Khi tính pháp lý bị đuối người ta thường hay lớn tiếng để lấn át, và cố đưa cái mình tự đặt ra lên trên luật pháp quốc tế, bất chấp sự phản đối của công luận.
Lấy hành động lấn át luật quốc tế
Hôm 10/10, Mỹ đã điều tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Chafee tiến hành hoạt động tuần tra bình thường gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc ngang nhiên chiếm đóng, ngay sau đó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã lớn tiếng rằng :
"Hoa Kỳ không được có hành động vi phạm luật pháp Trung Quốc và luật lệ quốc tế có liên quan, phương hại đến chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc".
Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ảnh : AP.
Cùng với đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã điều hộ tống hạm lớp 054A được trang bị tên lửa Hoàng San, cùng hai chiến đấu cơ J-11B và trực thăng Z-8 ra để quan sát và cảnh báo tàu tuần tra của Mỹ.
Trong khi đó, hãng tin Reuters hôm 11/10 dẫn lời 3 quan chức cao cấp Mỹ cho biết, tàu khu trục USS Chafee chỉ đến rất gần vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa, bên trong vùng 16 hải lý, nhưng không đi vào bên trong vùng 12 hải lý [1].
Bởi vậy, những phát ngôn và hành động này của Trung Quốc đã bị công luận quốc tế chỉ trích là thái quá, trước một hành động mang tính hợp pháp của Hoa Kỳ.
Đành rằng, khi có những sự kiện được quốc tế quan tâm, thì việc các quốc gia đưa ra những tuyên bố và phản ứng của mình cũng là điều bình thường, nhưng phải trên cơ sở luật pháp quốc tế và tính khách quan, minh bạch trong đánh giá sự kiện.
Ở trường hợp này, tàu tuần tra của Mỹ đã thực hiện đúng quy định của luật pháp quốc tế, đó là thực hiện "tự do hàng hải" trong vùng biển quốc tế - hay còn gọi là biển cả.
Bởi theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Trung Quốc là một thành viên đã tích cực tham gia xây dựng nên, quy định :
Điều 87. Tự do trên biển cả
1. Biển cả được để ngỏ cho tất cả các quốc gia, dù có biển hay không có biển. Quyền tự do trên biển cả được thực hiện trong những điều kiện do các quy định của Công ước hay và những quy tắc khác của pháp luật quốc tế trù định. Đối với các quốc gia dù có biển hay không có biển, quyền tự do này đặc biệt bao gồm :
a) Tự do hàng hải ;
b) Tự do hàng không ;
c) Tự do đặt các dây cáp hoặc ống dẫn ngầm với điều kiện tuân thủ Phần VI ;
d) Tự do xây dựng các đảo nhân tạo hoặc các thiết bị khác được pháp luật quốc tế cho phép, với điều kiện tuân thủ phần VI ;
e) Tự do đánh bắt hải sản trong các điều đã được nêu ở Mục 2 ;
f) Tự do nghiên cứu khoa học với các điều kiện tuân thủ các Phần VI và VIII.
2. Mỗi quốc gia khi thực hiện các quyền tự do này phải tính đến lợi ích của việc thực hiện tự do trên biển cả của các quốc gia khác, cũng như đến các quyền được Công ước thừa nhận liên quân đến các hoạt động trong Vùng.
Điều 88. Sử dụng biển cả vào mục đích hòa bình
Biển cả được sử dụng vào các mục đích hòa bình
Điều 89. Tính bất hợp pháp của những yêu sách về chủ quyền đối với biển cả
Không một quốc gia nào có thể đòi đặt một cách hợp pháp một bộ phận nào đó của biển cả thuộc vào chủ quyền của mình [2].
Tại sao vùng nước giữa các cấu trúc địa lý ở quần đảo Hoàng Sa thuộc về biển cả, thì Tiến sĩ Trần Công Trục đã phân tích cụ thể trong bài viết "Phải chăng cuộc "chiến tranh pháp lý" trên Biển Đông đã mở màn ?".
Bởi vì trên thực tế, tàu tuần tra USS Chafee của Mỹ chỉ thực hiện việc "tự do hàng hải" trong vùng biển cả, không có hành động gây hại trong lãnh hải của bất kỳ quốc gia nào cũng như trong vùng biển quốc tế.
Vậy mà Trung Quốc lại lớn tiếng cho rằng hành động của Hoa Kỳ làm "phương hại đến chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc".
Trung Quốc đã hoàn toàn yếu về pháp lý, lại hay đánh tráo khái niệm
Đến đây, dư luận quốc tế lại đặt câu hỏi rằng : Trung Quốc lấy cơ sở pháp lý nào để lên án hành động "tự do hàng hải" vừa qua của Mỹ ở Biển Đông ?
Với tư cách là một thành viên tham gia xây dựng tích cực và đã phê chuẩn Công ước, Trung Quốc phải thừa hiểu đâu là vùng biển quốc tế trên Biển Đông, quyền và nghĩa vụ của các quốc gia ven Biển Đông cũng như các nước khác trên thế giới.
Đằng này, Trung Quốc lại nhắc lại luận điệu sai trái cũ bằng cách đánh tráo khái niệm khi đưa yêu sách "chủ quyền" ra để biện minh cho thái độ sai trái của một thành viên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Trong khi về mặt chủ quyền, tất cả các chứng cứ pháp lý đều chứng minh một cách rõ ràng rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.
Sự thật lịch sử đã chứng minh, đến trước thế kỷ XX, ngoài Việt Nam ra, không có quốc gia nào trong khu vực có bằng chứng để chứng minh họ đã xác lập chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đơn vị lính bảo an thực hiện nghi thức chào cờ trên đảo Hoàng Sa (Ảnh tư liệu).
Cho đến tận đầu thế kỷ XX, sách "Trung Quốc Địa lý Giáo khoa" của Trung Quốc xuất bản năm 1906 vẫn không hề đề cập về cái gọi là Tây Sa và Nam Sa, mà chỉ ghi rằng điểm cực Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam.
Trong khi đó, nhà nước phong kiến Việt Nam trong suốt 3 thế kỷ - từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX, trải qua 3 triều đại khác nhau (Chúa Nguyễn, Tây Sơn và Nhà Nguyễn), với tư cách là Nhà nước Đại Việt, đều đã thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình, là tiến hành chiếm hữu và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bằng việc thành lập các Đội Hoàng Sa, Bắc Hải, Quế Hương, Đại Mạo, Hải Ba ra quản lý, khai thác hai quần đảo này.
Ngay từ thời chúa Nguyễn, đã thiết lập tổ chức hành chính nhà nước đối với hai quần đảo này, khi đặt Hoàng Sa thuộc phủ Thừa tuyên Quảng Ngãi.
Đến đời vua Minh Mạng, đã cho dựng bia chủ quyền, đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tờ lệnh của Quan Bố Án Sát tỉnh Quảng Ngãi về việc phái binh thuyền vâng mệnh triều đình ra đảo Hoàng Sa thực thi nhiệm vụ vào ngày 15/4 năm Minh Mạng thứ 15 (1834) Ảnh tư liệu.
Khi thực dân Pháp xâm lược và đặt ách đô hộ đối với Việt Nam, Pháp cũng đã quản lý hai quần đảo này với tư cách đại diện cho Nhà nước Việt Nam về đối ngoại.
Đến năm 1956 khi Pháp rút khỏi Hoàng Sa và Trường Sa thì chính quyền Sài Gòn đã ra tiếp quản và lập nên các đơn vị hành chính mới.
Như vậy là, suốt từ thời chúa Nguyễn (thế kỷ XVII) đến khi chính quyền Việt Nam Cộng hòa ra tiếp quản hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam đã thực thi việc chiếm hữu thật sự và liên tục đối với hai quần đảo này.
Đối với Trung Quốc, phải đến năm 1951, mới đưa ra được tuyên bố đầu tiên về cái gọi là "chủ quyền" ở Biển Đông tại Hội nghị San Francisco (Mỹ), khi ông Chu Ân Lai cho rằng Hoàng Sa, Trường Sa, Đông Sa luôn là một phần lãnh thổ của Trung Quốc, tuy nhiên, Hội nghị đã bác bỏ ngay yêu sách này [3].
Còn trên thực địa, Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay chính quyền Việt Nam Cộng hòa vào năm 1974.
Bởi vậy, Trung Quốc không có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hành động tuyên bố chủ quyền, xâm lấn, bồi đắp, khai thác… trên hai quần đảo này đều vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Cho nên phản ứng của họ chỉ như một "trò lố"
Rõ ràng, Trung Quốc hoàn toàn yếu về pháp lý trong bất cứ tuyên bố nào của họ về chủ quyền ở Biển Đông, cũng như phản ứng đối với hoạt động của các nước trong vùng biển này.
Trong khi Việt Nam có đầy chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để chứng minh chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, do đó đã có phát biểu đầy trách nhiệm và xây dựng đối với hoạt động "tự do hàng hải" của Mỹ vừa qua.
Trả lời báo giới vào chiều ngày 12/10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết :
"Tất cả các quốc gia đều được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.
Việt Nam tiếp tục đề nghị các quốc gia có những đóng góp xây dựng và tích cực trên cơ sở luật pháp quốc tế vào việc duy trì hòa bình, ổn định và thượng tôn pháp luật trên Biển Đông".
Từ đây nhìn lại phát biểu của bà Hoa Xuân Oánh mới nhận ra một điều, khi tính pháp lý bị đuối thì người ta thường hay lớn tiếng, mạnh miệng để lấn át, và cố đưa cái mình tự đặt ra (luật pháp Trung Quốc) lên trên luật pháp quốc tế (UNCLOS 1982), bất chấp sự phản đối của công luận.
Nó cũng giống như cái cách mà Trung Quốc ngụy xưng trước đây về cái gọi là "đường lưỡi bò" đã bị Tòa Trọng tài quốc tế thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 ở The Hague bác bỏ, hay gần đây lại thêm cái gọi là "Tứ Sa" nữa.
Phải đâu cứ mạnh miệng là được !
Bởi vậy, xem ra sự phản đối của Trung Quốc đối với hoạt động tuần tra trên Biển Đông của Mỹ vừa qua cũng chỉ như một "trò lố".
Đến đây tác giả chợt nhớ đến một câu thành ngữ của văn hóa phương Đông :
"Nói người phải nghĩ đến ta, Sờ vào sau gáy xem ta thế nào ?".
Phạm Doãn Tình
Nguồn : GDVN, 15/10/2017
Tài liệu tham khảo :
[1] http://www.reuters.com/article/us-usa-china-military-exclusive/exclusive-u-s-warship-sails-near-islands-beijing-claims-in-south-china-sea-u-s-officials-idUSKBN1CF2QG
[2] https//m.thuvienphapluat.vn/ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982
[3] https//www.maxreading.com/ Cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
[4] Lao động/ Việt Nam lên tiếng về tình hình trên Biển Đông.
Tầu khu trục Mỹ lại tuần tra ở Hoàng Sa (RFI, 11/10/2017)
Ngày 10/10/2017, một tầu khu trục của Hải Quân Mỹ đã tiền gần quần đảo Hoàng Sa, hiện bị Trung Quốc chiếm đóng, tại vùng Biển Đông. Sự kiện trên diễn ra trong bối cảnh chính quyền của tổng thống Donald Trump đang tìm kiếm hợp tác với Trung Quốc để đối phó với chương trình phát triển hạt nhân và vũ khí đạn đạo của Bắc Triều Tiên.
Tầu khu trục USS Chafee. Wikimedia
Hãng tin Reuters, trích nguồn tin ẩn danh từ ba sĩ quan Hải Quân Mỹ, cho biết tầu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Chafee, thay thế USS John McCain bị hỏng, đã tiến hành các hoạt động tuần tra bình thường, thách thức "những yêu sách hàng hải quá đáng" của Trung Quốc gần quần đảo Hoàng Sa, trong đó có nhiều đảo nhỏ và bãi cạn đang tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng.
Tuy nhiên, theo Reuters, hoạt động tuần tra lần này không mang tính "khiêu khích" như các chiến dịch trước đó, kể từ khi tổng thống Trump nhậm chức vào tháng 01/2017. Tầu USS Chafee chỉ tiến gần các đảo ở Hoàng Sa. Trong khi đó, vào tháng 08/2017, tầu khu trục USS John McCain đã tiến vào bên trong vùng 12 hải lý của Đá Vành Khăn (Mischief Reef), bị Trung Quốc chiếm giữ ở Trường Sa.
Đây là hành động bảo vệ tự do hàng hải lần thứ tư của chính quyền Trump để phản đối những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc hạn chế quyền tự do hàng hải trong vùng Biển Đông chiến lược.
Bộ Quốc Phòng Mỹ không bình luận trực tiếp về hoạt động trên, nhưng cho biết Hoa Kỳ đã tiến hành các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải và tiếp tục làm như vậy trong tương lai.
Hạm trưởng, hạm phó USS John McCain bị cách chức
Chỉ huy tầu khu trục USS John McCain, trung tá Alfredo J. Sanchez, và chỉ huy phó Jessie L. Sanchez đã bị bãi nhiệm ngày 11/10/2017 liên quan đến vụ va chạm ngày 21/08/2017 với một tầu chở dầu gần Singapore khiến 10 người chết và 5 người bị thương. Theo thông báo của Hạm Đội 7 Hải Quân Mỹ, "vụ va chạm trên có thể ngừa trước được. Chỉ huy tầu đã phán đoán kém và chỉ huy phó đã thể hiện kém khả năng lãnh đạo trong chương trình huấn luyện của tầu".
Anh sẽ không tiến hành các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông
Trả lời hãng tin Úc Fairfax Media ngày 10/10/2017, bên lề hội nghị của đảng Bảo Thủ ở Manchester, bộ trưởng Quốc Phòng Anh Michael Fallon khẳng định các chiến đấu cơ Typhoon của Anh đã bay trên vùng Biển Đông vào năm 2016 và sẽ tiếp tục hoạt động này. Tuy nhiên, Anh Quốc không có ý định tiến hành các hoạt động đặc biệt ở Biển Đông, như Hoa Kỳ đang làm.
Vẫn liên quan đến vùng Biển Đông, tầu sân bay Adelaide và chiến hạm HMAS Darwin của Hải Quân Úc đã đến Philippines ngày 10/10/2017 để tham gia loạt huấn luyện quân sự chung tại vùng biển Indo-Thái Bình Dương mang tên "Indo-Pacific Endeavour 2017" kéo dài 5 ngày.
Trang Philstar, trích phát biểu của thuyền trưởng Jonathan Earley, cho biết chuyến thăm lần này thể hiện cam kết của Úc trong việc ủng hộ an ninh và ổn định trong vùng. Đợt huấn luyện diễn ra tại vịnh Subic, tập trung chủ yếu vào các hoạt động nhân đạo và cứu hộ trong trường hợp thảm họa.
Thu Hằng
**********************
Tàu khu trục có tên lửa dẫn đường của Hải quân Hoa Kỳ USS Chafee vừa đi qua quần đảo Hoàng Sa vào ngày 10/10 trong hoạt động nhằm thách thức các đòi hỏi về chủ quyền trên biển Đông quá đáng của Trung Quốc. Hãng tin Reuters trích lời giới chức Hoa Kỳ cho biết tin này hôm 11/10.
Tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Chafee tham gia hoạt động đào tạo về kiểm soát thiên tai ở cảng Tiên Sa, Đà nẵng hôm 25/4/2012. AFP
Đây là lần thứ 4 trong năm nay Hoa Kỳ đưa tàu đi gần vào các khu vực đảo đang tranh chấp giữa Trung Quốc và những nước khác ở khu vực Bển Đông.
Lần gần đây nhất là vào tháng 8, khi Hoa Kỳ cho tàu USS John S. McCain áp sát đá Vành Khăn thuộc khu vực quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đang chiếm giữ.
Tuy nhiên lần này tàu Mỹ không đi vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo như những lần trước đó. Khu vực 12 hải lý quanh các đảo và thực thể được quốc tế công nhận là giới hạn về chủ quyền quanh các đảo. Bằng việc đưa tàu đi vào khu vực 12 hải lý, Hoa Kỳ muốn cho Trung Quốc và các nước thấy Hoa Kỳ không chấp nhận về đỏi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực đó.
Trung Quốc hôm 11/10 cũng đã lên tiếng và có hành động phản đối việc Hoa Kỳ cho tàu đi vào khu vực quần đảo đang tranh chấp ở Biển Đông.
Bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho báo giới biết ngay khi chiến hạm USS Chafee đi vào gần khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc đã cho tầu hải quân và máy bay đến khu vực để xem xét và cảnh báo tàu chiến Mỹ, yêu cầu tàu Chafee phải rời khỏi khu vực này.
Bà Hoa Xuân Oánh nói hoạt động của tàu Mỹ đã vi phạm luật Trung Quốc và luật quốc tế, đe dọa chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc. Bà nói tiếp Trung Quốc mạnh mẽ phản đối hành động của tàu Mỹ và đã đưa phản đối này đến phía Mỹ.
Người đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục bảo vệ lãnh thổ của mình và thúc giục phía Mỹ phải tôn trọng chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc.
Hiện Bộ Quốc phòng Mỹ chưa đưa ra bất cứ lời nhận xét nào về hoạt động mới nhất của Hải quân Hoa Kỳ ở Biển Đông mà chỉ nói Hoa Kỳ sẽ vẫn tiếp tục thực hiện các hoạt động tự do hàng hải (gọi tắt là Fonops) thường xuyên ở khu vực này.
Fonops là chương trình đã được bắt đầu từ thời của Tổng thống Barack Obama để thách thức các đòi hỏi về chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông, khẳng định quyền tự do hàng hải của Mỹ trong khu vực.
Trong một diễn tiến khác cũng ở khu vực Châu Á, hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan của Mỹ đang tiến hành các hoạt động tập trận chung với một tàu chiến của Nhật bản ở ngoài khơi Okinawa. Giới chức quân đội Nhật bản cho biết tin này hôm 11/10.
Cuộc tập trận diễn ra giữa lúc căng thẳng giữa Mỹ và Bắc Hàn đang tăng cao và Mỹ cũng cho tiến hành một cuộc diễn tập hàng không khác với những máy bay ném bom B1-B ngay trong khu vực.
Theo Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, cuộc diễn tập với tàu cuả Mỹ được tiến hành vào hôm thứ bảy tuần qua. Các tàu tham gia diễn tập đi qua eo Bashi giữa Philippines và Đài Loan đến vùng nước quanh đảo ở vùng tây nam của Nhật Bản, gần với Bắc Hàn.