Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/03/2018

Hủy "Mobifone mua AVG" : ‘cứ ói ra là thoát tội’ ?

Thiền Lâm

Rốt cuộc, nguồn cơ sâu xa và "nhạy cảm" mà đã khiến toàn bộ giới báo chí nhà nước im bặt trước vụ "Mobifone mua AVG" đã lộ ra : bản hợp đồng "Mobifone mua AVG" chính thức bị hủy.

avg2

Chân dung quan chức Nguyễn Bắc Son – cựu bộ trưởng Bộ Thông Tin và Truyền Thông - Ảnh : Infonet

Sự kiện hy hữu và đặc biệt "nhạy cảm" trên xảy đến vào ngày 12/3/2018 và "dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Thông tin và truyền thông, lãnh đạo Hội đồng quản trị và Ban Tổng giám đốc Công ty Viễn thông MobiFone cùng 3 đại diện của nhóm các cổ đông Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG)" – theo tường thuật của báo nhà nước.

Cũng tới lúc này, báo chí nhà nước mới được đồng loạt lên tiếng theo cách "hai bên đã thống nhất hủy bỏ Hợp đồng mua cổ phần của MobiFone với AVG. Theo đó, MobiFone thống nhất : Phía AVG nhận lại công ty và hoàn trả các chi phí đã nhận từ MobiFone. Phía MobiFone làm các thủ tục hủy bỏ Hợp đồng…".

Sự kiện hy hữu và đặc biệt "nhạy cảm" trên lại xảy đến chỉ 4 ngày sau khi Văn phòng trung ương Đảng có công văn số 6106-CV/VPTW ngày 8/3/2018 về việc xử lý vụ "Mobifone mua 95% AVG", nhưng sau đó đã chẳng có một làn sóng hay phong trào truyền thông nào về vụ việc đầy hứa hẹn trở thành "đại án quốc gia" và hấp dẫn người đọc này.

Có một chi tiết có thể lý giải không khí im bặt của báo nhà nước trước vụ "Mobifone mua AVG" : công văn số 6106 có đoạn "Ban Bí thư cho rằng, đây là một vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm".

Từ "nhạy cảm" được dùng trong công văn trên muốn ẩn dụ về cái gì, hoặc về ai ?

Từ "nhạy cảm" trong công văn số 6106 như thể xác nhận "đánh nhau lớn", hiển thị bởi một cái tên đã trở thành rất quen thuộc trong thương trường và cả chính trường Việt Nam : bà Nguyễn Thanh Phượng – con gái ruột của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Sự khác biệt của vụ "Mobifone mua AVG" giữa quá khứ và hiện tại là vào năm 2017, chỉ có những quan chức như Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Phạm Nhật Vũ, Nguyễn Bắc Son… bị "gọi tên", thì nay có cả Nguyễn Thanh Phượng – theo một bài viết đậm đà tố chất "tin nội bộ" xuất hiện trên mạng xã hội chỉ 3 ngày trước khi xuất hiện chỉ đạo của Ban bí thư yêu cầu xử lý vụ "Mobifone mua AVG".

Thậm chí, bài viết trên còn khẳng định bà Nguyễn Thanh Phượng là "chủ mưu" của vụ việc này.

Từ "nhạy cảm" trong công văn số 6106 còn có thể ẩn dụ về một quan chức cao cấp đương nhiệm, người được cho là đã ký phê duyệt hợp đồng vụ "Mobifone mua AVG" và đồng thời đang nắm quyền sinh quyền sát đối với gần hết khối báo chí quốc doanh, trừ vài ba tờ báo đảng : Bộ trưởng thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn.

Phải chăng đã có một chiến dịch "chạy án", vận động Tổng bí thư Trọng, Ban bí thư và Ban Tuyên giáo trung ương cho "khắc phục hậu quả" trước mà không để báo chí mổ xẻ và làm rùm beng ?

"Khắc phục hậu quả" là một khái niệm được đề cập khá nhiều trong khối đảng và quốc hội vào thời gian gần đây, đặc biệt đối với các vụ án tham nhũng. Tuy chưa chính thức, nhưng đang xuất hiện nhiều ý kiến trong Quốc hội cho rằng nếu quan chức tham nhũng trả lại 3/4 số tiền đã "ăn" thì có thể được giảm án hoặc thoát tội.

Cần nhắc lại, chỉ 3 ngày trước cuộc họp của "Ban Bí thư chỉ đạo xử lý vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG", đã xuất hiện một bài biết trên mạng xã hội của tác giả có tên là Công Lý, nhận định vụ việc này thậm chí còn có thể lớn hơn cả vụ Đinh La Thăng – Trịnh Xuân Thanh. Có khoảng 10 đối tượng sẽ bị khởi tố và bắt giam. Có những cái tên như Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Phạm Nhật Vũ, kể cả Nguyễn Bắc Son cựu bộ trưởng Bộ Thông Tin và Truyền Thông… Bà Nguyễn Thanh Phượng – con gái ruột của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và là nguyên chủ tịch ngân hàng Bản Việt – bị cho là "chủ mưu" trong vụ Mobifone mua AVG khi đã đưa Lê Nam Trà lên ghế Chủ tịch Mobifone để cùng Phạm Nhật Vũ tính kế vụ AVG, chỉ đạo bốn công ty định giá trong việc nhào nặn số liệu để đưa AVG lên mức giá cao hơn 9 lần giá trị thực.

Cũng theo tác giả Công Lý, khi bị khởi tố bắt giam, chắc chắn Phạm Nhật Vũ sẽ khai ra danh sách các quan chức nhận tiền lại quả của vụ AVG (người ít thì nhận vài chục tỷ, người nhiều thì nhận đến gần nghìn tỷ)…

Sau đó, trên mạng xã hội đã xuất hiện thông tin về một số quan chức đã vội vã kéo nhau đến cửa công quyền để nộp lại tiền đã "ăn". Nổi bật trong đó là nhân vật NBS đã phải "ói ra" đến 800 tỷ…

Một luồng dư luận cho rằng cuộc họp bàn việc hủy hợp đồng "Mobifone mua AVG" về thực chất là thao tác nhằm giải tỏa dư luận và các khoản tiền từng được bí mật tuồn vào các loại túi sẽ được bí mật tuồn trả trở lại cho Mobifone. Coi như hậu quả được khắc phục và phi tang dấu vết của các bàn tay khua khoắng trong bóng tối.

Nhưng liệu những quan chức đã "ăn" trong vụ trên có thoát được trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự và vẫn ung dung ngự trị trên cái ghế đặc quyền đặc lợi của chế độ ?

Lời giải cho câu hỏi trên có thể tùy thuộc phần lớn, nếu không muốn nói là hầu hết, vào quan điểm của Nguyễn Phú Trọng.

Nếu ông Trọng gật đầu "cho qua" thì một lũ một lĩ quan chức sẽ thở phào sung sướng vì "thân phận mình không đến nỗi đen như Đinh La Thăng", tiếp tục ngồi lại "cống hiến" để tìm cơ hội "hốt cú chót" khác, còn chiến dịch được xem là "chống tham nhũng" của ông Trọng cũng bởi thế sẽ tạo ra tiền lệ "cứ ói ra là thoát tội".

Thiền Lâm

Nguồn : CaliToday, 13/03/2018

Quay lại trang chủ
Read 617 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)