Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

dimanche, 13 janvier 2019 10:43

Vận động nhân quyền qua UPR

Hơn một tuần nữa, vào ngày 22/1/2019, đề tài nhân quyền Việt Nam sẽ được thảo luận sôi động trong chương trình nghị sự tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở Geneva, dưới tên gọi Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát.

upr1

Đề tài nhân quyền Việt Nam sẽ được thảo luận trong chương trình nghị sự tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở Geneva, dưới tên gọi Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát. Ảnh minh họa (UN/HR)

Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (Universal Periodic Review), gọi tắt là UPR, là một thuật ngữ không quá xa lạ đối với Việt Nam trong những năm gần đây, dùng để đánh giá tổng quát tình trạng nhân quyền của tất cả quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, theo định kỳ 4,5 năm/lần đối với mỗi một quốc gia.

Với thể thức vận hành đó, Cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon từng nhận xét UPR là một cơ chế "có tiềm lực để quảng bá và bảo vệ nhân quyền tại những góc cạnh tối tăm nhất trên thế giới".

Cơ chế UPR được Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đề ra để đối phó với 2 khiếm khuyết lớn của các cuộc kiểm điểm định kỳ theo công ước do Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vẫn thực hiện. Khiếm khuyết thứ nhất là, một quốc gia ký công ước nào thì mới phải qua cuộc kiểm điểm về thực thi công ước đó ; do đó để tránh bị kiểm điểm, nhiều quốc gia đã không ký một số công ước Liên Hiệp Quốc về nhân quyền. Khiếm khuyết thứ hai là, một quốc gia dù đã ký công ước thì vẫn có thể "chai mặt" không tham gia kiểm điểm. Chẳng hạn, gần đây nhất Việt Nam đã bỏ qua 2 kỳ kiểm điểm, tổng cộng 10 năm, về thực thi Công ước Quốc tế về Quyền dân sự và chính trị.

Với quyết tâm cải cách tình trạng này trên toàn thế giới, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ra đời vào năm 2006, phụ trách tiến hành kiểm điểm nhân quyền định kỳ, một cách luân phiên, đối với tất cả các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc. Và cuộc kiểm điểm này mang tính cách phổ quát, nghĩa là về mọi lĩnh vực nhân quyền bất luận quốc gia qua kiểm điểm có ký công ước liên quan hay không. Thủ tục này tạo ra một áp lực chiếu soi vào những nơi tăm tối về nhân quyền bất kể thủ phạm là ai, bất kể vụ việc gì, xảy ra ở bất kỳ đâu.

upr2

Chu kỳ đánh giá tổng quát tình trạng nhân quyền của tất cả quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, theo định kỳ 4,5 năm/lần đối với mỗi một quốc gia - Ảnh UN/HR

UPR sắp tới buộc nhà nước Việt Nam phải giải trình trách nhiệm trước quốc tế về các vùng tối nhân quyền tại quốc gia mình, thông qua hoạt động báo cáo và điều trần về tình hình nhân quyền quốc gia trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Cơ chế hoạt động của UPR

Một cách ngắn gọn, cơ chế hoạt động UPR có thể ví như "chiếc đèn pin" dùng để soi chiếu vào vùng tối nhân quyền.

Trong cơ chế này, các tổ chức xã hội dân sự và các nhà hoạt động nhân quyền như là cục pin cung cấp nguồn năng lượng đầu vào cho UPR, thông qua hoạt động cung cấp thông tin, nêu lên các vấn đề vi phạm nhân quyền ở quốc gia bị kiểm điểm.

Các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc đóng vai trò như là một dây dẫn tiếp nhận thông tin về các vấn đề hạn chế nhân quyền, và chuyển tải nó thành các khuyến nghị nhân quyền để chuyển đến quốc gia bị kiểm điểm.

Các cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc (Văn phòng Cao ủy Nhân quyền, các Ủy ban Công ước…) như cái bóng đèn, tiếp nhận và xử lý nguồn thông tin đầu vào, trên cơ sở chuyên môn của mình để chuyển hóa thành nguồn sáng nhân quyền. Trong đó Nhóm Công tác UPR của Hội đồng Nhân quyền (Working Group) điều phối phiên họp kiểm điểm như cái công tắc khởi động được bật lên theo định kỳ.

upr3

Cơ chế hoạt động UPR có thể ví như "chiếc đèn pin" dùng để soi chiếu vào vùng tối nhân quyền

Nhà nước bị kiểm điểm như là cái kính khúc xạ của chiếc đèn pin, tiếp nhận nguồn sáng từ chiếc bóng đèn, đóng vai trò là đầu ra cho nguồn sáng nhân quyền, chịu trách nhiệm cuối cùng trước tình trạng nhân quyền sáng sủa hay lu mờ tại quốc gia mình. Ánh sáng phát ra được khuếch đại tốt hay dở sẽ được quyết định bởi lăng kính hấp thụ của nhà nước qua việc chấp nhận thực thi các khuyến nghị cải thiện nhân quyền hay bác bỏ nó.

Thí dụ, những người biểu tình ôn hòa đấu tranh vì môi trường bị cảnh sát sử dụng bạo lực và bắt giữ, được xem là một góc cạnh tăm tối nhân quyền cần đến cơ chế UPR để soi rọi vào nó. Theo cơ chế này, các cá nhân và các tổ chức xã hội dân sự phát hiện vụ việc và tiến hành nộp báo cáo lên các cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc và thông tin đến các quốc gia thành viên khác. Các cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc sẽ tiếp nhận và xử lý thông tin thành vụ việc vi phạm nhân quyền trên cơ sở đối chiếu với các điều khoản ghi nhận trong luật nhân quyền quốc tế, và tiến hành chất vấn nhà nước tại phiên họp điều trần. Các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc sẽ sử dụng nguồn thông tin và cơ sở pháp lý này để đưa ra khuyến nghị cho nhà nước bị kiểm điểm cần phải có hành động chấm dứt việc đánh đập và truy bắt người biểu tình ôn hòa. Nhà nước trong kỳ kiểm điểm sẽ phải trả lời về vụ việc này và nêu rõ có chấp nhận thực thi khuyến nghị chấm dứt tình trạng này hay bác bỏ nó.

Từ đó cho thấy trong cơ chế hoạt động UPR, mỗi chủ thể sẽ đóng một vai trò khác nhau trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền. Trước tiên là việc cung cấp thông tin đầu vào đến từ các cá nhân và tổ chức nhân quyền, rồi được các quốc gia và Liên Hiệp Quốc chuyển tải thành khuyến nghị cải thiện nhân quyền, và sau đó mức độ thực thi khuyến nghị nhân quyền ra sao sẽ được quyết định bởi sự đón nhận qua lăng kính khúc xạ là nhà nước.

Điểm lại các kỳ UPR của Việt Nam

Việt Nam đã trải qua hai kỳ UPR, kỳ đầu tiên vào năm 2009, kỳ thứ hai vào năm 2014, và kỳ thứ ba diễn ra vào ngày 22/1/2019.

Tại kỳ đầu tiên, Việt Nam nhận được tổng số 146 khuyến nghị, trong đó chấp nhận 94 khuyến nghị, từ chối 46 khuyến nghị, trả lời chung 5 khuyến nghị và để ngỏ 1 khuyến nghị. Ở kỳ thứ hai, Việt Nam nhận được tổng số 227 khuyến nghị, trong đó chấp nhận 182 khuyến nghị và từ chối 54 khuyến nghị.

Mới đây, tại hội thảo công bố báo cáo quốc gia được nhà nước Việt Nam đệ trình cho UPR kỳ thứ ba sắp tới, Bộ ngoại giao Việt Nam tuyên bố đã thực hiện xong 175 khuyến nghị về nhân quyền, chiếm 96,2% trên tổng số khuyến nghị đã chấp nhận tại kỳ thứ hai.

Tuy nhiên tuyên bố của Bộ ngoại giao là hoàn toàn trái ngược với các tuyên bố của các nhà hoạt động nhân quyền, tổ chức xã hội dân sự, và các tổ chức phi chính phủ (gọi chung là "các bên liên quan") được thể hiện qua báo cáo dành cho các bên liên quan nộp cho Liên Hợp Quốc để chuẩn bị cho UPR kỳ thứ ba.

Các bên liên quan trong báo cáo của mình đã nêu rõ về tình hình nhân quyền Việt Nam đã không được cải thiện theo như khuyến nghị, qua việc nhà nước Việt Nam tiếp tục sử dụng các điều luật liên quan đến an ninh quốc gia để bỏ tù các nhà hoạt động nhân quyền, hạn chế quyền tự do ngôn luận trên không gian mạng, giải tán các cuộc biểu tình ôn hòa bằng bạo lực và bắt bớ, trấn áp việc thực hành tự do tôn giáo, quyền tự do lập hội và hội họp bị hạn chế...

Sự tham gia của các bên liên quan

Tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" là một đặc tính cơ bản qua các kỳ UPR của Việt Nam khi phản ánh mối quan hệ giữa nhà nước và các bên liên quan.

Trước quốc tế, nhà nước Việt Nam có truyền thống luôn bác bỏ tình trạng nhân quyền tệ hại, thay vào đó là các báo cáo tốt đẹp về thành tích nhân quyền của mình. Điều này cho thấy vai trò của các bên liên quan tham gia vào tiến trình UPR là rất quan trọng để phản biện và giám sát việc thực thi nhân quyền của nhà nước.

Cơ chế UPR mở rộng và khuyến khích cho các bên liên quan được tham gia vào toàn bộ tiến trình kiểm điểm nhân quyền của một quốc gia, bất kể địa vị và tư cách pháp lý của họ.

Sự tham gia tiến trình UPR của các bên liên quan là rất đa dạng, có thể chia làm 3 giai đoạn song hành với các hoạt động của nhà nước :

- Trước phiên họp kiểm điểm : nhà nước nộp báo cáo quốc gia cho Hội đồng Nhân quyền – các bên liên quan sẽ nộp báo cáo song song với nhà nước. Ngay sau đó, các tổ chức xã hội dân sự và những người hoạt động nhân quyền cần vận động để thuyết phục các phái bộ ở Liên Hiệp Quốc của các chính quyền có truyền thống bảo vệ nhân quyền đặt các câu hỏi phù hợp tại phiên họp kiểm điểm.

- Tại phiên họp kiểm điểm tại Geneva : nhà nước điều trần trước Hội đồng Nhân quyền, thực hiện đối thoại, trả lời các chất vấn, nhận khuyến nghị từ các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc – các bên liên quan sẽ tham dự phiên họp điều trần với tư cách là quan sát viên, sau đó có thể phát biểu, đưa ra tuyên bố bằng lời trong phiên họp báo cáo kết quả hoặc phiên họp thông tin chung của Hội đồng Nhân quyền.

- Sau phiên họp kiểm điểm : Hội đồng Nhân quyền sẽ thông qua tài liệu kết luận UPR, nhà nước có nghĩa vụ triển khai thực hiện các kết luận và khuyến nghị theo tài liệu kết quả kiểm điểm – các bên liên quan sẽ giám sát, đôn đốc quá trình nhà nước thực hiện khuyến nghị, phổ biến các khuyến nghị này đến dân chúng trong nước, và đưa ra các sáng kiến cho nhà nước thực hiện hoặc các bên liên quan sẽ xây dựng chương trình hành động theo khuyến nghị nhân quyền.

Các thủ thuật làm giảm hiệu quả của UPR

Các chính quyền độc tài thường áp dụng 2 thủ thuật để cản trở cơ chế UPR. Trong cách thứ nhất, chính quyền ấy dựng lên nhiều tổ chức xã hội dân sự giả -- các tổ chức này cũng nộp bản báo cáo song song với nhà nước để tán thành và phụ họa cho văn bản giải trình của nhà nước. Trong lần kiểm điểm này, không ít các tổ chức xã hội dân sự "quốc doanh" của Việt Nam đã nộp báo cáo khen ngợi những thành tựu về nhân quyền của nhà nước.

Thủ thuật thứ hai là một nhà nước độc tài cũng vận động những chính quyền thân thiện với mình đặt câu hỏi tại kỳ kiểm điểm. Các câu hỏi này thường mở đầu bằng lời khen ngợi và tiếp theo là câu hỏi cò mồi để quốc gia bị kiểm điểm có dịp khoe thêm. Càng nhiều quốc gia cò mồi thì càng bớt đi thời gian cho các quốc gia có ý định chất vấn.

Do đó, rất cần thiết có đông tổ chức xã hội dân sự thực thụ đóng góp thông tin với ủy ban kiểm điểm, và cũng rất cần thiết có một nỗ lực vận động từ rất sớm và kéo dài cho sự lên tiếng của các chính quyền hằng quan tâm đến nhân quyền tại kỳ kiểm điểm.

Vài kinh nghiệm tham gia UPR dành cho các bên liên quan

Khi nộp báo cáo cho UPR, cần thực hiện trước thời hạn là 7 tháng, trước ngày diễn ra kỳ họp kiểm điểm, chú ý đến độ dài của báo cáo không quá 5 trang đối với báo cáo đơn và 10 trang đối với báo cáo liên minh.

Từ trong nước có thể tiếp xúc với các Đại sứ quán thân thiện với nhân quyền, vận động quốc gia họ nêu vấn đề và sử dụng khuyến nghị do các bên liên quan đề xuất.

Thiết lập mối quan hệ đối tác với các tổ chức có vị thế tham vấn cho Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên Hiệp Quốc (ECOSOC) và đề xuất họ bảo trợ để đến Geneva tham dự phiên họp kiểm điểm và phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền. Các tổ chức có vị thế ECOSOC quen thuộc với Việt Nam có thể kể đến như : Human Rights Watch, Amnesty International, Reporters Without Borders, CIVICUS, Freedom House, International Federation for Human Rights…

Khi đến Geneva có thể tổ chức các hoạt động bên lề tại trụ sở Liên Hợp Quốc nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, bằng các hoạt động như tổ chức buổi họp báo cung cấp thông tin, tiếp xúc và vận động các đoàn ngoại giao của các quốc gia quan tâm về nhân quyền Việt Nam, gặp gỡ các chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc để nghe tư vấn của họ cho chương trình hành động của mình sau này.

Thực hiện công tác truyền thông nhanh nhạy về sự kiện, cùng với việc đưa ra các bình luận, phân tích, đánh giá về phiên điều trần nhằm phổ biến kiến thức nhân quyền từ UPR đến với người dân trong nước. Sau đó chuyển ngữ kịp thời các tài liệu về kết quả UPR, sử dụng các khuyến nghị UPR trong hoạt động thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền sau này, và giám sát quá trình thực hiện khuyến nghị nhân quyền của nhà nước cho đến kỳ UPR kế tiếp.

Toàn bộ tài liệu phục vụ cho UPR của Việt Nam có tại trang website của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại : Universal Periodic Review - Viet Nam.

 

Nguồn : machsongmedia, 13/01/2019

Published in Diễn đàn
jeudi, 04 octobre 2018 20:12

Chiến dịch NOW ! Campaign

Thông cáo báo chí, ngày 01/10/2018

Theo Chiến dịch "NOW ! Campaign", một chương trình có sự tham gia của 14 tổ chức xã hội dân sự Việt Nam và quốc tế, chính phủ Việt Nam hiện đang giam giữ ít nhất 246 tù nhân lương tâm trong tù hoặc trong điều kiện tương tự, so với 165 vào tháng 11 năm 2017, khi chiến dịch được khởi xướng. Với con số tù nhân lương tâm hiện nay, Việt Nam là nước đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á về số lượng người hoạt động bị giam cầm, sau Myanmar.

now0

Con số mới nhất : Việt Nam đang giam giữ 246 tù nhân lương tâm

Con số 246 bao gồm 219 người đã bị kết án, thường với cáo buộc hình sự như là "tuyên truyền chống nhà nước" hay "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền" hoặc "gây mất đoàn kết", và 26 người đang bị tạm giam trước ngày xét xử, và có cả là Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Tăng thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, đang bị quản thúc vô hạn định.

Hàng trăm bloggers, luật gia, người hoạt động về quyền công nhân hay quyền đất đai, người bất đồng chính kiến, và tín đồ của những nhóm tôn giáo không đăng ký đã bị bắt và giam giữ vì đã thể hiện chính kiến về quyền tự do biểu đạt, tự do hội họp, hoặc tự do tôn giáo hay niềm tin. Không một người nào cổ suý bạo động được liệt kê vào danh sách tù nhân lương tâm của NOW ! Campaign.

Trong chín tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã bắt giữ 24 người hoạt động nhân quyền, và kết án 33 người hoạt động với tổng cộng mức án 225,5 năm tù và 56 năm quản chế.

Thêm vào đó, Việt Nam đã kết án 60 người tham gia các cuộc biểu tình hồi giữa tháng 6 để phản đối hai dự luật An ninh mạng và Đặc khu Kinh tế, với tổng cộng 113 năm và 5 tháng tù và tổng cộng 89 tháng quản chế.

Có 148 tù nhân lương tâm thuộc sắc tộc Kinh và 75 người Thượng từ Tây Nguyên, hai người thuộc sắc tộc Khmer Krom. 32 tù nhân lương tâm là nữ, trong đó có cô Rmah Hruth thuộc dân tộc Jarai.

Đa số tù nhân lương tâm bị cáo buộc theo một trong các điều khoản về an ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự như Điều 79, 87, 88, 89 hoặc 258 của Bộ luật hình sự 1999 hay Điều 117, 118, 109 và 331 của Bộ luật hình sự 2015 :

- 38 người hoạt động bị kết án, và 6 người khác bị cáo buộc "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền" theo Điều 79 của Bộ luật hình sự 1999 hay Điều 109 của Bộ luật hình sự 2015.

- 13 người hoạt động bị kết án và 5 người bị cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước" theo Điều 88 của Bộ luật hình sự 1999 hoặc Điều 117 của Bộ luật hình sự 2015.

- 36 người thuộc một số sắc tộc thiểu số bị kết án "phá hoại chính sách đoàn kết" theo Điều 87 của Bộ luật hình sự 1999.

- 12 người hoạt động bị kết án hoặc bị cáo buộc "lợi dụng quyền tự do dân chủ" theo Điều 258 của Bộ luật hình sự 1999 hoặc Điều 331 của Bộ luật hình sự 2015.

- 65 cá nhân bị kết án hoặc đang bị điều tra về cáo buộc "gây rối trật tự công cộng" theo Điều 245 của Bộ luật hình sự 1999 hoặc Điều 318 của Bộ luật hình sự 2015. 59 người bị kết án vì tham gia biểu tình vào trung tuần tháng 6 năm 2018.

 - 53 người đang bị giam cầm, tuy nhiên, không có thông tin về cáo buộc hay tội danh chống lại họ.

Bối cảnh : Trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 9, Chính phủ Việt Nam tiếp tục gia tăng đàn áp giới bất đồng chính kiến với việc kết án và bắt giữ nhiều người chỉ trích chính phủ, bloggers, Facebooker, người biểu tình bất bạo động, ...

Để đối phó với sự bất mãn xã hội ngày càng gia tăng và trấn áp giới bất đồng chính kiến, chính phủ Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp hà khắc, bao gồm kết án nhiều người bất đồng kính kiến với những bản án nặng nề, bắt giữ nhiều blogger và cáo buộc họ với những cáo buộc chính trị, và sử dụng biện pháp mạnh để ngăn chặn các cuộc biểu tình trên đường phố.

Các vụ bắt giữ : Từ ngày 1 tháng 7 đến ngày 30 tháng 9, Việt Nam đã bắt giữ 19 nhà hoạt động và blogger. Mười người trong số họ bị buộc tội theo cáo buộc trong Bộ luật hình sự trong khi các cáo buộc chống lại chín người còn lại vẫn chưa được công bố.

Sinh viên đại học Huỳnh Đức Thanh Bình bị buộc tội "âm mưu lật đổ chính quyền" theo Điều 109 của Bộ luật hình sự 2015, trong khi Nguyễn Ngọc Anh, Nguyễn Trung Linh, và Huỳnh Trương Ca bị buộc tội "Làm ra, tàng trữ và phát tán tài liệu chống nhà nước" theo Điều 117. Các blogger Lê Anh Hùng, Nguyễn Hồng Nguyên, Trương Đình Khang, Bùi Mạnh Đồng và Đoàn Khánh Vinh Quang bị buộc tội "lạm dụng quyền tự do dân chủ" theo Điều 331.

Trong khi đó, bà Hoàng Thị Thu Vang, người bị bắt ngày 3 tháng 9, bị cáo buộc "Phá rối an ninh" theo Điều 118 Bộ luật hình sự.

Tất cả những người bất đồng chính kiến bị bắt vì cáo buộc hình sự đều bị biệt giam trong thời gian điều tra. Họ không được phép gặp luật sư của họ, và gia đình của họ không được phép đến thăm họ mà chỉ được tiếp tế thực phẩm, thuốc men và một số nhu yếu cá nhân khác dành cho các tù nhân.

Trong các ngày 7-8 tháng 7, cảnh sát đã bắt giữ Huỳnh Đức Thịnh, cha đẻ của Huỳnh Đức Thanh Bình và Trần Long Phi cũng như người Mỹ gốc Việt Michael Nguyễn Phương Minh. Ông Thịnh, con trai Bình và Phi có tham gia biểu tình trong tháng 6. Trong khi Bình bị cáo buộc "hoạt động nhằm lật đổ" thì vẫn chưa rõ cáo buộc mà ba người kia đang bị điều tra.

Trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh năm nay, lực lượng an ninh tại thành phố Hồ Chí Minh đã bắt giữ hàng chục người, trong đó có 9 thành viên của nhóm Hiến pháp, một nhóm của 18 người hoạt động nhằm cổ súy nhân quyền thông qua việc phổ biến bản Hiến pháp 2013. Công an đã trả tự do cho Phạm Thảo (Facebooker Tâm Tâm Nguyen) nhưng vẫn còn giam giữ 8 người khác. Trong số đó, công an mới chỉ công bố cáo buộc Huỳnh Trương Ca theo Điều 117, và họ cũng không thông báo cho gia đình của 8 người còn lại về việc bắt giữ, nơi giam giữ họ và cáo buộc mà họ phải đối mặt.

Kết án : Trong ba tháng vừa qua, Việt Nam đã kết án 8 nhà hoạt động : Lê Đình Lượng, Đào Quang Thực và Nguyễn Trung Trực theo Điều 79 với mức án tù tương ứng là 20, 13 và 12 năm tù, Đoàn Khánh Vinh Quang, Bùi Mạnh Đông, Nguyễn Hồng Nguyên và Trương Đình Khang với cáo buộc "lợi dụng quyền tự do dân chủ" theo Điều 331 và bị kết án từ 15 đến 30 năm tù.

Người đấu tranh chống tiêu cực, nhà báo công dân Đỗ Công Đương bị kết án 4 năm tù giam vì cáo buộc "gây rối trật tự công cộng" chỉ vì quay phim một vụ cướp chế đất đai.

Tòa án Cấp cao tại Hà Nội đã y án 13 năm tù giam và 5 năm quản chế đối với ông Nguyễn Văn Túc nhưng giảm án của Nguyễn Viết Dũng xuống còn 6 năm tù và 5 năm quản chế trong phiên phúc thẩm của họ

Thêm vào đó, 60 người tham gia biểu tình trong tháng 6 đã bị kết án : 51 trong số họ bị mức án từ 8 đến 54 tháng tù giam, và 8 người bị án quản chế từ 5 tháng đến 18 tháng. Người còn lại, William Anh Nguyên, một công dân Hoa Kỳ, đã bị trục xuất về nước.

Đàn áp trong tù : Trong ba tháng vừa qua, ba nhà hoạt động, tù nhân lương tâm Trần Thị Nga, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Tran Huỳnh Duy Thức bị đàn áp trong tù. Cô Nga bị một tù nhân khác cùng phòng đe doạ, chửi bới và đánh đập, còn cô Quỳnh cũng bị bạn tù đe doạ trong khi ông Thức bị giám thị gây sức ép buộc ông phải nhận tội.

Phản ứng lại với việc bị đối xử hà khắc và đàn áp, ông Thức đã tuyệt thực từ ngày 14/8 đến 16/9 trong khi cô Quỳnh cũng tuyệt thực từ ngày 07 đến 23/7.

Ngày 29/9, gia đình cô Nga, bao gồm hai con nhỏ, từ Hà Nội vào thăm cô nhưng đã bị trại giam Gia Trung từ chối cho gặp cô mà không nêu rõ lý do.

Cùng với những bản án tù nặng nề, tù nhân lương tâm Việt Nam còn bị thêm hình thức trừng phạt khác của chính quyền, là bị đày đi những trại tù xa gia đình. Việc đưa tù nhân lương tâm đi giam giữ nơi xa gia đình nhằm gây khó khăn cho việc thăm nuôi. Cả ông Thức, cô Nga và Quỳnh bị đưa đi những nơi xa gia đình từ 1.000 km đến 2.000 km.

Mãn hạn tù : Ngày 10/8, tù nhân lương tâm Trần Thị Thuý mãn hạn tù sau 8 năm bị giam cầm với cáo buộc theo Điều 88. Hiện cô còn bị án quản chế 5 năm.

*************

Khái niệm "tù nhân lương tâm (prisoner of conscience) được đưa ra bởi Peter Benenson vào những năm 1960. Đó là khái niệm dành cho một cá nhân "bị giam giữ chỉ chính trị, niềm tin tôn giáo, nguồn gốc dân tộc, giới tính, màu da, ngôn ngữ, nguồn gốc quốc gia hoặc địa vị xã hội, kinh tế, khuynh hướng tình dục hoặc tình trạng khác, và không sử dụng bạo lực hoặc cổ suý bạo lực hoặc sự căm thù.

Chiến dịch "NOW ! Campaign" là một chiến dịch theo sáng kiến của BPSOS nhằm kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm ngay lập tức và vô điều kiện. Chiến dịch này nhận được sự hỗ trợ của 14 tổ chức sau : BPSOS, Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders - DTD), Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (Independent Journalists Association of Vietnam- IJAVN), Front Line Defenders (FLD), Civil Right Defenders (CRD), Christian Solidarity Worldwide (CSW), Stefanus Alliance International, Nhóm Nghị sĩ ASEAN về Nhân quyền (Asian Parliamentarians for Human Rights -APHR), The 88 Project, Progressive Voice-Burma, Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam (Vietnam Women for Human Rights - VNWHR), Chiến dịch Loại bỏ Tra tấn ở Việt Nam (Campaign to Abolish Torture in Vietnam - VNCAT), World Organisation Against Torture (OMCT) và Montagnard Human Rights Organization (MHRO).

Bản dịch của Vũ Quốc Ngữ

Nguồn : machsongmedia.com, 01/10/2018

Published in Diễn đàn