Philippines đưa tàu tới đảo san hô nơi Trung Quốc đang xây 'đảo nhân tạo'
Reuters, VOA, 11/05/2024
Philippines ngày thứ Bảy cho biết họ đã điều các tàu đến khu vực tranh chấp ở Biển Đông, nơi họ cáo buộc Trung Quốc đang xây "một đảo nhân tạo" trong bối cảnh tranh chấp hàng hải giữa hai nước leo thang.
Các thành viên của Lực lượng Tuần duyên Philippines đứng canh trong khi một tàu Hải cảnh Trung Quốc chặn đường họ thực hiện nhiệm vụ tiếp tế tại Bãi cạn Second Thomas ở Biển Đông, ngày 5/3/2024.
Lực lượng tuần duyên đã cử một tàu "để theo dõi các hoạt động bị xem là bất hợp pháp của Trung Quốc, tạo ra một ‘đảo nhân tạo’", văn phòng Tổng thống Ferdinand Marcos Jr nói trong một phát biểu, nói thêm rằng thêm hai tàu khác đang được triển khai trong đợt điều động luân phiên trong khu vực.
Người phát ngôn Lực lượng Tuần duyên Philippines, Phó đề đốc Jay Tarriela, nói tại một diễn đàn rằng đã có "việc bồi đắp quy mô nhỏ" ở Bãi cạn Sabina mà Manila gọi là Escoda và rằng "có nhiều phần chắc" Trung Quốc là tác nhân.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về những phát biểu của Philippines mà có thể làm trầm trọng hơn rạn nứt song phương.
Cố vấn an ninh quốc gia Philippines ngày thứ Sáu kêu gọi trục xuất các nhà ngoại giao Trung Quốc về chuyện một cuộc điện đàm với một đô đốc Philippines về tranh chấp hàng hải bị rò rỉ.
Bắc Kinh và Manila cả năm qua đã đối đầu gay gắt liên quan đến các tuyên bố chủ quyền cạnh tranh của họ ở Biển Đông, nơi khối lượng thương mại trị giá 3 ngàn tỉ đôla đi ngang qua hàng năm.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ thủy lộ thiết yếu này, bao gồm những phần mà Philippines, Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền. Tòa án Trọng tài Thường trực phán quyết vào năm 2016 rằng các yêu sách của Bắc Kinh không có cơ sở theo luật pháp quốc tế.
Trung Quốc đã ồ ạt tiến hành bồi đắp đất trên một số đảo ở Biển Đông, xây dựng không lực và các cơ sở quân sự khác, gây lo ngại ở Washington và các nước quanh vùng.
Một tàu Philippines đã neo đậu tại Bãi cạn Sabina để "đánh bắt và ghi lại việc đổ san hô bị nghiền nát trên các bãi cát," ông Tarriela nói, dẫn ra sự hiện diện "đáng báo động" của hàng chục tàu Trung Quốc, bao gồm tàu nghiên cứu và tàu hải quân.
Ông Tarriela nói sự hiện diện của các tàu Trung Quốc tại đảo san hô này cách tỉnh Palawan của Philippines 200 km trùng hợp với việc lực lượng tuần duyên phát hiện hàng đống san hô chết và bị nghiền nát.
Lực lượng tuần duyên sẽ đưa các nhà khoa học biển đến khu vực để xác định xem các đống san hô là hiện tượng tự nhiên hay do con người can thiệp, ông cho biết.
Ông nói thêm rằng lực lượng tuần duyên dự định duy trì sự "hiện diện kéo dài" tại Bãi cạn Sabina, điểm tập kết của các tàu Philippines thực hiện nhiệm vụ tiếp tế cho quân đội Philippines đóng trên một chiếc tàu chiến tại Bãi cạn Second Thomas, nơi Manila và Trung Quốc thường xuyên đối đầu trên biển.
(Reuters)
Nguồn : VOA, 11/05/2024
*********************
Biển Đông : Bắc Kinh loan báo đã "phát đi cảnh báo" nhắm đến một tàu quân sự Mỹ
Thùy Dương, RFI, 10/05/2024
Trung Quốc hôm 10/05/2024 tuyên bố đã theo dõi một tàu của Hải quân Hoa Kỳ và "phát đi cảnh báo" nhắm vào tàu này tại khu vực gần quần đảo Hoàng Sa trong vùng Biển Đông đang có tranh chấp.
Tàu khu trục Arleigh Burke USS Halsey của hải quân Hoa Kỳ đi qua eo biển Đài Loan, ngày 08/05/2024. AP
Phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Chiến Khu Nam Bộ của Trung Quốc, tướng Điền Quân Lý (Tian Junli), cho biết Bắc Kinh "đã ra lệnh cho các lực lượng hải quân và không quân theo dõi và giám sát con tàu theo luật pháp và quy định, đồng thời phát đi cảnh báo buộc con tàu này phải rời khỏi khu vực" gần Hoàng Sa.
Theo AFP, trong thông cáo, ông Điền Quân Lý khẳng định là tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Halsey của Mỹ "đã xâm nhập trái phép lãnh hải của Trung Quốc gần quần đảo Tây Sa mà không có sự cho phép của chính phủ Trung Quốc". Tây Sa (Xisha) là tên Trung Quốc gọi quần đảo Hoàng Sa (tiếng Anh là Paracel) mà Bắc Kinh chiếm của Việt Nam từ năm 1974.
Phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Chiến Khu Nam Bộ của Trung Quốc cho rằng "hành động của Hoa Kỳ vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và an ninh của Trung Quốc". Tướng Điền Quân Lý tố cáo Washington gây "rủi ro, nguy cơ cho an ninh ở Biển Đông" và là thủ phạm lớn nhất làm suy yếu hòa bình và ổn định trong khu vực.
Về phía Mỹ, Hải quân ra thông cáo khẳng định tàu của họ "thực thi các quyền và tự do hàng hải ở Biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa" và "sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tàu USS Halsey (...) đã tiếp tục hoạt động ở Biển Đông". Hải quân Mỹ lưu ý "các yêu sách bất hợp pháp" của Trung Quốc ở Biển Đông "gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với tự do hàng hải».
Xin nhắc lại, Hoa Kỳ vẫn thường xuyên điều tàu chiến đến Biển Đông nhằm bảo vệ "tự do hàng hải", thách thức các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển này.
Thùy Dương
******************************
Tranh chấp Biển Đông leo thang, Philippines kêu gọi trục xuất nhà ngoại giao Trung Quốc
Reuters, VOA, 10/05/2024
Cố vấn an ninh quốc gia Philippines hôm thứ Sáu (10/5) kêu gọi trục xuất các nhà ngoại giao Trung Quốc vì cáo buộc rò rỉ cuộc trò chuyện qua điện thoại với một đô đốc Philippines giữa bối cảnh tranh chấp gay gắt trên Biển Đông đang leo thang mạnh mẽ.
Cố vấn an ninh quốc gia Philippines Eduardo Ano.
Ông Eduardo Ano nói trong một tuyên bố rằng Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã dàn dựng "nhiều hành động lôi kéo và phổ biến thông tin méo mó, sai lệch và thông tin nguy hại", với mục tiêu gieo rắc sự bất hòa, chia rẽ và mất đoàn kết.
Ông nói rằng những hành động đó "không thể để diễn ra mà không bị trừng phạt thích đáng".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm gọi những bình luận này là khiêu khích và nói rằng các nhà ngoại giao Trung Quốc ở Philippines phải được phép làm công việc của họ.
"Trung Quốc nghiêm túc yêu cầu phía Philippines bảo vệ hiệu quả việc thực hiện nghĩa vụ bình thường của các nhân viên ngoại giao Trung Quốc, ngừng xâm phạm và khiêu khích cũng như không phủ nhận sự thật", ông Lâm nói trong cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh.
Văn phòng Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr và Bộ Ngoại giao chưa trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.
Hai nước đã bị cuốn vào một loạt các cuộc đối đầu nảy lửa trong năm qua tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông khi Philippines, được khuyến khích bởi sự hỗ trợ từ Hoa Kỳ và các đồng minh khác, tăng cường các hoạt động trong vùng biển bị lực lượng hải cảnh đông đảo của Trung Quốc chiếm đóng.
Trung Quốc cáo buộc Philippines xâm phạm và phản bội, trong khi Manila chỉ trích Bắc Kinh vì "chính sách xâm lược và hành động nguy hiểm" trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Việc trục xuất các nhà ngoại giao có thể làm gia tăng căng thẳng mà cho đến nay đã chứng kiến các cuộc trao đổi nảy lửa, các cuộc phản đối ngoại giao cũng như việc tàu Philippines bị đâm và phun vòi rồng ở hai bãi cạn tranh chấp, bãi cạn gần nhất cách Trung Quốc đại lục hơn 850 km (530 dặm).
Phát biểu của ông Ano liên quan đến một bản tin trong tuần này về cáo buộc rò rỉ cuộc gọi giữa một nhà ngoại giao Trung Quốc và một đô đốc Philippines thảo luận về tranh chấp ở Biển Đông, trong đó có một bản ghi cuộc gọi cho thấy đô đốc này đồng ý nhượng bộ với Trung Quốc.
Theo đoạn ghi âm được tờ Manila Times công bố, vị đô đốc này đã đồng ý với đề xuất của Trung Quốc về một "mô hình mới", trong đó Philippines sẽ sử dụng ít tàu hơn trong các chuyến tiếp tế cho lực lượng thủy quân lục chiến đóng tại một tàu chiến mắc cạn tại Bãi Cỏ Mây đang tranh chấp, và thông báo cho Bắc Kinh trước về các nhiệm vụ.
Reuters chưa nghe được cuộc trò chuyện qua điện thoại được báo cáo và không thể xác minh nội dung của đoạn ghi âm được công bố. Báo cáo cho biết cuộc trò chuyện diễn ra vào tháng 1 và bản ghi âm được cung cấp bởi một "quan chức cấp cao của Trung Quốc" nhưng không nêu tên.
(Reuters)
Nguồn : VOA, 10/05/2024
******************************
Tư lệnh quân đội Philippines cáo buộc Trung Quốc ‘âm mưu gây ảnh hưởng ác ý’
Reuters, VOA, 09/05/2024
Tư lệnh quân đội Philippines hôm thứ Tư cáo buộc Trung Quốc về "âm mưu gây ảnh hưởng ác ý", sau khi một tờ báo địa phương đưa tin một phó đô đốc Philippines đã đạt được thỏa thuận với Bắc Kinh trong việc giảm căng thẳng ở Biển Đông.
Tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng về phía tàu tiếp tế Unaizah của Philippines khi nó đang trên đường thực hiện nhiệm vụ tiếp tế tại Bãi Cỏ Mây ở Biển Đông vào ngày 4/5/2024.
Tờ Manila Times đã công bố những gì họ nói là bản ghi cuộc trò chuyện qua điện thoại, cho biết một đô đốc Philippines đã đồng ý với đề xuất của Trung Quốc về một "mô hình mới", trong đó Philippines sẽ sử dụng ít tàu hơn trong các nhiệm vụ tiếp tế cho quân đội tại Bãi Cỏ Mây đang tranh chấp và thông báo trước cho Bắc Kinh về các nhiệm vụ thực hiện.
Reuters chưa nghe được cuộc trò chuyện qua điện thoại được báo cáo và không thể xác minh nội dung của đoạn ghi âm được công bố. Tờ Manila Times cho biết cuộc trò chuyện diễn ra vào tháng 1 và bản ghi âm được cung cấp bởi một "quan chức cấp cao của Trung Quốc" nhưng tờ báo này không nêu tên.
Bãi cạn này là điểm nóng của một loạt cuộc đối đầu nảy lửa giữa lực lượng hải cảnh Trung Quốc và tàu Philippines trong năm qua, làm căng thẳng mối quan hệ giữa hai nước láng giềng. Philippines đã từ chối thực hiện lời kêu gọi của Trung Quốc là tránh xa khu vực này.
"Tuyên bố của Trung Quốc về việc ghi âm... không đáng lo ngại vì đây dường như là một nỗ lực gây ảnh hưởng xấu từ Đảng cộng sản Trung Quốc", người đứng đầu quân đội Romeo Brawner nói trong một tuyên bố.
"Các bản ghi có thể dễ dàng được làm giả và các bản ghi âm có thể được tạo ra bằng cách sử dụng các kỹ thuật giả mạo. Những báo cáo này chỉ nhằm mục đích đánh lạc hướng khỏi hành vi hung hăng đang diễn ra của lực lượng hải cảnh Trung Quốc".
Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila không trả lời yêu cầu bình luận về bản ghi do tờ Manila Times đăng. Họ cũng không phản hồi ngay lập tức đối với tuyên bố của ông Brawner.
"Sự thật rõ ràng"
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm hôm thứ Tư cho biết đại sứ quán ở Manila đã công bố thông tin chi tiết về "những liên lạc liên quan" giữa hai nước về việc quản lý tình hình tại Bãi Cỏ Mây, nhưng ông Lâm không nói rõ thêm.
"Sự thật là rõ ràng và được hỗ trợ bởi những bằng chứng chắc chắn không thể phủ nhận", ông Lâm nói trong bình luận từ cuộc họp giao ban thường kỳ được đại sứ quán chia sẻ.
"Philippines nhất quyết phủ nhận những sự thật khách quan này và tìm cách đánh lừa cộng đồng quốc tế".
Hai nước đã bị lôi kéo vào một loạt vụ đối đầu tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông khi Philippines, được khuyến khích bởi sự hỗ trợ từ Hoa Kỳ và các đồng minh khác, tăng cường các hoạt động trong vùng biển do lực lượng hải cảnh Trung Quốc kiểm soát.
Trung Quốc cáo buộc Philippines xâm phạm và phản bội. Philippines chỉ trích Bắc Kinh vì "chính sách gây hấn và hành động nguy hiểm" trong vùng đặc quyền kinh tế 200 dặm của Manila.
Trung Quốc từ lâu đã bất bình trước việc Philippines đưa một nhóm nhỏ lính thủy quân lục chiến đến Bãi Cỏ Mây đóng quân trên một tàu chiến cũ mà nước này cố tình cho neo đậu cách đây 25 năm.
Bắc Kinh nhiều lần tuyên bố Philippines đã đồng ý kéo con tàu đó đi nhưng Manila đã bác bỏ tuyên bố trên.
(Reuters)
Nguồn : VOA, 09/05/2024
****************************
Trung Quốc sẽ điều tầu chiến đến Cam Bốt, khiến Mỹ thêm quan ngại
Thu Hằng, RFI, 09/05/2024
Hai tầu chiến Trung Quốc sẽ đến Cam Bốt và Đông Timor trong khoảng nửa đầu tháng 5 đến giữa tháng 6 tới, theo thông báo của bộ Quốc Phòng Trung Quốc hôm nay, 09/05/2024. Hoạt động này sẽ khiến Hoa Kỳ thêm quan ngại về sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở căn cứ hải quân miền nam Cam Bốt.
Ảnh vệ tinh do Planet Labs PBC chụp cho thấy hai tàu hộ tống Trung Quốc neo đậu căn cứ Hải quân Ream của Cam Bốt trong Vịnh Thái Lan, ngày 08/05/2024. AP
Theo kế hoạch, tàu huấn luyện hải quân Thích Kế Quang (Qijiguang) và tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn (Jinggangshan) sẽ tham gia huấn luyện với học viên hải quân tại hai nước Cam Bốt và Đông Timor để "tăng cường sự tin cậy lẫn nhau".
Tàu Tỉnh Cương Sơn có khả năng chứa nhiều tàu đổ bộ loại nhỏ, máy bay trực thăng, xe bọc thép và khoảng 1.000 quân nhân. Tàu Thích Kế Quang là tầu huấn luyện quân sự có công nghệ tiên tiến nhất của Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong thông cáo hôm nay, bộ Quốc Phòng Trung Quốc không nêu rõ địa điểm neo đậu của hai tầu.
Theo Reuters, chuyến thăm của hai tàu nói trên có thể sẽ khiến Hoa Kỳ thêm lo ngại về sự hiện diện của Trung Quốc ở quân cảng Ream, được Trung Quốc tài trợ mở rộng vào tháng 06/2022. Hai chiến hạm khác, có thể là tàu hộ tống hoặc tàu khu trục của Trung Quốc, đã neo đậu tại căn cứ Ream từ tháng 12/2023. Ngày 08/05, bộ Quốc Phòng Cam Bốt trấn an là sự hiện diện của hai tàu này không đồng nghĩa với việc quân đội Trung Quốc triển khai thường trực ở Cam Bốt.
Căn cứ Ream từng là khu vực huấn luyện hải quân chung giữa Mỹ và Cam Bốt. Tuy nhiên, tháng 10/2020, chính phủ Phnom Penh cho phá dỡ cơ sở được Hoa Kỳ xây trước đó ở Ream. Washington lo rằng căn cứ Ream ở tỉnh Sihanoukville, có vị trí chiến lược bên bờ vịnh Thái Lan, trở thành tiền đồn của Trung Quốc tại khu vực nam Biển Đông, nơi Bắc Kinh đòi chủ quyền đến 80%.
Thu Hằng
*****************************
Philippines phủ nhận có "thỏa thuận" ngầm với Trung Quốc nhằm giảm nhẹ tranh chấp Biển Đông
Trọng Thành, RFI, 09/05/2024
Từ ít ngày nay, căng thẳng ngoại giao giữa Philippines và Trung Quốc về Biển Đông gia tăng. Tình hình trở nên nóng hơn một nấc với việc đại sứ quán Trung Quốc công bố một đoạn ghi âm cuộc trao đổi giữa một nhà ngoại giao Trung Quốc với một chỉ huy quân đội Philippines, mà theo phía Trung Quốc, là nhằm thực thi chủ trương giảm căng thẳng, một thỏa thuận "bất thành văn" của lãnh đạo hai bên.
Tuần duyên Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu tiếp liệu Philippines khi đang trên đường đến Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) ở Trường Sa, ngày 04/03/2024. Reuters - Adrian Portugal
Hôm qua, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines ngay lập tức lên án Trung Quốc "vi phạm luật quốc tế", và đe dọa nhà ngoại giao Trung Quốc "có thể bị trục xuất". Đâu là nguồn cội của căng thẳng mới này ?
Đầu tuần này, đại sứ quán Trung Quốc đã cung cấp cho báo chí Philippines nội dung các trao đổi giữa tư lệnh lực lượng vũ trang miền Tây Philippines, đô đốc Alberto Carlos trong một cuộc điện đàm với một nhà ngoại giao Trung Quốc. Trong cuộc trao đổi này, chỉ huy Philippines đã đồng ý với Trung Quốc về một số điểm liên quan đến các hoạt động tiếp tế cho khu vực Bãi Cỏ Mây, quần đảo nơi có một đơn vị Philippines trú đóng, nhưng Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền. Cụ thể là phía Philippines đồng ý chỉ duy trì" một tàu quân sự và một tàu dân sự làm nhiệm vụ tiếp tế", và sẽ "thông báo trước cho Trung Quốc về hoạt động này hai ngày trước đó". Điều quan trọng là các biện pháp này, mà phía Trung Quốc gọi là thể theo "thỏa thuận mới", đã được bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Gilberto Teodoro và cố vấn an ninh quốc gia Eduardo Ano chấp thuận.
Theo báo Hồng Kông South China Morning Post, lãnh đạo bộ Quốc Phòng Philippines đã phẫn nộ, lên án Trung Quốc "vi phạm luật chống nghe lén" của Philippines, và yêu cầu điều tra. Ông Teodoro một lần nữa bác bỏ mọi "thỏa thuận ngầm" với Trung Quốc nhằm giảm nhẹ tranh chấp tại các vùng biển mà Manila khẳng định chủ quyền, đồng thời nhấn mạnh kẻ tung ra thông tin này phải đối mặt với "án tù lên tới 6 năm". Nếu điều này là đúng, như vậy là đương sự đã hành xử "ngược lại với các quy tắc trong quan hệ quốc tế, vi phạm luật khi không phối hợp với bộ Ngoại Giao Philippines".
Tình hình xung quanh Bãi Cỏ Mây căng thẳng hơn kể từ 18 tháng nay, nhưng đối đầu đã trở nên đặc biệt dữ dội từ ít tháng gần đây, với đỉnh điểm là vụ tàu Hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng làm bị thương nặng nhiều quân nhân Philippines làm nhiệm vụ bảo vệ tàu tiếp tế cho Bãi Cỏ Mây. Bắc Kinh cáo buộc Manila đã "bội ước", không thực thi thỏa thuận "bất thành văn" nhằm duy trì hòa bình tại các vùng biển tranh chấp. Hồi tuần trước, đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã công bố cam kết song phương gọi là "thỏa thuận đặc biệt tạm thời", mà hai bên đạt được trong thời gian tổng thống tiền nhiệm Philippines Rodrigo Duterte công du Bắc Kinh năm 2016.
Phía Philippines, từ bộ trưởng Quốc Phòng đến cố vấn an ninh quốc gia, đều cực lực phủ nhận "một thảo thuận ngầm" với Trung Quốc về giải quyết các tranh chấp và giảm nhẹ căng thẳng tại Bãi Cỏ Mây nói riêng, và về Biển Đông nói chung. Hôm Chủ nhật 05/05, hãng tin nhà nước Philippines, Philippines News Agency, dẫn lời bộ trưởng Quốc Phòng Teodoro khẳng định các tuyên bố của Bắc Kinh về một thỏa thuận ngầm như vậy chỉ nhằm "biện minh cho sự hiện diện bất hợp pháp" của Trung Quốc ở vùng Biển Tây Philippines (Biển Đông), là một "trò chơi chữ", và nhằm mục đích chủ yếu là để chia rẽ người dân Philippines về vấn đề này.
Căng thẳng trên biển gia tăng giữa Philippines và Trung Quốc trong những tuần qua cũng cần được đặt trong bối cảnh hậu thuẫn gia tăng từ phía các đồng minh của Manila. Hoa Kỳ, quốc gia có Hiệp ước phòng thủ chung với Manila, khẳng định sẵn sàng bảo vệ Philippines, nếu nước này bị Trung Quốc tấn công. Đầu tháng qua, Mỹ, Nhật, Úc và Phillippines đã mở cuộc tập trận chung đầu tiên tại Biển Đông. Bộ trưởng Quốc Phòng 4 nước cũng đã lần đầu tiên họp tại Hawaii, nơi đặt trụ sở của Bộ Tư lệnh Hoa Kỳ vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương. Thái độ của lãnh đạo Philippines ngày càng trở nên dứt khoát với Trung Quốc. Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. nhiều lần khẳng định Manila sẽ không nhân nhượng một ly chủ quyền.
Có một "thỏa thuận ngầm" giữa chính quyền Philippines với Trung Quốc nhằm giảm nhẹ các căng thẳng ở Biển Đông hay không ? Câu hỏi vẫn để ngỏ. Trong lúc chính quyền đương nhiệm bác bỏ hoàn toàn một thỏa thuận như vậy, thì nhiều nghi ngờ hướng về phía chính quyền tiền nhiệm của tổng thống Rodrigo Duterte. Giữa tháng 4/2024 vừa qua, trên báo chí trong nước (Inquirer), ông Marcos Jr. đã kêu gọi cựu tổng thống giải thích rõ vấn đề. Cũng vào thời điểm này, cựu tổng thống Duterte thừa nhận có cam kết bất thành văn với Trung Quốc về việc "duy trì nguyên trạng" ở Biển Đông tại các khu vực tranh chấp, nhằm tránh xung đột bùng phát thành chiến tranh với Trung Quốc. Theo cựu thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines, Antonio Carlos, một chuyên gia hàng đầu về Biên Đông, một thỏa thuận như vậy, nếu có, rõ ràng là vi phạm Hiến pháp Philippines.
Trọng Thành