Rốt cuộc, nguồn cơ sâu xa và "nhạy cảm" mà đã khiến toàn bộ giới báo chí nhà nước im bặt trước vụ "Mobifone mua AVG" đã lộ ra : bản hợp đồng "Mobifone mua AVG" chính thức bị hủy.
Chân dung quan chức Nguyễn Bắc Son – cựu bộ trưởng Bộ Thông Tin và Truyền Thông - Ảnh : Infonet
Sự kiện hy hữu và đặc biệt "nhạy cảm" trên xảy đến vào ngày 12/3/2018 và "dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Thông tin và truyền thông, lãnh đạo Hội đồng quản trị và Ban Tổng giám đốc Công ty Viễn thông MobiFone cùng 3 đại diện của nhóm các cổ đông Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG)" – theo tường thuật của báo nhà nước.
Cũng tới lúc này, báo chí nhà nước mới được đồng loạt lên tiếng theo cách "hai bên đã thống nhất hủy bỏ Hợp đồng mua cổ phần của MobiFone với AVG. Theo đó, MobiFone thống nhất : Phía AVG nhận lại công ty và hoàn trả các chi phí đã nhận từ MobiFone. Phía MobiFone làm các thủ tục hủy bỏ Hợp đồng…".
Sự kiện hy hữu và đặc biệt "nhạy cảm" trên lại xảy đến chỉ 4 ngày sau khi Văn phòng trung ương Đảng có công văn số 6106-CV/VPTW ngày 8/3/2018 về việc xử lý vụ "Mobifone mua 95% AVG", nhưng sau đó đã chẳng có một làn sóng hay phong trào truyền thông nào về vụ việc đầy hứa hẹn trở thành "đại án quốc gia" và hấp dẫn người đọc này.
Có một chi tiết có thể lý giải không khí im bặt của báo nhà nước trước vụ "Mobifone mua AVG" : công văn số 6106 có đoạn "Ban Bí thư cho rằng, đây là một vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm".
Từ "nhạy cảm" được dùng trong công văn trên muốn ẩn dụ về cái gì, hoặc về ai ?
Từ "nhạy cảm" trong công văn số 6106 như thể xác nhận "đánh nhau lớn", hiển thị bởi một cái tên đã trở thành rất quen thuộc trong thương trường và cả chính trường Việt Nam : bà Nguyễn Thanh Phượng – con gái ruột của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Sự khác biệt của vụ "Mobifone mua AVG" giữa quá khứ và hiện tại là vào năm 2017, chỉ có những quan chức như Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Phạm Nhật Vũ, Nguyễn Bắc Son… bị "gọi tên", thì nay có cả Nguyễn Thanh Phượng – theo một bài viết đậm đà tố chất "tin nội bộ" xuất hiện trên mạng xã hội chỉ 3 ngày trước khi xuất hiện chỉ đạo của Ban bí thư yêu cầu xử lý vụ "Mobifone mua AVG".
Thậm chí, bài viết trên còn khẳng định bà Nguyễn Thanh Phượng là "chủ mưu" của vụ việc này.
Từ "nhạy cảm" trong công văn số 6106 còn có thể ẩn dụ về một quan chức cao cấp đương nhiệm, người được cho là đã ký phê duyệt hợp đồng vụ "Mobifone mua AVG" và đồng thời đang nắm quyền sinh quyền sát đối với gần hết khối báo chí quốc doanh, trừ vài ba tờ báo đảng : Bộ trưởng thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn.
Phải chăng đã có một chiến dịch "chạy án", vận động Tổng bí thư Trọng, Ban bí thư và Ban Tuyên giáo trung ương cho "khắc phục hậu quả" trước mà không để báo chí mổ xẻ và làm rùm beng ?
"Khắc phục hậu quả" là một khái niệm được đề cập khá nhiều trong khối đảng và quốc hội vào thời gian gần đây, đặc biệt đối với các vụ án tham nhũng. Tuy chưa chính thức, nhưng đang xuất hiện nhiều ý kiến trong Quốc hội cho rằng nếu quan chức tham nhũng trả lại 3/4 số tiền đã "ăn" thì có thể được giảm án hoặc thoát tội.
Cần nhắc lại, chỉ 3 ngày trước cuộc họp của "Ban Bí thư chỉ đạo xử lý vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG", đã xuất hiện một bài biết trên mạng xã hội của tác giả có tên là Công Lý, nhận định vụ việc này thậm chí còn có thể lớn hơn cả vụ Đinh La Thăng – Trịnh Xuân Thanh. Có khoảng 10 đối tượng sẽ bị khởi tố và bắt giam. Có những cái tên như Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Phạm Nhật Vũ, kể cả Nguyễn Bắc Son cựu bộ trưởng Bộ Thông Tin và Truyền Thông… Bà Nguyễn Thanh Phượng – con gái ruột của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và là nguyên chủ tịch ngân hàng Bản Việt – bị cho là "chủ mưu" trong vụ Mobifone mua AVG khi đã đưa Lê Nam Trà lên ghế Chủ tịch Mobifone để cùng Phạm Nhật Vũ tính kế vụ AVG, chỉ đạo bốn công ty định giá trong việc nhào nặn số liệu để đưa AVG lên mức giá cao hơn 9 lần giá trị thực.
Cũng theo tác giả Công Lý, khi bị khởi tố bắt giam, chắc chắn Phạm Nhật Vũ sẽ khai ra danh sách các quan chức nhận tiền lại quả của vụ AVG (người ít thì nhận vài chục tỷ, người nhiều thì nhận đến gần nghìn tỷ)…
Sau đó, trên mạng xã hội đã xuất hiện thông tin về một số quan chức đã vội vã kéo nhau đến cửa công quyền để nộp lại tiền đã "ăn". Nổi bật trong đó là nhân vật NBS đã phải "ói ra" đến 800 tỷ…
Một luồng dư luận cho rằng cuộc họp bàn việc hủy hợp đồng "Mobifone mua AVG" về thực chất là thao tác nhằm giải tỏa dư luận và các khoản tiền từng được bí mật tuồn vào các loại túi sẽ được bí mật tuồn trả trở lại cho Mobifone. Coi như hậu quả được khắc phục và phi tang dấu vết của các bàn tay khua khoắng trong bóng tối.
Nhưng liệu những quan chức đã "ăn" trong vụ trên có thoát được trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự và vẫn ung dung ngự trị trên cái ghế đặc quyền đặc lợi của chế độ ?
Lời giải cho câu hỏi trên có thể tùy thuộc phần lớn, nếu không muốn nói là hầu hết, vào quan điểm của Nguyễn Phú Trọng.
Nếu ông Trọng gật đầu "cho qua" thì một lũ một lĩ quan chức sẽ thở phào sung sướng vì "thân phận mình không đến nỗi đen như Đinh La Thăng", tiếp tục ngồi lại "cống hiến" để tìm cơ hội "hốt cú chót" khác, còn chiến dịch được xem là "chống tham nhũng" của ông Trọng cũng bởi thế sẽ tạo ra tiền lệ "cứ ói ra là thoát tội".
Thiền Lâm
Nguồn : CaliToday, 13/03/2018
Cuối giờ chiều ngày 8/3, báo chí đưa tin trong cuộc họp ngày 8/3 của Ban bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng cho rằng cần phải sớm công bố kết luận thanh tra dự án Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của AVG theo quy định của pháp luật.
Vì sao họ im lặng ?
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn, thì Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra toàn diện dự án này từ tháng 9/2016. Trước đó, vào tháng 4/2016, phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trúng cử chức vụ Thủ tướng, kế nhiệm ông Nguyễn Tấn Dũng điều hành Chính phủ.
Như vậy, có thể nói việc "thanh tra toàn diện" vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, hoàn toàn trong thời gian ông Nguyễn Xuân Phúc làm thủ tướng. Cũng từ tháng 4/2016, thứ trưởng Trương Minh Tuấn được chỉ định là Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông, kiêm Phó Trưởng ban Tuyên giáo trung ương (từ tháng 7/2016).
Những dẫn chứng về mốc thời gian kể trên để cho thấy từ ông Trương Minh Tuấn đến thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều có thời gian dài là quan chức chính phủ. Hai vị này không thể nào không biết cú áp phe Mobifone ‘mua mão’ AVG. Thế nhưng vì sao họ lại làm thinh lâu đến độ ông Nguyễn Phú Trọng phải sốt ruột đánh tiếng hối thúc ?
Và cũng lạ là bằng quyền lực của mình, tại sao ông Tổng bí thư không công khai yêu cầu cơ quan kiểm sát rà soát lại hết toàn bộ vụ mua bán này từ hồ sơ có được ? Lưu ý, vị tân Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng từng có thời gian dài làm Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.
Trả lời cho những thắc mắc "vì sao" đó, dư luận đang đồn đoán rằng liên quan trong cú áp phe này là ái nữ của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
"Bà đỡ" của hàng loạt các thương vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) "hàng khủng" ?
Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC-mã VCI) thời kỳ bà Nguyễn Thanh Phượng là chủ tịch Hội đồng quản trị, được cho là "bà đỡ" của hàng loạt các thương vụ M&A "hàng khủng". Trong đó có thương vụ MobiFone mua AVG.
Một nguồn tin cho biết tại thời điểm năm 2006, khi Chính phủ công bố sẽ cổ phần hóa MobiFone thì đã có 9 tập đoàn tài chính, ngân hàng nước ngoài đó là Credit Suisse (Thuỵ Sỹ), Deutsche Bank (Đức), Goldman Sachs (Mỹ), Morgan Stanley (Mỹ), Rothschild (Đức) và UBS (Mỹ)... nộp hồ sơ thầu tư vấn về cổ phần hoá cho MobiFone. Kết quả thì VCSC đã "hạ gục" cả 9 "người khổng lồ".
Khi ấy, giới tài chính đặt ra 3 câu hỏi ngờ vực ở cú áp phe này : Một, từ yêu cầu nào và dựa trên cơ sở nào mà Mobifone đã dùng vốn do nhà nước cấp để mua AVG ? Hai, giá đích thực, chính xác khi mua AVG là bao nhiêu ? Ba, từ ngày được Mobifone mua về đến nay, AVG hoạt động như thế nào, có tương xứng với giá trị đồng vốn bỏ ra mua hay không ?
Tuy nhiên ngay sau khi bà Nguyễn Thanh Phượng thoái vốn, phía VCSC nhanh chóng lên tiếng rằng mình không liên quan đến thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG, mà chính là Công ty trách nhiệm hữu hạn chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) mới là đơn vị "thầy dùi". Một số chuyên gia truyền thông cho rằng sở dĩ một số cơ quan báo chí và dân mạng bị nhầm lẫn thông tin như trên, có lẽ là do tên viết tắt của 2 công ty chứng khoán tên tuổi : VCSC và VCBS.
Thoái vốn, rút lui theo kịch bản soạn trước ?
Có ý kiến cho rằng không phải chờ đến ngày ông Nguyễn Tấn Dũng thất thế rời ghế thủ tướng, bà Nguyễn Thanh Phượng mới vội vã thoái vốn rút lui. Có người cha là thủ tướng, song dường như bà Phượng hiểu rằng trong nền kinh tế thị trường "định hướng xã hội chủ nghĩa", rủi ro tăng gấp bội phần khi quyền lực chỉ tập trung vào một nhóm người của duy nhất một đảng chính trị cầm quyền.
Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt được bà Nguyễn Thanh Phượng sáng lập và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 11/2007 với vốn điều lệ ban đầu là 360 tỷ đồng. Chỉ ba năm sau, VCSC đã lọt vào Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất 6 tháng cuối năm 2010 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) và 10 năm sau, đã đứng vào Top 3 công ty chứng khoán có thị phần giá trị giao dịch môi giới lớn nhất trong 6 tháng đầu năm 2017.
Khi bản cáo bạch của VCSC được công bố, giới đầu tư xôn xao với thông tin bà Nguyễn Thanh Phượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị VCSC chỉ còn nắm giữ hơn 5 triệu cổ phiếu, tương đương với tỷ lệ 4,84% vốn điều lệ. Qua đó, bà không còn là cổ đông lớn VCSC.
Tuy nhiên, nếu đặt trong cả tiến trình, động thái này lại không quá lạ. Bởi từ lúc thành lập VCSC với tổng sở hữu cổ phần lên đến 58% (trực tiếp 41% và gián tiếp thông qua Công ty Quản lý Quỹ Bản Việt – Nguồn : Vietnam Finance), báo cáo tình hình quản trị 2012 cho thấy số lượng cổ phiếu bà Phượng và Ngân hàng thương mại cổ phần Bản Việt (Viet Capital Bank) nắm giữ đã giảm xuống lần lượt là 4,5 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 11,48% và 4,3 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 10,96%.
Theo Báo cáo Quản trị 2015, Ngân hàng thương mại cổ phần Bản Việt đã giảm tỷ lệ sở hữu tại VCSC từ 7% xuống còn 0% sau hai năm liên tục thoái vốn.
MobiFone nói gì ?
Việc mua AVG được mô tả là để Mobifone nhanh chóng đuổi kịp các đối thủ cạnh tranh, trong khi là doanh nghiệp mới hình thành, chuyển từ kinh doanh viễn thông thuần tuý sang các dịch vụ giá trị gia tăng, đa phương tiện và đặc biệt là chen chân vào lĩnh vực truyền hình vốn đã có quá nhiều đối thủ nặng ký, MobiFone không còn con đường nào khác là phải "đi tắt, đón đầu".
MobiFone đã nhắm đến việc mua AVG theo một lộ trình đã được định sẵn. Theo đó, từ tháng 8/2015, Tổng Giám đốc MobiFone đã có công văn về việc lập dự án đầu tư dịch vụ truyền hình trong đó MobiFone đề cập tới phương án mua lại 90,1% cổ phần của Truyền hình An Viên (AVG).
Để xây dựng giá mua phù hợp, MobiFone đã tham khảo và căn cứ vào ý kiến của nhà thầu tư vấn Công ty trách nhiệm hữu hạn chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) để định giá AVG. VCBS đã kết hợp với cơ quan chức năng thẩm định giá và đưa ra nhiều mức giá khác nhau.
Theo báo cáo số 142 MobiFone gửi Tổng Giám đốc MobiFone, VCBS đã thuê Công ty trách nhiệm hữu hạn Hãng kiểm toán AASC thực hiện định giá AVG và cho ra kết quả : AVG giá 33.299,49 tỷ đồng, tương đương 1,5 tỷ USD.
Trên cơ sở định giá của AASA, VCBS đã tư vấn thêm cho MobiFone về cách định giá thận trọng hơn, kết quả giá trị của AVG giảm xuống còn 24.548,19 tỷ đồng, tương đương 1,124 tỷ USD. Tuy nhiên, để thận trọng hơn, VCBS cũng tiếp tục thuê thêm Công ty trách nhiệm hữu hạn định giá Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh để định giá theo phương pháp tài sản. Theo cách tính của công ty này, giá trị của AVG chỉ còn 18.520 tỉ đồng, tương đương 847,6 triệu USD.
Cuối cùng để cho chắc chắn, MobiFone đã thuê thêm một đơn vị thẩm định giá được Bộ Tài chính cấp phép xác định giá trị của AVG theo phương pháp tài sản là 16.565 tỷ đồng, theo phương pháp thu nhập là 17.184 tỷ đồng. Nghĩa là AVG đã được "định giá" ở 4 mức khác nhau, dao động từ 33.299 tỷ xuống thấp nhất là 16.565 tỷ đồng.
Trên cơ sở định giá, MobiFone đã nhanh chóng đưa ra kế hoạch kinh doanh của AVG sau khi MobiFone mua lại cổ phần. Theo đó, nếu việc mua bán hoàn thành trong 2016 thì doanh thu thuần của AVG đạt 1.251 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 91 tỷ đồng. Cho đến năm 2020, dự kiến doanh thu thuần của AVG sẽ là trên 7.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế sẽ đạt 1.876 tỷ đồng.
Tháng 1/2016, MobiFone hoàn tất thương vụ mua AVG. Tuy nhiên, phía MobiFone chỉ xác nhận là mua 95% cổ phần của AVG còn giá trị bao nhiêu thì hai bên không tiết lộ.
Trước khi thuộc về MobiFone, AVG chưa có lãi bởi đầu tư ban đầu lớn (vốn điều lệ 1.800 tỷ) cũng như việc phát triển thuê bao cũng chỉ dừng lại khoảng 450.000 thuê bao - con số quá khiêm tốn so với gần 10 triệu thuê bao truyền hình trả tiền thời điểm đó.
Trong Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và truyền thông ngày 6/6/2016 khi được báo chí hỏi về thông tin cho rằng Mobifone đã mua 95% AVG với giá hơn 8.900 tỉ đồng, ông Lê Nam Trà - Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone đã chính thức từ chối trả lời câu hỏi này vì "điều khoản bảo mật giữa 2 bên, MobiFone không thể tiết lộ được". Tại hội nghị này, thương vụ MobiFone - AVG còn được giải thích là "theo cơ chế đặc thù".
Có phải nhầm lẫn VCSC và VCBS ?
Tiền thân Viet Capital Bank là Ngân hàng thương mại cổ phần Gia Định (GiaDinhBank). GiaDinhBank từng phát hành 100 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ. Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) là công ty tư vấn phát hành.
Sau đó, một nhóm cổ đông đã mua với tỷ lệ tối thiểu là 30% vốn điều lệ Gia Định từ tay Vietcombank, cổ đông lớn nhất của Ngân hàng. Trong khoảng thời gian này, Ngân hàng thương mại cổ phần Gia Định được đổi tên thành ngân hàng thương mại cổ phần Bản Việt (Viet Capital Bank) và bà Nguyễn Thanh Phượng, lúc đó là Chủ tịch Hội đồng quản trị VCSC, được bầu làm thành viên Hội đồng quản trị ngân hàng nhiệm kỳ 2010 – 2014 vào đầu năm 2012. Ngay trong tháng 2 cùng năm, bà đã nhanh chóng trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị Viet Capital Bank.
Bà Phươợng và chồng - ông Nguyễn Bảo Hoàng
Ngoài ra, bà còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư chứng khoán Bản Việt (VCAM). Được biết, vào tháng 11/2011, ông Trần Bảo Toàn đã chuyển nhượng số cổ phần chiếm hơn 16% vốn điều lệ của công ty cho bà Phượng. Qua đó, bà đã nắm gần 6,5 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 43% cổ phần VCAM. Cho đến tháng 8/2013, bà đã chuyển nhượng 1,65 triệu cổ phần, tương ứng 11% cổ phần tại VCAM sang Viet Capital Bank. Chồng bà Nguyễn Thanh Phượng là ông Nguyễn Bảo Hoàng (Henry) cũng là Thành viên Hội đồng quản trị VCAM.
Liệu có sự nhầm lẫn VCSC và VCBS trong việc đưa tin liên quan đến thương vụ M&A MobiFone mua AVG ? Cá nhân người viết bài này cho rằng nếu báo chí đưa tin nhầm lẫn, vì sao VCSC không lên tiếng ngay từ đầu, vì nó còn liên quan đến giá giao dịch cổ phiếu trên sàn OTC…
Trúc Giang
Nguồn : VNTB, 13/03/2018
Nếu bà Nguyễn Thanh Phượng – con gái ruột của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – sắp tới bị Bộ Công an khởi tố và tống giam liên quan vụ "Mobifone mua AVG", đó sẽ là một lý giải rất thích đáng cho mối hoài nghi của dư luận về việc tại sao ngay trước tết nguyên đán 2018, Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân lại "cả gan" đến thăm cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và còn "tri ân sự đóng góp" của "người tử tế".
Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đến thăm cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngay trước tết nguyên đán 2018 - Ảnh : SGGP
Chỉ 3 ngày sau thời điểm ông Nguyễn Phú Trọng đi nước cờ đầu tiên trong năm âm lịch 2018 về quyết định bổ nhiệm ông Trần Quốc Vượng làm Thường trực Ban bí thư, vào ngày 8/3/2018, Văn phòng Trung ương Đảng có công văn số 6106-CV/VPTW về việc xử lý vụ Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua 95% công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).
Theo công văn trên : "Ban bí thư đã họp dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để nghe Ban cán sự đảng Thanh tra chính phủ báo cáo kết quả việc thanh tra Dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của AVG. Ban bí thư cho rằng, đây là một vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Thanh tra Chính phủ đã có nhiều cố gắng tiến hành thanh tra toàn diện, kết luận và báo cáo với Ban bí thư.
Ban bí thư đề nghị Thường trực chính phủ, Thanh tra chính phủ chỉ đạo và chịu trách nhiệm về Kết luận thanh tra, sớm công bố Kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật. Các cơ quan có trách nhiệm khẩn trương xem xét, xử lý vụ việc bảo đảm khách quan, chính xác theo quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước với tinh thần kiên quyết, chặt chẽ, làm rõ đến đâu xử lý đến đó, đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật và thu hồi tài sản Nhà nước bị thất thoát."
Đây là lần đầu tiên "Ban bí thư" ban hành văn bản chính thức chỉ đạo xử lý vụ "Mobifone mua AVG", kể từ khi kết luận thanh tra vụ việc này bị "ngâm" đến hơn một năm.
Tính chất "rất nghiêm trọng" được nêu trong văn bản của trên có thể được xem là tương đương với mức độ "rất nghiêm trọng" trong kết luận kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra trung ương vào tháng Tư năm 2017 đối với ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng về những sai phạm của ông Thăng khi ông này còn là chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), dẫn tới vụ bắt giam ông Thăng vào tháng 12/2017.
Vụ Mobifone mua AVG : Con gái Nguyễn Tấn Dũng sẽ ra sao sau khi Ban Bí thư yêu gấp rút cầu xử lý ?
Nếu báo cáo kết luận kiểm tra vụ Đinh La Thăng là chiến tích đầu tiên của Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Trần Quốc Vượng, thì chỉ đạo xử lý vụ "Mobifone mua AVG"là biểu hiện quyền lực đầu tiên của ông Vượng trên cương vị Thường trực Ban bí thư thay cho ông Đinh Thế Huynh "nghỉ chữa bệnh dài hạn" – mà thực chất ông Huynh bị coi là đã "cháy".
Vào giữa năm 2016, Văn phòng Trung ương Đảng đã có một văn bản truyền đạt chỉ đạo "việc cần làm ngay" của Tổng bí thư Trọng về xử lý vụ chiếc xe hơi Lexus của Phó chủ tịch Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh, mở đường cho chiến dịch truy buộc ông Thanh khiến Thanh phải bỏ trốn sang Đức.
Cuộc họp xử lý vụ "Mobifone mua AVG" cũng có dấu ấn rất lớn của Tổng bí thư Trọng. Có thể cho rằng tuy Trần Quốc Vượng là người "ký tên văn bản", nhưng Nguyễn Phú Trọng mới là nhân vật quyết định về chủ trương, quan điểm và cách thức hành xử đối với "đại án quốc gia" này.
Tuy báo chí Việt Nam khi đưa tin "Ban bí thư chỉ đạo xử lý vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG" đã không nêu rõ văn bản truyền đạt chỉ đạo này gửi cho những cơ quan nào, và cơ quan nào là nơi nhận chính, nhưng có thể dễ dàng hình dung văn bản trên được gửi cho Bộ Công an theo quy trình chuyển hồ sơ từ cơ quan thanh tra sang cơ quan điều tra.
Hiện tượng Tổng bí thư Trọng và Ban bí thư họp xử lý vụ "Mobifone mua AVG" và văn bản chỉ đạo được ban hành cùng ngày, đồng thời được cung cấp cho báo chí đăng tải rộng rãi, cho thấy văn bản này chỉ là một động tác "hợp thức hóa" cho những nội dung mà ông Trọng có thể đã chỉ đạo riêng các cơ quan thanh tra và điều tra tiến hành trước ngày 8/3/2018. Tức đã có thể diễn ra vụ "bắt trước, công bố sau" như nhiều dấu hiệu mà dư luận đã chứng kiến trong vụ "bắt và khám nhà Đinh La Thăng" vào ngày 8/12/2017.
Theo đó, có thể đã có một số nhân vật bị "nhập kho" trong thời gian gần đây.
Đó là những ai ?
Chỉ 3 ngày trước cuộc họp của "Ban bí thư chỉ đạo xử lý vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG", đã xuất hiện vài tin tức đáng chú ý, về "người đốt lò vĩ đại" – một tụng danh mà Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) vừa dành tặng cho Nguyễn Phú Trọng – sẽ chỉ đạo công bố kết luận thanh tra vụ Mobifone mua AVG vào tháng Ba này – một vụ việc thậm chí còn có thể lớn hơn cả vụ Đinh La Thăng – Trịnh Xuân Thanh. Có khoảng 10 đối tượng sẽ bị khởi tố và bắt giam…
Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Phạm Nhật Vũ, kể cả Nguyễn Bắc Son cựu bộ trưởng Bộ Thông Tin và Truyền Thông…
Bà Nguyễn Thanh Phượng – con gái ruột của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – bị cho là "chủ mưu" trong vụ Mobifone mua AVG…
Tác giả của thông tin trên lấy bút danh là Công Lý. Trước đây, Công Lý đã viết một ít bài về vụ "Mobifone mua AVG", không phải trên báo nhà nước mà trên mạng xã hội, mang màu sắc "tin nội bộ" và với một giọng văn có nét quen thuộc trong giới blogger ở Việt Nam.
Theo tác giả Công Lý, Nguyễn Thanh Phượng (nguyên chủ tịch ngân hàng Bản Việt) đã đưa Lê Nam Trà lên ghế Chủ tịch Mobifone để cùng Phạm Nhật Vũ tính kế vụ AVG, chỉ đạo bốn công ty định giá trong việc nhào nặn số liệu để đưa AVG lên mức giá cao hơn 9 lần giá trị thực. Khi bị khởi tố bắt giam, chắc chắn Phạm Nhật Vũ sẽ khai ra danh sách các quan chức nhận tiền lại quả của vụ AVG (người ít thì nhận vài chục tỷ, người nhiều thì nhận đến gần nghìn tỷ)…
Giờ đây, hầu như có thể khẳng định tác giả Công Lý có "tin nội bộ’ và còn có thể mang màu sắc "phe cánh chính trị" – một cụm từ đặc thù được các cơ quan đảng và cơ quan đặc biệt thường dùng.
Nếu sắp tới bà Nguyễn Thanh Phượng – con gái ruột của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – bị Bộ Công an khởi tố và tống giam liên quan vụ "Mobifone mua AVG", người ta có thể hiểu ra rằng việc Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đến thăm cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngay trước tết nguyên đán 2018 chỉ là một động tác vỗ về an ủi, không để ông Dũng quá bức bối mà sinh "manh động".
Phạm Chí Dũng
Nguồn : CaliToday, 09/03/2018
Vào ngày 5/3/2018, trùng với thời điểm ông Trọng đi nước cờ đầu tiên trong năm âm lịch 29018 về quyết định bổ nhiệm Trần Quốc Vượng làm Thường trực Ban bí thư, đã xuất hiện vài tin tức đáng chú ý, nhưng chưa được kiểm chứng, về "lò" của ông Trọng. Theo đó, "người đốt lò vĩ đại" – một tụng danh mà Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) vừa dành tặng cho Nguyễn Phú Trọng – sẽ chỉ đạo công bố kết luận thanh tra vụ Mobifone mua AVG vào tháng Ba này – một vụ việc thậm chí còn có thể lớn hơn cả vụ Đinh La Thăng – Trịnh Xuân Thanh. Có khoảng 10 đối tượng sẽ bị khởi tố và bắt giam…
Lê Nam Trà và Nguyễn Thanh Phượng chạy lãnh đạo Bộ Công an để không bị khởi tố. Ảnh Người đưa tin
Bà Nguyễn Thanh Phượng – con gái ruột của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – bị cho là "chủ mưu" trong vụ Mobifone mua AVG…
Tác giả của thông tin trên lấy bút danh là Công Lý. Trước đây, Công Lý đã viết một ít bài về vụ "Mobifone mua AVG", không phải trên báo nhà nước mà trên mạng xã hội, mang màu sắc "tin nội bộ" và với một giọng văn có nét quen thuộc trong giới blogger ở Việt Nam.
Theo tác giả Công Lý, Nguyễn Thanh Phượng (nguyên chủ tịch ngân hàng Bản Việt) đã đưa Lê Nam Trà lên ghế Chủ tịch Mobifone để cùng Phạm Nhật Vũ tính kế vụ AVG, chỉ đạo bốn công ty định giá trong việc nhào nặn số liệu để đưa AVG lên mức giá cao hơn 9 lần giá trị thực. Khi bị khởi tố bắt giam, chắc chắn Phạm Nhật Vũ sẽ khai ra danh sách các quan chức nhận tiền lại quả của vụ AVG (người ít thì nhận vài chục tỷ, người nhiều thì nhận đến gần nghìn tỷ)…
Một chi tiết đáng chú ý là thông tin trên của tác giả Công Lý xuất hiện ngay sau khi có tin tức về Phó tổng thanh tra chính phủ Ngô Văn Khánh chính thức nghỉ hưu từ ngày 1/3/2018.
Trong vụ "Mobifone mua AVG" mà bị dư luận tố cáo có nhiều dấu hiệu thất thoát đến 8000 tỷ đồng của nhà nước, ông Ngô Văn Khánh bị tố cáo đã cố ý chây ì không báo cáo sự thật về con số chênh lệch khủng khiếp này và cố tình chậm công bố kết luận thanh tra đến hơn một năm đối với vụ việc này. Ông Khánh cũng là nhân vật đã và đang bị một số báo nhà nước, mạng xã hội phanh phui khối tài sản rất nhiều tỷ đồng "từ trên trời rơi xuống" của ông ta.
Vào cuối năm 2017, lần đầu tiên ông Nguyễn Phú Trọng đề cập đến vụ "Mobifone mua AVG" như một trọng án.
Vào tháng 12/2017, "cây bút tín hiệu" Huy Đức đã "gọi tên" Nguyễn Bắc Son – cựu bộ trưởng thông tin truyền thông và Cao Duy Hải – nhân vật khi đó đã "thôi chức" Tổng giám đốc Tổng công ty MobiFone để "đi chữa bệnh" :
"Nguyễn Bắc Son đưa Cao Duy Hải về làm TGĐ MobiFone ngày 20-4-2015 khi Son bắt đầu triển khai một "thương vụ"mà chỉ không lâu nữa ta sẽ biết… Hải cùng với Phạm Thị Phương Anh – được đưa về làm phó TGĐ MobiFone đúng một tháng trước đó – là cặp đôi được Son tin dùng để thực thi "thương vụ" này…".
Mặc dù trước đây báo chí nhà nước hết sức dè dặt khi đề cập vụ "Mobifone mua AVG", nhưng cùng thời điểm xuất hiện bài viết của Huy Đức vào trung tuần tháng 12/2017, một số tờ báo nhà nước bắt đầu ẩn dụ "Điểm trùng hợp trên đường công danh 2 ông Lê Nam Trà – Cao Duy Hải" theo cách "bổ nhiệm cùng ngày" và "chuyển công tác, đi chữa bệnh cùng năm", chẳng hạn như "Ngày 21/4/2015, khi ông Lê Nam Trà được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐTV thì ông Cao Duy Hải được bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc Tổng công ty MobiFone thay ông Trà. Chỉ hơn 2 năm sau, sau khi ông Lê Nam Trà chuyển công tác khỏi MobiFone, tới lượt ông Cao Duy Hải xin phép nghỉ ốm để chữa bệnh".
Vụ "Mobifone mua AVG" đã được một tác giả có bút danh là Nguyễn Văn Tung tung lên mạng xã hội từ năm 2015 và cho tới nay đã có đến khoảng 30 bài. Ngoài việc đặc tả những nhân vật của Mobifone, tác giả này đặc biệt nhắm đến Thanh tra chính phủ là cơ quan chịu trách nhiệm thanh tra vụ "Mobifone mua AVG", cụ thể là Phó tổng thanh tra Ngô Văn Khánh.
Từ khoảng giữa năm 2017, trên mạng xã hội bắt đầu rộ lên những thông tin về vụ "Mobifone mua AVG", nhưng không chỉ quy kết "trách nhiệm hình sự" đối với bộ trưởng thông tin và truyền thông thời những năm trước là Nguyễn Bắc Son, mà còn "bắn ý" đến trường hợp ông Trương Minh Tuấn – khi đó là thứ trưởng Bộ Thông Tin và Truyền Thông. Theo đó, khi còn là thứ trưởng Bộ Thông Tin và Truyền Thông, ông Trương Minh Tuấn đã ký quyết định phê duyệt để ông Lê Nam Trà của Công ty Mobifone ký hợp đồng mua Công ty AVG.
Một khả năng có thể xảy ra là trong thời gian tới, các ông Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Phạm Nhật Vũ bị công an khởi tố và tống giam. Vụ việc này có thể tạo nên một chấn động khá lớn trong thương trường và chính trường ở Việt Nam.
Còn số phận của bà Nguyễn Thanh Phượng thì sao ?
Vào năm 2015 và ngay trước đại hôi 12 của đảng cầm quyền, trên mạng xã hội xuất hiện một bản giải trình 12 điểm được cho là của ông Nguyễn Tấn Dũng – khi đó còn là thủ tướng – gửi Tổng bí thư và Bộ Chính trị, trong đó có nội dung giải trình về tài sản của "cháu Nguyễn Thanh Phượng" và việc bà Phượng lấy chồng là con trai của một quan chức thuộc chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.
Gần đây, xuất hiện nhiều dư luận về việc ông Nguyễn Tấn Dũng đang bị "biện pháp ngăn chặn đặc biệt"…
Thiền Lâm
Nguồn : CaliToday, 07/03/2018