Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/03/2018

Quan hệ Mỹ - Việt : Lòng tin và quyền lợi

Nguyễn Tiến Hưng

Bàn tới lịch sử của Cuộc chiến Việt Nam và kinh nghiệm bang giao với Mỹ, cần nhớ lại và mở một dấu ngoặc về "bài học" cũ của Việt Nam Cộng Hòa.

quanhe1

Trên boong tàu USS Carl Vinson

Viết về hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson cập cảng Tiên Sa ở Đà Nẵng, báo Lao Động thuật lại việc ông Timothy Liston, Phó Tổng lãnh sự Mỹ tại Sài Gòn lên thăm tàu và bế một cậu bé để cùng vỗ tay với những người bạn nhỏ.

Họ cùng hòa ca bài "Trái đất này là của chúng mình". Câu hát "màu da nào cũng quý cũng yêu" như chính thông điệp của cuộc gặp gỡ.

Tờ báo dẫn lời ông Liston về nỗ lực xây dựng niềm tin giữa hai nước khi ông nói : "Không chỉ có con tàu, chúng tôi đến để xây dựng lòng tin".

Nghe câu này, chắc nhiều người có thể phản hồi và đặt câu hỏi "nhưng liệu Việt Nam có tin được Mỹ hay không ?".

Đây cũng là câu hỏi của chính Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đặt ra cho Mỹ vào tháng Ba, 1975 (xem cuốn Khi Đồng Minh Tháo Chạy, chương 9).

Chỉ có quyền lợi là vĩnh viễn

Như chúng tôi đã có dịp bình luận : câu trả lời là "tin được nếu" niềm tin ấy được xây dựng trên căn bản chắc chắn và bền vững là Quyền lợi chung của cả hai nước.

Tôi thật ấn tượng về câu nói của ông Henry John Palmerston, cựu Thủ tướng Anh nói tại Quốc Hội nước này ngày 1 tháng 3 năm 1848 :

"Nước Anh không có đồng minh vĩnh cửu, và chúng ta cũng chẳng có kẻ thù vĩnh viễn. Quyền lợi của chúng ta mới là vĩnh viễn và vĩnh cửu".

Trong những thập niên 1950-60, vì quyền lợi của Mỹ đòi hỏi phải ngăn chặn Trung Quốc tràn xuống Biển Đông nên Mỹ nhảy vào Việt Nam.

Đến năm 1972 Nixon-Kissinger hòa hoãn được với Trung Quốc vì Kissinger nói với Mao và Chu khi bay qua Bắc Kinh là Mỹ sẵn sàng ký thỏa hiệp để ra đi khỏi Việt Nam và nếu sau khi chúng tôi đã ra đi vài năm mà Cộng sản tiến tới chiếm trọn Miền Nam Việt Nam thì Mỹ cũng không trở lại nữa.

Tin rằng Mỹ sẽ không trở lại nên Trung Quốc biến thành bạn và hành động ra vẻ như không còn đe dọa Mỹ ở Biển Đông nữa, để còn được hưởng những ân huệ lớn lao của Mỹ.

Khi Trung Quốc trở thành bạn rồi thì Mỹ không còn lý do gì để đổ xương máu tiếp tục ở Miền Nam Việt Nam, cho nên đã bỏ Miền Nam không thương tiếc.

Một trong những bài học rút ra từ cuộc chiến là như thế này : Mỹ nhảy vào Việt Nam không phải là để "bảo vệ tự do của nhân dân Miền Nam" như Washington luôn luôn tuyên bố (và nhân dân Miền Nam luôn luôn tin tưởng) mà là để bảo vệ quyền lợi của chính Mỹ.

Cho nên sau khi ông Nixon bắt tay được với ông Mao thì quyền lợi của Mỹ không còn đòi hỏi phải có một "tiền đồn" để chống Trung Quốc ở Biển Đông nữa : mở cửa Bắc Kinh đóng cửa Sài Gòn đơn giản là như vậy.

Hai ông Nixon-Kissinger đã hùng hồn biện hộ cho Trung Quốc khi Kissinger soạn bài cho Tổng thống Nixon trả lời Quốc Hội Hoa Kỳ rằng :

"Trung quốc và Hoa Kỳ chia sẻ nhiều quyền lợi song hành và có thể cùng nhau hành động để làm cho đời sống của nhân dân hai nước thêm phong phú".

Nhưng lịch sử đã diễn ra ngược lại : sau 40 năm ru ngủ được Mỹ, hứa hẹn sẽ tuân hành các quy tắc của luật kinh tế thị trường để Mỹ chấp thuận cho Trung Quốc vào WTO (Tổ chức thương mại thế giới) giúp sản xuất và bán thật nhiều hàng qua Mỹ và thị trường thế giới, Trung Quốc đã làm giàu quá nhanh, trở thành cường quốc kinh tế số hai.

Vì Trung Quốc cạnh tranh bất chính với Mỹ, không tuân thủ các quy luật thị trường cho nên bây giờ nhiều người Mỹ tiếc rẻ đã cho Trung Quốc vào WTO, giúp nước này mạnh đủ để ra mặt chống Mỹ.

Nixon-Kissinger đã sai lầm mà cho rằng quyền lợi của Mỹ đi đối với quyền lợi của Trung Quốc vì nước này đã thành bạn đồng phường của Mỹ (Kissinger quá siêu trong việc thuyết phục Nixon về điểm này).

Hoa Kỳ đang hối tiếc ?

Bây giờ Mỹ rất hối tiêc về sự sai lầm ấy. Và Kissinger phải chịu trách nhiệm rất lớn cho sự sai lầm này cùng những thiệt hại to lớn của nước Mỹ về địa chính trị và chiến lược toàn cầu.

quanhe2

Giao lưu hải quân Mỹ - Việt nhân sự kiện các tàu chiến Hoa Kỳ tới Đà Nẵng đầu tháng 3/2018.

Mỹ bừng tỉnh nhưng đã quá muộn ! Dù sao thà rằng muộn còn hơn là không bao giờ ("better late than never"), Mỹ phải gấp rút xoay trục về Biển Đông.

Và khi muốn quay về Biển Đông thì Mỹ rất cần Việt Nam vì đây là "địa điểm chiến lược quan trọng nhất" như Bộ ngoại giao đã phân tích ngay từ năm 1950 (xem Khi Đồng Minh Nhảy Vào, chương 3).

Một điều chắc chắn : đó là từ nay, sẽ không bao giờ Trung Quốc bỏ tham vọng đẩy Mỹ ra khỏi Biển Đông, rồi ra khỏi Tây Thái Bình Dương, rồi khỏi các đại dương khác.

Cho nên vì quyền lợi an ninh lãnh thổ của chính mình, Mỹ sẽ không bao giờ phạm phải lầm lỗi lần thứ hai là tháo chạy khỏi Biển Đông nữa.

Tại sao Trung Quốc sẽ không bao giờ ngừng đẩy Mỹ ra khỏi Biển Đông để rút về tới bờ California ?

Lý do là vì Bắc Kinh đã đặt ra một mục tiêu chiến lược bí mật và quan trọng nhất : đó là tới năm 2049 khi kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, nước này sẽ thay thế Mỹ để trở thành cường quốc số một trên thế giới.

Tác giả nổi tiếng về Trung Quốc, ông Michael Pillsbury đã ra cuốn sách 'The Hundred Year Marathon' (Cuộc chạy đua 100 năm - xuất bản năm 2015) làm thức tỉnh các nhà chiến lược Mỹ.

Pillsbury là một chuyên gia về Trung Quốc đã từng làm việc với tất cả các tổng thống Hoa Kỳ kể từ thời Nixon, và như ông viết, "tôi đã có thể có nhiều thông tin của các cơ sở tình báo và quân sự của Trung Quốc hơn bất kỳ người phương Tây nào khác".

Ông viết :

"Từ hàng thập kỷ nay, chính phủ Hoa Kỳ đã quá hào phóng, trao thật nhiều thông tin, công nghệ, bí quyết quân sự, thông tin tình báo và những lời cố vấn về các khía cạnh chuyên môn cho người Trung Quốc. Thật vậy, rất nhiều điều đã được cung cấp và cung cấp quá lâu... không thể có kế toán đầy đủ được về việc này ! Và những gì chúng ta đã không đưa cho người Trung Quốc, thì họ đã ăn cắp".

Tất cả chỉ để phục vụ cho tham vọng trở thành siêu cường số một để thay thế cho Mỹ khi Trung Quốc kỷ niệm 100 năm ngày ông Mao Trạch Đông tiến vào Bắc Kinh.

Chỉ còn 31 năm nữa là tới năm 2049 cho nên từ nay Mỹ sẽ phải luôn luôn việc tập trung vào chiến lược 'chặn lại tham vọng của Trung Quốc'. Vì vậy mới có kế hoạch điều động tới 60% của hải lực Mỹ về Thái Bình Dương vào năm 2020.

Tất cả 14 Tổng thống Mỹ kể từ Harry Truman tới Donald Trump đều muốn duy trì vai trò lãnh đạo số một của nước Mỹ trên thế giới này - một vai trò phát xuất từ sau Thế Chiến 2, nhưng 13 ông trước chỉ nói úp úp mở mở.

Tới thời ông Trump - một con người bộc trực , bị coi là đồng bóng - thì ông thẳng thừng đưa ra chính sách "America First" - không chỉ có nghĩa là dành mọi ưu tiên kinh tế, thương mại, nhập cư để phục vụ quyền lợi vật chất của người Mỹ mà nó còn có một ý nghĩa chiến lược sâu xa : ông Trump muốn vãn hồi vai trò lãnh đạo của Mỹ vốn đã phai mờ đi trong thập niên vừa qua.

Lập trường này làm cho tất cả các đồng minh đều nhìn vào Trump với con mắt nghi ngờ.

Nhưng Washington đồn rằng Trung Quốc rất e ngại tính "đồng bóng" ấy của Tổng thống Trump, nhất là vì họ biết rằng về hải lực thì Trung Quốc còn thua Mỹ quá xa về mọi mặt : từ chiến hạm, tầu ngầm, hàng không mẫu hạm tới kinh nghiệm hải chiến, không chiến nên không có đòn bẩy răn đe là bao nhiêu đối với Mỹ.

Khi ông Trump ân cần tiếp đón ông Tập Cận Bình ở Florida ngay từ đầu nhiệm kỳ, và ông Tập nghênh tiếp ông Trump hết sức linh đình ở Bắc Kinh, ngược hẳn với việc đón tiếp cựu Tổng thống Barack Obama đầu tháng 11/2017, dư luận cho rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ tiến lại gần nhau hơn nữa.

Nhưng chỉ bốn tháng sau chuyến đi, dư luận đã giật mình khi nghe tin ông Trump thông báo sẽ đánh thuế thép 25% và nhôm 10% - chủ yếu nhắm vào Trung Quốc vì nước này đã xuyên qua nhiều nước để lợi dụng những kẽ hở của WTO, APEC, NAFTA gián tiếp nhập thép, nhôm vào Mỹ - việc mà ông Trump gọi là "trans-shipment" (thực ra là re-export).

Đằng sau lệnh tăng thuế chính là ông Peter Navarro, một ngôi sao đang sáng lên ở Tòa Bạch Ốc. Navarro nổi tiếng về lập trường chống Bắc Kinh. Cuốn sách của ông "Death By China" (Chết bởi tay Trung Quốc) đã giúp vào việc đánh thức nước Mỹ và được ông Trump đặc biệt chú ý. Navarro cáo buộc Trung Quốc đã "biến thành kẻ sát nhân hiệu quả nhất trên hành hành tinh này" (nguyên văn : "turning into the planet's most efficient assassin").

Navarro đang thuyết phục Trump áp dụng thêm những biện pháp chế tài đối với vi phạm của Trung Quốc về quyền sở hữu trí tuệ. Rồi tới hai biện pháp khác : ngăn chặn Bắc Kinh ép buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ cho các đối tác, và ngăn chặn các công ty quốc doanh Trung Quốc (doanh nghiệp nhà nước) mua lại các công ty của Hoa Kỳ.

quanhe3

Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc trong một lần đến Hong Kong

Vậy ta có thể kết luận rằng ít nhất trong Thế kỷ 21 quyền lợi của Mỹ ở Biển Đông đi song hành và trực tiếp với quyền lợi của Việt Nam.

Việt Nam là địa điểm chiến lược quan trọng nhất ở Biển Đông, nhưng đồng thời, cái vị thế ấy luôn đặt nước này vào cái thế gọng kìm giữa các cường quốc.

Hơn nữa Việt Nam lại nằm sát cạnh Trung Quốc nên áp lực của Trung Quốc rất là mạnh mẽ. Vì vậy có lẽ Việt Nam không còn một con đường nào khác ngoài chiến lược cân bằng ("đu dây") giữa hai cường quốc để sống còn.

Tuy nhiên vì áp lực của Trung Quốc càng ngày càng gia tăng nhanh - một cách nguy hiểm - cho nên chính cái chiến lược cân bằng lại là lý do thúc đẩy Việt Nam nên gần Mỹ hơn để lấy lại và duy trì thế cân bằng.

Những lý do để tin được Hoa Kỳ

Vì vậy, có khả năng là quan hệ Việt - Mỹ sẽ sớm tiến tới "đối tác chiến lược toàn diện" - trở thành quan hệ thứ tư sau ba quan hệ Việt - Nga, Việt - Trung và Việt -Ấn.

Nếu như vậy thì Việt Nam có cả ba cường quốc : Nga, Ấn và Mỹ để đối đầu với Trung Quốc.

Sự lo ngại còn lại của Việt Nam là : Việt Nam Cộng Hòa từng là đồng minh thân thiết như vậy mà còn bị bỏ rơi thì nước Việt Nam hiện nay làm sao có quan hệ tốt bằng được ? Nếu Việt Nam nghiêng về Mỹ thì có chắc chắn không, hay Mỹ Trung lại bắt tay nhau thì Việt Nam lại bị bỏ rơi ?

Đây là câu hỏi thật chính đáng, nhưng phân tích lịch sử cho kỹ và nhìn vào bối cảnh ngày nay thì thấy Việt Nam không cần phải e ngại. Đó là vì ba lý do :

Thứ nhất, vấn đề bỏ rơi không đặt ra vì hai hoàn cảnh lịch sử khác hẳn nhau : trước đây, vì vấn đề kinh tế khó khăn (cảnh nghèo sau 10 năm Chiến tranh Đông Dương 1945-1955) Việt Nam Cộng Hòa phải lệ thuộc vào Mỹ hầu như hoàn toàn cả về quân sự lẫn kinh tế (xem Khi Đồng minh tháo chạy, Chương 19).

Trong thực tế, Việt Nam Cộng Hòa trở thành "client state" (quốc gia lệ thuộc) và Mỹ thành "patron state" (quốc gia bảo trợ).Việt Nam ngày nay đã hoàn toàn tự lập, còn xuất siêu sang Mỹ tới trên 38 tỷ USD (2017). Về quân sự thì Việt Nam cũng đã có một lực lượng đáng kể và sẵn sàng bỏ tiền ra mua khí giới, kể cả của Mỹ.

Trong dịp Tổng thống Trump thăm viếng Hà Nội, Việt Nam đã đặt 10 tỷ USD mua hàng của Mỹ (hy vọng cán cân thương mại Mỹ - Việt năm 2018 sẽ giảm xuống còn - 30 tỷ USD).

Thứ hai, chắc chắn rằng Mỹ sẽ không bao giờ yêu cầu Việt Nam cho đóng quân hay duy trì căn cứ quân sự lâu dài. Vì vậy Mỹ sẽ không phải đổ máu và tốn kém tiền bạc như trong 'Vietnam War' cho nên dân chúng Mỹ không chống đối, ngược lại còn ủng hộ việc Mỹ nối tay với Việt Nam để chống Trung Quốc.

Thứ ba, như đề cập trên đây, ngày trước Mỹ xây tiền đồn chống Trung Quốc ở Miền Nam vì Trung Quốc đe dọa quyền lợi an ninh của mình ở Biển Đông.

Vì vậy, khi hòa hoãn được với Trung Quốc thì Mỹ sai lầm mà tưởng rằng hiểm họa Trung Quốc đã chấm dứt cho nên rút khỏi Miền Nam và ra khỏi Biển Đông. Bây giờ thì Mỹ hối tiếc vì nhận thức rằng : trong Thế kỷ 21, Trung Quốc còn đe dọa Mỹ gấp mấy lần như đã đe dọa trong Thế Kỷ 20.

quanhe4

Phó Đô đốc Phillip G. Sawyer, Tư lệnh Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, chào đón các quan chức Việt Nam sau khi hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson cập cảng Đà Nẵng hôm 5/3/2018.

Việc Tổng thống Trump vừa chỉ định Giám đốc CIA Mike Pompeo thay thế Ngoại trưởng Rex Tillerson - theo Jim Cramer từ CNCB bình luận là để gửi một thông điệp gây sửng sốt cho Trung Quốc : "Các ông là kẻ thù của chúng tôi". Pompeo cho rằng Trung Quốc là kẻ thù cả về tinh thần lẫn vật chất.

Khi Việt-Mỹ đi tới đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam sẽ có nhiều lợi ích vì "toàn diện" bao gồm cả an ninh cả kinh tế. Về an ninh quốc phòng, khi có hàng không mẫu hạm Mỹ ra vào Đà Nẵng và chiến hạm, tàu ngầm Mỹ ra vào Cam Ranh, tất nhiên Trung Quốc sẽ phải cân nhắc cho thật kỹ khi muốn gây hấn với Việt Nam - thí dụ như khi Trung Quốc tính toán để gây thảm hại ở Trường Sa lần thứ hai ?

Dĩ nhiên là về mặt chính sách, Việt Nam cũng phải để cho hàng không mẫu hạm của mọi quốc gia ra vào Đà Nẵng tự do như Mỹ, nhưng trong thực tế, Trung Quốc chỉ có một con tàu cũ Liêu Ninh - mua lại của Ukraine - thì ra vào để làm gì ?

Về kinh tế, thì thị trường Mỹ - hiện đã là thị trường để Việt Nam xuất cảng nhiều nhất - sẽ mở rộng ra thêm nữa cho Việt Nam với những lợi ích về đầu tư, kỹ thuật, thông tin, và ưu đãi về thuế nhập cảng, như thép, nhôm - miễn là không phải xuất xứ từ Trung Quốc.

Dĩ nhiên là Mỹ cũng sẽ yêu cầu Việt Nam nhập thêm hàng Mỹ giúp cho cán cân thương mại bớt chênh lệch.

Từ Thế Chiến 2, chưa có nước nào trên thế giới này từ Đức, Pháp, Anh, Ý tới Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Singapore, Thái Lan giàu mạnh lên được mà không nhờ thị trường Mỹ.

Mặt khác, qua cuộc chiến biên giới Việt-Trung năm 1979 và việc Trung Quốc gây thảm sát trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa năm 1988, cùng với việc Chủ tịch Mao - người đã cáo buộc "Chủ nghĩa đế quốc Mỹ là kẻ thù hung ác nhất của nhân loại" đã ôm thật chặt Nixon năm 1972, Việt Nam cũng đã thấy rõ ràng rằng Trung Quốc chẳng có bạn vĩnh cửu, và cũng chẳng có thù vĩnh viễn. Quyền lợi của Trung Quốc mới là vĩnh viễn và vĩnh cửu.

Cách ứng xử của Việt Nam đang phản ánh sự thay đổi trong nhận thức như thế.

Nguyễn Tiến Hưng

Nguồn : BBC, 14/03/2018

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, cựu Tổng trưởng Kế hoạch Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1973 đến 1975, phụ tá về tái thiết của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, hiện định cư tại bang Vỉginia, Hoa Kỳ. Ông đã xuất bản các cuốn sách Khi Đồng minh tháo chạy (2005) và Khi Đồng minh nhảy vào (2016).

Quay lại trang chủ
Read 834 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)