Ngày 15/8/2023, hãng xe hơi Việt Nam VinFast được niêm yết tại Mỹ với giá trị vốn hóa ở mức cao nhất lên tới 200 tỷ USD.
Hãng xe hơi Việt Nam VinFast được niêm yết tại Mỹ - Ảnh minh họa.
Tuy không có danh tiếng lẫy lừng nhưng VinFast lại được nhà nhà biết đến ở Việt Nam, công ty mẹ của hãng xe này là Tập đoàn Vingroup, doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam. Công ty này có vô số điểm tương đồng với Evergrande : ông chủ Phạm Nhật Vượng cũng là người giàu nhất giống như Hứa Gia Ấn, hoạt động kinh doanh chính của họ là bất động sản, cả hai đều thích làm bóng đá và có tư duy "cái gì ra tiền thì làm cái đó". Nhìn tổng thể thì VinFast gần như là phiên bản Việt Nam của Evergrande.
Hiểu như thế nào về khái niệm vốn hóa thị trường 200 tỷ USD ? Nếu xếp hạng thì con số này đứng thứ ba thế giới, chỉ sau Tesla và Toyota. Trên thực tế, khi Phố Wall xếp hạng VinFast, đó cũng là lúc lý thuyết về sự trỗi dậy của Việt Nam đang ở vào thời đỉnh cao. Ở một mức độ nào đó, điều này phản ánh trí tưởng tượng đẹp đẽ của thế giới về việc Việt Nam sẽ thay thế vị thế công xưởng thế giới của Trung Quốc, ngay cả khi chưa có ai trên thế giới ngoài người Việt được chiêm ngưỡng xe của VinFast.
Vào cuối tháng 7, tôi đến Thành phố Hồ Chí Minh công tác và có ghé thăm một cửa hàng VinFast. Giống như các thế lực mới trong nước, VinFast cũng mở cửa hàng trải nghiệm tại các trung tâm mua sắm cao cấp. Một người bạn Trung Quốc ở Việt Nam cùng tôi đi khảo sát cho biết, xe điện VinFast về cơ bản được lắp ráp từ linh kiện Trung Quốc : pin của Gotion High-Tech, động cơ của Dalian Haosen, radar của Shanghai Baolong và cảm biến nhiệt của Jiangsu Kingfield…
Vì vậy, chiếc xe này đem lại cảm giác có chút "giả".
Lịch sử đã chứng minh Việt Nam không mấy phù hợp với vị trí thứ ba thế giới. VinFast nhanh chóng bị đưa trở lại giá trị thực và vốn hóa đã giảm 95% so với mức đỉnh. Tuy nhiên, khi thảo luận với người bạn Việt Nam về công ty này, chúng tôi nảy ra một câu hỏi thú vị : VinFast đã dựa vào sự thổi phồng của Phố Wall để trở thành thương hiệu Việt đầu tiên vươn tầm toàn cầu, nhưng ngoài nó ra, Việt Nam đã từng có thương hiệu đẳng cấp thế giới hay đẳng cấp Châu Á nào ?
Bối cảnh của câu hỏi này là : Việt Nam đã bước sang năm thứ 38 kể từ cuộc cải cách vào năm 1986, ít nhất cũng phải có một số công ty trong nước có tên tuổi.
Thế là người bạn Việt Nam của chúng tôi kể ra một loạt cái tên : Vinamilk, Viettel, VietinBank… Một người bạn Singapore cùng ngành đã làm việc ở Việt Nam hơn mười năm ngắt lời anh ấy và nói rằng, có rất ít người dân ở các nước láng giềng Đông Nam Á của Việt Nam từng nghe nói đến những thương hiệu này, chứ đừng nói đến đẳng cấp thế giới hay đẳng cấp Châu Á.
Chúng ta cũng có thể đưa ra các ứng cử viên của "mô hình Đông Á" và tiến hành một so sánh thống nhất :
Với Nhật Bản, nếu bắt đầu tính từ năm 1946 thì 38 năm sau là 1984, nước này đã có các hãng lớn như Sony, Toyota, Panasonic, Toshiba… Sản phẩm của họ bán chạy trên toàn thế giới, ngay cả người Mỹ cũng hét lên rằng "Nhật Bản là số 1".
Đài Loan bắt đầu xây dựng nền kinh tế định hướng xuất khẩu vào năm 1958. 38 năm sau, tức năm 1996, Acer, Formosa Plastics, Asus và Uni-President đã nổi tiếng khắp Châu Á. Ngay cả TSMC, một doanh nghiệp mới thành lập chưa đầy 10 năm, cũng đang chuẩn bị lên sàn.
Chính phủ Park Chung-hee của Hàn Quốc thực hiện kế hoạch 5 năm đầu tiên vào năm 1962. 38 năm sau, vào năm 2000, các doanh nghiệp chaebol như Samsung, LG, Hyundai, KIA đã trở thành tấm danh thiếp quốc gia của Hàn Quốc với danh tiếng vươn tầm thế giới.
Điều này cũng đúng với Trung Quốc đại lục. Nếu tính từ năm 1978 thì 38 năm sau, tức năm 2016, có 110 công ty Trung Quốc nằm trong top 500 công ty hàng đầu thế giới. Huawei, Haier, Lenovo, Tencent và Alibaba đã tạo dựng được danh tiếng trên toàn cầu.
Nếu nói quy mô của Trung Quốc đại lục lớn hơn Việt Nam rất nhiều và không thể so sánh thì Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đều có cùng tầm cỡ (hoặc nhỏ hơn) với Việt Nam về cả dân số và diện tích, nhưng Việt Nam lại có khoảng cách rất lớn so với cả ba.
Nếu đặt câu hỏi này với giới tinh anh Việt Nam, chỉ cần bạn đủ khéo léo, họ sẽ không cảm thấy bị xúc phạm, mà sẽ kể với bạn không ngừng : Một số người quy cho việc chính phủ thiếu hành động, phàn nàn về việc quan chức tham nhũng ; có người bàn đến thói hư tật xấu của dân tộc và việc người dân sính ngoại, chỉ yêu thích thương hiệu Nhật, Hàn ; có người trách cứ các công ty không có khát vọng, chỉ biết bóc lột công nhân trong cuộc chiến giá cả rồi chuyển tài sản sang Mỹ…
Những lời này nghe có chút quen thuộc. Thậm chí, tôi còn tự hỏi liệu chúng có được trích từ một trang web tiếng Trung hay không. Tất nhiên, việc phàn nàn chỉ có thể trút bỏ cảm xúc chứ chẳng thể nào cho ra được đáp án. Vẫn cần dựa vào số liệu và thực tế để trả lời câu hỏi này : Việc Việt Nam vắng bóng thương hiệu nội địa là kết quả của sự mất cân bằng cơ cấu kinh tế trong thời gian dài, hay nói cách khác, là do sự thất bại trong việc học hỏi "mô hình Đông Á".
Đằng sau câu hỏi này ẩn chứa sự thực về nền kinh tế Việt Nam. Chỉ khi hiểu được nó, bạn mới có thể thực sự hiểu về Việt Nam.
01
Nhìn bề ngoài, Việt Nam là người bạn siêng năng cùng học hỏi "mô hình Đông Á" và là đại diện tiêu biểu cho việc "níu lấy Trung Quốc để qua sông".
Nhịp độ của Việt Nam cách Trung Quốc khoảng 6 đến 10 năm : Trung Quốc bắt đầu cải cách mở cửa từ năm 1978, Việt Nam cũng bắt đầu thực hiện cải cách đổi mới từ năm 1986 ; năm 1980, Trung Quốc bắt đầu thực hiện "hệ thống khoán hộ gia đình", Việt Nam thực hiện chính sách tương tự năm 1988 ; năm 1982, Trung Quốc công nhận địa vị pháp lý của kinh tế tư nhân, Việt Nam thông qua Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990 ; Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001, Việt Nam cũng gia nhập WTO năm 2007.
Chúng ta coi cuộc cải cách của hai bên làm xuất phát điểm và vẽ ra tốc độ tăng trưởng GDP của hai nước trong 20 năm qua. Có thể thấy rằng, cả Trung Quốc và Việt Nam đều trải qua hai chu kỳ tăng trưởng, nhưng tốc độ của Trung Quốc nhanh hơn. Từ năm 1978 đến năm 1998, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của Trung Quốc là 9,8%, trong khi từ năm 1986 đến năm 2006, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam là 7,1%. Từ góc độ dữ liệu, thành tích của Việt Nam trong 20 năm đầu của cuộc cải cách là khá chuẩn mực.
Tuy nhiên, nếu nhìn sâu hơn vào cơ cấu kinh tế của hai nước, chúng ta sẽ nhận thấy sự khác biệt to lớn.
Từ cơ cấu xuất khẩu của Trung Quốc năm 1998 có thể thấy, các sản phẩm cơ điện tử đã vượt qua dệt may và trở thành sản phẩm xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc. Còn với cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam năm 2006, có thể thấy sau 20 năm cải cách, nhiên liệu (chủ yếu là xăng dầu) chiếm thị phần xuất khẩu lớn nhất, và trong số các sản phẩm công nghiệp, dệt may và giày dép xếp trên các sản phẩm cơ điện tử.
Tổng kết đơn giản như sau : Trong kỳ đầu, Trung Quốc và Việt Nam đều xây dựng nền kinh tế "định hướng xuất khẩu" theo mô hình Đông Á. Tuy nhiên, trong hai thập kỷ đầu của cuộc cải cách mở cửa, Trung Quốc đã chuyển từ các ngành cấp thấp như dệt may sang các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như điện và cơ khí, trong khi Việt Nam vẫn dừng lại ở tài nguyên khoáng sản và các sản phẩm công nghiệp cấp thấp. Nhìn bề ngoài, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam gần giống với số liệu của Trung Quốc nhưng lại có những lỗ hổng nhất định trong cơ cấu.
Không phải Việt Nam không có cơ hội sửa chữa sự lạc hậu về cơ cấu, mà thực tế là họ đã sớm nhận được cơ hội thứ hai.
Tháng 1/2007, Việt Nam chính thức gia nhập WTO, hàng loạt công ty có vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam. Đặc biệt, năm 2008, Samsung đầu tư xây dựng nhà máy đầu tiên ở Việt Nam tại tỉnh Bắc Ninh và sau đó triển khai kế hoạch "kiến chuyển nhà", liên tiếp đóng cửa các nhà máy ở Thâm Quyến, Thiên Tân và Huệ Châu để chuyển đến Việt Nam, kèm theo một lượng lớn các nhà sản xuất linh kiện thượng nguồn và hạ nguồn. Việt Nam nghênh đón nhà đầu tư lớn nhất trong lịch sử.
Năm 2008, Samsung đầu tư xây dựng nhà máy đầu tiên ở Việt Nam tại tỉnh Bắc Ninh
Hiện nay, Samsung sản xuất điện thoại di động, đồ gia dụng, máy tính, linh kiện chip, linh kiện điện tử và các sản phẩm khác tại Việt Nam. Đặc biệt, sản lượng điện thoại di động của Samsung Việt Nam đã vượt quá một nửa sản lượng toàn cầu của Samsung, đưa Việt Nam trở thành nhà sản xuất điện thoại di động lớn thứ hai trên thế giới. Giá trị sản lượng hằng năm của Samsung tại Việt Nam chiếm tới hơn 20% GDP của nước này. Thậm chí, một lãnh đạo cấp cao của Samsung cũng từng đảm nhận chức Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam.
Trong Chiến tranh Việt Nam, chính phủ Park Chung-hee đã phái tổng cộng 320.000 người đến Việt Nam để giúp đỡ quân đội Mỹ. Dưới sự thúc đẩy của Samsung, các doanh nghiệp Hàn Quốc kéo nhau tới. LG đổ bộ vào Đà Nẵng, SK vào Hải Phòng, Hyundai khai thác Ninh Bình, Lotte cắm cờ ở Thành phố Hồ Chí Minh, POSCO ngụ ở Bà Rịa Vũng Tàu… Các doanh nghiệp Hàn Quốc kết thành một dải từ Nam ra Bắc, thực hiện giấc mơ còn dang dở của quân đội Mỹ hồi đó.
Vốn sản xuất theo mô hình Đông Á sẽ không bỏ sót bất kỳ quốc gia nào có nhân công giá rẻ. Các doanh nghiệp từ Nhật Bản, Đài Loan lần lượt vào Việt Nam, còn TCL và Haier của Trung Quốc đại lục cũng vào Nam mở nhà máy từ rất sớm. Vì vậy, với sự giúp đỡ của các chủ doanh nghiệp nước ngoài, nền xuất khẩu của Việt Nam cũng dần rời xa thời đại của nguyên liệu thô và dệt may, các sản phẩm cơ điện có giá trị gia tăng cao đã chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu vào năm 2023.
Theo kinh nghiệm của mô hình Đông Á, việc tận dụng hiệu ứng lan tỏa của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài lên chuỗi cung ứng bản địa, cùng sự tiếp thu và hấp thụ các công nghệ tiên tiến có thể giúp nuôi dưỡng một lượng lớn các doanh nghiệp thuộc chuỗi công nghiệp bản địa. Các thương hiệu bản địa này có thể hoàn thành cuộc phản công chống lại các doanh nghiệp nước ngoài, trước tiên là thay thế hàng nhập khẩu, tiếp đó là tiến hành cạnh tranh với các ông trùm nước ngoài trên toàn cầu và cuối cùng trở thành thế lực xuất khẩu lớn. Có rất nhiều công ty ở Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể làm được điều này.
Vậy Việt Nam có làm được điều này không ? Hãy nhìn thẳng vào số liệu.
Đây là biểu đồ về tỷ trọng doanh nghiệp FDI trong xuất khẩu của Việt Nam. FDI là viết tắt của Đầu tư trực tiếp nước ngoài (Foreign Direct Investment), bao gồm cả doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và doanh nghiệp liên doanh (joint venture). Có thể thấy, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, tỷ trọng FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu đã tăng lên qua từng năm và tỷ trọng của doanh nghiệp nội địa cũng giảm dần theo thời gian. Đến năm 2023, tỷ trọng FDI đã tăng lên mức khoảng 74%.
Khi phân tích sâu hơn, có thể thấy, trong các lĩnh vực sản phẩm công nghệ cao như điện thoại di động, máy tính, đồ gia dụng và linh kiện điện tử, vốn đầu tư nước ngoài chiếm tới hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ngay cả trong lĩnh vực dệt may ở cấp tương đối thấp, các doanh nghiệp trong nước cũng chưa thể đánh bại các doanh nghiệp có vốn nước ngoài (chủ yếu là các doanh nghiệp Trung Quốc). Chỉ trong lĩnh vực xuất khẩu các ngành chế biến nông sản và thủy hải sản, doanh nghiệp nội địa của Việt Nam mới có thể áp đảo doanh nghiệp vốn nước ngoài.
Nếu nghiên cứu sâu hơn sẽ phát hiện ra rằng, chỉ có 13% doanh nghiệp FDI là liên doanh, còn lại là 100% vốn đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh đầu tư nước ngoài bị siết chặt, Việt Nam khó có thể nuôi dưỡng được các doanh nghiệp nội địa có đủ năng lực cạnh tranh. Cơ cấu kinh tế hiện nay của Việt Nam giống như một trạm trung chuyển sản xuất cho các doanh nghiệp có vốn nước ngoài ở Đông Nam Á và để lại rất ít không gian cho các doanh nghiệp trong nước. Nhiệm vụ tham gia và cạnh tranh toàn cầu còn khó thực hiện hơn nữa.
Do vậy, khó có thể coi Việt Nam là "học sinh xuất sắc" trong lớp học mô hình Đông Á. Rõ ràng rằng, Việt Nam đã không sao chép đúng một vài vấn đề lớn.
02
Đầu tiên là chi tiêu nghiên cứu và phát triển (Research and Development - R&D) có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cấp công nghiệp.
Đây là biểu đồ về tỷ trọng đầu tư cho R&D trong GDP của 4 nước : Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và Trung Quốc (không bao gồm Hồng Kông, Macao và Đài Loan). Có thể thấy rõ khoảng cách giữa Việt Nam và 3 nước còn lại là rất rõ ràng. Nó là một đường thẳng trong một thời gian dài, vẫn nằm ở đáy và khoảng cách này vẫn chưa được thu hẹp mà ngày càng bị nới rộng, ngay cả khi nền kinh tế đã cất cánh.
Năm 2023, đầu tư cho R&D của Việt Nam chỉ chiếm 0,43% GDP. Trong mối tương quan với 4,91% của Hàn Quốc, 3,3% của Nhật Bản, 3,96% của Đài Loan, 2,43% của Trung Quốc đại lục, 0,95% của Malaysia và 0,65% của Ấn Độ, Việt Nam chỉ nhỉnh hơn một chút so với một nước sản xuất khác là Mexico (0,27%) và chỉ tương đương với trình độ của Trung Quốc vào đầu những năm 1990.
Hãy lấy ví dụ về một trường hợp mà ngay cả chính người Việt cũng phải tiếc nuối, đó là Orion Hanel, doanh nghiệp liên doanh lớn nhất Việt Nam.
Doanh nghiệp này thành lập vào năm 1993, là liên doanh do doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam cùng góp vốn. Vào thời điểm đó, doanh nghiệp này sản xuất bóng đèn hình và phát triển khá mạnh mẽ. Tuy nhiên, sau năm 2000, khi toàn bộ ngành công nghiệp chuyển đổi sang LCD, Orion Hanel đã không kiên quyết đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển màn hình, cuối cùng đã hoàn toàn tụt lại phía sau rồi tuyên bố phá sản vào năm 2009.
Trên thực tế, cũng trong năm 2009, khi mà khu nghỉ dưỡng của Vingroup ở Nha Trang thường xuyên "cháy" phòng và Sun Group đang xây dựng dự án quy mô lớn ở Đà Nẵng, thì Việt Nam lại để doanh nghiệp liên doanh lớn nhất của mình phá sản. Nói một cách đơn giản, điều này tương đương với việc vào lúc Evergrande, Sunac đang phát triển điên cuồng thì Trung Quốc lại để SAIC Motor phá sản. Trong con mắt người Trung Quốc, có lẽ đây là điều khiến người ta phải kinh ngạc.
Kết quả, Việt Nam hiện nay là quốc gia lắp ráp TV lớn trên thế giới nhưng mức giá mà người tiêu dùng phải chi trả cho TV lại cao hơn ở Trung Quốc. Dù là thị trường trong nước hay thị trường xuất khẩu thì cũng đều là "địa bàn" của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Samsung, TCL và LG. Việt Nam không có chỗ đứng trong lĩnh vực màn hình ở thượng nguồn và chỉ có thể kiếm được chi phí lắp ráp ở cấp thấp.
Một số người có lẽ sẽ đặt ra câu hỏi : Nếu Việt Nam có nhiều doanh nghiệp có vốn nước ngoài đến vậy, chẳng lẽ không có chút lực đẩy nào đối với các doanh nghiệp trong nước ?
Hãy lấy Samsung làm ví dụ và cũng sử dụng dữ liệu để đánh giá. Samsung Electronics là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Giá trị sản xuất tại Việt Nam của họ từng chiếm đến 28% GDP của nước này. Doanh nghiệp này tuyển dụng gần 100.000 nhân viên tại Việt Nam, có 1.600 xe buýt đưa đón nhân viên đi làm mỗi ngày. Vậy Samsung có bao nhiêu nhà cung cấp bản địa ở Việt Nam ?
Theo danh sách các nhà cung cấp được Samsung Electronics công bố năm 2023, doanh nghiệp này có tổng cộng 103 nhà cung cấp cốt lõi trên toàn thế giới, 27 trong số đó có cơ sở sản xuất tại Việt Nam và có thể cung cấp tại bản địa. Tuy nhiên, trong số 27 doanh nghiệp này, có 23 doanh nghiệp Hàn Quốc, 2 doanh nghiệp Nhật Bản và 2 doanh nghiệp Trung Quốc. Không có bất kỳ doanh nghiệp bản địa nào của Việt Nam.
Lẽ nào không có bất kỳ doanh nghiệp Việt Nam nào lọt vào chuỗi cung ứng của Samsung ? Cũng không hẳn vậy, ba công ty Việt Nam sau đây là nhà cung cấp bản địa khá lớn của Samsung tại Việt Nam :
Ngân Hà Printing (in bao bì)
Phước Thành Plastic (linh kiện nhựa)
Goldsun (linh kiện nhựa)
Có thể thấy, các doanh nghiệp bản địa của Việt Nam về cơ bản chỉ có thể cung cấp hộp đựng và linh kiện nhựa cho Samsung.
Giáo sư Thi Triển kể câu chuyện sau trong cuốn Lan tỏa : Ông đến thăm Nguyễn Đức Thành (tên tiếng Anh là Felix), viện trưởng Viện Kinh tế và Chính sách thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và là một chuyên gia về kinh tế Việt Nam. Trong cuộc trò chuyện giữa hai người họ, có một đọan như sau :
Tôi hỏi ông : "Việt Nam đang thu hút các ngành sản xuất một cách mạnh mẽ, vậy Việt Nam có chính sách công nghiệp của riêng mình không ?"
Điều khiến tôi kinh ngạc là Felix đã khẳng định thẳng thừng rằng : "Chúng tôi không cần chính sách công nghiệp vì chúng tôi đã có Quảng Châu rồi !"
Tôi choáng váng : "Ông nói có Quảng Châu là có ý gì ?"
"Nếu thiếu thứ gì đó trong quá trình sản xuất, chúng tôi có thể đến Quảng Châu để mua. Đâu cần đến chính sách công nghiệp".
Quả là rất thuận tiện khi đến Quảng Châu để mua sắm – khoảng cách từ Quảng Châu đến Hà Nội là 850 km, trong khi khoảng cách từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh là 1.150 km. Tuy nhiên, "Quảng Châu" ở đây chỉ vùng duyên hải phía Đông Nam Trung Quốc tiếp giáp với Việt Nam, nơi đây có chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh nhất thế giới. Nếu Việt Nam bằng lòng với việc chỉ làm lắp ráp thì đúng là không cần hỗ trợ cho chuỗi cung ứng bản địa.
Câu chuyện này nghe có chút giống như chuyện đùa, nhưng giả dụ đối phương không kiêm chức vụ trong Cục Chiến lược, vậy thì điều này hẳn đã phản ánh nhận thức của một số người Việt Nam về chuỗi cung ứng bản địa. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp bản địa của Việt Nam tiếp tục vắng mặt trong các công đoạn cốt lõi của chuỗi công nghiệp, nền kinh tế Việt Nam sẽ chỉ có thể là phần mở rộng của chuỗi kinh tế Trung, Nhật, Hàn, chứ không thể là đối thủ cạnh tranh độc lập với ba nước này. Giới hạn trên của sự phát triển đã bị khóa chặt.
Thế nhưng lịch sử đầy rẫy những điều trớ trêu. Sau khi Việt Nam bỏ lỡ hai cơ hội chiến lược liên tiếp, một miếng bánh khổng lồ lại rơi vào tay nước này.
03
Năm 2018, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bùng nổ và Việt Nam trở thành một trong những nước được hưởng lợi nhất từ đó.
Năm 2016, trước khi cuộc chiến thương mại nổ ra, Việt Nam đã đề xuất chiến lược "ngoại giao cây tre", nghĩa là gốc rễ phải vững chãi nhưng phần ngọn thì phải linh hoạt, uyển chuyển trước gió giống như cây tre. Dựa trên ý tưởng này, Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia. 16 FTA mà Việt Nam tham gia chiếm tới 90% GDP thế giới và bao trùm các nền kinh tế chính trên toàn cầu.
Quan trọng hơn, nhằm lách qua rào cản thương mại, các doanh nghiệp Trung Quốc đang đổ xô vào Việt Nam với tốc độ chưa từng thấy. Theo trang web của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc đại lục đã vượt qua Hàn Quốc về số dự án được phê duyệt mới, chiếm 29,1%, và con số này chưa bao gồm tỷ trọng "mượn danh" Hồng Kông và Singapore.
Mượn lời của một ông chủ từng sang Việt Nam : Các doanh nghiệp Trung Quốc đang điên cuồng gửi vốn, nhà máy, đơn hàng, công nghệ và nhân tài sang Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam tăng trưởng tới 20,6%. Nước nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc và nước xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ. Nước này kiếm được một khoản lớn "phí quá cảnh".
Liệu Việt Nam có nắm bắt cơ hội thứ ba này và chuyển hóa sản lượng đầu ra từ Trung Quốc thành sự trỗi dậy của các doanh nghiệp trong nước ?
Cũng chính vào lúc đề xuất "ngoại giao cây tre" năm 2016, Việt Nam đã ban hành "Quy hoạch tổng thể ngành điện tử", trong đó đề xuất rõ ràng việc tạo ra 500.000 việc làm mới, "trong đó hầu hết là kỹ sư, kỹ thuật viên và quản lý cấp trung", và "bổ sung những việc làm này thông qua phát triển năng lực nghiên cứu bản địa".
Mục tiêu là mục tiêu, Việt Nam sẽ lựa chọn con đường nào để thực hiện nó ? Mặc dù mô hình của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc có những điểm tương đồng nhưng cũng tồn tại nhiều điểm khác biệt :
1. Mô hình Nhật Bản : Thực thi mạnh mẽ các chính sách và trợ cấp công nghiệp, phát triển hệ thống công nghiệp một cách độc lập, đồng thời dùng "giá trị địa chính trị" để đổi lấy sự ưng thuận ngầm của phương Tây (chủ yếu là Mỹ) đối với chính sách và trợ cấp.
2. Mô hình Hàn Quốc : Sử dụng mô hình chaebol (tài phiệt) để tập trung đột phá ở một số ngành có giá trị gia tăng cao, đồng thời sử dụng "giá trị địa chính trị" để đổi lấy tư cách xâm nhập những thị trường nhất định.
3. Mô hình Trung Quốc : Học hỏi Nhật Bản, Hàn Quốc về chính sách công nghiệp, phát triển hệ thống công nghiệp một cách độc lập, đồng thời xây dựng thị trường nội địa có tính thống nhất và sử dụng việc mở cửa thị trường quy mô lớn để loại bỏ một số thế lực đối địch.
Mặc dù đáp án ở ngay trước mắt nhưng đối với Việt Nam, "thời thế nay đã khác".
Một mặt, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã chặn đứng nhiều ngành công nghiệp, khiến các nước lạc hậu khó bắt kịp hơn gấp bội ; mặt khác, vào thời đại mà Trung, Nhật, Hàn theo "mô hình Đông Á", toàn cầu hóa vẫn là một xu hướng không thể ngăn cản. Nhưng trong bối cảnh chống toàn cầu hóa hiện nay, Việt Nam khó có thể sao chép hoàn toàn chính sách công nghiệp của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trên thực tế, chính bởi ngành công nghiệp của Việt Nam tập trung vào công đoạn lắp ráp và có tương đối ít sự hỗ trợ công nghiệp ở cấp chính phủ nên nước này mới có thể thiết lập thành công quan hệ thương mại tự do với rất nhiều thị trường nước ngoài. Nếu hiện giờ Việt Nam quay trở lại con đường trợ cấp và hỗ trợ công nghiệp, nhiều khả năng sẽ bị thiết lập các rào cản thương mại, từ đó ảnh hưởng đến mô hình thu phí quá cảnh hiện tại.
Vì vậy, con đường khả dĩ nhất mà Việt Nam có thể lựa chọn hiện nay là mô hình chaebol của Hàn Quốc, cũng chính là mô hình tài phiệt.
Cái gọi là mô hình tài phiệt, chỉ sự hỗ trợ cho các ông trùm nắm trong tay nhiều mảng kinh doanh khác nhau. Chính phủ trợ cấp cho "bộ phận phi thương mại" của một doanh nghiệp lớn thông qua "trợ cấp không liên quan", sau đó doanh nghiệp chuyển tiền tới "bộ phận thương mại" thông qua phân bổ theo chiều ngang, từ đó có được khả năng đầu tư quy mô lớn nhằm đạt được mục tiêu chuyển đổi theo định hướng.
Hãy lấy một ví dụ. Vào thời điểm đó, chính phủ Park Chung-hee của Hàn Quốc muốn phát triển mạnh mẽ ngành đóng tàu nhưng không muốn các đối thủ chính là Nhật Bản và Châu Âu nói ra nói vào, vậy nên đã tìm đến Tập đoàn Hyundai, trợ cấp cho mảng cơ sở hạ tầng – một "bộ phận phi thương mại" – và cung cấp cho họ các đơn hàng đường cao tốc khổng lồ. Thông qua cuộc chuyển đổi, Tập đoàn Hyundai đã chuyển sang ngành đóng tàu trên quy mô lớn và cuối cùng dựng nên công ty đóng tàu át chủ bài Hyundai Heavy Industries của Hàn Quốc.
Mô hình Hàn Quốc dường như là câu trả lời duy nhất. Vậy cần hỗ trợ doanh nghiệp nào trở thành tài phiệt ? Vingroup vào thời kỳ đầu rõ ràng là "kẻ được chọn".
Nhìn vào báo cáo tài chính mới nhất của Tập đoàn Vingroup, có thể thấy tập đoàn này tham gia vào tất cả các lĩnh vực như bất động sản, bán lẻ, công nghiệp, công nghệ, xe hơi… Người Việt Nam không chỉ có thể mua xe hơi Vingroup, đến các khu nghỉ dưỡng, mua sắm tại trung tâm thương mại và sử dụng thanh toán điện tử của Vingroup, mà còn có thể đến các bệnh viện và trường học của Vingroup để chữa bệnh và học tập.
Sau khi người sáng lập tập đoàn, Phạm Nhật Vượng, kiếm được hũ vàng đầu tiên nhờ bán mì ăn liền ở Đông Âu, ông trở lại Việt Nam vào năm 2000 và nhận được sự hỗ trợ toàn diện từ chính phủ Việt Nam, từ đất đai, tín dụng cho đến chính sách. Thậm chí, khi lãnh đạo Việt Nam sang thăm Lào cách đây không lâu, họ đã mang theo 20 chiếc xe điện VinFast để làm quà cho nước bạn.
Chỉ khi trực tiếp đến Việt Nam, bạn mới cảm nhận được sự hiện diện khắp nơi của Vingroup. Vào cuối tháng 7, tôi có một bài phát biểu ở Việt Nam, địa điểm là tòa Landmark 81 cao 461 mét, công trình mang tính biểu tượng của Thành phố Hồ Chí Minh. Tòa nhà cao thứ hai Đông Nam Á này là "trung tâm Thượng Hải" của Thành phố Hồ Chí Minh và các căn hộ cao cấp nằm bên cạnh (tương đương với Tomson Riviera) đều thuộc về Vingroup đang ở thời hưng thịnh.
Vì vậy, tuy mẫu xe điện VinFast được nêu ở phần đầu lỗ tới 2,3 tỷ USD vào năm 2023 nhưng mảng kinh doanh bất động sản và bán lẻ của Vingroup vẫn đang liên tục hái ra tiền. Trong bối cảnh bất động sản Việt Nam suy giảm vào năm ngoái và án tử hình của bà trùm bất động sản Trương Mỹ Lan, hoạt động kinh doanh bất động sản năm 2023 của Vingroup đã đi ngược lại xu hướng và tăng trưởng 49%, lợi nhuận cũng tăng 14%. Có thể coi đây là một "phép màu trong kinh doanh".
Dù mô hình chaebol là liều thuốc độc nhưng đối với Việt Nam, có lẽ không uống cũng không được.
Chỉ khi bù đắp được những lỗ hổng của chuỗi công nghiệp trong nước, Việt Nam mới có thể thực sự trở thành đối thủ của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong một số ngành công nghiệp. Tuy nhiên, nếu mô hình chaebol không hoạt động, ông Phạm Nhật Vượng sẽ trở thành ông Hứa Gia Ấn, tức là sẽ không có Samsung, Sony, Toyota hay Huawei, Xiaomi, BYD phiên bản Việt Nam và nước này chỉ có thể tiếp tục đóng vai trò là cơ sở sản xuất.
Vận mệnh của Việt Nam quả thực đã khởi sắc trong hai năm qua, nhưng không còn đủ thời gian nữa rồi. Năm 2023, dân số Việt Nam đã vượt mốc 100 triệu người, tổng tỷ suất sinh cũng đã giảm xuống dưới mức 2. Cùng nằm trong vòng văn hóa Nho giáo, Việt Nam cũng không thể tránh khỏi những căn bệnh dai dẳng về giá nhà đất, sự trì trệ và suy giảm tỷ suất sinh. Chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.
Thực ra đây mới là cơ cấu thực sự của nền kinh tế Việt Nam : Một mặt, được hưởng lợi lớn từ lợi thế địa lý, có lợi thế lớn về chi phí lao động, cả nước vẫn đang cất cánh và đời sống vật chất của người dân vẫn còn nhiều không gian phát triển. Nhưng mặt khác, nền kinh tế còn tồn tại những bất cập về cơ cấu, quá phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp nội địa đang tụt hậu nghiêm trọng. Còn phải quan sát xem liệu họ có vượt qua được "mức trần" hay không.
Sự thật này cũng cho chúng ta biết rằng : Có một số bài tập tưởng chừng như khá dễ sao chép nhưng thực ra lại rất khó thực hiện. Chiếc bánh nâng cấp công nghiệp chưa bao giờ từ trên trời rơi xuống.
04
Trên thực tế, tình hình hiện nay ở Việt Nam mang lại nhiều yếu tố thuận lợi cho Trung Quốc.
Một mặt, do sự yếu kém của chuỗi cung ứng trong nước, Việt Nam sẽ tiếp tục phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc, điều này được thể hiện rõ qua tỷ trọng các nước nhập khẩu vào Việt Nam. Điều này cho phép Trung Quốc duy trì được giá trị gia tăng cao của chuỗi công nghiệp và các công nghệ cốt lõi. Nhìn vào mức chi cho R&D hiện dưới 0,5% của Việt Nam, sự phụ thuộc này sẽ còn kéo dài trong nhiều năm nữa.
Mặt khác, chính sách "ngoại giao cây tre" và chính sách công nghiệp yếu kém của Việt Nam đã cho phép nhiều nước phương Tây mở rộng cánh cửa với họ, khiến nước này trở thành trạm trung chuyển quan trọng cho ngành sản xuất của Trung Quốc, đây là điều có ý nghĩa rất lớn đối với nhiều doanh nghiệp Trung Quốc. Ví dụ, Mỹ gần đây đã khôi phục lại việc đánh thuế đối với các sản phẩm quang điện của Việt Nam. Bên phải chịu ảnh hưởng lớn nhất từ việc này không phải các doanh nghiệp Việt Nam, mà là các doanh nghiệp Trung Quốc.
Do chi phí trong nước tăng, việc chuyển giao công nghiệp là điều khó tránh khỏi, nhưng vấn đề là chuyển tới đâu ? Nó sẽ được chuyển giao sang Việt Nam, quốc gia vốn phụ thuộc vào chuỗi công nghiệp của Trung Quốc, nằm trong phạm vi ảnh hưởng địa chính trị của Trung Quốc và khó có thể xây dựng được doanh nghiệp nội địa trong ngắn hạn ? Hay nó sẽ được chuyển sang Ấn Độ, quốc gia không ngừng "kiếm chuyện" về chính trị, tìm mọi cách để hạn chế các doanh nghiệp Trung Quốc và điên cuồng hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước ? Tôi tin rằng không khó để lựa chọn câu trả lời.
Trung Quốc quả thực không còn trẻ nữa, nhưng chúng ta thực sự không muốn nhìn thấy dáng vẻ trước đây của chính mình trong vô số kẻ theo sau.
https://youtu.be/51Yg7FzE6UY
Fan Tong Huang Lao Ban
Nguyên tác : 饭统戴老板|西贡河畔的谜题:越南的三星和比亚迪在哪里?, Guancha, 10/09/2024.
Lê Thị Thanh Loan biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 17/09/2024
Phó Thủ tướng Việt Nam Lê Minh Khái hôm 20/5 thừa nhận nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng và cho biết chính phủ sẽ duy trì các chính sách hỗ trợ tăng trưởng, theo Reuters.
Một phụ nữ bán hàng tre nứa trên đường phố Hà Nội. Phó Thủ tướng Việt Nam Lê Minh Khái hôm 20/5/2024 cho biết nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng giữa bối cảnh còn nhiều thách thức do nhu cầu toàn cầu suy yếu.
Theo ông Lê Minh Khái, lạm phát tại Việt Nam đang gia tăng trong khi tăng trưởng tín dụng vẫn còn yếu. Ông cho rằng có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, trong đó bao gồm tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều diễn biến chưa có tiền lệ, vượt dự báo, gây sức ép lớn lên công tác chỉ đạo điều hành.
Ông Khái cho biết tăng trưởng GDP quý I/2024 của Việt Nam đạt 5,66%, khi Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6%-6,5% trong năm nay, cao hơn mức tăng trưởng 5,05% vào năm ngoái.
"Đây là một thách thức lớn để đạt được các mục tiêu kinh tế xã hội năm nay", Reuters dẫn lời ông Khái nói khi thay mặt chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách năm 2023 ; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách những tháng đầu năm 2024 hôm 20/2.
Việt Nam, một trung tâm sản xuất được hưởng lợi từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng giữa bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung, đang phải gánh chịu gánh nặng lãi suất tăng cao trên toàn cầu khi chúng làm giảm nhu cầu về hàng hóa. Mặc dù tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam thuộc hàng nhanh nhất ở châu Á nhưng vẫn thấp hơn mức 7% trước đại dịch.
Sản xuất công nghiệp phục hồi chậm. Sản xuất nông nghiệp, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long gặp nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài và nặng nề hơn.
"Thị trường bất động sản phục hồi chậm, tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120 nghìn tỉ đồng chưa đạt yêu cầu. Tiến độ một số dự án cao tốc, giao thông trọng điểm, giải phóng mặt bằng còn chậm", Lao Động dẫn lời ông Lê Minh Khái nói.
Trước tình trạng khó khăn trên, chính phủ Việt Nam sẽ ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng kinh tế giữa bối cảnh còn nhiều thách thức do nhu cầu toàn cầu suy yếu, Bloomberg dẫn lời ông Khái cho biết thêm.
Theo đó, Việt Nam sẽ tiếp tục các chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, bao gồm tìm cách cắt giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại các khoản vay cho các doanh nghiệp gặp khó khăn và thúc đẩy đầu tư công. Vẫn theo lời ông, Việt Nam sẽ bám sát mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm nay.
Ngoài ra, Phó thủ tướng Việt Nam cũng thừa nhận quốc gia Đông Nam Á đang phải đối mặt với nguy cơ áp lực lạm phát cao trong năm nay.
Việt Nam đặt mục tiêu lạm phát từ 4% - 4,5%. Trong quý I/2024, lạm phát tại Việt Nam ở mức tăng bình quân 3,77% so với bình quân cùng kì, theo Tổng cục Thống kê.
Nguồn : VOA, 20/05/2024
Thủ Chính gồng mình, Tô đại đấm !
Ý Nhi, Thoibao.de, 10/05/2024 |
Có thể nói, nền kinh tế Việt Nam chưa bao giờ bi đát như bây giờ. Gần như những chính sách vĩ mô được ban ra từ ông Thủ tướng Phạm Minh Chính đều bị nghẽn. Năm ngoái, tình trạng giải ngân đầu tư công đã bị kẹt lại rất nhiều, là một trong các lý do khiến cho nền kinh tế không thể hồi phục sau dịch Covid. Mà tình trạng này còn kéo dài đến năm nay, thậm chí còn tồi tệ hơn.
Khoảng 60% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công cần hoàn thành trong 4 tháng cuối năm 2023.
Những năm trước đây, tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ chủ yếu là do thủ tục rườm rà, luật pháp chồng chéo, khiến doanh nghiệp phải tìm mọi cách để lách qua quá nhiều khe hẹp. Và tất nhiên, muốn hoàn tất hồ sơ để được giải ngân, thì đơn vị thụ hưởng thường phải "bôi trơn" cho những đơn vị xét duyệt. Đó là luật bất thành văn, tồn tại từ ngày "đổi mới" đến nay. Đó cũng là nguyên nhân chính, khiến chất lượng của các dự án công kém, mà chi phí đầu tư lại cao bất thường.
Nếu nói trước đây, vốn đầu tư công bị một tầng lọc ngăn cản việc giải ngân, thì nay, có thêm một tầng mới – đó là sự lo sợ của quan chức, cán bộ thuộc các đơn vị liên quan đến nguồn vốn – từ đơn vị cấp vốn cho tới đơn vị nhận vốn, đều rất lo sợ rủi ro. Giải pháp an toàn cho họ là "lãn công ngầm", bằng cách viện đủ thứ lý do để kéo dài thời gian, không chạm vào nó.
Tháng trước, Tổng Giám đốc Khatoco Khánh Hòa – Phan Quang Huy, đã để lại thư tuyệt mệnh cho vợ và con, trong đó có đoạn :
"Gửi Mẹ và hai Con
Công việc của ba không những quá nhiều mà còn không tiến triển được, do cơ chế hiện nay, nên ba rất bị áp lực suốt một thời gian dài vừa qua. Gần đây, lại có tin về việc rà soát khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại. Không những thế, cao ốc Khách sạn – Thương mại Khatoco tại số 7-9 đường Biệt thự, Dự án khu phức hợp Thương mại – Khách sạn – Căn hộ Tropicana cũng thuộc diện phải rà soát, và trước sau, các cơ quan chức năng của nhà nước cũng tiến hành điều tra các dự án này.
Đây là những dự án mà Tổng Công ty đã liên doanh, liên kết với các đối tác để triển khai thực hiện, cách đây mười mấy năm. Ba cam kết không nhận bất kỳ một đồng tiền nào, tuy nhiên, chắc chắn rằng, Ba sẽ không tránh khỏi các sai sót trong quá trình định giá tài sản, góp vốn đầu tư, bởi tư duy, qui trình của mười mấy năm trước khác hẳn với những qui định hiện hành của thời bây giờ".
Đấy là mối lo chung của những người đứng đầu đơn vị chủ đầu tư, sử dụng vốn ngân sách. Hiện nay, những người quản lý các dự án công, sử dụng vốn ngân sách, luôn phập phồng lo sợ. Công an có thể ập vào nhà họ, còng tay giải đi bất cứ lúc nào. Chính vì thế, rất nhiều người đã viện đủ lý do để trì hoãn, để nguồn vốn không thông. Bởi một khi đã thông nguồn vốn, thì sẽ có sai phạm, vì không làm sai lấy tiền đâu ra để bôi trơn cho cả hệ thống ?
Hiện nay, việc công an nhảy vào các doanh nghiệp, truy hồ sơ của các dự án công, diễn ra khắp nơi. Trước đây, ông Trọng cũng cho làm điều này, nhưng chỉ sử dụng Ủy ban Kiểm tra Trung ương, hoặc Ban Phòng chống tham nhũng và tiêu cực do ông cầm đầu. Chỉ dự án nào ông thấy cần truy tố, mới để cho Tô Lâm nhảy vào. Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ban Chống tham nhũng, tuy có quyền lực lớn, nhưng nhân sự lại mỏng, và chuyên môn yếu, nên chỉ như tấm lưới thưa và để lọt rất nhiều "con cá gộc". Lần này, Tô Lâm ra tay với lực lượng công an chuyên nghiệp, phủ mọi ngóc ngách, từ Trung ương đến địa phương. Cho nên, rất khó để thoát khỏi bàn tay Tô Lâm.
Mỗi cú đấm của Tô Lâm là một đòn giáng rất mạnh vào những chính sách vĩ mô mà Thủ tướng Phạm Minh Chính triển khai. Ông Tô Lâm cứ nhân danh "lò" của Tổng mà phang, còn ông Chính chỉ biết gồng mình chịu đựng. Kết quả, nền kinh tế tan nát, thì ông Chính phải chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị. Còn Tô Lâm thì được ghi nhận với thành tích chống tham nhũng.
Từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội 13, Tô Lâm cứ việc đấm, còn Phạm Minh Chính thì chỉ biết gồng. Cố gồng cho đến hết nhiệm kỳ rồi tính tiếp.
Ý Nhi
Nguồn : Thoibao.de, 10/05/2024
*****************************
Bình quân mỗi tháng có 21,6 ngàn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường
Hàn Lam, VNTB, 10/05/2024
Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường dường như phủ đều các ngành…
Gần 74 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong quý I/2024. Ảnh minh hoạ
Những khó khăn đối mặt
Chuyện doanh nghiệp phải rời thương trường này, theo công bố của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thì tính chung bốn tháng đầu năm 2024, cả nước có 81,3 ngàn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước ; bình quân một tháng có 20,3 ngàn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 86,4 ngàn doanh nghiệp, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước ; bình quân một tháng có 21,6 ngàn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường ; tức số giảm vẫn vượt xa con số thành lập mới đến những trên 5.000.
Có 5 khó khăn chính mà doanh nghiệp đối mặt, theo ghi nhận của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) trong báo cáo gửi Thủ tướng, gồm : đơn hàng, dòng tiền, thực hiện các thủ tục hành chính và đáp ứng quy định pháp luật, nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế, tiếp cận vốn vay.
Theo khu vực kinh tế, doanh nghiệp ở 4 tháng đầu năm nay đã hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (2.458 doanh nghiệp), công nghiệp chế biến, chế tạo (702 doanh nghiệp), xây dựng (480 doanh nghiệp), và kinh doanh bất động sản (410 doanh nghiệp).
Về phía Liên đoàn thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu tại Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2023 vào hôm 9-5-2024, thì 5 vấn đề khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp gặp phải bao gồm : tiếp cận vốn (57,1%), tìm kiếm khách hàng (49%), biến động thị trường (34,5%), khó khăn từ tác động của dịch bệnh Covid-19 (25,5%), và tìm kiếm đối tác kinh doanh (17,1%).
Phần nổi của tảng băng chìm ?
Thời gian gần đây với hàng loạt vụ án liên quan hối lộ trong đấu thầu, còn cảnh báo nguy cơ tiềm tàng giờ đang là ‘phần nổi của tảng băng chìm’ về "nhà thầu thân hữu".
Vụ đại án Việt Á, chuyến bay giải cứu, Hậu "pháo", Vạn Thịnh Phát… không chỉ làm thất thoát ngân sách nhà nước, mất tài sản nhà nước và của nhà đầu tư, mà còn gây ra những hệ quả chính trị – xã hội, làm giảm lòng tin của người dân và những doanh nghiệp làm ăn chân chính vào môi trường kinh doanh.
Vì vậy, trong khó khăn chung của kinh tế thế giới, Việt Nam còn phải đối mặt với một lực lượng doanh nghiệp thân hữu, sân sau.
Nhớ lúc còn đương chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã rất thật thà trong diễn văn tại Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, tổ chức vào ngày 21-11-2018, có những phát biểu, như : "Tôi ở chính phủ 3 nhiệm kỳ rồi, tôi thấy nhiều lần nghe thường vụ đảng ủy nói rằng nhiều ông ở tù. Nếu thanh tra, kiểm tra nghiêm túc thì rất nguy. Tức là bên trong có rất nhiều vấn đề" – "Không những 1 sân trước mà 4,5 sân sau. Có ông 14 -15 cái sân sau, đừng nói Thủ tướng không biết" – "Bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đại diện vốn nhà nước đủ phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, bố trí người làm việc chứ không bố trí người nhà"…
Trước đó, trong góp ý cho đề án Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ mà hội nghị Trung ương 7 thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cho rằng, "Thậm chí nhiều lãnh đạo tỉnh có cả doanh nghiệp sân sau đặt trụ sở ngay tại nhà mình, không nghĩ phát triển cho tỉnh mà chỉ nghĩ đi xin Trung ương, được dự án nào thì nghĩ cách tạo lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm, ủng hộ tùy tiện nhà thầu này, nhà thầu kia…"…
Hãy cảm nhận về sự minh bạch
Hiện tại thì nếu tìm hiểu lại một số vụ chào thầu – thắng thầu sẽ cảm nhận về sự minh bạch trong đấu thầu.
Đơn cử, Công ty cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương (BIWASE), chủ đầu tư Dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực Dĩ An (tỉnh Bình Dương) khi công bố kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu BDAF – 07 xây dựng tuyến ống thu gom nước thải cấp 1, 2 và trạm bơm nâng (lưu vực Rạch Cái Cầu), thì liên danh nhà thầu Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Tư vấn và Xây dựng Thép Mới – Tổng công ty Nước và Môi trường Việt Nam (VIWASEEN) trúng thầu với giá hơn 472 tỷ đồng và hợp đồng thực hiện theo đơn giá điều chỉnh với thời gian 15 tháng. So với giá gói thầu 475,1 tỷ đồng, tỷ lệ giảm thầu chỉ là 0,62%, mặc dù đây là gói thầu được đấu thầu rộng rãi.
Theo thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu, trong số 4 nhà thầu tham gia, có 2 nhà thầu không đạt điểm kỹ thuật (liên danh Sông Đà 9 – VIC và Công ty cổ phần Xây dựng số 5) và tới vòng chấm tài chính, liên danh Thép Mới – VIWASEEN đã vượt qua liên danh nhà thầu Công ty trách nhiệm hữu hạn Đại Phú Thịnh với một nhà thầu Hàn Quốc do có giá chào thấp hơn.
Cần phải nhắc lại rằng, đây là gói thầu thứ 2 nhà thầu Thép Mới trúng tại các dự án do BIWASE làm chủ đầu tư, bởi trước đó, nhà thầu này liên danh với Công ty cổ phần Xây dựng số 5 đã trúng thầu gói thầu xây dựng nhà máy xử lý, các trạm bơm và lắp đặt thiết bị, hệ thống điện phụ trợ, điện chiếu sáng Dự án Thoát nước và xử lý nước thải khu vực Dĩ An – Thuận An – Tân Uyên (tỉnh Bình Dương).
Người thắng, kẻ thua tại cuộc thầu BDAF-07 không hẳn là đối thủ của nhau tại sân thầu BIWASE, nếu không muốn nói là các gương mặt này đã trở thành "thân hữu" khi lần lượt thay nhau thắng các gói có giá thầu lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
Ngoài gói thầu nêu trên, nhà thầu Công ty cổ phần Xây dựng số 5 từng trúng 3 gói thầu khác do BIWASE làm chủ đầu tư trong tư cách độc lập, với tổng giá trúng thầu trên 1.316 tỷ đồng. Cụ thể, 2 gói thầu thuộc Dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực Dĩ An bao gồm gói BDAF – 08, gói BDAF- 06 và gói thầu số 3A thuộc Dự án Thoát nước và xử lý nước thải khu vực Dĩ An – Thuận An – Tân Uyên.
Còn về nhà thầu Công ty trách nhiệm hữu hạn Đại Phú Thịnh, mặc dù trượt thầu gói BDAF – 07, song "gương mặt thân quen" này cũng từng trúng 2 gói thầu thuộc Dự án Thoát nước và xử lý nước thải khu vực Dĩ An – Thuận An – Tân Uyên của BIWASE…
Hàn Lam
Nguồn : VNTB, 10/05/2024
Kinh tế Việt Nam đang ở vào thời kỳ tăng trưởng khó khăn. ‘Góc khuất’ tăng trưởng bởi các yếu tố phi thị trường đang phản ánh thực trạng này. Tăng trưởng kinh tế là sự kết hợp ‘bí ẩn’ bởi nhiều yếu tố không chỉ kinh tế mà cả về thể chế có vai trò ngày càng quan trọng, có liên quan đến nhau và, từ góc nhìn thể chế, chính sách chúng được phân chia tương đối thành hai nhóm yếu tố thị trường và phi thị trường. Trong quá trình Việt Nam hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế yếu tố thị trường đang dần là xu hướng nhưng chưa thể là giải pháp thay thế đủ mạnh và bền vững. Thể chế chính trị là rào cản. Và, đây có lẽ là nguyên do vì sao Việt Nam chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường mặc dù cải cách đã trải qua gần 40 năm.
Những yếu tố phi thị trường có cội nguồn từ mô hình tăng trưởng với đặc trưng chế độ toàn trị tiến hành chuyển đổi kinh tế sang thị trường đồng thời vẫn duy trì sự lãnh đạo của Đảng cộng sản. Đó là sự can thiệp của Đảng – Nhà nước vào kinh tế không những chỉ với tư cách người đại diện nguồn lực công, tài nguyên và đất đai mà còn dựa vào các thể chế mang tính pháp trị, bỏ qua quyền cơ bản của công dân. Như một trường hợp điển hình, ‘góc khuất’ tăng trưởng biểu hiện rõ rệt trong lĩnh vực địa ốc vì sở hữu toàn dân về đất đai do nhà nước quản lý. Ngoài ra, tự do kinh doanh bị ‘giới hạn’ bởi quyền lực khiến các doanh nghiệp chi phí cao vì phải hối lộ để có thể tiếp cận với các nguồn lực.
Xu hướng quay lại mô hình khai thác để tăng trưởng nhằm đối phó với thực trạng khó khăn này cần được cảnh báo. Việc khám phá các ‘góc khuất’ tăng trưởng hàm ý công cuộc cải cách thị trường để tăng trưởng cần phải thay đổi.
Xu hướng tăng trưởng kinh tế khó khăn dần bộc lộ từ trước đại dịch Covid-19, khủng khoảng trong đại dịch với tỷ lệ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 chỉ là 2,91% và, là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011 - 2020. Mặc dù với nhiều giải pháp giải cứu tăng trưởng sau đại dịch nhưng sự phục hồi vẫn ‘ỳ ạch’, trồi sụt. Trong Báo cáo [1] mới cập nhật của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội, thì GDP quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm từ 2020 đến 2023, lần lượt là : 3,21% ; 4,85% ; 5,12% và 3,41%.
Thực tế cho thấy, rằng các báo cáo chính thức của chính phủ, thậm chí cả cách nhìn nhận của một số nhà kinh tế trong đánh giá cũng như "dự cảm" [2] về thực trạng hay triển vọng kinh tế thường dựa trên quan niệm ‘ngầm định’ là kinh tế ở Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Về nguyên lý, cách tiếp cận ‘truyền thống’ này cho biết tăng trưởng kinh tế dựa vào ba động lực chủ yếu là tiêu dùng, đầu tư và xuất nhập khẩu với cơ cấu gồm ba nhóm ngành : (1) công nghiệp, xây dựng cơ bản, (2) nông lâm nghiệp, thủy sản và (3) dịch vụ. Trong đó, khu vực (1) đóng góp 41,68% ; khu vực (2) đóng góp 6,09% và khu vực (3) đóng góp 52,23% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế hay GDP…
Thiếu vắng các nguyên tắc thị trường luôn khiến các nhà nghiên cứu, quan sát nghi ngờ về độ tin cậy của số liệu thống kê và, trong chế độ Đảng cộng sản toàn trị khi tăng trưởng là sự đảm bảo tính chính danh thì các chỉ tiêu tăng trưởng thường nghiêng về hướng thổi phồng thành tích. Trong quá trình chuyển đổi kinh tế sang thị trường nhiều chỉ tiêu, trong đó có GDP, và các phương pháp thống kê chúng vốn là thuộc tính của thị trường nhưng khi vận dụng chúng để tính toán các số liệu chứa đựng ‘sai số’ bởi các yếu tố phi thị trường, phản ánh không thực chất bản chất vấn đề hay các hoạt động kinh tế. Dù bỏ qua ‘đặc điểm’ này thì trong bức tranh toàn cảnh như trong Báo cáo nêu trên ‘tính chất thị trường’ của nền kinh tế vẫn bị ‘che khuất’, ‘vô tình’ hoặc ‘cố ý’ và, chúng cần phải được chỉ ra để cải thiện các giải pháp chính sách cải cách nói chung và chính sách tăng trưởng nói riêng.
Thế nào là một kinh tế thị trường là một chủ đề rộng. Về nguyên lý, kinh tế thị trường được hiểu khái quát là một hệ thống kinh tế, trong đó người dân, các doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm trước ba vấn đề : sản xuất cái gì, như thế nào và cho ai ; hoạt động kinh doanh của họ dựa vào quy luật cung - cầu và chính phủ, chính quyền không can thiệp và nếu có thì ở mức tối thiểu, chẳng hạn, đối với các nước phát triển cần thiết khi thị trường thất bại và, đối với các nước chuyển đổi trong đó có Việt Nam vai trò của chính phủ là "kiến tạo" các nguyên tắc thị trường.
Để chỉ ra các góc khuất của tăng trưởng, trước hết, xin nêu ra đây một vài nguyên tắc chủ yếu của thị trường. Đó là : Tự do kinh doanh ; Sở hữu tư nhân ; Động cơ lợi nhuận ; Cạnh tranh bình đẳng ; Người tiêu dùng tự quyết. Thiếu vắng những nguyên tắc này kinh tế vận hành không thể suôn sẻ. Trong quá trình cải cách thể chế ở mức độ nào đó và với cách tiếp cận "từ dưới lên" Chính phủ Việt Nam đã từng bước dần kiến tạo ra và củng cố một nền kinh tế thị trường bằng cách như : Thiết lập luật pháp và trật tự ; Xác định các quy tắc về tài sản ; Quản lý các quy tắc trao đổi ; Thiết lập các tiêu chuẩn thị trường ; Cung cấp hàng hóa công cộng ; Tạo ra một lực lượng lao động ; Cải thiện các yếu tố bên ngoài ; Và, thúc đẩy cạnh tranh… Tuy nhiên, việc nhấn mạnh quá thái rằng ‘chúng ta sẽ không có một nền kinh tế thị trường nếu không có đảng, nhà nước’ vấn đề đã trở nên nghiêm trọng, sự giáo điều "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" bao trùm chính sách và trở thành lực cản cải cách. Hệ tư tưởng chủ nghĩa xã hội đối nghịch với thị trường khi được biện minh để duy trì chế độ, rằng thị trường là sản phẩm "chung" của nhân loại, nghĩa là không là thuộc tính của chủ nghĩa tư bản, vì vậy việc áp dụng là có thể trong xã hội chủ nghĩa !
Nhưng quan niệm về kinh tế thị trường không chỉ tồn tại sự khác biệt về bản chất chế độ mà còn về các nguyên tắc cơ bản vốn có của thị trường mà việc công nhận một quốc gia có phải là nền kinh tế thị trường hay không phải dựa vào. Đảng cộng sản Việt Nam khẳng định đường lối phát triển xã hội chủ nghĩa, tự coi là một bộ phận của làn sóng thứ ba của chủ nghĩa xã hội [3] và, việc vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là ‘bình thường’ trong khi thiếu vắng các nguyên tắc chủ yếu của thị trường trong khi Mỹ coi đây là các căn cứ xác định. Đây không hẳn là lý do duy nhất nhưng có liên quan tới câu hỏi vì sao Chính phủ Việt Nam gặp ‘khó khăn’ trong nỗ lực vận động Hoa Kỳ để được công nhận là nền kinh tế thị trường, đặc biệt từ khi quan hệ giữa hai nước được nâng cấp cao nhất thành đối tác chiến lược toàn diện cuối năm 2023, trong đó nhấn mạnh sự công nhận sự khác biệt chế độ chính trị của nhau.
Mặc dù Đảng cộng sản Việt Nam coi cải cách thể chế là "khâu đột phá chiến lược" nhưng không thể triển khai ‘đúng ý đảng’ trong thực tế điều hành kinh tế. Như đã biết, phương châm "Chính phủ kiến tạo" trong nhiệm kỳ cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (2016-2021) đã phá sản. Liệu có kỳ vọng các nguyên tắc thị trường có được tạo mới hay cải thiện dưới thời Thủ tướng đương nhiệm Phạm Minh Chính (2021-2026) để được các nước phát triển, Hoa Kỳ công nhận là nền kinh tế thị trường.
Có một lưu ý được nhấn mạnh rằng khi thiếu vắng các nguyên tắc thị trường thì yếu tố phi thị trường ‘phát tác’. Như một trường hợp điển hình, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đang rơi vào khủng hoảng có nguyên nhân sâu xa là vấn đề sở hữu toàn dân về đất đai và do nhà nước đại diện quản lý. Đây là yếu tố phi thị trường bao trùm cả thể chế kinh tế và chính trị.
Từng đóng góp khoảng 10-15% GDP, không chỉ kiến hoạt động kinh doanh sôi động mà còn giúp nhiều đối tượng làm giàu và tích luỹ tư bản, nhưng giờ đây bất động sản đang rơi vào khủng hoảng. Chính phủ đang gánh trách nhiệm và nỗ lực giải cứu nhưng vẫn bế tắc bởi ngổn ngang những ‘bất cập’ tích tụ lâu năm, đặc biệt về thể chế, chính sách, không chỉ đang trực tiếp làm giảm GDP, việc làm và phá sản doanh nghiệp cũng như hiệu ứng đô-mi-nô sang những lĩnh vực có liên quan kể cả tài chính ngân hàng và các nhà đầu tư, người tiêu dùng mà còn khiến tham nhũng trở nên trầm trọng, thách thức sự tồn vong chế độ ngày càng lớn.
Vì sao lĩnh vực bất động sản ở Việt Nam khủng hoảng ? Các chuyên gia, giới kinh doanh đưa ra một số nguyên nhân cần lưu ý [4]. Đó là : khung pháp lý ; chính sách kinh tế không bền vững và không nhất quán ; cạnh tranh không lành mạnh ; kinh doanh "bầy đàn" ; lệch pha cung - cầu ; quản lý, điều tiết thị trường không hiệu quả… Trong đó, nguyên nhân thứ nhất được đặc biệt nhấn mạnh, rằng "thị trường bất động sản vướng mắc pháp lý ở cả 3 cấp độ "luật", "văn bản dưới luật" và "thực thi pháp luật" chiếm đến 70% khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản [5]. Ngắn gọn lại, ‘tội đồ’ được quy cho "sở hữu toàn dân về đất đai và người đại diện quản lý là nhà nước".
Từ Luật Đất đai đầu tiên được ban hành cuối những năm 1980 đến nay đã năm lần bổ sung sửa đổi nhưng vẫn không đáp ứng được thực tế chuyển đổi thị trường. Mới đây, một sự kiện gây chú ý có liên quan là Quốc hội khóa 15 đã triệu tập ‘vội vàng’ Kỳ họp bất thường lần thứ 5 [6] ngày 18/01/2024. Tại đây, Luật Đất đai (sửa đổi) 2023 đã được thông qua và thời gian có hiệu lực thi hành đã rút ngắn 6 tháng, từ 1/7/2024 thay vì 1/1/2025 như đã quyết định. Lý do được giải thích là để đáp ứng nhu cầu cấp bách từ thực tế và dưới sự chỉ đạo của Đảng "đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 về "tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".
Các nhà lập pháp ‘cung đình’ cho rằng, Luật Đất đai số 31/2024/QH15 [7] đã có nhiều quy định mới nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính về đất đai bảo đảm sự bình đẳng, khách quan, công khai, minh bạch, phương thức thực hiện đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện ; đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai để xử lý các mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Trong đó có 4 điểm nhấn : Bỏ khâu trung gian trong quản lý sử dụng đất ; Thủ tục hành chính về đất đai bảo đảm sự bình đẳng, khách quan ; Bổ sung thêm hình thức hòa giải tranh chấp đất đai tại Tòa án…
Có lẽ đây là "bước tiến" về thể chế nhưng ý kiến cá nhân cho rằng đây sẽ vẫn không phải lần sửa "nhiều" cuối cùng trên phương diện kiến tạo thị trường khi cơ chế "sở hữu toàn dân về đất đai và người đại diện quản lý là nhà nước" vẫn hiện diện sẽ loại trừ hoặc ngăn cản các nỗ lực tự do kinh doanh và bảo vệ quyền tài sản và tăng cường quyền lực nhà nước. Kinh tế thị trường coi nguyên tắc sở hữu tư nhân là cốt lõi định hướng cho các nguyên tắc còn lại. Trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng và dịch vụ dường như quá trình cổ phần hóa, tư nhân hóa diễn ra ‘thuận lợi’ hơn nhưng đối với đất đai "sở hữu toàn dân" vẫn là nền tảng mà chế độ tập quyền với bộ máy hành chính đặc quyền đặc lợi và, đồng thời là nguồn gốc giàu có của các đại gia ‘láu cá’ và các quan chức ‘tha hóa’. (Nói kiểu dân gian trên mạng xã hội : "họ biết ăn đất nên giàu !").
Đây là vấn đề mà các nhà nghiên cứu giải thích cho nghịch lý tăng trưởng nhanh và tham nhũng tràn lan dưới chế độ Đảng cộng sản toàn trị kiểu như Trung Quốc và Việt Nam. Yuen Yuen Ang, nhà khoa học chính trị tại Michigan, Hoa kỳ năm 2020 đã công bố nghiên cứu gây tiếng vang "Thời đại vàng son của Trung Quốc : Nghịch lý của sự bùng nổ kinh tế và tham nhũng rộng lớn" (2020) [8], trong đó có phân tích về thực trạng tham nhũng ở Trung Quốc. Tiến sĩ Ang chia tham nhũng thành bốn loại : trộm vặt, trộm cắp lớn, tiền nhanh và tiền tiếp cận (access money.) Trong khi ba loại đầu tiên cản trở sự tăng trưởng, tiếp cận tiền bạc hoặc trao đổi quyền lực và lợi nhuận của giới doanh nghiệp và quan chức, thì chúng lại tác động đến cả hai phía. "Tiền tiếp cận" vừa kích thích đầu tư, tăng trưởng đòi hỏi chi phí cao (để kinh doanh và hối lộ) vừa tạo ra những rủi ro nghiêm trọng cho nền kinh tế và hệ thống chính trị. Đây là đặc thù của mô hình Trung Quốc thời cải cách và mở cửa, khác với tham nhũng ở nhiều nước dân chủ nhưng giống những gì đang diễn ra ở Việt Nam, phần nào biện minh cho chiến dịch chống tham nhũng hiện nay, dù quyết liệt nhưng vẫn "không đạt kết quả như mong muốn" ở hai nước.
Thực tế cho thấy trong các đại án tham nhũng sau các quan chức nhận hối lộ luôn có bóng các đại gia, quản lý các doanh nghiệp. Nhận định từ nghiên cứu dẫn ở trên gợi ý suy luận về "73,9 nghìn doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường" – như được nêu trong Báo cáo của Chính phủ, "tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước ; Bình quân một tháng có gần 24,7 nghìn doanh nghiệp" ở tình cảnh này. Liệu có bao nhiêu trong số đó doanh nghiệp "rút lui khỏi thị trường" do khủng khoảng địa ốc hay hậu quả trực tiếp hoặc gián tiếp từ chiến dịch "đốt lò" ? Trong cuộc họp Chính phủ này, thay vì cần giải trình vấn đề, ông Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan hoạch định chính sách đồng thời là chủ quản của Tổng cục Thống kê, lại khẳng định thành tích ‘vượt’ mức tăng GDP theo Nghị quyết số 01/NQ-CP (5,2-5,6%) và ‘cập nhật’ [9] hai kịch bản cho cả năm 2024 là 6-6,5% mà Quốc hội giao Ông ta ủng hộ kịch bản 6,5% !
Doãn An Nhiên
Nguồn : RFA, 11/04/2024
Tham khảo
2. https://vnexpress.net/du-cam-2024-4695808.html
4. https://vneconomy.vn/khung-hoang-bat-dong-san-la-do-quan-ly-thieu-hieu-qua.htm
6. https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=84192
7. https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=85104
Một quan điểm lạc quan đang dấy lên trong hàng ngũ lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam khi bước vào năm 2024, nhưng thực tế tiềm ẩn những khó khăn chưa lường trước được.
Kinh tế Việt Nam còn tiềm ẩn nhiều khó khăn trong năm 2024. Ảnh : TL
Trước hết hãy bàn về kinh tế
Việt Nam là một nước độc lập, nhưng Kinh tế lại lệ thuộc vào sự thăng trầm của Trung Quốc và tình hình thế giới.
Trong năm 2023, kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại. Sản xuất nội địa đạt 6,3% thay vì 7,3% như kỳ vọng. Trong khí đó, chỉ số giá tiêu dùng của người dân giảm từ 0,2% đến 0,4% khiến các nhà kinh tế lo ngại tình trạng đi xuống của Trung Quốc kéo dài (Công ty cổ phần chứng khoán KB Việt Nam - KB Securities Vietnam - KBSV, ngày 15/08/2023).
Đây là hậu quả của dịch Covid-19 phát xuất từ Thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) tháng 12/2019, mặc dù Bắc Kinh đã có nhiều kế hoạch tăng trưởng.
Tình trạng chậm phục hồi kinh tế Trung Quốc đã ảnh hưởng đến kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.
"Trong năm 2022, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, trong khi Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực ASEAN. Nhu cầu yếu sẽ làm ảnh hưởng tới các ngành nghề có tỷ lệ xuất khẩu cao sang Trung Quốc như gỗ, giấy, rau củ...", quan sát của KBSV.
Tuy nhiên, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc vẫn gia tăng mỗi năm từ 50 đến hơn 60 tỷ Mỹ kim, tập trung vào máy móc và hàng dân dụng.
Dù vậy, tình hình này không giảm thiểu sự lạc quan của giới lãnh đạo Viết Nam. Bằng chứng như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã tuyên bố :
"Trong tháng đầu năm 2024, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 3,37% so với cùng kỳ, giá hàng hóa tương đối ổn định".
Ông Dũng nêu ra bằng chứng :
"Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm ; đáp ứng đầy đủ nhu cầu thanh toán, cung ứng tiền mặt cho nền kinh tế trong dịp Tết ; an toàn hệ thống ngân hàng được bảo đảm.
Thu ngân sách Nhà nước tháng 1 ước đạt 13,6% dự toán. Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tháng 1 tăng lần lượt 37,7%, 42% và 33,3% so với cùng kỳ và tăng 5,5%, 6,7%, 4,2% so với tháng trước, cho thấy xu hướng phục hồi tích cực qua từng tháng ; ước xuất siêu 2,92 tỷ USD.
Một điểm sáng nữa của kinh tế trong tháng đầu tiên của năm là tổng vốn FDI đăng ký tăng mạnh 40,2% so với cùng kỳ năm 2023, đạt hơn 2,36 tỷ USD. Đây là tín hiệu cho thấy nước ta đang tranh thủ được cơ hội từ những thành tựu đối ngoại, ngoại giao trong năm 2023 và tháng đầu năm 2024" (VTC News, ngày 10/02/2024)
Một cái nhìn khác
Tuy nhiên, có một cái nhìn dè dặt vào sức sống của kinh tế Việt Nam đã xuất hiện từ bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, khi cho biết :
"Bên cạnh những gam màu sáng, bức tranh kinh tế - xã hội năm 2023 còn xuất hiện những gam màu xám.
Đó là, thứ nhất, ngành nông nghiệp đối mặt với một số khó khăn, thách thức. Nhiều loại vật tư nông nghiệp phụ thuộc vào nhập khẩu đã làm tăng chi phí sản xuất ; diện tích cây điều, cao su, hồ tiêu tiếp tục giảm do hiệu quả kinh tế không cao ; giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao ; sản lượng gỗ khai thác tăng thấp do các doanh nghiệp chế biến gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.
Thứ hai, sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm chủ yếu do thiếu đơn hàng sản xuất. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp năm 2023 ước chỉ tăng 3,02% so với năm trước, là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011-2023.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2023 ước tăng 1,5% so với năm trước (thấp hơn nhiều so với mức tăng 7,2% của năm 2022) do đơn hàng sụt giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm. Nhiều ngành công nghiệp trọng điểm giảm so với cùng kỳ năm trước và giảm ở nhiều địa phương có quy mô công nghiệp lớn. Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 1,8%, thấp nhất trong 11 năm qua ; tỷ lệ tồn kho bình quân năm 2023 là 87,5%, cao nhất trong 11 năm qua, cho thấy một bộ phận doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, hàng tồn kho cao" (Thời báo Kinh tế Việt Nam, ngày 01/01/2024).
Ngoài ra, chuyên gia Nguyễn Thị Hương còn cho biết : "Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2023 giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó kim ngạch xuất khẩu giảm 4,4% trong bối cảnh chính sách tiền tệ của các quốc gia trên thế giới tiếp tục thắt chặt, tổng cầu thế giới suy giảm dẫn tới các đơn hàng xuất khẩu giảm".
Trong khi đó : "Doanh nghiệp thành lập mới còn nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn. Tổng vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới năm 2023 đạt 1.521,3 nghìn tỷ đồng, giảm 4,4% so với năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới năm 2023 chỉ đạt 9,6 tỷ đồng, giảm 10,8% so với năm 2022".
Ngoài ra, số thống kê cũng cho thấy : "Tính đến ngày 20/12/2023, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký điều chỉnh tăng thêm đạt 7,88 tỷ USD, giảm 22,1% so với năm trước (năm 2022 tăng 12,2%), phản ánh những khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài chưa mở rộng quy mô các dự án đầu tư hiện hữu tại Việt Nam".
Trả lời câu hỏi : Với những nền tảng như vậy, bà dự báo như thế nào về tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 ?
Bà Hương đáp : "Nhìn chung năm 2024, dự báo các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Cục diện thế giới tiếp tục chuyển động theo xu hướng "đa cực, đa trung tâm" ; các nước lớn điều chỉnh chiến lược linh hoạt, phức tạp hơn, vừa hợp tác, thỏa hiệp, vừa cạnh tranh, kiềm chế gay gắt lẫn nhau.
Hậu quả của đại dịch Covid 19 vẫn còn dai dẳng. Lạm phát ở một số nền kinh tế lớn nhiều khả năng vẫn ở mức cao, nợ công tiếp tục gia tăng ; tăng trưởng thương mại toàn cầu tiếp tục xu hướng thấp, chịu ảnh hưởng từ cạnh tranh địa chính trị diễn biến căng thẳng, khó lường. Áp lực từ giá dầu thô, lương thực biến động mạnh, tăng lãi suất kéo dài ở nhiều quốc gia… Khả năng phục hồi của kinh tế toàn cầu chưa rõ ràng.
Ở trong nước, tuy thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng động lực truyền thống còn yếu, động lực mới chưa rõ ràng nên năm 2024 dự báo kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tác động từ sự suy giảm của nền kinh tế thế giới dồn nén từ thời đại dịch tới nay nhiều khả năng sẽ tiếp tục tác động đến nền kinh tế Việt Nam ít nhất trong nửa đầu năm 2024 trước khi đón nhận những dấu hiệu tích cực, khả quan hơn".
Chính trị - quốc phòng
Về tình hình chính trị, Đảng cộng sản Việt Nam có kế hoạch tổ chức các hội nghị trung ương để chuẩn bị Đại hội đảng kỳ XIV vào đầu năm 2026. Các hội nghị này sẽ thảo luận các tài liệu của khóa đảng XIII đệ trình trước Đại hội đảng XIV, trong đó có "Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa tới.
Trong số Văn kiện này có danh tính người được đề nghị thay Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người sẽ 82 tuổi vào năm 2026 và đã giữ chức Tổng bí thư đảng 3 nhiệm kỳ, từ năm 2011.
Có 3 người đứng đàu danh sách ứng viên gồm :
- Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, sinh năm 1970 tại Hải Dương, nhưng trưởng thành ở miến Nam. Có tin đồng ông là con của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
- Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ, sinh năm 1957 ở Nghệ An.
- Thủ tướng Phạm Minh Chính, sinh năm 1958 ở Thanh Hóa.
Nhưng dù ai thay ông Trọng thì Đảng cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục :
- Chống tham nhũng và xây dựng chỉnh đốn đảng, vì hiện nay đã có "một số không nhỏ" đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo, đã "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" không còn muốn tiếp tục xây dựng đất nước trên nền tảng chủ nghĩa thoái trào Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh nữa.
- Trong lĩnh vực quốc phòng, Việt Nam sẽ theo đuổi chính sách 4 "không" gồm :
1. không tham gia liên minh quân sự ;
2. không liên kết với nước này để chống nước kia ;
3. không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác ;
4. không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
- Về ngoại giao, Việt Nam lấy hình dáng cây tre làm biểu tương để phản ảnh chính sách "gốc vững", "thân chắc", "cành uyển chuyển". Chủ trương này có nghĩa là sẽ "tùy cơ ứng biến".
Tuy nhiên, đối thủ "truyền kiếp" của Việt Nam vẫn là Trung Quốc, dù hai nước coi nhau "vừa là đồng chí, vừa là anh em". Tham vọng chiếm trọn Biển Đông của Trung Quốc không thay đổi.
Phạm Trần
(14/02/2024)
Tăng trưởng trong năm 2023 của Việt Nam không đạt được mục tiêu do chính phủ đề ra, chỉ đạt 5,05% so với mục tiêu 6,5% và thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng thần kỳ 8% năm 2022. Quốc hội giao cho chính phủ mục tiêu đạt mức tăng trưởng GDP 6-6,5% vào năm 2024. Tuy nhiên, một chuyên gia của Đại học Havard, Hoa Kỳ, cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ phải đối phó với một năm 2024 bất định.
Tăng trưởng kinh tế năm 2024 có thể đạt từ 6 đến 6,5% ? - Ảnh minh họa Thành phố Hà Nội
Tăng trưởng chậm trong năm 2023
Kỳ tích tăng trưởng hơn 8% trong năm 2022, sau hai năm bị chựng lại vì Covid-19, đã không lặp lại trong năm 2023. Theo David Dapice, kinh tế gia trưởng tại Trung tâm Ash về Quản trị Dân chủ và Đổi mới (Ash Center for Democratic Governance and Innovation), Trường Quản trị John F. Kennedy, Đại học Havard (Mỹ), lý do đầu tiên là do nhu cầu của thế giới và Trung Quốc về hàng xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh do kinh tế vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Trong khi đó, dù thu nhập của ngành du lịch đã tăng 50% nhưng không đủ để bù đắp cho sản xuất công nghiệp, chỉ tăng thêm 3,02% so với năm 2022, theo số liệu được trang VnEconomy trích dẫn ngày 29/12/2023.
Ngoài những tác động đáng kể bên ngoài, còn phải kể đến những trở ngại trong nước. Trong bài phân tích trên trang East Asia Forum, nhà nghiên cứu Mỹ nêu hai trường hợp chính : thiếu điện và thiếu nhân công có tay nghề cao. Thiếu điện đã làm giảm sản xuất khiến các nhà đầu tư do dự về các dự án mới. Điều này làm chậm quá trình giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chỉ tăng 2,9% so với năm 2022, theo nhà nghiên cứu Mỹ, còn Báo Điện tử Chính phủ (Chính phủ online) ngày 27/12 nêu mức tăng 3,5% (đạt khoảng 23,18 tỉ đô la).
Mùa hè 2023, Việt Nam bị thiếu điện trầm trọng. Các nhà máy nhiệt điện thiếu than, buộc các nhà máy thủy điện hoạt động hết công suất nhưng hạn hán khiến mực nước trong các hồ chứa xuống dưới ngưỡng báo động. Năng lượng tái tạo được sản xuất nhiều nhưng lại không được phân bổ phù hợp do mạng lưới điện yếu kém và đường dây tải điện quá tải. Cho dù chính phủ dự kiến xây dựng nhiều đường dây tải điện mới nhưng có thể thấy "tiếng xấu" về cung ứng điện đã tác động đến tổng vốn FDI được thực hiện.
Ngoài ra, chính phủ cũng tăng đầu tư công 20% vào cơ sở hạ tầng nhưng vẫn chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư chất lượng cao, do Việt Nam thiếu nhân công có tay nghề. Tập đoàn công nghệ Mỹ Intel đã tạm dừng việc mở rộng cơ sở sản xuất chip bán dẫn ở Việt Nam, dường như là do lo ngại về nguồn điện bất ổn và tình trạng quan liêu quá mức. Theo kinh tế gia Đại học Havard, quyết định này có thể gây khó khăn cho sức cạnh tranh về sản xuất chip điện tử của Việt Nam và về lâu dài, sẽ tác động đến những tiến bộ trong lĩnh vực an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo mà chính phủ kỳ vọng.
Việt Nam cần cải thiện cung ứng điện, nhân lực, cơ sở vật chất
Nếu Việt Nam cải thiện được nguồn cung ứng năng lượng, đào tạo nhân công và cơ sở vật chất, tăng trưởng GDP hàng năm có thể sẽ đạt ít nhất là 6% từ giờ cho đến hết thập niên. Ví dụ, Việt Nam đặt mục tiêu GDP năm 2024 tăng 6-6,5%, tương đương với thẩm định của Ngân hàng Phát triển Châu Á, nhưng Fitch tỏ ra ít lạc quan hơn khi dự phóng tăng 5,5%. Mục tiêu này có thể đạt được nhờ làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ giúp tăng khối lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, phải tính đến những khó khăn lớn nếu kinh tế Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu vẫn bị suy thoái hoặc tăng trưởng chậm, hoặc nếu Trung Quốc giảm nhập khẩu hàng Việt Nam khi nền kinh tế tiếp tục dựa vào tiêu dùng nội địa và du lịch. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với tình trạng lực lượng lao động bắt đầu chững lại, lao động dư thừa từ khu vực nông thôn đang giảm dần. Trong tương lai, hầu hết sự tăng trưởng sẽ phải tập trung vào đầu tư cho lao động.
Tác giả bài viết cho rằng nhìn tổng thể, năm 2023 là năm chuyển tiếp đầy thất vọng cho Việt Nam. Nếu nền kinh tế thế giới phục hồi, cũng như chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương ngừng thắt chặt và dần nới lỏng thì năm 2024 sẽ khả quan hơn.
Thu Hằng
Nguồn : RFI, 09/01/2024
Có nhiều lợi thế nhưng sự tăng trưởng và sức hấp dẫn đầu tư nước ngoài của Việt Nam không phải là điều tiền định.
AFP
Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất cao trong vài năm gần đây nhờ những nỗ lực kiểm soát ban đầu tuyệt vời đối với đại dịch Covid-19, giúp các nhà máy và doanh nghiệp của nước này tiếp tục mở cửa. Việt Nam cũng là nước hưởng lợi lớn nhất từ việc các tập đoàn kinh tế đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.
Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng kinh tế 8,5% trong năm 2022 đồng thời thu hút được mức vốn cam kết đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) lên đến 22,4 tỷ USD. Chín tháng đầu năm 2023, vốn FDI cam kết cũng đã đạt tới 20 tỷ USD .
Một dòng khách cấp cao nước ngoài - bao gồm cả Tổng thống Mỹ Joe Biden - đã đến thăm để lấy lòng giới lãnh đạo Hà Nội. Apple đã chuyển một dây chuyền cung ứng sang Việt Nam. Lego đang xây dựng một nhà máy sản xuất sử dụng điện mặt trời và các nhà sản xuất chip khác cũng đã loan báo việc mở nhà máy tại Việt Nam.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế trong sáu tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3,72%, bằng một nửa mục tiêu đề ra. Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên bố mục tiêu tăng trưởng của năm 2023 vẫn là 6,5% nhưng Ngân hàng Phát triển Châu Á, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và Ngân hàng UOB của Singapore đều đã giảm mạnh dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống gần mức 5%.
Mặc dù Việt Nam đã được hưởng lợi từ việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia nhưng điều đó cũng khiến Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu. Xuất khẩu của nước này chiếm tới 93% GDP trong năm 2021. Năm 2023 đã chứng kiến xuất khẩu của Việt Nam giảm trong năm tháng liên tiếp - mức giảm dài nhất trong vòng 14 năm qua.
Xuất khẩu sang Mỹ trong 9 tháng đầu năm 2023 đã giảm 24% so với (cùng kỳ) năm trước, ảnh hưởng lớn tới cán cân thương mại tổng thể của nước này. Việt Nam có thâm hụt thương mại rất lớn với Trung Quốc vì hàng hóa sản xuất tại Việt Nam phụ thuộc vào linh kiện và nguyên liệu nhập khẩu.
Tuyên bố gần đây của Intel và Ørsted, hai nhà đầu tư nước ngoài quan trọng cũng là những cảnh báo đáng chú ý với giới lãnh đạo nước này.
Intel đã mở nhà máy lắp ráp và đóng gói chip ở Việt Nam vào năm 2010 và vào năm 2021, đã tăng vốn đầu tư lên mức 1,5 tỷ USD.
Đầu năm 2023, một số thông tin chưa được xác nhận cho hay công ty này đang lên kế hoạch mở rộng đầu tư thêm một tỷ USD. Các nhà lãnh đạo Việt Nam rõ ràng mong đợi điều đó và hơn thế nữa. Trong tháng 2, Chính phủ Việt Nam đã vội vàng công bố khoản đầu tư 3,3 tỷ USD từ Intel.
Trong một cuộc họp hồi tháng 5/2023 tại Hà Nội, Giám đốc điều hành của Intel nói với Thủ tướng Phạm Minh Chính rằng công ty này vẫn có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam.
Bất chấp những quảng cáo rầm rộ xung quanh chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Biden vào tháng 9/2023, việc thông qua Đạo luật CHIPS và chuyến công du chớp nhoáng tới Thung lũng Silicon của ông Chính trong tháng 9 vừa qua, Intel gần đây vẫn tuyên bố rằng họ sẽ không mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong tương lai gần.
Cả hai phía đều đã cố gắng kiểm soát thiệt hại. Intel tái khẳng định rằng họ "vẫn chưa hề có công bố chính thức nào về khoản đầu tư mới". Nhưng rõ ràng, có cái gì đó không ổn.
Tổng thống Mỹ Joe Biden nâng ly tại buổi buổi quốc tiệc buổi trưa với Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thương tại Hà Nội – tháng 9/ 2023. Một loạt lãnh đạo cấp cao nước ngoà, bao gồm cả Tổng thống Biden đã đến để lấy lòng giới lãnh đạo ở Hà Nội. Ảnh : Evan Vucci/AP
Tháng 6 năm nay, Ørsted - người khổng lồ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo của Đan Mạch – tuyên bố công ty này sẽ rời thị trường điện gió ở Việt Nam và cũng nói rằng "Đạo đức kinh doanh của chúng tôi đã gặp trở ngại".
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có thị trường điện tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á và cũng có tốc độ tăng trưởng năng lượng tái tạo nhanh nhất khu vực. Với đường bờ biển dài, Việt Nam được cho là thị trường điện gió lớn nhất Đông Nam Á, với công suất ước tính đạt khoảng 600GW.
Trong năm 2021, Ørsted đã ký thỏa thuận hợp tác với T&T, một tập đoàn lớn của Việt Nam, với mục tiêu đầy tham vọng là đầu tư phát triển một dự án điện gió ngoài khơi đạt công suất 21GW vào năm 2030. Tháng 8/2022, liên doanh công bố đề xuất xây dựng hai trang trại điện gió ngoài khơi ngoài khơi tỉnh Ninh Thuận. Tháng 5/2023, Ørsted đã ký hợp đồng với một bộ phận thuộc tập đoàn dầu khí quốc doanh của Việt Nam để xây dựng chân đế (kết cấu móng trụ) cho các turbines của mình.
Vậy đều gì đang xảy ra khi một quốc gia đang cố gắng thu hút nhiều hơn đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn và năng lượng tái tạo nhưng đã và đang chứng kiến các doanh nghiệp hàng đầu thế giới đưa ra những tuyên bố lấp lửng hay bỏ đi ?
Mặc dù sẽ là không chính xác khi nói rằng Việt Nam không còn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài nhưng Việt Nam hiện đang phải đối mặt với không ít các vấn đề và thách thức khiến nước này không phát huy được hết tiềm năng và có thể bị mắc trong bẫy thu nhập trung bình.
Có năm vấn đề có liên quan với nhau đáng lưu ý.
Thứ nhất, nguồn cung cấp điện của Việt Nam vẫn còn thất thường. Những đợt nắng nóng mùa hè năm ngoái đã dẫn đến tình trạng bị mất điện tạm thời hoặc phải dùng điện hạn chế hàng ngày tại nhiều khu công nghiệp trong hành lang kinh tế Hà Nội - Hải Phòng. Chính phủ Việt Nam đã phải kêu gọi các doanh nghiệp giảm tiêu thụ điện.
Nếu bạn muốn trở thành một quốc gia có điểm cộng (plus one) - một lựa chọn ưa thích - khi các công ty đa quốc gia tìm kiếm đa dạng hóa chuỗi cung ứng thì bạn phải đảm bảo có cơ sở hạ tầng cơ bản đáng tin cậy.
Cơ sở lắp ráp và thử nghiệm của Intel Corp tại Khu Công nghệ cao Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam vào năm 2010. Bất chấp chuyến thăm Việt Nam vào tháng 9/2023 của Tổng thống Biden và việc thông qua Đạo luật CHIPS, Intel vẫn tuyên bố sẽ không mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong tương lai gần. Ảnh : Le Quang Nhat/AP
Có một sự thở phào nhẹ nhõm khi cuối cùng, vào tháng 5 năm nay, Việt Nam đã đưa ra được quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch Điện 8) – một bản kế hoạch được chờ đợi từ lâu. Đã mất nhiều năm để đàm phán và cũng đã có nhiều tranh luận căng thẳng về bản quy hoạch này. Thủ tướng Việt Nam thậm chí đã không ký phê duyệt văn bản này.
Quy hoạch điện 8 còn thiếu chi tiết và giảm bớt cam kết của Việt Nam trong việc cắt giảm phụ thuộc vào nhiệt điện than. Chính phủ thậm chí còn khá lâu mới hoàn thành kế hoạch triển khai và mạng lưới điện vẫn còn lỗi thời và chậm phát triển.
Mặc dù đã tham gia chương trình Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (JETP) trị giá 15,5 tỷ USD trong năm nay nhằm loại bỏ nhiệt điện than đồng thời cam kết trung hòa carbon vào năm 2050, nhưng Việt Nam vẫn chậm trễ trong việc cung cấp các kế hoạch cụ thể cho cộng đồng các nhà tài trợ.
Tình hình đã không tốt lên khi Việt Nam bắt giữ sáu nhà hoạt động khí hậu với những cáo buộc ngụy tạo - những người đang đưa ra kế hoạch giúp Chính phủ đạt được các mục tiêu trung hòa carbon.
Khung pháp lý vẫn chưa rõ ràng, mâu thuẫn và đôi khi vẫn còn lạc hậu. Ørsted tỏ ý lo ngại về việc chưa có cơ chế mua bán điện và ít khả năng sớm có được sự thống nhất về cơ chế này.
Thứ hai, có những mối lo lắng thực sự về vấn đề nhân lực. Cùng với việc Samsung, Amkor, Synopsis và những công ty khác đổ xô vào ngành công nghiệp bán dẫn non trẻ của Việt Nam, hiện đã có tình trạng thiếu kỹ sư và thiết kế viên được đào tạo. Việt Nam có khoảng 5.000 kỹ sư về chip và sẽ mất nhiều năm để có thêm nguồn nhân lực được đào tạo.
Thứ ba, tham nhũng vẫn là căn bệnh trầm kha. Scandal gần đây nhất – vụ tham ô 12,5 tỷ USD ở Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn – đã cho thấy rõ sự buông lỏng giám sát và tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng.
Tuyên bố của Ørsted đã gián tiếp đề cập tới nạn tham nhũng.
Thứ 4, Việt Nam ít ổn định chính trị hơn so với khi chúng ta thoạt nhìn. Ba chính trị gia được cộng đồng doanh nghiệp quốc tế tin tưởng nhất đã bị thanh trừng trong khoảng thời gian từ tháng 12/2022 đến tháng 2/2023 trong chiến dịch "đốt lò" của Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Không ai liên quan trực tiếp đến tham nhũng và các động thái chống lại họ được xem là có động cơ chính trị. Trong suốt năm 2023, đã có những tin đồn rằng bản thân Thủ tướng cũng lo mất chức.
Cho đến nay, đã có hai Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã được tổ chức nhưng Đảng vẫn chưa đi đến thống nhất được ai là hai người sẽ ngồi vào hai chiếc ghế trống trong Bộ Chính trị. Và hiện đã có các cuộc đấu đá nội bộ trước kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14, dự kiến được tổ chức vào tháng 1/2026.
Cuối cùng, việc hoạch định chính sách vẫn còn chậm chạp và cồng kềnh và người ta không kỳ vọng trước thềm Đại hội Đảng sẽ có những quyết sách táo bạo để đương đầu với nền kinh tế đang ì ạch.
Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế, nhưng sự phát triển và khả năng thu hút đầu tư nước ngoài của nước này không phải là điều tiền định. Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu khốc liệt, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cần có những phản ứng nhanh.
Những tín hiệu gần đây của hai doanh nghiệp công nghiệp hàng đầu thế giới cho thấy sự thiếu tin tưởng vào khả năng quản lý kinh tế sáng suốt và chống tham nhũng của giới lãnh đạo Việt Nam.
Zachary Abuza
Nguồn : RFA, 06/12/2023
Zachary Abuza là giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ ở Washington và là trợ giảng tại Đại học Georgetown. Các quan điểm thể hiện trong bài viết này là của riêng tác giả và không phản ánh quan điểm của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Trường Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ, Đại học Georgetown hay RFA.
Dường như 500 vị đại biểu hội đồng nhân dân đang ngồi dự họp ở nghị trường Diên Hồng đã… hài lòng với những con số báo cáo thành tích về kinh tế của chính phủ Phạm Minh Chính.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với 437 phiếu (gần 91%) và Thủ tướng Phạm Minh Chính với 373 phiếu (khoảng 77%).
Việt Nam nổi lên như "ngọn hải đăng" về phục hồi, trong đó động lực là sự kết hợp giữa các chính sách thận trọng của chính phủ, kế hoạch kinh tế chiến lược và cam kết kiên định đối với sự ổn định và phát triển.
Lá phiếu tín nhiệm Huệ vượt hẳn Chính
Dường như 500 vị đại biểu hội đồng nhân dân đang ngồi dự họp ở nghị trường Diên Hồng đã… hài lòng với những con số báo cáo thành tích về kinh tế của chính phủ Phạm Minh Chính. Theo đó, lần bỏ phiếu mới đây, hai người còn lại trong ‘tứ trụ’ nhận được kết quả ‘tín nhiệm cao’ là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với 437 phiếu (gần 91%) và Thủ tướng Phạm Minh Chính với 373 phiếu (khoảng 77%). Tỷ lệ ‘tín nhiệm’ và ‘tín nhiệm thấp’ đối với hai người này lần lượt là khoảng 7%, 2%, và khoảng 19%, 4%.
Đây được coi như một thành công cho Thủ tướng Phạm Minh Chính vào thời điểm nền kinh tế đang đạt những kết quả… yếu kém.
Công bằng mà nói, dù tỷ lệ ra sao thì cả Huệ và Chính đều dưới quyền của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nên trách nhiệm cuối cùng ở đây theo Hiến định về kết quả điều hành chung đất nước, là thuộc về người đứng đầu Bộ Chính trị.
Mũ ni che tai ?
Quan sát những gì mà nghị trường Quốc hội đang bàn luận như chuyện "căn cước công dân" hay chỉ "căn cước" ? bỏ dấu vân tay trên tờ "căn cước", nhưng thêm phần "quét mống mắt" lưu trữ trong thủ tục cấp "căn cước công dân"…, rồi đến đấu thầu số điện thoại như bảng số xe… Không thấy vị đại biểu nào đặt câu hỏi rằng đâu là nơi chịu trách nhiệm cuối cùng của việc công nhân bị sa thải, doanh nghiệp đóng cửa.
Đâu phải là các đại biểu này không biết chuyện báo chí đã nói về chuyện sa thải hàng chục ngàn lao động của Tập đoàn Pou Yuen ở Bình Tân (Thành phố Hồ Chí Minh), và mới đây là Garmex Sài Gòn một doanh nghiệp xuất khẩu dệt may có tiếng ở Thành phố Hồ Chí Minh - doanh thu hợp nhất vỏn vẹn 73 triệu đồng quý 3/2023 - nối dài 5 quý liên tiếp khó khăn.
Giải trình về kết quả kinh doanh, bà Nguyễn Minh Hằng - tổng giám đốc Garmex Sài Gòn - cho biết "công ty không có đơn hàng", doanh thu trong quý 3/2023 đến từ dịch vụ. Dù đã tiết giảm chi phí, song công ty này cho biết giá thuê đất tăng làm tăng chi phí trong kỳ. Garmex Sài Gòn tiếp tục lỗ gần 11 tỉ đồng trong quý 3/2023, xấp xỉ mức năm trước…
Tổng bí thư đã bị… ‘xí gạt’ ?
Trong các lần diễn văn ở hội nghị Đảng, gặp gỡ các cử tri Hà Nội, đọc báo người ta thấy rằng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn mạch lạc quan cố hữu về "cơ đồ Việt Nam". Có thể ông không "mũ ni che tai", nhưng vì các báo cáo/ điểm báo đặt trên bàn làm việc của ông, toàn "gam hồng" với những mỹ từ tán dương về đường lối chính sách mà Đảng đã và đang vạch ra…
Từ trước đó, ở họp báo vào ngày 20-6/2023, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã tổ chức họp cung cấp thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh trong 6 tháng đầu năm và kế hoạch trong năm 2023. Thông tin về tình hình, ông Cao Hữu Hiếu - tổng giám đốc Vinatex - nhìn nhận khó khăn là có thật và đã được ngành "lường trước" từ năm 2022 từ những tín hiệu thị trường.
Ông Hiếu nói chưa bao giờ mà với những doanh nghiệp có quy mô vài ngàn lao động lại phải nhận đơn hàng 500 - 1.000 áo jacket, song vẫn phải làm. Hoặc có nhiều đơn hàng, đơn giá "giảm khủng khiếp", nhiều mã hàng giảm tới 50%. Trước kia áo sơ mi 1,7-1,8 USD thì nay chỉ 70 - 80 cent. Chưa kể những rủi ro như khách chậm trễ giao hàng, tồn kho tăng...
"Tình trạng của dệt may hiện nay là đơn hàng nhỏ lẻ, chi phí gia công thấp, phải nhận các mặt hàng không đúng sở trường. Khi khó thì dệt thoi làm dệt kim, đơn vị chuyên làm quần thì phải làm áo, nên phải thêm máy móc thiết bị, đào tạo công nhân để chống dừng chuyền, đảm bảo việc làm" - ông Hiếu diễn giải.
Bết bát vì định hướng chính trị ?
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người cổ súy cho việc định hướng chính trị xã hội chủ nghĩa đối với nền kinh tế thị trường của Việt Nam. Khi trải qua dịch Covid-19, việc định hướng chính trị này, phải chăng là nguyên do đẩy nền kinh tế Việt Nam thêm khốn đốn ?
Ông Vương Đức Anh, chánh văn phòng Vinatex, cho biết trước áp lực cắt giảm đơn hàng, thì một trong những đối thủ của dệt may Việt Nam là Bangladesh vẫn "ung dung" khi tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ấn tượng. Ông Anh cho hay ngay khi Bangladesh kiểm soát được dịch bệnh, nước này quay trở lại tăng trưởng tích cực trong bối cảnh thị trường chung sụt giảm mạnh.
So sánh là khập khiễng vì Bangladesh có lợi thế khi chuỗi cung ứng của họ đầy đủ, gồm doanh nghiệp sợi, dệt, may đều có. Chuỗi giá trị của họ là hoàn chỉnh, trong khi ở Việt Nam chỉ tập trung vào may mặc, mà sợi, dệt lại không có, nên cũng không thể tạo lợi thế cho các nhà mua hàng lựa chọn.
Hôm nọ, trời đổ một trận mưa.
Như thường lệ, phố bỗng thành dòng sông uốn quanh.
Một người lái xe máy đi giữa phố ngập nước ở Hà Nội hôm 28/9/2023 - Reuters
Bên các chung cư cả tái định cư lẫn tinh hoa cuộc sống thượng lưu, cả đêm vang lên tiếng vợ chồng dằn vặt xỉa xói nhau vì lỡ mua tầng thấp mới cả shop house. Giờ vợ thì be bờ tát nước cả đêm, chồng thì tức quá bắt ca nô đi nhậu.
Bên trên tầng lầu, anh người mẫu mới giành huy chương vàng cung kính thắp nhang vái tạ trời đất. Suốt mấy chục năm nay từ ấu thơ đến trưởng thành, nhờ ngày nào cũng kê kích đồ lên cao, bốc vác chuyển chỗ và tát nước trong nhà ra đường mà bắp tay bắp chân anh lên chuột, thân hình vạm vỡ như lực sĩ.
Trong hẻm hóc, ông A. mở lon bia nhậu với đĩa cóc ổi chấm muối ớt, ngắm màn mưa nhòa nhạt bên ngoài, rung đùi đắc chí. Ông đi trốn nợ bữa rày, nhờ mưa đường ngập đến rốn lại còn ngâm cả tuần thối hoắc nên chủ nợ sợ ghẻ không dám lội vào.
Trong mấy penhouse và biệt thự, một đoàn nhà thầu và nhiều kẻ có quyền duyệt chi cũng rót chai vang nằm phởn phơ trên xa lông, nghe tiếng mưa đùng đùng mà trong lòng nhảy nhót sướng vui. Cầu mưa to lên, to nữa lên, mưa từ đây đến sang năm luôn cho đường sá nhanh hư hỏng lở loét, tiện thể chôn vùi luôn những đoạn đường toàn cát, chỉ láng tẹo nhựa đường tráng men để báo cáo hoàn công dự án, thần không biết quỷ không hay.
Tiếng mưa như tiếng ting ting liên tục vào tài khoản, nghe ting ting riết rồi ghiền luôn.
Tại trụ sở ủy ban thành phố, các quan chức họp khẩn cấp về chuyển đổi cơ cấu kinh tế.
Dự án được trao giải đặc biệt thuyết phục tất cả chuyên gia và bộ máy lãnh đạo thành phố về tính khả thi, tiết kiệm và hiệu quả.
Đó là dự án Trồng lúa nước ngắn ngày kết hợp nuôi cá đồng trên các đường phố.
Điểm sáng rực rỡ thứ hai của dự án này là đã được người dân tự phát thực hiện khắp nơi và đều thành công mỹ mãn, nên có thể đưa vào triển khai quy mô lớn ngay lập tức, không cần thí điểm, tổng kết rút kinh nghiệm gì nữa cả.
Từ Hồ Chí Minh đến thủ đô Hà Nội. Cao nguyên Đà Lạt ra đảo xa Phú Quốc. Khúc ruột miền Trung Đà Nẵng dằng dặc tới vựa lúa Cần Thơ. Bảo Lộc đồi trà tới Rạch Giá cá nhảy. Thủ phủ khu công nghiệp Long An tràn tới đồng muối trắng Bạc Liêu. Cố đô Huế đến đất ba vua Thanh Hóa. Đồi núi ngập sương Sa Pa đến Bình Phước nắng lóa. Từ Tây Ninh tới Trà Vinh. Từ Hoàng Mai đến Gia Lai. Đâu đâu cũng rộn vang tiếng ca tiếng hát gánh gánh gánh, gánh thóc về, gánh thóc về, gánh về, gánh về. Dưới chân trụ đèn giao thông, con tôm nghiêm túc ôm cây lúa. Cá lóc vui sướng vật đẻ dưới chân pano quảng cáo. Cánh đồng mẫu lớn trải dài vàng rực từ Đại học Nông lâm đến Nhà Bè.
Không hổ danh dân Việt Nam, sau khi chính sách đổi mới kinh tế được long trọng công bố, toàn dân bung ra quyết liệt. Người người, nhà nhà, ngành ngành thi đua yêu nước. Viên chức các bộ ngành toàn đến cơ quan ngủ gật và lướt TikTok săn sale bỗng sáng lòa vô số các giải pháp phát kiến táo bạo, đẩy nền kinh tế vút lên nhanh như tên lửa đạn đạo.
Ví dụ :
Ngành du lịch tổ chức các tour Sống như người dân bản địa, gồm các chương trình thi lội phố, thi dắt xe máy vượt chướng ngại vật, thi chùi bugi nhanh nhất, thi tát nước trong nhà ra phố. Cơ cấu giải rất thu hút. Giải khuyến khích : một chiếc quần đùi. Giải nhất : Bảy chiếc quần đùi đủ mặc cả tuần + một đôi dép tổ ong bao lội nước. Giải đặc biệt : Quần đùi + dép tổ ong + một năm thuốc xức ghẻ.
Hội thơ Việt Nam lấy luôn đề tài Sóng trong lòng phố làm chủ đề Ngày thơ năm nay. Giải nhất thuộc về tác giả của bài thơ :
Đứng bên ni đường ngó bên tê đường nước mênh mông bát ngát
Đứng bên tê đường ngó bên ni đường nước cũng bát ngát mênh mông
Cái xe em như chẽn lúa đòng đòng
Trôi ngang dạt ngửa giữa sóng lồng thủ đô
Giải nhất của Hội nhiếp ảnh là bức Nét đẹp lao động trên capo, chụp một cô gái ngồi trên capo xe giữa biển nước trung tâm Hà Nội, chăm chỉ làm việc trên điện thoại. Tinh thần cống hiến cho sự nghiệp của cô gái toát ra sự an nhiên đến kỳ lạ, truyền cảm hứng nức lòng cho những người mà xe có capo.
Cô gái ngồi trên đầu xe giữ dòng nước ngập ở Hà Nội hôm 28/9/2023. Facebook
Ngành thời trang thiết kế các loại quần áo lội nước. Bộ đồ này cực kỳ độc đáo ở chỗ tùy lúc chiếc áo sẽ biến thành phao nâng nửa người nổi lên mặt nước đủ để chụp ảnh check in. Còn quần thì chỉ vẽ vào da bằng sơn tan trong nước nên lội trong phố rất mát. Ý tưởng này nắm chắc tính chất nước trên phố không được trong suốt cho lắm nên ai mặc gì ở dưới nước cũng chẳng ai trông thấy. Chi tiết này tận dụng triệt để ưu thế của nước, giúp người mặc tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tiền bạc cho việc giặt giũ phơi phóng.
Hội làm vườn sân thượng đồng loạt chuyển qua trồng súng, trồng sen, trồng củ ấu… trên sân thượng. Mỗi mùa ngồi vắt chân lên đếm tiền.
Ngành giáo dục thí điểm đưa môn đi cà kheo vào trường học, học sinh lớp Một mỗi tuần đều có một ngày thực hành.
Mỗi chủ nhật đều có biểu diễn nghệ thuật tại quảng trường nước Trung tâm thành phố, thu hút rất đông dân bơi thế giới.
***
Tuy nhiên, tất cả các thành quả đạt được về kinh tế cho dù rất phấn khởi, là thành quả rực rỡ dưới sự đoàn kết nhất trí của toàn dân dưới sự lãnh đạo, nhưng không thể sánh với chất lượng cuộc sống toàn quốc đã nâng lên đến tầm vóc mới chưa từng có trong lịch sử.
Trong cả nước, mọi người dân đều sống chậm lại đầy bình yên. Không có đua xe. Không có luồn lách phóng ẩu giành đường leo lề. Không có giật điện thoại túi xách. Cảnh sát giao thông vịn mép cano công vụ ngáp ngủ vì suốt ngày không có ai vi phạm. Tất cả chan hòa yêu thương nhau : người này dìu xe người kia qua đường ngập, mỗi gương mặt đều là một đóa sen.
Người dân sống chan hòa với thiên nhiên, giữa thiên nhiên. Mỗi buổi chiều về, chuột và người thong dong lội bên nhau đầy ngạo nghễ Việt Nam.
Hỡi sông ngòi nước réo bốn nghìn năm
Đất nước có bao giờ ngập thế này chăng ?
-Chưa đâu ! Và ngay cả trong những ngày ngập nhất
Khi cô gái ngã trên xe cắm mặt
Chàng trai chèo thuyền đưa đón khách nội đô
Hầm khách sạn thành hồ bơi Ô lim pic
Sóng bạc đầu xô dạt những vỉa hè
Những ngày tôi sống đây là những ngày ngập hơn tất cả
Dù mai sau trời muôn vạn lần mưa !
Trái cây rơi xuống dưới đường ướt cả
Trăng Trung thu chìm trong nước xanh lè !
(Lẩy bài Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng - Chế Lan Viên)
Bùi Việt Khoan
Nguồn : RFA, 02/2023
Tham khảo :
https://vnexpress.net/duong-pho-sai-gon-ngap-sau-sau-mua-lon-4654233.html
https://vnexpress.net/nhieu-noi-o-phu-quoc-ngap-do-mua-keo-dai-4632275.html
Tình hình kinh tế Việt Nam đan xen mảng xám trong nhiều lĩnh vực của hệ thống tổ chức khiến nhà đầu tư lo âu và mức tiêu cùng của dân co lại.
Một công nhân chở một thùng nước trên xe máy tại Hà Nội hôm 21/6/2023 (minh hoạ)
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM, Cloud infrastructure entitlement management), nền kinh tế Việt Nam "có nhiều điểm yếu mang tính cơ cấu".
Ông nói : "Thứ cần nhất hiện nay của doanh nghiệp là niềm tin".
Phát biểu tại "Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023", tổ chức ở Hà Nội ngày 19/09/2023 Tiến sĩ Cung nhận định :
"Thứ nhất, là một nền kinh tế phân mảng với ba mảng gồm đầu tư nước ngoài, kinh tế tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài, ba nhóm này không liên kết với nhau.
Thứ hai, nền kinh tế mở nhưng mức độ mở và năng lực hội nhập của doanh nghiệp tư nhân trong nước thấp nên không tận dụng hết cơ hội hội nhập kinh tế quốc tế mang lại để đóng góp cho sự thịnh vượng của quốc gia.
Thứ ba, hệ thống thể chế của chúng ta không còn phù hợp để huy động đủ nguồn lực và sử dụng nguồn lực hiệu quả tạo bứt phá tăng trưởng. Điển hình, Quốc hội liên tục phải ban hành các thể chế khác biệt so với hiện hành cho các địa phương, số địa phương mong muốn điều này ngày càng nhiều. Quốc hội ban hành cơ chế thí điểm thực hiện dự án đầu tư quan trọng quốc gia vì thể chế hiện hành không dung nạp được, đây là điểm yếu nhất của nền kinh tế nước ta" (Thời báo Kinh tế Việt Nam (TBKTVN), 19/09/2023).
Doanh nghiệp kiệt sức
Trong khi đó, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Đình Thiên lại đề cập đến "những "nghịch lý" trong quá trình phát triển khiến nền kinh tế dần suy yếu, doanh nghiệp kiệt sức…" (TBKTVN).
Ông nói : "Thứ nhất, nền kinh tế "khát vốn" nhưng lại khó hấp thụ vốn…nền kinh tế thừa tiền nhưng khát vốn, tiền không luân chuyển được nên không thể biến thành vốn, khiến doanh nghiệp kiệt sức".
Ông Thiên cho biết : "Sau 3 năm Covid, năng lực về vốn cạn kiệt nhưng ngân hàng khó cho vay mà người muốn vay cũng không dám vay, doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn. Nền kinh tế khô hạn, tiền bị nhốt, kể cả kho bạc hàng triệu tỷ đồng nhưng khó giải ngân".
TBKTVN viết : "Theo thống kê chính thức, hàng năm, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường xấp xỉ 70-75% số đăng ký thành lập, đây là một tỷ lệ không bình thường. Sang năm 2023, số doanh nghiệp Việt thành lập mới liên tục giảm trong khi số rút khỏi thị trường tăng mạnh".
Theo tính toán của vị chuyên gia này, 8 tháng của năm 2023, tỷ lệ doanh nghiệp rút khỏi thị trường (khoảng 124.700) so với số doanh nghiệp mới thành lập và gia nhập lại (khoảng 149.400) đạt xấp xỉ 84%, cao vượt trội mức 68,7% của năm 2022.
Cùng với đó, tổng lượng vốn đăng ký giảm 19,8%, phản ánh xu thế quy mô nhỏ dần của doanh nghiệp mới thành lập, đồng nghĩa với xu thế "li ti hóa" doanh nghiệp Việt tăng lên.
Như vậy, "đối ngược lại khả năng sinh tồn cao của doanh nghiệp, xu thế đó báo động chất lượng thấp, năng lực cạnh tranh quốc tế yếu của doanh nghiệp Việt Nam", ông Thiên lo ngại. Thêm vào đó, cần lưu ý một thực tế là doanh nghiệp đóng cửa là doanh nghiệp đang tồn tại thực, tạo việc làm và thu nhập thực, đóng góp GDP và ngân sách thực, trong khi doanh nghiệp đăng ký thành lập chưa tồn tại "thực" và có thể không tồn tại thực.
Tuy nhiên, theo TBKTVN : "Nền kinh tế Việt Nam giữ được tốc độ tăng trưởng GDP khá cao trong điều kiện lạm phát thấp được duy trì trong nhiều năm. Đặc biệt trong năm 2022, GDP tăng trưởng 8,02% trong khi lạm phát được giữ ở mức khá thấp, chỉ khoảng 3,6%, điều này dường như cũng là nghịch lý".
Tăng trưởng chậm lại
Những điều được gọi là "nghịch lý" này, theo Diễn văn bế mạc Hội nghị "Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023" của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thì : " Cùng với tăng trưởng 8,02% trong năm 2022, quy mô GDP (Gross Domestic product) theo giá hiện hành của Việt Nam đứng thứ 38 thế giới, nếu tính theo sức mua tương đương PPP, theo IMF đứng thứ 10 Châu Á và thứ 24 thế giới. Quy mô ngoại thương 2022 đạt gần 735 tỷ USD, thu hút đầu tư FDI đạt gần 450 tỷ USD từ 143 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, từ Quý IV/2022, kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại, rất khó đạt chỉ tiêu cả năm 2023 là khoảng 6,5% theo Nghị quyết của Quốc hội. Ngoài nông nghiệp vẫn là "trụ đỡ", các động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng đều khó khăn, tăng trưởng thấp, thậm chí đều gặp "trục trặc", giảm tốc".
Điều đáng lưu ý là cả 3 động lực tăng trưởng hiện nay (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) của nền kinh tế đều gặp khó khăn mang tính cơ cấu, do thiếu định hướng dài hạn và giải pháp cụ thể kịp thời, khả thi theo hướng chuyển đổi xanh, giảm thiểu thâm dụng năng lượng, phát thải các bon và kinh tế tuần hoàn và luôn bám sát mục tiêu phát triển bền vững.
Ông Huệ nói : "Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng thời gian qua, có thể nhận thấy, nền kinh tế đang còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3,72%, gần thấp nhất trong 12 năm trở lại đây, tạo áp lực rất lớn về tăng trưởng GDP cho 2 quý còn lại của năm, việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023, giai đoạn 5 năm 2021-2025 và cả thời kỳ chiến lược 2021-2030 trở nên hết sức khó khăn. Nhiều động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm 2023 đang có dấu hiệu chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài".
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết : "Diễn đàn đều thống nhất và nhấn mạnh rằng cần phải "làm mới" các động lực tăng trưởng cũ, các động lực tăng trưởng truyền thống trên cơ sở ban hành, thực thi khuôn khổ chính sách, pháp luật để khuyến khích các thay đổi hành vi trong cả tiêu dùng, sản xuất và đầu tư.
Ngược lại, việc ban hành, thực thi các chính sách mang tính hành chính, sự vụ, phản ứng thụ động, thiếu định hướng dài hạn của đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế sẽ tiếp tục làm suy giảm niềm tin của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và sẽ làm suy giảm đáng kể tăng trưởng kinh tế cả về quy mô và chất lượng".
Mô hình theo Trung Quốc
Sở dĩ nền kinh tế Việt Nam khó tránh khỏi rủi ro vì từ năm 1986, khi Chủ trương "đổi mới" được áp dụng để cứu nguy kinh tế suy đồi theo kế hoạch tập trung kiểu Liên Xô cũ, Việt Nam đã làm theo mô hình kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa (socialist market economy) của Trung Quốc.
Bách khoa Toàn thư mở viết : "Mô hình kinh tế hiện tại của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nó được mô tả là một nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, trong đó nhà nước giữ vai trò chủ đạo và có trách nhiệm định hướng nền kinh tế, với mục tiêu dài hạn là xây dựng chủ nghĩa xã hội".
Kém xa người
Tuy nhiên, Việt Nam đã không giải thích được thế nào là "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa", làm cho những bất ổn định kinh tế khó giải quyết kéo dài.
Bên cạnh đó cũng phải nói đến tình trạng "năng suất lao động của Việt Nam" vẫn đang thuộc nhóm thấp ở Châu Á dù có những cải thiện trong những năm gần đây.
Người lao động Việt Nam có mức thu nhập chỉ hơn Campuchia, Lào, Myanmar và tương đương với Phillippines là 236 USD (5,5 triệu đồng). Con số này kém rất xa và chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc và Thái Lan.
Như vậy nhìn chung, sau 37 năm "đổi mới" kinh tế và công nhân Việt Nam vẫn đì đẹt ở sau lưng nhiều quốc gia trong khu vực. Một trong những nguyên nhận theo đuôi vì "kinh tế nhà nước" giữ vai trò chủ đạo, trong khi Đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục cai trị một mình.
Phạm Trần
(25/09/2023)