Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/12/2019

Truyền thống xuất ngoại của người Hoa

Nguyễn Hải Hoành

Có lẽ vì dân đông khó làm ăn nên từ xa xưa, người Hoa đã có truyền thống bỏ tổ quốc ra nước ngoài kiếm kế sinh nhai. Hàng triệu dân các tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông vùng ven biển miền Nam Trung Quốc tràn xuống Đông Nam Á. Hiện nay Indonesia, Thái Lan và Malaysia mỗi nước có hơn 7 triệu người Hoa ; hơn 70% người Singapore là người Hoa đại lục di cư đến. Ai có tiền thì sang Châu Âu, sang Mỹ. Nhiều thanh niên trí thức xuất ngoại du học và làm việc.

nguoihoa1

Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu người di cư lớn nhất thế giới.

Báo cáo Chính trị và An ninh toàn cầu năm 2007 của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu người di cư lớn nhất thế giới. Văn phòng Kiều vụ thuộc Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cho biết nước này có hơn 45 triệu kiều bào ở hải ngoại, nhất thế giới về số lượng, tương đương số dân một quốc gia trung bình.

Từ sau ngày cải cách mở cửa, số lượng dân Trung Quốc đi ra nước ngoài tăng lên đáng kể. Thập niên 1980 có phong trào xuất khẩu lao động rồi ở lại nước ngoài ; thập niên 1990 – phong trào du học rồi ở lại ; thập niên đầu thế kỷ 21 – sự ra đi của tầng lớp tinh hoa, mấy năm gần đây chủ yếu là những người mới giàu lên. Họ ra đi mang theo chất xám, công nghệ, tài sản, và cả niềm tin mà một quốc gia đang trưởng thành không thể thiếu được.

70% số người Trung Quốc được hỏi cho rằng nguyên nhân chính khiến họ xuất ngoại là nỗi lo ngại về nạn tham nhũng, bất công, đặc quyền đặc lợi, môi trường sống, giáo dục, an toàn thực phẩm, điều kiện y tế… tại quê nhà của họ.

Chính quyền Trung Quốc biết thế nhưng không ngăn cản. Dùng con người chứ không phải dùng các giá trị quan để "Trung Quốc hóa" cả thế giới – biết đâu đó chính là giấc mơ của những đầu óc dân tộc chủ nghĩa khôn ngoan, thâm hiểm ở Trung Nam Hải ?

Trong chính phủ Obama từng có người Hoa làm Bộ trưởng Bộ Năng lượng – ông Chu Khang Văn (Steven Chu, giải Nobel Vật lý 1997), và làm Đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh – ông Lạc Gia Huy (Gary Locke). Biết đâu đấy, rất có thể sẽ có ngày Tổng thống Mỹ là người Hoa. Philippines có 1,3 triệu người Hoa, chiếm 1,3% số dân, nhưng người Hoa chiếm hơn một nửa số Tổng thống Philippines có từ ngày lập quốc. Gần đây nhất hai Tổng thống Benigno Aquino III và Rodrigo Duterte (đương nhiệm) cũng là người Hoa. Lãnh đạo Singapore xưa nay đều là người Hoa. Ai bảo người Hoa không có đầu óc quốc tế ?

Riêng tỉnh Chiết Giang (là nơi tập trung nhiều nhà giàu) mỗi năm có ít nhất 1.500 người hoàn tất thủ tục ra nước ngoài định cư, và tăng 10-20% hàng năm, phần lớn là thương nhân. Đa số họ không thừa nhận mình ra đi để hưởng thụ cuộc sống sung sướng mà chủ yếu do yêu cầu công việc của mình và vì tương lai của con cái. Số người muốn ra đi còn nhiều hơn. Các công ty môi giới xuất cảnh đua nhau thành lập và hái ra tiền.

Một báo cáo của Ngân hàng Trung Quốc trong năm 2011 cho biết 14% số nhà giàu Trung Quốc với tài sản trên 10 triệu nhân dân tệ đã di cư ra nước ngoài. 46% đang lên kế hoạch ra nước ngoài sinh sống. Theo số liệu Mỹ, từ năm 1992 đến 2011, số người nộp đơn ra nước ngoài theo diện visa đầu tư đã tăng 700%, từ 473 lên 3085 đơn. Chỉ trong hai năm qua, số người nộp đơn xuất cảnh diện visa đầu tư đã tăng gần gấp bốn lần, đa số từ Trung Quốc. Năm 2011, khoảng 77% trong số những người nộp đơn theo diện visa đầu tư là người Trung Quốc.

Từ năm 1978 tới năm 2010 đã có 1,06 triệu học sinh Trung Quốc du học nước ngoài, trong đó chỉ 275 nghìn người (gần 30%) về nước. Nghĩa là có 785 nghìn thanh niên tuấn tú chạy ra ngoài nước, tương đương 30 lần tổng số sinh viên trường ĐH Bắc Kinh và ĐH Thanh Hoa. Thời gian đầu nhiều người Trung Quốc hốt hoảng báo động hiện tượng "Chảy máu chất xám" này sẽ làm cho Trung Quốc ngày càng tụt hậu về khoa học công nghệ. Nhưng về sau người ta cũng quen dần. Vả lại chính không ít con cháu các vị lãnh đạo cấp cao sang Mỹ du học cũng ở lại kia mà. Nghe nói cô con gái ông Tập Cận Bình đang học tại Đại học Harvard ở Mỹ.

Tình trạng người dân bỏ nước mình ra nước ngoài sinh sống là một trong các chỉ tiêu đánh giá quốc gia thất bại (Failed States Index) – khái niệm do tạp chí Foreign Policy và một think tank Mỹ là Quỹ Hòa bình (Fund of Peace) đưa ra năm 2005. Từ đó tới nay năm nào họ cũng công bố Bảng xếp hạng các quốc gia thất bại.

Có một sự thật đáng buồn là tuy mấy chục năm nay Trung Quốc liên tục dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhưng hai năm 2009, 2010 lại bị rơi vào hàng ngũ các quốc gia thất bại nhất trên thế giới, tức thuộc vào khối 60 quốc gia có chỉ số thất bại cao nhất : xếp thứ 57 trong số 177 quốc gia được khảo sát. Sức ép tổng dân số quá lớn, trong đó có vấn đề thất thoát dân di cư ra nước ngoài, là một trong ba nhân tố chính làm cho Trung Quốc cam chịu số phận hẩm hiu này. Mất dân  phần nào đó tức là mất lòng dân ­– đúng là một thất bại không thể chối cãi, chứng tỏ chính quyền không được lòng dân, nhất là khi Trung Quốc không còn là nước nghèo nữa mà đã vươn lên vị trí số 2 thế giới về GDP.

Ngày nay người Trung Quốc bỏ ra nước ngoài không hoàn toàn vì lý do kinh tế như ngày xưa hoặc như nhiều nước Châu Phi, mà vì những lý do khác nói lên họ không yêu tổ quốc mình. Tổng thống Obama từng "chọc tức" Trung Quốc về chuyện này : trong bài diễn văn đọc trước Quốc hội Australia hôm 17/11/2011 ông có nói một câu : Thịnh vượng mà không kèm theo tự do thì chỉ là một biến tướng của đói nghèo. [Prosperity without freedom is just another form of poverty]. Câu này ám chỉ việc Trung quốc khoe khoang ầm ĩ chuyện nước này có nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới nhưng không thể giải thích vì sao dân mình lại đua nhau bỏ ra nước ngoài đi tìm cuộc sống mới. Dân Mỹ chỉ cười khi thấy người nước ngoài chê trách nước Mỹ đủ thứ xấu, nhưng xấu như vậy tại sao chẳng thấy người Mỹ bỏ tổ quốc ra đi mà chỉ thấy người khắp thế giới bằng mọi cách tìm đường đến nước Mỹ ?

Hầu như năm nào cũng có những người bất đồng chính kiến xin sang Mỹ, trốn sang Mỹ hoặc bị trục xuất sang Mỹ, gây rắc rối cho quan hệ ngoại giao hai nước Trung – Mỹ. Đầu năm 2012 có vụ Giám đốc Công an kiêm Phó Thị trưởng thành phố Trùng Khánh Vương Lập Quân trốn vào Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô ở một ngày, xin tị nạn không thành công rồi bị Tòa án Trung Quốc kết án 15 năm tù. Sau đó lại có vụ luật sư nông dân mù Trần Quang Thành đang bị giam lỏng ở quê nhà (tỉnh Sơn Đông) bí mật trốn về Bắc Kinh, vào Đại sứ quán Mỹ ở 6 ngày, làm bẽ mặt Bắc Kinh. Cuối cùng Trung Quốc phải đồng ý cho vị "anh hùng chống chế độ" họ Trần này đem vợ con đi Mỹ du học, và ngày 19/05/2012 họ đã sang New York.

Nguyễn Hải Hoành

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 13/12/2019

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Hải Hoành
Read 504 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)