú Trọng và phe còn lại là của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tùy từng thời điểm mà phe của ông Dũng hay phe của ông Trọng thịnh suy khác nhau. 

Dễ thấy nhất là vào thời điểm Đại hội Đảng XII (tháng 01/2016) trở về trước, nhạy bén trước tình hình biến động ở xã hội Việt Nam và cẳng thẳng giữa Việt - Trung trên vùng Biển Đông nên ông Dũng đã có những phát ngôn rất mạnh mẽ, thu phục được lòng dân. Cũng tại thời điểm này, ông Trọng với tinh thần bảo vệ tình nghĩa anh em giữa hai Đảng, rồi những bê bối của "đồng chí Đảng" khiến uy tín suy giảm. Rõ ràng thế cờ hưng thịnh tại thời điểm này ngã về phe của ông Dũng rõ rệt, bản thân ông Dũng vào thời điểm Đại hội Đảng XII được đánh giá là ứng cử viên nặng ký cho chiếc ghế Tổng bí thư Đảng thay cho ông Trọng. 

sau1

Cuộc chiến cung đình

Giới quan tâm chính sự cũng từng kỳ vọng ông Dũng là sẽ một Gorbachev của Việt Nam, làm thay đổi vận mệnh đất nước Việt Nam ngay sau khi nắm quyền tại Đại hội Đảng XII, sẽ bắt tay vào cải cách đưa đất nước theo Phương Tây, thực hiện đường lối dân chủ tiến bộ. Tuy nhiên, kỳ vọng này đã không xảy ra vì ông Dũng đã trở thành Cựu Thủ tướng ngay tại Đại hội Đảng XII, kéo theo hàng loạt Bộ trưởng, Thứ trưởng cấp dưới về hưu làm người tử tế. Trong khi đó, ông Trọng tiếp tục giữ cương vị người lãnh đạo tối cao của Đảng, tức là chức danh Tổng bí thư. 

Giờ đây ông Thăng đã bị bắt với caó buộc dính dáng đến vụ án kinh tế nghiêm trọng ở Tập đoàn Dầu khi Việt Nam (PVN). Giới quan tâm chính sự cho việc bắt người như thế này là đúng "quy trình", bởi trước đó Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã bắt Trịnh Xuân Thanh, khai thác Thanh để bắt Thăng. Bắt Thăng xong thì lo gì không khai thác được thông tin để bắt tiếp những đồng phạm khác.

Theo nhà báo Võ Văn Tạo ở Khánh Hòa chia sẻ với Việt Nam Thời Báo rằng, mọi sự vẫn nằm ở dự đoán chứ chưa có cơ sở nào cũng như chưa nguồn nào để chứng minh. Bản thân nhà báo Tạo có quan điểm :

"Nhắc lại một chút, trên mạng hay nói về phe Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và phe cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng theo tôi hiện nay không còn cái phe đó. Trước khi ông Dũng trở thành cựu Thủ tướng ở Đại hội Đảng XII, tôi nhận định có phe phái thật nhưng mà khi ông Dũng về hưu thì không còn phe này nữa. Bởi những người tạm cho là thân tín với ông Dũng thấy tình hình ở ông Dũng nên tôi tin rằng họ cũng nhạy bén khi gió trở chiều là họ trở cờ ngay… một số người không đáng kể khác họ biết thân biết phận nên cố gắng giữ cái ghế của họ cho yên ổn, họ không dám đối đầu với ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đâu".

Vậy thì sau Đinh La Thăng sẽ còn nhân vật có chức vụ tầm cỡ nào nối gót vào nhà giam với tư cách đồng phạm ? Nhà báo Tạo dựa theo dự đoán của dư luận :

"Giới thạo tin tức dự đoán sẽ là cựu Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình, hoặc là ông Vũ Huy Hoàng cựu Bộ trưởng Bộ Công thương hoặc cao hơn nữa là Cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.."..

Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, ông Thăng bị khởi tố vì có những sai phạm trong thời gian làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch PVN giai đoạn 2009-2011. Một trong số đó là việc ông Thăng đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại 800 tỉ đồng trong việc góp vốn của PVN vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại dương (OceanBank). Và tiếp nữa là vụ án liên quan đến dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, trong giai đoạn từ 2012-2015, PVN đã làm thủ tục chuyển hơn 8,2 triệu USD và hơn 1.317 tỉ đồng cho ban quản lý dự án để tạm ứng 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỉ đồng cho PVC, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 52 tỉ đồng và 66.000 USD.

Những sai phạm của ông Đinh La Thăng tại PVN diễn ra dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đương nhiệm nhưng cho đến lúc những sai phạm của Trịnh Xuân Thanh bị phanh phui thì dư luận Việt Nam vẫn chưa thấy một tờ báo nào đá động đến. Phải chăng ông Thăng đang có một bàn tay đầy quyền lực nào đó che chở ? Với cương vị ông Thăng, số người đủ khả năng che chở đếm ra chắc không quá đầu ngón tay, trong số đó tính luôn thành phần "tứ trụ" triều đình, và cũng trong số đó ai sẽ là người tiếp theo nối gót ông Thẳng ?

Minh Hải

Nguồn : VNTB, 13/12/2017

Published in Diễn đàn
Trang 2 đến 2