Dường như 500 vị đại biểu hội đồng nhân dân đang ngồi dự họp ở nghị trường Diên Hồng đã… hài lòng với những con số báo cáo thành tích về kinh tế của chính phủ Phạm Minh Chính.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với 437 phiếu (gần 91%) và Thủ tướng Phạm Minh Chính với 373 phiếu (khoảng 77%).
Việt Nam nổi lên như "ngọn hải đăng" về phục hồi, trong đó động lực là sự kết hợp giữa các chính sách thận trọng của chính phủ, kế hoạch kinh tế chiến lược và cam kết kiên định đối với sự ổn định và phát triển.
Lá phiếu tín nhiệm Huệ vượt hẳn Chính
Dường như 500 vị đại biểu hội đồng nhân dân đang ngồi dự họp ở nghị trường Diên Hồng đã… hài lòng với những con số báo cáo thành tích về kinh tế của chính phủ Phạm Minh Chính. Theo đó, lần bỏ phiếu mới đây, hai người còn lại trong ‘tứ trụ’ nhận được kết quả ‘tín nhiệm cao’ là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với 437 phiếu (gần 91%) và Thủ tướng Phạm Minh Chính với 373 phiếu (khoảng 77%). Tỷ lệ ‘tín nhiệm’ và ‘tín nhiệm thấp’ đối với hai người này lần lượt là khoảng 7%, 2%, và khoảng 19%, 4%.
Đây được coi như một thành công cho Thủ tướng Phạm Minh Chính vào thời điểm nền kinh tế đang đạt những kết quả… yếu kém.
Công bằng mà nói, dù tỷ lệ ra sao thì cả Huệ và Chính đều dưới quyền của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nên trách nhiệm cuối cùng ở đây theo Hiến định về kết quả điều hành chung đất nước, là thuộc về người đứng đầu Bộ Chính trị.
Mũ ni che tai ?
Quan sát những gì mà nghị trường Quốc hội đang bàn luận như chuyện "căn cước công dân" hay chỉ "căn cước" ? bỏ dấu vân tay trên tờ "căn cước", nhưng thêm phần "quét mống mắt" lưu trữ trong thủ tục cấp "căn cước công dân"…, rồi đến đấu thầu số điện thoại như bảng số xe… Không thấy vị đại biểu nào đặt câu hỏi rằng đâu là nơi chịu trách nhiệm cuối cùng của việc công nhân bị sa thải, doanh nghiệp đóng cửa.
Đâu phải là các đại biểu này không biết chuyện báo chí đã nói về chuyện sa thải hàng chục ngàn lao động của Tập đoàn Pou Yuen ở Bình Tân (Thành phố Hồ Chí Minh), và mới đây là Garmex Sài Gòn một doanh nghiệp xuất khẩu dệt may có tiếng ở Thành phố Hồ Chí Minh - doanh thu hợp nhất vỏn vẹn 73 triệu đồng quý 3/2023 - nối dài 5 quý liên tiếp khó khăn.
Giải trình về kết quả kinh doanh, bà Nguyễn Minh Hằng - tổng giám đốc Garmex Sài Gòn - cho biết "công ty không có đơn hàng", doanh thu trong quý 3/2023 đến từ dịch vụ. Dù đã tiết giảm chi phí, song công ty này cho biết giá thuê đất tăng làm tăng chi phí trong kỳ. Garmex Sài Gòn tiếp tục lỗ gần 11 tỉ đồng trong quý 3/2023, xấp xỉ mức năm trước…
Tổng bí thư đã bị… ‘xí gạt’ ?
Trong các lần diễn văn ở hội nghị Đảng, gặp gỡ các cử tri Hà Nội, đọc báo người ta thấy rằng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn mạch lạc quan cố hữu về "cơ đồ Việt Nam". Có thể ông không "mũ ni che tai", nhưng vì các báo cáo/ điểm báo đặt trên bàn làm việc của ông, toàn "gam hồng" với những mỹ từ tán dương về đường lối chính sách mà Đảng đã và đang vạch ra…
Từ trước đó, ở họp báo vào ngày 20-6/2023, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã tổ chức họp cung cấp thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh trong 6 tháng đầu năm và kế hoạch trong năm 2023. Thông tin về tình hình, ông Cao Hữu Hiếu - tổng giám đốc Vinatex - nhìn nhận khó khăn là có thật và đã được ngành "lường trước" từ năm 2022 từ những tín hiệu thị trường.
Ông Hiếu nói chưa bao giờ mà với những doanh nghiệp có quy mô vài ngàn lao động lại phải nhận đơn hàng 500 - 1.000 áo jacket, song vẫn phải làm. Hoặc có nhiều đơn hàng, đơn giá "giảm khủng khiếp", nhiều mã hàng giảm tới 50%. Trước kia áo sơ mi 1,7-1,8 USD thì nay chỉ 70 - 80 cent. Chưa kể những rủi ro như khách chậm trễ giao hàng, tồn kho tăng...
"Tình trạng của dệt may hiện nay là đơn hàng nhỏ lẻ, chi phí gia công thấp, phải nhận các mặt hàng không đúng sở trường. Khi khó thì dệt thoi làm dệt kim, đơn vị chuyên làm quần thì phải làm áo, nên phải thêm máy móc thiết bị, đào tạo công nhân để chống dừng chuyền, đảm bảo việc làm" - ông Hiếu diễn giải.
Bết bát vì định hướng chính trị ?
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người cổ súy cho việc định hướng chính trị xã hội chủ nghĩa đối với nền kinh tế thị trường của Việt Nam. Khi trải qua dịch Covid-19, việc định hướng chính trị này, phải chăng là nguyên do đẩy nền kinh tế Việt Nam thêm khốn đốn ?
Ông Vương Đức Anh, chánh văn phòng Vinatex, cho biết trước áp lực cắt giảm đơn hàng, thì một trong những đối thủ của dệt may Việt Nam là Bangladesh vẫn "ung dung" khi tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ấn tượng. Ông Anh cho hay ngay khi Bangladesh kiểm soát được dịch bệnh, nước này quay trở lại tăng trưởng tích cực trong bối cảnh thị trường chung sụt giảm mạnh.
So sánh là khập khiễng vì Bangladesh có lợi thế khi chuỗi cung ứng của họ đầy đủ, gồm doanh nghiệp sợi, dệt, may đều có. Chuỗi giá trị của họ là hoàn chỉnh, trong khi ở Việt Nam chỉ tập trung vào may mặc, mà sợi, dệt lại không có, nên cũng không thể tạo lợi thế cho các nhà mua hàng lựa chọn.