Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Có lẽ vì dân đông khó làm ăn nên từ xa xưa, người Hoa đã có truyền thống bỏ tổ quốc ra nước ngoài kiếm kế sinh nhai. Hàng triệu dân các tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông vùng ven biển miền Nam Trung Quốc tràn xuống Đông Nam Á. Hiện nay Indonesia, Thái Lan và Malaysia mỗi nước có hơn 7 triệu người Hoa ; hơn 70% người Singapore là người Hoa đại lục di cư đến. Ai có tiền thì sang Châu Âu, sang Mỹ. Nhiều thanh niên trí thức xuất ngoại du học và làm việc.

nguoihoa1

Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu người di cư lớn nhất thế giới.

Báo cáo Chính trị và An ninh toàn cầu năm 2007 của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu người di cư lớn nhất thế giới. Văn phòng Kiều vụ thuộc Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cho biết nước này có hơn 45 triệu kiều bào ở hải ngoại, nhất thế giới về số lượng, tương đương số dân một quốc gia trung bình.

Từ sau ngày cải cách mở cửa, số lượng dân Trung Quốc đi ra nước ngoài tăng lên đáng kể. Thập niên 1980 có phong trào xuất khẩu lao động rồi ở lại nước ngoài ; thập niên 1990 – phong trào du học rồi ở lại ; thập niên đầu thế kỷ 21 – sự ra đi của tầng lớp tinh hoa, mấy năm gần đây chủ yếu là những người mới giàu lên. Họ ra đi mang theo chất xám, công nghệ, tài sản, và cả niềm tin mà một quốc gia đang trưởng thành không thể thiếu được.

70% số người Trung Quốc được hỏi cho rằng nguyên nhân chính khiến họ xuất ngoại là nỗi lo ngại về nạn tham nhũng, bất công, đặc quyền đặc lợi, môi trường sống, giáo dục, an toàn thực phẩm, điều kiện y tế… tại quê nhà của họ.

Chính quyền Trung Quốc biết thế nhưng không ngăn cản. Dùng con người chứ không phải dùng các giá trị quan để "Trung Quốc hóa" cả thế giới – biết đâu đó chính là giấc mơ của những đầu óc dân tộc chủ nghĩa khôn ngoan, thâm hiểm ở Trung Nam Hải ?

Trong chính phủ Obama từng có người Hoa làm Bộ trưởng Bộ Năng lượng – ông Chu Khang Văn (Steven Chu, giải Nobel Vật lý 1997), và làm Đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh – ông Lạc Gia Huy (Gary Locke). Biết đâu đấy, rất có thể sẽ có ngày Tổng thống Mỹ là người Hoa. Philippines có 1,3 triệu người Hoa, chiếm 1,3% số dân, nhưng người Hoa chiếm hơn một nửa số Tổng thống Philippines có từ ngày lập quốc. Gần đây nhất hai Tổng thống Benigno Aquino III và Rodrigo Duterte (đương nhiệm) cũng là người Hoa. Lãnh đạo Singapore xưa nay đều là người Hoa. Ai bảo người Hoa không có đầu óc quốc tế ?

Riêng tỉnh Chiết Giang (là nơi tập trung nhiều nhà giàu) mỗi năm có ít nhất 1.500 người hoàn tất thủ tục ra nước ngoài định cư, và tăng 10-20% hàng năm, phần lớn là thương nhân. Đa số họ không thừa nhận mình ra đi để hưởng thụ cuộc sống sung sướng mà chủ yếu do yêu cầu công việc của mình và vì tương lai của con cái. Số người muốn ra đi còn nhiều hơn. Các công ty môi giới xuất cảnh đua nhau thành lập và hái ra tiền.

Một báo cáo của Ngân hàng Trung Quốc trong năm 2011 cho biết 14% số nhà giàu Trung Quốc với tài sản trên 10 triệu nhân dân tệ đã di cư ra nước ngoài. 46% đang lên kế hoạch ra nước ngoài sinh sống. Theo số liệu Mỹ, từ năm 1992 đến 2011, số người nộp đơn ra nước ngoài theo diện visa đầu tư đã tăng 700%, từ 473 lên 3085 đơn. Chỉ trong hai năm qua, số người nộp đơn xuất cảnh diện visa đầu tư đã tăng gần gấp bốn lần, đa số từ Trung Quốc. Năm 2011, khoảng 77% trong số những người nộp đơn theo diện visa đầu tư là người Trung Quốc.

Từ năm 1978 tới năm 2010 đã có 1,06 triệu học sinh Trung Quốc du học nước ngoài, trong đó chỉ 275 nghìn người (gần 30%) về nước. Nghĩa là có 785 nghìn thanh niên tuấn tú chạy ra ngoài nước, tương đương 30 lần tổng số sinh viên trường ĐH Bắc Kinh và ĐH Thanh Hoa. Thời gian đầu nhiều người Trung Quốc hốt hoảng báo động hiện tượng "Chảy máu chất xám" này sẽ làm cho Trung Quốc ngày càng tụt hậu về khoa học công nghệ. Nhưng về sau người ta cũng quen dần. Vả lại chính không ít con cháu các vị lãnh đạo cấp cao sang Mỹ du học cũng ở lại kia mà. Nghe nói cô con gái ông Tập Cận Bình đang học tại Đại học Harvard ở Mỹ.

Tình trạng người dân bỏ nước mình ra nước ngoài sinh sống là một trong các chỉ tiêu đánh giá quốc gia thất bại (Failed States Index) – khái niệm do tạp chí Foreign Policy và một think tank Mỹ là Quỹ Hòa bình (Fund of Peace) đưa ra năm 2005. Từ đó tới nay năm nào họ cũng công bố Bảng xếp hạng các quốc gia thất bại.

Có một sự thật đáng buồn là tuy mấy chục năm nay Trung Quốc liên tục dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhưng hai năm 2009, 2010 lại bị rơi vào hàng ngũ các quốc gia thất bại nhất trên thế giới, tức thuộc vào khối 60 quốc gia có chỉ số thất bại cao nhất : xếp thứ 57 trong số 177 quốc gia được khảo sát. Sức ép tổng dân số quá lớn, trong đó có vấn đề thất thoát dân di cư ra nước ngoài, là một trong ba nhân tố chính làm cho Trung Quốc cam chịu số phận hẩm hiu này. Mất dân  phần nào đó tức là mất lòng dân ­– đúng là một thất bại không thể chối cãi, chứng tỏ chính quyền không được lòng dân, nhất là khi Trung Quốc không còn là nước nghèo nữa mà đã vươn lên vị trí số 2 thế giới về GDP.

Ngày nay người Trung Quốc bỏ ra nước ngoài không hoàn toàn vì lý do kinh tế như ngày xưa hoặc như nhiều nước Châu Phi, mà vì những lý do khác nói lên họ không yêu tổ quốc mình. Tổng thống Obama từng "chọc tức" Trung Quốc về chuyện này : trong bài diễn văn đọc trước Quốc hội Australia hôm 17/11/2011 ông có nói một câu : Thịnh vượng mà không kèm theo tự do thì chỉ là một biến tướng của đói nghèo. [Prosperity without freedom is just another form of poverty]. Câu này ám chỉ việc Trung quốc khoe khoang ầm ĩ chuyện nước này có nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới nhưng không thể giải thích vì sao dân mình lại đua nhau bỏ ra nước ngoài đi tìm cuộc sống mới. Dân Mỹ chỉ cười khi thấy người nước ngoài chê trách nước Mỹ đủ thứ xấu, nhưng xấu như vậy tại sao chẳng thấy người Mỹ bỏ tổ quốc ra đi mà chỉ thấy người khắp thế giới bằng mọi cách tìm đường đến nước Mỹ ?

Hầu như năm nào cũng có những người bất đồng chính kiến xin sang Mỹ, trốn sang Mỹ hoặc bị trục xuất sang Mỹ, gây rắc rối cho quan hệ ngoại giao hai nước Trung – Mỹ. Đầu năm 2012 có vụ Giám đốc Công an kiêm Phó Thị trưởng thành phố Trùng Khánh Vương Lập Quân trốn vào Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô ở một ngày, xin tị nạn không thành công rồi bị Tòa án Trung Quốc kết án 15 năm tù. Sau đó lại có vụ luật sư nông dân mù Trần Quang Thành đang bị giam lỏng ở quê nhà (tỉnh Sơn Đông) bí mật trốn về Bắc Kinh, vào Đại sứ quán Mỹ ở 6 ngày, làm bẽ mặt Bắc Kinh. Cuối cùng Trung Quốc phải đồng ý cho vị "anh hùng chống chế độ" họ Trần này đem vợ con đi Mỹ du học, và ngày 19/05/2012 họ đã sang New York.

Nguyễn Hải Hoành

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 13/12/2019

Additional Info

  • Author Nguyễn Hải Hoành
Published in Diễn đàn

Mới đây Michael Bloomberg đã chính thức tuyên bố sẽ tham gia cuộc đua tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020 trong thành phần Đảng Dân chủ. Bloomberg cho biết trước đây ông từng nói sẽ không ra tranh cử, nhưng nay lại thay đổi quyết định bởi lẽ ông không nghĩ rằng các ứng viên Tổng thống đại diện đảng Dân chủ hiện nay có thể đánh bại được ông Trump.

bloomberg1

Michael Bloomberg cùng những người Mỹ "gàn dở" như ông đã góp phần hoàn thiện xã hội Mỹ, làm phong phú cái gọi là "sức mạnh mềm" của đất nước này. Giờ đây, ở tuổi 77, ông muốn trở thành Tổng thống nước Mỹ. - Ảnh minh họa

Vài nét tiểu sử

Michael Bloomberg sinh năm 1942 trong một gia đình Do Thái bình thường. Khi còn là sinh viên đại học, ông vừa đi học vừa tự kiếm sống bằng mọi cách, kể cả lao động chân tay. Từ hồi ấy ông đã say mê môn tin học và tỏ ra có năng khiếu xuất sắc trong lĩnh vực này.

Năm 1966, sau khi lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh Đại học Harvard, Bloomberg làm giao dịch viên chứng khoán cho Salomon Brothers, một công ty hàng đầu phố Wall. Chàng trai Bloomberg 24 tuổi làm việc mỗi tuần 6 ngày, mỗi ngày 12 giờ.

Nhờ cần cù như thế và nhờ có đầu óc kinh doanh nhạy bén kèm theo tầm nhìn xa xuất chúng, sáu năm sau ông trở thành cổ đông của công ty này, và cứ thế dần dần tiếp quản hầu hết mọi thứ của công ty, từ cổ phiếu, nghiệp vụ giao dịch và bán hàng cho tới hệ thống thông tin.

Thế nhưng năm 1981, nội bộ Salomon Brothers xảy ra một cuộc đấu đá. Do tính nói thẳng hay làm người khác mất lòng mà Bloomberg bị hất ra khỏi công ty sau 15 năm cúc cung tận tụy làm việc.

Nhưng cú vấp ngã đau điếng này chẳng hề làm ông nản chí. Bloomberg sử dụng khoản tiền 10 triệu dollar công ty bồi thường để khởi đầu một sự nghiệp mới – lập công ty dịch vụ phần mềm tài chính lấy tên là Innovative Market Systems (năm 1986 đổi tên là Bloomberg L.P.).

Ý tưởng này xuất phát từ sự phân tích sáng suốt của Bloomberg, một người vừa nắm vững kiến thức chứng khoán, nghiệp vụ đầu tư lại cực giỏi về ứng dụng công nghệ máy tính. Ông thấy trước các công ty tài chính làm đầu tư, ngân hàng… sẽ cực kỳ cần sử dụng dịch vụ phần mềm máy tính để tăng hiệu suất công việc.

Quả vậy, năm 1982, công ty chứng khoán hàng đầu Merrill Lynch trở thành khách hàng đầu tiên của Innovative Market Systems, họ nhận đặt 20 thiết bị đầu cuối và đầu tư 30 triệu USD mua 30% cổ phần của công ty.

Nhờ đó công ty của Bloomberg phát triển nhanh như thổi với tốc độ 40% mỗi năm. Số thiết bị đầu cuối từ 5000 năm 1987 tăng lên hơn 250 nghìn năm 2009.

Năm 1990 Michael Bloomberg (và Matthew Winkler) thành lập hãng thông tấn Bloomberg News để cung cấp báo cáo tin tức tài chính cho các thuê bao của Bloomberg Terminal. Tại thời điểm năm 2010, Bloomberg News có hơn 2.300 biên tập viên và phóng viên tại 72 quốc gia và 146 văn phòng tin tức trên toàn thế giới. Sau 22 năm ra đời, Bloomberg News đạt được thu nhập cao hơn cả Tập đoàn thông tấn Reuteus lớn nhất thế giới, có lịch sử 150 năm.

Tiếp đó Bloomberg lập đài phát thanh, đài truyền hình và website đều lấy tên mình. Kênh truyền hình Bloomberg phát suốt ngày đêm ; là nguồn cung cấp tin tức gốc có tín nhiệm trên các lĩnh vực kinh tế, tài chính-tiền tệ toàn thế giới.

Cùng với các thành tích đó, Michael Bloomberg trở thành người giàu nhất thành phố New York và giàu thứ 5 nước Mỹ với tài sản cá nhân lên tới 16 tỷ dollar (3/2009 ; năm 2019 là 55 tỷ). Chỉ trong hai năm ông nhảy từ bậc thứ 142 lên bậc thứ 17 trong bảng xếp hạng người giàu nhất thế giới của tạp chí Forbes (2019 là thứ 7). Thật là một kỳ tích !

Xin làm đầy tớ dân

Sau nhiều năm làm chủ một tập đoàn khổng lồ, năm 2001 Bloomberg từ chức CEO để ra tranh cử chức thị trưởng thành phố New York.

Với một quá khứ thành đạt hiếm có và đề cương tranh cử xuất sắc được lòng dân, lại biết khéo léo sử dụng hệ thống thông tin truyền thông rộng lớn của mình phục vụ tranh cử, Bloomberg đã trúng cử và từ 1/1/2001 trở thành thị trưởng nhiệm kỳ thứ 108 của thành phố New York.

Tháng 11/2005 ông tái đắc cử chức vụ này cho tới hết năm 2013.

Cần nói là do tự bỏ tiền túi (69 triệu đô-la) vào việc tranh cử, vì thế ông có thể đàng hoàng tuyên bố : sau khi trúng cử, chính sách của ông sẽ không chịu ảnh hưởng của những người quyên góp tiền cho tranh cử. Đúng vậy, thời gian nắm quyền, thị trưởng Bloomberg đã hành xử hoàn toàn vì dân chúng New York mà không chịu sự chi phối của bất cứ thế lực nào ; chẳng ai có thể can thiệp vào các quyết định của ông.

Ở nước Mỹ, rời thương trường sang chính trường có nghĩa là phải chấp nhận sự hy sinh đáng kể về lợi ích kinh tế. Có người nói đùa : Bloomberg chán làm ông chủ rồi, nay muốn làm… đầy tớ.

Đúng vậy, làm quan ở Mỹ thực sự là làm đầy tớ dân, luôn bị đặt ở vị trí trên đe dưới búa rìu dư luận, bị giới truyền thông luôn theo dõi, soi mói bới lông tìm vết việc công việc tư ; ai không năng nổ tích cực, không thay đổi được tình trạng cũ, ai làm dở hoặc chỉ làm được ít việc, hoặc đời tư có bê bối gì là lập tức bị dân công khai chê bai, phê phán thâm chí chửi bới trên báo đài. Chưa kể lương bổng của quan chức nhà nước bao giờ cũng thấp hơn nhiều so với làm kinh doanh bên ngoài. Chẳng hạn ông Bush con khi làm Tổng thống được lĩnh lương 400.000 đô la/năm, trước đó mỗi năm ông bỏ túi hàng triệu đô la nhờ kinh doanh dầu mỏ.

Thế mà Bloomberg đã làm tốt công việc thị trưởng thành phố lớn nhất (hơn 8 triệu dân) và phức tạp nhất nước Mỹ này suốt cả hai nhiệm kỳ.

Trước đây ông là đảng viên Đảng Dân chủ nhưng năm 2001 chuyển sang Đảng Cộng hòa ; năm 2007 ông rời Đảng Cộng hòa, năm 2018 lại gia nhập Đảng Dân chủ.

Bloomberg là con người tổng hợp nhiều tính cách : vừa là nhà chính trị vừa là đại gia truyền thông, đại gia tài chính tiền tệ, chuyên gia tin học… Rõ ràng, từng ấy thứ chung đúc lại trong một con người thì người đó nhất định phải có nhiều phẩm chất ưu tú xuất chúng.

Thị trưởng không có văn phòng làm việc riêng, không có thư ký riêng

Sau khi tuyên thệ nhậm chức thị trưởng ngày 01/01/2002, Bloomberg thề quyết mang phong cách làm việc hoàn toàn mới vào cơ quan công quyền của thành phố. Ai từng đến tòa Thị chính New York đều vô cùng ngạc nhiên khi thấy thị trưởng thành phố khổng lồ này không có văn phòng làm việc của mình.

Ông cho cải tạo một hội trường lớn thành nơi làm việc chung toàn cơ quan của tòa thị chính, một văn phòng hoàn toàn mở với dân chúng. Bản thân Bloomberg ngồi một bàn một ghế giữa đám nhân viên của mình. Ông từng nói "Tường ngăn là vật chướng ngại, công việc của tôi là phá hết tường ngăn".

Tuần san Time bình luận : "Bloomberg đem lại cho thành phố New York hiệu suất và tính công khai trong suốt của công việc, đây là điều chưa từng có".

Cũng vậy, thị trưởng Bloomberg không có thư ký riêng. Bất cứ ai, từ dân thường tới nhà lãnh đạo, đều có thể tiếp xúc thẳng với ông mà không qua một trung gian nào. Tất nhiên vì thế ông bận rộn hơn vì chẳng có người giúp những việc có tính hành chính sự vụ.

Không chỉ là sự thay đổi về hình thức mà thực sự công tác quản lý thành phố New York đã có tiến bộ trông thấy, chả thế mà ông tái đắc cử thị trưởng. Tỷ lệ phạm tội giảm dần, kinh tế các vùng được kích thích tăng trưởng, thâm hụt ngân sách giảm dần, chất lượng sống của người dân được cải thiện với những biện pháp như cấm hút thuốc lá tại nhà hàng và quán rượu, cấm làm ồn trên đường phố. Việc thiết lập các đường dây nóng tố giác tội phạm và tư vấn đã tăng được sự giao lưu giữa chính quyền với dân …

Thị trưởng đi làm bằng tàu điện ngầm

Ngay từ hôm đầu tiên nhậm chức, Bloomberg đi làm bằng tàu điện ngầm (subway). Người dân New York đã quen thấy ngài thị trưởng của mình không kiếm được chỗ ngồi (vì tàu quá đông), mỗi lần đi làm và về nhà đành phải đứng nửa giờ trên tàu. Mới đầu nhiều người cho rằng đây chẳng qua là ngài tân thị trưởng muốn chơi trội một thời gian thôi, nhưng khi thấy ông đi tàu điện hết năm này sang năm khác thì người ta thực sự kính nể con người ý chí sắt đá này.

Bloomberg tâm sự : đi tàu điện ngầm vừa tiết kiệm tiền vừa góp phần giảm ùn tắc giao thông, mặt khác lại có dịp tiếp xúc trực tiếp với quần chúng loại thu nhập thấp nhất (đa số người thu nhập trung bình trở lên đều đi xe riêng), chưa kể lại còn có điều kiện hiểu rõ công việc ngành giao thông thành phố, ngoài ra còn góp phần hóa giải nỗi lo của dân chúng về sự an toàn của tàu điện ngầm sau vụ khủng bố 11/9. Đúng là nhất cử đa tiện. Thật khó hiểu nhà tư bản giàu nứt đố đổ vách ấy lại có thể chịu gian khổ, chịu "mất thể diện lãnh đạo" như vậy.

Thị trưởng không lương

New York đông dân, sản lượng kinh tế cao hàng đầu trong số các thành phố ở Mỹ, thu nhập bình quân đầu người là 40.450 USD/năm (2001), vì thế thị trưởng New York có mức lương khá cao so với nhiều thành phố khác. Thế nhưng Bloomberg ngay từ đầu đã tuyên bố ông chỉ nhận mức lương tượng trưng là 1 USD/năm – điều chưa từng có tại New York. Năm 2005 chính khách "gàn dở" này thắng cử chức thị trưởng nhiệm kỳ thứ hai.

Nước Mỹ có không ít người như thế, chẳng hạn ông Hindman, thị trưởng thành phố Columbia bang Missouri 5 nhiệm kỳ liền (từ 1995 tới nay) cũng không nhận lương và cả đời đi làm bằng xe đạp. Vợ chồng ông chỉ sống bằng lương hưu. Rõ ràng họ thực sự muốn làm việc vì dân, hoàn toàn chẳng vì danh lợi. Nhưng không vì thế mà họ làm việc kém hiệu quả.

Nhà từ thiện hào hiệp

Như mọi người Do Thái giàu có khác, Bloomberg rất tích cực làm từ thiện giúp đồng bào mình, đúng theo Kinh Thánh dạy.

Theo Biên niên sử Từ thiện, hàng năm Bloomberg đều đặn hiến tặng hoặc cam kết hiến tặng tiền cho công tác từ thiện với quy mô như sau : năm 2004 tặng 138 triệu, năm 2005 – 144 triệu, năm 2006 – 165 triệu và năm 2007 – 205 triệu đô-la.

Năm 2007, Michael Bloomberg trở thành nhà từ thiện lớn thứ 7 của nước Mỹ. Năm 2008, website Bloomberg công bố góp 500 triệu USD cùng với Bill Gates thực hiện dự án giúp chính phủ các nước đang phát triển kiểm soát thuốc lá. Như vậy tức là năm sau ông hiến nhiều hơn năm trước.

Nơi được Bloomberg quyên tặng tiền đều là các tổ chức giáo dục, y tế… Chẳng hạn ông từng góp hơn 300 triệu đô la cho Đại học Johns Hopkins, nơi ông từng học tập và sau đó thời gian 1996-2002 làm chủ tịch hội đồng quản trị nhà trường.

Tháng 6/2010, hai tỷ phú giàu nhất thế giới là Gates và Buffett ra "Tuyên ngôn Cam kết hiến tặng", kêu gọi các nhà giàu Mỹ cùng hai ông cam kết trong quãng đời còn lại của mình hoặc sau khi chết sẽ hiến tặng xã hội ít nhất một nửa tài sản. Bloomberg là người đầu tiên hưởng ứng phong trào Cam kết hiến tặng (Giving Pledge campaign) này.

Michael Bloomberg cùng những người Mỹ "gàn dở" như ông đã góp phần hoàn thiện xã hội Mỹ, làm phong phú cái gọi là "sức mạnh mềm" của đất nước này. Giờ đây ở tuổi 77 ông muốn trở thành Tổng thống nước Mỹ. Với tài sản nhiều hơn khoảng 17 lần đương kim Tổng thống Trump, liệu Bloomberg có được toại nguyện ?

Nguyễn Hải Hoành

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 29/11/2019

Additional Info

  • Author Nguyễn Hải Hoành
Published in Diễn đàn

Những năm qua, giới sử học Trung Quốc đã và đang ráo riết tiến hành các nghiên cứu nhằm phục vụ âm mưu bành trướng lãnh thổ, lấn chiếm Biển Đông. Cho rằng Việt Nam là trở ngại lớn nhất ngăn cản âm mưu đó, gần đây Trung Quốc một mặt công kích lập trường Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, một mặt tung ra luận điệu lôi kéo nước ta ‘lãng tử hồi đầu’, trở về ‘đại gia đình Bách Việt’ của họ. Luận điệu này đang được giới sử học Trung Quốc ra sức chứng minh bằng các nghiên cứu.

lichsu1

Ông Lương Đình Vọng trình bày kết quả nghiên cứu văn hóa Lạc Việt : Các dòng chữ Hán trong ảnh :

– Lĩnh Nam thời Tiên Tần là lãnh thổ của các vương triều Trung ương nhà Thương-Chu, chứ không phải là sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Lĩnh Nam thì vùng này mới gia nhập bản đồ Trung Quốc ;

– Lĩnh Nam thời Tiên Tần tồn tại Phương quốc Tây Âu và Phương quốc Lạc Việt, được thành lập vào khoảng năm 1300 trước công nguyên ;

– Phương quốc Lạc Việt do người Lạc Việt, tức tổ tiên chung của các dân tộc Tráng, Bố Y, Đồng, Mục Lão, Lê, Thái, Thủy, Mao Nam, xây dựng.

Qua các nghiên cứu ấy ta thấy họ đang lợi dụng những tư liệu sử học tù mù về cộng đồng Bách Việt và Lạc Việt xa xưa, nhất là sự nhập nhèm giữa ‘người Việt’ (Việt nhân) trong Bách Việt với người Việt Nam, và sự phụ thuộc của giới sử học Việt Nam vào các thư tịch cổ Trung Hoa để dẫn dắt dư luận Trung Quốc, Việt Nam và thế giới hiểu sai về mối quan hệ Trung Quốc-VN thời cổ đại, cho rằng Việt Nam thời xưa vốn là một bộ phận của Trung Quốc, có quan hệ khăng khít phụ thuộc vào chủng tộc và văn hóa Trung Quốc ; mối quan hệ lịch sử lâu đời đó định hướng chính sách đối ngoại của Việt Nam hiện nay là phải ‘thân’ Trung Quốc.

Nước ta thời cổ chưa có chữ viết, cho nên chưa có sử ; mọi chuyện của thời tiền sử ấy đều là truyền thuyết, dã sử, huyền sử. Sau khi phong kiến Trung Quốc chiếm Việt Nam (khoảng hơn 200 năm trước công nguyên), nhân cơ hội dân ta bị buộc phải học chữ Hán, tổ tiên ta đã nghĩ ra cách đọc chữ Hán theo âm Việt, tức Việt hóa phần ngữ âm của chữ Hán, nhờ thế người Việt Nam có chữ viết để dùng vào các việc giao tiếp bút đàm với người Trung Quốc, học văn minh Trung Quốc, viết văn thơ, chép sử, giao dịch hành chính, dạy học… Tổ tiên ta thời xưa chỉ biết chữ Hán, chỉ tham khảo các thư tịch Trung Quốc, cho nên sử sách nước ta không thể không chịu ảnh hưởng của sử học Trung Quốc ; ví dụ quan điểm ‘dân tộc Việt Nam là một bộ phận của cộng đồng Bách Việt’ được khá nhiều người thừa nhận, đúng như mong muốn của Trung Quốc.

Dưới đây nêu một ví dụ cho thấy giới sử học Trung Quốc đang tiến hành ‘nghiên cứu khoa học’ nhằm phục vụ chính sách bành trướng của chủ nghĩa Đại Hán.

Năm 2016, truyền thông Trung Quốc đưa tin về một đề tài nghiên cứu khoa học có tên ‘Nghiên cứu Phương quốc Lạc Việt’ [1] do sử gia nổi tiếng Trung Quốc Lương Đình Vọng chỉ đạo.

Một trang mạng Trung Quốc viết :

Cuộc tranh chấp Nam Hải [Việt Nam gọi là Biển Đông] không vì Phán quyết của Tòa án Quốc tế La Haye [tức phán quyết về Biển Đông của Tòa Trọng tài PCA năm 2016] mà thay đổi hiện trạng ; phía Trung Quốc vẫn không ngừng dùng các sự thực lịch sử để trình bày chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc đối với vùng lãnh thổ này.

Lương Đình Vọng tiến hành nghiên cứu Phương quốc Lạc Việt trong điều kiện khó khăn và dưới sức ép lớn, ví dụ sách ‘Sử cổ đại Việt Nam’ do Việt Nam xuất bản tuyên bố thủy tổ người Việt Nam là Hùng Vương từng khai phá phần lớn vùng Quảng Tây, và lên án Tần Thủy Hoàng là kẻ xâm lược. Để phản bác luận điệu của phía Việt Nam, Lương Đình Vọng dựa vào niềm tin ‘Phải giữ gìn lãnh thổ quý giá tổ tiên ta để lại cho chúng ta’ đã tiến hành dự án kể trên với phương châm ‘dốc hết sức mình bảo vệ sự nguyên vẹn lãnh thổ của Trung Quốc’.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng các tài liệu điều tra điền dã và các ghi chép trong thư tịch cổ cũng như các di vật khảo cổ khai quật được, kết hợp nghiên cứu các sách ‘Hán thư’, ‘Sử ký’, ‘Dật chu thư’…

Lương Đình Vọng (Liang Tingwang 梁庭望) sinh 1937, dân tộc Tráng, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Dân tộc trung ương, giáo sư, sử gia nổi tiếng chuyên về văn hóa lịch sử các dân tộc thuộc ngữ tộc Tráng-Đồng [2], tức ngữ tộc của tộc Lạc Việt.

Tuy đã lập Nhà Bảo tàng Lạc Việt ở Liễu Châu, trưng bày hàng nghìn hiện vật khảo cổ cùng các thành tựu nghiên cứu văn hóa Lạc Việt nhưng người Tráng vẫn triển khai các nghiên cứu quy mô lớn về tổ tiên họ. Lương Đình Vọng dẫn đầu công việc này.

Sau 8 năm triển khai, năm 2016 đề tài ‘Nghiên cứu Phương quốc Lạc Việt’ đã hoàn thành. Kết quả nghiên cứu in thành sách cùng tên ‘骆越方国研究 (xuất bản 4/2018).

Nhóm nghiên cứu đã chứng minh vùng Đại Minh Sơn ở gần Nam Ninh là địa điểm sở tại của Phương quốc Lạc Việt. Vùng đất này rất rộng, gồm các phần đất phía nam sông Tây Giang, tây nam Quảng Đông, các quần đảo Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa, Trung Sa (Việt Nam gọi là Pratas, Hoàng Sa, Trường Sa, bãi ngầm Macclesfield), một thời từng quản lý đến các quận Giao Chỉ và Cửu Chân, tức toàn bộ lãnh thổ Việt Nam thời đó [3].

lichsu2

Vành đai và Con đường: Trật tự Thế giới của Trung Quốc

Nhóm nghiên cứu còn chứng minh người Lạc Việt từng giương buồm đi đến tận Châu Mỹ và là chủ lực khai phá ‘con đường tơ lụa trên biển’ đi về phía tây. Trạm dừng đầu tiên của họ là đông bắc đảo Sumatra (Indonesia). Trạm thứ 2 ở gần Bago (Myanmar). Trạm thứ 3 ở ven sông Ayeyarwady (Myanmar). Trạm thứ 4 và 5 tại Ấn Độ, Malacca, Sri Lanka. Con đường này kéo dài tới Tanzania ở Châu Phi.

Kết luận quan trọng nhất mà công trình nghiên cứu này đưa ra là :

Ngay từ thời Thương-Chu (khoảng năm 1300 trước công nguyên), tổ tiên chung của các dân tộc thuộc ngữ tộc Tráng-Đồng là người Lạc Việt đã xây dựng một chính quyền địa phương gọi là ‘Phương quốc Lạc Việt’ ở vùng Lĩnh Nam [4], và tuân theo lệnh của các vương triều trung ương, ‘Phương quốc’ này đã khai phá và quản lý vùng Lĩnh Nam và Nam Hải.

Ở đây vương triều trung ương là vương triều của người Hoa Hạ (về sau gọi là người Hán) ở vùng Trung nguyên (vùng hạ lưu Hoàng Hà, nghĩa hẹp là tỉnh Hà Nam hiện nay). Quản lý có thể hiểu là cai trị.

Theo kết luận trên, 8 dân tộc thuộc ngữ tộc Tráng-Đồng (Tráng, Đồng, Bố Y, Lê, Thái, Thủy, Mục Lão, Mao Nam) là hậu duệ của người Lạc Việt và từ 3300 năm trước họ đã tổ chức một nhà nước (Phương quốc) ; nhà nước này tuân theo lệnh của các vương triều Hoa Hạ đã khai phá và cai trị vùng Lĩnh Nam cũng như Biển Đông.

Thiết nghĩ nhận định này ít nhất có ba điểm cần lưu ý :

1. Từ năm 1300 trước công nguyên vùng Lĩnh Nam, trong đó có Việt Nam, chịu sự cai trị của Phương quốc Lạc Việt và các vương triều Hoa Hạ. Như vậy nghĩa là thời kỳ Bắc thuộc của Việt Nam bắt đầu sớm 1100 năm và kéo dài 2300 năm – một thời gian quá lâu đủ để dân tộc ta bị đồng hóa. Điều này trái với quan điểm của sử học Trung Quốc và Việt Nam phổ biến cho rằng chỉ sau khi bị Triệu Đà chiếm [203 trước công nguyên], nước ta mới bắt đầu thời kỳ Bắc thuộc kéo dài hơn 1000 năm.

2. Từ 3300 năm trước, người Lạc Việt đã khai thác và quản lý Biển Đông. Điều này mâu thuẫn với quan điểm của sử học Trung Quốc cho rằng người Trung Quốc chậm chinh phục biển, 600 năm trước mới có chuyến thám hiểm hàng hải đầu tiên của Trịnh Hòa (1405-1433).

3. Dân tộc Việt Nam không thuộc ngữ tộc Tráng-Đồng (vì tiếng Việt thuộc ngữ hệ Môn-Khmer, khác ngữ hệ Hán-Tạng), do đó không phải là hậu duệ của người Lạc Việt. Điều này mâu thuẫn với quan điểm của chính Lương Đình Vọng khi ông cho rằng cuối thời Chiến Quốc (khoảng 220 trước công nguyên) một bộ phận người Lạc Việt di cư về phía nam đến Việt Nam, lập ra nước Âu Lạc, là tổ tiên của người Kinh Việt Nam, và làm nên nền văn hóa Đông Sơn – tức ông cho rằng người Việt Nam là hậu duệ của người Lạc Việt.

Quan điểm này vô lý ở chỗ : nếu như vậy thì người Việt Nam phải nói tiếng Lạc Việt, là thứ tiếng thuộc ngữ hệ Hán-Tạng ; nhưng thực tế họ lại nói tiếng Việt Nam thuộc ngữ hệ Môn-Khmer. Thời gian từ năm 220 trước công nguyên tới nay mới có hơn 2000 năm, không đủ để bất cứ dân tộc nào có thể sáng tạo được một ngôn ngữ nói hoàn hảo như tiếng Việt Nam, bởi lẽ quá trình thai nghén hình thành tiếng nói của một dân tộc cần thời gian dăm chục nghìn năm.

Sự thật là khi Trung Quốc bắt đầu chiếm Việt Nam, tiếng Việt đã rất phát triển, tới mức tổ tiên ta thời bấy giờ có thể đặt cho mỗi chữ Hán một cái tên tiếng Việt rất hợp lý, âm điệu rất hay, gọi là từ Hán-Việt. Trình độ phát triển ấy chứng tỏ tiếng ta đã có lịch sử dăm chục nghìn năm ; cũng nghĩa là người Việt Nam đã xuất hiện tại bản địa từ dăm chục nghìn năm trước chứ không phải là người Lạc Việt di cư tới.

Đúng là thủa xưa một số người Lạc Việt (người Tráng) có di cư sang Việt Nam, làm nên dân tộc thiểu số Tày-Nùng岱侬, nhưng họ chỉ nói tiếng Tày-Nùng, đâu có nói tiếng Việt Nam ? Và người Kinh Việt Nam không nghe hiểu thứ tiếng ấy.

Dư luận Trung Quốc cho rằng kết luận của dự án ‘Nghiên cứu Phương quốc Lạc Việt’ có ý nghĩa tượng trưng cho sự giữ gìn chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Chính Lương Đình Vọng đã nói Trung Quốc muốn giải quyết vấn đề Nam Hải (tức độc chiếm Biển Đông) thì phải coi trọng nghiên cứu văn hóa Lạc Việt, điều đó có liên quan tới an ninh văn hóa quốc gia, an ninh vùng biển và lãnh thổ Trung Quốc. Để bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc ở Nam Hải, ngoài việc xây dựng lực lượng hải quân hiện đại còn phải tăng tốc nghiên cứu văn hóa lịch sử, đặc biệt văn hóa Lạc Việt. Ý kiến này hoàn toàn ăn nhập với chủ trương Trung Quốc có chủ quyền bên trong ‘Đường 9 đoạn’ , tức phù hợp âm mưu bành trướng nhằm chiếm 90% Biển Đông.

Theo chúng tôi, kết luận nghiên cứu nói trên chỉ là sự hưởng ứng chính sách bành trướng của chủ nghĩa Đại Hán thời nay, mâu thuẫn với quan điểm trước đây của sử học Trung Quốc.

***

Để xem xét mối quan hệ giữa người Việt Nam với người Lạc Việt, thiển nghĩ có thể xem xét mối quan hệ giữa dân tộc ta với dân tộc Tráng tự nhận là hậu duệ của người Lạc Việt.

Dân tộc Tráng hiện có 18 triệu người, là dân tộc thiểu số lớn nhất ở Trung Quốc. Trước kia họ có tên chữ Hán là 僮, chữ này có hai âm đọc là [zhuàng] và [tóng], khi đọc [tóng] thì có nghĩa ‘đầy tớ trẻ con’, dễ gây hiểu lầm. Vì thế năm 1965 Thủ tướng Chu Ân Lai đề nghị đổi 僮 thành 壯 [zhuàng] với nghĩa ‘cường tráng’.

Năm 221 trước công nguyên quân nhà Tần chia 5 lộ xâm chiếm vùng Lĩnh Nam, riêng lộ quân phía Tây gặp sự chống trả dai dẳng theo kiểu đánh du kích của tổ tiên người Tráng (tức người Lạc Việt) ; mãi đến năm 214 trước công nguyên nhà Tần mới chiếm được toàn bộ Lĩnh Nam.

Trước đây giới sử học Trung Quốc cho rằng người Tráng mãi tới đời Đường-Tống mới làm ra một loại chữ vuông dựa trên cơ sở chữ Hán. Nhưng loại chữ này mỗi vùng một khác nên khó sử dụng ; trên thực tế người Tráng chủ yếu vẫn dùng chữ Hán. Năm 1955, Nhà nước Trung Quốc sáng chế một loại chữ Tráng trên cơ sở chữ cái Latin ; hiện đã dùng rộng rãi. Qua mấy chữ Tráng in trên đồng bạc Trung Quốc [5], có thể thấy tiếng Tráng khác tiếng Việt Nam.

Nhưng các phát hiện khảo cổ gần đây cho thấy khoảng 4000 năm trước người Lạc Việt đã có chữ viết, cùng thời với chữ Hán Giáp cốt. tháng 10/2011 tại thành cổ Cảm Tang Quảng Tây phát hiện nhiều tấm đá và mảnh xẻng đá lớn khắc chữ cổ. Hội thảo chuyên gia về chữ viết Trung Quốc (có Lương Đình Vọng tham gia), đã xác định đó là chữ viết cổ của người Lạc Việt. Hội trưởng Hội Nghiên cứu văn hóa Lạc Việt Tạ Thọ Cầu nói đây là loại chữ biểu ý. Khám phá nói trên chứng tỏ người Lạc Việt từng có một nền văn minh sán lạn.

Trong 55 dân tộc thiểu số của Trung Quốc cũng có dân tộc Việt Nam, mà Trung Quốc gọi là dân tộc Kinh, hiện có khoảng 22.000 người, sống ở 3 đảo nhỏ ngoài biển Quảng Tây. Họ nói tiếng Việt Nam, viết chữ Quốc ngữ, khác ngôn ngữ Tráng, tuy cũng phổ biến dùng Hán ngữ.

Dân tộc Tày-Nùng ở Việt Nam chính là con cháu của người Lạc Việt thời xưa di cư sang. Họ nói một thứ tiếng khác tiếng Việt và có phong tục tập quán khác người Việt.

Tóm lại có thể thấy dân tộc Việt Nam không có mối quan hệ gần gũi về ngôn ngữ và phong tục tập quán với dân tộc Tráng tự nhận là hậu duệ chính gốc của người Lạc Việt.

***

Trong tình hình giới học giả Trung Quốc ráo riết tiến hành các nghiên cứu nhằm phục vụ dã tâm bành trướng của Bắc Kinh, thiển nghĩ giới sử học nước ta nên triển khai công tác nghiên cứu tương ứng nhằm bác bỏ các kết luận vô lý của họ. Chúng ta cũng cần bàn thảo đi tới kết luận xác định dân tộc Việt Nam có phải là hậu duệ của người Lạc Việt hay không. Vấn đề này rất hệ trọng, bởi lẽ nếu là người Lạc Việt thì người ta có thể suy ra, như cách nghĩ của người Trung Quốc hiện nay, vùng đất tổ tiên người Việt Nam từng sống là thuộc lãnh thổ Trung Quốc, sau đó Việt Nam tách ra thành một quốc gia độc lập.

Nguyễn Hải Hoành

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 16/08/2019

---------------

[1] Các thực thể chính trị độc lập ở Trung Quốc thời xưa chia 3 loại. Cổ quốc là quốc gia nguyên thủy kiểu Thành-bang thời kỳ đầu, cao cấp hơn bộ lạc. Sau đó tiến sang thời kỳ Bang quốc rồi đến thời kỳ Phương quốc, tương đương đời Thương-Chu, khi Trung Quốc có chữ Giáp cốt. Phương quốc đầu tiên xuất hiện trước đời nhà Hạ. Lạc Việt cổ quốc (chữ Tráng Latin là Luegvet) do người Lạc Việt xây dựng tại vùng Lĩnh Nam ; phạm vi lãnh thổ : phía bắc từ lưu vực sông Hồng Thủy (Quảng Tây), phía tây từ đông nam cao nguyên Vân Nam-Quý Châu, phía đông đến Lôi Châu ở đông nam Quảng Đông, phía nam đến đảo Hải Nam và lưu vực sông Hồng Việt Nam. Nguồn gốc và trung tâm của văn hóa Lạc Việt là ở Trung Quốc, kinh đô ban đầu ở Vũ Minh (Đại Minh sơn, Nam Lộc) Quảng Tây.

[2] Ngữ tộc là nhóm các dân tộc có ngôn ngữ giống nhau. Ngữ tộc Tráng-Đồng (壮侗语族 Zhuang-Dong group) gồm các dân tộc Tráng, Đồng, Bố Y, Lê, Thái, Thủy, Mục Lão, Mao Nam (壮, 侗, 布依, 黎, 傣, 水, 仫佬, 毛南). Ngôn ngữ của ngữ tộc này thuộc ngữ hệ Hán-Tạng. Thời xưa một bộ phận người Tráng di cư sang Việt Nam, làm nên dân tộc Tày-Nùng (岱侬), hiện có 2,7 triệu người, là dân tộc thiểu số đông nhất ở Việt Nam.

[3] Trong sách Đất nước Việt Nam qua các đời, sử gia Đào Duy Anh dựa thư tịch cổ viết : quận Giao Chỉ phủ kín Bắc Bộ, trừ vùng thượng lưu sông Đà và thượng lưu sông Mã, ăn sang cả vùng tây nam Quảng Tây ngày nay. Góc tây nam Ninh Bình là địa đầu quận Cửu Chân (nay là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh). Về sau nhà Hán đặt thêm quận Nhật Nam ở phía nam quận Cửu Chân (từ đèo Ngang đến Bình Định) - (theo wikipedia).

[4] Lĩnh Nam là vùng đất ở phía nam dãy núi Ngũ Lĩnh, thời nhà Đường là khu vực hành chính có tên Lĩnh Nam Đạo, do vương triều Trung Quốc cai trị, trong đó có cả đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam, đến thời Ngũ Đại (khoảng năm 900) thì Việt Nam độc lập tách ra.

[5] Dòng chữ Trung Quốc Nhân dân Ngân hàng (Zhongguo Renmin Yinhang) và 100 Yuan (Yi bai Yuan), chữ Tráng Latin viết là Cunghgoz Yinzminz Yinzhangz và it bak maenz.

Published in Diễn đàn