Khi việc tử hình ông Lê Văn Mạnh đã được chính quyền Việt Nam xem như tất nhiên, không có bất kỳ cơ quan truyền thông chính thức nào ở Việt Nam nhắc đến ông nữa, kể cả lá thư ông gửi cho gia đình trước khi bị hành quyết.
Facebooker Thái Hạo và anh Hoàng Tuấn Công bên mộ Lê Văn Mạnh.
Thân nhân ông Lê Văn Mạnh (1982 – 2023) đã chia sẻ lá thư ông viết cho họ trước khi ông bị hành quyết (22/9/2023).
***
Tháng 3/2005, tại huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa có một bé gái 14 tuổi bị giết. Theo công an, trước khi bị giết, nạn nhân đã bị cưỡng hiếp. Tháng 4/2005, Công an Thanh Hóa bắt ông Mạnh theo lệnh truy nã của Công an Đồng Nai vì "cướp tài sản". Ba ngày sau khi bị bắt, ông Mạnh "viết thư" gửi cho cha, kể rằng chính ông đã giết bé gái. Do có một phạm nhân bị giam chung "tố cáo", Công an Thanh Hóa đã tịch thu "thư" này và dùng "thư" đó để buộc ông Mạnh là thủ phạm vụ "hiếp dâm" và "giết người".
Vụ án Lê Văn Mạnh "hiếp dâm", "giết người" được đưa ra xét xử... bảy lần. Trừ Tòa Thanh Hóa khăng khăng cho rằng ông Mạnh phạm tội, cả Tòa án Tối cao lẫn Viện Kiểm sát Tối cao đều lưỡng lự trước việc xác định ông Mạnh có tội. Đó là lý do ở phiên xử phúc thẩm lần một Tòa án Tối cao đã hủy bản án sơ thẩm thứ nhất và lúc xem xét vụ án theo trình tự giám đốc thẩm, Tòa án Tối cao tuyên hủy cả bản án sơ thẩm thứ hai lẫn bản án phúc thẩm thứ hai. Viện Kiểm sát Tối cao cũng thế nên đã từng kháng nghị, đề nghị Tòa án Tối cao xem xét vụ án theo trình tự giám đốc thẩm, hủy cả bản án sơ thẩm thứ hai lẫn bản án phúc thẩm thứ hai.
Sở dĩ những cơ quan cấp cao nhất trong hệ thống tư pháp lưỡng lự vì có những dấu hiệu cho thấy dường như ông Mạnh ngoại phạm (vào thời điểm nạn nhân bị giết, ông đang giúp em gái dọn nhà). "Thư nhận tội" - bằng chứng được dùng để cáo buộc ông Mạnh "hiếp dâm", "giết người" – không chỉ phi logic (chỉ ba ngày sau khi bị tạm giam để điều tra ông Mạnh đã có thể viết thư gửi gia đình) mà còn là dấu hiệu của tra tấn, ép cung (ngoài tố cáo của ông Mạnh còn một số nhân chứng khác cho biết, công an đã dùng phạm nhân tra tấn nghi can, ép nghi can viết thư nhận tội). Đó cũng là lý do năm 2015, Tòa án tỉnh Thanh Hóa phải hoãn thi hành án tử hình ông Mạnh...
Vụ án Lê Văn Mạnh đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam, chính phủ nhiều quốc gia, nhiều tổ chức quốc tế đã nhiều lần đề nghị hệ thống công quyền Việt Nam xem xét lại tiến trình điều tra – truy tố - xét xử ông Lê Văn Mạnh. Tháng 9/2022, tháng 9/2022, ông Nguyễn Hòa Bình - Chánh án Tòa án Tối cao loan báo Tổ Công tác liên ngành tư pháp đang xác minh đơn kêu oan của tử tù Lê Văn Mạnh. Tuy không có bất kỳ cá nhân hay cơ quan hữu trách nào dám xác định ông Mạnh có tội nhưng trung tuần tháng trước, Tòa án tỉnh Thanh Hóa loan báo sẽ thi hành án tử hình ông Mạnh và bản án tử hình đã được thi hành sau đó vài ngày, khiến thiên hạ cả trong lẫn ngoài sửng sốt !
***
Lá thư ông Mạnh viết cho thân nhân đã được một số cơ quan truyền thông bên ngoài Việt Nam giới thiệu. Thư viết : "Con không làm gì nên tội nên con không có gì phải hổ thẹn với lương tâm cả.Con chết rồi, bố mẹ và các em, các con vẫn phải tiếp tục giúp con kêu nỗi oan này lên các cơ quan pháp luật của nhà nước đến cùng. Cho đến khi nào con được minh oan thì thôi, vì con bị giết oan thật sự bố mẹ ạ !"...
Bên cạnh sự thương cảm, qua trang Facebook của VOA, có người than như Sang Ho :Việt Nam là xứ sở mà nhân mạng thật mong manh. Hoặc ngậm ngùi như Duy Tân :Cũng chỉ là tiếng vọng trong hư không mà thôi ! Tất cả rồi sẽ chìm vào im lặng và quên lãng !Luật xứ mình ngộ quá phải không anh ? Người vô tội chết thay cho kẻ có tội.Hay vừa phẫn nộ, vừa tuyệt vọng như Mưa Rừng :Oán hận từ dân oan bên ngoài còn không khiến loại vô cảm, tàn bạo sợ hậu quả, huống chi từ ngục tối (1).
Tương tự, trên trang Facebook của RFA, Corruption Eraser cảm thán :Tôi có cảm giác mình như cá trong chậu, chim trong lồng, gà vịt trong chuồng. Họ muốn bắt hay muốn giết sao cũng được ! Bien Nguyen xem câu chuyện gây ám ảnh này là hệ quả của :Một chế độ tàn ác và hèn. Nguyen Tan nhận định :Không phải là NGƯỜImớicố tình giết người vì sự ngu dốt, vô dụng của băng đảng. Với Dao Tran, việc tử hình ông Mạnh là bằng chứng :Một xã hội thối nát, mạng người không đáng kể (2).
Theo Lâm Bình Duy Nhiên : Chắc chắn Lê Văn Mạnh không phải là trường hợp đầu tiênbị tử hình dẫu bị cáo liên tục kêu gào vô tội. Mạnh cũng sẽ không phải là tử tù sau cùng của cái gọi là nền tư pháp Cộnghòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.Bất chấp việc gia đình kêu oan gần 20 năm cũng như các cuộc vận động kêu gọi ngừng thi hành án của cộng đồng, của các tổ chức dân sự và của giới luật gia, Việt Nam vẫn kiên quyết thi hành án tử hình đối với Lê Văn Mạnh. Đó là sự phỉ báng nền tư pháp của Việt Nam và chứng minh cho dư luận thấy rằng các thủ tục tố tụng vẫn chứa đựng rất nhiều bất công. Chính quyền Việt Nam sẵn sàng chà đạp những biện pháp căn bản nhất của quá trình tố tụng. Bị cáo không hề được bảo vệ dẫu vụ án còn nhiều dấu hỏi và phi lý !
Lâm Bình Duy Nhiên nhắc đến ngạn ngữ La tinh "In dubio pro reo" (một điểm nghi ngờ cũng cần được giải thích vì lợi ích của bị cáo) và cũng là nguyên tắc pháp lý, theo đó, nếu không chắc chắn, phải đưa ra phán quyết có lợi cho người bị truy tố và cảm thấy tiếc vì "nguyên tắc pháp lý này không hề được áp dụng trong trường hợp của tử tù Lê Văn Mạnh". Ông Nhiên nhấn mạnh :Đọc lá thư sau cùng của tử tù Lê Văn Mạnh mới thấy sự tàn nhẫn tột cùng của một nền tư pháp vốn luôn tự hào bảo vệ nhân dân, siêu việt và nhân đạo. Đến phút chót, Lê Văn Mạnh vẫn không ngừng kêu oan. Tiếng gào thét của anh và gia đình rơi vào quên lãng vì mọi việc đã an bài, "mission accomplished" - nhiệm vụ đã hoàn thành đối với những kẻ đang nắm quyền sinh sát trong tay. Lên án những sai lầm của nhà nước là điều cấp bách để tránh những "tội ác có hệ thống" của nền tư pháp Việt Nam".Chọn thái độ chính trị đối lập với nhà cầm quyền là lương tâm và trách nhiệm của mọi công dân. Chỉ có một xã hội đa nguyên, đa đảng thì tiếng nói của người dân mới thực sự được tôn trọng và luật ph áp mới thực sự đứng về kẻ cần được bảo vệ.Bằng không, sau Lê Văn Mạnh sẽ là Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải và bao nạn nhân khác trong sự bất lực của tất cả chúng ta !
***
Không ít cơ quan truyền thông chính thức ở Việt Nam từng đề cập đến trường hợp ông Lê Văn Mạnh khi những bản án xác định phải tử hình ông bị Tòa án Tối cao hủy hay bị Viện Kiểm sát Tối cao kháng nghị nên hủy. Tuy nhiên, khi việc tử hình ông Lê Văn Mạnh đã được chính quyền Việt Nam xem như tất nhiên, không có bất kỳ cơ quan truyền thông chính thức nào ở Việt Nam nhắc đến ông nữa, kể cả lá thư ông gửi cho gia đình trước khi bị hành quyết.
Vào thời điểm này, thiên hạ chỉ thấy các cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam hăm hở đưa tin : Ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa Tối cao - người cương quyết làm ngơ trước số phận của các tử tù mà đa số công chúng tin rằng đã bị kết án oan như Lê Văn Mạnh, Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải,... - vừa trở thành...Ứng viên duy nhất của năm nay đủ tiêu chuẩn để Hội đồng Giáo sư Nhà nước xét tặng học hàm... Giáo sư ngành Khoa học an ninh (4).
Trân Văn
Nguồn : VOA, 27/10/2023
Chú thích