Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Cựu bộ trưởng bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son bị Viện Kiểm sát đề nghị mức án dựa cột. Tiêm thuốc một thượng thư tham nhũng triệu đô, phá hoại quốc khố gần vạn tỷ là đương nhiên không còn gì để bàn cãi. Có bàn cãi hay không là chuyện tòa tuyên án tử hình anh Đặng Văn Hiến, một nông dân sử dụng quyền tự vệ chính đáng của mình để tiêu diệt bọn cướp đất của anh.

nguyenkhan1

Nguyễn Bắc Son, cựu bộ trưởng bộ Thông tin và truyền thông tham nhũng triệu đô - Đặng Văn Hiến, một nông dân sử dụng quyền tự vệ chính đáng của mình để tiêu diệt bọn cướp đất

Nếu chiếu theo án lệ vụ án Đồng Nộc Nạng thời thực dân Pháp, người nông dân Việt Nam lúc ấy cũng dùng quyền tự vệ chính đáng của mình để giết chết nhiều tên cướp đất, bao gồm cả lính Pháp. Nhưng tòa án thực dân Pháp thay vì bênh vực người Pháp, họ đã xử theo đúng công lý, biện giải rằng nếu bọn cướp đất không đến cướp đất của nông dân thì có cho vàng người nông dân cũng không giết người. Vì lẽ đó tòa án Pháp phán quyết người nông dân Việt Nam sử dụng quyền tự vệ chính đáng để giết chết bọn cướp đất nên không có tội và được thả tự do ngay tại tòa.

Vậy lẽ nào pháp luật Việt Nam không bằng pháp luật của bọn xâm lược Pháp ? Người đáng bị truy tố là thằng chủ doanh nghiệp chủ mưu cướp đất của anh Hiến thì lại vô can, người tự vệ chính đáng thì bị tử hình. Vậy đã đến lúc nhà nước phải xem xét lại, đừng để pháp luật của một chế độ được tự hào là văn minh nhất lại không công bằng bằng pháp luật của một chế độ thực dân cướp nước.

Nhà nước nên thả tự do cho anh Đặng Văn Hiến để chứng minh nhà nước xã hội chủ nghĩa công bằng và văn minh hơn nhà nước xâm lược Pháp. Thả tự do cho anh Hiến còn là nguyện vọng của nhân dân (nếu nghi ngờ có thể trưng cầu dân ý để biết gần như tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam đồng tình thả tự do cho anh Hiến). Pháp luật là để phục vụ nhân dân nên nhà nước phải lắng nghe nguyện vọng của nhân dân. Thả tự do cho anh Hiến thì bản án tử hình cho cựu bộ trưởng bộ thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son mới có ý nghĩa. Bởi nếu tên tham nhũng triệu đô, tàn phá gần vạn tỷ quốc khố mà đồng án tử với người nông dân giết bọn cướp đất của mình, thì chẳng ra làm sao cả, tội của Nguyễn Bắc Son sẽ trở nên quá nhẹ, phải xử hắn tội tru di mới may ra…

Vị quan tòa xử vụ Nguyễn Bắc Son lên lớp bị can Son là ngẫu hứng thái quá, không nên chút nào. Bởi khi nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để xét xử thì phải bảo đảm tính khách quan, đánh giá trên cơ sở chứng cứ chứ không phải cảm tính, tòa án không cần lên lớp, chỉ cần phân xử và tuyên án công bằng theo đúng những quy định của Pháp luật đã là một sự giáo dục tốt nhất rồi. Bởi khi chưa tuyên án thì bị can chưa phải là tội phạm nên phải được đối xử chừng mực chứ không dùng cảm tính chì chiết theo kiểu bỏ xó chó chê, không nên giành quyền công tố của Viện Kiểm sát hay giành quyền biện hộ của luật sư, mà phải lắng nghe luật sư và viện công tố tranh tụng để tìm ra sự thật cho những phán quyết công tâm của mình.

Công bằng mà nói, không ai mà không căm ghét bọn đại quan tham nhũng cấu kết lợi ích nhóm với tên tư bản Phạm Nhật Vũ để ăn cắp gần vạn tỷ tiền thuế của nhân dân, muốn tử hình tất cả bọn chúng cho hả giận. Song, là một xã hội văn minh không có chỗ cho sự đấu tố cảm tính, rừng rú, phải xét xử công bằng trước tòa án là hoàn toàn đúng đắn. Và khi xét xử trước tòa thì căn cứ vào hành vi phạm pháp với những chứng cứ cụ thể chứ không suy diễn theo hướng có tội. Tỉ như việc dùng cảm tính để làm nhẹ tội cho tên đầu sỏ nguy hiểm nhất cho xã hội là Phạm Nhật Vũ là không thể chấp nhận được. Bởi làm băng hoại xã hội kinh khủng nhất hiện nay là bọn tư bản lợi ích nhóm hối lộ các đại quan để thao túng nhà nước gây bất công, bất ổn và bất bình nhất cho xã hội nên cần phải nghiêm trị theo hướng gia trọng chứ không phải giảm khinh vô lý mà bị can Phạm Nhật Vũ được hưởng một cách khó hiểu. NR không rõ cựu bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn nhận hối lộ 200.000 USD, tương đương hơn 4,6 tỷ Việt Nam đồng, đã đủ khung dựa cột hay chưa mà công tố mức án không cao ?

Mà thôi, NR chỉ chạnh lòng nghĩ đến thân phận bọt bèo của anh Đặng Văn Hiến, vì mãnh đất của anh lọt vào lòng tham của bọn tư bản lợi ích nhóm, đẩy anh vào án tử hình không đúng chút nào, tha thiết kêu gọi Tổng Bí thư – Chủ tịch nước phóng thích cho anh Đặng Văn Hiến.

Nguyễn Khan

Nguồn : facebook.nguyenkhan, 21/12/2019

Published in Diễn đàn

‘Người đốt lò vĩ đại’ vẫn đang đánh đố dư luận bằng một vài động tác nếu không phải giơ cao đánh khẽ và đầu voi đuiôi chuột thì cũng mang nặng tư duy ‘đập chuột sợ vỡ bình’. Ví dụ mới nhất là cách hành xử của Nguyễn Phú Trọng đối với cựu bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Nguyễn Bắc Son.

nbs1

Nguyễn Bắc Son (trái) đang ‘ăn theo’ Trương Minh Tuấn ?

Trong một cuộc họp báo của Ban Tuyên giáo Trung ương ngày 28/9/2018 để thông tin về ‘Hội nghị Trung ương 8, khóa XII diễn ra vào tuần tới’, cái cách thông báo của quan chức Lê Quang Vĩnh - Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng - về ‘theo quy định sẽ cho ý kiến về kỷ luật nguyên ủy viên Trung ương Đảng liên quan đến vụ việc MobiFone mua AVG’ đã khiến dư luận phản ứng : đã sai phạm như núi mà sao không xử nghiêm theo pháp luật, lại còn họp đảng cho ý kiến gì nữa ?

Kể từ thời điểm Thanh tra chính phủ lần đầu tiên công bố kết luận thanh tra về vụ ‘MobiFone mua AVG’ vào tháng Ba năm 2018, đến nay đã nửa năm trôi qua, nhưng hai ‘đạo diễn kiêm diễn viên’ chính trong vụ này là Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn vẫn ung ung tự tại với tư cách ‘người nhà phe đảng’.

Trong số các quan chức dính dáng đến vụ ăn chia ‘Mobifone mua AVG’ khiến ngân sách thất thoát ít nhất 7000 tỷ đồng, Nguyễn Bắc Son bị dư luận xem là ‘ăn đậm’, với tỷ lệ dành cho Son có thể lên đến 10 - 15% trong số 7000 tỷ.

Một dẫn chứng phát lộ gần đây nhất về ‘tỷ lệ ăn chia’ là Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao thuộc Bộ Công an - Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, được chính thức công bố đã ‘ăn’ 15% trong hợp đồng chia phần lợi nhuận của đường dây đánh bạc công nghệ cao.

Từ trước ngày quốc khánh 2/9 năm 2018, đã râm ran tin đồn về khả năng cựu bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Nguyễn Bắc Son sắp bị đưa vào ‘lò’ của Nguyễn Phú Trọng, mà cụ thể là triển vọng ông Son có thể bị khởi tố trong vụ ‘Mobifone mua AVG’ và thậm chí có thể bị tra tay vào còng như cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng đã từng.

Nhưng nếu Nguyễn Bắc Son bị đưa ra ‘trảm’, làm thế nào để Trương Minh Tuấn được ‘tách’ khỏi vụ án ‘MobiFone mua AVG’ và ‘khuôn’ ở một phạm vi xử lý hành chính mà không phải ra tòa hình sự ?

Tình cảm ưu ái của Nguyễn Phú Trọng dành cho Trương Minh Tuấn là khá rõ, khác hẳn với trường hợp Đinh La Thăng, dù Trương Minh Tuấn ‘ứng’ với Đinh La Thăng bởi tính chất ‘rất nghiêm trọng’ trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Chẳng quá ngạc nhiên khi khác hẳn ‘củi rừng’ Đinh La Thăng mà đã bị Nguyễn Phú Trọng sẵn lòng xử án tù giam đến 31 năm, Trương Minh Tuấn lại là một dạng ‘củi nhà’ và không sao cả, thậm chí còn trở thành Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương để tiếp tục răn dạy báo chí nhà nước về ‘đạo đức cách mạng sáng ngời’.

Nhưng để Tuấn không bị sao, Nguyễn Bắc Son phải được tự do, hoặc cùng lắm cũng chỉ ‘tại ngoại hầu tra’.

Bởi thế, một khả năng vẫn luôn hiện hữu là tại Hội nghị trung ương 8, Nguyễn Bắc Son sẽ chỉ bị ‘cách mọi chức vụ’ như trường hợp cựu bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng vào năm 2017, nhưng không bị bắt và càng không bị truy tố lẫn nhận án, kéo theo sự an toàn của Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương Trương Minh Tuấn.

Tức Nguyễn Bắc Son đang ‘ăn theo’ Trương Minh Tuấn.

Nếu khả năng trên xảy ra, cuộc chiến được xem là ‘chống tham nhũng’ của Tổng bí thư Trọng chỉ là hình ảnh thiên vị quá lộ liễu và thô thiển cho ‘phe ta’, trong khi chỉ đốt ‘phe củi Nguyễn Tấn Dũng’ và những phe nhóm khác không thuộc ‘người mình’.

Minh Quân

Nguồn : VNTB, 01/10/2018

Published in Diễn đàn

Làm thế nào để một người tử tế làm 'đúng quy trình' khi trong tay ông ta nắm trong tay quyền lực tuyệt đối ? Câu trả lời là rất khó, cực khó và siêu khó.

nbs1

Ông Nguyễn Bắc Son (trái) và ông Trương Minh Tuấn (phải) là hai người từng kinh qua chức Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nay đang đứng trước kết luận điều tra về sai phạm từ Đảng cộng sản Việt Nam và chính quyền Việt Nam.


Trên website của Ủy ban Kiểm tra trung ương nhận định, ông Nguyễn Bắc Son - nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông - có biểu hiện 'độc đoán, gia trưởng, chuyên quyền,' vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, bỏ qua vai trò lãnh đạo tập thể và vô hiệu hóa cả Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và truyền thông.

Ba cụm từ đầy khắc nghiệt và mang tính chất đấu tố chỉ thẳng vào ông Nguyễn Bắc Son : độc đoán, gia trưởng, chuyên quyền. 

Gia trưởng ?

'Gia trưởng' là một cụm từ chỉ về thái độ bề trên, nhưng không bề trên sao được khi ông vừa là Thủ trưởng cơ quan đơn vị, vừa là Bí thư Ban cán sự đảng ? Tức lúc này ông Son lãnh đạo chính mình, tiếng nói của ông trở thành chỉ đạo khuôn phép cho một ban tập thể, quy chế có nghĩa lý gì khi bản thân nó không thể kiểm soát được điều đó ? Và dường như ai cũng vậy, khi đã lên được 'cấp lãnh đạo' thì tính vô hiệu của quy chế lại càng lớn.

Gia trưởng cũng chỉ ra hành vi của một cá nhân 'đã thực hiện hành vi của mình 'không dựa trên sự tự do, tự chủ' của một người, hội nhóm', nhưng đặt vấn đề là Ban cán sự đảng có chịu thực hiện sự tự do, tự chủ của quy chế, hay đơn thuần là 'đồng thuận cao' như cách mà rất nhiều ban cán sự đảng khác trên khắp cả nước đã và đang thực hiện ? Nói cách khác, không dựa trên quy chế, mà dựa vào chính quyền uy đã khiến một tập thể tự tước đoạt đi sự tự do, tự chủ của mình, và ông Nguyễn Bắc Son từ đó 'danh chính ngôn thuận' mà thôi. Giả như chứa đựng 'tự do, tự chủ' thì ngay từ đầu giai đoạn của các dự án vi phạm, thì đã phải cần tuýt còi rồi, chứ không phải chờ đến lúc ông Son về hệ số 'Nguyên' thì mới lôi lên lại và chỉ sai phạm.

'Gia trưởng' là thường áp đặt trong một hệ thức gia đình, có nghĩa là cùng chung dòng máu với nhau, ở đây 'gia trưởng' ám chỉ ông Nguyễn Bắc Son là 'anh cả' trong gia đình ban cán sự đảng thuộc đảng bộ Bộ Thông tin và truyền thông, tức là mang tính chất nội đảng, thế nhưng khoản tiền sai phạm lên đến hàng ngàn tỷ đồng Việt Nam mà kết luận chỉ ra lại là tiền của phía Nhà nước. Điều này đồng nghĩa rằng, khi 'tự do, tự chủ' không phát sinh trong tập thể đảng, thì hàng ngàn đảng bộ sẽ tiếp tục đốt tiền như thế, hệ quả kinh tế - xã hội mang lại thường 'thất bát'. Sẽ chẳng có cái gì có thể ngăn cản được điều đó, nếu dựa vào kỷ luật, thì chính kỷ luật đảng chỉ làm gia tăng thêm quyền nội bộ đảng, quyền 'gia trưởng', chứ không phải là quyền giám sát. Bản chất của giám sát là ở bên ngoài, nhưng làm sao được khi mà đảng viên bị cấm bàn về xã hội dân sự và thể chế tam quyền phân lập ?.

Chống tham nhũng bế tắc ?

Các diễn giải nêu trên cho thấy rằng, cuộc chiến chống tham nhũng và vạch ra các sai phạm của các cá nhân từ đảng ra là đáng trân trọng, tuy nhiên rằng - điều quan trọng của cuộc chiến này là thiết lập một cơ chế để ngăn chặn quyền lực thay vì một cơ chế mà để cho quyền lực có khả năng 'gia trưởng'. Điều này Đảng cộng sản Việt Nam thực hiện nhiều năm qua, nhưng chủ yếu là mang tính hình thức cao. Bản thân cuộc chiến chống tham nhũng do ông Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tiến hành chỉ là sự thiết lập một số đầu mối nhằm 'răn đe', nhưng tính răn đe sẽ nhanh chóng bị thoái hóa nếu như bản thân cơ chế giám sát không được định hình ngay sau đó. Và như đề cập ở trên, giám sát mang tính nội đảng sẽ hoàn toàn vô hiệu, vô hiệu bởi tính đứng đầu và chỉ đạo, chừng này tính lãnh đạo và quyền uy của đảng viên trong bộ máy vẫn còn duy trì thì chừng đó tiếp tục sẽ cho thấy quyền lực được thao túng. Và lợi ích thì gia trưởng sẽ lớn hơn cả nỗi sợ bị răn đe thông qua vài ba vụ việc nêu trên. 

Không ai có thể lấn lướt một tập thể, nhưng một tập thể có thể 'đồng thuận, thỏa hiệp hoặc chùn tay' trước chỉ đạo, nếu đặt vai trò của ông Nguyễn Bắc Son là làm trái quy trình là nóng vội, thì phải chăng nếu ông làm đúng quy trình, sử dụng sự chỉ đạo của mình để tạo đồng thuận cao, thì ông sẽ thoát nạn ? Lúc đó hẳn ông Nguyễn Bắc Son sẽ may mắn hơn bây giờ, vì chính cái 'quy trình' sẽ là bệ đỡ cho ông về mặt trách nhiệm, và vì là Thủ trưởng đứng đầu một đơn vị (tức đại diện tập thể), cho nên ông sẽ thoát khỏi sự truy tố về mặt luật pháp lẫn mặt đảng.

Kiểm soát bị bỏ qua ?

Câu chuyện lúc này sẽ đặt ra là, làm thế nào để kiểm soát quyền lực của một cá nhân và không cho phép cá nhân đó có thể 'gia trưởng' hoặc 'sai phạm đúng quy trình' ?. Cách tốt nhất vẫn là tăng cường giám sát từ bên ngoài vào, và một trong những yếu tố đó là xã hội dân sự. Nhưng xã hội dân sự lại bị cấm bàn đến trong đội ngũ đảng viên ? Điều này lại mở ra một hướng suy luận mới, đó là thực chất của cuộc chiến 'đốt lò' chỉ là sự sắp xếp lại trật tự phe nhóm, hơn là một sự thúc đẩy minh bạch, phòng chống tham nhũng trong chính quyền nhà nước. Sự đi xuống của ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn cũng có thể được xem như một biểu thức của sự đi xuống của một phe phái trước mỗi kỳ Đại hội mới mà thôi. Và đấy còn gọi là điểm yếu của tính quyền lực tuyệt đối : cao ngạo, chuyên quyền đến khi chết đi.

                                                                    Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 18/09/2018

Published in Diễn đàn

Vì sao Ủy ban Kiểm tra trung ương lại ‘đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật’ đối với Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng thông tin và truyền thông, và Trương Minh Tuấn, đương kim Bộ trưởng thông tin và truyền thông, trong khi ‘đồng chí Lê Nam Trà’ chỉ là cấp dưới của Son và Tuấn nhưng lại bị Ủy ban Kiểm tra trung ương thi hành kỷ luật bằng hình thức cao nhất là khai trừ đảng ?

tuan1

Trong số các quan chức dính dáng đến vụ ăn chia ‘Mobifone mua AVG’ khiến ngân sách thất thoát ít nhất 7000 tỷ đồng, Nguyễn Bắc Son (bìa phải) và Trương Minh Tuấn (giữa) bị dư luận xem là ‘ăn đậm’. Ảnh: YouTube

Cái cách đề nghị trên rất dễ khiến dư luận xã hội cho là ông Trọng đang tìm cách cứu vớt hai quan chức bị xem là ‘ăn ngập mặt, ăn đến táng tận lương tâm’ này.

Theo mối quan hệ dắt dây giữa nguyên tắc đảng và pháp đình cộng sản, sau khi bị tước đảng tịch, Lê Nam Trà sẽ rất có thể rơi vào vòng tố tụng hình sự và phải dối mặt với vòng lao lý.

Vào trung tuần tháng 12/2017, một số tờ báo nhà nước đã bắt đầu ẩn dụ "Điểm trùng hợp trên đường công danh 2 ông Lê Nam Trà – Cao Duy Hải" theo cách "bổ nhiệm cùng ngày" và "chuyển công tác, đi chữa bệnh cùng năm", chẳng hạn như "Ngày 21/04/2015, khi ông Lê Nam Trà được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên thì ông Cao Duy Hải được bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc Tổng công ty MobiFone thay ông Trà. Chỉ hơn 2 năm sau, sau khi ông Lê Nam Trà chuyển công tác khỏi MobiFone, tới lượt ông Cao Duy Hải xin phép nghỉ ốm để chữa bệnh".

‘Mobifone mua AVG’ là một vụ kê khống giá mua lên tới gần 9000 tỷ đồng so với giá trị thực chỉ khoảng 1000 – 1500 tỷ đồng, được phối hợp ‘binh chủng hợp thành’ bởi hàng loạt quan chức của doanh nghiệp viễn thông Mobifone, AVG và các Bộ Thông tin-Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Văn phòng chính phủ.

Trong số các quan chức dính dáng đến vụ ăn chia ‘Mobifone mua AVG’ khiến ngân sách thất thoát ít nhất 7000 tỷ đồng, Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông vào thời đó là Nguyễn Bắc Son bị dư luận xem là ‘ăn đậm’, với tỷ lệ dành cho Son có thể lên đến 10 – 15% trong số 7000 tỷ.

Một dẫn chứng phát lộ gần đây nhất về ‘tỷ lệ ăn chia’ là Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao thuộc Bộ Công an – Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, được chính thức công bố đã ‘ăn’ 15% trong hợp đồng chia phần lợi nhuận của đường dây đánh bạc công nghệ cao.

Còn Trương Minh Tuấn – nhân vật ‘kiên định cách mạng’, ‘sát thủ báo chí’ và rất thường ‘đọc bài’ lẫn viết bài về ‘chống tự diễn biến, tự chuyển hóa’ rập khuôn theo tư tưởng của Nguyễn Phú Trọng, cũng bị nghi ngờ rất lớn về ‘âm mưu chia chác’ bởi ông này đã trực tiếp ký phê duyệt hợp đồng ‘Mobifone mua AVG’ khi còn là cấp phó cho Nguyễn Bắc Son, để ông Lê Nam Trà của Công ty Mobifone ký hợp đồng mua Công ty AVG. Dấu hỏi rất lớn là số tiền còn lại chạy đi đâu, và ai được "lại quả" từ số tiền đó ?

Vào thời gian khoảng vài tuần trước ngày 23/4/2018 là thời điểm bàn giao hồ sơ vụ ‘Mobifone mua AVG’ giữa Thanh tra chính phủ và C46, Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Trương Minh Tuấn đã ‘đạo diễn’ để AVG trả lại tiền cho Mobifone như một cách ‘khắc phục hậu quả’ – nhưng lại bị dư luận xem là một cách chạy án quá lộ liễu và trắng trợn.

Nhưng đến cuối tháng Tư năm 2018, cửa thoát của Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đã bị hẹp lại đáng kể sau chỉ đạo ‘Bổ sung vụ AVG vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng’ của Nguyễn Phú Trọng.

Đầu tháng Sáu năm 2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận vụ ‘MobiFone mua AVG’ có những vi phạm của Ban Cán sự Đảng Bộ Thông tin – Truyền thông, trong đó nêu rõ vi phạm của các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn là ‘rất nghiêm trọng’.

Kết luận ‘rất nghiêm trọng’ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với hai quan chức cao cấp Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn, cùng cái cách phát thông cáo báo chí của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy áp lực dư luận đối với Nguyễn Phú Trọng trong vụ ‘Mobifone mua AVG’ là đủ lớn, để ông Trọng không thể chỉ ‘chống tham nhũng thời kỳ trước’ hay ‘chống tham nhũng một bên’, mà còn phải ‘chống tham nhũng cả phe ta’.

Vào tháng Tám năm 2016, Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Trương Minh Tuấn đã được Tổng bí thư Trọng chỉ định kiêm chức vụ Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương – được hiểu như một cách để thay mặt bên đảng nắm hoạt động chính quyền.

Khi đó, Trương Minh Tuấn bất ngờ ngoi lên khỏi mặt bằng giới ủy viên trung ương với quan điểm sắt son đến lạ lùng về ‘chống tự diễn biến, tự chuyển hóa’ và chống tham nhũng trong báo chí – lặp đi lặp lại phương châm cùng chủ đề của Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị trung ương 4 vào tháng Mười năm 2016.

Vì thế hiểu theo một cách nào đó, ông Trương Minh Tuấn được xem là ‘phe ta’, tức người của phe Tổng bí thư Trọng, trái ngược với ‘phe củi Nguyễn Tấn Dũng’.

Trong chiến dịch được xem là ‘chống tham nhũng’ của Nguyễn Phú Trọng, vụ ‘Mobifone mua AVG’ và cá nhân Trương Minh Tuấn được dư luận đặc biệt chú tâm. Nếu ông Trọng ‘cho qua’ vụ Trương Minh Tuấn, điều được ông Trọng tuyên xưng là ‘chống tham nhũng không có vùng cấm’ sẽ vô giá trị, còn tất cả những tụng danh dành cho ông Trọng như ‘Sỹ phu Bắc Hà’, ‘Minh quân’, ‘Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’ và gần đây nhất là ‘Người đốt lò vĩ đại’ sẽ chỉ còn gió thoảng mây bay và chẳng còn ý niệm gì nữa.

Thiền Lâm

Nguồn : CaliToday, 01/07/2018

Published in Diễn đàn

Rốt cuộc, nguồn cơ sâu xa và "nhạy cảm" mà đã khiến toàn bộ giới báo chí nhà nước im bặt trước vụ "Mobifone mua AVG" đã lộ ra : bản hợp đồng "Mobifone mua AVG" chính thức bị hủy.

avg2

Chân dung quan chức Nguyễn Bắc Son – cựu bộ trưởng Bộ Thông Tin và Truyền Thông - Ảnh : Infonet

Sự kiện hy hữu và đặc biệt "nhạy cảm" trên xảy đến vào ngày 12/3/2018 và "dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Thông tin và truyền thông, lãnh đạo Hội đồng quản trị và Ban Tổng giám đốc Công ty Viễn thông MobiFone cùng 3 đại diện của nhóm các cổ đông Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG)" – theo tường thuật của báo nhà nước.

Cũng tới lúc này, báo chí nhà nước mới được đồng loạt lên tiếng theo cách "hai bên đã thống nhất hủy bỏ Hợp đồng mua cổ phần của MobiFone với AVG. Theo đó, MobiFone thống nhất : Phía AVG nhận lại công ty và hoàn trả các chi phí đã nhận từ MobiFone. Phía MobiFone làm các thủ tục hủy bỏ Hợp đồng…".

Sự kiện hy hữu và đặc biệt "nhạy cảm" trên lại xảy đến chỉ 4 ngày sau khi Văn phòng trung ương Đảng có công văn số 6106-CV/VPTW ngày 8/3/2018 về việc xử lý vụ "Mobifone mua 95% AVG", nhưng sau đó đã chẳng có một làn sóng hay phong trào truyền thông nào về vụ việc đầy hứa hẹn trở thành "đại án quốc gia" và hấp dẫn người đọc này.

Có một chi tiết có thể lý giải không khí im bặt của báo nhà nước trước vụ "Mobifone mua AVG" : công văn số 6106 có đoạn "Ban Bí thư cho rằng, đây là một vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm".

Từ "nhạy cảm" được dùng trong công văn trên muốn ẩn dụ về cái gì, hoặc về ai ?

Từ "nhạy cảm" trong công văn số 6106 như thể xác nhận "đánh nhau lớn", hiển thị bởi một cái tên đã trở thành rất quen thuộc trong thương trường và cả chính trường Việt Nam : bà Nguyễn Thanh Phượng – con gái ruột của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Sự khác biệt của vụ "Mobifone mua AVG" giữa quá khứ và hiện tại là vào năm 2017, chỉ có những quan chức như Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Phạm Nhật Vũ, Nguyễn Bắc Son… bị "gọi tên", thì nay có cả Nguyễn Thanh Phượng – theo một bài viết đậm đà tố chất "tin nội bộ" xuất hiện trên mạng xã hội chỉ 3 ngày trước khi xuất hiện chỉ đạo của Ban bí thư yêu cầu xử lý vụ "Mobifone mua AVG".

Thậm chí, bài viết trên còn khẳng định bà Nguyễn Thanh Phượng là "chủ mưu" của vụ việc này.

Từ "nhạy cảm" trong công văn số 6106 còn có thể ẩn dụ về một quan chức cao cấp đương nhiệm, người được cho là đã ký phê duyệt hợp đồng vụ "Mobifone mua AVG" và đồng thời đang nắm quyền sinh quyền sát đối với gần hết khối báo chí quốc doanh, trừ vài ba tờ báo đảng : Bộ trưởng thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn.

Phải chăng đã có một chiến dịch "chạy án", vận động Tổng bí thư Trọng, Ban bí thư và Ban Tuyên giáo trung ương cho "khắc phục hậu quả" trước mà không để báo chí mổ xẻ và làm rùm beng ?

"Khắc phục hậu quả" là một khái niệm được đề cập khá nhiều trong khối đảng và quốc hội vào thời gian gần đây, đặc biệt đối với các vụ án tham nhũng. Tuy chưa chính thức, nhưng đang xuất hiện nhiều ý kiến trong Quốc hội cho rằng nếu quan chức tham nhũng trả lại 3/4 số tiền đã "ăn" thì có thể được giảm án hoặc thoát tội.

Cần nhắc lại, chỉ 3 ngày trước cuộc họp của "Ban Bí thư chỉ đạo xử lý vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG", đã xuất hiện một bài biết trên mạng xã hội của tác giả có tên là Công Lý, nhận định vụ việc này thậm chí còn có thể lớn hơn cả vụ Đinh La Thăng – Trịnh Xuân Thanh. Có khoảng 10 đối tượng sẽ bị khởi tố và bắt giam. Có những cái tên như Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Phạm Nhật Vũ, kể cả Nguyễn Bắc Son cựu bộ trưởng Bộ Thông Tin và Truyền Thông… Bà Nguyễn Thanh Phượng – con gái ruột của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và là nguyên chủ tịch ngân hàng Bản Việt – bị cho là "chủ mưu" trong vụ Mobifone mua AVG khi đã đưa Lê Nam Trà lên ghế Chủ tịch Mobifone để cùng Phạm Nhật Vũ tính kế vụ AVG, chỉ đạo bốn công ty định giá trong việc nhào nặn số liệu để đưa AVG lên mức giá cao hơn 9 lần giá trị thực.

Cũng theo tác giả Công Lý, khi bị khởi tố bắt giam, chắc chắn Phạm Nhật Vũ sẽ khai ra danh sách các quan chức nhận tiền lại quả của vụ AVG (người ít thì nhận vài chục tỷ, người nhiều thì nhận đến gần nghìn tỷ)…

Sau đó, trên mạng xã hội đã xuất hiện thông tin về một số quan chức đã vội vã kéo nhau đến cửa công quyền để nộp lại tiền đã "ăn". Nổi bật trong đó là nhân vật NBS đã phải "ói ra" đến 800 tỷ…

Một luồng dư luận cho rằng cuộc họp bàn việc hủy hợp đồng "Mobifone mua AVG" về thực chất là thao tác nhằm giải tỏa dư luận và các khoản tiền từng được bí mật tuồn vào các loại túi sẽ được bí mật tuồn trả trở lại cho Mobifone. Coi như hậu quả được khắc phục và phi tang dấu vết của các bàn tay khua khoắng trong bóng tối.

Nhưng liệu những quan chức đã "ăn" trong vụ trên có thoát được trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự và vẫn ung dung ngự trị trên cái ghế đặc quyền đặc lợi của chế độ ?

Lời giải cho câu hỏi trên có thể tùy thuộc phần lớn, nếu không muốn nói là hầu hết, vào quan điểm của Nguyễn Phú Trọng.

Nếu ông Trọng gật đầu "cho qua" thì một lũ một lĩ quan chức sẽ thở phào sung sướng vì "thân phận mình không đến nỗi đen như Đinh La Thăng", tiếp tục ngồi lại "cống hiến" để tìm cơ hội "hốt cú chót" khác, còn chiến dịch được xem là "chống tham nhũng" của ông Trọng cũng bởi thế sẽ tạo ra tiền lệ "cứ ói ra là thoát tội".

Thiền Lâm

Nguồn : CaliToday, 13/03/2018

Published in Diễn đàn