Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của Việt Nam tính đến tháng 08/2020 theo báo mạng Le Courrier du Vietnam. Nằm trong số 10 đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ, Việt Nam đứng hàng thứ 4 về thặng dư thương mại với Mỹ, lên đến 37,7 tỉ đô la, trong 8 tháng đầu năm 2020, so với 29,8 tỉ đô la cùng kỳ năm 2019.
Từ năm 1995, Việt Nam luôn xuất siêu sang Hoa Kỳ. Năm 2016, trong năm đầu tiên nhiệm kỳ tổng thống, ông Donald Trump đã "lưu ý" Việt Nam về thâm hụt thương mại. Đến tháng 01/2020, bộ Ngân Khố Mỹ liệt Việt Nam vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ do mức thặng dư ngày càng lớn. Washington yêu cầu Hà Nội "giảm can thiệp và cho phép các biến động tỷ giá hối đoái phản ánh các nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế, bao gồm cả việc nâng cao dần tỷ giá hối đoái thực tế". Đến tháng 08/2020, khi thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam tăng lên mức kỷ lục, cũng là lúc chính quyền tổng thống Trump công bố mở điều tra Việt Nam thao túng tiền tệ và nguồn gốc gỗ Việt Nam xuất sang Mỹ.
Ngày 02/10, đại diện Thương Mại Mỹ Robert Lighthizer thông báo đang tiến hành điều tra Việt Nam thao túng tiền tệ, chiểu theo Điều 301 của Bộ Luật Thương Mại 1974 -Trade Act). Ngày 08/10, trên trang Công báo Chính phủ, Văn phòng Đại diện Thương Mại Mỹ (USTR) công bố mở điều tra về "luật lệ, chính sách và biện pháp của Việt Nam liên quan đến định giá tiền tệ", trong đó công chúng có thể đóng góp ý kiến cho đến hết ngày 12/11, sau ngày bầu cử tổng thống Mỹ 03/11.
RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với giáo sư Eric Mottet, Viện Quan hệ Quốc tế, đại học Québec ở Montréal (UQAM), Canada.
****
RFI :Thưa giáo sư Eric Mottet, chính quyền Mỹ quyết định mở điều tra việc định giá tiền tệ của Việt Nam và nguồn gốc gỗ xuất từ Việt Nam sang Mỹ. Nguyên nhân nào khiến Washington đưa ra quyết định này ?
Eric Mottet : Từ năm 2018, trong khuôn khổ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Việt Nam được lợi nhờ việc nhiều doanh nghiệp Mỹ rời sản xuất khỏi Trung Quốc. Nhưng tiếc là chúng ta đang thấy mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Việt Nam hiện cũng hứng chịu những lo lắng của Washington, giống như từng xảy ra với Trung Quốc và vấn đề lớn giữa hai bên hiện nay là thâm hụt thương mại, không ngừng tăng lên, nghiêng về phía Việt Nam. Việt Nam xuất siêu sang Mỹ gần 56 tỉ đô la vào năm 2019 và một vài đánh giá gần đây nêu lên con số gần 70 tỉ đô la cho Việt Nam vào năm 2020.
Mức thặng dư này hiện trở thành một nguy cơ lớn cho Hà Nội vì chính quyền của tổng thống Trump rất cứng rắn trong cuộc chiến chống gian lận thương mại, gây thiệt hại cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ. Vì thế, chính quyền tổng thống Trump đã yêu cầu bộ Ngân Khố Hoa Kỳ xem xét kĩ lưỡng 6 tháng một lần tình hình với các quốc gia mà Mỹ bị thâm hụt thương mại nghiêm trọng. Theo kết quả được công bố cách đây vài tháng, dường như Việt Nam đã thao túng tiền tệ. Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ còn thẩm định rằng tiền "đồng" Việt Nam đã bị hạ khoảng 5% vào năm 2019. Có nghĩa là có hai vấn đề cùng lúc, thứ nhất là thặng dư thương mại nghiêng về phía Việt Nam, thứ hai là tiền "đồng" bị giảm giá trị. Điều này khiến Việt Nam nhập khẩu ít hàng hóa và dịch vụ của Mỹ hơn vì quá đắt.
Ngoài cuộc điều tra về tiền tệ của Việt Nam, còn phải lưu ý đến 2 cuộc điều tra phụ, được tiến hành song song. Cuộc điều tra phụ thứ nhất nhắm vào gỗ của Việt Nam. Chúng ta biết hiện nay, về mặt xuất khẩu đồ nội thất gỗ sang Mỹ, Hoa Kỳ là khách hàng lớn nhất, mua nhiều gỗ của Việt Nam nhất. Cuộc điều tra được tiến hành để tìm hiểu xem gỗ xuất từ Việt Nam có đúng là được khai thác ở Việt Nam hay không, chứ không phải là gỗ nhập lậu, ví dụ từ Cam Bốt. Cuộc điều tra phụ thứ hai có từ mùa hè 2020, cũng do bộ Thương Mại tiến hành, về chống bán phá giá và chống trợ cấp ống đồng của Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ.
Như vậy, có thể thấy Mỹ đang tiến hành cùng lúc ba cuộc điều tra liên quan đến quy tắc thương mại nhắm vào Việt Nam.
RFI : Trong trường hợp bị cáo buộc thao túng tiền tệ, Việt Nam sẽ phải chịu những hậu quả gì ?
Eric Mottet : Cần nhắc lại rằng Việt Nam không phải là nước duy nhất bị Hoa Kỳ điều tra, mà có khoảng 10 nước, từ Đức, Ý đến Nhật Bản hay Malaysia và Singapore. Có nghĩa là Mỹ sẽ tổ chức điều tra nếu thâm hụt thương mại vượt ngưỡng 1 tỉ đô la.
Một điểm cần nhớ khác là các bộ luật của Mỹ liên quan đến hình thức thương mại thường có lợi cho Hoa Kỳ, cho phép tổng thống đưa ra những biện pháp trả đũa thuế quan đối với những nước không tôn trọng luật pháp Mỹ, có nghĩa là Bộ Luật Thương Mại (US Trade Act), được thông qua năm 1974, mà người ta vẫn nhắc đến Điều 301, từng được sử dụng nhắm vào Trung Quốc từ năm 2018. Dĩ nhiên, Việt Nam có thể bị trả đũa thuế quan hoặc phi thuế quan, hơi giống như mô hình áp dụng với Trung Quốc.
Nhưng hiện tại, một điểm quan trọng cần được lưu ý là cuộc điều tra sẽ kéo dài nhiều tháng, ví dụ trong trường hợp Trung Quốc, cuộc điều tra kéo dài 6 tháng, trước khi kết thúc báo cáo và công bố. Sau đó phải chờ thêm 3 đến 4 tháng để các biện pháp trừng phạt có hiệu lực. Ngoài ra, dù có kết luận thế nào về phương pháp của Việt Nam thì báo cáo cũng sẽ đến sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 03/11. Vì thế, mọi chuyện đối với Việt Nam còn tùy thuộc vào việc Mỹ sẽ có tổng thống mới là Trump hay Biden.
RFI :Liệu Hà Nội có một giải pháp nào đó để giải quyết vấn đề này, cũng như tránh để xảy ra đối đầu trực tiếp, trong khi Hoa Kỳ hiện đang đóng vai trò đối trọng quan trọng với Trung Quốc ở Biển Đông ?
Eric Mottet : Theo tôi, hiện giờ Việt Nam không có lựa chọn mà phải hợp tác với bộ Ngân Khố Hoa Kỳ và trả lời những câu hỏi của phía Washington về việc có thao túng tiền tệ hay không. Tôi nghĩ là Việt Nam cần kéo dài thời gian, có nghĩa là Hà Nội nên đợi, bình tĩnh trước hoàn cảnh này, chờ xem những ý định thực của Washington. Cũng không hẳn là không có khả năng rằng gây chút sức ép với Việt Nam nằm trong chiến lược của tổng thống Trump để được tái đắc cử. Sau đó cũng chờ xem, nếu Joe Biden được bầu làm tổng thống, liệu ông ấy có bỏ cuộc điều tra hay không. Ở thời điểm hiện tại, chỉ có thể đưa ra lời khuyên là Việt Nam bình tĩnh, hợp tác với bộ Ngân Khố Hoa Kỳ, chờ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ.
Ngoài ra, không nên quên là mối quan hệ song phương trong khoảng 10 năm gần đây đã được thắt chặt rất nhiều bởi vì Việt Nam trở thành một đối tác chiến lược rất quan trọng của Mỹ, trong đó có cả việc chống lại những tham vọng của Trung Quốc. Tiếp theo, về phương diện chiến lược của Mỹ, Việt Nam có vai trò quan trọng, đặc biệt là ở Biển Đông, khu vực mà Hoa Kỳ đã thông qua một ngân sách để tái đầu tư vào kế hoạch quân sự và an ninh và dĩ nhiên Việt Nam nằm trong chiến lược này của Hoa Kỳ.
Vì thế, tôi nghĩ rằng không cần quá lo lắng lúc này, nên hợp tác và chờ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ để biết ai sẽ là tân chủ nhân Nhà Trắng trong vài tuần tới, cũng như không nên quên tất cả những nỗ lực, tiến bộ đạt được trong mối quan hệ Mỹ-Việt Nam từ vài năm gần đây.
RFI :Có nghĩa là tạm thời không cần phải lo rằng cuộc điều tra này, cũng như trong trường hợp Việt Nam bị cáo buộc, sẽ tác động đến quan hệ song phương ?
Eric Mottet : Tôi không nghĩ là sẽ có tác động. Chưa biết được ! Vì một lần nữa cần nhắc lại là mối quan hệ song phương hiện rất tốt, trong khi cách đây không lâu, thì không được như vậy. Việt Nam có mối quan hệ tốt với Mỹ dưới nhiệm kỳ tổng thống Trump. Hai chuyến đến Việt Nam của ông Donald Trump, vào năm 2017 và 2019, đã thắt chặt thêm mối quan hệ này.
Theo một thăm dò mà tôi đọc gần đây, người Việt Nam ủng hộ ông Donald Trump vì ông kịch liệt chống Trung Quốc, cũng như sự ủng hộ của Mỹ trong vấn đề Biển Đông. Ngoài ra, giữa hai nước có nhiều thỏa thuận đối tác chiến lược, hợp tác trong nhiều lĩnh vực quan trọng, như về thương mại mà tôi đề cập ở trên. Trong lĩnh vực năng lượng, hai bên vừa mới ký nhiều thỏa thuận để Mỹ xuất khẩu khí hóa lỏng sang Việt Nam, trong khi Việt Nam đang rất cần để đối phó với tình trạng thiếu năng lượng ngày càng nghiêm trọng.
Mối quan hệ song phương hiện rất tốt, dù đúng là đang có điều tra. Có lẽ Việt Nam sẽ điều chỉnh một chút về thặng dư thương mại với Mỹ. Và nếu xảy ra căng thẳng hay xung đột giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thì cũng sẽ không đến mức độ gay gắt như giữa Trung Quốc và Mỹ. Thực vậy, bất bình và bực tức nhỏ hiện nay giữa Việt Nam và Hoa Kỳ chỉ liên quan đến lĩnh vực thương mại và cán cân thương mại song phương, chứ không liên quan đến việc cung cấp công nghệ hay quy mô an ninh và quân sự. Vì vậy, nếu xảy ra thì xung đột cũng chỉ ở cấp độ nhẹ và có thể giải quyết bằng cách áp dụng một thỏa thuận song phương mới giữa Mỹ và Việt Nam.
RFI :Theo giáo sư, mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ trở nên như thế nào sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 03/11 ?
Eric Mottet : Cần phải nói là chính chính quyền Trump đã thúc đẩy tiến trình xích lại gần với Việt Nam nhiều hơn so với dưới thời Obama, thuộc đảng Dân Chủ. Đúng là có những bất đồng trên phương diện thương mại, nhưng tôi nghĩ rằng Việt Nam và Hoa Kỳ hiện có cùng suy nghĩ trong lĩnh vực an ninh và an toàn ở Biển Đông, cũng như trên nhiều vấn đề và hợp tác khác, đặc biệt là về quản lý sông Mêkông, năng lượng…
Đúng là có một chút căng thẳng về thương mại, nhưng tôi không nghĩ là, nếu được bầu lại, chính quyền Trump sẽ gia tăng sức ép và xung đột trực diện ở mức độ trung bình với Việt Nam vì những lý do mà tôi nêu ở trên và hơn nữa, chính chính quyền Trump đã thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác với Hà Nội trên nhiều lĩnh vực trong những năm gần đây.
Cuối cùng, cũng cần chú ý là chính quyền Trump, nếu tái đắc cử, hay chính quyền Biden, nếu được bầu, đều cần đến Việt Nam để triển khai chiến lược kinh tế, năng lượng, công nghệ chống lại sức mạnh của Trung Quốc.
RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giáo sư Mottet, Viện Quan hệ Quốc tế, đại học Québec ở Montréal (UQAM), Canada.
Thu Hằng thực hiện
Nguồn : RFI, 26/10/2020
Lần này Mỹ đang tung tất cả các bí thuật của cả quyền lẫn cước, ra đòn một cách toàn diện để tấn công Trung Quốc. Hy vọng, trên một số lĩnh vực cụ thể, Mỹ sẽ can dự mạnh mẽ hơn nhằm ngăn chặn chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc. Có như thế, các quốc gia thuộc không gian FOIP, đặc biệt là các nước ASEAN mới tin tưởng vào quyết tâm "tạo ra sự thay đổi" như tuyên bố hôm 24/7/2020 của ngoại trưởng Pompeo từ Quận Cam, miền nam tiểu bang California.
Tàu USS Montgomery (trái) và tàu USS Gabrielle Giffords trên Biển Đông ngày 28/1/2020 – Command Destroyer Squadron 7
-------------------
Ngày 22/7/2020, đại sứ Mỹ ở Việt Nam Daniel J. Kritenbrink tuyên bố sẽ hỗ trợ ngư dân Việt Nam trước các đe dọa bất hợp pháp trên biển. Cục Phòng chống ma túy và thực thi pháp luật quốc tế (INL) thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ và Tổng cục Thủy sản (TCTS) thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam dịp này đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) nhằm tăng cường năng lực thực thi pháp luật thủy sản và quản lý nghề cá. Tổng cục trưởng TCTS Trần Đình Luân và Đại sứ Mỹ Kritenbrink đã ký MoU này.
Thỏa thuận tăng cường hợp tác nhằm nâng cao năng lực thực thi pháp luật thủy sản và quản lý nghề cá thông qua các khóa đào tạo kỹ thuật, các chuyến đi học tập, trao đổi kinh nghiệm thực ra đã có từ năm 2015. Biên bản lần này sẽ thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật quốc tế giữa hai nước nhằm duy trì bền vững nguồn lợi sinh vật biển và đấu tranh phòng chống đánh bắt cá bất hợp pháp. Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cho biết những hỗ trợ kỹ thuật trong khuôn khổ MoU này sẽ giúp tăng cường năng lực cho Tổng cục Thủy sản và Cục Kiểm ngư thông qua trao đổi, chia sẻ thông tin, cũng như thực hiện các dự án và chương trình hỗ trợ kỹ thuật phù hợp.
"Mỹ có bề dày kinh nghiệm trong việc quản lý và thực thi pháp luật thủy sản và sẵn sàng chia sẻ. Chúng tôi mong muốn hợp tác cùng Việt Nam nhằm phát triển nghề cá một cách bền vững và hỗ trợ ngư dân Việt Nam trước những đe dọa bất hợp pháp trên biển". Đấy là phát biểu tại buổi lễ hôm 22/7 của Đại sứ Daniel J. Kritenbrink được báo chí trong nước trích dẫn. Bước sang tháng 2 năm sau (năm 2021), INL dự kiến sẽ bàn giao cho Cục Kiểm ngư một trung tâm huấn luyện tại Chi cục Kiểm ngư vùng 5, Phú Quốc. Trung tâm này sẽ giúp nâng cao đáng kể năng lực cho Cục Kiểm ngư cũng như lực lượng kiểm ngư địa phương tại 28 tỉnh duyên hải của Việt Nam.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink và Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản Việt Nam Trần Đình Luân ký Biên bản ghi nhớ. US Embassy
Trong một diễn biến liên quan, trước đó, ngày 21/7/2020, báo Japan Times đã dẫn thông báo của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cho biết lực lượng này đang tiến hành cuộc tập trận chung với Hải quân Hoàng gia Australia và nhóm tác chiến Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan của Hoa Kỳ. Đợt diễn tập giữa hải quân ba nước như vừa nêu tại khu vực Biển Philippines diễn ra từ ngày 19/7 và sẽ kết thúc vào ngày 23/7. Mục tiêu được nói nhằm tỏ rõ cam kết trong chiến lược tự do và rộng mở ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tham gia đợt diễn tập phía Nhật Bản có tàu khu trục JS Teruzuki thuộc lớp Akizuki ; phía Australia có các tàu HMAS Canberra, Hobart, Stuart, Arunta và Sirius. Phía Hải quân Hoa Kỳ ngoài hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan còn có tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Antietam, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Mustin.
Trước khi xẩy ra sự kiện nói trên, ngày 17/7/2020, hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan và USS Nimitz của Hải quân Hoa Kỳ cũng đã tiến vào khu vực Biển Đông. Đây là cuộc tập trận lần thứ hai chỉ trong vòng nửa tháng. Hai nhóm tàu sân bay này của Mỹ cùng hơn 12 ngàn nhân viên quân sự, các tàu khu trục, tàu tuần dương hộ tống cùng hoạt động tại Biển Đông. Ngoài ra có hơn 120 máy bay đã được triển khai, tiến hành tập trận phòng không chiến thuật với mục đích để duy trì tính chuyên nghiệp và khả năng sẵn sàng tác chiến, bảo đảm phản ứng nhanh trước bất cứ sự cố bất ngờ nào. Tin được Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ loan đi, dẫn phát biểu của chuẩn đô đốc Jim Kirk, Chỉ huy Nhóm tác chiến USS Nimitz, rằng : "Nhóm tác chiến tàu sân bay Nimitz và Ronald Reagan hoạt động trên Biển Đông, nơi được luật pháp quốc tế cho phép, nhằm củng cố cam kết của Hoa Kỳ về một vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP)".
Ngay đến cả Viện Sáng kiến Điều tra Nam Hải thuộc Đại học Bắc Kinh cũng từng công bố ghi nhận trong hai ngày 15 và 16/7 vừa qua, Hải quân Hoa Kỳ đã cho máy bay bay qua Biển Đông để đến Đài Loan. Cụ thể, vào trưa ngày 15/7, máy bay không người lái trinh sát tầm cao MQ-4C Triton bay qua Biển Đông đến phía đông nam Đài Loan. Sáng ngày 16/7, một máy bay chống ngầm P-8A và máy bay tiếp liệu trên không KC-135R tiếp tục bay qua Biển Đông để đến phía tây nam Đài Loan. Trong khi đó mạng Nikkei Asian Review của Nhật vào ngày 17/7 loan tin quân đội Mỹ có kế hoạch triển khai một đơn vị tác chiến điện tử đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tin cho hay hoạt động này sẽ được triển khai vào năm tới để thực hiện nhiều sứ mệnh khác nhau, trong đó có tác chiến điện tử và tác chiến mạng.
Điều cần nhấn mạnh ở đây là tất cả mọi động thái can dự nói trên của chính quyền Trump diễn ra ngay sau tuyên bố mạnh mẽ ngày 13/7 của ngoại trưởng Pompeo. Phải chăng điều này phản ánh sự cứng rắn hơn trong chính sách của Mỹ tại một khu vực rất quan trọng nhưng đầy bất trắc của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đó là Biển Đông, hay đây là động thái nhằm phục vụ cuộc vận động bầu cử của tổng thống Trump ? Có thể là cả hai, nhưng rõ ràng tuyên bố của Mỹ đánh dấu bước tiến quan trọng trong khẳng định lập trường của Washington về vấn đề chủ quyền lãnh thổ ở khu vực này. Tuy nhiên, thách thức lớn mà Mỹ cần phải vượt qua là, các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương từng coi các chính sách trước nay của Mỹ đối với khu vực này chủ yếu mang tính đối phó. Tuy Mỹ tuyên bố sẽ đáp trả các hành động bành trướng của Trung Quốc nhưng trên thực tế Mỹ cần công khai một lộ trình can dự dài hạn và cụ thể.
Tổng hợp ý kiến từ giới chuyên gia, ít nhất có 3 lĩnh vực Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa, đó là tăng cường viện trợ, hợp tác, đào tạo dành cho các nước trong khu vực và kịp thời ngăn chặn các hành động của Trung Quốc lăm le chiếm đóng lãnh hải và lãnh thổ các nước. Có như thế, các quốc gia thuộc không gian FOIP, đặc biệt là các nước ASEAN mới tin tưởng vào lộ trình bao quát của Washington, bất kể ai sẽ là chủ nhân Nhà Trắng trong tương lai. Viện trợ ở đây được hiểu là Mỹ sẵn sàng gia tăng các khoản cho vay, cũng như các hoạt động đầu tư và thương mại, đặc biệt là đối với các nước Đông Nam Á. Nhất là đối với các dự án phát triển có sở hạ tầng quốc gia và liên quốc gia. Khi cung cấp tín dụng cho các nước này, liệu Hoa Kỳ có đưa ra mức lãi suất thực dự mang tính cạnh tranh so với Trung Quốc hay không ?
Liên quan đến một số thành viên trong ASEAN thường xuyên bị Trung Quốc đe nẹt và cưỡng bức, sau tuyên bố 13/7, đặc biệt là sau tuyên bố mới đây nhất ngày 24/7 của ngoại trưởng Pompeo, đối với một nhánh quyền lực trong các nước này, mối quan tâm hàng đầu hiện nay là Mỹ sẽ có một lộ trình dài hơi nào về những can dự cụ thể để có thể xây dựng được "vành đai chiến lược" của FOIP nhằm ngăn chặn những hành động bành trướng của Trung Quốc ngoài biển đảo cũng như trên đất liền. Riêng đối với Việt Nam, sau khi "Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng năm 2011", "Tuyên bố về tầm nhìn chung năm 2015 và bản kế hoạch hợp tác quốc phòng 2018-2020" hết hạn, thì chương trình hợp tác và đào tạo Việt – Mỹ sau 2020 sẽ là gì ? Cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam từng cam kết tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương, trong đó nhấn mạnh nội dung nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển. Tuy nhiên, sự đón đợi của bộ phận quyền lực có lương tri trong nước về sự nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ từ "đối tác toàn diện" lên "đối tác chiến lược" xem ra vẫn là câu chuyện của tương lai.
Tuy nhiên, từ hai tháng trở lại đây, hàng loạt các thành viên trong nội các Trump lần lượt lên án các chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc. Hôm 24/6/2020, cố vấn An ninh Quốc gia Robert C. O’Brien tấn công thẳng vào hệ tư tưởng của ĐCSTQ. Ngày 7/7/2020, Giám đốc FBI Christopher Wray nêu bật các đe doạ của Trung Quốc đối với an ninh kinh tế và an ninh quốc gia của nước Mỹ. Ngày 17/7/2020, bộ trưởng Tư pháp William Barr phân tích các phản ứng của Hoa Kỳ đối với các tham vọng toàn cầu của Bắc Kinh. Đến lượt ngoại trưởng Pompeo, ngày 24/7 mới đây, đã tổng kết toàn bộ chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc. Có thể nói chính phủ Hoa Kỳ lần này tung tất cả các bí thuật của cả quyền lẫn cước, ra đòn một cách toàn diện, khá dữ dội để tấn công Trung Quốc. Vì vậy, nhiều nước trong khu vực kỳ vọng rồi đây Mỹ sẽ tăng cường hơn nữa các công cụ ngoại giao hoặc kinh tế. Chẳng hạn như ra tuyên bố trừng phạt tại Liên hợp quốc, nhằm vào các công ty Trung Quốc, đặc biệt là những công ty trá hình của của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), hoặc các quan chức chính phủ tại Bắc Kinh có dính líu đến quá trình quân sự hóa trên Biển Đông.
Chính sách của Mỹ, ít nhất qua những tuyên bố từ các nhân vật cộm cán trong hành pháp, có vẻ như đang thay đổi. Mỹ sẽ chủ động hơn trong việc định hình trật tự mới theo những nguyên tắc đã được "Bộ tứ" hay "Bộ tứ Mở rộng" bàn thảo. Với sự cam kết của "Bộ tứ" cốt cán (ngoài Mỹ ra là Nhật Bản, Australia, Ấn Độ), nay lại thêm cả Anh quốc, Cananda cùng "kề vai sát cánh", hy vọng hệ thống các đối tác và đồng minh của Hoa Kỳ trên thế giới sẽ cảm nhận được hình hài của "vành đai chiến lược mới" sau những can dự cụ thể như hỗ trợ Việt Nam và một số nước ASEAN tiền tuyến. Sau tuyên bố 13/7, đặc biệt là sau tuyên bố 24/7 của ngoại tưởng Pompeo, thế giới kỳ vọng nhiều hơn vào Hoa Kỳ. Cho đến nay, Mỹ đã thể hiện quan điểm của mình bằng các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) hay các cuộc tập trận quân sự như vừa điểm ở trên. Sau các tuyên bố "sát ván" vừa nêu, hy vọng cục diện ĐNÁ và trật tự thế giới rồi đây sẽ khác. Các nền dân chủ đang đón đợi để được chia sẻ với khẳng định của ngoại trưởng Pompeo tại tuyên bố 24/7/2020 : "Cách duy nhất để thực sự thay đổi Trung Quốc cộng sản là hành động không dựa trên những gì các nhà lãnh đạo Trung Quốc nói, mà dựa theo lối họ hành xử".
Hải Đăng
Nguồn : RFA, 26/07/2020
Tham khảo :
- Communist China and the Free World’s Future
- The Chinese Communist Party’s Ideology and Global Ambitions
- In the South China Sea, Washington Tries to Balance Support and Entanglement
Đại sứ quán Mỹ cho biết, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích (VNOSMP) ký bản ghi nhớ ý định để hỗ trợ phân tích ADN nhằm xác định danh tính hài cốt vô danh từ Chiến tranh Việt Nam.
Theo thỏa thuận này, USAID sẽ cung cấp cho Việt Nam "công nghệ hiện đại và tốt nhất" để phân tích và tách chiết ADN cũng như hợp tác với Việt Nam để tăng cường hiệu quả và hiệu suất của các phòng xét nghiệm với mục tiêu cuối cùng là tăng số lượng hài cốt được đoàn tụ chính xác với các gia đình.
Tin cho hay, USAID sẽ phối hợp với VNOSMP để tài trợ một dự án mới kéo dài từ 3 đến 5 năm với ngân sách 2,4 triệu đôla.
Dự án này sẽ bổ sung cho nỗ lực rộng lớn hơn của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nhằm hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam về tìm kiếm và xác định danh tính của hơn 200 nghìn quân nhân Việt Nam mất tích trong chiến tranh.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink nói tại lễ ký : "Hoa Kỳ trân trọng tất cả những hỗ trợ mà Việt Nam đã dành cho chúng tôi suốt 35 năm qua trong công tác tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh và cam kết hỗ trợ người dân Việt Nam trong việc định danh và cuối cùng là đoàn tụ hài cốt của binh sĩ Việt Nam với gia đình thân yêu của họ".
Theo cơ quan đại diện ngoại giao Mỹ ở Hà Nội, việc tìm kiếm, khai quật và định danh hài cốt từ chiến tranh được coi là có vai trò quan trọng cả về văn hóa và tinh thần đối với cả hai nước.
*****************
Bộ Ngoại giao Việt Nam mới lên tiếng về khả năng nâng cấp mối bang giao với Mỹ lên đối tác chiến lược, sau 25 năm bình thường hóa quan hệ và 6 năm thiết lập đối tác toàn diện.
Khẳng định "sẵn sàng làm bạn và đối tác tin cậy của tất cả các quốc gia trên thế giới", phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng nói rằng "quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ chứng kiến những bước phát triển tích cực, thực chất trên tất cả các lĩnh vực và trên cả bình diện song phương, đa phương trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau".
"Hai bên duy trì thường xuyên các cuộc tiếp xúc song phương và trao đổi đoàn các cấp, duy trì các cơ chế đối thoại, tăng cường thúc đẩy quan hệ trên các lĩnh vực kinh tế - thương mại, khắc phục hậu quả chiến tranh, an ninh - quốc phòng, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, hợp tác trên các vấn đề khu vực và quốc tế", bà Hằng nói trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 2/7.
"Thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục hợp tác nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới".
Tin cho hay, 2020 đánh dấu 25 năm Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ ngoại giao và 6 năm hai nước thiết lập đối tác toàn diện.
Bà Hằng cho biết rằng đại dịch Covid-19 mà nữ phát ngôn viên nói là "diễn biến phức tạp và lan rộng toàn cầu" đã "tác động" tới các hoạt động đánh dấu cột mốc trong mối bang giao Việt - Mỹ.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink được tờ Thanh Niên dẫn lời nói với báo giới rằng ông "không có thông tin cụ thể về việc bao giờ quan hệ ngoại giao giữa hai nước sẽ có một cái tên mới", nhưng "nhấn mạnh quan hệ thực chất không phụ thuộc vào tên gọi".
Trang Facebook của Đại sứ quán Mỹ hôm 6/7 cho biết rằng ông Kritenbrink "đã gặp gần 30 nhà báo để thảo luận về mối quan hệ đối tác song phương mạnh mẽ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam".
Nhà ngoại giao này được dẫn lời nói : "Khi hai nước đánh dấu 25 năm tình bạn trong năm nay, rõ ràng hai dân tộc vĩ đại của chúng ta có nhiều thứ để kỷ niệm !"