Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/04/2019

Việt Nam mất gì khi làm cao tốc xuyên rừng nguyên sinh ?

Mỹ Hằng

Tại Việt Nam, đường cao tốc La Sơn - Túy Loan xuyên qua khu vực Vườn quốc gia Bạch Mã sắp hoàn thành, trong lúc có ý kiến nói đã có bài học nhãn tiền về suy thoái không thể phục hồi ở rừng Trường Sơn.

rung1

Các dự án đường xuyên rừng được cho là để lại hậu quả không thể khắc phục đối với đa dạng sinh học và hệ sinh thái rừng (Ảnh chỉ có tính chất minh họa)

"Đã động đến vấn đề xuyên rừng hoặc khu bảo tồn thiên nhiên thì cần hoàn toàn nghiêm cấm", Giáo sư Tiến sĩ khoa học Phạm Ngọc Đăng, người từng tham gia thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đường Hồ Chí Minh xuyên rừng Trường Sơn, nói với Mỹ Hằng của BBC Tiếng Việt hôm 8/4.

Cao tốc La Sơn - Túy Loan dài 77 km, rộng 22 m, có 4 làn xe, là dự án đường xuyên rừng nguyên sinh mới nhất của chính phủ Việt Nam.

Con đường với tổng vốn 11.000 tỷ đồng, với 11 km xuyên qua vườn quốc gia Bạch Mã, sẽ nối tỉnh Thừa Thiên Huế và Thành phố Đà Nẵng

Những hình ảnh con đường rộng lớn đang được gấp rút thi công, với các máy xúc, ủi hạng nặng nằm giữa các vạt rừng, đăng tải trên truyền thông Việt Nam đầu tháng Tư khiến dư luận đặt câu hỏi về tác động của dự án đối với hệ sinh thái của Vườn Quốc gia Bạch Mã - 'lá phổi xanh' của Việt Nam.

Trường hợp đường cao tốc Hồ Chí Minh

Năm 2000, Việt Nam bắt đầu khởi công xây dựng đường Hồ Chí Minh.

Thời điểm đó, đã xuất hiện các phản đối vì hướng tuyến của đường Hồ Chí Minh đi qua khu vực vùng đệm của vườn quốc gia Cúc Phương.

rung2

Đường Hồ Chí Minh nối hai miền Nam Bắc, chạy xuyên qua nhiều cánh rừng nguyên sinh

Giáo sư Tiến sĩ khoa học Phạm Ngọc Đăng cho hay trong thời gian cùng giới khoa học tham gia đánh giá tác động môi trường dự án đường Hồ Chí Minh, ông cùng các cộng sự đã đưa ra nhiều biện pháp giảm thiểu tác động xấu của con đường này đối với hệ môi trường và sinh thái.

"Ít nhất, có hai điều chỉnh đáng chú ý đã được nhà thầu thực hiện dựa trên khuyến cáo của các nhà khoa học.

"Thứ nhất là người ta đã làm đường cầu cạn ở Vườn Quốc gia Cúc Phương để vừa lưu thông nước vừa giúp động vật qua lại được, đồng thời tránh việc người dân bám đường để xây nhà hai bên rồi tìm cách xâm nhập vào rừng.

"Thứ hai là những đường xuyên qua các đoạn rừng nguyên sinh thì đều phải tránh, phải chuyển ra ngoài cả".

"Thế nhưng các dự án đường cao tốc xuyên rừng quốc gia bao giờ cũng để lại những hậu quả đáng lo ngại đối với hệ sinh thái, hệ sinh vật".

Giáo sư Phạm Ngọc Đăng nói dù đã có các điều chỉnh nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề, như "mở đường ra rồi thì bọn lâm tặc dễ dàng thâm nhập vào sâu trong rừng, phá rừng, chặt các cây cổ thụ, và săn bắn".

Các ảnh hưởng đáng lo ngại không chỉ xảy ra trong giai đoạn thi công, xây dựng, mà cả trong quá trình sử dụng con đường, nhà khoc học nhấn mạnh.

"Về lâu dài thì việc bảo vệ các đa dạng sinh học, các nguồn gien và hệ sinh thái trong điều kiện mở đường [xuyên rừng] thì tôi cho đó là việc rất bức xúc và gay cấn trong điều kiện của Việt Nam hiện nay".

'Nên cấm làm đường qua rừng'

rung3

Các dự án đường xuyên rừng được cho là để lại hậu quả không thể khắc phục đối với đa dạng sinh học và hệ sinh thái rừng (Ảnh minh họa)

Trao đổi với phóng viên BBC tiếng Việt qua điện thoại từ Hà Nội, nhà khoa học Phạm Ngọc Đăng cho hay tới nay chưa có kiểm kê chính thức về tác động của dự án đường Hồ Chí Minh tới hệ sinh thái rừng Trường Sơn.

"Nhưng nhưng rõ ràng các vụ xâm phạm, phá rừng, săn bắn đã phát triển nhiều hơn trước đây", ông Đăng khẳng định.

"Về nguyên tắc giao thông không nên đi cạnh và càng không thể nào đi xuyên qua các khu bảo tồn thiên nhiên, các khu rừng nguyên sinh được. Không nên làm việc đó vì nó tạo điều kiện cho việc phá rừng, phá hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Theo quan điểm của tôi thì phải tránh các khu đó".

Ông Đăng nói các dự án đường cao tốc như La Sơn - Túy Loan cần rút kinh nghiệm từ dự án đường Hồ Chí Minh để có giảm thiểu tác hại đối với môi sinh.

"Thời kỳ vừa rồi làm đường cao tốc Hồ Chí Minh, cũng nhờ áp lực của nhiều nhà khoc học trong và ngoài nước thì chủ dự án mới chịu thay đổi phương án để bảo vệ thiên nhiên và rừng. Không có tiếng nói của các nhà khoa học, của dân nhân thì người ta còn phá mạnh hơn nữa".

"Theo tôi đó là do nhu cầu phát triển mưu sinh, kinh tế, du lịch mà thôi. Họ cãi là cần phải mở giao thông ra. Có điều là mở giao thông ra thì cần phải có các biện pháp và đề phòng trường hợp ảnh hưởng lớn đến đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên. Cái chính là nhà nước phải đảm bảo về vấn đề quản lý".

"Đã động đến vấn đề xuyên rừng hoặc khu bảo tồn thiên nhiên thì cần nên hoàn toàn nghiêm cấm", nhà khoa học cho hay.

Quốc tế nói gì ?

Không có nhiều tài liệu nguồn mở bằng tiếng Việt đề cập đến các động của các dự án đường xuyên rừng tại Việt Nam trên internet.

Trong một nghiên cứu công bố bằng tiếng Anh năm 2008 do WWF Greater Mekong phối hợp với Forest Protection Department (FPD) thực hiện, các khảo sát trong 2 năm về các tác động của đường Hồ Chí Minh lên hệ sinh thái rừng Trường Sơn cho thấy thực tế đáng ngại.

Theo đó, "công trình này đã dẫn đến mức độ xói mòn cao, gây thiệt hại cho cả khu vực rừng xung quanh và cho chính con đường. Ngân sách để bảo trì đường được cho là bằng ngân sách xây dựng đường... Các dòng chảy bị tắc nghẽn do cát, dẫn đến mất nguồn cá cho cộng đồng ở đây".

"Đường cao tốc [Hồ Chí Minh] rõ ràng đã và sẽ tiếp tục làm suy giảm hệ sinh thái và đa dạng sinh học của rừng Trường Sơn".

Còn trong một nghiên cứu năm 2014 của một nhóm tác giả về ảnh hưởng của các dự án đường tới các loài động vật có vú trong các khu rừng ở Đông Nam Á, đường Hồ Chí Minh với dự án xuyên vùng đệm của Vườn Quốc gia Cúc Phương được coi là mối đe dọa lớn cho đa dạng sinh học của khu vực này - vốn được coi là một trung tâm toàn cầu về đa dạng thực vật và là ngôi nhà của một loài linh trưởng đang nguy cấp, cũng như đại bàng cá đầu xám, hổ và voi.

Trong khi đó, dường như có rất ít thông tin về đánh giá tác động môi trường của cao tốc La Sơn - Túy Loan đoạn chạy qua Vườn Quốc gia Bạch Mã, nơi được thành lập năm năm 1991 với diện tích mở rộng gần 37.500 ha, là ngôi nhà của hơn 4.500 loài thực vật và động vật, bao gồm các loài đặc hữu và có nguy cơ tuyệt chủng theo danh sách của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế.

Đã có 14.752 ha đất rừng Bạch Mã bị sử dụng để làm đường cao tốc La Sơn - Túy Loan, theo truyền thông Việt Nam.

Giải pháp nào ?

Nghiên cứu công bố năm 2014 có tên "Where and How Are Roads Endangering Mammals in Southeast Asia's Forests ?" của một nhóm các nhà khoc học, phỏng vấn 36 chuyên gia tại 7 nước Đông Nam Á, đã đưa ra 10 đề xuất sau đối với các nước có dự án đường xuyên rừng nhằm giảm thiểu tác động tới hệ sinh thái, đặc biệt tới các loài động vật có vú trong khu vực :

1. Duy trì và phát triển rừng ở hai bên đường cao tốc

2. Tăng cường thực thi luật pháp bảo vệ rừng và động thực vật rừng tại các khu vực có đường cao tốc chạy qua

3. Giảm thiểu mối đe dọa từ các con đường vận chuyển, khai thác gỗ thông qua cơ chế quản lý rừng bền vững

4. Giải quyết các vấn đề về quyền sử dụng đất trước, tái định cư cho người dân có đất rừng bị thu hồi trước khi xây dựng đường.

5. Tăng cường phối kết hợp với các cơ quan phát triển đường bộ trong quy hoạch bảo tồn.

6. Dự án đường cần phải thông qua các cơ quan cấp chính phủ có liên quan

7. Tiến hành dự báo tổn thất kinh tế và đa dạng sinh học trước khi phát triển đường

8. Xem xét các chương trình bồi thường có thể giảm thiểu nhu cầu đối với, hoặc tác động của các con đường xuyên rừng

9. Đánh giá tác động môi trường và xã hội

10. Nâng cao nhận thức cộng đồng về tác động môi trường của các dự án đường bộ

Mỹ Hằng

Nguồn : BBC, 08/04/2019

Quay lại trang chủ
Read 634 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)