Sự bành trướng của Trung Quốc tại Campuchia khiến người dân nước này bắt đầu chuyển dần từ thái độ 'phân biệt đối xử' với người Việt sang ác cảm với người Trung Quốc.
Người Campuchia biểu tình phản đối Việt Nam trước đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia năm 2014, yêu cầu Việt Nam trả lại vùng đất lịch sử Kampuchea Krom
"Người Campuchia hiện đang lo lắng về người Trung Quốc hơn là người Việt. Trung Quốc đã biến một thành phố biển yên bình và có vị trí đặc biệt trong lòng dân Campuchia thành nơi có nhiều sòng bài, băng đảng, và là nơi rửa tiền", Vũ Minh Hoàng, nghiên cứu sinh Tiến sỹ ngành lịch sử Đông Dương tại Mỹ, nói với BBC News Tiếng Việt từ Phnom Penh.
Có mặt tại Phnom Penh hồi tháng 7/2019 để tham dự Hội thảo quốc tế về Nạn diệt chủng, nhà nghiên cứu Vũ Minh Hoàng cho hay, anh có thêm cơ hội chứng kiến tận mắt ảnh hưởng của Trung Quốc tại đây. Trước đó, anh từng tham dự hội thảo chủ đề "Đầu tư và cạnh tranh giữa Trung Quốc, Việt Nam tại Campuchia qua các thập kỷ" tổ chức tại Mỹ.
'Sự hoài nghi giữa hai dân tộc'
Trong chuyến công tác đến Phnom Penh, chúng tôi muốn tìm hiểu lý do vì sao cộng đồng gốc Việt luôn không được chào đón ở Campuchia, dẫn đến tình trạng hơn 180.000 người không chính phủ, không tương lai tại chính nơi gia đình họ đã sinh sống nhiều đời.
Một người biểu tình Campuchia cầm biểu ngữ kêu gọi Việt Nam rời khỏi Campuchia năm 1979
Khi được hỏi về tình trạng người Việt ở đây không được cấp hộ tịch, nhiều trẻ gốc Việt không có giấy khai sinh, dẫn đến việc không được đi học trường chính phủ, không có bằng cấp, không hộ chiếu, không thẻ ngân hàng, không thể làm việc cho nhà nước, và vòng luẩn quẩn này đã lặp đi lặp lại nhiều đời, nhà nghiên cứu Vũ Minh Hoàng đồng ý rằng, qua các tài liệu lịch sử, "có sự hoài nghi từ rất lâu đời giữa dân tộc Campuchia với người Việt Nam".
Theo nhận định của nhà sử học trẻ, nguồn gốc mối hiềm khích này có lẽ bắt đầu từ thời vua Minh Mạng mang quân can thiệp vào Campuchia. Sang thời Pháp thuộc, người Pháp tiếp tục đưa nhiều người Việt sang làm quan chức cho thể chế thực dân tại Campuchia. Tiếp đến, thời chiến tranh Việt Nam, quân đội Việt Nam đã dùng Campuchia làm nơi vận chuyển vũ khí, lương thực, quân lương dọc theo tuyến đường mòn Hồ Chí Minh.
Một số tài liệu lịch sử cho rằng các việc làm đó của quân Việt Nam dẫn đến việc Mỹ thả bom ở Campuchia.
Các tài liệu và báo chí khác cũng nhắc đến sự kiện lịch sử xảy ra cách đây 40 năm, khi quân đội Việt Nam sang giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ và giúp quốc gia này xây dựng lại đất nước.
Đã có rất nhiều ý kiến khác nhau về sự hiện diện của Việt Nam tại Campuchia khi đó. Trong lòng dân Campuchia từng có ý kiến rằng Việt Nam sau khi 'giải phóng xong' thì không về ngay mà ở lại, muốn 'xâm lược' và 'đô hộ' Campuchia.
"Khi đó, Campuchia đã mất hơn 2 triệu người trong nạn diệt chủng. Chỉ còn lại dân số vỏn vẹn bằng một nửa dân số Hà Nội bây giờ và người dân luôn bị ám ảnh, lo sợ rằng đất nước họ sẽ biến mất. Việt Nam thời đó đã cố gắng rất nhiều để giúp bạn xây dựng lại đất nước, làm nguôi đi những ám ảnh này. Nhưng rất khó, trong công tác với nước bạn thì sẽ luôn có những sai sót, dễ làm họ mặc cảm", Vũ Minh Hoàng nói.
"Đó là do Campuchia từng có một quá khứ huy hoàng khiến hậu duệ sau này khó lòng có thể vượt qua. Họ từng có một đế chế rất lớn trong đó có mảnh đất bây giờ là miền Nam Việt Nam... Những gì đã xảy ra với đế chế này khiến người Campuchia luôn thấy mặc cảm. Cho đến nay, vẫn có sự hoài nghi giữa hai dân tộc".
Biểu tình phản đối Việt Nam tại Campuchia năm 2014
Trung Quốc bành trướng mạnh ở Campuchia
Trong khi các nghiên cứu ít ỏi về cộng đồng gốc Việt vô chính phủ tại đây chỉ ra rằng có rất ít "ánh sáng lạc quan" để họ có thể vươn lên được tại Campuchia, căn cứ vào "lịch sử quan hệ giữa hai cộng đồng người" (như nhận định của Tiến sỹ Christoph Sperfeldt trong "A Boat Without Anchors" (Con thuyền không neo), thì theo nhà nghiên cứu Vũ Minh Hoàng, dường như mới đây đã có chút thay đổi trong cách người Campuchia nhìn nhận về người Việt.
Vũ Minh Hoàng cho rằng đã có những dấu hiệu tốt trong mối quan hệ giữa hai cộng đồng người Việt và Campuchia, đặc biệt trong hai năm qua. Một trong những lý do chính dẫn đến sự thay đổi này là sự xuất hiện của Trung Quốc tại nước này.
"Người Campuchia hiện lo lắng về người Trung Quốc hơn là người Việt. Trung Quốc mua đất, xây sòng bạc ở Campuchia. Một số thế lực ở Trung Quốc chọn Campuchia để đầu tư cho các hoạt động không minh bạch. Điều này khiến người Campuchia mặc cảm. Tinh thần bài Trung đang ngày càng mạnh mẽ tại đây, phủ bóng lên tâm thức 'ghét' người Việt. Không thể nói người Campuchia không còn ghét người Việt, nhưng mức độ đã thay đổi", Vũ Minh Hoàng phân tích.
Bóng dáng của Trung Quốc quả thực rõ mồn một khi chúng tôi ngồi trên xe tuk tuk chạy qua đường phố Phnom Penh, anh lái xe liên tục chỉ ra những tòa nhà "của Trung Quốc" đồ sộ, nguy nga, màu vàng hoặc đỏ lấp lánh.
"Những con đường này cách đây hai năm khi tôi trở về Việt Nam vẫn còn trống không. Thế mà khi quay trở lại đã mọc lên nhiều nhà cửa, công trình của Trung Quốc", anh nói.
Từ nơi chúng tôi ngồi thực hiện cuộc phỏng vấn ven sông Mekong ở Phnom Penh, cũng có thể thấy thấp thoáng các tòa nhà nguy nga của Trung Quốc.
Một casino của công ty Trung Quốc tại Sihanoukville, Campuchia
Trung Quốc đã cho 'khai hoang' Diamond City - một hòn đảo phù sa, nối với thủ đô Phnom Penh bằng 4 cây cầu và đầu tư vào công trình xây dựng các chung cư cao cấp và các tòa nhà thương mại tại đây.
Sự hiện diện của Trung Quốc được thấy rõ với các biển hiệu ký tự tiếng Trung ở khắp nơi.
Thế nhưng, tốc độ xây dựng của Trung Quốc ở Phnom Penh không thấm tháp gì so với ở thành phố biển Sihanoukville - nơi gần đây được báo chí quốc tế mô tả là "thay đổi không thể nhận ra".
Một số người ước tính rằng người Trung Quốc chiếm gần 20% dân số Sihanoukville. Trong tổng số khách nước ngoài trong năm 2017, gần 120.000 là người Trung Quốc - tăng 126% mỗi năm. Trong số 1,3 tỷ đô la Mỹ đầu tư vào Sihanoukville trong năm qua, 1,1 tỷ đô la Mỹ đến từ Trung Quốc.
Theo SCMP, có khoảng 16.000 người Trung Quốc có giấy phép lao động tại Campuchia năm ngoái. Nhiều người hoạt động trong lĩnh vực du lịch và dự án xây dựng ở tỉnh Sihanoukville và tỉnh Koh Kong lân cận.
Tốc độ phát triển đã khiến nhiều người dân địa phương lo lắng. Nỗi sợ hãi này đã thúc đẩy sự thù địch gia tăng giữa những người dân địa phương đối với dòng người Trung Quốc mới. Hai cộng đồng sống cạnh nhau ở Sihanoukville nhưng hiếm khi tương tác.
Sự dịch chuyển của tình cảm yêu ghét
Một nạn nhân sống sót đang được đưa ra từ đồng đổ nát từ vụ sập tòa nhà 7 tầng ở Sihanoukville
Trên một diễn dàn trên mạng xã hội, một người tên Madonith viết :
"Tôi là người Campuchia, tôi biết rằng Trung Quốc đã lấy hai thành phố của Campuchia và biến thành thành phố của họ. Sihanoukville để làm căn cứ thủy quân và Kaoh Kong cho căn cứ không quân".
Còn ông Richard Mackay viết :
"Tôi đã tới Đông Nam Á đầu năm nay. Nơi tệ hại nhất mà tôi viếng thăm là Sihanoukville. Nó là một nơi xấu xí, hỗn loạn nhất mà tôi từng tới. Người ta đã biến một thiên đường mơ màng nơi đây thành một thành phố nghỉ dưỡng kiểu Macau. Tôi nghe nói mafia Trung Quốc và ma túy đã tràn ngập nơi này. Bữa sáng duy nhất mà tôi có thể tìm thấy ở đó là món quẩy Trung Quốc !".
Nhà nghiên cứu Vũ Minh Hoàng cho rằng Trung Quốc đã có vai trò ở Campuchia từ lâu. Nhưng hai năm qua, một phần do công tác đả hổ trong nước của Tập Cận Bình, những quan chức có nguồn tiền không minh bạch, không dùng được tiền đó trên đất Trung Quốc nữa nếu không muốn chịu rủi ro cao, đã tích cực tìm nơi để rửa tiền. Và Campuchia trở thành địa điểm lý tưởng của họ.
"Việc này khiến người Campuchia rất mặc cảm. Tệ hơn, người Trung Quốc không hiểu rõ tầm quan trọng và tình cảm của người Campuchia với Sihanoukville. Khi người Trung Quốc đến Sihanoukville xây dựng, họ đưa nhiều lao động Trung Quốc sang, kể cả thợ xây lẫn kiến trúc sư. Tôi và một số nhà nghiên cứu vừa xem một video âm nhạc của Trung Quốc có hình ảnh các công nhân Trung Quốc đang hát, phía sau là Sihanoukville. Họ hát rằng : Ôi cuộc sống ở Trung Quốc rất khó, ở Sihanoukville còn khó hơn, nhưng chúng tôi sang đây để xây dựng một tương lai đẹp hơn.''
"Đây là mong muốn, ước mơ của người Trung Quốc, nhưng cái mà họ không hiểu được là Sihanoukville đối với người Campuchia có một tầm quan trọng và những ký ức vô cùng mạnh mẽ. Nếu nói chuyện với bất cứ ai ở Phnom Penh, thì họ đều nói về ký ức với bãi biển Sihanoukville đẹp, thanh bình, giá rẻ. Đây cũng là thành phố mang tên Vua Sihanouk được dân Campuchia rất yêu quý. Nên khi họ nhìn thấy thành phố hoàn toàn biến mất thì họ rất đau lòng.
"Sihanoukville hiện còn là nơi chứa chấp các băng đảng tội phạm của Trung Quốc. Năm ngoái, một băng đảng phát tán video nói "họ hoàn toàn thống trị Sihanoukville", khiến mọi người đều lo sợ và giới chức Campuchia đã phải vào cuộc".
"Bản thân chính phủ Trung Quốc cũng nhận thấy rằng những hoạt động bất hợp pháp của một số công ty và các băng đảng Trung Quốc ở Sihanoukville là mối đe dọa cho quan hệ song phương cũng như dẫn đến thâm hụt ngân sách, mất vốn cho nền kinh tế Trung Quốc. Đại sứ quán Trung Quốc đã tuyên bố sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan thẩm quyền Campuchia để giải quyết các vấn đề ở Sihanoukville".
Nhà nghiên cứu Vũ Minh Hoàng nói các vấn đề Trung Quốc - Campuchia hiện nóng bỏng đến nỗi bạn bè anh đang chuyển dần sang nghiên cứu về đề tài này.
Lo ngại về tâm lý bài ngoại ở Campuchia
Tờ SCMP trong một bài báo năm 2018 đã viết rằng với nhiều người Campuchia, sự biến đổi của Sihanoukville là sự chia rẽ. Trong khi một số người Campuchia hưởng lợi từ nguồn tiền mà trước đây họ chưa từng có thì một số khác bị đẩy ra bên lề, khoảng cách giàu nghèo tại Campuchia ngày càng sâu sắc.
Sự bất mãn của người Campuchia với người Trung Quốc càng trầm trọng thêm khi đầu năm 2019, một công trình 7 tầng tại Sihanoukville có chủ đầu tư Trung Quốc bị sập, khiến ít nhất 25 người chết. Mới đây, lại có tin Campuchia cho Trung Quốc sử dụng căn cứ hải quân ở Ream, Sihanoukville - điều mà chính phủ của ông Hun Sen luôn phủ nhận.
Huỳnh Thanh Hiền, một người Campuchia gốc Việt làm móng tại Phnom Penh, nói với chúng tôi rằng một số người Campuchia bề ngoài rất thích người Trung Quốc vì 'lắm tiền' nhưng bên trong thì không ưa.
"Hàng nào có khách Trung Quốc vào sẽ đon đả lắm. Chủ nhà có khách Trung Quốc cũng thích cho thuê hơn là cho khách Việt Nam thuê vì được nhiều tiền hơn. Nhưng trong sâu thẳm thì người Campuchia sợ người Trung Quốc sẽ lấy mất đất đai của mình".
Căn cứ hải quân Ream ở tỉnh Preah Sihanouk của Campuchia đang là tâm điểm chú ý, nơi được nhiều người cho là sẽ trở thành địa điểm cho Trung Quốc sử dụng. Tuy nhiên, Phnom Penh bác bỏ và gọi đó là tin giả
Nhận định về tâm lý bài Trung Quốc thay vì bài Việt Nam ở Campuchia hiện nay, Vũ Minh Hoàng bày tỏ lo ngại rằng "có thể chỉ là nhất thời và không thể coi là một chiều hướng tích cực, nếu nó chỉ thêm dầu vào ngọn lửa bài ngoại, phân biệt chủng tộc ở Campuchia".
"Về lâu dài, những thế lực bài ngoại có thể sẽ gia tăng lực lượng và gây khó khăn cho cả những người gốc Trung Quốc lẫn Việt Nam sinh sống và làm việc hợp pháp tại Campuchia", nhà sử học trẻ nói với BBC News Tiếng Việt từ Phnom Penh.
Chúng tôi tới Campuchia sau tròn 40 năm quân đội Việt Nam giải phóng đất nước này khỏi nạn diệt chủng Khmer Đỏ (1979 - 2019) chỉ để chứng kiến hàng trăm gia đình ở khu vực Biển Hồ bị đưa lên bờ trong điều kiện tạm bợ. Hàng trăm hộ khác cũng sẽ sớm phải rời làng nổi.
Các hộ dân gốc Việt trên sông Tonle Sap nói với BBC rằng không biết phải sống ra sao khi bị đưa lên bờ
Đây là những gia đình thuộc cộng đồng gốc Việt sống trên khu vực Biển Hồ hoặc trên sông Tonle Sap. Họ phần lớn sinh ra tại Campuchia, vốn bị xếp vào những người 'vô chính phủ' do không được công nhận là công dân nước này. Nay họ đối mặt thêm khó khăn mới khi phải dời từ các làng chài đã sinh sống nhiều đời để lên bờ.
Cách thủ đô Phnom Penh hơn hai giờ chạy xe, chúng tôi tới ấp Chong Kok, tỉnh Kampong Chhnang, nằm ven hồ Tonle Sap - một trong những nơi đầu tiên thực hiện kế hoạch di dời của chính phủ Campuchia.
Trên một nền đất trống lơ thơ những bụi cây dại, những chái nhà gỗ nằm phơi dưới nắng tháng Bảy đổ lửa. Khu tạm cư là một vùng đất ngập nước. Nghĩa là tới tháng Mười sắp tới, toàn bộ khu nhà tạm này sẽ là biển nước.
Không điện, không nước sạch, không đường, không trường, không nhà vệ sinh... là điều kiện sống hiện nay của hơn 400 hộ mới lên bờ ở ấp Chong Kok.
Bắt đầu từ ngày 2/10/2018, hơn 400 hộ này bị buộc dọn lên bờ tức thì. "Hộ nào không chịu đi thì chính quyền cho người chặt dây neo, kéo lên bờ", ông Lê Văn Hiền, một người dân trong ấp, kể lại.
Hơn 400 hộ còn lại, hiện đang sống và nuôi cá trên sông, sẽ buộc phải chuyển lên bờ trong thời gian tới.
Tỉnh Kampong Chhnang có khoảng 2.400 gia đình gốc Việt, và là tỉnh có nhiều người Việt thứ hai tại Campuchia. Đa số bà con, dù sinh sống nhiều đời tại đây, vẫn chưa được chính quyền công nhận là công dân Campuchia, chưa được cấp quốc tịch Khmer.
Chiếc ghe là nơi bán hàng và sinh sống của vợ chồng ông Trần Văn Tấn
Ông Huynh Văn Cầu lo lắng mùa nước nổi năm nay nhà sẽ chìm trong nước
Bà Nguyễn Thị Diện (trái), 65 tuổi, nói với phóng viên BBC rằng ở khu tạm cư này khổ nhất là phụ nữ vì không có chỗ tắm và nhà vệ sinh
Tiếp chúng tôi trong căn nhà ghép bằng những tấm ván mỏng kê trên các cọc gỗ đã cũ, đi phải nhón chân sợ sập, ông Huỳnh Văn Cầu nói những căn nhà gỗ họ đang ở chính là căn nhà nổi họ từng sống trên sông. Suốt nửa năm qua bị kéo lên cạn, các phao nổi làm bằng tre, gỗ và các thùng phuy nhựa đã nứt toác, hỏng cả.
"Trước đây ở dưới sông, nước rút đến đâu thì nhà nổi theo đến đó. Nhưng nay các đồ nổi như thanh tre, cọc nứa, thùng phuy… do đem lên bờ cả năm, nắng nóng đã nứt hỏng cả mà không ai có tiền mua đồ mới. Chúng tôi không biết mùa nước nổi năm nay tính sao. Mấy căn nhà này chắc sẽ chìm trong nước cả thôi", ông Cầu nói.
Theo người dân ở đây, họ không biết tương lai ra sao bởi chính quyền không cho họ ở nơi tạm cư này lâu. Lý do vì đây là đất ruộng của người Campuchia, chỉ được ở thuê ở tạm một thời gian ngắn. Nhưng đi đâu tiếp theo thì chưa ai được biết.
Nơi này, bà con cho hay, thực ra cũng do 'đấu tranh quyết liệt' mới được ở tạm. Ban đầu, chính quyền địa phương dự định đưa họ vào một khu 40 hectar nằm cách sông Mekong khoảng 5km. Nơi cũng không có một công trình dân sinh tối thiểu nào.
"Ở đây ít ra cũng gần sông, còn chạy lên chạy xuống được. Vẫn đánh bắt cá được. Nếu ở trong khu đất kia chúng tôi không biết lấy gì mà ăn. Đau ốm cũng không biết chạy đi đâu", ông Huỳnh Văn Cầu nói.
Đời sống bấp bênh, dường như phụ nữ là thiệt thòi hơn cả.
Nhiều gia đình không thể thích nghi với cuộc sống trên bờ đã phải quay lại, sống trong những chiếc ghe chật hẹp
Bà Huỳnh Thị Dương, 45 tuổi, nói không có phòng tắm. Phụ nữ muốn tắm thì lấy nước kéo từ sông rồi đứng dội nước ở góc nhà. "Cũng không ai dám xây nhà vệ sinh. Vì nhỡ bỏ tiền xây xong rồi lại phại chuyển đi".
"Đi đâu cũng được, nhưng an cư mới lạc nghiệp. Chúng tôi không phản đối việc chuyển lên bờ. Nhưng chúng tôi mong chính phủ Campuchia nếu chuyển chúng tôi lên đây thì cho chúng tôi ở nguyên chỗ này để chúng tôi yên tâm làm ăn", ông Huỳnh Văn Cầu bày tỏ.
Nhiều gia đình, do không có kế sinh nhai gì trên cạn, đã bỏ nhà. Họ mua, hoặc thuê một cái ghe nhỏ làm nơi tá túc và chèo ra sông kiếm cá ăn hàng ngày, không quay lại bờ.
Chúng tôi vào những căn nhà bỏ hoang không có cửa trong ấp Chong Kok. Bên trong sơ sài chiếc bàn thờ phủ bụi. Vài chiếc xoong, nồi nằm trong xó nhà. Những dây quần áo treo ngoài hiên từ lâu không có người thu lại đã bạc màu, phủ đầy bụi. Dân ở đây nói trong số hơn 400 hộ lên bờ thì hơn một nửa trong số đó đã bỏ nhà.
Chèo thuyền đưa chúng tôi đi thăm làng chài trên dòng Tonle Sap, ông Trần Văn Tấn, 45 tuổi, chỉ cho chúng tôi chiếc ghe chở đầy rau củ là nơi bán hàng và sinh sống của vợ chồng ông. "Nhà nổi tôi bán rồi. Mua chiếc ghe này bán hàng và ở luôn. Lên bờ không biết sống bằng gì", ông Tấn nói.
Chính quyền nói gì ?
Trao đổi với phóng viên BBC, đại sứ Việt Nam tại Campuchia, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Quang Minh cho hay Kampong Chhnang là tỉnh đầu tiên chính quyền Campuchia thí điểm đưa người dân sống trong các làng nổi trên sông Mekong lên bờ.
Đại sứ Vũ Quang Minh cho BBC hay rằng sau khi đi thăm bà con tại một số điểm tạm cư, ông có phần lo lắng về tình trạng bà con tại ấp Chong Kok.
"Tinh thần của nhà nước Việt Nam là ủng hộ chủ trương bảo vệ môi trường của Nhà nước Campuchia, và bà con gốc Việt cần tuân thủ mọi luật pháp, chính sách của chính quyền sở tại. Việc sinh sống xả thải trực tiếp trên sông nhiều năm qua đã góp phần gây ô nhiễm nguồn nước. Bên cạnh đó, cuộc sống trên sông nước cũng khá bấp bênh, đặc biệt là điều kiện học tập của trẻ em. Nguồn thuỷ sản cũng dần cạn kiệt và thu nhập ngày càng giảm. Do đó việc ổn định cuộc sống cho bà con là hết sức cần thiết", đại sứ Vũ Quang Minh nói.
"Tuy nhiên chúng tôi mong muốn chính quyền Campuchia có kế hoạch thực hiện việc di dời theo lộ trình từng bước, đảm bảo các điều kiện về cơ sở hạ tầng, nước sạch, xử lý chất thải, trường học, trạm xá, duy trì kế mưu sinh và chuyển đổi nghề nghiệp cho bà con nếu cần thiết trước khi di dời".
Trong toàn tỉnh Kampong Chhnang có 6 nơi thực hiện chính sách này. Trong đó, đại sứ Vũ Quang Minh cho là có nơi có dấu hiệu lạc quan. Chẳng hạn khu tạm cư cho người Việt tại huyện Boribor, tỉnh Kampong Chhnang. Nơi này, chính quyền đã cho đào một con kênh nối với sông Mekong. Bà con người Việt sẽ được đưa lên sinh sống tại hai bờ con kênh này và vẫn có thể nuôi cá, chèo thuyền ra sông.
Bà Huỳnh Thị Dương, 45 tuổi, sống trong căn nhà tạm bợ này từ 6 tháng qua, kể từ khi chuyển lên bờ
Tờ Phnom Penh Post hồi tháng 1/2019 cho hay đã có hơn 3.000 gia đình gốc Việt sống trên Biển Hồ đã tự nguyện tái định cư đến các khu vực cao hơn theo quy hoạch của chính quyền Campuchia. Còn 750 hộ khác đang nuôi cá bè được ở lại nhưng sẽ phải dọn lên bờ sau 6 tháng.
Ông Chhour Chandoeun, tỉnh trưởng tỉnh Kampong Chhnang, khi đó nói kế hoạch di dời sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn một bao gồm xây cơ sở hạ tầng phù hợp cho dân tái định cư. Trong giai đoạn hai, chính quyền Campuchia sẽ hợp tác với các công ty tư nhân chuẩn hóa các bè nuôi cá trên Biển Hồ trước khi biến chúng thành điểm tham quan du lịch có thu phí.
Dù vậy, đại sứ Vũ Quang Minh cho BBC hay rằng sau khi đi thăm bà con tại một số điểm tạm cư, ông có phần lo lắng về tình trạng bà con tại ấp Chong Kok.
"Tôi thấy mô hình đưa dân làng nổi lên bờ ở một số điểm di dời còn nhiều bất cập. Bởi lẽ họ bị đưa lên bờ trong khi trước đó không có dịch vụ an sinh tối thiểu được xây dựng, mặc dù gần đây chính quyền tỉnh có nỗ lực như cung cấp nước sạch, nhưng điểm di dời xa sông trong khi chưa có khả năng thay đổi nghề nghiệp mưu sinh... Đất ở hiện nay bà con tự thuê của tư nhân nhưng cũng chưa rõ có thể thuê lâu dài không và mức giá bao nhiêu".
'Mắc kẹt'
Cảnh sống tạm bợ của người dân gốc Việt ấp Chong Kok, tỉnh Kampong Chhnang, sau khi lên bờ
Việc đưa người gốc Việt sống trong các làng nổi trên sông Mekong lên bờ thực ra không phải là chính sách mới của chính quyền Campuchia.
Trong báo cáo của Đại diện Đặc biệt cho Tổng Thư ký LHQ (SRSG) về tình hình nhân quyền tại Campuchia, tác giả Thomas Hammarberg đề cập đến một sự kiện năm 1999 khi chính quyền Phnom Penh quyết định di dời khoảng 700 gia đình gốc Việt sống trên những ngôi nhà nổi trên sông Bassac đến tỉnh Kandal.
"Khi các gia đình Việt Nam bắt đầu đến nơi được chỉ định để tái định cư, chính quyền địa phương đã cố gắng ngăn họ ở lại. Hơn một trăm gia đình tiếp tục xuôi dòng về biên giới Việt Nam, nơi họ cho hay bị ngăn không cho ngược dòng hoặc qua biên giới. Ví dụ này nêu bật tình trạng bấp bênh của người gốc Việt ở Vương quốc Campuchia, khi họ mắc kẹt giữa Campuchia và Việt Nam".
Một nguồn tin giấu tên cho BBC hay việc can thiệp để cải thiện tình trạng của cộng đồng gốc Việt tại Campuchia rất phức tạp và nhạy cảm.
Ngoài sự không thích người Việt đã ăn sâu bám rễ vào tiềm thức dân Campuchia qua nhiều thế hệ, từ đó dẫn đến việc cộng đồng gốc Việt bị phân biệt đối xử, tới việc ngay cả chính phủ Việt Nam được cho là làm gì cũng phải thận trọng để tránh bị xem là "can thiệp vào vấn đề nội bộ" của Campuchia, cho tới việc dường như có sự thiếu đoàn kết ngay trong cộng đồng.
Trong cuộc nói chuyện với chúng tôi, nhiều người dân ấp Chong Kok cho hay khu đất 40ha nằm cách sông Mekong 5km - nơi ban đầu họ bị 'ép' chuyển vào đó - là của một nhân vật đại diện cho cộng đồng gốc Việt trong tỉnh. Vị này được cho là 'bắt tay' với chức sắc địa phương để bán lô đất cho dân làng chài với giá vài ngàn đô la cho 100 mét vuông đất nền.
"Hiện đã có vài chục hộ có tiền, đã mua. Họ bị lừa. Vì vào trong đó rồi thì chả có gì ngoài những hứa hẹn", một người dân nói.
"Ông ấy trước cũng là một người trong số chúng tôi. Người dân tín nhiệm nên bầu ông ấy lên. Và giờ ông ấy như thế", một người khác nói.
BBC không có điều kiện để kiểm chứng các thông tin này một cách độc lập.
Trong email gửi BBC, Tiến sỹ Christoph Sperfield, một trong hai tác giả của nghiên cứu mang tên "A Boat Without Anchors" về tình trạng pháp lý của cộng đồng gốc Việt tại Campuchia xuất bản năm 2012, nhận định : "Nhìn chung, nhiều người trong các cộng đồng này gặp trở ngại khi nói lên các vấn đề của mình tới những người ra quyết định".
"Cư dân Việt Nam cư trú lâu dài ở Campuchia (tức là những người cư trú tại Campuchia trước năm 1975 và chỉ sống sót dưới chế độ Khmer Đỏ nhờ họ bị trục xuất về Việt Nam) đã trải qua một loạt các cuộc đàn áp và phân biệt đối xử trong quá khứ... Trong bối cảnh đó, có thể hiểu rằng nhiều cộng đồng Việt Nam sợ nói ra trước công chúng sự thiệt thòi của họ - và mức độ người dân được tham gia trong quá trình ra quyết định còn thấp".
Mỹ Hằng
Nguồn : BBC, 30/07/2019
Khi sự kiện biểu tình mới đây của Hong Kong gây chấn động toàn thế giới, bắt đầu có những bàn tán ở Việt Nam rằng chúng ta có thể có một Joshua Wong hay không.
Việt Nam có thể có một Joshua Wong hay không ?
Trong quá trình phỏng vấn các nhân vật, điều mà tôi nhận thấy là tiếng nói của giới trẻ Việt Nam dường như chưa được đánh giá đúng mức, bởi 'người lớn'.
Joshua nói anh nhớ tới lời dạy của Thánh Paul trong Kinh Thánh : "Đừng để ai coi thường anh vì anh còn trẻ".
Vì thấm nhuần bài học ấy mà Joshua Wong không từ bỏ lý tưởng từ khi còn là học sinh lớp Tám, khi kiên quyết đứng lên phản đối việc Trung Quốc đưa chương trình sách giáo khoa 'tẩy não' vào trường học ở Hong Kong.
"Tôi biết tôi chẳng thể nào ngồi yên không làm gì cả... Chính lúc ấy tôi thành lập tổ chức học sinh tên Học dân tư triều với nhóm nhỏ học sinh trung học để bảo vệ tư duy tự do và độc lập trong lớp học qua những cuộc biểu tình và các cách phản kháng ở cơ sở".
Có phải cũng chính vì thấm nhuần tư tưởng trong bài giảng của Thánh Paul mà những bạn trẻ Việt Nam tôi phỏng vấn đã kiên quyết dấn thân kể cả khi không có nhiều hậu thuẫn ?
"Mỗi người có thể là một Joshua Wong"
Ở tuổi 21 tuổi, Cát Linh sở hữu một Fan Page với gần 70.000 followers, nơi cô thường xuyên đăng quan điểm cá nhân về các vấn đề luật pháp, chính trị, xã hội. Cô cũng phổ biến kiến thức về Hiến pháp Việt Nam.
Cát Linh - Ảnh minh họa
Cát Linh kể lại rằng cô không nhận được sự ủng hộ từ gia đình, bạn bè, hay nhà trường, cho những việc mình làm.
"Họ luôn phản đối tôi, nếu không thì cũng không quan tâm gì. Thậm chí việc nhỏ nhất như like một bài viết của tôi, hay để một comment bên dưới, họ cũng không bao giờ làm".
Sự trưởng thành trong nhận thức và kiến thức pháp luật, chính trị xã hội của Cát Linh hiện nay bắt nguồn từ việc mà như cô nói "bước ra đời, chứng kiến sự đau khổ của người khác và những vấn đề nhức nhối trong xã hội, đồng thời gặp được những người chia sẻ kỹ năng và kiến thức mà họ có".
"Ngoài ra tôi rất tôn trọng sự thật, ghét sự giả dối, nên khi nhìn thấy bất công thì không thể chịu đựng nổi. Tôi không cần biết chế độ của ta là độc tài hay cái gì, nhưng chỉ cần các vị bất công với người dân thì các vị cần phải thay đổi".
Khi được hỏi bạn bè đồng trang lứa có nhiều người cùng chí hướng như cô hay không, Cát Linh nói 'dường như hiếm'.
"Thực sự tôi không quen nhiều người giống như tôi, ở độ tuổi như tôi hoặc trẻ hơn. Một số người tôi biết thì đang ngồi trong tù như Trần Hoàng Phúc, hay Nguyễn Văn Hóa, họ còn rất trẻ".
Cát Linh không mấy lạc quan về một 'Joshua Wong của Việt Nam' trong tương lai gần, nhưng nếu học quan tâm tới thời cuộc từ bây giờ thì điều đó là có thể.
"Cuộc biểu tình mới đây giới trẻ Hong Kong không có một người lãnh đạo cụ thể. Ngay cả Joshua Wong cũng chỉ là một nhân vật mang tính biểu tượng. Nghĩa là giới trẻ Hong Kong chứng minh được họ là những thủ lĩnh độc lập".
"Tại sao tất cả chúng ta không phải là thủ lĩnh của chính mình mà phải chờ đợi một cá nhân nào đó. Và nếu không có ai đó xuất hiện thì chúng ta nản chí. Mỗi người đều có thể trở thành một Joshua Wong của chính mình".
"Do thiếu nền tảng giáo dục trong gia đình và nhà trường nên giới trẻ không nhận thức được việc cần quan tâm đến những vấn đề xung quanh. Nếu các bạn trẻ trang bị kiến thức về quyền công dân theo đúng hiến định và thể hiện được các quyền ấy thì đã có thể trở thành một thủ lĩnh độc lập rồi, chứ không cần ai dẫn dắt mình cả".
Joshua Wong : Sinh 13/10/1996, là một trong những gương mặt tiêu biểu của phong trào dân chủ Dù Vàng Hong Kong.
Anh đi tù 2 lần năm 2017, 2018.
Ra tù ngày 17/6/2019, anh tiếp tục tham gia biểu tình đòi bãi bỏ luật dẫn độ sang Trung Quốc.
"Ví dụ khi hiểu hơn về hiến pháp liên quan đến những vấn đề mà mình va chạm hàng ngày thì chúng ta đã cứng rắn hơn trong các kiến thức luật pháp. Như thế thì chính quyền buộc phải lắng nghe các công dân như chúng ta".
"Chúng ta không so sánh được với Hong Kong, nhưng muốn được xuống đường như họ, và muốn người ta bảo vệ quyền của mình, thì chúng ta phải thể hiện quyền của mình trong những việc nhỏ nhất, bình thường nhất. Từng bước từng bước một. Trước hết, có thể thực hiện quyền bày tỏ chính kiến, quyền khiếu nại, khiếu kiện, giám sát của công dân. Lên Facebook là một cách. Sau đó, mới ép dần bộ máy chính quyền đi vào chuẩn mực của hiến pháp và luật pháp".
Bản thân Cát Linh nói cô chỉ biết làm hết sức mình như hiện nay, hi vọng lan tỏa được đến nhiều người và ảnh hưởng đến nhận thức của các bạn trẻ khác.
"Ví dụ hiện nay Trung Quốc vẫn đang tìm cách đánh phá các tàu cá của chúng ta trên Biển Đông. Đây là một hình thức vi phạm chủ quyền, có lẽ nó không diễn ra trên đất liền nên người dân chưa cảm nhận được. Nó cũng là một hiện trạng đau lòng và nguy hiểm, nên chúng ta không cần phải đợi sự kiện lớn nào xảy ra cả, mà chúng ta cần chuẩn bị ngay từ bây giờ cho các sự kiện như thế. Vì với những vấn đề nhò thì vẫn cần có trách nhiệm xã hội cơ mà ?"
"Muốn thế, ngay từ bây giờ chúng ta cần chuẩn bị kiến thức luật pháp để nhận thức đúng trách nhiệm của mình đối với xã hội. Chúng ta cần phải có tinh thần chung sống và tinh thần cộng đồng, phải hạ thấp chủ nghĩa cá nhân và cái tôi quá lớn".
"Tôi mong muốn các bạn nhìn rộng ra một chút. Hiện nay chúng ta có internet nên có thể tìm hiểu tiếng nói của lề trái, lề phải, của thế giới, để từ đó có cái nhìn của riêng mình. Cái nhìn đó chắc chắn sẽ có ích cho bản thân bạn và xã hội".
"Bắt đầu từ giáo dục trong gia đình"
Trong khi đó, với Thùy Dương, người trở nên nổi tiếng sau phát ngôn mạnh mẽ và cú ném dép vào đoàn đại biểu quốc hội tiếp xúc với cử tri quận 2, TP Hồ Chí Minh năm 2017, liên quan đến vấn đề đất đai Thủ Thiêm, "nếu mỗi bậc phụ huynh giáo sẵn sàng từ bây giờ thì 'vẫn còn kịp' để có một thế hệ con cái như Joshua Wong".
Nguyễn Thùy Dương trong một lần chất vấn các đại biểu quốc hội tại một cuộc tiếp xúc cử tri
Chia sẻ với BBC, Thùy Dương nói khi mới đôi mươi, độ tuổi của Joshua Wong bây giờ, cô du học ở Singapore. Khi đó các ý kiến của cô - nay được ủng hộ rầm rộ trên mạng xã hội - lúc đó bị hầu hết bạn bè nhận xét là 'điên khùng'.
Cô cũng không nhận được sự ủng hộ từ gia đình. Hiện nay mẹ Dương là người phản đối và 'gây cản trở nhiều nhất' khi cô trở thành gương mặt gây ảnh hưởng trên Facebook với hàng chục ngàn người theo dõi.
Nhưng Dương cảm thông với điều đó vì cô cho rằng, thế hệ bố mẹ cô đã trải qua nghèo đói, ít học, khiến họ sợ hãi.
"Đừng vội so sánh thanh niên Việt Nam với Joshua Wong. Cậu ấy có thể thuyết phục được các học sinh đồng trang lứa hay các anh chị lớn hơn một chút là điều dễ hiểu. Cậu ấy được sự ủng hộ của gần như toàn bộ dân Hong Kong, đồng nghĩa với tầng lớp trí thức, chính trị gia, doanh nghiệp, tất cả phụ huynh..".
"Họ tôn trọng quyết định đấu tranh đòi quyền được bảo vệ mình của thế hệ trẻ. Rõ ràng mỗi gia đình của chúng ta đều có ít nhất một hay nhiều Joshua Wong. Chỉ có điều chúng ta không đủ cảm thông, không đủ chia sẻ, không đủ kiên nhẫn để Joshua Wong đó đứng vững trên đôi chân của chúng".
"Rất nhiều bạn trẻ Việt Nam tới khi lập gia đình, có con cái, vẫn được bố mẹ bao bọc. Điều này tạo ra một thế hệ chỉ biết hưởng thụ. Hơn nữa, các bậc cha mẹ Việt Nam có thể đi chùa, đi đền, cúi đầu thành kính trước một vị anh hùng nào đó trong quá khứ. Nhưng chính họ lại không sẵn sàng để con mình trở thành một anh hùng... Nhưng họ có thể thay đổi ngay từ bây giờ việc giáo dục trong gia đình".
Ngay bản thân Dương, khi đăng đàn phát biểu công khai về những vấn đề bức xúc trong xã hội, cô nói đó là do cô 'không cho phép mình trở thành lá chắn che mất thế giới thật của con trẻ".
"Trong thời đại này, chúng ta có cơ hội được học hỏi qua internet và thừa hưởng các thành tự của một nền khoa học phát triển".
"Chúng ta có trách nhiệm ươm mầm cho con trẻ chứ đừng trông chờ vào hệ thống giáo dục hiện nay của Việt Nam. Hãy dạy dỗ cho trẻ lớn lên trong tình yêu thương thay vì thù hận. Bởi khi có yêu thương tự chúng sẽ biết đau lòng cho đồng loại, phẫn uất trước những bất công".
"Chúng ta có được Joshua Wong của mình hay không ? Câu trả lời dành cho các bậc phụ mẫu hôm nay", Thùy Dương nói.
Mỹ Hằng
Nguồn : BBC, 21/06/2019
Kết luận mới đây về đất đai ở Đồng Tâm, Hà Nội của Thanh tra Chính phủ khơi lại tranh chấp vốn đã nóng bỏng giữa chính quyền với người dân nơi đây.
Hôm 22/4/2017, Chủ tịch Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung đã xuống ký giấy cam kết không truy tố người dân Đồng Tâm vì đã giam giữ các cán bộ
"Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Thành phố Hà Nội nói tới đây sẽ cho bộ đội về xây dựng trên đất Đồng Tâm. Tôi thì cho rằng bộ đội sẽ không ủng hộ đâu. Còn nếu cố tình đưa Viettel về lấy đất thì dân Đồng Tâm sẵn sàng hi sinh giữ đất".
"Nhà nào ở Đồng Tâm cũng đã trang bị đầy đủ rồi, sẽ không bắt giữ người như năm 2017 nữa đâu mà chắc chắn sẽ đổ máu 'như Gò Đống Đa'. Bởi vì chính quyền Hà Nội đã chèn ép người dân quá đáng", ông Lê Đình Công, xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội, nói với BBC hôm 22/5.
Trao đổi của ông Công với BBC được thực hiện sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận về đất đai quê ông, khẳng định mảnh đất 59ha ở Đồng Sênh, thuộc Đồng Tâm, là 'đất quốc phòng', và thuộc sân bay Miếu Môn. Tuyên bố được đưa ra 2 năm sau vụ việc dân Đồng Tâm bắt 38 cảnh sát làm con tin gây chấn động trong cuộc chiến '36 ngày đêm giữ đất'.
Trong buổi công bố của Thanh tranh Chính phủ hôm 25/4, dân Đồng Tâm không được mời tham dự.
'Cuộc đấu trí mới'
Cụ Lê Đình Kình, đại diện người dân Đồng Tâm, nói "sau kết luận của Thanh tra Chính phủ, dân Đồng Tâm 'bước vào một cuộc đấu trí mới', 'chống tham nhũng và lợi ích nhóm', trong cuộc họp thường kỳ của bà con Đồng Tâm hôm 20/5.
'Cuộc đấu trí mới' theo lời ông Công và cụ Kình, là làm việc với các luật sư để bảo vệ quyền lợi về mặt pháp lý do dân Đồng Tâm và tiếp tục gửi các văn bản kiến nghị tới Chủ tịch nước và Thủ tướng.
Dù vẫn ngồi xe lăn sau thương tật ở chân từ vụ việc năm 2017, cụ Kình đã đích thân lên Thủ đô Hà Nội để gặp gỡ, trao đổi với một nhóm luật sư có uy tín và từng giúp dân nghèo tranh tụng các vụ việc tương tự.
"Tới đây nhóm luật sư sẽ chính thức gửi đơn tới Thủ tướng chính phủ đề nghị giải quyết vụ việc này, đồng thời đề nghị Bộ Quốc phòng phải có văn bản trả lời rõ cho người dân Đồng Tâm đất quốc phòng là từ đâu, ranh giới, mốc giới như thế nào ? Và yêu cầu thanh tra Hà Nội và thanh tra chính phủ phải về đối thoại với dân Đồng Tâm".
Ông Lê Đình Công nói thêm rằng đoàn Thanh tra Hà Nội từng về đo đạc từng mốc giới và diện tích đất tại Đồng Tâm tháng 5/2017 "nhưng khi ra kết luận thanh tra họ lại không đưa vào biên bản làm việc buổi hôm đó mà chỉ kết luận vu vơ một câu rằng 'toàn bộ đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng 64,66ha, hoàn toàn không có đất nông nghiệp".
"Đây là một kết luận sai trái", ông Công nói. "Chúng tôi nhiều lần yêu cầu Thanh tra Hà Nội đưa bằng chứng, cơ sở pháp lý 59ha này là đất quốc phòng như kết luận của họ. Nếu thế thì chỉ cần sau 3 tiếng đồng hồ dân Đồng Tâm sẵn sàng giao đất. Nhưng đến nay họ không đưa được bằng chứng và cũng không dám về đối thoại với dân dù chỉ một lần".
"Đồng Tâm tới nay cũng đã gửi tổng cộng 15 lá đơn tới Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội... Nhưng chưa hề có ai hồi âm chúng tôi".
Cụ Kình thì nhắc lại rằng mình chính là một trong những nhân chứng sống, đã quản lý đất nông nghiệp và tham gia bàn giao đất cho quốc phòng từ những năm 1980 ở Đồng Tâm. Thế nhưng Thanh tra Chính phủ chưa bao giờ đối thoại với cụ hay bất cứ người dân nào ở Đồng Tâm.
Cụ khẳng định lại mảnh đất 59ha ở Đồng Xênh là đất nông nghiệp, hoàn toàn tách biệt với mảnh 47,36ha đã giao cho quốc phòng từ năm 1980 mà hiện chính quyền đang cố tình 'nhập nhèm', 'lẫn lộn' hai mảnh này với nhau.
"Đề nghị đoàn thanh tra về Đồng Tâm đo đạc, cập nhật các bằng chứng, số liệu có căn cứ chính xác, và gặp các nhân chứng sống...", ông Lê Đình Công nói với BBC.
Trong bài phát biểu kỷ kiệm 2 năm sự việc Đồng Tâm, cụ Bùi Quốc Hiểu, nguyên Chủ tịch hợp tác xã nông nghiệp Đồng Tâm, nguyên phó công an xã Đồng Tâm, nói "Nhân dân xã Đồng Tâm [đã] rất tin tưởng vào đảng, coi đây là chỗ dựa vững chắc, là niềm hy vọng cuối cùng. Nhưng lâu quá, chỗ dựa lại bị lung lay, mối nghi ngờ càng ngày càng lớn, sự tin tưởng của người dân càng ngày càng giảm dần".
Còn cụ Lê Đình Kình, 84 tuổi, nguyên bí thư đảng ủy xã Đồng Tâm, nguyên Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm, thì nói "ông Nguyễn Đức Chung luôn luôn lươn lẹo, bóp méo sự thật, vừa đá bóng, vừa thổi còi... Hoàn toàn quan liêu, xa rời quần chúng, coi dân như cỏ rác, coi thường những người khiếu nại, tố cáo".
Cụ cũng nhắc đến 19 điều cấm đảng viên không làm, "như ông Nguyễn Xuân Phúc từng nói "cái nào của nhà nước nhà nước sử dụng, phần nào của dân phải trả dân. Nhà nước thượng tôn pháp luật".
Trong vụ việc năm 2017, cụ Kình từng bị cảnh sát bắt đi sau đó trả về với thương tật ở chân mà sau này cụ cáo buộc do bị một cảnh sát tên Tùng đánh.
Ông Chung Chủ tịch Hà Nội từng hứa sẽ điều tra việc này nhưng đến nay chưa thấy quy trách nhiệm cho ai.
'Manh mối cho Đồng Tâm' ?
Người dân Đồng Tâm sau một cuộc họp thường kỳ
Trao đổi với BBC hôm 21/5, luật sư Ngô Anh Tuấn - thuộc nhóm luật sư đang trợ giúp pháp lý cho dân Đồng Tâm - nói qua nghiên cứu hồ sơ vụ việc đã tìm ra một số manh mối về địa giới đất đai ở Đồng Tâm.
"Manh mối thì nhiều và sẽ được chứng minh trong quá trình đối thoại với chính quyền. Vấn đề là chính quyền chưa từng đối thoại thực chất với dân Đồng Tâm bao giờ".
"Hiện thời chúng tôi chưa muốn tiết lộ chi tiết, nhưng các luật sư sẽ giúp người dân đấu tranh để trước hết, được đối thoại với chính quyền. Qua đối thoại mới vỡ ra được các vấn đề khác. Thậm chí có thể đạt được một số thỏa thuận nào đó mà hai bên chấp nhận được", luật sư Tuấn nói với BBC từ Hà Nội.
Trong khi đó, ông Lê Đình Công cũng giải thích với BBC rằng dân 'quyết chiến' giữ đất dù việc cày cấy thu nhập không đáng kể, là do chính quyền nhậm nhèm giá trị sử dụng đất.
"Trước hết, chính quyền cần minh bạch rằng đây là đất nông nghiệp - nơi ông cha chúng tôi đã cày cấy bao đời nay. Sau đó, nếu họ muốn thu hồi cho mục đích gì thì mới tính tiếp đến chuyện lấy ý kiến của bà con để thỏa thuận phương án, mức giá đền bù theo nguyện vọng của dân. Chứ không thể 'lập lờ' rằng đây là đất quốc phòng để cướp của dân".
Theo ông Công, từ những năm 1980, dân Đồng Tâm đã "cống hiến 50% đất canh tác cho quốc phòng (400ha) làm sân bay, trường bắn, kho gạo, khu kỹ thuật... Còn một chút ít đất nữa để canh tác ở mảnh 59ha thì nay chính quyền lại định cướp nốt".
Khu đất 47,36ha phía Đông đã được bàn giao cho chính quyền, sau này là quân đội từ 1981. Người dân nói đất phía tây mốc giới là đất nông nghiệp vì chưa có quyết định thu hồi, trong khi chính quyền nói đó là đất quốc phòng
Chính quyền nói gì ?
Hôm 25/4, Thanh tra Chính phủ thông báo kết luận về đất đai ở Đồng Tâm. Theo đó, "toàn bộ diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm là đất quốc phòng", và rằng kết luận của Thanh tra Hà Nội năm 2017 là 'chính xác'.
Phát biểu sau đó, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ nói có 'sơ hở trong quản lý đất đai' khiến dân Đồng Tâm cho rằng đó là 'đất để canh tác, trong khi về mặt pháp lý lại là đất quốc phòng từ lâu".
Từ kết luận này, Thanh tra Chính phủ kiến nghị thành phố Hà Nội chỉ đạo UBND huyện Mỹ Đức thực hiện công tác di dời bồi thường và tái định cư cho 14 hộ dân đang sử dụng đất sân bay Miếu Môn.
Theo kết luận của Thanh tra Hà Nội năm 2017, toàn bộ diện tích đất sân bay Miếu Môn là hơn 200 ha, trong đó hợp tác xã nông nghiệp Đồng Tâm đã bàn giao mảnh 47,36ha từ năm 1980. Và hiện cần bàn giao nốt mảnh 59ha.
Vụ Đồng Tâm diễn ra như thế nào ?
11/2016 : Tranh chấp giữa dân Đồng Tâm và chính quyền bắt đầu căng thẳng từ khi UBND huyện Mỹ Đức căng dây khắp khu vực 59h ở tây Đồng Sênh, san gạt một số mặt bằng và cắm biển 'Vùng cấm - Khu vực quân sự'".
2/2017 : Người dân thu dây, nhổ biển báo "Khu vực quân sự" và đưa máy móc vào canh tác, dẫn đến việc giới chức huy động hàng trăm công an, cảnh sát, an ninh dân phòng, xe vòi rồng, xe cứu thương đến nơi.
15/4/2017 : Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi chính người dân Đồng Tâm bị bắt giữ và khi được giới chức mời ra khu đất có tranh chấp để 'làm việc', và bị đưa về Hà Nội, trong đó có ông Lê Đình Công và cụ Lê Đình Kình. Dân Đồng Tâm đáp trả bằng cách bắt giữ 38 cán bộ và cảnh sát, giam tại nhà văn hóa thôn trong 7 ngày.
22/4/2017 : Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch TP Hà Nội phải về Đồng Tâm đối thoại với bà con. Tại đây ông Chung ký vào bản cam kết viết tay về việc sẽ làm rõ nguồn gốc khu đất sân bay Miếu Môn, đồng thời không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm. Đổi lại ông Chung được 'trả người'.
13/6/2017 : Công an Hà Nội khởi tố vụ án hình sự liên quan việc dân Đồng Tâm bắt giữ 38 người thi hành công vụ.
Cụ Lê Đình Kình sau đó nói với BBC rằng ông Nguyễn Đức Chung "phản bội ý kiến và danh dự của chính ông ấy".
7/2017 : Thanh tra Hà Nội công bố kết luận : "Toàn bộ diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm là đất quốc phòng".
2017-2019 : Ông Lê Đình Kình (đại diện cho dân Đồng Tâm) nhiều lần gửi đơn lên Thanh tra Chính phủ đề nghị xem xét tính chính xác của kết luận của Thanh tra Hà Nội, khẳng định 59ha đất Đồng Sênh là đất nông nghiệp của Đồng Tâm từ bao đời nay, không phải đất quốc phòng. Mảnh này tiếp giáp với mảnh 47,36ha đã được giao cho Bộ Quốc phòng từ lâu như một phần của sân bay Miếu Môn.
Dân Đồng Tâm chất đất, đá, cành cây thành 'chiến sự' trong làng trong vụ tranh chấp đất với chính quyền năm 2017
Theo người Đồng Tâm, các cán bộ địa phương đã lập lờ khi báo cáo về hai khu đất này khiến chính quyền hiểu nhầm khu 59ha cũng trùng với khu .
Dân Đồng Tâm tổ chức các buổi họp truyền hình trực tiếp trên Facebook hàng tháng để thông báo diễn biến mới trong vụ tranh chấp đất đai với chính quyền.
26/3/2018 : Quân đội cho đào hào quanh khu 47,63ha để phân định với khu đất nông nghiệp Đồng Sênh khiến dân Đồng Tâm rất phấn khởi. Ông Lê Đình Công nói với BBC vào thời điểm đó rằng "Quân đội đã có chiều hướng ủng hộ nhân dân Đồng Tâm".
25/4/2019 : Thanh tra Chính phủ khẳng định nội dung kết luận thanh tra đất đai tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) của Thanh tra Hà Nội là chính xác.
Mỹ Hằng
Nguồn : BBC, 28/05/2019
Tại Việt Nam, đường cao tốc La Sơn - Túy Loan xuyên qua khu vực Vườn quốc gia Bạch Mã sắp hoàn thành, trong lúc có ý kiến nói đã có bài học nhãn tiền về suy thoái không thể phục hồi ở rừng Trường Sơn.
Các dự án đường xuyên rừng được cho là để lại hậu quả không thể khắc phục đối với đa dạng sinh học và hệ sinh thái rừng (Ảnh chỉ có tính chất minh họa)
"Đã động đến vấn đề xuyên rừng hoặc khu bảo tồn thiên nhiên thì cần hoàn toàn nghiêm cấm", Giáo sư Tiến sĩ khoa học Phạm Ngọc Đăng, người từng tham gia thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đường Hồ Chí Minh xuyên rừng Trường Sơn, nói với Mỹ Hằng của BBC Tiếng Việt hôm 8/4.
Cao tốc La Sơn - Túy Loan dài 77 km, rộng 22 m, có 4 làn xe, là dự án đường xuyên rừng nguyên sinh mới nhất của chính phủ Việt Nam.
Con đường với tổng vốn 11.000 tỷ đồng, với 11 km xuyên qua vườn quốc gia Bạch Mã, sẽ nối tỉnh Thừa Thiên Huế và Thành phố Đà Nẵng
Những hình ảnh con đường rộng lớn đang được gấp rút thi công, với các máy xúc, ủi hạng nặng nằm giữa các vạt rừng, đăng tải trên truyền thông Việt Nam đầu tháng Tư khiến dư luận đặt câu hỏi về tác động của dự án đối với hệ sinh thái của Vườn Quốc gia Bạch Mã - 'lá phổi xanh' của Việt Nam.
Trường hợp đường cao tốc Hồ Chí Minh
Năm 2000, Việt Nam bắt đầu khởi công xây dựng đường Hồ Chí Minh.
Thời điểm đó, đã xuất hiện các phản đối vì hướng tuyến của đường Hồ Chí Minh đi qua khu vực vùng đệm của vườn quốc gia Cúc Phương.
Đường Hồ Chí Minh nối hai miền Nam Bắc, chạy xuyên qua nhiều cánh rừng nguyên sinh
Giáo sư Tiến sĩ khoa học Phạm Ngọc Đăng cho hay trong thời gian cùng giới khoa học tham gia đánh giá tác động môi trường dự án đường Hồ Chí Minh, ông cùng các cộng sự đã đưa ra nhiều biện pháp giảm thiểu tác động xấu của con đường này đối với hệ môi trường và sinh thái.
"Ít nhất, có hai điều chỉnh đáng chú ý đã được nhà thầu thực hiện dựa trên khuyến cáo của các nhà khoa học.
"Thứ nhất là người ta đã làm đường cầu cạn ở Vườn Quốc gia Cúc Phương để vừa lưu thông nước vừa giúp động vật qua lại được, đồng thời tránh việc người dân bám đường để xây nhà hai bên rồi tìm cách xâm nhập vào rừng.
"Thứ hai là những đường xuyên qua các đoạn rừng nguyên sinh thì đều phải tránh, phải chuyển ra ngoài cả".
"Thế nhưng các dự án đường cao tốc xuyên rừng quốc gia bao giờ cũng để lại những hậu quả đáng lo ngại đối với hệ sinh thái, hệ sinh vật".
Giáo sư Phạm Ngọc Đăng nói dù đã có các điều chỉnh nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề, như "mở đường ra rồi thì bọn lâm tặc dễ dàng thâm nhập vào sâu trong rừng, phá rừng, chặt các cây cổ thụ, và săn bắn".
Các ảnh hưởng đáng lo ngại không chỉ xảy ra trong giai đoạn thi công, xây dựng, mà cả trong quá trình sử dụng con đường, nhà khoc học nhấn mạnh.
"Về lâu dài thì việc bảo vệ các đa dạng sinh học, các nguồn gien và hệ sinh thái trong điều kiện mở đường [xuyên rừng] thì tôi cho đó là việc rất bức xúc và gay cấn trong điều kiện của Việt Nam hiện nay".
'Nên cấm làm đường qua rừng'
Các dự án đường xuyên rừng được cho là để lại hậu quả không thể khắc phục đối với đa dạng sinh học và hệ sinh thái rừng (Ảnh minh họa)
Trao đổi với phóng viên BBC tiếng Việt qua điện thoại từ Hà Nội, nhà khoa học Phạm Ngọc Đăng cho hay tới nay chưa có kiểm kê chính thức về tác động của dự án đường Hồ Chí Minh tới hệ sinh thái rừng Trường Sơn.
"Nhưng nhưng rõ ràng các vụ xâm phạm, phá rừng, săn bắn đã phát triển nhiều hơn trước đây", ông Đăng khẳng định.
"Về nguyên tắc giao thông không nên đi cạnh và càng không thể nào đi xuyên qua các khu bảo tồn thiên nhiên, các khu rừng nguyên sinh được. Không nên làm việc đó vì nó tạo điều kiện cho việc phá rừng, phá hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Theo quan điểm của tôi thì phải tránh các khu đó".
Ông Đăng nói các dự án đường cao tốc như La Sơn - Túy Loan cần rút kinh nghiệm từ dự án đường Hồ Chí Minh để có giảm thiểu tác hại đối với môi sinh.
"Thời kỳ vừa rồi làm đường cao tốc Hồ Chí Minh, cũng nhờ áp lực của nhiều nhà khoc học trong và ngoài nước thì chủ dự án mới chịu thay đổi phương án để bảo vệ thiên nhiên và rừng. Không có tiếng nói của các nhà khoa học, của dân nhân thì người ta còn phá mạnh hơn nữa".
"Theo tôi đó là do nhu cầu phát triển mưu sinh, kinh tế, du lịch mà thôi. Họ cãi là cần phải mở giao thông ra. Có điều là mở giao thông ra thì cần phải có các biện pháp và đề phòng trường hợp ảnh hưởng lớn đến đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên. Cái chính là nhà nước phải đảm bảo về vấn đề quản lý".
"Đã động đến vấn đề xuyên rừng hoặc khu bảo tồn thiên nhiên thì cần nên hoàn toàn nghiêm cấm", nhà khoa học cho hay.
Quốc tế nói gì ?
Không có nhiều tài liệu nguồn mở bằng tiếng Việt đề cập đến các động của các dự án đường xuyên rừng tại Việt Nam trên internet.
Trong một nghiên cứu công bố bằng tiếng Anh năm 2008 do WWF Greater Mekong phối hợp với Forest Protection Department (FPD) thực hiện, các khảo sát trong 2 năm về các tác động của đường Hồ Chí Minh lên hệ sinh thái rừng Trường Sơn cho thấy thực tế đáng ngại.
Theo đó, "công trình này đã dẫn đến mức độ xói mòn cao, gây thiệt hại cho cả khu vực rừng xung quanh và cho chính con đường. Ngân sách để bảo trì đường được cho là bằng ngân sách xây dựng đường... Các dòng chảy bị tắc nghẽn do cát, dẫn đến mất nguồn cá cho cộng đồng ở đây".
"Đường cao tốc [Hồ Chí Minh] rõ ràng đã và sẽ tiếp tục làm suy giảm hệ sinh thái và đa dạng sinh học của rừng Trường Sơn".
Còn trong một nghiên cứu năm 2014 của một nhóm tác giả về ảnh hưởng của các dự án đường tới các loài động vật có vú trong các khu rừng ở Đông Nam Á, đường Hồ Chí Minh với dự án xuyên vùng đệm của Vườn Quốc gia Cúc Phương được coi là mối đe dọa lớn cho đa dạng sinh học của khu vực này - vốn được coi là một trung tâm toàn cầu về đa dạng thực vật và là ngôi nhà của một loài linh trưởng đang nguy cấp, cũng như đại bàng cá đầu xám, hổ và voi.
Trong khi đó, dường như có rất ít thông tin về đánh giá tác động môi trường của cao tốc La Sơn - Túy Loan đoạn chạy qua Vườn Quốc gia Bạch Mã, nơi được thành lập năm năm 1991 với diện tích mở rộng gần 37.500 ha, là ngôi nhà của hơn 4.500 loài thực vật và động vật, bao gồm các loài đặc hữu và có nguy cơ tuyệt chủng theo danh sách của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế.
Đã có 14.752 ha đất rừng Bạch Mã bị sử dụng để làm đường cao tốc La Sơn - Túy Loan, theo truyền thông Việt Nam.
Giải pháp nào ?
Nghiên cứu công bố năm 2014 có tên "Where and How Are Roads Endangering Mammals in Southeast Asia's Forests ?" của một nhóm các nhà khoc học, phỏng vấn 36 chuyên gia tại 7 nước Đông Nam Á, đã đưa ra 10 đề xuất sau đối với các nước có dự án đường xuyên rừng nhằm giảm thiểu tác động tới hệ sinh thái, đặc biệt tới các loài động vật có vú trong khu vực :
1. Duy trì và phát triển rừng ở hai bên đường cao tốc
2. Tăng cường thực thi luật pháp bảo vệ rừng và động thực vật rừng tại các khu vực có đường cao tốc chạy qua
3. Giảm thiểu mối đe dọa từ các con đường vận chuyển, khai thác gỗ thông qua cơ chế quản lý rừng bền vững
4. Giải quyết các vấn đề về quyền sử dụng đất trước, tái định cư cho người dân có đất rừng bị thu hồi trước khi xây dựng đường.
5. Tăng cường phối kết hợp với các cơ quan phát triển đường bộ trong quy hoạch bảo tồn.
6. Dự án đường cần phải thông qua các cơ quan cấp chính phủ có liên quan
7. Tiến hành dự báo tổn thất kinh tế và đa dạng sinh học trước khi phát triển đường
8. Xem xét các chương trình bồi thường có thể giảm thiểu nhu cầu đối với, hoặc tác động của các con đường xuyên rừng
9. Đánh giá tác động môi trường và xã hội
10. Nâng cao nhận thức cộng đồng về tác động môi trường của các dự án đường bộ
Mỹ Hằng
Nguồn : BBC, 08/04/2019
Bình luận của chuyên gia Biển Đông quanh các ý kiến quốc tế về phản ứng của Việt Nam khi USS McCampbell neo đậu gần quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp, và tương lai của Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Tàu khu trục USS McCampbell của Hải quân Hoa Kỳ
Việc Việt Nam lên tiếng về chủ quyền tại Hoàng Sa sau khi Mỹ đưa tàu khu trục USS McCampbell áp sát khu vực này hôm 7/1 đã thu hút nhiều bình luận quốc tế.
Theo đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm 9/1 một lần nữa khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trả lời BBC hôm 15/1, chuyên gia Biển Đông Hoàng Việt cho rằng Việt Nam hiện trở thành nước duy nhất cứng rắn trong vấn đề Biển Đông, nhưng không phải chỉ chờ tới khi USS McCampbell tới Hoàng Sa như nhận định của một số nhà quan sát quốc tế.
Việt Nam 'tranh thủ cơ hội' để ủng hộ Mỹ ?
Tờ SCMP viết rằng Việt Nam thường cố tỏ ra cân bằng trong quan hệ với cả Bắc Kinh và Washington, nhưng cơ hội mà USS McCampbell mang tới lại quá tốt để bỏ lỡ.
Ông Hoàng Việt là giảng viên Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, thành viên Ban nghiên cứu luật biển và Hải đảo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam
Hà Nội đã viện đến hoạt động tự do hàng hải mới nhất của Hoa Kỳ trên Biển Đông để không chỉ thể hiện sự ủng hộ đối với đồng minh phương Tây mà còn khẳng định các yêu sách về lãnh thổ của mình ở khu vực đang tranh chấp này, bài báo trên SCMP cho hay.
Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cao cấp của Rand Corporation, nói rằng trong khi tuyên bố này khá điển hình cho xu hướng ủng hộ Mỹ của Việt Nam trong các vấn đề như tự do hàng hải, thì việc nó được đưa ra thời điểm này rất đáng ngạc nhiên - khi mà mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang trở nên căng thẳng hơn.
Ông Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales Việt Nam, thì bình luận trên SCMP rằng trong khi Hà Nội sử dụng sự cố USS McCampbell để lại lên tiếng về các yêu sách của mình ở Biển Đông, họ không muốn đối kháng hay chọc giận Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của mình.
'Việt Nam ý thức vai trò của Mỹ trong chanh trấp Biển Đông'
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt nói với BBC rằng nếu chỉ dựa vào phát biểu của bà Lê Thị Thu Hằng thì khó có thể nhìn thấy Việt Nam có ủng hộ Mỹ trong việc mang tàu khu trục đến khu vực tranh chấp trên Biển Đông hay không.
- Hôm 7/1, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS McCampbell của Hải quân Mỹ áp sát 3 đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa.
- Phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương Rachel McMarr nói USS McCampbell đã thực hiện hoạt động "tự do hàng hải" "để thách thức các tuyên bố chủ quyền hàng hải quá mức".
- Lên tiếng về việc này, hôm 9/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, nếu dựa trên tình hình thực tế, Việt Nam luôn ý thức mình "sẽ ở vào thế vô cùng bất lợi nếu không có các cường quốc như Hoa Kỳ tham dự vào tranh chấp trên Biển Đông".
"Như Hoa Kỳ tuyên bố, nước này không can thiệp vào chủ quyền của quốc gia nào mà chỉ quan tâm tới tự do hàng hải và hàng không trên khu vực Biển Đông. Việt Nam dường như ủng hộ quan điểm đó từ Hoa Kỳ chứ không ủng hộ hoạt động của tàu tuần tra đó", ông Hoàng Việt nói.
"Nếu nhận định rằng Việt Nam nhân cơ hội McCampbell để tái khẳng định chủ quyền trên Biển Đông thì tôi cho rằng có thể họ đã không theo sát các phát biểu của Việt Nam. Cá nhân tôi cho rằng trong các vấn đề liên quan đến Biển Đông, đặc biệt khi có tầu tuần tra tới khu vực này, Việt Nam luôn lên tiếng khẳng định chủ quyền của mình".
"Việt Nam cũng luôn nhắc đến bằng chứng pháp lý về chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều này đã được lặp đi lặp lại nhiều lần và không có gì đáng ngạc nhiên. Việt Nam không có đủ tiềm lực để so sánh ngang bằng với Trung Quốc nên luôn phải vận dụng tới luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982. Trong đó quy định tất cả quyền tài phán và quyền chủ quyền của mỗi quốc gia trên biển như thế nào".
Ảnh chụp vệ tinh cho thây một đảo nhân tạo Trung Quốc đang xây dựng tại quần đảo Trường Sa trên Biển Đông
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt cũng cho rằng việc Việt Nam đưa ra tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông vào thời điểm quan hệ Mỹ-Trung đang căng thẳng không có ý nghĩa gì đặc biệt như một số nhà quan sát quốc tế nhận định.
"Tôi cho rằng việc đưa ra tuyên bố này chỉ để đáp lại việc Mỹ đưa tàu tuần tra vào khu vực Biển Đông và căng thẳng trong phát ngôn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc liên quan đến việc này. Lúc đó Việt Nam phải có tiếng nói".
"Ông Carl Thayer nói rằng Việt Nam luôn nằm trong thế phải cân bằng quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tôi cho rằng trong quan hệ với hai nước này, Việt Nam luôn phải đặt mối quan hệ với Trung Quốc lên hàng thứ nhất, bởi vì Việt Nam quan niệm muốn có phát triển thì phải có hòa bình. Muốn có hòa bình thì phải có quan hệ tốt đẹp với hàng xóm khổng lồ Trung Quốc".
'Việt Nam luôn cứng rắn đối với vấn đề Biển Đông'
Về nhận định Việt Nam lần đầu tiên tỏ ra cứng rắn hơn trong vấn đề Biển Đông,thể hiện qua các yêu sách đối với Trung Quốc trong dự thảo COC, ông Hoàng Việt cho rằng các nhà phân tích nước ngoài có thể "chưa hiểu hết nội tình của Việt Nam, cũng như không theo sát được tiến trình của Việt Nam trong tranh chấp Biển Đông".
"Với tư cách là một học giả Việt Nam theo sát các quá trình ra chính sách của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, tôi cho rằng đây không phải là 'lần đầu cứng rắn' mà có thể chỉ là lần đầu tiên thế giới được biết thôi. Đây là quá trình của cả 10 nước ASEAN cùng Trung Quốc tham gia vào bản dự thảo COC. Theo quan sát của tôi từ năm 2009 tới nay Việt Nam vẫn luôn cứng rắn như vậy trong vấn đề Biển Đông. Việt Nam luôn hòa hoãn với Trung Quốc nhưng không nhượng bộ trước các lợi ích của mình trên Biển Đông và lợi ích này phải tuân thủ luật quốc tế".
"Như chúng ta biết, trước đây chỉ có hai quốc gia có quyền lợi trực tiếp trên Biển Đông đưa ra tiếng nói mạnh mẽ nhất tđó là Việt Nam và Philippines. Tuy nhiên đến thời Tổng thống Rodrigo Duterte thì gió đã đổi chiều, khi nước này nhượng bộ nhiều trước Trung Quóc. Do đó hiện chỉ còn Việt Nam còn thể hiện quan điểm cứng rắn".
'Tương lai xa vời cho COC, nhưng 'còn hi vọng'
Bàn về tương lai của COC trong bối cảnh Việt Nam hiện là nước duy nhất trong khối ASEAN lên tiếng mạnh mẽ về vấn đề Biển Đông, ông Hoàng Việt nói 'xa vời nhưng còn hi vọng'.
"Theo phát biểu của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thì hi vọng trong ba năm tới có thể ra được bản COC, nhưng theo tôi điều này rất xa vời. Chúng ta không thể trông chờ trong vòng 5 - 10 năm tới có thể có được một cái COC. Do phía ASEAN hiện có sự khác biệt nhất định. Chúng ta trở lại trước, khoảng năm 2010, các học giả cho rằng 10 nước ASEAN phải chấp thuận bản COC sau đó mời Trung Quốc tham gia thì sẽ dễ hơn. Lúc đó có một bản dự thảo COC do Indonesia khởi thảo, đã được 10 nước ASEAN chấp thuận. Nhưng khi đưa ra Trung Quốc thì nước này không chịu. Do đó toàn bộ quá trình đàm phán COC được làm lại từ đầu. Vì vậy, mặc dù có sự phản đối từ một số quốc gia ASEAN có quan điểm khác biệt trong vấn đề COC, nhưng cản trở lớn nhất chính là từ phía Trung Quốc".
"Với những yêu cầu cứng rắn của Việt Nam trong bản dự thảo COC thì tôi cho rằng Trung Quốc càng khó có thể chấp thuận trong thời gian này. Theo đó, Việt Nam đòi hỏi COC phải có ràng buộc mang tính pháp lý. Vì nếu không, nó chẳng khác gì Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) trước đây và nó không thể ngăn chặn được những xung đột tiềm tàng trong khu vực này".
"Việt Nam cũng yêu cầu COC phải cấm các hoạt động mà Trung Quốc hiện đang tiến hành, như bồi lấp đảo nhân tạo, quân sự hóa, và nhận diện khu vực phòng không trên Biển Đông. Những yêu cầu này đụng tới quyền lợi, tham vọng của Trung Quốc. Vì vậy họ không dễ chấp nhận. Có lẽ phải đợi đến khi nào Trung Quốc bị cộng đồng quốc tế buộc vào cái thế phải chấp nhận thì họ mới chấp nhận còn hiện tại thì không, khi thế và lực của họ còn rất mạnh".
"Chúng ta vẫn cứ nên lạc quan. Hãy nhìn lại 2017 là năm rất bi quan khi Hoa Kỳ có những vấn đề nội bộ, khi Tổng thống Trump lên nằm quyền và rút khỏi trật tự đa phương và để ngỏ cơ hội cho Trung Quốc trỗi dậy, vấn đề Biển Đông lúc đó còn u tối hơn bây giờ. Sau đó, cuộc chiến thương mại Mỹ Trung cho thấy Trung Quốc đã có những suy giảm phần nào, và điều đó tác động phần nào đến thái độ của Trung Quốc. Có lẽ nhờ vậy, Trung Quốc dịu giọng hơn trong vấn đề Biển Đông và đã xúc tiến việc ngồi lại với ASEAN để tìm kiếm các giải pháp cho COC".
"Nhưng tôi nghĩ rằng cũng sẽ đến lúc Trung Quốc phải chấp nhận COC. Dù vì lý do kinh tế mà nhiều quốc gia phải ngả theo Trung Quốc, thế giới giờ đã cảnh giác hơn rất nhiều với cường quốc này. Thái độ của họ cũng thay đổi nhiều. Cứ theo đà thế này thì sẽ đến lúc cộng đồng quốc tế gây sức ép để Trung Quốc phải tuân thủ luật chơi. Chỉ có điều nó sẽ không đến dễ dàng và nhanh chóng".
"Người ta cũng cho rằng bản thân Trung Quốc cũng muốn ra COC bởi họ muốn ngăn chặn các quốc gia khác cũng xây đảo nhân tạo và trang bị quân sự trên Biển Đông giống mình".
Ý kiến chuyên gia rằng bản đồ mới của Trung Quốc với đường chữ U liền có thể làm phức tạp thêm tình hình hiện tại trên Biển Đông.
Một bản đồ của Trung Quốc trong đó thể hiện đường chữ U trên biển Đông
Đường chữ U liền
Tờ As ngày 30/4 cho hay trong nỗ lực củng cố và thậm chí mở rộng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, một nhóm các học giả nước này mới đây công bố một bản đồ mới của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Bản đồ này được cho là công bố lần đầu tiên vào tháng 4/1951 nhưng chỉ "được phát hiện" thông qua một cuộc điều tra lưu trữ quốc gia gần đây, có thể làm rõ hơn các tuyên bố chính thức của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp.
Thay vì các đường đứt quãng, như được mô tả trong Đường Chín đoạn hình chữ U của Trung Quốc khẳng định chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông, bản đồ mới đưa ra một "đường ranh giới quốc gia và khu vực hành chính liên tục".
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng thông qua phân tích các bản đồ lịch sử, bản đồ năm 1951 "chứng minh" rằng "đường chữ U là biên giới của lãnh hải Trung Quốc" ở Biển Đông.
Nghiên cứu này chưa được chính phủ Trung Quốc chính thức xác nhận.
Nhiều chuyên gia tin rằng đây là nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh sau thất bại pháp lý năm 2016, khi Tòa trọng tài thường trực tại Hague bãi bỏ hầu hết các khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trong vùng nước liền kề, trong một phán quyết ủng hộ Philippines.
Bắc Kinh bác bỏ phán quyết mà nó cho là "một mẩu giấy vụn" và "vô hiệu" theo quan điểm của mình. Chính phủ Trung Quốc áp dụng chính sách "ba không" gồm không tham gia (trong các thủ tục tố tụng của tòa trọng tài), không công nhận (tính hợp pháp của phiên tòa), và không tuân thủ (với phán quyết).
Tuy nhiên, Trung Quốc đã lặng lẽ điều chỉnh lại các tuyên bố trước đây của mình bằng cách đưa ra các học thuyết mang tính pháp lý cho bản đồ có đường chín đoạn vốn bị bác bỏ. Năm ngoái, Trung Quốc bắt đầu giới thiệu một học thuyết mới ở Biển Đông.
Theo học thuyết "Tứ Sa", Trung Quốc đặt ra các tuyên bố chủ quyền đối với các quần đảo Đông Sa, Trường Sa và Hoàng Sa, cũng như khu vực Bãi ngầm Trung Sa.
Thay vì coi chúng như là một tập hợp các khu vực đất đai tranh chấp, mỗi nhóm đảo hoặc đất liền nay được coi là một quần thể có đường biên giới trên biển riêng, một vùng đất có chủ quyền với một tên gọi tương ứng khẳng định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), vẫn theo tờ Asia Times ngày 30/4.
Bình mới rượu cũ
Nhưng các chuyên gia pháp lý như Giáo sư Julian Ku từ Đại học Hofstra và học giả về pháp lý của Harvard, Chris Mirasola lưu ý rằng"những lý lẽ pháp lý mới của Trung Quốc không hợp pháp hơn tuyên bố đường chín đoạn trước đây", tác giả bài báo, Richard Javad Heydarian cho hay trên Asia Times ngày 30/4.
Học thuyết 'Tứ Sa' được dự đoán sẽ không đạt được nhiều hậu thuẫn vì đi ngược lại hoàn toàn luật quốc tế hiện đại, phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 cùng diễn giải của các quốc gia láng giềng và cộng đồng quốc tế.
"Bản đồ mới" do đó nên được hiểu là một nỗ lực 'bình mới rượu cũ', tác giả của bài báo trên Asia Times bình luận.
Nguy cơ bất ổn khu vực
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt binh trên biển ở Biển Đông hôm 12/4
Trong bài viết của Stephen Cheng trên tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng, Tiến sĩ Ian J. Storey, chuyên gia cao cấp của Viện Yusof Ishak ở Singapore nghiên cứu về an ninh hàng hải trong mối quan hệ giữa châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á với Trung Quốc đã cảnh báo việc thay đổi Đường Chín đoạn có thể gây hại cho sự ổn định của khu vực.
Tiến sỹ Storey nói : "Nếu Trung Quốc chỉ ra chủ quyền của mình ở Biển Đông bằng một đường liên tục nối liền chín đoạn, nước này thể hiện sự bác bỏ hoàn toàn phán quyết của Tòa trọng tài thường trực hồi tháng 7/2016".
Động thái này sẽ "gây ra mối quan ngại sâu sắc ở các quốc gia Đông Nam Á và hơn thế nữa", ông nói thêm.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc không trả lời các yêu cầu bình luận, theo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng.
Chưa có phản ứng từ Việt Nam về 'bản đồ mới' này.
Tuy nhiên trong một diễn biến liên quan, ngày 24/4, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng tố cáo Trung Quốc vi phạm chủ quyền bằng cách lắp đặt các thiết bị quân sự làm nhiễu sóng tại quần đảo Hoàng Sa trong vùng biển đang tranh chấp.
Việt Nam cần làm gì ?
Trong email gửi BBC ngày 4/5, Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam và quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc từng làm việc tại Học Viện Quốc Phòng Hoàng gia Úc, cho rằng việc biến đường chín vạch thành một đường liên tục với các tọa độ chính xác là sáng kiến của một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc chứ không phải chính quyền trung ương.
"Trên thực tế, Trung Quốc khẳng định chủ quyền đối với tất cả các bãi đá và khu vực nước liền kề trong đường chín đoạn. Trung Quốc đưa các tàu Cảnh sát biển đi lại trên khu vực này nhằm nhấn mạnh thẩm quyền của mình. Quân đội Trung Quốc thường xuyên thách thức các chuyến bay quân sự và các tàu hải quân qua lại vùng biển này - nơi nó tuyên bố chủ quyền".
"Và với báo cáo rằng Trung Quốc đã triển khai thiết các bị điện tử di động gây nhiễu, tên lửa hành trình đất đối không, Trung Quốc đã phát triển năng lực không chỉ để xác định chuyển động của các tàu và máy bay quân sự, mà còn khả năng bắn hạ máy bay và phá hủy mục tiêu mà nó muốn nhắm vào. Cái gọi là bản đồ mới năm 1951 chỉ là nghệ thuật phô trương cho các hoạt động hiện tại của Trung Quốc", Giáo sư Carl Thayer bình luận.
Giáo sư Carl Thayer cũng cho rằng : "Việt Nam cần phải có một thái độ cứng rắn trong ASEAN khi mười thành viên đàm phán COC với Trung Quốc. Vì các cuộc đàm phán này được thực hiện trên cơ sở đồng thuận của Việt Nam, do đó không nên để áp lực từ các thành viên ASEAN khác khiến Việt Nam từ bỏ việc đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của mình theo luật pháp quốc tế".