Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/09/2018

Sự kiện Nguyễn Bắc Son : không 'gia trưởng, chuyên quyền' mới là lạ

Ánh Liên

Làm thế nào để một người tử tế làm 'đúng quy trình' khi trong tay ông ta nắm trong tay quyền lực tuyệt đối ? Câu trả lời là rất khó, cực khó và siêu khó.

nbs1

Ông Nguyễn Bắc Son (trái) và ông Trương Minh Tuấn (phải) là hai người từng kinh qua chức Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nay đang đứng trước kết luận điều tra về sai phạm từ Đảng cộng sản Việt Nam và chính quyền Việt Nam.


Trên website của Ủy ban Kiểm tra trung ương nhận định, ông Nguyễn Bắc Son - nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông - có biểu hiện 'độc đoán, gia trưởng, chuyên quyền,' vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, bỏ qua vai trò lãnh đạo tập thể và vô hiệu hóa cả Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và truyền thông.

Ba cụm từ đầy khắc nghiệt và mang tính chất đấu tố chỉ thẳng vào ông Nguyễn Bắc Son : độc đoán, gia trưởng, chuyên quyền. 

Gia trưởng ?

'Gia trưởng' là một cụm từ chỉ về thái độ bề trên, nhưng không bề trên sao được khi ông vừa là Thủ trưởng cơ quan đơn vị, vừa là Bí thư Ban cán sự đảng ? Tức lúc này ông Son lãnh đạo chính mình, tiếng nói của ông trở thành chỉ đạo khuôn phép cho một ban tập thể, quy chế có nghĩa lý gì khi bản thân nó không thể kiểm soát được điều đó ? Và dường như ai cũng vậy, khi đã lên được 'cấp lãnh đạo' thì tính vô hiệu của quy chế lại càng lớn.

Gia trưởng cũng chỉ ra hành vi của một cá nhân 'đã thực hiện hành vi của mình 'không dựa trên sự tự do, tự chủ' của một người, hội nhóm', nhưng đặt vấn đề là Ban cán sự đảng có chịu thực hiện sự tự do, tự chủ của quy chế, hay đơn thuần là 'đồng thuận cao' như cách mà rất nhiều ban cán sự đảng khác trên khắp cả nước đã và đang thực hiện ? Nói cách khác, không dựa trên quy chế, mà dựa vào chính quyền uy đã khiến một tập thể tự tước đoạt đi sự tự do, tự chủ của mình, và ông Nguyễn Bắc Son từ đó 'danh chính ngôn thuận' mà thôi. Giả như chứa đựng 'tự do, tự chủ' thì ngay từ đầu giai đoạn của các dự án vi phạm, thì đã phải cần tuýt còi rồi, chứ không phải chờ đến lúc ông Son về hệ số 'Nguyên' thì mới lôi lên lại và chỉ sai phạm.

'Gia trưởng' là thường áp đặt trong một hệ thức gia đình, có nghĩa là cùng chung dòng máu với nhau, ở đây 'gia trưởng' ám chỉ ông Nguyễn Bắc Son là 'anh cả' trong gia đình ban cán sự đảng thuộc đảng bộ Bộ Thông tin và truyền thông, tức là mang tính chất nội đảng, thế nhưng khoản tiền sai phạm lên đến hàng ngàn tỷ đồng Việt Nam mà kết luận chỉ ra lại là tiền của phía Nhà nước. Điều này đồng nghĩa rằng, khi 'tự do, tự chủ' không phát sinh trong tập thể đảng, thì hàng ngàn đảng bộ sẽ tiếp tục đốt tiền như thế, hệ quả kinh tế - xã hội mang lại thường 'thất bát'. Sẽ chẳng có cái gì có thể ngăn cản được điều đó, nếu dựa vào kỷ luật, thì chính kỷ luật đảng chỉ làm gia tăng thêm quyền nội bộ đảng, quyền 'gia trưởng', chứ không phải là quyền giám sát. Bản chất của giám sát là ở bên ngoài, nhưng làm sao được khi mà đảng viên bị cấm bàn về xã hội dân sự và thể chế tam quyền phân lập ?.

Chống tham nhũng bế tắc ?

Các diễn giải nêu trên cho thấy rằng, cuộc chiến chống tham nhũng và vạch ra các sai phạm của các cá nhân từ đảng ra là đáng trân trọng, tuy nhiên rằng - điều quan trọng của cuộc chiến này là thiết lập một cơ chế để ngăn chặn quyền lực thay vì một cơ chế mà để cho quyền lực có khả năng 'gia trưởng'. Điều này Đảng cộng sản Việt Nam thực hiện nhiều năm qua, nhưng chủ yếu là mang tính hình thức cao. Bản thân cuộc chiến chống tham nhũng do ông Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tiến hành chỉ là sự thiết lập một số đầu mối nhằm 'răn đe', nhưng tính răn đe sẽ nhanh chóng bị thoái hóa nếu như bản thân cơ chế giám sát không được định hình ngay sau đó. Và như đề cập ở trên, giám sát mang tính nội đảng sẽ hoàn toàn vô hiệu, vô hiệu bởi tính đứng đầu và chỉ đạo, chừng này tính lãnh đạo và quyền uy của đảng viên trong bộ máy vẫn còn duy trì thì chừng đó tiếp tục sẽ cho thấy quyền lực được thao túng. Và lợi ích thì gia trưởng sẽ lớn hơn cả nỗi sợ bị răn đe thông qua vài ba vụ việc nêu trên. 

Không ai có thể lấn lướt một tập thể, nhưng một tập thể có thể 'đồng thuận, thỏa hiệp hoặc chùn tay' trước chỉ đạo, nếu đặt vai trò của ông Nguyễn Bắc Son là làm trái quy trình là nóng vội, thì phải chăng nếu ông làm đúng quy trình, sử dụng sự chỉ đạo của mình để tạo đồng thuận cao, thì ông sẽ thoát nạn ? Lúc đó hẳn ông Nguyễn Bắc Son sẽ may mắn hơn bây giờ, vì chính cái 'quy trình' sẽ là bệ đỡ cho ông về mặt trách nhiệm, và vì là Thủ trưởng đứng đầu một đơn vị (tức đại diện tập thể), cho nên ông sẽ thoát khỏi sự truy tố về mặt luật pháp lẫn mặt đảng.

Kiểm soát bị bỏ qua ?

Câu chuyện lúc này sẽ đặt ra là, làm thế nào để kiểm soát quyền lực của một cá nhân và không cho phép cá nhân đó có thể 'gia trưởng' hoặc 'sai phạm đúng quy trình' ?. Cách tốt nhất vẫn là tăng cường giám sát từ bên ngoài vào, và một trong những yếu tố đó là xã hội dân sự. Nhưng xã hội dân sự lại bị cấm bàn đến trong đội ngũ đảng viên ? Điều này lại mở ra một hướng suy luận mới, đó là thực chất của cuộc chiến 'đốt lò' chỉ là sự sắp xếp lại trật tự phe nhóm, hơn là một sự thúc đẩy minh bạch, phòng chống tham nhũng trong chính quyền nhà nước. Sự đi xuống của ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn cũng có thể được xem như một biểu thức của sự đi xuống của một phe phái trước mỗi kỳ Đại hội mới mà thôi. Và đấy còn gọi là điểm yếu của tính quyền lực tuyệt đối : cao ngạo, chuyên quyền đến khi chết đi.

                                                                    Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 18/09/2018

Quay lại trang chủ
Read 529 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)