Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Những người có tư duy lành mạnh không ai mong thương chiến Mỹ - Trung xảy ra. Nhưng cũng những người có tư duy lành mạnh, không ai không thấy rằng Thương chiến Mỹ - Trung là điều không tránh khỏi.

vang1

Việt Nam phải cắt khối ung thư phụ thuộc vào Trung Quốc ngay vào lúc này đây, khi bắt đầu cuộc Thương chiến Mỹ - Trung

Đã là không tránh khỏi thì những người tư duy lành mạnh phải biết ứng phó. Ứng phó với Thương chiến Mỹ - Trung là điều bắt buộc. Vô hiệu hóa điều bất lợi và vận dụng lợi thế từ Thương chiến Mỹ - Trung là việc làm chính nhân quân tử - chứ không phải là ăn theo "Tọa sơn quan hổ đấu" như kế sách của người xưa.

Muốn ứng phó với các bất lợi cũng như tận dụng các lợi thế từ Thương chiến Mỹ - Trung thì phải nhận biết được bản chất của Thương chiến Mỹ - Trung.

I. Luận điểm cơ bản

Cuộc Thương chiến Mỹ - Trung là không tránh khỏi. Cuộc Thương chiến Mỹ - Trung diễn ra nhiều đợt cao trào, với tính chất đối đầu căng thẳng dài lâu. Tính đối đầu căng thẳng của cuộc Thương chiến Mỹ - Trung sẽ không thuyên giảm cho đến khi xuất hiện một thể chế dân chủ ở Trung Quốc, hay (và chừng nào) tham vọng thống trị thế giới của Trung Quốc còn ngông cuồng vượt trên chuẩn mực quan hệ quốc tế.

Một thước đo khác nữa, cuộc Thương chiến Mỹ - Trung là một phần của cuộc chiến giành ngôi vị số 1 thế giới giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuổi thọ và độ căng thẳng của cuộc Thương chiến Mỹ - Trung phụ thuộc vào cuộc tranh giành vị trí cường quốc số 1 thế giới giữa Mỹ và Trung Quốc.

II. Năm nỗi sợ hãi không đúng

Thương chiến Mỹ - Trung sẽ đặt ra cho cả thế giới nhiều thách thức. Nhưng Việt Nam, với vị trí là nước láng giềng của Trung Quốc, lại là quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc, nên Việt Nam sẽ là quốc gia phải đối mặt với nhiều thách thức nhất, ngoại trừ hai quốc gia nguyên nhân là Mỹ và Trung Quốc.

Chính vì bị phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc về kinh tế, nên có nhiều người do sợ hãi mà đánh giá chưa đúng về cuộc Thương chiến Mỹ - Trung. Có 5 nỗi sợ hãi chính.

1. Nỗi sợ hãi tổng thể. Đây là nỗi sợ hãi của rất đông người - trong Chính phủ Việt Nam và trong hệ thống lãnh đạo Nhà nước, từ cấp trung ương cho đến tỉnh thành, huyện, xã. Họ cho rằng tình trạng tồi tệ của nền kinh tế Trung Quốc (gây ra bởi cuộc Thương chiến Mỹ - Trung) sẽ tác động xấu lên nền kinh tế Việt Nam. Và họ sợ hãi cho sự suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc, mà từ đó họ sợ luôn cả Thương chiến Mỹ - Trung.

2. Nỗi sợ hãi giảm chỉ tiêu phát triển kinh tế. Từ sự phụ thuộc nặng nề vào kinh tế Trung Quốc, họ sợ hãi mọi chiều hướng giảm thương mại Việt - Trung. Bởi vì nó tức thì sẽ giảm các chỉ tiêu về phát triển kinh tế. Điều này làm kế hoạch đặt ra không thể đạt. Kết quả là ảnh hưởng đến uy tín quản lý.

3. Thứ ba, là sợ tác động đến đời sống của những người dân có liên quan đến thương mại Việt - Trung. Vì nền kinh tế Việt Nam quá phụ thuộc vào Trung Quốc, nên giảm thương mại Việt-Trung sẽ tác động trực tiếp đến những người dân và đơn vị có quan hệ thương mại Việt - Trung. Trong đó có xuất khẩu nông sản của người dân Việt Nam qua Trung Quốc, nhập nguyên vật liệu và thiết bị từ Trung Quốc, và buôn bán hàng hóa qua biên giới Việt - Trung. Chịu ảnh hưởng lớn là các tỉnh biên giới có thương mại nhiều với Trung Quốc, và các địa phương có nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc, tiếp theo là các đơn vị nhập vật liệu hàng hóa từ Trung Quốc.

4. Thứ tư, là nỗi sợ hãi bị Trung Quốc gây áp lực và phá hoại. Vì Việt Nam quá phụ thuộc vào Trung Quốc, nên Trung Quốc có thể dùng lá bài kinh tế để khuynh đảo Việt Nam, trong đó một lá bài rất quan trọng là các khoản nợ.

5. Thứ năm, là nỗi sợ mất quyền lực. Không đạt chỉ tiêu kinh tế, nền kinh tế đi xuống, không có khả năng trả nợ… tất cả có thể làm mất quyền lực của một số người.

Năm nỗi sợ trên, tổng hợp lại, đã làm cho nhiều người không dám cắt giảm thương mại Việt - Trung đã đành, mà còn làm cho họ hoảng loạn không tìm ra lối thoát. Như vậy sẽ ngày càng phụ thuộc nặng nề hơn vào Trung Quốc.

III. Năm cơ hội vàng cho kinh tế Việt Nam

Ngạn ngữ có câu "Cái khó ló cái khôn". Nhưng sự phụ thuộc sinh ra nỗi sợ hãi. Còn nỗi sợ hãi lại làm cho nhiều người không nhìn thấy mặt lợi to lớn từ Thương chiến Mỹ - Trung mà tận dụng.

Như trên đã lưu ý, tuy Việt Nam là một trong số các nước bị tác động mạnh nhất từ Thương chiến Mỹ - Trung, nhưng ở mặt khác, Việt Nam cũng là nước có cơ hội lớn để hóa mình từ Thương chiến Mỹ - Trung. Sau đây là năm cơ hội quý hiếm mà Việt Nam có được từ Thương chiến Mỹ - Trung

1. Tăng nguồn đầu tư nước ngoài

Tổng thống Donald Trump đã kêu gọi các công ty Mỹ tìm nơi thay thế Trung Quốc, hoặc trở về nhà. Để đạt được điều này, ông thậm chí có thể ban bố tình trạng đặc biệt để buộc các công ty Mỹ phải rời Trung Quốc. Mạnh hơn nữa, các nước G7 đã chống lưng cho Mỹ, cùng tuyên bố một chính sách đòi hỏi thương mại công bằng với Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là các công ty của các nước G7 cũng tìm kiếm sự di chuyển khỏi Trung Quốc. Các nước còn lại, lo vì sự trừng phạt của Mỹ, cũng phải tự thu xếp một cuộc rút lui có trật tự khỏi Trung Quốc. Tất cả các điều này sẽ tạo cho Việt Nam một cơ hội lớn, trở thành một trong những điểm đến của các nguồn đầu tư rút khỏi Trung Quốc.

2. Tăng cơ hội xuất khẩu

Việc đánh thuế cao lên hàng hóa Trung Quốc là cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam thay thế hàng hóa Trung Quốc tại thị trường Mỹ và các nước G7. Đây là một động lực lớn thúc đẩy xuất khẩu tăng tiến.

3. Đoạn tuyệt với lạc hậu và độc hại

Mỹ đánh thuế cao lên hàng hóa Trung Quốc buộc Trung Quốc phải đội lốt hàng hóa nước khác để thâm nhập vào Mỹ. Tổng thống Donald Trump đã đưa ra tín hiệu rõ ràng cho Việt Nam vì đã để hàng Trung Quốc mang nhãn Việt Nam xuất sang Mỹ. Vì thế Việt Nam có thể bị Mỹ áp thuế suất cao. Đây là một nguy cơ lớn cho hàng Việt Nam xuất sang Mỹ.

Bởi vậy, Việt Nam không cho hàng hóa Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam là điều phải làm - nhưng chỉ là một mặt. Mặt khác, Việt Nam phải đoạn tuyệt với các linh kiện và vật liệu xuất xứ Trung Quốc, thế vào đó là linh kiện và vật tư sản xuất tại Việt Nam hay nhập của các nước G7, hoặc các nước khác. Đây là cơ hội lớn để hàng hóa Việt Nam đoạn tuyệt với vật tư, thiết bị và công nghệ lạc hậu độc hại đến từ Trung Quốc.

4. Tự sản xuất được các hàng hóa chất lượng cao

Không sử dụng vật tư thiết bị công nghệ lạc hậu độc hại đến từ Trung Quốc sẽ buộc Việt Nam phải tìm cách thay thế. Điều này mang đến cho nền kinh tế Việt Nam hai mối lợi lớn. Một là, tự lực cánh sinh nghiên cứu và sản xuất ra những hàng hóa chất lượng cao. Hai là, sử dụng vật tư, thiết bị, công nghệ cao của G7 hoặc của các nước khác.

Như vậy, nền kinh tế Việt Nam từng bước sẽ trở thành một nền kinh tế độc lập, có trình độ kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, sản xuất được những hàng hóa chất lượng cao. Được như vậy thì đó chính là một nền kinh tế tự chủ và khỏe mạnh.

5. Thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc

Khi có nền kinh tế tự chủ, với thiết bị và công nghệ tân tiến, sản xuất được các hàng hóa chất lượng cao - thì đó chính là lúc Việt Nam thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế. Đây sẽ là nhân tố cực kỳ quan trọng giúp cho Việt Nam thoát khỏi sự ảnh hưởng của Trung Quốc một cách toàn diện.

IV. Tận dụng thời cơ cũng là nghĩa vụ

Khi áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump đợi chờ tác động khốc liệt ngược lại lên nền kinh tế Mỹ. Vì thế ông đã có biện pháp để hỗ trợ cho các nhà sản xuất và người tiêu dùng Mỹ.

Người Mỹ đã xác định, với Trung Quốc là cuộc chiến không thể khoan nhượng. Không bây giờ thì muộn hơn đều phải đối mặt. Càng về sau càng khó khăn và càng tổn thất lớn. Bởi thế dù thiệt hại lớn đến đâu cũng phải đối mặt ngay bây giờ. Đó là sự khác biệt của Donald Trump và người Mỹ.

Tương tự như vậy là trường hợp của Việt Nam. Thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc là bài toán Việt Nam buộc phải giải, mà không thể tránh khỏi. Phụ thuộc vào Trung Quốc là căn bệnh ung thư. Càng để lâu càng nguy hại. Tốt nhất là Việt Nam phải cắt khối ung thư phụ thuộc vào Trung Quốc ngay vào lúc này đây, khi bắt đầu cuộc Thương chiến Mỹ - Trung. Đây là cơ hội vàng cho nền kinh tế Việt Nam trở nên độc lập, lành mạnh.

Không thiếu gì biện pháp để bù đắp cho người dân bị thiệt hại khi cắt giảm thương mại Việt - Trung. Không thiếu gì biện pháp để đưa nền kinh tế Việt Nam tiến lên ngay tức thì cùng lúc cắt giảm thương mại Việt - Trung. Điều Việt Nam phải đối mặt cũng là điều Mỹ và các nước G7 phải đối mặt.

Cả thế giớ đòi công bằng thương mại với Trung Quốc thì không có cớ gì Việt Nam lại chịu bất công trong thương mại với Trung Quốc. Việt Nam cũng phải có nghĩa vụ chung tay cùng thế giới chống lại thương mại không công bằng áp đặt từ Trung Quốc. Việt Nam không thể để cho hàng hóa Trung Quốc lẩn trốn trong cái áo Việt Nam để trục lợi. Việt Nam càng không để cho hàng hóa Trung Quốc đè đầu cưỡi cổ hàng hóa Việt Nam mà phát triển trên thị trường Việt Nam, làm cho hàng hóa việt Nam thui chột, không thể phát triển.

Thương chiến Mỹ - Trung đã tạo ra cho Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc những cơ hội vàng. Tận dụng những cơ hội vàng từ Thương chiến Mỹ - Trung Việt Nam sẽ vĩnh viễn cắt đứt được sự phụ thuộc tệ hại vào Trung Quốc. Cũng từ đó mà xây dựng được một nền kinh tế độc lập, tự chủ, tiên tiến và giàu mạnh. Tận dụng cơ hội là nghĩa vụ. Bỏ lỡ thơi cơ là có tội.

Nguyễn Ngọc Chu

Nguồn : danoan.lochung, 02/10/2019

Published in Diễn đàn
lundi, 18 décembre 2017 10:08

Chia rẽ tôn giáo là phản quốc

Ngày 17/12/2017 truyền thông đã đưa lên những hình ảnh đau lòng và hổ thẹn về sự kiện ở giáo xứ Kẻ Gai (Hưng Nguyên, Nghệ An).

giaodan1

Giáo dân tại giáo xứ Kẻ Gai bị đánh đập dã man. Ảnh : internet

Tại sao lại xảy ra tình trạng chiếm đất xây nhà thờ ?

Theo tin đăng trên trang của Đài Phát thanh-Truyền hình Nghệ An thì "vào sáng 17/12/2017 hàng trăm bà con giáo xứ Kẻ Gai ở xã Hưng Tây, Hưng Nguyên, Nghệ An đã đổ ra xây nhà thờ trên diện tích 9000 m2 chưa được cấp đất. Mặc dù trước đó chính quyền đã cấp giấy chứng nhận 6704 m2 (và thêm 1000 m2 vào năm 2015) cho giáo xứ để xây dựng nhà giáo lý nhưng giáo xứ không nhận."

Chưa bàn đến độ bao quát sự thật của tin đưa, nhưng có thể rút ra kết luận rõ ràng là có sự mâu thuẫn giữa chính quyền và giáo xứ Kẻ Gai trong việc cấp đất xây dựng nhà thờ.

Vấn đề đất đai đang là vấn đề nổi cộm khắp đất nước ta. Việc nhân dân nổi lên phản đối chính quyền liên quan đến đất đai không còn là hiện tượng đơn lẻ mà mang tính hệ thống. Mới đây nhất ở Đồng Tâm là điển hình cao trào.

Riêng với các giáo xứ, trước đây đã từng xẩy ra những sự kiện nghiêm trọng phức tạp ngay tại thủ đô như ở nhà thờ lớn số 42 Nhà Chung, và tại giáo xứ Thái Hà. Từ đó có thể thấy tính khiếm khuyết nghiêm trọng của chính sách đất đai hiện hành.

Như vậy, việc hàng trăm bà con giáo xứ Kẻ Gai đổ ra xây nhà thờ là có nguyên nhân sâu xa mà chính quyền địa phương chưa giải quyết thấu đáo.

Tại sao phải trá hình đàn áp đồng bào ?

Nhân dân là chủ nhân muôn đời của đất nước. Nhân dân là sức mạnh của đất nước. Đàn áp nhân dân là làm suy yếu đất nước.

giaodan2

Đoàn viên Hội Cờ Đỏ tham gia cuộc đàn áp

Bởi thế, trong mọi trường hợp, dùng bạo lực để đàn áp chính đồng bào mình là có tội với dân với nước.

Hơn nữa, lại dùng lực lượng trá hình là không chính danh và đê hèn.

Chia rẽ tôn giáo là phản quốc

Hơn bao giờ hết, hiện nay Việt Nam đang cần sự đồng lòng của toàn dân để xây dựng một quốc gia mạnh, nhằm đối phó với sự hung hăng tham lam lấn chiếm lãnh đổ của kẻ xâm lược truyền kiếp. Trong di chúc của mình Cụ Hồ đã viết :

"Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết

Thành công, thành công, đại thành công"

Thế nhưng, một bộ phận thiển cận trong chính quyền đang tiến hành chính sách chia rẽ tôn giáo. Lực lượng cờ đỏ xuất hiện ở Nghệ An gần đây trong các vụ việc liên quan đến bà con giáo dân là vô cùng nguy hiểm cho chính sách đại đoàn kết dân tộc. Lực lượng này sinh ra dường như chỉ để đối phó với giáo dân.

Đất nước đang trải qua một thời kỳ vô cùng gian truân với những đại họa. Đại họa ô nhiễm môi trường. Đại họa cạn kiệt tài nguyên. Đại họa tham nhũng. Đại họa cơ chế…Và bây giờ là nguy cơ về đại họa chia rẽ dân tộc.

Nếu không sáng suốt nhanh chóng ngăn chặn thì những kẻ đang mưu toan đàn áp đồng bào giáo dân sẽ mang lại tai họa cho đất nước. Chính chúng mới là bọn phản quốc.

Nguyễn Ngọc Chu

Nguồn : Tiếng Dân, 18/12/2017 (fb. chu.nguyenngoc)

Published in Diễn đàn
samedi, 09 décembre 2017 17:38

Sau Đinh La Thăng là ai ?

Cuối cùng thì chiếc Đinh bản lề đã được nhổ. Nhưng sau Đinh La Thăng là ai mới là câu hỏi đáng quan tâm tiếp theo.

sau1

Ông Đinh La Thăng. Ảnh : internet.

Mượn đường diệt Quắc hay giương Đông kích Tây ?

Khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố "từ nay bất cứ ai vi phạm kỷ luật đều bị xử lý nghiêm"… trong diễn văn kết thúc Hội nghị 6, mọi người nghĩ rằng vụ cách chức ông Nguyễn Xuân Anh là điểm dừng.

Riêng việc đưa ông Nguyễn Xuân Anh ra khỏi Trung ương cũng đã là việc chưa từng có trong vài thập kỷ qua. Đã là việc làm đau đầu cả Hội nghị 6. Cho nên việc xử lý ông Đinh La Thăng tại Hội nghị 6 là chưa chín muồi. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các cộng sự của ông đã chọn điểm dừng hợp lý.

Nhưng lời nói tuyên bố "từ đây…" của ông là một phép "dương đông kích tây". Ông không chờ đến Hội nghị 7 như một số người nghĩ. Các quân sư của ông đã dựa vào "kết quả điều tra" và quyết định của Bộ chính trị để tránh cuộc giằng co thế lực tại Hội nghị 7. Thì hóa ra việc của ông Nguyễn Xuân Anh tại Hội nghị 6 vô tình phần nào đã mang hơi hướng của phép "mượn đường diệt Quắc".

Quản lý nhà nước không bao giờ là điểm mạnh của "tập trung dân chủ". Nhưng loại trừ địch thủ là thuộc tính sở trường bí quyết của "tập trung dân chủ". Đó là câu trả lời tại sao chiếc Đinh bản lề đã bị nhổ trước Hội nghị 7 làm ngỡ ngàng cho phe cánh ông Thăng. Ở Trung ương phe cánh ngầm đông có thể co cụm. Ở Bộ chính trị phe ông Thăng yếu hơn nhiều và người hai mang không dám xuất hiện. Đó là điểm tử huyệt của ông Thăng.

Chiến lược của vụ xử Trịnh Xuân Thanh

Chắc chắn Trịnh Xuân Thanh đã cung cấp những nguồn thông tin đặt thêm quả cân lên kết luận điều tra đưa tới quyết định bỏ tù ông Đinh La Thăng mà các ủy viên Bộ chính trị đồng tình bỏ phiếu thuận. Việc bắt Trịnh Xuân Thanh đã hoàn thành sứ mệnh chính. Cho nên vụ xét xử Trịnh Xuân Thanh sẽ không còn quá nặng để thiên về mục đích quy tội cho người khác nữa.

Bởi thế, cách xử ông Trịnh Xuân Thanh như thế nào để nước Đức và thế giới thấy được sự minh bạch công bằng là điều rất quan trọng. Chính đây là phương thức có thể hóa giải phần nhiều sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa Đức và Việt Nam hiện nay. Ở đây phía Việt Nam rất cần sự sáng suốt nhượng bộ theo hướng hòa nhập với cách xét xử của các nước văn minh. Cần thiết chấp thuận các yêu cầu xét xử chuẩn mực quốc tế, không xem đó là áp đặt hay can thiệp công việc nội bộ, mà nhìn nhận như là hoàn thiện vì mục đích hội nhập cùng tiến bộ nhân loại. Điều này có thể chỉ ra hướng xét xử, bắt Trịnh Xuân Thanh phải đền bù mọi tổn thất về kinh tế, kết tội chung thân mà không xử tội tử hình.

Sau ông Đinh La Thăng là ai ?

Không khó để nhìn thấy chiến lược chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trong có mục tiêu chính. Mọi sự mở rộng không đúng sẽ tác hại đến sự thành công của cuộc quyết đấu lớn mà ông tiến hành. Bởi thế, rất rõ nét hai hạn chế chính sau đây.

1. Một là định hướng.

2. Hai là khoanh vùng.

Như chiếc micro hiện đại, chỉ thu âm theo định hướng mà "điếc" với các âm ngoài vùng định hướng, cuộc chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được định hướng rất rõ ràng. Đó là hướng liên quan đến dầu khí và hướng liên quan đến ngân hàng, là hai mạch máu lớn chảy về thành Roma.

Cho nên, tất cả các hướng khác, từ giáo dục, cho đến y tế giao thông… sẽ không phải là mối quan tâm hàng đầu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Từ đó để thấy rằng mạch máu ngân hàng là mục tiêu chính thứ hai. Nhưng cũng như mạch máu dầu khí, cuộc chống tham nhũng được khoanh vùng ngoài nội đô thành Roma.

Quyền lực sinh ra tham nhũng. Cho nên chống tham nhũng tất liên quan đến đấu tranh quyền lực. Vì thế mục tiêu chống tham nhũng dẫn đến một mục tiêu hiện ra trước mắt, mà không phải cuối chân trời, là cuộc chống tham nhũng hiện nay đương dọn đường cho sự phân chia quyền lực sau bước rút lui vào hậu trường của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Đại hội 13.

Nhưng không phải chỉ có Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, mà một số thành viên khác đang rất quan tâm đến sự phân bố quyền lực, nên chính họ góp tay đẩy nhanh hay mở rộng cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

Với nhân dân, dù với mục đích gì, tiêu diệt bớt tham nhũng là điều hữu ích.

Nguyễn Ngọc Chu

Nguồn : Tiếng Dân, 09/12/2017 (fb.nguyenngocchu)

Published in Diễn đàn

Chừng nào thể chế còn là nguyên nhân sinh ra các nhóm lợi ích kinh tế trong nhà nước, thì chừng đó sẽ còn tồn tại các nhóm lợi ích kinh tế trong quốc phòng.

quandoi1

Đại biểu Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh : Quochoi.vn

Tướng kinh tế

Trước thực trạng các nhóm lợi ích đang làm suy yếu quân đội, trước sức ép của dư luận, trước sự đấu tranh của một bộ phận tướng lĩnh trong quân đội, Bộ quốc phòng đã có chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn một bộ phận các doanh nghiệp quân đội như Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đã khẳng định mà truyền thông đã đưa tin. Đây là một bước tiến tích cực đáng khích lệ. Nhưng vẫn là bước tiến nhỏ ban đầu.

Bởi vì, không khó nhìn thấy, sẽ xuất hiện ít nhất là hai dòng chuyển động đối phó với chủ trương này.

1. Một số doanh nghiệp quân đội sẽ sát nhập vào các doanh nghiệp quân đội khác có hơi hướng phục vụ công nghiệp quốc phòng.

2. Sẽ có các doanh nghiệp quân đội mở rộng lĩnh vực kinh doanh sang hơi hướng phục vụ quốc phòng.

Cho nên, việc chấm dứt quân đội làm kinh tế là cuộc đấu tranh dài lâu. Điều này không chỉ rút ra từ hai nguyên nhân nêu trên. mà nó có căn nguyên từ một điều khác quan trọng hơn.

Đó là, chủ trương quân đội làm kinh tế vẫn được một bộ phận tướng lĩnh trong quân đội ủng hộ chính thức. Kinh tế ở đây không phải chỉ là công nghiệp phục vụ quốc phòng. Chứng minh cụ thể là hai lập luận sau đây :

3. Một là, các vùng miền sâu xa lợi nhuận thấp, các doanh nghiệp dân sự không đầu tư.

4. Hai là, các doanh nghiệp quân đội như Viettel, Tổng công ty trực thăng Việt Nam … là các doanh nghiệp "không ngừng đổi mới, hội nhập, xây dựng thương hiệu đi đầu, tạo sản phẩm có giá trị cao, đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước" (Vnexpress 24/11/2017).

Xin đưa ra hai luận cứ ngắn gọn phản biện hai lập luận trên :

5. Một là, nếu các vùng miền xa các doanh nghiệp dân sự không đầu tư vì không có lời, thì doanh nghiệp quân đội có phép thần nào để biến lỗ thành lời ngoài nguồn bù lỗ từ ngân sách nhà nước ? Từ đó để thấy, các doanh nghiệp quân đội làm kinh tế các vùng miền khó khăn này thì nhà nước phải bù lỗ rất lớn, chí ít cũng nhiều hơn các doanh nghiệp tư nhân đầu tư ở các vùng miền này. Đó là điều chắc chắn.

6. Hai là, nếu các doanh nghiệp như Viettel, Tổng công ty trực thăng Việt Nam… có tài " không ngừng đổi mới, hội nhập, xây dựng thương hiệu đi đầu, tạo sản phẩm có giá trị cao, đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước" thì ra khỏi quân đội họ vẫn giữ được những cái tài này cơ mà. Họ vẫn tiếp tục " không ngừng đổi mới, hội nhập, xây dựng thương hiệu đi đầu, tạo sản phẩm có giá trị cao, đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước". Có ai tước được những cái tài này của họ đâu ? Hay họ chỉ có những cái tài này khi khoác áo quân đội ?

Từ đó dễ dàng thấy được, căn nguyên sâu xa là một bộ phận quân đội đang thiết tha làm kinh tế. Chẳng những thiết tha mà còn là "gánh vác nhiệm vụ" như lời của Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, Phó chính ủỷ quân khu 7, rằng "quân đội làm kinh tế là gánh vác nhiệm vụ chính trị xã hội !"

Bởi thế, các tướng kinh tế sẽ tiếp tục đông đúc. Nhưng các tướng kinh tế, cuối cùng cũng chỉ là hệ quả của thể chế, rút ra từ nhận định sau đây.

Chừng nào thể chế còn là nguyên nhân sinh ra các nhóm lợi ích kinh tế trong nhà nước, thì chừng đó sẽ còn tồn tại các nhóm lợi ích kinh tế trong quốc phòng.

Nói một cách khác, không thể xóa bỏ hết các nhóm lợi ích trong quốc phòng nếu không xóa bỏ được các nhóm lợi ích kinh tế sinh ra do nguyên nhân nội tại của thể chế.

Cuối cùng vẫn là căn bệnh thể chế. Cải cách thể chế đã được cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiều lần kêu gọi. Nhiều vị lãnh đạo khác cũng nhiều lần đề cập đến cải cách thể chế. Nhưng cải cách thể chế mãi vẫn là những lời kêu gọi.

Nguyễn Ngọc Chu

Nguồn : Tiếng Dân, 24/11/2017

Published in Diễn đàn