Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/10/2019

Năm cơ hội vàng cho kinh tế Việt Nam từ cuộc thương chiến Mỹ-Trung

Nguyễn Ngọc Chu

Những người có tư duy lành mạnh không ai mong thương chiến Mỹ - Trung xảy ra. Nhưng cũng những người có tư duy lành mạnh, không ai không thấy rằng Thương chiến Mỹ - Trung là điều không tránh khỏi.

vang1

Việt Nam phải cắt khối ung thư phụ thuộc vào Trung Quốc ngay vào lúc này đây, khi bắt đầu cuộc Thương chiến Mỹ - Trung

Đã là không tránh khỏi thì những người tư duy lành mạnh phải biết ứng phó. Ứng phó với Thương chiến Mỹ - Trung là điều bắt buộc. Vô hiệu hóa điều bất lợi và vận dụng lợi thế từ Thương chiến Mỹ - Trung là việc làm chính nhân quân tử - chứ không phải là ăn theo "Tọa sơn quan hổ đấu" như kế sách của người xưa.

Muốn ứng phó với các bất lợi cũng như tận dụng các lợi thế từ Thương chiến Mỹ - Trung thì phải nhận biết được bản chất của Thương chiến Mỹ - Trung.

I. Luận điểm cơ bản

Cuộc Thương chiến Mỹ - Trung là không tránh khỏi. Cuộc Thương chiến Mỹ - Trung diễn ra nhiều đợt cao trào, với tính chất đối đầu căng thẳng dài lâu. Tính đối đầu căng thẳng của cuộc Thương chiến Mỹ - Trung sẽ không thuyên giảm cho đến khi xuất hiện một thể chế dân chủ ở Trung Quốc, hay (và chừng nào) tham vọng thống trị thế giới của Trung Quốc còn ngông cuồng vượt trên chuẩn mực quan hệ quốc tế.

Một thước đo khác nữa, cuộc Thương chiến Mỹ - Trung là một phần của cuộc chiến giành ngôi vị số 1 thế giới giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuổi thọ và độ căng thẳng của cuộc Thương chiến Mỹ - Trung phụ thuộc vào cuộc tranh giành vị trí cường quốc số 1 thế giới giữa Mỹ và Trung Quốc.

II. Năm nỗi sợ hãi không đúng

Thương chiến Mỹ - Trung sẽ đặt ra cho cả thế giới nhiều thách thức. Nhưng Việt Nam, với vị trí là nước láng giềng của Trung Quốc, lại là quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc, nên Việt Nam sẽ là quốc gia phải đối mặt với nhiều thách thức nhất, ngoại trừ hai quốc gia nguyên nhân là Mỹ và Trung Quốc.

Chính vì bị phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc về kinh tế, nên có nhiều người do sợ hãi mà đánh giá chưa đúng về cuộc Thương chiến Mỹ - Trung. Có 5 nỗi sợ hãi chính.

1. Nỗi sợ hãi tổng thể. Đây là nỗi sợ hãi của rất đông người - trong Chính phủ Việt Nam và trong hệ thống lãnh đạo Nhà nước, từ cấp trung ương cho đến tỉnh thành, huyện, xã. Họ cho rằng tình trạng tồi tệ của nền kinh tế Trung Quốc (gây ra bởi cuộc Thương chiến Mỹ - Trung) sẽ tác động xấu lên nền kinh tế Việt Nam. Và họ sợ hãi cho sự suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc, mà từ đó họ sợ luôn cả Thương chiến Mỹ - Trung.

2. Nỗi sợ hãi giảm chỉ tiêu phát triển kinh tế. Từ sự phụ thuộc nặng nề vào kinh tế Trung Quốc, họ sợ hãi mọi chiều hướng giảm thương mại Việt - Trung. Bởi vì nó tức thì sẽ giảm các chỉ tiêu về phát triển kinh tế. Điều này làm kế hoạch đặt ra không thể đạt. Kết quả là ảnh hưởng đến uy tín quản lý.

3. Thứ ba, là sợ tác động đến đời sống của những người dân có liên quan đến thương mại Việt - Trung. Vì nền kinh tế Việt Nam quá phụ thuộc vào Trung Quốc, nên giảm thương mại Việt-Trung sẽ tác động trực tiếp đến những người dân và đơn vị có quan hệ thương mại Việt - Trung. Trong đó có xuất khẩu nông sản của người dân Việt Nam qua Trung Quốc, nhập nguyên vật liệu và thiết bị từ Trung Quốc, và buôn bán hàng hóa qua biên giới Việt - Trung. Chịu ảnh hưởng lớn là các tỉnh biên giới có thương mại nhiều với Trung Quốc, và các địa phương có nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc, tiếp theo là các đơn vị nhập vật liệu hàng hóa từ Trung Quốc.

4. Thứ tư, là nỗi sợ hãi bị Trung Quốc gây áp lực và phá hoại. Vì Việt Nam quá phụ thuộc vào Trung Quốc, nên Trung Quốc có thể dùng lá bài kinh tế để khuynh đảo Việt Nam, trong đó một lá bài rất quan trọng là các khoản nợ.

5. Thứ năm, là nỗi sợ mất quyền lực. Không đạt chỉ tiêu kinh tế, nền kinh tế đi xuống, không có khả năng trả nợ… tất cả có thể làm mất quyền lực của một số người.

Năm nỗi sợ trên, tổng hợp lại, đã làm cho nhiều người không dám cắt giảm thương mại Việt - Trung đã đành, mà còn làm cho họ hoảng loạn không tìm ra lối thoát. Như vậy sẽ ngày càng phụ thuộc nặng nề hơn vào Trung Quốc.

III. Năm cơ hội vàng cho kinh tế Việt Nam

Ngạn ngữ có câu "Cái khó ló cái khôn". Nhưng sự phụ thuộc sinh ra nỗi sợ hãi. Còn nỗi sợ hãi lại làm cho nhiều người không nhìn thấy mặt lợi to lớn từ Thương chiến Mỹ - Trung mà tận dụng.

Như trên đã lưu ý, tuy Việt Nam là một trong số các nước bị tác động mạnh nhất từ Thương chiến Mỹ - Trung, nhưng ở mặt khác, Việt Nam cũng là nước có cơ hội lớn để hóa mình từ Thương chiến Mỹ - Trung. Sau đây là năm cơ hội quý hiếm mà Việt Nam có được từ Thương chiến Mỹ - Trung

1. Tăng nguồn đầu tư nước ngoài

Tổng thống Donald Trump đã kêu gọi các công ty Mỹ tìm nơi thay thế Trung Quốc, hoặc trở về nhà. Để đạt được điều này, ông thậm chí có thể ban bố tình trạng đặc biệt để buộc các công ty Mỹ phải rời Trung Quốc. Mạnh hơn nữa, các nước G7 đã chống lưng cho Mỹ, cùng tuyên bố một chính sách đòi hỏi thương mại công bằng với Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là các công ty của các nước G7 cũng tìm kiếm sự di chuyển khỏi Trung Quốc. Các nước còn lại, lo vì sự trừng phạt của Mỹ, cũng phải tự thu xếp một cuộc rút lui có trật tự khỏi Trung Quốc. Tất cả các điều này sẽ tạo cho Việt Nam một cơ hội lớn, trở thành một trong những điểm đến của các nguồn đầu tư rút khỏi Trung Quốc.

2. Tăng cơ hội xuất khẩu

Việc đánh thuế cao lên hàng hóa Trung Quốc là cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam thay thế hàng hóa Trung Quốc tại thị trường Mỹ và các nước G7. Đây là một động lực lớn thúc đẩy xuất khẩu tăng tiến.

3. Đoạn tuyệt với lạc hậu và độc hại

Mỹ đánh thuế cao lên hàng hóa Trung Quốc buộc Trung Quốc phải đội lốt hàng hóa nước khác để thâm nhập vào Mỹ. Tổng thống Donald Trump đã đưa ra tín hiệu rõ ràng cho Việt Nam vì đã để hàng Trung Quốc mang nhãn Việt Nam xuất sang Mỹ. Vì thế Việt Nam có thể bị Mỹ áp thuế suất cao. Đây là một nguy cơ lớn cho hàng Việt Nam xuất sang Mỹ.

Bởi vậy, Việt Nam không cho hàng hóa Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam là điều phải làm - nhưng chỉ là một mặt. Mặt khác, Việt Nam phải đoạn tuyệt với các linh kiện và vật liệu xuất xứ Trung Quốc, thế vào đó là linh kiện và vật tư sản xuất tại Việt Nam hay nhập của các nước G7, hoặc các nước khác. Đây là cơ hội lớn để hàng hóa Việt Nam đoạn tuyệt với vật tư, thiết bị và công nghệ lạc hậu độc hại đến từ Trung Quốc.

4. Tự sản xuất được các hàng hóa chất lượng cao

Không sử dụng vật tư thiết bị công nghệ lạc hậu độc hại đến từ Trung Quốc sẽ buộc Việt Nam phải tìm cách thay thế. Điều này mang đến cho nền kinh tế Việt Nam hai mối lợi lớn. Một là, tự lực cánh sinh nghiên cứu và sản xuất ra những hàng hóa chất lượng cao. Hai là, sử dụng vật tư, thiết bị, công nghệ cao của G7 hoặc của các nước khác.

Như vậy, nền kinh tế Việt Nam từng bước sẽ trở thành một nền kinh tế độc lập, có trình độ kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, sản xuất được những hàng hóa chất lượng cao. Được như vậy thì đó chính là một nền kinh tế tự chủ và khỏe mạnh.

5. Thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc

Khi có nền kinh tế tự chủ, với thiết bị và công nghệ tân tiến, sản xuất được các hàng hóa chất lượng cao - thì đó chính là lúc Việt Nam thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế. Đây sẽ là nhân tố cực kỳ quan trọng giúp cho Việt Nam thoát khỏi sự ảnh hưởng của Trung Quốc một cách toàn diện.

IV. Tận dụng thời cơ cũng là nghĩa vụ

Khi áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump đợi chờ tác động khốc liệt ngược lại lên nền kinh tế Mỹ. Vì thế ông đã có biện pháp để hỗ trợ cho các nhà sản xuất và người tiêu dùng Mỹ.

Người Mỹ đã xác định, với Trung Quốc là cuộc chiến không thể khoan nhượng. Không bây giờ thì muộn hơn đều phải đối mặt. Càng về sau càng khó khăn và càng tổn thất lớn. Bởi thế dù thiệt hại lớn đến đâu cũng phải đối mặt ngay bây giờ. Đó là sự khác biệt của Donald Trump và người Mỹ.

Tương tự như vậy là trường hợp của Việt Nam. Thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc là bài toán Việt Nam buộc phải giải, mà không thể tránh khỏi. Phụ thuộc vào Trung Quốc là căn bệnh ung thư. Càng để lâu càng nguy hại. Tốt nhất là Việt Nam phải cắt khối ung thư phụ thuộc vào Trung Quốc ngay vào lúc này đây, khi bắt đầu cuộc Thương chiến Mỹ - Trung. Đây là cơ hội vàng cho nền kinh tế Việt Nam trở nên độc lập, lành mạnh.

Không thiếu gì biện pháp để bù đắp cho người dân bị thiệt hại khi cắt giảm thương mại Việt - Trung. Không thiếu gì biện pháp để đưa nền kinh tế Việt Nam tiến lên ngay tức thì cùng lúc cắt giảm thương mại Việt - Trung. Điều Việt Nam phải đối mặt cũng là điều Mỹ và các nước G7 phải đối mặt.

Cả thế giớ đòi công bằng thương mại với Trung Quốc thì không có cớ gì Việt Nam lại chịu bất công trong thương mại với Trung Quốc. Việt Nam cũng phải có nghĩa vụ chung tay cùng thế giới chống lại thương mại không công bằng áp đặt từ Trung Quốc. Việt Nam không thể để cho hàng hóa Trung Quốc lẩn trốn trong cái áo Việt Nam để trục lợi. Việt Nam càng không để cho hàng hóa Trung Quốc đè đầu cưỡi cổ hàng hóa Việt Nam mà phát triển trên thị trường Việt Nam, làm cho hàng hóa việt Nam thui chột, không thể phát triển.

Thương chiến Mỹ - Trung đã tạo ra cho Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc những cơ hội vàng. Tận dụng những cơ hội vàng từ Thương chiến Mỹ - Trung Việt Nam sẽ vĩnh viễn cắt đứt được sự phụ thuộc tệ hại vào Trung Quốc. Cũng từ đó mà xây dựng được một nền kinh tế độc lập, tự chủ, tiên tiến và giàu mạnh. Tận dụng cơ hội là nghĩa vụ. Bỏ lỡ thơi cơ là có tội.

Nguyễn Ngọc Chu

Nguồn : danoan.lochung, 02/10/2019

Quay lại trang chủ
Read 541 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)