LTS : Ngay sau dịp nghỉ Tết vừa chấm dứt, chính quyền cộng sản Việt Nam liền ban hành Nghị quyết 25/NQ-CP nhằm triển khai việc thi hành Nghị quyết số 04-NQ/TW đến các cấp Đảng bộ và guống máy nhà nước học tập.
Nghị quyết số 04-NQ/TWb đề ra những định hướng tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ Đảng và guồng máy nhà nước không chỉ mới đây, chúng đã xuất hiện ngay từ sau Đại hội Đảng lần thứ 11, nhưng vào lúc đó chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm ngơ để những cấp lãnh đạo từ trung ương đến địa phương tự tung tự tác, bòn rút ngân sách vì lợi ích riêng nên những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ chưa đe dọa đến sự tồn tại của đảng cộng sản. Ngày nay nợ công đã chạm trần, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng thổ lộ, và Đảng Cộng sản Việt Nam không còn nguồn tài trợ nào khác để duy trì guồng máy nhà nước, khuynh hướng "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" bùng phát mạnh trở lại, nhất là trong quân đội và những định chế quản lý nhà nước có tầm vóc quốc tế.
Trong những tháng qua, dư luận đã chứng kiến sự bất lực của guồng máy nhà nước trong việc ngăn chặn những cuộc trốn chạy hay tẩu tán tài sản ra nước ngoài của những cán bộ đảng viên cao cấp của Đảng và chính quyền cộng sản Việt Nam. Rõ ràng đã có sự dàn xếp giữa của phe phái trong hệ thống Đảng và guồng máy nhà nước. Trước nguy cơ này, nếu ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam không ngăn chặn được những cuộc tẩu thoát này, uy tín cũng như sự chính đáng của đảng cộng sản cũng không còn. Rồi những tuyên bố ồn ào về việc cách chức và kỷ luật một ông Bộ trưởng tham nhũng không còn giữ chức vụ đến nay vẫn không đi tới đâu, vì sợ đụng đến những cấp cao hơn đang giấu mặt. Bảo vệ Đảng là khẩu hiệu duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay, nhưng Đảng đã không còn tiền để giữ chân hay nuôi dưỡng sự trung thành của hơn 4,5 triệu đảng viên. Mất sự hỗ trợ này, Đảng Cộng sản Việt Nam không còn tính chính đáng, do đó có thể sẽ bị lật đổ bất cứ lúc nào bởi chính lực lượng chống đối trong nội bộ Đảng.
Loạt văn bản triển khai Nghị quyết 4 của trung ương đảng sayu dịp Tết này là tiếng kêu tuyệt vọng trong sa mạc với hy vọng được nghe. Nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam còn gì để cứu, những người đồng hành với đảng cộng sản đã tranh nhau đến giọt nước cuối cùng, hiện nay nguồn tài trợ duy nhất có thể cứu vãn tình thế là thuế. Nhưng mức thuế đánh vào dân cũng đã chạm trần, một quả trứng chịu 14 loại phí, một con heo cõng 51 thuế phí trước khi bị làm thịt. Chính quyền không ngừng kêu gọi tiết kiệm, giảm chi tiêu trong các dịp lễ lạc, thực tế chẳng một người dân hay đảng viên, cán bộ nào nghe mà còn hãnh diện làm điều ngược lại. Hoàn toàn tuyệt vọng !
Một chính quyền tham nhũng không thể "tự diễn biến" hay "tự chuyển hóa". Phải thay đổi nó bằng một chính quyền do dân, vì dân và bởi dân qua bầu cử tự do.
Chúng tôi cho đăng lại sau đây nguyên văn bản tin của chính quyền cộng sản Việt Nam, do Hoàng Diên ghi lại, để dân chủ có cái nhìn chính xác hơn về nỗi lo của ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay.
Nguyễn Văn Huy
*******************
Ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ
Chinhphu.vn, 09/02/2017
Chính phủ vừa ra Nghị quyết ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng...
Chính phủ vừa ra Nghị quyết 25/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Chương trình nhằm xác định các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu để Chính phủ và các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết số 04-NQ/TW, bảo đảm đúng quan điểm đã đề ra trong Nghị quyết.
Bên cạnh đó, xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn, phương pháp tiến hành ở các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW. Đồng thời, Chương trình hành động này là cơ sở để kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện.
Đồng thời, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, toàn diện, trọng tâm, trọng điểm, kiên trì, thường xuyên với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn của các cấp, các ngành ; gắn với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết khác để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, ổn định tình hình, tạo niềm tin trong Đảng, trong Nhân dân, tạo động lực làm việc trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Đẩy mạnh công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình
Theo Chương trình hành động, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết số 04-NQ/TW.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình, trong đó, thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân theo đúng Nghị quyết số 04-NQ/TW, gắn với việc kiểm điểm, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức hàng năm và đột xuất theo quy định trên cơ sở cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" ; đề cao tính gương mẫu, tự giác kiểm điểm, trách nhiệm nêu gương của cấp trên, người đứng đầu.
Nhận thức sâu sắc về nguy cơ, nhận diện đúng những biểu hiện và đề ra các giải pháp phù hợp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Rà soát, có biện pháp, hình thức xử lý phù hợp đối với những trường hợp cán bộ, công chức, viên chức suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Kịp thời xử lý dứt điểm đơn, thư kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo liên quan đến các biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" và thông tin kết quả cho Nhân dân.
Chủ động nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để có chủ trương, giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả. Tăng cường giáo dục phẩm chất đạo đức, trách nhiệm công vụ ; rèn luyện phong cách làm việc dân chủ, khoa học, cụ thể, sâu sát cơ sở và gần dân, khắc phục tình trạng quan liêu, xa dân, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của Nhân dân cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cơ quan quản lý báo chí trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đấu tranh phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo chí, xuất bản, internet, mạng xã hội. Chủ động định hướng thông tin, cung cấp thông tin thường xuyên hoặc đột xuất ; chú trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành quả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích ; xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm quy định về thông tin, báo chí, tuyên truyền.
Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm cán bộ làm việc kém hiệu quả
Chương trình cũng đề ra nhiệm vụ, giải pháp xây dựng quy định tăng thẩm quyền và đề cao trách nhiệm người đứng đầu ; hoàn thiện thể chế về quản lý cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có các quy định về xử lý kỷ luật ; khắc phục những bất hợp lý trong công tác cán bộ, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, công chức.
Trong đó, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định nhằm tăng thẩm quyền và đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác cán bộ, công chức, viên chức dưới quyền để kiểm điểm khi có dấu hiệu vi phạm hoặc chậm trễ, trì trệ, kém hiệu quả trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao ; phối hợp với các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn hành vi bao che, cản trở, gây khó khăn trong xử lý hoặc có dấu hiệu bỏ trốn.
Tổng kết, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức, Luật thi đua, khen thưởng ; khẩn trương bổ sung quy định về việc xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm, kể cả khi đã thôi việc, nghỉ hưu, chuyển công tác. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng với kỷ luật hành chính của Nhà nước.
Hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ, khắc phục những bất hợp lý trong công tác cán bộ như phân công, phân cấp thẩm quyền quản lý, quy trình bổ nhiệm… nhằm bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, tổng thể, liên thông giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị, chấn chỉnh, khắc phục tình trạng kén chọn vị trí, chức danh trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh quy hoạch cán bộ và đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ sau quy hoạch. Triển khai thực hiện việc đổi mới phương thức tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu theo hướng công khai, dân chủ, minh bạch.
Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cấp và những trường hợp người nhà, người thân của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp có nhiều dư luận thắc mắc, không đồng tình và công khai kết quả xử lý.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương
Đẩy mạnh thực hiện các quy định về đạo đức công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trong đó, xây dựng, hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các quy định, quy chế về chế độ trách nhiệm, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, phong cách lối sống, quy tắc ứng xử của cơ quan nhà nước, của đơn vị sự nghiệp công lập, của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ; chú trọng xây dựng hệ thống chuẩn mực ứng xử các mối quan hệ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động với doanh nghiệp và với Nhân dân.
Người đứng đầu và từng cán bộ, công chức, viên chức phải có bản cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không có biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" ; các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập phải kiểm tra việc thực hiện của cán bộ, công chức, viên chức ở cơ quan, địa phương, đơn vị mình.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp ; chấm dứt ngay tình trạng ăn uống, chè chén, "liên hoan", "gặp mặt" khi hội họp, được đề bạt, thuyên chuyển công tác và việc tổ chức cưới hỏi, ma chay, giỗ, tết… xa hoa, lãng phí, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, gây phản cảm trong dư luận xã hội. Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc bố trí, sử dụng phương tiện tham gia đoàn công tác của lãnh đạo Chính phủ đi địa phương.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ; phát huy vai trò của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Trước mắt, tập trung xử lý ngay, dứt điểm đối với các dự án thất thoát, thua lỗ lớn, lãng phí, những vụ việc tham nhũng, tội phạm kinh tế và tội phạm về chức vụ nghiêm trọng, phức tạp… được dư luận xã hội, Nhân dân quan tâm. Xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ, công chức, viên chức sai phạm theo quy định của pháp luật.
Thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định ; xây dựng và hoàn thiện cơ chế giải trình và giám sát việc tăng giảm tài sản của cán bộ, công chức, viên chức. Cơ quan đề xuất đề bạt, bổ nhiệm cán bộ phải tiến hành thẩm định, xác minh, đánh giá tính trung thực của việc kê khai tài sản, thu nhập và công khai theo quy định.
Phát huy vai trò của Nhân dân và Mặt trận Tổ quốc
Chương trình nêu rõ, phát huy vai trò của Nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội. Cụ thể, xây dựng quy định khung về việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với cơ quan, cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp ; có hình thức xử lý phù hợp, kịp thời đối với những tổ chức, cá nhân có chỉ số hài lòng thấp.
Thực hiện nghiêm Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ; quy định về việc Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Tăng cường công tác dân vận - dân chủ trong các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp ; phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, Nhân dân, báo chí và công luận trong việc thực hiện vai trò giám sát và đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm những vấn đề bức xúc của Nhân dân.
Thực hiện nghiêm túc việc tiếp dân định kỳ hoặc đột xuất để tiếp nhận thông tin, lắng nghe, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, kiến nghị của Nhân dân, nhất là những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, công chức, viên chức ; xây dựng và thực hiện cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh phòng, chống suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Hoàng Diên
Nguồn : chinhphu.vn, 09/02/2017
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh tư liệu)
Nghị quyết 4/XII do Tổng bí thư nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 30/10/2016 được coi là nghị quyết quan trọng nhất hiện nay. Đây là Nghị quyết về tăng cường xây dựng đảng, chính đốn đảng, khắc phục nguy cơ "tự diễn biến, tự chuyển hóa" của một số khá nhiều "đảng viên thoái hóa, biến chất, nhiễm phải tư tưởng phản động, chống đảng". Bản nghị quyết kể ra trong ba đề mục lớn về những biểu hiện "sai lầm về chính trị" ; "sa sút về đạo đức, lối sống" ; và "vi phạm kỷ luật đảng, nói, viết và làm trái các nghị quyết của đảng".
Có 2 sai lầm chính trị hàng đầu được nhấn mạnh là không trung thành và bảo vệ đến cùng chủ nghĩa Mác - Lênin và không tin tưởng ở chủ nghĩa xã hội, ở nền kinh tế thị trường mang định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo tinh thần bản nghị quyết này, các đảng viên có biểu hiện suy thoái nếu không chịu thành khẩn tự phê bình sẽ không còn có đủ tư cách là đảng viên.
Bước vào năm 2017, nhiều nhà bình luận quốc tế cho biết năm nay là đúng 100 năm học thuyết Mác - Lênin được thí nghiệm ở nước Nga trong cuộc cách mạng vô sản tháng Mười năm 1917, và sau đó chủ nghĩa xã hội kiểu Mác-xít đã được thực hiện trong toàn phe xã hội chủ nghĩa bao gồm cả Liên bang Xô viết và Trung Quốc. Đảng Cộng sản Việt Nam tự nhận là thành viên, và là tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa – nhưng trên thực tế chỉ là con tốt đen của phe này.
Sau gần 100 năm được thực hiện, học thuyết Mác - Lênin và chủ nghĩa xã hội kiểu Mác-xít đã tỏ rõ là những học thuyết sai lầm lớn nhất của thế kỷ XX, giết chết hơn 100 triệu người qua các cuộc thanh trừng (như ở Liên Xô), các cuộc chiến tranh (như ở Việt Nam và Triều Tiên), nạn đói trong cuộc Đại Nhảy vọt và Cách mạng văn hóa vô sản (ở Trung Quốc).
Học thuyết Mác - Lênin đã bị phá sản triệt để. Đó là sự thật hiển nhiên. Đến nay trên thế giới có còn ai nhắc đến giá trị nào đó của học thuyết Mác - Lênin và chủ nghĩa xã hội Mác-xít ? Đảng Cộng sản Ý và đảng Cộng sản Anh đã tự giải thể, đảng Cộng sản Nhật Bản và đảng Cộng sản Pháp tuy còn giữ danh xưng "Cộng sản" nhưng đã từ bỏ học thuyết Mác - Lênin và nền chuyên chính độc đảng, trong khi đó Cộng hòa Liên bang Đức, Ba Lan và Nghị viện châu Âu đặt chủ nghĩa xã hội Mác-xít ra ngoài vòng pháp luật. Ngay cả đảng Cộng sản Trung Quốc cũng không còn nhắc nhở gì đến chủ nghĩa Mác - Lênin và không trưng ra ảnh của Mác và Lênin trong Đại hội đảng (chỉ còn riêng đảng Cộng sản Việt Nam thì vẫn trưng ảnh hai ông này, nghĩa là bảo hoàng hơn cả vua).
Tất cả những điều vừa nêu, chẳng lẽ cả Bộ Chính trị 19 người và hơn 200 ủy viên Trung ương không hay biết gì ? Và hàng vạn giáo sư đảng viên, tiến sĩ, thạc sĩ đảng viên đều không hay biết gì hết để tuân theo ông Tổng Trọng ghi học thuyết Mác - Lênin và chủ nghĩa xã hội Mác-xít là 2 "báu vật thiêng liêng" luôn đặt trên bàn thờ của đảng, không ai được đụng chạm. Cả cái Hội đồng lý luận của Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam với hàng lọat công cụ tinh thần, các viện, học viện, đại học cũng đồng loạt mê lú khi nói, viết và nghĩ theo các đường mòn của đảng, nhai đi nhai lại học thuyết Mác - Lênin, chủ nghĩa xã hội Mác-xít là chân lý bất biến, được dạy dỗ ưu tiên trong mọi nhà trường, trong khi cả thế giới coi là những cặn bã độc hại đã bị đào thải, loại bỏ, lên án.
Cái "túi khôn" dân tộc, cái khả năng của con người biết phân biệt phải trái, đúng sai, khôn dại của nhân dân ta đâu mất rồi ? Ông Trọng luôn nhắc đến trách nhiệm của người đứng đầu mọi tổ chức đảng, phải làm gương. Sao ông lại dẫn đầu đảng để cùng chui vào bóng ma Mác - Lênin và chủ nghĩa xã hội Mác-xít một cách mù quáng dại dột như thế ?
Sẽ là điều bổ ích nếu như trong đảng có một số đảng viên ngay thẳng, trung thực ra công ghi chép trong các buổi họp chi bộ bàn về thực hiện Nghị quyết 4/XII và thống kê chính xác xem có bao nhiêu đảng viên ở cơ sở tán thành bản nghị quyết, tán thành duy trì chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa xã hội Mác-xít, coi đó là những "báu vật" vĩnh cửu trên bàn thờ thiêng liêng của đảng Cộng sản, và buộc toàn dân tộc phải cúi đầu chấp nhận.
Thật ra ông Tổng Trọng cùng Bộ Chính trị không nhớ gì đến lời dặn của chính Mác khi ông cho rằng những quan điểm, nhận định lý luận của ông là biện chứng, nghĩa là còn thay đổi tùy tình hình, tùy hoàn cảnh và thời đại, không nên coi là bất biến. Nó chỉ là công cụ về nhận thức dùng để cải tạo thế giới. Nó là công cụ, giống như con dao, chiếc búa, cái bút... khi không cần nữa, lại có hại thì bỏ sang một bên, không thương tiếc, việc gì phải thờ mãi nó như vật "thiêng liêng". Khi thấy nó có hại thì dại gì mà ôm nó mãi, chỉ tổ mang vạ vào thân và gây tai họa cho toàn dân tộc.
Bùi Tín
Nguồn : VOA tiếng Việt, 13/01/2017