Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/05/2024

Kinh tế Việt Nam chưa bao giờ bi đát như bây giờ : người làm kẻ phá

Ý Nhi - Hàn Lam

Thủ Chính gồng mình, Tô đại đấm !

Ý Nhi, Thoibao.de, 10/05/2024 |

Có thể nói, nền kinh tế Việt Nam chưa bao giờ bi đát như bây giờ. Gần như những chính sách vĩ mô được ban ra từ ông Thủ tướng Phạm Minh Chính đều bị nghẽn. Năm ngoái, tình trạng giải ngân đầu tư công đã bị kẹt lại rất nhiều, là một trong các lý do khiến cho nền kinh tế không thể hồi phục sau dịch Covid. Mà tình trạng này còn kéo dài đến năm nay, thậm chí còn tồi tệ hơn.

giaingan1

Khoảng 60% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công cần hoàn thành trong 4 tháng cuối năm 2023.

Những năm trước đây, tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ chủ yếu là do thủ tục rườm rà, luật pháp chồng chéo, khiến doanh nghiệp phải tìm mọi cách để lách qua quá nhiều khe hẹp. Và tất nhiên, muốn hoàn tất hồ sơ để được giải ngân, thì đơn vị thụ hưởng thường phải "bôi trơn" cho những đơn vị xét duyệt. Đó là luật bất thành văn, tồn tại từ ngày "đổi mới" đến nay. Đó cũng là nguyên nhân chính, khiến chất lượng của các dự án công kém, mà chi phí đầu tư lại cao bất thường.

Nếu nói trước đây, vốn đầu tư công bị một tầng lọc ngăn cản việc giải ngân, thì nay, có thêm một tầng mới – đó là sự lo sợ của quan chức, cán bộ thuộc các đơn vị liên quan đến nguồn vốn – từ đơn vị cấp vốn cho tới đơn vị nhận vốn, đều rất lo sợ rủi ro. Giải pháp an toàn cho họ là "lãn công ngầm", bằng cách viện đủ thứ lý do để kéo dài thời gian, không chạm vào nó.

Tháng trước, Tổng Giám đốc Khatoco Khánh Hòa – Phan Quang Huy, đã để lại thư tuyệt mệnh cho vợ và con, trong đó có đoạn :

"Gửi Mẹ và hai Con

Công việc của ba không những quá nhiều mà còn không tiến triển được, do cơ chế hiện nay, nên ba rất bị áp lực suốt một thời gian dài vừa qua. Gần đây, lại có tin về việc rà soát khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại. Không những thế, cao ốc Khách sạn – Thương mại Khatoco tại số 7-9 đường Biệt thự, Dự án khu phức hợp Thương mại – Khách sạn – Căn hộ Tropicana cũng thuộc diện phải rà soát, và trước sau, các cơ quan chức năng của nhà nước cũng tiến hành điều tra các dự án này.

Đây là những dự án mà Tổng Công ty đã liên doanh, liên kết với các đối tác để triển khai thực hiện, cách đây mười mấy năm. Ba cam kết không nhận bất kỳ một đồng tiền nào, tuy nhiên, chắc chắn rằng, Ba sẽ không tránh khỏi các sai sót trong quá trình định giá tài sản, góp vốn đầu tư, bởi tư duy, qui trình của mười mấy năm trước khác hẳn với những qui định hiện hành của thời bây giờ".

Đấy là mối lo chung của những người đứng đầu đơn vị chủ đầu tư, sử dụng vốn ngân sách. Hiện nay, những người quản lý các dự án công, sử dụng vốn ngân sách, luôn phập phồng lo sợ. Công an có thể ập vào nhà họ, còng tay giải đi bất cứ lúc nào. Chính vì thế, rất nhiều người đã viện đủ lý do để trì hoãn, để nguồn vốn không thông. Bởi một khi đã thông nguồn vốn, thì sẽ có sai phạm, vì không làm sai lấy tiền đâu ra để bôi trơn cho cả hệ thống ?

Hiện nay, việc công an nhảy vào các doanh nghiệp, truy hồ sơ của các dự án công, diễn ra khắp nơi. Trước đây, ông Trọng cũng cho làm điều này, nhưng chỉ sử dụng Ủy ban Kiểm tra Trung ương, hoặc Ban Phòng chống tham nhũng và tiêu cực do ông cầm đầu. Chỉ dự án nào ông thấy cần truy tố, mới để cho Tô Lâm nhảy vào. Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ban Chống tham nhũng, tuy có quyền lực lớn, nhưng nhân sự lại mỏng, và chuyên môn yếu, nên chỉ như tấm lưới thưa và để lọt rất nhiều "con cá gộc". Lần này, Tô Lâm ra tay với lực lượng công an chuyên nghiệp, phủ mọi ngóc ngách, từ Trung ương đến địa phương. Cho nên, rất khó để thoát khỏi bàn tay Tô Lâm.

Mỗi cú đấm của Tô Lâm là một đòn giáng rất mạnh vào những chính sách vĩ mô mà Thủ tướng Phạm Minh Chính triển khai. Ông Tô Lâm cứ nhân danh "lò" của Tổng mà phang, còn ông Chính chỉ biết gồng mình chịu đựng. Kết quả, nền kinh tế tan nát, thì ông Chính phải chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị. Còn Tô Lâm thì được ghi nhận với thành tích chống tham nhũng.

Từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội 13, Tô Lâm cứ việc đấm, còn Phạm Minh Chính thì chỉ biết gồng. Cố gồng cho đến hết nhiệm kỳ rồi tính tiếp.

Ý Nhi

Nguồn : Thoibao.de, 10/05/2024

*****************************

Bình quân mỗi tháng có 21,6 ngàn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Hàn Lam, VNTB, 10/05/2024

Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường dường như phủ đều các ngành…

kinhte2

Gần 74 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong quý I/2024. Ảnh minh hoạ

Những khó khăn đối mặt

Chuyện doanh nghiệp phải rời thương trường này, theo công bố của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thì tính chung bốn tháng đầu năm 2024, cả nước có 81,3 ngàn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước ; bình quân một tháng có 20,3 ngàn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 86,4 ngàn doanh nghiệp, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước ; bình quân một tháng có 21,6 ngàn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường ; tức số giảm vẫn vượt xa con số thành lập mới đến những trên 5.000.

Có 5 khó khăn chính mà doanh nghiệp đối mặt, theo ghi nhận của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) trong báo cáo gửi Thủ tướng, gồm : đơn hàng, dòng tiền, thực hiện các thủ tục hành chính và đáp ứng quy định pháp luật, nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế, tiếp cận vốn vay.

Theo khu vực kinh tế, doanh nghiệp ở 4 tháng đầu năm nay đã hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (2.458 doanh nghiệp), công nghiệp chế biến, chế tạo (702 doanh nghiệp), xây dựng (480 doanh nghiệp), và kinh doanh bất động sản (410 doanh nghiệp).

Về phía Liên đoàn thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu tại Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2023 vào hôm 9-5-2024, thì 5 vấn đề khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp gặp phải bao gồm : tiếp cận vốn (57,1%), tìm kiếm khách hàng (49%), biến động thị trường (34,5%), khó khăn từ tác động của dịch bệnh Covid-19 (25,5%), và tìm kiếm đối tác kinh doanh (17,1%).

Phần nổi của tảng băng chìm ?

Thời gian gần đây với hàng loạt vụ án liên quan hối lộ trong đấu thầu, còn cảnh báo nguy cơ tiềm tàng giờ đang là ‘phần nổi của tảng băng chìm’ về "nhà thầu thân hữu".

Vụ đại án Việt Á, chuyến bay giải cứu, Hậu "pháo", Vạn Thịnh Phát… không chỉ làm thất thoát ngân sách nhà nước, mất tài sản nhà nước và của nhà đầu tư, mà còn gây ra những hệ quả chính trị – xã hội, làm giảm lòng tin của người dân và những doanh nghiệp làm ăn chân chính vào môi trường kinh doanh.

Vì vậy, trong khó khăn chung của kinh tế thế giới, Việt Nam còn phải đối mặt với một lực lượng doanh nghiệp thân hữu, sân sau.

Nhớ lúc còn đương chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã rất thật thà trong diễn văn tại Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, tổ chức vào ngày 21-11-2018, có những phát biểu, như : "Tôi ở chính phủ 3 nhiệm kỳ rồi, tôi thấy nhiều lần nghe thường vụ đảng ủy nói rằng nhiều ông ở tù. Nếu thanh tra, kiểm tra nghiêm túc thì rất nguy. Tức là bên trong có rất nhiều vấn đề" – "Không những 1 sân trước mà 4,5 sân sau. Có ông 14 -15 cái sân sau, đừng nói Thủ tướng không biết" – "Bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đại diện vốn nhà nước đủ phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, bố trí người làm việc chứ không bố trí người nhà"…

Trước đó, trong góp ý cho đề án Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ mà hội nghị Trung ương 7 thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cho rằng, "Thậm chí nhiều lãnh đạo tỉnh có cả doanh nghiệp sân sau đặt trụ sở ngay tại nhà mình, không nghĩ phát triển cho tỉnh mà chỉ nghĩ đi xin Trung ương, được dự án nào thì nghĩ cách tạo lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm, ủng hộ tùy tiện nhà thầu này, nhà thầu kia…"…

Hãy cảm nhận về sự minh bạch

Hiện tại thì nếu tìm hiểu lại một số vụ chào thầu – thắng thầu sẽ cảm nhận về sự minh bạch trong đấu thầu.

Đơn cử, Công ty cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương (BIWASE), chủ đầu tư Dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực Dĩ An (tỉnh Bình Dương) khi công bố kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu BDAF – 07 xây dựng tuyến ống thu gom nước thải cấp 1, 2 và trạm bơm nâng (lưu vực Rạch Cái Cầu), thì liên danh nhà thầu Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Tư vấn và Xây dựng Thép Mới – Tổng công ty Nước và Môi trường Việt Nam (VIWASEEN) trúng thầu với giá hơn 472 tỷ đồng và hợp đồng thực hiện theo đơn giá điều chỉnh với thời gian 15 tháng. So với giá gói thầu 475,1 tỷ đồng, tỷ lệ giảm thầu chỉ là 0,62%, mặc dù đây là gói thầu được đấu thầu rộng rãi.

Theo thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu, trong số 4 nhà thầu tham gia, có 2 nhà thầu không đạt điểm kỹ thuật (liên danh Sông Đà 9 – VIC và Công ty cổ phần Xây dựng số 5) và tới vòng chấm tài chính, liên danh Thép Mới – VIWASEEN đã vượt qua liên danh nhà thầu Công ty trách nhiệm hữu hạn Đại Phú Thịnh với một nhà thầu Hàn Quốc do có giá chào thấp hơn.

Cần phải nhắc lại rằng, đây là gói thầu thứ 2 nhà thầu Thép Mới trúng tại các dự án do BIWASE làm chủ đầu tư, bởi trước đó, nhà thầu này liên danh với Công ty cổ phần Xây dựng số 5 đã trúng thầu gói thầu xây dựng nhà máy xử lý, các trạm bơm và lắp đặt thiết bị, hệ thống điện phụ trợ, điện chiếu sáng Dự án Thoát nước và xử lý nước thải khu vực Dĩ An – Thuận An – Tân Uyên (tỉnh Bình Dương).

Người thắng, kẻ thua tại cuộc thầu BDAF-07 không hẳn là đối thủ của nhau tại sân thầu BIWASE, nếu không muốn nói là các gương mặt này đã trở thành "thân hữu" khi lần lượt thay nhau thắng các gói có giá thầu lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

Ngoài gói thầu nêu trên, nhà thầu Công ty cổ phần Xây dựng số 5 từng trúng 3 gói thầu khác do BIWASE làm chủ đầu tư trong tư cách độc lập, với tổng giá trúng thầu trên 1.316 tỷ đồng. Cụ thể, 2 gói thầu thuộc Dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực Dĩ An bao gồm gói BDAF – 08, gói BDAF- 06 và gói thầu số 3A thuộc Dự án Thoát nước và xử lý nước thải khu vực Dĩ An – Thuận An – Tân Uyên.

Còn về nhà thầu Công ty trách nhiệm hữu hạn Đại Phú Thịnh, mặc dù trượt thầu gói BDAF – 07, song "gương mặt thân quen" này cũng từng trúng 2 gói thầu thuộc Dự án Thoát nước và xử lý nước thải khu vực Dĩ An – Thuận An – Tân Uyên của BIWASE…

Hàn Lam

Nguồn : VNTB, 10/05/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Ý Nhi, Hàn Lam
Read 366 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)