Thông cáo báo chí, ngày 01/10/2018
Theo Chiến dịch "NOW ! Campaign", một chương trình có sự tham gia của 14 tổ chức xã hội dân sự Việt Nam và quốc tế, chính phủ Việt Nam hiện đang giam giữ ít nhất 246 tù nhân lương tâm trong tù hoặc trong điều kiện tương tự, so với 165 vào tháng 11 năm 2017, khi chiến dịch được khởi xướng. Với con số tù nhân lương tâm hiện nay, Việt Nam là nước đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á về số lượng người hoạt động bị giam cầm, sau Myanmar.
Con số mới nhất : Việt Nam đang giam giữ 246 tù nhân lương tâm
Con số 246 bao gồm 219 người đã bị kết án, thường với cáo buộc hình sự như là "tuyên truyền chống nhà nước" hay "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền" hoặc "gây mất đoàn kết", và 26 người đang bị tạm giam trước ngày xét xử, và có cả là Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Tăng thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, đang bị quản thúc vô hạn định.
Hàng trăm bloggers, luật gia, người hoạt động về quyền công nhân hay quyền đất đai, người bất đồng chính kiến, và tín đồ của những nhóm tôn giáo không đăng ký đã bị bắt và giam giữ vì đã thể hiện chính kiến về quyền tự do biểu đạt, tự do hội họp, hoặc tự do tôn giáo hay niềm tin. Không một người nào cổ suý bạo động được liệt kê vào danh sách tù nhân lương tâm của NOW ! Campaign.
Trong chín tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã bắt giữ 24 người hoạt động nhân quyền, và kết án 33 người hoạt động với tổng cộng mức án 225,5 năm tù và 56 năm quản chế.
Thêm vào đó, Việt Nam đã kết án 60 người tham gia các cuộc biểu tình hồi giữa tháng 6 để phản đối hai dự luật An ninh mạng và Đặc khu Kinh tế, với tổng cộng 113 năm và 5 tháng tù và tổng cộng 89 tháng quản chế.
Có 148 tù nhân lương tâm thuộc sắc tộc Kinh và 75 người Thượng từ Tây Nguyên, hai người thuộc sắc tộc Khmer Krom. 32 tù nhân lương tâm là nữ, trong đó có cô Rmah Hruth thuộc dân tộc Jarai.
Đa số tù nhân lương tâm bị cáo buộc theo một trong các điều khoản về an ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự như Điều 79, 87, 88, 89 hoặc 258 của Bộ luật hình sự 1999 hay Điều 117, 118, 109 và 331 của Bộ luật hình sự 2015 :
- 38 người hoạt động bị kết án, và 6 người khác bị cáo buộc "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền" theo Điều 79 của Bộ luật hình sự 1999 hay Điều 109 của Bộ luật hình sự 2015.
- 13 người hoạt động bị kết án và 5 người bị cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước" theo Điều 88 của Bộ luật hình sự 1999 hoặc Điều 117 của Bộ luật hình sự 2015.
- 36 người thuộc một số sắc tộc thiểu số bị kết án "phá hoại chính sách đoàn kết" theo Điều 87 của Bộ luật hình sự 1999.
- 12 người hoạt động bị kết án hoặc bị cáo buộc "lợi dụng quyền tự do dân chủ" theo Điều 258 của Bộ luật hình sự 1999 hoặc Điều 331 của Bộ luật hình sự 2015.
- 65 cá nhân bị kết án hoặc đang bị điều tra về cáo buộc "gây rối trật tự công cộng" theo Điều 245 của Bộ luật hình sự 1999 hoặc Điều 318 của Bộ luật hình sự 2015. 59 người bị kết án vì tham gia biểu tình vào trung tuần tháng 6 năm 2018.
- 53 người đang bị giam cầm, tuy nhiên, không có thông tin về cáo buộc hay tội danh chống lại họ.
Bối cảnh : Trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 9, Chính phủ Việt Nam tiếp tục gia tăng đàn áp giới bất đồng chính kiến với việc kết án và bắt giữ nhiều người chỉ trích chính phủ, bloggers, Facebooker, người biểu tình bất bạo động, ...
Để đối phó với sự bất mãn xã hội ngày càng gia tăng và trấn áp giới bất đồng chính kiến, chính phủ Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp hà khắc, bao gồm kết án nhiều người bất đồng kính kiến với những bản án nặng nề, bắt giữ nhiều blogger và cáo buộc họ với những cáo buộc chính trị, và sử dụng biện pháp mạnh để ngăn chặn các cuộc biểu tình trên đường phố.
Các vụ bắt giữ : Từ ngày 1 tháng 7 đến ngày 30 tháng 9, Việt Nam đã bắt giữ 19 nhà hoạt động và blogger. Mười người trong số họ bị buộc tội theo cáo buộc trong Bộ luật hình sự trong khi các cáo buộc chống lại chín người còn lại vẫn chưa được công bố.
Sinh viên đại học Huỳnh Đức Thanh Bình bị buộc tội "âm mưu lật đổ chính quyền" theo Điều 109 của Bộ luật hình sự 2015, trong khi Nguyễn Ngọc Anh, Nguyễn Trung Linh, và Huỳnh Trương Ca bị buộc tội "Làm ra, tàng trữ và phát tán tài liệu chống nhà nước" theo Điều 117. Các blogger Lê Anh Hùng, Nguyễn Hồng Nguyên, Trương Đình Khang, Bùi Mạnh Đồng và Đoàn Khánh Vinh Quang bị buộc tội "lạm dụng quyền tự do dân chủ" theo Điều 331.
Trong khi đó, bà Hoàng Thị Thu Vang, người bị bắt ngày 3 tháng 9, bị cáo buộc "Phá rối an ninh" theo Điều 118 Bộ luật hình sự.
Tất cả những người bất đồng chính kiến bị bắt vì cáo buộc hình sự đều bị biệt giam trong thời gian điều tra. Họ không được phép gặp luật sư của họ, và gia đình của họ không được phép đến thăm họ mà chỉ được tiếp tế thực phẩm, thuốc men và một số nhu yếu cá nhân khác dành cho các tù nhân.
Trong các ngày 7-8 tháng 7, cảnh sát đã bắt giữ Huỳnh Đức Thịnh, cha đẻ của Huỳnh Đức Thanh Bình và Trần Long Phi cũng như người Mỹ gốc Việt Michael Nguyễn Phương Minh. Ông Thịnh, con trai Bình và Phi có tham gia biểu tình trong tháng 6. Trong khi Bình bị cáo buộc "hoạt động nhằm lật đổ" thì vẫn chưa rõ cáo buộc mà ba người kia đang bị điều tra.
Trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh năm nay, lực lượng an ninh tại thành phố Hồ Chí Minh đã bắt giữ hàng chục người, trong đó có 9 thành viên của nhóm Hiến pháp, một nhóm của 18 người hoạt động nhằm cổ súy nhân quyền thông qua việc phổ biến bản Hiến pháp 2013. Công an đã trả tự do cho Phạm Thảo (Facebooker Tâm Tâm Nguyen) nhưng vẫn còn giam giữ 8 người khác. Trong số đó, công an mới chỉ công bố cáo buộc Huỳnh Trương Ca theo Điều 117, và họ cũng không thông báo cho gia đình của 8 người còn lại về việc bắt giữ, nơi giam giữ họ và cáo buộc mà họ phải đối mặt.
Kết án : Trong ba tháng vừa qua, Việt Nam đã kết án 8 nhà hoạt động : Lê Đình Lượng, Đào Quang Thực và Nguyễn Trung Trực theo Điều 79 với mức án tù tương ứng là 20, 13 và 12 năm tù, Đoàn Khánh Vinh Quang, Bùi Mạnh Đông, Nguyễn Hồng Nguyên và Trương Đình Khang với cáo buộc "lợi dụng quyền tự do dân chủ" theo Điều 331 và bị kết án từ 15 đến 30 năm tù.
Người đấu tranh chống tiêu cực, nhà báo công dân Đỗ Công Đương bị kết án 4 năm tù giam vì cáo buộc "gây rối trật tự công cộng" chỉ vì quay phim một vụ cướp chế đất đai.
Tòa án Cấp cao tại Hà Nội đã y án 13 năm tù giam và 5 năm quản chế đối với ông Nguyễn Văn Túc nhưng giảm án của Nguyễn Viết Dũng xuống còn 6 năm tù và 5 năm quản chế trong phiên phúc thẩm của họ
Thêm vào đó, 60 người tham gia biểu tình trong tháng 6 đã bị kết án : 51 trong số họ bị mức án từ 8 đến 54 tháng tù giam, và 8 người bị án quản chế từ 5 tháng đến 18 tháng. Người còn lại, William Anh Nguyên, một công dân Hoa Kỳ, đã bị trục xuất về nước.
Đàn áp trong tù : Trong ba tháng vừa qua, ba nhà hoạt động, tù nhân lương tâm Trần Thị Nga, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Tran Huỳnh Duy Thức bị đàn áp trong tù. Cô Nga bị một tù nhân khác cùng phòng đe doạ, chửi bới và đánh đập, còn cô Quỳnh cũng bị bạn tù đe doạ trong khi ông Thức bị giám thị gây sức ép buộc ông phải nhận tội.
Phản ứng lại với việc bị đối xử hà khắc và đàn áp, ông Thức đã tuyệt thực từ ngày 14/8 đến 16/9 trong khi cô Quỳnh cũng tuyệt thực từ ngày 07 đến 23/7.
Ngày 29/9, gia đình cô Nga, bao gồm hai con nhỏ, từ Hà Nội vào thăm cô nhưng đã bị trại giam Gia Trung từ chối cho gặp cô mà không nêu rõ lý do.
Cùng với những bản án tù nặng nề, tù nhân lương tâm Việt Nam còn bị thêm hình thức trừng phạt khác của chính quyền, là bị đày đi những trại tù xa gia đình. Việc đưa tù nhân lương tâm đi giam giữ nơi xa gia đình nhằm gây khó khăn cho việc thăm nuôi. Cả ông Thức, cô Nga và Quỳnh bị đưa đi những nơi xa gia đình từ 1.000 km đến 2.000 km.
Mãn hạn tù : Ngày 10/8, tù nhân lương tâm Trần Thị Thuý mãn hạn tù sau 8 năm bị giam cầm với cáo buộc theo Điều 88. Hiện cô còn bị án quản chế 5 năm.
*************
Khái niệm "tù nhân lương tâm (prisoner of conscience) được đưa ra bởi Peter Benenson vào những năm 1960. Đó là khái niệm dành cho một cá nhân "bị giam giữ chỉ chính trị, niềm tin tôn giáo, nguồn gốc dân tộc, giới tính, màu da, ngôn ngữ, nguồn gốc quốc gia hoặc địa vị xã hội, kinh tế, khuynh hướng tình dục hoặc tình trạng khác, và không sử dụng bạo lực hoặc cổ suý bạo lực hoặc sự căm thù.
Chiến dịch "NOW ! Campaign" là một chiến dịch theo sáng kiến của BPSOS nhằm kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm ngay lập tức và vô điều kiện. Chiến dịch này nhận được sự hỗ trợ của 14 tổ chức sau : BPSOS, Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders - DTD), Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (Independent Journalists Association of Vietnam- IJAVN), Front Line Defenders (FLD), Civil Right Defenders (CRD), Christian Solidarity Worldwide (CSW), Stefanus Alliance International, Nhóm Nghị sĩ ASEAN về Nhân quyền (Asian Parliamentarians for Human Rights -APHR), The 88 Project, Progressive Voice-Burma, Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam (Vietnam Women for Human Rights - VNWHR), Chiến dịch Loại bỏ Tra tấn ở Việt Nam (Campaign to Abolish Torture in Vietnam - VNCAT), World Organisation Against Torture (OMCT) và Montagnard Human Rights Organization (MHRO).
Bản dịch của Vũ Quốc Ngữ
Nguồn : machsongmedia.com, 01/10/2018