Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã diễn ra 18 tháng nay, lúc đánh lúc đàm, vẫn đang leo thang chưa có hồi kết, với hệ quả khó lường. Gần đây, khi Trung Quốc đánh thuế lên 75 tỷ USD hàng nhập của Mỹ (23/8/2019), Trump lập tức phản ứng để trả đũa bằng tăng thuế từ 25% lên 30% trên 250 tỷ USD hàng nhập của Trung Quốc (từ 1/10/2019). Ông còn muốn tăng thuế trên 300 tỷ USD hàng nhập của Trung Quốc (đến hạn từ 1/10 và 15/12/2019), cấm cửa Huawei và yêu cầu các công ty Mỹ không được làm ăn với Trung Quốc. Quyết định của Trump làm rung chuyển thị trường chứng khoán. Dow Jones giảm 600 điểm (bằng 2,4%).

trade1

Cuộc gặp mặt giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump tại Bắc Kinh - Ảnh minh họa

Nhưng chiến tranh thương mại chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" trong cuộc "chiến tranh lạnh mới" Mỹ-Trung, với những quan điểm khác nhau, thậm chí đầy nghịch lý. Tuy còn hơi sớm, nhưng cần đánh giá giữa kỳ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, để có cái nhìn toàn cảnh.

Nghịch lý về chiến tranh thương mại

 Trong khi chiến tranh thương mại "truyền thống" của Mỹ với EU (xuyên Đại Tây Dương) hoặc với Nhật Bản (xuyên Thái Bình Dương) trong thập niên 1980 (hay sau đó), chủ yếu là vì kinh tế, thì chiến tranh thương mại của Mỹ với Trung Quốc hiện nay chủ yếu là vì địa chính trị (do chiến lược thúc đẩy). Vì vậy, chiến tranh thương mại "phi truyền thống" của Trump "không logic" (hoặc "logic ngược"). Nói cách khác, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, với cuộc "chiến tranh lạnh kiểu mới" trên nhiều mặt trận (1).

Cũng như vậy, chiến tranh lạnh "truyền thống" của Mỹ với Liên Xô trước đây chủ yếu là do chiến lược vì Liên Xô lúc đó không phải là siêu cường kinh tế. Cuộc "chiến tranh lạnh mới" với Trung Quốc là đối đầu tổng lực giữa hai hệ thống chính trị/tư tưởng đang muốn thống trị toàn cầu, vì Trung Quốc đang trỗi dậy như một siêu cường kinh tế và quân sự. Theo lời Richard Nixon, Trung Quốc đã trở thành "quái vật Frankenstein" tại Châu Á.

Theo các chuyên gia kinh tế, chiến tranh thương mại "truyền thống" thường theo một số quy luật như "đánh đổi" (tradeoff). Họ thường lập luận "không có bữa trưa miễn phí" và mọi thứ đều phải có "chi phí cơ hội". Với ý nghĩa đó, chiến tranh thương mại của Trump với Trung Quốc không chỉ là cuộc đấu về kinh tế. Đó còn là một phần của cuộc "chiến tranh lạnh kiểu mới" do Mỹ phát động để nhắm vào Trung Quốc, trong một cuộc đối đầu không chỉ tại khu vực Indo-Pacific mà trên toàn cầu, như một cuộc chiến "lồng ghép" (hybrid).

Như vậy, đối đầu Mỹ-Trung không chỉ là chiến tranh thương mại mà còn là "chiến tranh lạnh kiểu mới", mang tính "đối kháng toàn diện" (về kinh tế, quân sự, công nghệ, hệ tư tưởng) có ý nghĩa sống còn, với thời gian kéo dài (trong thế kỷ 21). Đối đầu Mỹ-Xô (trong thế kỷ trước) chỉ mang tính "đối kháng về quân sự" của cuộc chiến tranh lạnh "truyền thống".

Mỹ cho rằng Trung Quốc là "cường quốc xét lại" (còn nguy hiểm hơn cả Nga), đang đe dọa không chỉ nước Mỹ mà cả trật tự thế giới dựa trên luật lệ. Vì vậy, Mỹ phải :

1) giữ khoảng cách về quân sự và kinh tế với Trung Quốc ;

2) Kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc về công nghệ và địa chính trị ;

3) Thúc đẩy sự phát triển của dân chủ hóa ở Trung Quốc.

Gần đây, Mỹ đang thuyết phục các nước G7 để hình thành một mặt trận đồng minh về thương mại nhằm đối phó với Trung Quốc. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng vì :

1) các nước G7 sẽ thay thế Trung Quốc trong quan hệ thương mại với Mỹ ;

2) Các nước G7 sẽ tham gia cùng Mỹ trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc ;

3) Với sự hộ trợ vững chắc đó, Mỹ sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp, buộc các công ty Mỹ phải rời khỏi Trung Quốc.

Tính đến nay, Trung Quốc đã vượt qua 6 trong 7 nước thành viên G7 (chỉ đứng sau Mỹ về kinh tế). Trong mấy thập kỷ qua, Trung Quốc đã trỗi dậy vượt bậc vì lợi dụng được chính sách của Mỹ và phương Tây (constructive engagement), ăn cắp sở hữu trí tuệ, tạo ra thâm hụt lớn trong cán cân thương mại, thao túng đồng Nhân dân tệ để dành lợi thế kinh tế, đặt ra các rào cản và điều kiện để gây khó dễ cho hàng nhập vào Trung Quốc, cài đặt thiết bị gián điệp trong các sản phẩm (của Huawei), trợ giá cho hàng của Trung Quốc xuất sang Mỹ.

Sau khi báo cáo của Robert Mueller không quy kết Trump đã thông đồng với Nga trong chiến dịch tranh cử, chắc Trump sẽ lại chơi "lá bài Nga". Nếu Mỹ tiếp tục cấm vận và cô lập Nga thì sẽ đẩy Nga lại gần Trung Quốc hơn như đồng minh (làm Trung Quốc mạnh lên). Vừa qua, Mỹ đã rút khỏi hiệp ước tên lửa tầm trung không phải vì Nga vi phạm mà vì Trung Quốc đứng ngoài hiệp ước này để vi phạm. Nếu Mỹ không cải thiện được quan hệ hợp tác với Nga, thì các vấn đề quốc tế quan trọng (như Bắc Triều Tiên, Iran, Syria) sẽ tiếp tục bế tắc.

Trong khi Mỹ muốn chơi "lá bài G7" như một liên minh chống Trung Quốc (vì "công bằng thương mại") và chơi "lá bài Nga" bằng cách kéo Nga trở lại G7 (để cô lập Trung Quốc), thì Đức và Pháp cũng muốn giảm căng thẳng với Nga. Đây cũng là cơ hội tốt để Nga thoát khỏi tình thế bị Mỹ và phương Tây cô lập về kinh tế. Chắc Putin cũng muốn "nước Nga trên hết", vì Nga liên minh với Trung Quốc chỉ là nước cờ thế do tình huống.

Ngày 26/08/2019, Bắc Kinh đã phát tín hiệu muốn đàm phán lại với Mỹ. Phó Thủ tướng Lưu Hạc đã gửi thông điệp cho Washington trong đó nhấn mạnh "Bắc Kinh sẵn sàng giải quyết các tranh chấp thương mại với Washington thông qua "đối thoại bình tĩnh". Trong trò chơi thương mại "vừa đánh vừa đàm", Bắc Kinh tỏ ra đang yếu thế, trong khi Washington đang ở thế thượng phong. Khi đàm phán tiếp tại Washington (dự kiến trong tháng 10/2019), chắc Trung Quốc muốn hòa hoãn với Mỹ, nhưng còn quá sớm để có thể dự đoán cụ thể.

Nhìn lại Trung Quốc và Mỹ

Gần đây, trên thế giới người ta vẫn còn đặt câu hỏi "Tập Cận Bình là ai ?". Tuy có nhiều người nước ngoài bị nhầm về Tập, nhưng nhiều người Trung Quốc thân với Tập cũng không biết họ được cái gì khi ủng hộ Tập lên cầm quyền. Thực ra, Tập không đả phá Mao (như người ta tưởng) mà còn sùng bái Mao. Tuy trong nước Tập đã củng cố được quyền lực, nhưng ngoài nước, phản ứng đối với các chương trình lớn của Tập đang tăng lên. Mỹ đang đối đầu với Trung Quốc trên mọi mặt, từ thương mại đến quân sự. Tập tỏ ra cứng rắn và quyền biến trong việc thao túng thể chế để buộc nó theo ý mình. Nhưng lịch sử Trung Quốc đã chứng minh, sớm hay muộn thì thể chế cũng đuổi kịp Tập. Vấn đề là khi nào (2).

Theo New York Times, Hồng Kông là thị trường tài chính lớn thứ ba trên thế giới, đang trong tình thế nguy hiểm. Đây là thời điểm nhạy cảm khi Mỹ tiến hành cuộc chiến hệ tư tưởng trực tiếp với Trung Quốc về hình thù của thế giới trong thế kỷ 21. Nhiều người cho rằng nếu để xảy ra Thiên An Môn lần thứ hai thì Tập Cận Bình sẽ gặp rắc rối lớn. Tập có nhiểu điểm yếu hơn là người ta tưởng. Tuyên bố của Trump gần đây gắn thỏa thuận thương mại với biểu tình ở Hồng Kông có lẽ là "điểm sáng nhất" của Trump : "Rất khó thỏa thuận với Trung Quốc nếu họ dùng bạo lực. Ý tôi là nếu có một Thiên An Môn nữa…". Hiện nay, trong số các ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ, chỉ có Elizabeth Warren là hiểu về Trung Quốc, nên đang lên điểm. Trung Quốc sẽ là một chủ đề lớn trong năm tranh cử 2020 (3).

Nikki Haley (cựu đại sứ tại LHQ và ứng cử viên tổng thống tiềm năng) lập luận : "bản chất cực đoan của chiến lược an ninh quốc gia Trung Quốc chỉ bộc lộ rõ trong mấy năm gần đây. Khi điều chỉnh chiến lược an ninh quốc gia Mỹ để đối phó, chúng ta muốn khuyến khích các đồng minh điều chỉnh chiến lược của họ. Trung Quốc đòi hỏi không chỉ "cả chính phủ" mà "cả quốc gia" phải vào cuộc. May mắn là chúng ta có sự ủng hộ của tất cả các phía để đối phó với chính sách hung hăng mới của Trung Quốc. Chúng ta phải hành động ngay, trước khi quá muộn. Cái giá phải trả rất lớn, có thể là sống còn". Theo Haley, Tập đã thủ tiêu khái niệm Trung Quốc sẽ "hòa đồng", và thái độ cứng rắn về thương mại "chỉ là bước đầu". Mỹ cần "thay đổi lăng kính để xem xét lại các quy định của Mỹ về ngoại thương, chuỗi cung ứng quốc tế, đầu tư vào Mỹ, bảo vệ bản quyền, ưu đãi cho công nghệ quốc phòng cốt lõi" (4).

Theo Andrew Hastie (Chủ tịch Ủy ban Tình báo và An ninh của Quốc hội Úc), nước Úc đã đánh giá thấp Trung Quốc. Để so sánh, ông nhắc lại bài học về Đức Quốc Xã trong những năm 1930. Quan điểm của Hastie phản ánh sự phân hóa trong chính giới Úc và phương Tây. Hastie cho rằng Úc đang đứng trước thử thách lớn nhất về an ninh, kinh tế, và dân chủ trong thập niên tới khi Trung Quốc và Mỹ cạnh tranh để bá chủ toàn cầu. "Thập niên tới sẽ thử thách các giá trị dân chủ, nền kinh tế, khối liên minh và an ninh của chúng ta, mà Úc chưa từng thấy trong lịch sử. Lúc này, chỗ yếu lớn nhất không phải là hạ tầng mà là tư duy của chúng ta. Thất bại về nhận thức sẽ làm chúng ta yếu kém về thể chế. Nếu chúng ta không hiểu thách thức trước mắt, thì chủ quyền và tự do của chúng ta sẽ bị suy yếu" (5).

Đối với nhiều người Đức và Châu Âu, việc Trung Quốc tăng cường trấn áp trong nước đang đặt ra các câu hỏi đáng lo ngại về hình thù thế giới do Trung Quốc dẫn dắt. Châu Âu đang cố gắng xem làm thế nào để hợp tác với Mỹ về Trung Quốc. Có nhiều người coi thường thách thức của Trung Quốc. Nếu thế giới dân chủ không làm được gì thì Trung Quốc sẽ lập ra một thể chế như họ muốn, và chắc Châu Âu không muốn thấy hệ quả đó. Không phải chỉ có Đức đang tỉnh ngộ mà hai cường quốc khác là Pháp và Anh cũng đều lo lắng, tuy họ vẫn hợp tác với Trung Quốc về các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và phổ biến vũ khí hạt nhân. Tại Châu Âu, nhiều người cho rằng Trung Quốc đang làm tổn hại đến các giá trị dân chủ của phương Tây và các tiêu chuẩn hành xử dựa trên luật pháp. Trong chuyến thăm Pháp của Tập Cận Bình, Macron đã tuyên bố chấm dứt "sự ngây thơ của Châu Âu" về Trung Quốc.

Nhưng Châu Âu không thỏa thuận được việc đáp ứng yêu cầu của Mỹ là Châu Âu phải cấm Huawei làm dự án mạng 5G. Ủy ban Châu Âu đã ra khuyến cáo về rủi ro an ninh mạng, nhưng để tùy các nước tự quyết định về tiêu chí an toàn của họ. Hầu hết các nước còn đang soạn thảo chính sách quốc gia về 5G. Đức và Anh đang thắt chặt các yêu cầu về an toàn cho các nhà cung cấp 5G, và Pháp đã có tiêu chí an toàn để răn đe các nhà mạng không sử dụng thiết bị Huawei cho mạng 5G của họ. Nhưng không có nước nào thuận theo lập trường của Washington muốn cấm hoàn toàn Huawei, vì còn lâu EU mới có một chính sách chung.

Tại Châu Á, chiến lược kết nối của Nhật, do thủ tướng Shinzo Abe đề xướng (như một mô hình tốt) ngay sau khi Trung Quốc triển khai BRI (Vành đai Con đường). Quỹ đầu tư gồm 110 tỷ USD đã nâng cao năng lực của Nhật để tài trợ cho các dự án phát triển có tài chính bền vững và chất lượng cao trong khi hợp tác với Trung Quốc, nếu chấp thuận nguyên tắc của Nhật. Điều mà Nhật học nhanh hơn các nước Tây Âu là sẽ làm theo Trung Quốc nếu họ là bên duy nhất tham gia trò chơi. Nhưng khi các nước khác cạnh tranh, thì thế giới đang phát triển có nhiều lựa chọn hơn (6). 

Cách đây hơn 77 năm, Nicholas Spykman (một chiến lược gia Mỹ gốc Hà Lan) đã thấy trước một liên minh hậu chiến gồm Mỹ và Nhật để chống Trung Quốc. Tầm nhình xa đó đã xác định và ổn định Châu Á, giúp đem lại hòa bình và thịnh vượng cho khu vực suốt 3/4 thế kỷ. Nếu không có liên minh Mỹ-Nhật, thì tổng thống Nixon không thể bắt tay với Trung Quốc (năm 1972). Nhưng tầm nhìn của Spykman về Châu Á nay đang bắt đầu suy sụp (7).

Điều đó là do Châu Á đã trải qua một quá trình chuyển đổi ngoạn mục. Nay ít người nhận thấy chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới, với một nước Trung Quốc hung hăng nhưng nội bộ bất ổn, cùng với một hệ thống đồng minh với Mỹ đang rạn nứt, và hải quân Mỹ không còn bá chủ thế giới như trong mấy thập kỷ trước. Khủng hoảng chính trị ở Hồng Kông và suy giảm quan hệ giữa Nam Hàn và Nhật là tiền đề cho mấy năm tới khi an ninh Châu Á không còn là chuyện mặc nhiên. Nếu trật tự "đơn cực" là chìa khóa ngầm cho tầm nhìn của Spykman vể một liên minh Mỹ-Nhật, thì sự chuyển đổi sang trật tự "đa cực" bắt đầu. Các dự án phát triển hải cảng gần đây của Trung Quốc ở Darwin (Bắc Úc) và ở Ream (gần Sihanoukville) chứng tỏ họ đang lấp lỗ trống hàng hải tại cửa ngõ Biển Đông và Ấn Độ Dương. Kết quả là Indo-Pacific không còn là cái hồ của hải quân Mỹ. Bằng cách lựa chọn chính sách song phượng đơn điệu với từng nước Châu Á mà không có tầm nhìn khu vực rõ ràng, nên chính quyền Trump đã mở "cái hộp Pandora" gồm nhiều vấn đề khu vực có thể làm các nước đồng minh với Mỹ chống đối nhau trong khi chỉ có Trung Quốc trục lợi.

Liên minh mới của Washington với New Delhi và một mạng lưới đối tác mới xuất hiện (gồm Ấn Độ, Úc, Nhật, và Việt Nam) tuy hữu ích nhưng làm được ít hơn là người ta tưởng. Từ Nhật tới Úc, các nước đồng minh Châu Á đang đi vào quỹ đạo Trung Quốc theo cách mà Phần Lan đã xích lại gần Liên Xô trong thời chiến tranh lạnh (vì họ không có sự lựa chọn). Nếu Mỹ để điều này xảy ra thì chúng ta sẽ thấy tầm nhìn của Spykman chấm dứt.

Theo Stephen Walt (Harvard KSG) có hai yếu tố quan trọng nhất cần xem xét : Một là cân bằng lực lượng giữa Mỹ và Trung Quốc ; Hai là phản ứng của các nước Châu Á trước các biến động quan trọng của thế cân bằng đó. Có 3 kịch bản chính :

1) Trung Quốc tiếp tục trỗi dậy nhanh trong khi Mỹ vấp ngã ;

2) Trung Quốc vấp ngã trong khi Mỹ bất chấp dự đoán là sẽ suy yếu. (Đây là kịch bản tốt nhất cho Mỹ) ;

3) Trung Quốc tiếp tục trỗi dậy nhưng Mỹ vẫn theo kịp. Khoảng cách có thể thu hẹp nhưng Trung Quốc không vượt được Mỹ.

Thế giới trở thành "lưỡng cực" (bipolarity) hoặc "đa cực" (multipolarity) với Mỹ và Trung Quốc bỏ xa các cường Quốc khác (như Nga, Ấn Độ, Nhật Bản). Đây là kịch bản có nhiều khả năng nhất (8). 

Nhìn lại Việt Nam

Sau khi Trump bất ngờ lên án Việt Nam là "nước lạm dụng tồi tệ nhất" về thương mại và "còn tồi tệ hơn cả Trung Quốc", Bộ Thương Mại Mỹ đã đánh thuế hơn 400% lên thép nhập khẩu từ Việt Nam có nguồn gốc từ Hàn Quốc và Đài Loan (hoặc Trung Quốc). Việt Nam có thể là mục tiêu tiếp theo để Mỹ đánh thuế. Tuy đây là phát súng cảnh báo, nhưng điều tồi tệ nhất vẫn còn ở phía trước. Khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nổ ra, nhiều người lạc quan cho rằng Việt Nam sẽ là "bên thắng cuộc" (winner) được lợi từ cuộc chơi này, trong khi nhiều người khác lại bi quan cho rằng Việt Nam là "bên thua cuộc" (loser) vì "trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết". Tuy cả hai nhóm trên đều có lý nhất định, nhưng có xu hướng đơn giản hóa vấn đề. Thực ra, Việt Nam "vừa thắng vừa thua", tùy thuộc vào cách ứng xử của mình. 

Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam tăng từ 31,98 tỷ USD (năm 2016) lên 39,49 tỷ USD (năm 2018) và tăng thêm 39% (tính đến 6/2019). Trong khi thâm hụt thương mại của Mỹ là một cách đánh giá thiếu chính xác thương mại với Việt Nam, thuế của Mỹ có thể làm hại mục tiêu an ninh của Mỹ đối với Trung Quốc. Cả hai đảng ngày càng đồng thuận là nếu không ngăn chặn thì Trung Quốc sẽ là nguy cơ an ninh lớn nhất, và quan hệ Mỹ-Việt vững mạnh sẽ là yếu tố ngày càng quan trọng để cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực.

Tuy Việt Nam có thể là mục tiêu tiếp theo để Mỹ đánh thuế, nhưng có những cách tính toán khác cơ bản với Trung Quốc. Tuy còn quá sớm để biết liệu Việt Nam có được Mỹ tha không, hay sẽ bị vạ lây khi hai bên đánh nhau. Rất ít khả năng Mỹ tha cho một nước không gần Mỹ bằng Nhật Bản và Hàn Quốc tuy là đồng minh của Mỹ nhưng cũng bị cho vào tầm ngắm. Tuy nhiên Mỹ nên cộng tác với Việt Nam để hạn chế việc trung chuyển hàng hóa và tăng cường hợp tác an ninh để lôi kéo Việt Nam gần Mỹ hơn (9).

Một số nhà phân tích coi Việt Nam là nơi Trung Quốc chọn để "tập dượt" trước khi đánh thật lớn hơn với Mỹ tại Biển Đông. Derek Grossman (chuyên gia phân tích tại RAND Corporation) lập luận rằng nếu Trung Quốc định tấn công quân sự tại Biển Đông, có nhiều khả năng họ sẽ chọn Việt Nam. Trong một bài viết vào đầu năm nay (trước khi có đối đầu tại bãi Tư Chính) ông cho rằng Việt Nam sẽ được Bắc Kinh chọn để "khởi động cuộc chiến" vì đó là "một quốc gia tầm trung dễ bị quân đội Trung Quốc đánh bại" (10).

Rõ ràng quân đội Việt Nam yếu kém hơn quân đội Trung Quốc. Trong khi Việt Nam chi 5 tỷ USD mỗi năm cho quốc phòng thì Trung Quốc chi 200 tỷ USD. Quân số Trung Quốc gấp 5 lần Việt Nam, trong khi số máy bay chiến đầu gấp 10 lần (3.187 trên 318) và số tàu chiến gấp 11 lần (714 trên 65). Trang bị của quân đội Trung Quốc tốt hơn nhiều. Hải quân Trung Quốc có tàu sân bay và tàu khu trục, trong khi Việt Nam không có. Nếu đối đầu (standoff) hiện nay trở thành đối kháng vũ trang (armed confrontation) thì đó là cơ hội để Trung Quốc "tập sẵn sàng chiến đấu" cho các trận đánh lớn hơn trong tương lai tại vùng biển có tranh chấp (11).

Hiện nay Việt Nam mua khoảng 4/5 thiết bị quân sự của Nga và 1/10 của Israel. Nếu Việt Nam mua thêm thiết bị của Mỹ, thì Washington có thể ưu ái không trừng phạt Việt Nam theo luật CAATSA (Countering America’s Adversaries Through Sanctions Act) vì mua vũ khí của Nga. Vừa qua Việt Nam đã được Mỹ tạm miễn trừ theo luật CAATSA, vì cựu bộ trưởng quốc phòng James Mattis cho hưởng ngoại lệ (waiver). Nhưng để ngoại lệ đó trở thành chính thức, Hà Nội phải chứng tỏ đang giảm phụ thuộc vào vũ khí nhập của Nga. Hầu hết các nhà phân tích cho rằng trong tình huống bất cân xứng (asymmetry), lựa chọn chiến lược duy nhất của Việt Nam trong một cuộc xung đột trong tương lai là phòng vệ (defensive).

Mỹ cần phải chứng tỏ rằng họ nghiêm túc đảm bảo an ninh cho Việt Nam để đối phó với Trung Quốc. Chắc chắn Hà Nội vẫn nhớ rằng tổng thống Obama đã không bảo vệ cho đồng minh khi Trung Quốc chiếm Scarborough Shoal của Philippines (năm 2012). Obama cũng không hỗ trợ Việt Nam trong vụ đối đầu dàn khoan HD-981 (năm 2014). Trump cũng cư xử tương tự, tuy tuyên bố cứng rắn nhưng không có hành động tương xứng khi Trung Quốc bắt nạt Việt Nam (và Repsol) buộc phải bỏ kế hoạch khai thác dầu khí tại vùng đặc quyền kinh tế của mình tại mỏ Cá Rồng Đỏ (lô 136-03 & 07-03) vào tháng 7/2017 và tháng 3/2018.

Đối với Việt Nam, chắc Washington cũng không muốn mở rộng chiến tranh thương mại sang một đối tác chiến lược tiềm năng tại khu vực (chỉ vì lý do kinh tế). Đây không phải là mặt trận phụ (sideshow) của Trung Quốc, là mục tiêu chính trong cuộc chiến thương mại "phi truyền thống" (hay "chiến tranh lạnh mới"). Tuy Trung Quốc gây sức ép mạnh hơn lên Việt Nam, vô hình trung đẩy Việt Nam vào vòng tay Mỹ, nhưng thật vô lý nếu chính quyền Trump đúng lúc này lại trừng phạt và đẩy Việt Nam trở lại vòng tay Trung Quốc.

Một yếu tố khác trong thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Mỹ là sự "thiếu hụt thông tin". Nhiều người không hiểu rằng trong tổng số hàng nhập của Việt Nam bao gồm một tỷ lệ rất lớn (hơn 70%) từ "khu vực FDI" (đầu tư nước ngoài). Đó chủ yếu là hàng tiêu dùng "sản xuất tại Việt Nam" nhưng không hẳn là "sản phẩm của Việt Nam", mà là "sản phẩm gia công" cho các nhà đầu tư nước ngoài. Các mẫu điện thoại iphone (của Samsung) hoặc giầy Nike (của Mỹ) tuy sản xuất tại Việt Nam nhưng không hẳn là sản phẩm của Việt Nam mà là của hàn Quốc (hoặc của Mỹ) trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ví dụ, một đôi giầy Nike "sản xuất tại Việt Nam" và bán ở Mỹ với giá khoảng 100 USD, thì Việt Nam chỉ được hơn 1 USD. Đây chính là "bẫy gia công" mà các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo rủi ro trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Lời cuối

Trong bối cảnh "khủng hoảng Biển Đông lần 2", Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 50-NQ/TW (20/8/2019). Đây là một cột mốc quan trọng để điều chỉnh chiến lược theo định hướng mới, trước chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (dự kiến tháng 10/2019). Nó đã mở ra một bước ngoặt mới, để Hà Nội tuyên bố mạnh mẽ hơn, tàu cảnh sát biển Việt Nam hành động kiên quyết hơn tại bãi Tư Chính, và hải quân Việt Nam mạnh dạn hơn, tham gia cuộc tập trận (lần đầu tiên) với Mỹ và ASEAN (2-6/08/2019).

Nghị quyết 50 (từ trên xuống) là một yếu tố thay đổi được công chúng ủng hộ (từ dưới lên), báo hiệu một bước chuyển biến tích cực đang diễn ra (như "cùng tắc biến") đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách phải đổi mới từ bên trong và liên kết với bên ngoài. Hành động xâm lược của Trung Quốc tại bãi Tư Chính cũng là một yếu tố thúc đẩy đồng thuận quốc gia và đồng thuận quốc tế chống Trung Quốc, mà bài viết của ông Vũ Ngọc Hoàng là một chỉ dấu điển hình (12).

Một lần nữa khi tổ quốc lâm nguy, người Việt Nam lại phải dẹp bỏ lợi ích cá nhân hay phe nhóm, để chung tay bảo vệ lợi ích quốc gia. Điều đó không dễ, vì các nhóm lợi ích trong nước (cũng như giữa các nước ASEAN) đã bị Trung Quốc phân hóa và thao túng. Chuyến thăm Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng là cơ hội tốt để đổi mới thể chế (bên trong) và liên kết chiến lược với Mỹ (bên ngoài), nhằm bảo vệ chủ quyền tại Biển Đông. Nói cách khác, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và chủ quyền Biển Đông có mối liên kết chặt chẽ.

Nguyễn Quang Dy

Nguồn : viet-studies, 09/09/2019

Tham khảo :

(1) The High Costs of the New Cold War, Minxin Pei, Project syndicate, March 14, 2019

(2) Party Man : Xi Jinping’s Quest to Dominate China, Richard McGregor, Foreign Affairs, September / October 2019

(3) Trump Has China Policy About Right, Roger Cohen, New York Times, August 30, 2019

(4) How to Confront an Advancing Threat From China, Nikki Haley, Foreign Affairs, July 18, 2019

(5) SBS News, 08/08/2019

(6) The Old World and the Middle Kingdom : Europe Wakes Up to China’s Rise, Julianne Smith & Torrey Taussig, Foreign Affairs, September/October 2019

(7) Asia’s Coming Era of Unpredictability, Robert KaplanForeign Policy, September 1, 2019

(8) Asia Has Three Possible Futures, Stephen Walt, Foreign Policy, September 5, 2019

(9) The Next Battleground in Trump’s Trade War : Vietnam, Alexander Hitch, Diplomat magazine, September 2019

(10) Vietnam Is the Chinese Military’s Preferred Warm-Up Fight, Derek Grossman, Diplomat, May 14, 2019

(11) Why China is picking a fight with Vietnam, David Hutt, Asia Times, September 5, 2019

(12) Trao đổi nhanh về chuyện Biển Đông, Vu Ngoc Hoang, Viet-studies, 08/09/2019

Published in Diễn đàn

Thế kỷ 21 có nhiều nghịch lý, vì biến số (variables) ngày càng tăng và hằng số (constants) ngày càng giảm, làm chính trị quốc gia và trật tự thế giới biến đổi khó lường. Trong khi thế giới thay đổi quá nhanh (theo biến số) thì tư duy con người thay đổi quá chậm (theo hằng số), như một nghịch lý trong nhận thức về thế giới. Sử gia Yuval Harari cho rằng thế kỷ 21 là thời kỳ "hậu sự thật" (post truth) với nhiều "tin vịt" (fake news), làm người ta dễ ngộ nhận.

caito1

Việt Nam phải quyết điều chỉnh chiến lược và cải tổ thể chế - Ảnh minh họa

Bài này đề cập đến mấy vấn đề lớn có nhiều biến số, đang thách thức Việt Nam tại bước ngoặt mới năm 2019 :

1) Trung Quốc đang bắt nạt Việt Nam tại bãi Tư Chính ;

2) Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp tai họa do quá nhiều đập thủy điện ;

3) Đối đầu Mỹ-Trung có thể làm cho Việt Nam "lợi bất cập hại" ;

4) Trước bức tranh địa chính trị đầy bất trắc, muốn thoát hiểm Việt Nam phải quyết điều chỉnh chiến lược và cải tổ thể chế, trước khi quá muộn.

Khủng hoảng bãi Tư Chính

Sự kiện dàn khoan HD-981 (5/2014) là một cú sốc, gây khủng hoảng Biển Đông, xô đẩy Việt Nam về phía Mỹ, như "hệ quả không định trước" (unintended consequence). Nhưng sự cố đó có lẽ chưa đủ mạnh để thắng nguyên trạng. Quan hệ Trung-Việt tuy xa hơn "nhưng không quá xa", và quan hệ Mỹ-Việt tuy gần hơn "nhưng không quá gần" (Alexander Vuving). Việt Nam vẫn cố giữ thăng bằng với Mỹ-Trung, với chính sách quốc phòng "ba không".

Tháng 7/2019, nhóm tàu khảo sát HD-8 và tàu hải cảnh Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam tại bãi Tư Chính, gây khủng hoảng Biển Đông một lần nữa và đang xô đẩy Việt Nam về phía Mỹ. Trước đó (7/2017 và 3/2018) Việt Nam đã bị họ đe dọa phải bỏ dở dự án "Cá Kiếm Nâu" (lô 136) và "Cá Rồng Đỏ" (lô 07.05).

Đồng thời, Trung Quốc đã tập trận, bắn thử tên lửa đạn đạo diệt hạm (ASBM) và cho một phi đội gồm 3 chiếc Su-35 hiện đại (trong số 24 chiếc) tập tấn công mục tiêu trên Biển. Theo Derek Grossman (RAND), Biển Đông là nơi lý tưởng để PLA thử tác chiến trên biển, vừa để rút kinh nghiệm, mà không sợ Mỹ can thiệp, và có thể thắng trận (1).

Ngày 19 và 20/07/2019, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam và Mỹ đã lên tiếng phản đối Trung Quốc và đòi họ rút tàu về. Mỹ là quốc gia đầu tiên (và đến nay là duy nhất) đã lên tiếng gián tiếp ủng hộ Việt Nam, trong khi các nước khác là đối tác chiến lược với Việt Nam vẫn chưa lên tiếng. Tuy lập trường của Trung Quốc trái với luật biển (UNCLOS) và phán quyết của PCA, nhưng truyền thông của họ hoạt động có lẽ hiệu quả hơn Việt Nam (2).

Trong khi đó (ngày 24/07/2019) Trung Quốc đã công bố Sách Trắng có tựa đề "Quốc phòng Trung Quốc trong kỷ nguyên mới", trong đó cáo buộc "Mỹ đang làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông". Đây là Sách Trắng mới của Trung Quốc (kể từ năm 2015), trong khi Việt Nam vẫn chưa có Sách Trắng mới (kể từ năm 2009). Riêng về Biển Đông, Sách Trắng mới của Trung Quốc đã khẳng định "tình hình nhìn chung vẫn ổn định và đang cải thiện, trong khi các nước đang điều tiết những mối nguy cơ và sự khác biệt một cách hợp lý".

Gần đây, hội nghị các bộ trưởng quốc phòng ASEAN (ADMM-13) tại Bangkok (11/07/2019) không đề cập đến Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, và tàu hải cảnh của họ vi phạm vùng EEZ của Philippines, Malaysia, và Việt Nam. Hội nghị ngoại Trưởng ASEAN (31/07/2019) tuy ra được tuyên bố chung về Biển Đông, nhưng không nêu đích danh Trung Quốc. Tình hình Biển Đông khủng hoảng do Trung Quốc bắt nạt các nước khu vực, nhưng họ khẳng định "đang có hòa bình và ổn định tại Biển Đông, không cần nước ngoài can thiệp". 

Đằng sau việc cho tàu hải cảnh quấy rối và đe dọa hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam tại bãi Tư Chính, Trung Quốc còn có một thông điệp nữa là không ai có thể thăm dò và khai thác dầu khí tại "vùng biển tranh chấp" nếu không có sự đồng ý của họ. Nói cách khác, trong khi Trung Quốc chưa thể khai thác nguồn dầu khí tại đây, thì cũng không ai được đụng tới. Ý đồ của Trung Quốc là biến bãi Tư Chính (nằm trong vùng EEZ của Việt Nam) thành "vùng biển tranh chấp" và áp đặt "đường lưỡi bò" để kiểm soát như "cái ao của họ".

Trung Quốc chắc nhận thấy rằng cứ bắt nạt và cưỡng ép từng nước sẽ có kết quả, với chiến thuật "bẻ từng chiếc đũa" như "tầm ăn dâu" để thay đổi nguyên trạng trên thực địa và biến nó thành "chuyện đã rồi" trong một "vùng xám" (grey area) mà họ có lợi thế so sánh tại Biển Đông. Chắc Trung Quốc sắp tới sẽ tiếp tục bắt nạt Việt Nam để đạt được mục tiêu, bất chấp phản ứng của các nước dựa trên luật quốc tế. Chính sách bành trướng của Trung Quốc không hề thay đổi, vì họ chưa bao giờ tôn trọng luật quốc tế hay tuân thủ phán quyết PCA.

Việt Nam có 67 lô dầu khí thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, nhưng trong "đường lưỡi bò" (phi pháp) mà Trung Quốc áp đặt. Lần trước (2017-2018), Việt Nam đã im lặng chịu thua Trung Quốc ép EVN-Repsol ngừng dự án "Cá Kiếm Nâu" (lô 136.01) và Cá Rồng Đỏ" (lô 07.05). Lần này, Trung Quốc định quấy rối, ép PVN-Rosneft ngừng dự án "Lan Tây-Lan đỏ" (lô 06.01). Nếu Việt Nam để mất 2 lô này (hay chấp nhận chia đôi với Trung Quốc), thì sẽ mất thêm nhiều lô khác, vì tham vọng độc chiếm Biển Đông của họ.

Tại hội thảo lần thứ 9 về Biển Đông (CSIS, July 24, 2019), Greg Poling (AMTI Director/CSIS) nói rằng nếu Mỹ và các nước khu vực không cứng rắn, thì vài năm tới Trung Quốc sẽ kiểm soát được Biển Đông. Trong khi Malaysia và Việt Nam đã chuyển thái độ từ im lặng nay lên tiếng mạnh mẽ và tiếp tục khai thác dầu khí, bất chấp Trung Quốc quấy rối và đe dọa, thì Philippines vẫn tỏ ra mềm yếu, không dám lên tiếng phản đối Trung Quốc. Theo Poling, nếu kháng cự thì Bắc Kinh sẽ lùi bước, nên "Cách tốt nhất để giảm thiểu rủi ro không phải là không làm gì cả, mà là củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ. Philippines cần làm rõ bất kỳ một cuộc tấn công nào của Trung Quốc vào Philippines sẽ dẫn đến can thiệp của Mỹ, đồng thời kiên trì khẳng định chủ quyền của mình để Trung Quốc hiểu rằng bắt nạt không có kết quả" (3).

Theo Bonnie Glaser (senior advisor/CSIS), Việt Nam không có hiệp ước phòng Thủ tướng hỗ với Mỹ nên dễ bị Trung Quốc bắt nạt (mà Mỹ không làm gì được). Dù Mỹ có lên tiếng mạnh mẽ nhưng chưa đủ buộc Trung Quốc rút tàu về. Chắc Trung Quốc đánh giá thấp phản ứng của Việt Nam. Nếu họ không rút tàu về thì Việt Nam có thể kiện ra tòa và có thể thắng kiện. Việt Nam nên hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ về quân sự, dù Mỹ không từ bỏ lập trường trung lập đối với tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Chính quyền Trump đang "mở rộng phạm vi định nghĩa về lợi ích của Mỹ trong khu vực", để bảo vệ quyền hợp pháp của các nước tại Biển Đông. Bonnie Glaser cho rằng điều này rất quan trọng đối với Việt Nam và Philippines.

Khi Trung Quốc cho tàu hải cảnh đến vùng biển Malaysia để quấy rối hoạt động của giàn khoan Sapura Esperanza (ngoài khơi bãi cạn Luconia), báo chí chính thống của Malaysia lúc đầu cũng không đưa tin (mà chỉ có mạng xã hội lên tiếng). Tại Việt Nam cũng vậy, lúc đầu Hà Nội đã chỉ đạo báo chí trong nước im lặng (cho đến 19/07/2019). Dường như Malaysia và Việt Nam "không muốn làm to chuyện", để âm thầm giải quyết với Trung Quốc. Điều đó dẫn đến nghịch lý lần này tuy vấn đề nghiêm trọng, nhưng người dân không bức xúc như trước.

Theo Lê Thu Hương (ASPI/ANU), vừa qua Việt Nam đã giữ im lặng khá lâu và không cho báo chí đưa tin vì mấy lý do chính. Một là Hà Nội muốn kiểm soát tâm trạng bức xúc của người dân Việt Nam vốn ghét Trung Quốc, có thể bùng phát thành biểu tình dẫn đến bạo động như năm 2014 (vì sự kiện dàn khoan HD-981). Hai là Hà Nội hy vọng có thể vận động Mỹ và các nước khác lên tiếng phản đối Trung Quốc và ủng hộ Việt Nam. Nhưng từ năm 2018, khi Việt Nam quyết định hoãn triển khai 15 thỏa thuận hợp tác với Mỹ (chắc để làm vừa lòng Trung Quốc) hợp tác quốc phòng Mỹ-Việt (năm 2019) dường như đang chững lại. 

Theo Đô đốc Scott Swift (former Pacific Fleet Commander), tuy những hoạt động tuần tra vì tự do trên biển (FONOP) của tàu chiến Mỹ tại Biển Đông là cần thiết, nhưng lâu nay không hiệu quả vì không gắn kết với một chiến lược lớn mang tầm quốc gia. Scott Swift cho rằng tuần tra FONOP cần tiến hành cách nhau "4 tuần một lần", chứ không phải "6 tuần một lần" như hiện nay, và nên công bố kế hoạch tuần tra FONOP "ba tháng một lần", chứ không phải "mỗi năm một lần" như hiện nay. Nhưng ông cũng cho rằng hải quân Mỹ không nên tham gia bảo vệ các hoạt động thăm dò hay khai thác dầu khí của các nước khu vực.

Để răn đe các hành động đe dọa xâm lấn và bắt nạt các nước láng giềng của Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông, "Dự luật Trừng phạt vì Biển Đông và biển Hoa Đông" đã được 13 Thượng nghị (của cả hai đảng) do Thượng nghị sĩ Marco Rubio đưa ra Quốc hội (23/5/2019). Một khi được thông qua, luật này sẽ là một công cụ hữu hiệu để răn đe Trung Quốc phải nghĩ lại trước khi có hành động vi phạm luật. Sau vụ đối đầu tại bãi Tư Chính, ngày 26/07/2019, ông Eliot Engel (Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ) đã lên án "sự hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông đang đe dọa Việt Nam và coi thường luật pháp quốc tế" (4).

Khủng hoảng sông Mekong

Sông Mekong dài 4.800 km có hệ sinh thái đa dạng thứ hai thế giới (chỉ sau Amazon), nhưng có quá nhiều đập thủy điện đã làm dòng sông bị kiệt quệ và biến dạng, đe dọa cuộc sống gần 60 triệu dân trong lưu vực sông Mekong. Riêng Trung Quốc đã làm 11 đập thủy điện lớn trên thượng nguồn (Lan Thương) sản xuất tới 21.300 megawatt, trong khi Lào có 64 đập thủy điện (nhưng nhỏ hơn) sản xuất được 6.000 megawatt. Theo các chuyên gia về môi trường, "Trung Quốc đang kiểm soát hoàn toàn sông Mekong" (Reuters 24/07/2019).

Năm 2016, Trung Quốc đã bất ngờ giảm lưu lượng nước từ thượng nguồn, làm mực nước sông Mekong giảm xuống thấp tới mức kỷ lục, gây ra hạn hán lớn tại Đồng bằng sông Cửu Long. Đến tháng 7/2019, Trung Quốc lại bất ngờ giảm lưu lượng nước, lấy cớ phải bảo trì mạng tải điện, làm nguồn nước chỉ còn một nửa (thấp nhất từ trước đến nay). Thực ra, sau sự kiện Bãi Tư Chính, Trung Quốc có thể đóng tất cả các đập trên thượng nguồn.

Lâu nay, người ta thường đề cập đến 3 nguyên nhân chính làm giảm thiểu nguồn nước sông Mekong. Một là hạn hán do lượng mưa quá ít như hệ quả của biến đổi khí hậu (hiện tượng el nino). Hai là giảm lượng nước xả ra từ đập thủy điện Cảnh Hồng (Vân Nam, Trung Quốc). Ba là kế hoạch tích nước lại để chạy thử máy phát điện tại đập Xayaburi (Lào). Nói cách khác, đó là mối đe dọa thường trực đối với đồng bằng sông Cửu Long (Nam Bộ).

Ngoài 11 dự án thủy điện lớn tại Vân Nam (như Cảnh Hồng), Trung Quốc định làm thêm 20 dự án nữa. Ngoài mấy dự án lớn như Xayaburi (năm 2012 bị kiện nhưng không dừng), hay Don Sahong và Pak Beng, từ 4/2019 Lào đang làm tiếp dự án Pak Lay trên dòng chính của sông Mekong. Kết quả là hàng chục triệu dân sống trong lưu vực sông Mekong trở thành nạn nhân của thiên tai (biến đổi khí hậu) và nhân họa (do quá nhiều đập thủy điện).

Theo Ủy Ban sông Mekong (Mekong River Commission), mực nước sông Mekong đang ở mức thấp nhất trong lịch sử. Theo báo cáo của Cục Khí tượng và Thủy văn Lào (18/07/2019) mực nước sông Mekong tại Vientiane thấp nhất trong vòng 50 năm qua. Bangkok Post (16/07/2019) đưa tin mực nước sông Mekong ở Thailand đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 100 năm qua. Hệ quả khủng khiếp của tình trạng đó là nguy cơ hạn hán lớn (do thiếu nước từ thượng nguồn) và ngập mặn (từ biển) đang đe dọa đồng bằng sông Cửu Long. 

Các đập thủy điện (tại Trung Quốc và Lào) không chỉ làm giảm lưu lượng nước, gây ra hạn hán, mà còn làm giảm lượng phù sa cho đồng bằng sông Cửu Long, gây xói mòn và làm ngập mặn vùng đồng bằng ven biển. Theo giới khoa học, thuỷ điện không phải là năng lượng tái tạo và không sạch vì khí thải vô hình từ lòng hồ nhả ra nhiều (ngang với điện than). Theo một báo cáo của tổ chức OXFAM, tổn thất kinh tế do các đập vùng hạ lưu là 7 tỉ USD. 

Có thể nói, sự sống còn của hai vùng kinh tế trọng điểm là đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, với khoảng 23% tổng dân số cả nước và gần 60% tổng lưu lượng dòng chảy hàng năm ở Việt Nam, đang bị đe dọa bởi thiên tai và nhân họa. Sông Mekong không chỉ là vấn đề của Việt Nam với Trung Quốc mà còn là một vấn đề của "Tiểu vùng Mekong" (Mekong sub-basin). Nói cách khác, đây là một vấn đề lớn có ý nghĩa chiến lược tại khu vực "Indo-Pacific". Vì vậy, các nước "tứ cường" (Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ) có vai trò rất quan trọng. 

Đối đầu Mỹ-Trung

Sự biến động trong quan hệ Mỹ-Trung, từ hợp tác chiến lược chuyển sang đối đầu chiến lược, đang làm đảo lộn chính trị quốc gia và trật tự thế giới. Quá trình đó còn đang định hình và chưa ổn định trong thời kỳ quá độ. Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là trò chơi quyền lực trong thời kỳ quá độ, mà thời gian, không gian, và hệ quả chưa xác định. Trong bối cảnh đó, tuy Việt Nam "vừa có lợi vừa có hại", nhưng không khéo sẽ "lợi bất cập hại". 

Theo Bloomberg và Politico (29/07/2019), chính quyền Trump đã nói rõ với Việt Nam rằng họ "phải có biện pháp để giảm mức thâm hụt thương mại" (gần 40 tỷ USD năm 2018, tăng gấp đôi so với năm 2014). Theo Lighthizer (USTR) "các doanh nghiệp Mỹ đang đối mặt với một loạt các rào cản thương mại ở Việt Nam". Trước đó, Tổng thống Trump đã gọi Việt Nam là nước "lạm dụng thương mại tồi tệ nhất". (Fox News, 26/6/2019). Chỉ số thâm hụt thương mại là một trong những điều kiện để Việt Nam có thể rơi vào nhóm các nước thao túng tiền tệ đối với Mỹ, và trở thành mục tiêu tiếp theo bị Mỹ áp thuế (sau Trung Quốc).

Theo Minxin Pei, "thay đổi quan trọng nhất là Mỹ áp dụng lập trường đối đầu với Trung Quốc. Cách tiếp cận đó của Trump thay thế cho chính sách hợp tác kéo dài nhiều thập kỷ, không chỉ dẫn đến một cuộc chiến tranh lạnh về kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới mà còn làm dấy lên nỗi ám ảnh về xung đột vũ trang ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan" (5).

Nhưng đó không chỉ là quan điểm riêng của Trump mà các quan chức an ninh quốc gia và các nghị sĩ hàng đầu của Đảng Cộng hòa và Dân chủ cũng coi Trung Quốc là mối đe dọa lâu dài và nghiêm trọng nhất đối với vị thế toàn cầu và lợi ích sống còn của Mỹ. Tuy thuế quan của Mỹ có thể tập trung vào mục tiêu làm suy yếu tiềm năng kinh tế lâu dài của Trung Quốc, nhưng động lực cơ bản vẫn là làm suy yếu vị thế chiến lược của quốc gia này.

Về kinh tế, các biện pháp thuế quan của Trump có thể gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ vì chúng làm đổ vỡ mối quan hệ kinh tế đã được xây dựng hơn bốn thập kỷ qua. Nhưng về chiến lược, chính sách Trung Quốc của Trump hoàn toàn đối địch với Trung Quốc. Sự thay đổi cơ bản này đã gây bức xúc cho một số học giả về Trung Quốc và các nhà hoạch định chính sách giàu kinh nghiệm của các chính quyền trước. Gần 100 người trong số đó, bao gồm cả Đảng Cộng hòa và Dân chủ, cũng như những người hay chỉ trích chính sách và hành vi của Trung Quốc, vừa gửi một bức thư ngỏ kêu gọi Trump "không nên coi Trung Quốc là kẻ thù".

Tuy đa số người Mỹ ủng hộ Trump chống Trung Quốc như "đồng thuận quốc gia mới", nhưng họ muốn Trump lý giải chính sách Trung Quốc của Mỹ. Trong một thể chế dân chủ như nước Mỹ, với một cộng đồng có dân trí cao, người Mỹ không dễ dàng nhắm mắt tin vào quyết định của một tổng thống như Trump, nhất là về chiến lược đối với Trung Quốc. Đây là vấn đề hệ trọng không chỉ đối với vận mệnh nước Mỹ mà còn với trật tự thế giới.

Theo một khảo sát gần đây của Pew (tháng 8/2018), chỉ có 38% người Mỹ nhìn nhận tích cực về Trung Quốc, trong khi có tới 47% người Mỹ nhìn nhận tiêu cực. Chỉ có 29% người Mỹ được hỏi cho rằng sức mạnh quân sự của Trung Quốc là nguyên nhân chính làm cho họ lo ngại, trong khi có tới 58% người Mỹ được hỏi lo lắng về sức mạnh kinh tế của Trung Quốc. Điều đó chứng tỏ trong mắt của đa số người Mỹ, mục tiêu chính của quan hệ với Trung Quốc là bảo vệ lợi ích kinh tế, chứ không phải để bắt đầu một cuộc đối đầu về địa chính trị.

Nhưng một cuộc đối đầu về địa chính trị dường như chính là điều mà chính quyền Trump đang muốn tạo ra, làm cho sự thay đổi chính sách Trung Quốc của Mỹ diễn ra ngoài tầm giám sát của người dân vì không có tranh luận. Theo Minxin Pei, một cuộc tranh luận như vậy là hết sức cần thiết vì phần lớn người Mỹ không biết về mức độ thay đổi trong chính sách về Trung Quốc của Mỹ. Hệ quả lâu dài của nó khiến Mỹ có nguy cơ rơi vào một cuộc xung đột không biết bao giờ kết thúc. Trong một nền dân chủ, chính phủ không thể theo đuổi một cuộc đấu tranh lâu dài với kẻ thù địa chính trị mà không có sự ủng hộ lâu bền của dân chúng.

Để cuộc tranh luận đáng tin, chính quyền Trump phải trả lời mấy câu hỏi quan trọng về chính sách Trung Quốc. Đầu tiên và quan trọng nhất là mục tiêu tối hậu của chính sách đó là gì ? Câu trả lời có thể bao gồm cách làm thay đổi hành vi và chính sách nhất định của Trung Quốc để ngăn chặn sức mạnh kinh tế và quân sự của họ (hoặc thay đổi chế độ của họ). Chính quyền Trump còn phải lý giải cách để đạt được các mục tiêu trên. Liệu chủ trương "tách rời kinh tế" (economic decoupling) được ưu tiên bởi những quan chức diều hâu về Trung Quốc trong chính quyền Trump, có phải là một chiến lược hiệu quả và khả thi không ?

Các tác giả của bức thư ngỏ cho rằng những nỗ lực của Mỹ nhằm tách Trung Quốc khỏi nền kinh tế toàn cầu "sẽ làm tổn hại vai trò và uy tín quốc tế của Mỹ, và làm suy yếu lợi ích kinh tế của tất cả các quốc gia". Liệu Mỹ có thể thuyết phục được các nước khác bao gồm các đồng minh truyền thống, ủng hộ những nỗ lực đó hay không, hay Mỹ sẵn sàng đơn phương hành động ? Những người ký bức thư ngỏ gồm các nhà kinh tế, chính trị, và tư tưởng nổi tiếng, đưa ra một tuyên bố có đầy đủ cơ sở, cho thấy quan điểm chung của họ về Trung Quốc. Đã đến lúc chính quyền Trump phải làm rõ tầm nhìn và mục tiêu của mình.

Bức tranh địa chính trị

Về chính trị, Trump đang có lợi thế sau khi kết quả điều tra và điều trần của Robert Mueller làm tiêu tan hy vọng của phe Dân Chủ muốn luận tội ông (về quan hệ với Nga). Sắp tới, để đối phó với Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, Trump có thể tăng cường chơi "lá bài Nga". Kinh tế Mỹ đang phát triển tốt là một lợi thế lớn của Trump đối với cử tri Mỹ (dù họ thích hay ghét Trump). Về đối ngoại, chính sách về Trung Quốc của Trump được sự "đồng thuận quốc gia" của lưỡng đảng và quốc hội cũng như nhiều người Mỹ có tâm trạng "bài Trung".

Trong "bức thư ngỏ", gần 100 nhân sĩ Mỹ không phản đối chính sách Trung Quốc của Trump (về chiến lược), mà chỉ muốn Trump lý giải và mềm dẻo (về chiến thuật), đừng coi Trung Quốc là kẻ thù và đừng đối xử quá rắn với các đồng minh truyền thống, làm cho Mỹ bị cô lập. Nhưng với chủ trương "dọn sạch bãi lầy Washington", Trump đã làm mất lòng nhiều người trong giới trí thức và báo chí Mỹ. Đây không phải lần đầu, cũng không phải lần cuối mà họ lên tiếng chỉ trích Tổng thống Trump trong cuộc tranh luận lớn (national debate).

Theo Elizabeth Economy (CFR) "thay đổi chính trị là một trò chơi lâu dài, và trò chơi đó chưa kết thúc" (Political change is a long game, and the game is not over). Còn Ali Wyne (RAND) cho rằng "Washington sẽ khôn ngoan nếu hiểu nguy cơ tất yếu : chấp nhận số phận đóng vai hiện thực. Mỹ và Trung Quốc không thể che đậy mãi sự khác biệt" (6).

Dù tiếp kết cục tranh luận thế nào, đối đầu Mỹ-Trung vẫn là vấn đề quốc tế nổi bật trong thế kỷ này khi chiến tranh thương mại tiếp tục theo quy luật "vừa đánh vừa đàm". Trong khi vấn đề Bắc Triều Tiên đang "giảm nhiệt", do xu thế hòa hoãn (với Mỹ) và hòa giải (với Hàn Quốc), thì vấn đề Biển Đông và Đài Loan đang "tăng nhiệt" như thùng thuốc súng. Đó là hai điểm nóng có nhiều rủi ro trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung tại khu vực Indo-Pacific.

Sau khi quân sự hóa và củng cố được các tiền đồn tại Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc đã lấn chiếm, gây căng thẳng tại Scaborough (Philippines) và bãi Tư Chính (Việt Nam). Đó là hai vị trí xung yếu mà họ tìm cách thâu tóm, vì vậy phải coi bãi Tư Chính là "làn ranh đỏ" (red line) cũng như Scaborough. Nếu Trung Quốc làm chủ được bãi Tư Chính, họ sẽ kiểm soát được Biển Đông, khống chế khu vực Indo-Pacific, và tiến tới thống trị thế giới.

Tại Campuchia, Trung Quốc tìm cách thâu tóm các vị trí xung yếu, như Sihanoukville và Koh Kong (có căn cứ hải quân Ream và sân bay Dara Sakor). Tại Việt Nam, họ tìm cách thâu tóm Tây Nguyên, Vũng Áng, Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc. Trung Quốc còn gây sức ép với các nước láng giềng để làm các dự án hạ tầng lớn có ý nghĩa chiến lược (như đường cao tốc Bắc-Nam tại Việt Nam). Các đặc khu và dự án hạ tầng lớn này nằm trong "sáng kiến Vành đai Con đường" (BRI) nhằm thực hiện ý đồ chiến lược lớn của Trung Quốc. 

Điều đáng lưu ý là Trung Quốc gây căng thẳng trong bối cảnh Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có kế hoạch đi thăm Mỹ (trong mấy tháng tới). Liệu sức ép này của Trung Quốc có đủ sức ngăn cản chuyến đi đó không, sau khi Thủ tướng và Chủ tịch quốc hội Việt Nam đã đi thăm Trung Quốc, như một cách bày tỏ thiện chí để cân bằng quan hệ với hai nước lớn. Nếu Trung Quốc gây sức ép mạnh hơn, liệu Việt Nam có ngả hẳn theo Mỹ ? Liệu năm 2019 có chứng kiến một bước ngoặt mới khi Việt Nam điều chỉnh chiến lược và đổi mới lần hai ?

Gần đây, nhiều người lập luận rằng Việt Nam phải dựa vào Mỹ làm đối trọng với Trung Quốc, nhưng nhiều người khác lập luận rằng Việt Nam phải dựa vào nội lực của mình, không thể dựa vào nước khác. Năm 1974, Mỹ không cứu đồng minh khi Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, và năm 1988, Nga cũng không cứu đồng minh khi Trung Quốc đánh chiếm Trường Sa. Tuy hai lập luận trên đều có lý nhất định, nhưng không nên đơn giản hóa vấn đề mà khẳng định hay phủ định vai trò của đồng minh, vì "chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn".

Việt Nam đã sai lầm khi cô đơn và âm thầm đối đầu với Trung Quốc như vừa qua (7/2019) cũng như trước đây (7/2017 và 3/2018). Ngày 3/07/2014, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói : "Việt Nam không loại trừ các biện pháp pháp lý và Việt Nam sẽ cân nhắc kỹ lưỡng thời điểm thích hợp để khởi kiện Trung Quốc". Nhưng 5 năm qua, Việt Nam vẫn chưa kiện Trung Quốc, làm cho họ càng lấn tới. Dù Trung Quốc không tôn trọng phán quyết của PCA, nhưng kiện là cơ sở để đấu tranh pháp lý và truyền thông. Dư luận khuyên Việt Nam quốc tế hóa vấn đề Biển Đông và kiện Trung Quốc ra PCA (như Philippines) trước khi quá muộn. Theo Alexander Vuving (APCSS/Hawaii) nếu Việt Nam kiện sẽ thắng 100%.

ASEAN và "Tứ cường" (Mỹ, Nhật, Úc, Ấn) cần lên tiếng kịp thời và hành động mạnh mẽ để bênh vực Việt Nam khi bị Trung Quốc bắt nạt. Biển Đông không chỉ là không gian sinh tồn của Việt Nam (và mấy nước ven biển) mà còn là nơi hội tụ lợi ích chiến lược của các nước khác. ExxonMobil và PVN cần triển khai sớm dự án Cá Voi Xanh (lô 118) và liên kết với các đối tác khác (như Nhật, Úc, Ấn) để cùng khai thác dầu khí tại bãi Tư Chính "bất chấp Trung Quốc" như ông John Bolton (cố vấn An ninh Quốc gia) đã tuyên bố (17/10/2018).

Thay lời kết

Bàn cờ Biển Đông giống như "cờ vây" (Weiqi) nên rất khó chơi. Mỹ và Trung Quốc tuy đối đầu (về chiến lược) nhưng vẫn vờn nhau "vừa đánh vừa đàm" (về chiến thuật). Việt Nam tuy có quan hệ đối tác chiến lược với 12 nước, nhưng khi bị bắt nạt bởi Trung Quốc (là một "đối tác chiến lược toàn diện") thì vẫn cô đơn, không có đồng minh thực sự để bênh vực. Đó là một sự thật trớ trêu và là một nghịch lý đáng xem lại về nguyên tắc "ba không".

Muốn tìm giải pháp khả thi để Việt Nam thoát hiểm lúc này rất khó như (như nghịch lý), vừa phải tránh ngộ nhận (nhầm lẫn chiến lược với chiến thuật, mục tiêu với phương tiện), vừa phải chơi cờ thế (hedging) để từng bước thoát Trung. Người Việt phải coi lợi ích quốc gia trên hết, vì sa vào lợi ích nhóm sẽ tự phân hóa và làm triệt tiêu mất sức mạnh dân tộc. Nói cách khác, Việt Nam phải điều chỉnh chiến lược và cải tổ thể chế, trước khi quá muộn.

Nguyễn Quang Dy

Nguồn : viet-studies , 01/08/2019

Tham khảo

(1) "Vietnam Is the Chinese Military’s Preferred Warm-Up Fight", Derek Grossman, Diplomat, May 14, 2019

(2) "Beijing’s South China Sea stance is driving Vietnam into America’s arms"Le Hong Hiep, South China Morning Post, July 25, 2019.

(3) Presentations at the 9th Seminar on the South China Sea, CSIS, July 24, 2019.

(4) "Here’s How China and America’s Missiles in the South China Sea Stack Up", David Axe, National Interest, July 31, 2019.

(5) "The US Needs to Talk About China", Minxin Pei, Project Syndicate, July 22, 2019

(6) "America’s China Policy hasn’t failed, but it needs to be recalibrated", Ali Wyne, WPR, May 2018, in "US-China Rivalry in the Trump Era", WPR Report, October 2018. 

Published in Diễn đàn

Si vis pacem, para bellum.

"Muốn hòa bình phải chuẩn bị chiến tranh"

Những gì đang diễn ra tại bãi Tư Chính là dư chấn như sóng ngầm tiếp theo khủng hoảng lần trước (7/2017 và 3/2018). Vì vậy, tuy không bất ngờ nhưng cũng đừng chủ quan. Theo báo SCMP (12/7/2019), Trung Quốc đã điều tầu HD-8 đến vùng biển gần bãi Tư Chính (Vanguard Bank) để thăm dò dầu khí (từ 3/7/2019). Tàu HD-8 được hộ tống bởi 2 tàu hải cảnh số 3901 (12.000 tấn) và số 37111 (2.200 tấn), được trang bị trực thăng và pháo.

lygiai1

Nhà giàn DK1 ngoài khơi Biển Đông - Bãi Tư Chính - Ảnh minh họa

Cảnh Sát Biển Việt Nam đã điều 4 tàu CSB đến ngăn chặn các tàu Trung Quốc vi phạm chủ quyền. Ngoài 4 tàu CSB Việt Nam và 2 tàu hải cảnh Trung Quốc trực tiếp đối đầu (stand-off) suốt tuần qua tại vùng biển gần bãi Tư Chính (cách Vũng Tầu khoảng 440km), có hàng chục tàu khác của hai bên hoạt động ở ngoại vi. Sự kiện này xảy ra bất chấp cam kết (5/2019) của bộ trưởng Quốc phòng hai nước nhằm giải quyết tranh chấp qua đàm phán.

Theo báo chí chính thống (11/7/2019), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm và làm việc với Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển. Theo nguồn tin không chính thức, Thủ tướng đã nói chuyện qua điện thoại với các tàu CSB đang hoạt động tại vùng biển bãi Tư Chính. Tuy nội dung cụ thể không được thông báo, nhưng chắc Thủ tướng đã chỉ đạo CSB nâng cao cảnh giác để tránh bị động và bất ngờ trước các tình huống khó lường có thể xảy ra trên biển.

Bối cảnh cũ

Cuộc đối đầu lần này tiếp nối cuộc khủng hoảng lần trước tại bãi Tư Chính (7/2017 & 3/2018) cũng như sự kiện dàn khoan HD-981 (5/2014). Trong cuộc khủng hoảng lần trước, Trung Quốc đã huy động hàng trăm tàu để hộ tống dàn khoan HD-760 tiến vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Họ đã đe dọa Việt Nam để buộc Repsol phải dừng khoan tại lô 136/03 (Cá Kiếm Nâu) và lô 07/03 (Cá Rồng Đỏ) nằm trên thềm lục địa của Việt Nam.

Theo các chuyên gia, Exxonmobil (Mỹ) ký hợp đồng với PVN để khai thác khí tại lô 118 (Cá Voi Xanh) có thể làm Bắc Kinh tức giận. Nhưng chắc họ tức giận hơn khi PVN và Repsol (Tây Ban Nha) định khai thác dầu khí tại lô 136/03 và lô 07/03 tại khu vực bãi Tư Chính. Lô 136/03 và 07/03 kề bên (overlaps) một lô dầu khí lớn mà Trung Quốc đã bán quyền khai thác cho Crestone (từ năm 1992) nay thuộc quyền Brightoil (Trung Quốc).

Tháng 4/2017, kế hoạch khai thác dầu khí tại cụm Cá Rồng Đỏ được chính phủ Việt Nam chấp thuận, theo đó 12 giếng dầu sẽ lần lượt được đưa vào hoạt động (từ cuối năm 2019) có tổng công suất khai thác mỗi ngày từ 25.000 đến 30.000 thùng dầu và 60 triệu m3 khí thiên nhiên. Vì lô 07/03 (Cá Rồng đỏ) nằm gần bờ nhất nên được ưu tiên triển khai trước. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, cần triển khai sớm dự án Cá Voi Xanh (là ưu tiên cao nhất).

Theo nguồn tin khả tín từ giới kinh doanh dầu khí quốc tế, việc hủy bỏ kế hoạch khai thác dầu khí tại mỏ Cá Rồng đỏ khiến các bên tham gia phải chịu thiệt hại lên tới 200 triệu USD. Nguyên nhân chính là do áp lực của Trung Quốc đòi chủ quyền theo đường "lưỡi bò", và đe dọa tấn công các đảo do Việt Nam kiểm soát tại Trường Sa và bãi Tư Chính. 

Nhưng theo quan điểm của Việt Nam (và quốc tế), việc Bắc Kinh không cho Việt Nam và các đối tác thăm dò và khai thác dầu khí tại lô 136/03 và 07/03, hay lô 118, là vô lý và ngang ngược. Tuy lô 118 nằm ngoài đường "Lưỡi bò", nhưng Trung Quốc vẫn lập luận rằng khi ExxonMobil khai thác họ có thể hút cạn kiệt bể khí "nằm dưới đường Lưỡi Bò".

Thời điểm mới

Theo Stratfor (12/7/2019) "Trung Quốc và Việt Nam đều không thông báo công khai về đối đầu lần này vì họ không muốn tình trạng căng thẳng đó leo thang vào lúc này". Báo chí hai nước cũng không lên tiếng (trừ báo SCMP tại Hong Kong). Nhưng từ năm ngoái, ông Jack Ma, chủ của Alibaba đã trở thành cổ đông lớn của báo này, nên SCMP không còn độc lập như trước. Tuy nhiên, người ta biết rằng ngày nay mọi hoạt động trên biển không qua được mắt vệ tinh, và mọi diễn biến không thể dễ dàng bưng bít được thông tin như trước.

Nhưng điều đáng lưu ý là thời điểm xảy ra sự kiện đối đầu tại Bãi Tư chính lại trùng hợp với chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam. Tiếp theo thỏa thuận "hưu chiến" Mỹ-Trung tại G-20 Osaka summit (29/6/2019), Mỹ đã quyết định đánh thuế 456% lên thép của Việt Nam có nguồn gốc từ Đài Loan hay Hàn Quốc. Bắc Kinh có thể nghĩ rằng lúc này Hà Nội đang ở thế bất lợi, nên họ cần gây sức ép mạnh hơn.

Trong khi tiếp Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân tại Bắc Kinh (11/7/2019), Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói "hai nước nên bảo vệ hòa bình và ổn định trên biển bằng hành động cụ thể" (safeguard maritime peace and stability with concrete actions). Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư cũng đã nói với Chủ tịch Quốc hội Việt Nam là "hai bên nên cộng tác để xây dựng bộ quy tắc ứng xử (COC) tại Biển Đông".

Trước đó, khi G-20 Osaka summit đang họp thì Hải quân Trung Quốc tập trận bắn đạn thật tại Biển Đông (phía Bắc Trường Sa, từ 29/6 đến 3/7). Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh báo Trung Quốc đã bắn thử tên lửa diệt hạm YJ-12 từ Trường Sa, đe dọa tự do hải hành tại Biển Đông. Gần đây, (6/2019) Hải quân Trung Quốc đã tăng cường hoạt động tại khu vực đảo Thị Tứ, và đâm chìm một tàu đánh cá Philippines tại bãi Cỏ Rong (mà không cứu người).

Có thể nói, trong khi Mỹ-Trung "vừa đánh vừa đàm", Trung Quốc tăng cường gây sức ép và bắt nạt các nước khu vực (như Philippines và Việt Nam). Một là để thử phản ứng của Mỹ và đồng minh. Hai là để phân hóa ASEAN và giữ Việt Nam không ngả theo Mỹ, trước chuyến thăm Mỹ của lãnh đạo Việt Nam. Ba là để trấn an nội bộ trong nước, vì mỗi khi nội bộ bất ổn thì Bắc Kinh thường gây chuyện với bên ngoài để kích động tinh thần dân tộc.

Khả năng chiến tranh

Theo Graham Allison (Belfer Center/Harvard), Mỹ và Trung Quốc dễ sa vào "bẫy Thucydides", và chiến tranh tại Biển Đông khó tránh khỏi. Allison khảo sát 16 trường hợp tranh chấp trên thế giới, có 12 trường hợp dẫn đến chiến tranh. Với đa số áp đảo (3/4), Allison lập luận rằng đó là "quy luật tất yếu" (inevitable). Nhưng lập luận đó có lẽ không ổn.

Theo Alexander Vuving (APCSS/Hawaii), 12 trường hợp Allison cho là đã xảy ra chiến tranh có đặc điểm như "prisoner’s dilemma", trong khi 4 trường hợp còn lại (không xảy ra chiến tranh) có đặc điểm như "chicken game". Theo lý thuyết trò chơi, 2 loại đó có đặc điểm khác nhau, nên kết cục khác nhau, không thể "vơ đũa cả nắm". Trong tranh chấp tại Biển Đông, khả năng xảy ra chiến tranh Mỹ-Trung "rất thấp" (unlikely) vì giống "chicken game".

Tại Biển Đông, Trung Quốc triển khai chiến lược "tầm ăn dâu" để "thay đổi thực địa" (change facts on the ground) như một "chuyện đã rồi" (fait accomli). Trong khi người Trung Quốc coi Biển Đông như một "vùng xám" (grey area) để họ chơi cờ vây và vận dụng Binh pháp Tôn Tử (không đánh mà thắng), thì người Mỹ thường chơi cờ vua và vận dụng binh pháp Clausewitz. Đó là hai cách tư duy theo hệ quy chiếu khác nhau, không nên lẫn lộn.

Tại Biển Đông, Trung Quốc thường dùng kế sách "bên miệng hố chiến tranh" (brinkmanship) để bắt chẹt đối phương phải nhân nhượng. Trong trò chơi "brinkmanship", muốn hòa bình phải sẵn sàng chiến tranh. Winston Churchill đã nói "Một dân tộc tìm cách tránh chiến tranh bằng cái giá của sự nhục nhã thì cuối cùng sẽ nhận lấy cả sự nhục nhã và chiến tranh". Cụ Hồ cũng từng nói "chúng ta càng nhân nhượng thì thực dân Pháp càng lấn tới". Nay Trung Quốc là "thực dân mới" (lời ông Mahathir), nếu càng nhân nhượng, họ càng lấn tới.

Dưới thời ông Obama, Mỹ không dám đương đầu với Trung Quốc như thời ông Trump hiện nay. Trung Quốc đã nắm được chỗ yếu đó, nên đã lấn tới. Tuần tra FONOP tại Biển Đông theo cách "đi qua vô hại" (innocent passage) đã vô hình trung khuyến khích Trung Quốc càng hung hăng hơn. Trung Quốc đã tranh thủ bồi đắp và quân sự hóa các đảo nhân tạo mà họ chiếm tại Hoàng Sa và Trường Sa thành các căn cứ quân sự như hiện nay.

Đối tác chiến lược

Nhưng tại sao Trung Quốc lại tập trung gây sức ép tại bãi Tư Chính mà không gây sức ép tại mỏ khí Cá Voi Xanh (lô 118) của Exxonmobil. Đơn giản vì bãi Tư Chính là khâu yếu nhất, khó bảo vệ vì cách xa bờ (cách Vũng Tầu 440km). tháng 7/2017 và 3/2018, Việt Nam và Repsol (Tây Ban Nha) đã phải ngừng khoan dầu khí và chịu thua Trung Quốc do đơn độc và yếu hơn (không có đồng minh bảo vệ). Trong khi đó, Cá Voi Xanh (lô 118) của ExxonMobil chỉ cách Đà Nẵng 88km, và đụng vào ExxonMobil là đụng vào Hải Quân Mỹ.

Nếu Trung Quôc bắt nạt được Việt Nam và Tây Ban Nha (tại lô 136/03 và 07/03), thì họ có thể gây sức ép với Ấn Độ (tại lô 128) và Mỹ (tại lô 118) để nhổ ba cái gai nhọn cắm vào "lưỡi bò" của họ. Nếu nhổ được ba cái gai đó, họ sẽ kiểm soát được Trường Sa và làm chủ Biển Đông. Cũng như Scarborough, bãi Tư Chính là "làn ranh đỏ" (red line), có ý nghĩa địa chiến lược. Nếu Việt Nam (và Mỹ) để mất bãi Tư Chính vào tay Trung Quốc như Philippines (và Mỹ) đã để mất Scarborough (năm 2012) thì đó sẽ là một sai lầm chiến lược lớn.

Các sự kiện diễn ra liên quan đến lô 136/03 (Cá Kiếm nâu) tháng 7/2017, lô 118 (Cá Voi xanh) tháng 11/2017, và lô 07/03 (Cá Rồng đỏ) tháng 3/2018, đã làm bộc lộ bản chất và thái độ ngang ngược của Trung Quốc. Họ dựa trên sự áp đặt đường lưỡi bò bất hợp pháp tại biển Đông để ngăn cản tất cả các đối tác quốc tế nào muốn hợp tác dầu khí với Việt Nam. Điều đó nhất quán với "Tam chủng Chiến pháp" (Three War Doctrine) của Trung Quốc.

Nhưng liệu Mỹ dưới thời ông Trump có bảo vệ Việt Nam không, khi hai bên chưa phải là đồng minh và đối tác chiến lược ? Theo chuyên gia Bonnie Glaser (CSIS) "có rất ít khả năng Mỹ sẽ can thiệp quân sự để bảo vệ Việt Nam chống lại Trung Quốc, vì Việt Nam không phải là đồng minh của Mỹ". (What would the U.S. have done differently ? I find it unlikely that the U.S. would militarily defend Vietnam against China. Vietnam isn’t an ally).

Nếu Mỹ không can thiệp vào tranh chấp tại Biển Đông và không sẵn sàng bảo vệ đồng minh hay đối tác (như Philippines hay Việt Nam), thì đúng ý Trung Quốc, vì họ chỉ muốn loại Mỹ ra khỏi Biển Đông. Nếu ASEAN cũng không can thiệp và khoanh tay đứng nhìn khi Việt Nam bị bắt nạt và đe dọa thì cũng đúng ý Trung quốc. Họ chỉ muốn phân hóa làm suy yếu ASEAN bằng cách tách bó đũa ra để bẻ từng chiếc, nên không đàm phán đa phương.

Alexander Vuving đã nhận xét rằng quan hệ Trung-Việt nay tách xa hơn "nhưng không quá xa", còn quan hệ Mỹ-Việt nay gần hơn "nhưng không quá gần". Tuy nhiên, sau khi tổng thống Obama đến thăm Việt Nam (5/2016), bỏ cấm vận vũ khí, và thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm Mỹ (6/2017), gặp Tổng thống Donald Trump, thì quan hệ Mỹ-Việt hầu như đã trở thành đối tác chiến lược "trên thực tế" (de facto). Thế cân bằng tĩnh đang bị phá vỡ, biến tam giác cân "Mỹ-Trung-Việt" trở thành tam giác "bất cân xứng", đầy biến số.

Làm sao giữ nước

Vấn đề cốt lõi (bottom line) là Trung Quốc muốn áp đặt đường "lưỡi bò" để thâu tóm Biển Đông như cái ao của họ. Trung Quốc không muốn Việt Nam (hay Philippines) hợp tác khai thác dầu khí tại Biển Đông với bất kỳ đối tác nào khác (như Tây Ban Nha, Mỹ, Ấn Độ, Nga) mà không phải Trung Quốc. Họ chỉ muốn Việt Nam cùng Trung Quốc khai thác chung theo cách của họ mà ông Mahathir có lần chỉ trích là "thực dân kiểu mới".

Trong bối cảnh trật tự thế giới ngày càng mất trật tự (disorder) như hiện nay, nước nào cũng cần có đồng minh chiến lược để không bị cô độc. Những nước nhỏ yếu hơn là hàng xóm của một siêu cường (như Trung Quốc) càng cần có đồng minh chiến lược để làm đối trọng khi cần thiết (hedging strategy). Nhưng đừng nên ảo tưởng trông chờ vào cường quốc khác bảo vệ mình, nếu không biết phát huy nội lực để tự cường và độc lập. Muốn vậy, phải nâng cao dân trí, đổi mới thể chế và điều chỉnh hệ quy chiếu để không bị lạc hậu và tụt hậu.

Dư luận cho rằng trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần ưu tiên đầu tư để nâng năng lực của Cảnh sát Biển (nói riêng) và Hải quân (nói chung). Điều đó tuy đúng nhưng có lẽ chưa đủ, và có thể là "quá ít và quá muộn" (too little too late). Tuy phải làm mọi cách để nâng cao năng lực CSB, nhưng năng lực chiến đấu không chỉ phụ thuộc vào sức mạnh cứng (như khí tài và hỏa lực) mà còn phụ thuộc vào sức mạnh mềm (như dân trí và dân khí).

Ngày trước, khi thực dân Pháp đem chiến hạm đến cửa biển Thuận An để dọa nạt, triều đình chỉ muốn yên lặng để "giữ hòa khí", trong khi người Việt chỉ ham uống rượu và ngâm thơ. Dân trí như vậy, làm sao không mất nước ? Ngày nay, khi Trung Quốc đem chiến hạm đến bãi Tư Chính để bắt nạt, Việt Nam cũng muốn yên lặng để giữ hòa khí và đại cục, trong khi tranh cãi sôi nổi nên làm đường sắt cao tốc 200km/h hay 350km/h, nên cho "mở lon Viêt Nam" và "dùng lu" để chống lụt hay không. Dân trí như vậy, làm sao giữ được nước ?

Trong khi hy vọng tranh chấp tại bãi Tư chính có thể dàn xếp được (trước mắt), Việt Nam cần chuẩn bị cho mọi tình huống (lâu dài). Trong chuyến thăm Mỹ sắp tới của Tổng Bí thư/Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (nếu sức khỏe cho phép), việc ký kết hay bàn bạc về một thỏa thuận hợp tác chiến lược (như với các đồng minh/đối tác khác) là thiết yếu để tạo ra một đòn bẩy chiến lược đủ sức răn đe đối với các tham vọng của Trung Quốc. Điều này phù hợp với "chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển" (theo Nghị quyết 36-NQ/TW). 

Nguyễn Quang Dy

Nguồn : viet-studies, 14/7/2019

Tham khảo

"China and Vietnam in standoff over Chinese survey ship mission to disputed reef in South China Sea", Liu Zhen, South China Morning Post, July 12, 2019

"China, Vietnam : Reports Suggest Maritime Standoff Near Spratly Islands", Stratfor, situation report, July 12, 2019

"Tensions Bubble to the Surface in China-Vietnam Spat", Murray Hiebert & Gregory Poling, CSIS AMTI update, June 28, 2017

"Khủng hoảng Biển Đông lần thứ hai", Nguyễn Quang Dy, Viet-studies, July 31, 2017

Published in Diễn đàn

Cách mạng thường có nghĩa là thay đổi để tiến lên. Nhưng trong lịch sử hãn hữu có trường hợp cách mạng giật lùi (regression) như cách mạng Hồi giáo cực đoan tại Iran (1978-1979) do giáo chủ Avatollah Khomeini cầm đầu. Không hiểu tại sao người ta lại gọi đó là "cuộc cách mạng vĩ đại thứ ba trong lịch sử" (sau Cách mạng Pháp và Cách mạng Nga).

tap1

Những nghịch lý trong chiến lược của Tập Cận Bình với câu hỏi cơ bản đặt ra khi ông theo đuổi "Giấc mộng Trung Hoa" nhằm "làm Trung Quốc vĩ đại trở lại"

Gần đây, "Cách mạng Lần thứ ba" tại Trung Quốc do Tập Cận Bình cầm đầu (từ 2012) đã làm ngược lời khuyên của Đặng Tiểu Bình là "Giấu mình Chờ thời" và khôi phục Sùng bái Cá nhân như thời Mao Trạch Đông. Tập Cận Bình đã trở thành "Hoàng đế Đỏ" quá sớm như "Cao Biền dậy non", dẫn đến đối đầu Mỹ-Trung và chiến tranh lạnh về kinh tế.

Gần đây, chủ trương kiểm soát cực đoan đã xô đầy hàng triệu người Hồng Kông xuống đường phản đối luật dẫn độ đang đe dọa quy chế tự do dân chủ của Hồng Kông. Nếu nhà cầm quyền không nhân nhượng, phái diều hâu ở Mỹ sẽ có thêm lý do để chống Trung Quốc. Hồng Kông Policy Act và Taiwan Act có giá trị răn đe Trung Quốc không được vi phạm cam kết. Hồng Kông và Đài Loan là hai quả bom nổ chậm làm Bắc Kinh đau đầu.

Theo Minxin Pei, khi đối đầu Mỹ-Trung leo thang làm Trung Quốc khó tiếp cận nguồn vốn và công nghệ Mỹ, vai trò Hồng Kông càng quan trọng hơn. Trừ phi lãnh đạo Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận thảm họa, "Bắc Kinh nên rút bỏ dự luật này trước khi quá muộn" (1). 

Trong đối đầu chiến lược Mỹ-Trung đầy biến số, tương lai Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn và công nghệ cao. Ngày 24/5/2019, chương trình SpaceX của Elon Musk đã phóng thành công 60 vệ tinh đầu tiên của dự án Starlink, nhằm cung cấp Internet tốc độ cao cho toàn thế giới. Starlink có thể làm hệ thống 5G của Huawei trở nên lạc hậu.

Cách mạng lần thứ ba

Theo các học giả, kể từ khi lập quốc (1949) Trung Quốc đã trải qua ba cuộc cách mạng hiện đại. Lần thứ nhất là khi Hồng quân của Đảng Cộng sản do Mao Trạch Đông cầm đầu đã giải phóng lục địa và thống nhất Trung Quốc. Nhưng sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Mao đã nôn nóng phạm sai lầm nghiêm trọng về "Đại Nhảy vọt" (1958-1961) làm hơn 30 triệu người chết và "Cách Mạng Văn Hóa" (1966-1976) làm Trung Quốc suy sụp.

Lần thứ hai là khi Đặng Tiểu Bình lên cầm quyền trong hai thập niên (1970 và 1980), đã triển khai cải cách kinh tế thị trường triệt để với khẩu hiệu thực dụng "Mèo trắng mèo đen, miễn là bắt được chuột", nới lỏng kinh tế nhà nước và kiểm soát chính trị. Đó là thời kỳ mở cửa ngoại giao mà Richard Nixon và Henry Kissinger đã bắt tay hòa hoãn với Bắc Kinh (1972) để rút quân khỏi Việt Nam và chống Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh lạnh.  

Quan hệ hợp tác Mỹ-Trung đã phát triển sâu rộng trong suốt ba nhiệm kỳ tổng thống Mỹ, với chủ trương can dự (constructive engagement) giúp Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ, bất chấp vụ đàn áp đẫm máu tại Thiên An Môn (1989). Bill Clinton đã cho Trung Quốc hưởng quy chế "tối huệ quốc" và gia nhập WTO (năm 2001). Đó là những điều kiện tiên quyết để Trung Quốc trỗi dậy và "cất cánh", vượt Nhật Bản (2010), và cạnh tranh với Mỹ.

Elizabeth Economy (CFR) đã liệt kê những biến chuyển sâu rộng mà Tập Cận Bình đã tạo ra và coi đó là "cuộc cách mạng lần thứ ba" (third revolution) hay chính xác hơn là "phản cách mạng" (counterrevolution) như Orville Schell đã điểm cuốn sách này. Economy phân tích tại sao thách thức của Trung Quốc đối với trật tự do Mỹ dẫn đầu lại nghiêm trọng như vậy, và các mâu thuẫn trong chính sách của Bắc Kinh lại đe dọa các tham vọng của Tập.

Cuối cùng, Economy đã lạnh lùng truy cứu những nghịch lý trong chiến lược của Tập Cận Bình với câu hỏi cơ bản đặt ra khi ông theo đuổi "Giấc mộng Trung Hoa" nhằm "làm Trung Quốc vĩ đại trở lại" : Một quốc gia phi dân chủ muốn lãnh đạo một trật tự thế giới dân chủ (an illiberal state seeking leadership in a liberal world order) (2).

Sự quyết đoán của Trung Quốc đã bùng nổ cùng với sự trỗi dậy củng cố quyền lực của Tập Cận Bình (từ 2012). Năm 2014, Tập bắt đầu kêu gọi Trung Quốc "không chỉ sẵn sàng viết lại luật chơi mà còn xây dựng sân chơi toàn cầu". Tập không chỉ khôi phục "Sùng bái Cá nhân" như thời Mao Trạch Đông, mà còn xây dựng một hệ thống kiểm soát xã hội và cho điểm công dân (social credit system) như trong một tác phẩm của George Orwell.

Trong hệ thống đó, tin tặc được nhà nước bảo trợ và thể chế hóa để ăn cắp công nghệ của Mỹ, vi phạm bản quyền và nhân quyền. Kết cục là người Mỹ buộc phải lên tiếng chống lại (backlash). Cuốn sách của Economy phản ánh sự điều chỉnh trong tư duy chiến lược của Mỹ về Trung Quốc trong 50 qua, cũng như biến động trong quan hệ đối ngoại Mỹ-Trung.  

Theo một tài liệu nghiên cứu của nhóm đặc nhiệm gồm 15 chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc, (như Elizabeth Economy, David Shambaugh, Winston Lord) do Asia Society và University of California tổ chức, Mỹ-Trung "đang đối đầu" (on a collision course) và "nguy cơ xung đột công khai" (overt conflict) lớn hơn trước. Tuy họ hoan nghênh Trump đã chống lại (pushback) Trung Quốc, nhưng bản thân sự chống lại đó không phải là một chiến lược.

Họ cho rằng Trump đã làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm và khả năng xung đột với Trung Quốc bằng cách làm giảm giá trị hai lợi thế lớn nhất của Mỹ là "hệ thống đồng minh/đối tác và những cơ chế đa phương toàn cầu". Việc Trump bỏ rơi TPP là một sai lầm tai hại. Trump làm giảm giá trị của pháp quyền và uy tín của Mỹ, làm đồng minh lo lắng và làm đối tác bị mắc kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc. Trump khen các nhà độc tài (như Tập và Putin) làm Bắc Kinh càng thêm cứng rắn, và làm khó dễ những người Trung Quốc muốn cải cách chính trị. 

Theo Michael Pillsbury (Hudson Institute), Tập Cận Bình ngày càng hung hăng là một phần của chiến lược nhằm "thay thế vị trí bá quyền của Mỹ". Pillsbury đã lập luận một cách thuyết phục rằng Mỹ đã hiểu sai về Trung Quốc. Trong khi giới tinh hoa tiếp tục bị phân hóa, thì Pillsbury lên án các chuyên gia Mỹ đã nhất quán coi thường giới diều hâu Trung Quốc, nay mới tỉnh ngộ nhận ra Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với vị thế của Mỹ và trật tự thế giới dân chủ (the liberal world order) (3).

Cuốn sách của Economy tuy không gây tranh cãi bằng cuốn của Pillsbury, nhưng đã nêu bật được các điểm yếu và nghịch lý trong chiến lược của Tập Cận Bình, có thể làm hỏng tham vọng của ông. Economy nghi ngờ sức mạnh của Bắc Kinh đã cản trở giáo dục và Internet, nạn trộm cắp bản quyền và hệ thống bất cập đã ngăn cản sự phát triển của một môi trường hậu thuẫn cho nghiên cứu cơ bản với chất lượng cao. Theo David Shambaugh, chỉ có khoảng 2,2 triệu trong số 4 triệu sinh viên Trung Quốc du học từ 1987 đã trở về nước. Trung Quốc không thể bước lên các bậc thang giá trị gia tăng để thoát khỏi "bẫy thu nhập trung bình".

Tương lai Trung Quốc

Theo Ali Wynes (RAND), GNP của Trung Quốc đã tăng 9 lần trong những năm 2001-2016, (từ 1,34 tỷ USD lên 11,2 tỷ USD) trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (sau Mỹ). Năm 2009, Trung Quốc vượt Đức trở thành nước xuất khẩu lớn nhất, và năm 2013 trở thành nước buôn bán lớn nhất. Đóng góp của Trung Quốc cho kinh tế toàn cầu đã tăng bốn lần (từ 4% lên 16%). Đến năm 2016, Trung Quốc đã chiếm 34% tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Hiện nay, 4 ngân hàng lớn nhất thế giới là của Trung Quốc :

1. Industrial and Commercial Bank of China (4.000 tỷ USD),

2. China Construction Bank (3.400 tỷ USD),

3. Agriculture Bank of China (.3.240 tỷ USD),

4. Bank of China (2.990 tỷ USD),

trong khi JP Morgan Chase được xếp thứ 6 hoặc 7 trong danh sách các ngân hàng đứng đầu thế giới. Nhưng China Development Bank (CDB) lớn bằng tất cả các ngân hàng đó cộng lại. Người ta nói "Nếu Đảng Cộng sản là Chúa Trời (God) tại Trung Quốc, thì CDB là Nhà Tiên tri (Prophet).

CDB đã thuê những nhân vật nổi tiếng trên thế giới tham gia "Hội đồng Cố vấn Quốc tế" (International Advisory Council) : Hank Greenberg (cựu chủ tịch AIG), Henry Kissinger (cựu ngoại trưởng), Fred Bergsten (economist), và Frenkel (cựu thống đốc Bank of Israel). Họ đem lại uy tín cho CDB, và các thương vụ ngầm (behind closed doors).

Tạp chí Forbes (năm 2018) đã liệt kê 5 nền kinh tế đứng đầu thế giới là : USA, China, Japan, Germany, và UK. Nhưng theo các nhà kinh tế, đến năm 2030 thì danh sách này sẽ bị đảo lộn theo một thứ tự khác : China, USA, India, Japan, và Indonesia. Theo tạp chí Fortune (năm 2018), trong danh sách 500 công ty đứng đầu thế giới thì Mỹ có 126 công ty, Trung Quốc có 120 công ty, Nhật có 52 công ty, Ấn Độ có 7 công ty. Trong danh sách 100 công ty đứng đầu thế giới thì Mỹ có 30, Trung Quốc có 18, Nhật có 8, và Ấn Độ có 1 công ty. 

Trung Quốc có dự trữ ngoại hối lớn nhất, gấp hai lần rưỡi Nhật Bản là nước có dự trữ ngoại hối đứng thứ hai thế giới. Nếu cộng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc và Hồng Kong lại, thì tổng số là 3.600 tỷ USD. Ấn Độ xếp thứ 8 (năm 2018) với forex reserves là 403,7 tỷ USD, trong khi của Mỹ là 123,5 tỷ USD và của Anh là 187,4 tỷ USD. Theo Joe Nye, Trung Quốc tuy có tiềm lực kinh tế hùng mạnh như vậy, nhưng vẫn là "người khổng lồ chân đất sét".

Cuộc chiến thương mại đang phơi bày những tử huyệt của Trung Quốc. Nay người ta thấy rõ Huawei, niềm tự hào của Trung Quốc về công nghệ cao, cùng với ZTE, đang bị "bẻ nanh" (defanged). Có thể nói Trung Quốc đã chậm chân về công nghệ ít nhất 10 năm. Tình trạng tương tự đang diễn ra trong các ngành quốc phòng, công nghiệp ô tô, hàng không vũ trụ và nhiều lĩnh vực khác. Vấn đề của Huawei cho thấy những ảo tưởng của Trung Quốc, vì đến nay chìa khóa công nghệ cao vẫn nằm trong tay Mỹ, Đức, Nhật và Hàn Quốc (4).

Theo Asia Times (23/5/2019), 14 nhà lập pháp đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, đại diện bởi thượng nghị sĩ Marco Rubio, đã đệ trình lên Quốc Hội dự luật trừng phạt các cá nhân và tổ chức Trung Quốc có dính líu đến hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông và Hoa Đông. Theo quy trình, Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ là người chịu trách nhiệm phải báo cáo định kỳ với Quốc Hội danh sách những tổ chức và cá nhân Trung Quốc nào sẽ bị cấm vận.

Danh sách ban đầu có thể gồm 25 công ty lớn của Trung Quốc, như CCCC Dredging Group (thuôc Tập đoàn Xây dựng viễn thông Trung Quốc, tham gia xây các đảo nhân tạo ở Biển Đông), Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc (Sinopec), Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC), Tổng công ty Viễn thông Trung Quốc (China Telecom), Tập đoàn Khoa học và công nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASIC), và China Mobile…

Theo Thượng nghị sĩ Rubio, Trung Quốc "là mối đe dọa toàn diện nhất mà đất nước này từng đối mặt", trong các lĩnh vực viễn thông, điện toán lượng tử, AI và bất kỳ ngành công nghiệp nào thu thập dữ liệu lớn (big data). Quan điểm của Mỹ về Trung Quốc cứng rắn hơn, với sự đồng thuận và hợp nhất ý tưởng trong bộ máy chính sách đối ngoại, bao gồm các thành viên của 2 đảng trong Quốc hội, Bộ Ngoại giao, Lầu Năm Góc, Bộ Tư pháp, các cơ quan tình báo và Hội đồng An ninh Quốc gia của Tổng thống Trump và Phó Tổng thống Mike Pence…

Nếu "Đạo luật Cấm vận Biển Hoa Đông và Biển Đông" được thông qua, Mỹ có quyền tịch thu tài sản của Trung Quốc ở Mỹ và thu hồi hoặc hủy bỏ thị thực Mỹ đối với bất kỳ ai liên quan tới "các hành động hoặc chính sách đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định tại Biển Đông". Theo Bonnie Glaser (CSIS) khoảng 73% các sự vụ chính xảy ra ở Biển Đông từ năm 2010 có liên quan tới các tàu chấp pháp của Trung Quốc… "Dự thảo này không nhằm vào những đối tượng xấu khác, mà thực sự nhằm vào Trung Quốc". Glaser nhấn mạnh Biển Đông chưa bao giờ được chú ý đặc biệt như thế trong chính sách của chính quyền Trump…

Lầu Năm Góc vừa lập ra một cơ quan mới là "Văn phòng Phân tích Kinh tế và Thương mại" có nhiệm vụ rà soát các hợp đồng quốc phòng có liên quan đến các công ty Trung Quốc thông qua bên cung ứng thứ ba. Theo James Mulvenon (một chuyên gia về an ninh mạng) Lầu Năm Góc đã coi chất bán dẫn là "ngọn đồi" mà họ phải chiến đấu đến cùng để bảo vệ. Đó là ngành công nghiệp mà Mỹ phải dẫn đầu vì mọi thứ khác đều dựa vào đó. Trong khi đó, Kiron Skinner (Bộ Ngoại giao) cho rằng xung đột giữa các nền văn minh và sắc tộc đang diễn ra, và nhấn mạnh rằng Mỹ cần ngăn chặn Trung Quốc như trước đây đối với Liên Xô.

Gần đây, Bộ Tư lệnh Tuần duyên Mỹ đã điều hai tàu USCGC Bertholf và USCGC Stratton tham gia các hoạt động cùng Hạm đội 7 đóng tại Okosuka, Nhật Bản, đến hoạt động ở khu vực Biển Đông với mục đích giúp các nước khu vực thực thi pháp luật, và xây dựng năng lực trong hoạt động đánh cá. Đây là một chủ trương mới nhằm đối phó với lực lượng "dân quân biển" của Trung Quốc, lâu nay vẫn áp đảo và bắt nạt các nước trong khu vực. 

Phát biểu trong một cuộc họp báo (11/06/2019), Phó đô đốc Linda Fagan, Tư lệnh Vùng Thái Bình Dương của Tuần duyên Mỹ cho biết họ đang theo dõi các hoạt động xâm lấn của "dân quân biển" Trung Quốc ở Biển Đông. Chuyến tuần tra đầu tiên của tàu Tuần duyên Mỹ tại Biển Đông đã diễn ra sau 7 năm, và Fagan cho biết sự trở lại của Tuần duyên Mỹ hoàn toàn phù hợp với luật quốc tế cho phép các tàu được đi qua các vùng biển quốc tế. Động thái này của Tuần Duyên Mỹ mở ra triển vọng hợp tác về tuần duyên trong khu vực.

Triển vọng Việt Nam

Theo Alexander Vuving (Vũ Hồng Lâm), phái "thu tô" hay "trục lợi" (rent-seeking) được hiểu là một trường phái chính sách (chứ không hẳn là một phe phái chính trị), không vì lợi ích dân tộc, cũng chẳng vì lý tưởng chủ nghĩa nào, mà chỉ lợi dụng quyền lực nhà nước để "thương mại hóa" quyền lực ấy. Họ thường lập luận "giữ ổn định để phát triển" nhưng thực tế họ muốn "giữ ổn định bằng mọi giá, kể cả không phát triển" (5).

Khi bước vào thời kỳ "đổi mới" (từ cuối 1986), lúc đầu có hai trường phái chính sách chủ yếu là "bảo thủ" và "đổi mới", nhưng sau đó đã xuất hiện trường phái thứ ba là phái "thu tô/trục lợi", được hiểu là "các tổ hợp chính trị-thương mại" (hay các nhóm lợi ích thân hữu) đã thao túng nền kinh tế Việt Nam trong suốt giai đoạn quá độ (chuyển đổi). Không có gì đáng ngạc nhiên nếu "nhà nước thu tô" đẻ ra tình trạng "không chịu phát triển" như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã nhận xét. Tinh thần "chấn hưng" của người Việt chưa bao giờ vượt qua được cửa ải "giữ ổn định", làm "nhà nước thu tô" mạnh hơn hẳn "nhà nước kiến tạo". 

Đó là bức tranh đối nội, còn về đối ngoại, Vuving cho rằng quan hệ Việt-Mỹ ngày càng "nồng ấm hơn", trong khi quan hệ Việt-Trung "có vẻ tốt đẹp bên ngoài nhưng lạnh nhạt bên trong". Tuy thuyết "cái bẫy Thucydides" (Graham Allison) được nhiều người đề cập, nhưng ít có khả năng (unlikely) xảy ra xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc.

"Yếu tố Nga" tuy có thể giúp Việt Nam phần nào để chống lại sức ép từ Trung Quốc nhưng không nhiều, và khả năng Nga chống lưng cho Việt Nam "khá mong manh". Để chống lại sức ép Trung Quốc, Việt Nam phải tăng cường quan hệ với một loạt cường quốc có lợi ích chiến lược trong khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, và các nước khác như Anh, Pháp, Úc, Canada, Hàn Quốc, Đài Loan, cũng như các nước láng giềng có ảnh hưởng trực tiếp đến không gian sinh tồn của khu vực như Lào và Campuchia, cũng như ASEAN...

Xu thế chung của Việt Nam hiện nay là dịch chuyển "gần Mỹ hơn và xa Trung Quốc hơn", nhưng với tốc độ nhỏ giọt để "không gây ra chấn động". Tuy nhiên, lãnh đạo Việt Nam vẫn "không muốn quá gần Mỹ hoặc quá xa Trung Quốc". Nhưng gần đây, lãnh đạo Việt Nam tỏ ra lo ngại về Trung Quốc nhiều hơn (trước đây thường lo ngại về Mỹ nhiều hơn). Xu thế xích lại gần Mỹ "nay nhỉnh hơn" so với xu thế thích gần Trung Quốc.

Các yếu tố truyền thống như ý thức hệ và sự níu kéo của Trung Quốc, vốn nuôi dưỡng tham nhũng và cản trở đổi mới, nay sẽ bớt tác dụng hơn. Điều đó khiến người Việt lạc quan hơn về triển vọng cất cánh của Việt Nam trong tương lai. Về lâu dài, xu hướng ‘thoát Trung" (dịch chuyển khỏi quỹ đạo Trung Quốc) sẽ làm giảm môi trường nuôi dưỡng các phái "thu tô/trục lợi". Tuy nhiên, chiến lược của Mỹ đối với Việt Nam là gì thì chưa rõ. Bản thân chiến lược của Mỹ đối với khu vực và Trung Quốc vẫn còn đang hình thành.

Nói cách khác, sau 2 năm rưỡi cầm quyền, chính quyền Trump vẫn "trống đánh xuôi kèn thổi ngược" về chiến lược. Trong khi ngoại trưởng Mike Pompeo nhấn mạnh "hiện thực, kiềm chế, và tôn trọng" (realism, restraint, and respect), John Bolton (cố vấn an ninh quốc gia) vẫn muốn "thay đổi chế độ" (như Maduro ở Venezuela, Assad ở Syria và Khomeni ở Iran). Tuy trước mắt Trump có thể vận dụng sự lộn xộn đó làm thiên hạ khó lường, nhưng về lâu dài đó không phải là chiến lược. Điều duy nhất Trump có thể vận dụng để chống Trung Quốc là "đồng thuận lưỡng đảng" (6). 

Muốn kiến tạo, Việt Nam phải chuyển sang tâm thế bứt phá để bung ra. Chỉ khi nào chuyển từ vai trò nhà nước quản lý sang nhà nước giải phóng sức sáng tạo của xã hội thì Việt Nam mới có thể cất cánh được. Người Việt phải nuôi dưỡng bản lĩnh dám đương đầu với khó khăn, đặc biệt là thách thức trong cuộc chạy đua công nghệ lần thứ 4 và trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, vì "thách thức tuy lớn nhưng cơ hội không nhỏ". Nếu không bồi dưỡng bản lĩnh để chơi những cuộc chơi mới, thì Việt Nam không bao giờ cất cánh được.

Hiện nay, sức ép đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước đến chủ yếu từ hai nguồn. Thứ nhất, sự yếu kém về quản trị, là hang ổ của nạn tham nhũng đã lộ diện ngày càng nhiều, khiến Tổng bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, vốn ủng hộ mạnh mẽ kinh tế nhà nước, nay cũng phải đặt lại vấn đề kinh tế tư nhân tại Hội nghị Trung ương 10 vừa qua. Thứ hai, cả 2 hiệp định thương mại tự do (CPTPP và EVFTA) tuy không có Mỹ tham gia, nhưng đã thay đổi phần nào luật chơi và sân chơi, khiến các doanh nghiệp nhà nước bị cắt giảm thêm khá nhiều quyền ưu đãi.

Theo Vuving, vai trò các nhóm vận động cho xã hội dân sự và dân chủ ở Việt Nam trong bối cảnh chính trị nội bộ trước mắt vẫn phụ thuộc chủ yếu vào tương tác giữa họ với chính quyền và người dân trong nước, "chứ không phải vào chiến lược của Mỹ". Tuy nhiên, về lâu dài nếu Việt Nam dịch xa quỹ đạo Trung Quốc thì sẽ phải xích lại gần hơn các nước Mỹ, Nhật, Ấn, Úc để tạo đối trọng. Các nước này có xã hội dân sự phát triển mạnh, nên bản thân Việt Nam với xu hướng hội nhập, sẽ phải coi trọng hơn vai trò của xã hội dân sự tại Việt Nam.

Lời cuối

Người ta nói Việt Nam có "rừng vàng, biển bạc", nhưng nay tài nguyên thiên nhiên đang bị khai thác đến cạn kiệt, và bị lấn chiếm và ngăn cấm bởi người hàng xóm mạnh hơn và tham lam đang muốn kiểm soát Biển Đông. Chỉ có cái mỏ người là vô tận và tự tái sinh, nếu biết nâng cao dân trí và thay đổi thể chế để giải phóng năng lực sáng tạo. Israel là một bài học về "quốc gia khởi nghiệp" và Hồng Kông là một bài học về dân trí cao, tuy có 7 triệu dân nhưng là một mỏ vàng. Việt Nam có 97 triệu dân (2019) là một cái mỏ vàng tiềm ẩn khổng lồ, nhưng đáng tiếc vì đất nước vẫn nghèo nàn, tụt hậu và năng suất lao động thấp nhất khu vực.    

Nguyễn Quang Dy

Nguồn : vietstudies, 21/06/2019

Tài liệu tham khảo :

(1) China Is Courting Disaster in Hồng Kông, Minxin Pei, Project Syndicate, June 13, 2019

(2) The Third Revolution : Xi Jinping and the New Chinese State, Elizabeth Economy, Oxford University Press, 2018

(3) The Hundred Year Marathon : China's Secret Strategy to Replace America As the Global Superpower, Michael Pillsbury, St Martin Press, 2015

(4) The trade war shows China’s economic dream is dying, South China Morning Post, June 11, 2019

(5) Việt Nam với bộ máy trục lợi và nhân sự Đảng trước Đại Hội 13, Joaquin Nguyễn Hòa, BBC, June 8, 2019

(6) American Foreign Policy Adrift", Foreign AffairsJune 5, 2019

Published in Diễn đàn

Trong bài này, tôi mượn hình tượng "đoàn tàu Việt Nam" để dễ hình dung và chia sẻ, với những ẩn ức và ám ảnh trong tâm thức người Việt. Đã lâu tôi không đi tầu, nhưng những kỷ niệm khó quên về tầu hỏa vẫn còn đọng lại từ thời niên thiếu và thời chiến tranh. Nay tôi ngại đi tầu không phải chỉ vì nó chạy quá chậm, mà còn vì những ám ảnh trong tâm thức.

train1

Đoàn tầu Việt Nam đang ở đâu

Mỗi lần nghe bài hát "tầu anh qua núi" tôi lại thấy buồn, tuy bài hát đó có giai điệu vui. Tôi nhớ có lần (cuối thập niên 1980), đã theo một đoàn làm phim Úc đi từ Bắc vào Nam để quay phim tài liệu về tầu hỏa. Tôi vẫn nhớ hình ảnh tuyệt đẹp khi đầu tầu hơi nước hú còi và phun khói trắng hòa vào mây trời trước khi đoàn tàu trườn mình vượt đèo Hải Vân.  

Từ đó đến nay, "đoàn tàu Việt Nam" hầu như không có gì thay đổi. Vẫn là những đầu tàu cũ kỹ ỳ ạch kéo những chiếc toa cũ kỹ lầm lũi chạy trên tuyến đường sắt chật hẹp (1.100m). Vẫn là cái barrier chắn đường thời trước để chặn dòng chảy đường bộ cho "tầu anh qua phố", làm du khách nước ngoài ngỡ ngàng thích thú như xem bộ phim "Oriental Express".  

Hình tượng đó vẫn ám ảnh tâm thức về một đất nước giàu đẹp nhưng "không chịu phát triển", như hoài niệm về câu truyện cho trẻ em thời trước là "Mít Đặc và Biết Tuốt" (tại bến "lần sau tầu chạy"). Trong khi "chính phủ kiến tạo" nói nhiều về công nghệ 4.0, thì hệ tư duy (mindset) và hệ quy chiếu (paradigm) của người Việt vẫn dừng lại ở ngã ba đường.     

Từ cuối thập niên 1990, tuyến đường sắt Hà Nội-Lào Cai đã có mấy toa "tàu Victoria" chủ yếu để phục vụ khách nước ngoài của khách sạn Victoria ở Sapa. Tại sao họ làm được một đoàn tầu tử tế cho khách hàng của họ, mà ngành đường sắt Việt Nam sau mấy thập kỷ vẫn chưa làm được những toa tầu tử tế như vậy cho người Việt mình? Thật là vô lý!

Hơn bốn thập kỷ sau chiến tranh, Việt Nam tuy nhiều tài nguyên, nhưng khai thác đến cạn kiệt mà vẫn chưa công nghiệp hóa và hiện đại hóa, vẫn tụt hậu so với nước láng giềng. Bộ Giao thông và vận tải thừa nhận Việt Nam chưa làm được cao tốc Bắc-Nam, mà "chỉ có Trung Quốc làm được", bất chấp bài học đau đớn về dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông.  

Ám ảnh về "đoàn tàu Việt Nam" là hệ quả của mấy thập kỷ cải cách kinh tế thị trường (nhưng què quặt) vì "định hướng xã hội chủ nghĩa" (đã lỗi thời). Đó là một thể chế bất cập được duy trì quá lâu làm triệt tiêu các nguồn lực tích cực dựa trên hệ giá trị cốt lõi của dân tộc, nhưng hậu thuẫn cho các nguồn lực tiêu cực dựa trên lợi ích nhóm "thân hữu" (cronyism).

Thể chế đó đã sinh ra "một bầy sâu" (theo lời ông Trương Tấn Sang) đang đua nhau đục khoét và "ăn của dân không từ một cái gì" (theo lời bà Nguyễn Thị Doan). Chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tuy đạt được những kết quả đáng khích lệ, được đa số người dân ủng hộ, nhưng khó thành công nếu không giải quyết tận gốc.

Cái gốc đó là thể chế (như cái vỏ) đã lỗi thời, kìm hãm sự phát triển nguồn lực dân tộc (là cái lõi), cản trở dòng chảy của lịch sử. Các quốc gia hưng thịnh hay suy vong đều do các nguyên nhân nội tại. Sẽ là sai lầm và bi kịch nếu vẫn cố bám giữ "chủ nghĩa đặc thù" (exceptionalism) để bào chữa cho sự trì trệ bằng tư duy "tiệm tiến" (gradualism). Sau ba thập kỷ, động lực đổi mới (vòng một) đã hết đà, phải đổi mới (vòng hai) trước khi quá muộn.

Tại sao phải định vị quốc gia  

Muốn phát triển, các doanh nghiệp thường phải "định vị" (positioning) trên thị trường. Các quốc gia cũng phải định vị (hoặc tái định vị) nước mình, nhất là khi bàn cờ quốc tế biến đổi. Mấy năm qua, trật tự thế giới đã bị đảo lộn đến chóng mặt và khó lường. Nếu không định vị lại và điều chỉnh chiến lược, Việt Nam dễ bị mắc kẹt vào thế "lưỡng nan" (Catch 22).

Hãy thử so sánh Việt Nam với nước láng giềng Thái Lan (trong ASEAN). Năm 2012, thu nhập đổ đầu người (per capita) của Việt Nam là 1.373 USD, bằng Thái Lan năm 1981 (tụt hậu 30 năm). Theo dự đoán của IMF, đến năm 2019,  thu nhập per capita của Việt Nam sẽ là 2.473 USD, bằng Thái Lan năm 1985 (tụt hậu 34 năm). Việt Nam đã từng tuyên bố đến năm 2020 sẽ là một nước công nghiệp, nhưng đến nay vẫn chưa công nghiệp hóa, năng suất lao động vào loại thấp nhất khu vực. 

Hàn Quốc là một nước Đông Á, cũng bị thuộc địa, chiến tranh, và chia cắt Bắc-Nam, nhưng sau ba thập kỷ (1960-1990) đã vươn lên thành cường quốc. GDP per capita của Hàn quốc (năm 1960) là 155 USD, trong khi của Việt Nam (năm 1981) là 251 USD. Nhưng sau 30 năm, GDP của Hàn Quốc tăng 34 lần, trong khi GDP của Việt Nam tăng có 4,25 lần (bằng 1/8 Hàn quốc).

Hàn Quốc là một nước độc tài, nhưng để trở thành cường quốc, họ phải chuyển sang thể chế dân chủ (theo quy luật tất yếu). Tuy cùng vạch xuất phát tương tự, nhưng Hàn Quốc nay đã giàu mạnh. Việt Nam tuy thống nhất, nhưng nay vẫn nghèo nàn, tụt hậu. Việt Nam phải trả giá quá đắt cho sự ngộ nhận và nhầm lẫn, dẫn đến thất bại trong thời hậu chiến.

Trong bốn thập kỷ thực dân Pháp đô hộ Việt Nam, tuy 95% người dân mù chữ, nhưng họ đã xây dựng được đường sắt, đường bộ, cầu cống, cảng biển, sân bay, thành phố Hà Nội và Sài Gòn (như "hòn ngọc Viễn Đông"). Nay với trình độ công nghệ cao hơn gấp nhiều lần, tuy 95% người dân biết chữ, nhưng hệ thống đường sắt vẫn kém hơn thời Pháp thuộc.

Hệ thống đường bộ, cầu cống, cảng biển, tuy có mở rộng, nhưng cơi nới và chắp vá. Đường phố Hà Nội nay mấp mô, lồi lõm, đầy "ổ trâu", như đường nông thôn. Các nắp cống đủ kiểu lồi lên, tụt xuống thành những cái bẫy như "thập diện mai phục’. Vỉa hè năm nào cũng bị đào bới lát lại, để nhóm lợi ích kiếm chác như cái mỏ lộ thiên. Điều đó cứ hồn nhiên lặp đi lặp lại như chuyện tất nhiên (hay "new normal"). Lạ thay, chẳng thấy ai chịu trách nhiệm.

Không phải do thiếu kinh phí hay thiếu công nghệ, mà thể chế độc quyền đã làm cho ngành giao thông công chính và điện/nước trở thành nhóm lợi ích "không chịu phát triển" và bị phân liệt (dysfunctional). Hình ảnh những cột điện với các búi dây điện nhằng nhịt như mạng nhện đã làm Bill Gates ngỡ ngàng, trong khi đường ống nước Sông Đà vỡ tới 21 lần.

Khi đã ngoài 40 tuổi (giai đoạn trưởng thành) người ta thường không nhầm lẫn nữa. Theo khoa học tổ chức, bốn thập kỷ là quá đủ để mỗi công ty hay mỗi quốc gia trưởng thành, với ít nhất ba thế hệ kế tục, đủ thời gian cho các giá trị cốt lõi của dân tộc định hình. Nhưng ngành giáo dục Việt Nam vẫn đang bê bối với nạn chạy điểm, làm hỏng cả thế hệ trẻ.   

Đã hơn bốn thập kỷ sau chiến tranh, Việt Nam vẫn loay hoay tại ngã ba đường, vẫn chưa hòa giải dân tộc và chưa thoát khỏi cái bẫy ý thức hệ, nên quốc gia vẫn chưa trưởng thành (vẫn tiếp tục "nation building"). Theo quy luật tự nhiên (sinh-lão-bệnh-tử), đã đến lúc Việt Nam phải đổi mới thể chế toàn diện, như khuyến nghị của "Báo cáo Việt Nam 2035".  

Chiến tranh lồng ghép

Hiện nay, Trung Quốc đang tiến hành một cuộc "chiến tranh lồng ghép" (hybrid warfare) là khái niệm mới được Bộ Quốc phòng Mỹ đề cập đến từ năm 2008. Đó là một cuộc chiến tranh không dùng quân đội và vũ khí, mà sử dụng những biện pháp "phi vũ trang" để triệt hạ toàn diện các mục tiêu của đối phương. Theo Wikipedia, "Hybrid warfare" lồng ghép chiến tranh thông thường với những biện pháp không thông thường khác như chiến tranh mạng (cyberwarfare), pháp lý (lawfare), tin vịt (fake news), và can thiệp vào bầu cử, v.v…

Nói cách khác, đó là binh pháp Tôn Tử (không đánh mà thắng) vận dụng linh hoạt nhiều biện pháp trong "vùng sám" (grey area), để phá hoại không gian sinh tồn, cơ sở hạ tầng, và làm biến đổi hệ giá trị cốt lõi của đối phương. Trung Quốc có thể cho vay dài hạn để lũng đoạn kinh tế. Việt Jet và Bamboo Airways lấy tiền đâu để mua 110 máy bay Boeing ? 

Việt Nam phải nhập 60% nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc. Các nhà thầu Trung Quốc nắm hơn 90% các gói thầu EPC, chiếm 77/106 các dự án lớn trọng điểm của Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã cho Trung Quốc thuê 300.000 ha rừng đầu nguồn (thời hạn 50 năm) và thuê cảng nước sâu Vũng Áng cùng Formosa (thời hạn 70 năm).  Hai nhà máy bauxite Tân Rai và Nhân Cơ lỗ hàng trăm tỷ VND/năm, và gây hiểm họa môi trường miền Trung.

Theo Kiểm toán Nhà nước (2018), dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông, vốn đầu tư là 8.770 tỷ VND, đã bị đội vốn lên 18.000 tỷ VND (tăng 205%), dự kiến hoàn thành 6/2014 và chính thức khai thác thương mại 6/2015 (nay chậm tiến độ 4 năm). Nếu thu mỗi ngày 100 triệu VND (theo Bộ Giao thông và vận tải) thì phải mất 10.000 năm mới thu hồi được vốn. Theo NHK, đây là "tuyến đường tai tiếng nhất thế giới" (vừa chậm, vừa xấu, vừa không an toàn).  

Nhưng Bộ Giao thông và vận tải vẫn muốn Trung Quốc làm đường Cao tốc Bắc-Nam, một dự án chiến lược quan trọng hơn cả ba đặc khu. Trung Quốc muốn dùng cái bẫy ý thức hệ để buộc chặt Việt Nam vào cộng đồng "cùng chung vận mệnh" (chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa, xã hội, giáo dục). Việt Nam có thể bị xô đẩy vào vòng Bắc thuộc mới (như ông Nguyễn Cơ Thạch đã cảnh báo), vì vậy phải tỉnh ngộ để thoát khỏi cái vòng kim cô "16 chữ vàng".    

Theo Minxin Pei, trật tự thời "hậu Thiên An Môn" đã chấm dứt từ năm 2012 khi Tập Cận Bình lên cầm quyền, và từng bước thay đổi những nguyên tắc mà Đặng Tiểu Bình đã xác lập. Trung Quốc đã tăng cường "chế độ tư bản nhà nước" (state capitalism), và triển khai các tham vọng địa chính trị trên toàn cầu, xô đẩy Mỹ và phương Tây phải chống lại họ (1).

Henry Paulson (cựu bộ trưởng tài chính) kêu gọi Trung Quốc và Mỹ thỏa thuận về "các dự án hữu hình để xây dựng lòng tin", là điều quan trọng lúc này (2). Nhưng David Dollar (Viện Brookings) cho rằng cách đây không lâu Mỹ và Trung Quốc đa cố gắng làm giảm căng thằng bằng cách hứa hẹn mở rộng thương mại, "nhưng nay đã quá muộn để làm việc đó".

Theo Hal Brands (Johns Hopkins) và Charles Edel (Sydney), siêu cường nào muốn thắng trong cuộc chiến sắp tới phải hiểu đúng nguyên nhân của nó (3). Stephen Walt (Harvard) lập luận rằng chủ nghĩa dân tộc là động lực mạnh mẽ và lâu dài trong chính trị quốc tế, để tăng cường năng lực quốc gia, nhưng phải hiểu được giá trị thực sự và hạn chế tác hại của nó (4). 

Thay lời kết

"Đoàn tầu Việt Nam" đã bị các nhóm lợi ích thân hữu thao túng (hijacked), chạy theo hướng có lợi cho họ (như câu chuyện AVG, BOT, Đặc khu Kinh tế, v.v.). Họ tìm cách lũng đoạn chính quyền để tham nhũng chính sách (là tham nhũng tệ hại nhất), nên đã bẻ ghi cho đoàn tầu Việt Nam đi chệch hướng khỏi các mục tiêu dân tộc và dân chủ. Về lâu dài, chống tham nhũng và kiểm soát quyền lực của các nhóm lợi ích thân hữu là mục tiêu hàng đầu.     

Muốn định vị quốc gia, phải "kiến tạo" và đổi mới "vòng hai", với khẩu hiệu "đổi mới hay là chết" (như lúc đổi mới "vòng một"). Để đổi mới "vòng hai", phải đổi mới thể chế toàn diện để thoát khỏi cái "vòng kim cô" về ý thức hệ đã kìm hãm và làm đất nước tụt hậu. Tại đối thoại Shangri-La (Singapore, 31/05/2019) thái độ cứng rắn của Mỹ và Trung Quốc làm mấy nước khu vực lo ngại vì 2 xu thế :

1. Mỹ-Trung vừa đánh vừa đàm, trước mắt rất khó thỏa thuận ;

2. Biển Đông và Đài Loan đang trở thành tiêu điểm của đối đầu Mỹ-Trung.      

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung thực chất là một cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới, như thế cờ vây của Mỹ với Trung Quốc. Đó là một cơ may lớn cho Việt Nam, vì nó đang làm Trung Quốc suy thoái. Chỉ khi nào Trung Quốc suy yếu thì Việt Nam mới có cơ hội thoát khỏi ảnh hưởng của họ, để đối mới và phục hưng quốc gia. Cơ hội đó đã từng bị tuột mất vào năm 1978 và năm 1990, nay hy vọng không để cơ hội đó bị tuột mất lần nữa.    

Nguyễn Quang Dy

Nguồn : vietstudies, 06/06/2019

(1) "The Lasting Tragedy of Tiananmen Square", Minxin Pei, Project Syndicate, May 31, 2019

(2) "America and China must manage their rivalry or risk disaster", The Economist, May 16, 2019

(3) Charles Edel & Hal Brands, "The Real Origins of the US-China Cold War", Foreign Policy, June 2, 2019

(4) Stephen Walt, "You Can’t Defeat Nationalism, So Stop Trying", Foreign Policy, June 4, 2019

Published in Diễn đàn

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung (đang leo thang) đã làm thị trường chứng khoán Trung Quốc xuống dốc, đồng CNY (Nhân dân tệ) mất giá, xuất khẩu giảm sút, kinh tế phát triển chậm lại. Bên cạnh những hệ quả nhãn tiền đó, Trung Quốc đang bộc lộ "gót chân Asin" (Achilles’ Heel), như một tiếng chuông cảnh báo làm người Trung Quốc giật mình tỉnh ngộ. Tôi tin rằng nếu Trung Quốc bị suy sụp thì không phải từ bên ngoài như Biển Đông, là nơi họ có lợi thế so sánh tương đối, mà chính từ bên trong nơi họ dễ bị tổn thương vì "gót chân Asin".

USA and China flags on chess pawns on a chessboard. 3d illustration

Trung Quốc đang bộc lộ "gót chân Asin" : cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã làm thị trường chứng khoán Trung Quốc xuống dốc, đồng CNY mất giá, xuất khẩu giảm sút, kinh tế phát triển chậm lại. Bên cạnh những hệ quả nhãn tiền đó

Gót chân Asin  

Cách đây hơn hai năm, khi tôi viết bài "Gót chân Asin của Trung Quốc : Cơ hội thoát Trung" (Viet-studies, 12/2/2016) và bài "Nghịch lý Tập Cận Bình: Dr Jekyll or Mr Hyde" (Viet-studies, 17/5/2016), chưa ai hình dung được kết cục thế này. Tuy vẫn còn quá sớm để đánh giá và kết luận về cuộc chiến tranh thương mại (chưa có điểm dừng) nhưng sẽ quá muộn nếu không kịp thời rút ra bài học, để có đối sách thoát hiểm (trước khi quá muộn). Việt Nam cần nắm bắt cơ hội này để điều chỉnh chiến lược, đổi mới thể chế, và thoát Trung.

Trong các bài phân tích trước đây, tôi đã đề cập đến cảnh báo của các học giả hàng đầu về Trung Quốc (như Paul Krugman, David Shambaugh, Minxin Pei, Andrew Nathan). Về cơ bản, họ đều cho rằng Trung Quốc có nhiều vấn đề nghiêm trọng, và không mạnh như người ta tưởng. Trung Quốc có dấu hiệu sắp đổ vỡ, nhưng chưa biết khi nào. Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là một bước ngoặt mới, làm bộc lộ "gót chân A-sin" như mở cái "hộp Pandora", với những tử huyệt mà trước đây người ta mới đồn đoán, nhưng nay thành sự thật.

Cách đây 5 năm, Paul Krugman (môt chuyên gia kinh tế hàng đầu, được giải Nobel) đã nhận định rằng "Trung Quốc đang có vấn đề lớn" (China is in big trouble) vì mô hình phát triển của họ đã kịch đường, đang đụng phải bức tường lớn. Vấn đề chưa biết rõ là bao giờ Trung Quốc sẽ suy sụp (1).

Cách đây 3 năm, David Shambaugh (một học giả hàng đầu về Trung Quốc) cũng nhận định tương tự : "Trung Quốc sắp đổ vỡ" (crack up). Theo Shambaugh, "màn chót của Trung Quốc đã điểm, các biện pháp cứng rắn của Tập Cận Bình chỉ làm Trung Quốc tiến gần hơn đến chỗ đổ vỡ (breaking point) (2).

Gần đây, trong một bài phân tích mới, Minxin Pei (một chuyên gia hàng đầu về Trung Quôc) cũng nhận định rằng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang làm Trung Quốc bộc lộ các mặt yếu kém như "một người khổng lồ chân bằng đất sét" (as a giant with feet of clay) (3).

Biết mình biết người

Trong binh pháp, Tôn Tử từng răn "biết mình biết người, trăm trận trăm thắng". Nhưng những gì vừa diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm bộc lộ một thực tế khó phủ nhận là Bắc Kinh không biết mình biết người. Hay nói cách khác đó là "ngộ nhận chiến lược". Bắc Kinh đã đánh giá thấp Trump, tưởng ông là "tổng thống con buôn" (dealer) nên chắc chỉ dọa già để đàm phán, chứ không dám đánh thuế thật. Vì vậy, khi Trump tuyên chiến và ra đòn quyết liệt, Bắc Kinh đã bị bất ngờ (caught off guard) và đối phó bị động và lúng túng.   

Gần đây, khi các chuyên gia của Stratfor (một tổ chức nghiên cứu chiến lược) đến Trung Quốc, họ cảm thấy có sự bất ổn (uncertainty). Người Trung Quốc không còn nhắc đến "Made-in-China 2025" như trước, như có một cuộc "rút lui chiến lược" (tuy đã quá muộn). Cuộc chiến thương mại với Mỹ làm Bắc Kinh đau đầu, và nổ ra tranh luận về chính sách (đã bộc lộ sai lầm), về vị thế của Tập Cận Bình (đang bị nội bộ chỉ trích), về vai trò và tương lại của các cố vấn chủ chốt liên quan đến Mỹ, như Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan) phó chủ tịch nước, là cánh tay phải của Tập, và Lưu Hạc (Liu He) phó thủ tướng, phụ trách đàm phán với Mỹ. Nếu Trung Quốc bị thất thế và thua cuộc thì sự nghiệp chính trị của họ cũng bị tổn thương.   

Nay Tập Cận Bình nắm quyền lực tuyệt đối, như "Chủ tịch Mọi thứ" (Chairman of Everything) hay "Hoàng đế Đỏ" (Red Emperor). Xung quanh Tập không thiếu người tài, nhưng thể chế độc tài và tệ "sùng bái cá nhân" đang làm thui chột sáng tạo và vô hiệu hóa tài năng, vì vua không chịu lắng nghe, hoặc các quan không dám nói thật. Đó chính là nghịch lý Tập Cận Bình và "gót chân Asin" của Trung Quốc (và một số nước khác). Muốn khắc phục vấn nạn đó, phải thay đổi thể chế, vì chỉ thay người (như thay áo) sẽ không giải quyết được vấn đề. Einstein đã từng nói: "không thể giải quyết được vấn đề bằng chính tư duy đã tạo ra nó".

Trung Quốc đã đi quá xa với tham vọng bành trướng ra toàn cầu để thách thức Mỹ. Tuy đã quá muộn để quay lại theo lời răn của Đặng Tiểu Bình là "dấu mình chờ thời", nhưng "muộn còn hơn không". Lúc này, dù Tập Cận Bình vẫn có thể tránh né được chỉ trích trực tiếp, nhưng chắc không tránh né được mãi. Các quyết định của Tập ẩn tàng rủi ro, vì ngộ nhận hoặc do "hệ quả không định trước" (unintended consequences), đang làm suy yếu quyền lực. Các quyết sách của Tập về kinh tế, đối ngoại, và quân sự đang chịu sức ép lớn của dư luận trong và ngoài nước, vì những ngộ nhận và nghịch lý đang làm Trung Quốc dễ bị tổn thương.  

Trong khi chính quyền Trump điều chỉnh chiến lược để ngăn chặn Trung Quốc trỗi dậy thách thức Mỹ, Bắc Kinh vẫn ngộ nhận và coi thường (như dưới thời Obama). Vì vậy, khi Trump chuyển sang tấn công, Bắc Kinh đã sa vào thế bị động và thiếu chuẩn bị để đối phó. Trong khi Bắc Kinh đang tái cấu trúc nền kinh tế (để giảm núi nợ khổng lồ) nên dễ bị tổn thương như "rắn đang lột xác", bộ máy tuyên truyền vẫn hùng hổ thách thức Mỹ. Nếu chiến tranh thương mại leo thang (như dự báo), Trung Quốc chắc càng bất ổn về kinh tế, và Tập càng bị thách thức nhiều hơn về chính trị. Nay dù Bắc Kinh có muốn xuống thang hay "rút lui chiến lược" cũng khó vì họ đã đi quá xa (6). 

Cao Biền dậy non

Trong bối cảnh Lưu Hạc thất bại (6/2018) không ngăn được Mỹ quyết định đánh thuế 34 tỷ USD, nhiều người kỳ vọng Vương Kỳ Sơn sẽ vào cuộc như "người chữa cháy số một" (fire fighter in chief). Tuy chưa rõ Vương Kỳ Sơn thực sự không dính líu sâu vào quan hệ với Mỹ, hay ông cố tránh xa quan hệ Mỹ-Trung đang xấu đi, nhưng chắc Vương không tham gia vào lúc này vì Mỹ tiếp tục đánh thuế cao hơn, ông sợ  bị mất mặt. Nếu Lưu Hạc đã bị bỏng bởi đám cháy, Vương Kỳ Sơn có thể bị bỏng còn nặng hơn. Tuy Vương không tham gia lúc này là "dấu hiệu xấu trong quan hệ Mỹ-Trung", nhưng ông có thể là lá bài chiến lược để dành (cho nước cờ cuối). Đến nay, Bắc Kinh vẫn chưa thực sự biết Washington muốn gì, vì các quan chức Mỹ tham gia đàm phán chia rẽ sâu sắc, nên không có tiếng nói chung (reneging on one’s words) (9).

Nhưng Vương Hỗ Ninh (Wang Huning) lại là câu chuyện khác. Ông được coi là "quốc sư" vì phục vụ ba đời Tổng Bí Thư, là bộ óc đằng sau các chủ thuyết qua từng giai đoạn: Giang Trach Dân với thuyết "Ba Đại diện", Hồ Cẩm Đào với thuyết "Xã hội Khá giả", và Tập Cận Bình với thuyết "Giấc mộng Trung Hoa". Tại Đại hội 19, Vương được Tập đưa vào thường vụ Bộ Chính Trị, phụ trách tuyên truyền (thay Lưu Vân Sơn). Mô hình chuyên chế có sức sống (authoritarian resilience) đã phát huy hiệu quả (sau Thiên An Môn). Nhưng khi mô hình "chuyên chế tập thể"  biến thành "chuyên chế cá nhân", khoác cái áo tư bản nhà nước với "đặc sắc Trung Quốc", nó đã bộc lộ "gót chân Asin" khi bị Mỹ tấn công. Gần đây, Vương không xuất hiện, làm dấy lên tin đồn là Vương đã thất sủng vì chủ trương tuyên truyền phản tác dụng. 

Thời xưa, Tào Tháo đã để lại một câu nổi tiếng: "ta thà phụ người còn hơn để người phụ ta". Thời nay, Đặng Tiểu Bình cũng quyền biến không kém, khi trở mặt thí Triệu Tử Dương (là đệ tử của mình chủ trương cải cách ôn hòa) và ủng hộ phe cực đoan xuống tay đàn áp đẫm máu sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn. Tuy buộc phải nhúng tay vào chàm để giữ quyền lực, nhưng Đặng có lý khi để lại mấy lời răn nổi tiếng: "dấu mình chờ thời", "quyết không đi đầu", "lãnh đạo tập thể" và "mèo trắng mèo đen miễn là bắt được chuột".

Nhưng đáng tiếc là Tập Cận Bình đã làm ngược lại các lời răn của Đặng Tiểu Bình, vì chủ quan tin rằng đã đến lúc Trung Quốc không cần giấu mình, sẵn sàng đi đầu, tập trung quyền lực tuyệt đối để trở thành độc tài và "sùng bái cá nhân" như thời Mao Trạch Đông. Sau Đại hội 19, Tập còn thay đổi hiến pháp để lãnh đạo suốt đời (như một hoàng đế Trung Hoa). Đó là một nghịch lý, không chứng tỏ sức mạnh mà là điểm yếu như "Cao Biền dậy non".  Đây là một cuộc cách mạng lộn ngược trở về quá khứ (chẳng khác gì cách mạng Hồi giáo Iran).    

Cục diện tứ giác thương mại quốc tế Mỹ-Trung-Nhật-EU bắt đầu suy sụp với tiếng chuông báo động của WTO, mở ra một giai đoạn mới của trật tự kinh tế quốc tế, trong đó Trung Quốc đang bị các cường quốc khác cô lập. Lý Khắc Cường đã đề nghị hợp tác với EU để chống lại Mỹ, nhưng đã bị EU từ chối. Trong khoảng hai tháng qua, đồng tiền CNY đã liên tục mất giá trong khi đồng USD vẫn đang mạnh lên. Nhưng điều làm cho Bắc Kinh lo ngại nhất là các doanh nghiệp nước ngoài sẽ rút vốn ồ ạt ra khỏi Trung Quốc, làm cho dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh. Trong hơn 3.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối hiện nay, dự trữ ngoại hối khả dụng không đến 50%, trong khi nợ nước ngoài khoảng 1.800 tỷ USD.

Lợi bất cập hại 

Lãnh đạo Trung Quốc đã chủ quan tưởng rằng họ có thể thắng cuộc khi đối đầu thương mại với Mỹ (trade standoff). Bắc Kinh tưởng Washington sẽ bị mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại vì chịu sức ép của cử tri Mỹ đang bị thua thiệt do thương mại bị đình đốn. Trên thực tế, Bắc Kinh dễ bị tổn thương hơn, vì họ cần duy trì tăng trưởng kinh tế để có chính danh quyền lực, và luôn bị ám ảnh bởi bất ổn xã hội. Trong khi Bắc Kinh tăng cường bịt miệng những người bất đồng chính kiến, thì họ cũng bịt luôn những "thông tin trái chiều" (nhưng là sự thật cần biết). Việc Tập nắm quyền lãnh đạo độc tôn đã gây trở ngại cho việc hoạch định chính sách hiệu quả khi các quan chức không dám nói thật, đùn đẩy trách nhiệm ra quyết sách cho lãnh đạo, và thi hành mệnh lệnh một cách thụ động và máy móc (dù hệ quả tốt hay xấu).

Nếu chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang (như dự báo) sẽ dẫn đến những hệ quả khôn lường. Lòng tin của dân chúng vào nền kinh tế sẽ bị suy sụp, làm cho đất nước đứng trước các thách thức mới còn nghiêm trọng hơn nhiều so với xuất khẩu bị giảm sút. Theo quy luật, chiến tranh thương mại thường kéo theo chiến tranh tiền tệ. Lúc đó, không chỉ đồng tiền CNY sẽ tiếp tục phá giá, dẫn đến suy thoái, mà dòng vốn sẽ tháo chạy khỏi Trung Quốc, bất chấp các biện pháp kiểm soát, dẫn đến các hệ quả còn lớn hơn cả tài chính và kinh tế. 

Một biện pháp truyền thống là bán nợ để đối phó với đòn trừng phạt thuế quan trong đối đầu thương mại. Tháng 4/2018, Nga đã quyết định bán 84% số công trái chính phủ Mỹ (US Treasury bonds) mà Nga đang nắm (trị giá 81 tỷ USD), để trả đũa và đối phó với Mỹ đánh thuế các hàng hóa của Nga (như thép). Quyết định này tưởng sẽ tác động đến thị trường và kinh tế Mỹ, nhưng lãi suất công trái 10 năm của Mỹ vẫn giữ ở mức 3%.  Số công trái trị giá 81 tỷ USD mà Nga bán ra chỉ như muối bỏ biển, so với tổng số công trái Mỹ trị giá 21.000 tỷ USD.

Trung Quốc là nước chủ nợ lớn nhất của Mỹ, trong đó có 1.200 tỷ USD công trái (Treasury bonds), bằng 6% tổng số nợ (gấp 10 lần Nga). Nếu Bắc Kinh bán số công trái chính phủ Mỹ (như Nga) sẽ là một quả bom kích hoạt cuộc chiến tiền tệ, tác động đến thị trường tài chính Mỹ và toàn cầu. Đó sẽ là một cuộc chiến hủy diệt lẫn nhau (mutually assured destruction), nên ít có khả năng Tập Cận Bình sẽ trả đũa bằng "quả bom công trái Mỹ" (như dự đoán). Theo một tài liệu nghiên cứu của bộ Quốc phòng Mỹ (năm 2012), về mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ vì Trung Quốc mua quá nhiều công trái, đã kết luận rằng Trung Quốc không thể đem công trái Mỹ ra bán hàng loạt, vì Trung Quốc sẽ là bên thiệt hại nhiều hơn.

Song song với chiến tranh thương mại (đang leo thang), ngày 13/8/2018, Tổng thống Trump đã ký "Luật Chuẩn chi Quốc phòng cho năm tài chính 2019" (NDAA) được Quốc hội thông qua (1/8/2018) phê chuẩn ngân sách quốc phòng 716,3 tỷ USD (tăng 16 tỷ USD so với năm trước). NDAA nhằm ngăn chặn :

1) các hoạt động xâm chiếm lãnh thổ biển đảo của Trung Quốc trong vùng biển Đông Nam Á ;

2) các hoạt động gián điệp của Trung Quốc chống lại Mỹ và quốc tế ;

3) các kế hoạch của Trung Quốc nhằm làm suy yếu Mỹ. Quốc hội nhấn mạnh "cạnh tranh chiến lược lâu dài với Trung Quốc là ưu tiên chính của Mỹ". NDAA cũng kêu gọi "xác định lại, mở rộng và kéo dài" (redesignation, expansion, and extension) Sáng kiến Hàng hải Đông Nam Á (11). 

Trí thức trỗi dậy  

Theo các nguồn tin từ Trung Quốc, gần đây có một số sự kiện đáng chú ý : Giáo sư Hồ An Cương (Đại học Thanh Hoa) bị phê phán kịch liệt là tác giả thuyết "Trung Quốc đã vượt Mỹ" ; Bộ phim "Amazing China" bị ngừng phát hành, sau mấy tháng gây sốt dư luận ; Báo chí Trung Quốc được chỉ đạo không còn nhắc đến kế hoạch "Made in China 2025".

Ông Hồ An Cương đang bị dư luận Trung quốc phê phán, coi lý thuyết của ông là thủ phạm và nguyên nhân trực tiếp làm Trump nổi giận, gây ra cuộc Chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Trong một báo cáo (năm 2016) Hồ An Cương khẳng định Trung Quốc đã trở thành nước chế tạo lớn nhất thế giới, nước xuất nhập khẩu nhiều nhất và thực thể kinh tế lớn nhất thế giới. Trong một báo cáo khác (tháng 4/2017) ông kết luận: "Trung Quốc đã bước vào thời kỳ đuổi kịp và vượt qua toàn diện nước Mỹ, trong đó thực lực kinh tế đã vượt Mỹ năm 2013, khoa học kỹ thuật đã vượt Mỹ năm 2015, sức mạnh quốc gia tổng hợp đã vượt Mỹ năm 2012. Đến năm 2016, ba thực lực trên so với Mỹ đã lớn gấp 1,15 lần về kinh tế, gấp 1,31 lần về khoa học kỹ thuật và 1,36 lần về sức mạnh quốc gia tổng hợp, nên Trung Quốc đứng đầu thế giới !".

Gần đây, 27 học giả, nhà nghiên cứu, và cựu sinh viên Đại học Thanh Hoa đã ký tên vào một lá đơn yêu cầu Đại học Thanh Hoa cách chức Viện trưởng và tước bỏ học hàm giáo sư của Hồ An Cương. Sau đó, lá đơn này đã được 1.000 cựu sinh viên của trường đại học danh tiếng này hưởng ứng ký tên. Nội dung lá đơn tố cáo các nghiên cứu của Hồ An Cương đi ngược lại những kiến thức thông thường, đẻ ra cái gọi là "báo cáo học thuật về sức mạnh quốc gia tổng hợp của Trung Quốc đã vượt Mỹ". Họ cho rằng Hồ An Cương không chỉ làm ô danh trường Đại học Thanh Hoa mà về lâu dài còn làm hại đất nước và nhân dân Trung Quốc.

Một sự kiện khác đáng chú ý là Giáo sư Tôn Lập Bình (Đại học Thanh Hoa) đã viết bài trên mạng Weibo (được lan truyền khắp cả nước), chỉ trích các hoạt động tuyên truyền nói trên là "vừa gây tai họa cho quốc gia, vừa mang tai ương cho nhân dân". Theo ông, các trường đại học danh tiếng (Ivy League) và các cơ quan nghiên cứu hàng đầu của Mỹ đã hội tụ được các nhân tài giỏi nhất toàn cầu, kiên trì nghiên cứu cơ bản suốt mấy chục năm nay, trong khi Trung Quốc chỉ mới trỗi dậy trong một thời gian ngắn, nên đừng mong đuổi kịp Mỹ. Ông cảnh báo nếu người Trung quốc suốt ngày tung hô kế hoạch "Made in China 2025", và bộ phim "Amazing China", là "Đại quốc Trọng khí" (vật quý, quan trọng của nước lớn) thì chẳng khác gì "gõ thanh la và đánh trống lôi người khác tỉnh dậy, để tìm cách kiềm chế chúng ta".

Ông Long Vĩnh Đồ (cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại thương Trung Quốc) cũng phê phán quan điểm của ông Hồ An Cương về "Trung Quốc đã vượt Mỹ về ba thực lực". Ông Long viết : "Mới đây, một báo cáo kết quả nghiên cứu của Viện trưởng Hồ An Cương ở Đại học Thanh Hoa cho rằng 6 thực lực phát triển của Trung Quốc (kinh tế, khoa học kỹ thuật, sức mạnh tổng hợp, quốc phòng, ảnh hưởng quốc tế và văn hóa mềm) đều đã bước vào thời kỳ đuổi kịp và vượt Mỹ toàn diện, trong đó 3 thực lực đầu đã vượt Mỹ". Theo ông, từ trước đến nay, Trung Quốc chưa bao giờ coi thực lực kinh tế vượt Mỹ là tiền đề để xử lý quan hệ với Mỹ. Về thực lực phát triển, tố chất con người, hay sức mạnh tổng hợp quốc gia đều còn khoảng cách rất xa so với người Mỹ. Nhưng ông Hồ An Cương đã làm lãnh đạo và xã hội Trung Quốc lầm lẫn.

Tuyên truyền ra sao

Trên Nhân dân Nhật báo (2/7/2018) có bài "Bàn về trào lưu thổi phồng tự đại", cũng chỉ trích "cách nói 3 thực lực của Trung Quốc đã đuổi kịp và vượt Mỹ". Bài báo phê phán một số bài viết tung hô "Trung Quốc đã dẫn đầu thế giới về một số lĩnh vực, ai cũng khâm phục", và "Trung Quốc hiện là nền kinh tế số 1 thế giới", hoặc "Mỹ đã sợ chúng ta, Nhật cũng sợ, và châu Âu hối hận". Những bài báo đó đã kích động tinh thần dân tộc cực đoan, làm nhiều người tự cao tự đại, xã hội sa đà vào thông tin sai lạc, vô tình cổ súy cho tư tưởng dân túy.

Sau khi nổ ra chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, "Sự kiện ZTE" bị Mỹ trừng phạt vì lấy cắp công nghệ Mỹ, trở thành một liều thuốc tỉnh ngủ, làm người Trung Quốc giật mình. Nhiều chuyên gia Trung Quốc lên tiếng cảnh báo cái gọi là "thành tựu trong lĩnh vực công nghệ cao" của Trung Quốc không đúng như tuyên truyền. Trong khi Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố cấm các công ty Mỹ trong vòng 7 năm không được bán linh kiện/cấu kiện cho công ty ZTE để phát triển công nghệ 5G cho điện thoại thông minh, làm ZTE đối mặt nguy cơ phá sản, bộ phim "Amazing China" lại tung hô công nghệ cao Trung Quốc, với nhiều tình tiết có thể làm bằng chứng Trung Quốc đã lấy cắp, dùng trộm và cưỡng bức chuyển giao công nghệ, làm các công ty công nghệ khác (như Huawei và Alibaba) lo ngại sẽ là nạn nhân tiếp theo (như ZTE).  

Bộ phim "Amazing China" tràn ngập những hình ảnh về các "kỳ tích vượt bậc, gây nức lòng người" trong lĩnh vực khoa học công nghệ (như máy bay tàng hình J-20, tàu sân bay Liêu Ninh, cầu lớn vượt biển nối Hongkong với Ma Cao). Xuyên suốt bộ phim là những lời ca ngợi sức mạnh Trung Quốc, bừng bừng khí thế yêu nước và lòng tự hào dân tộc. Phim được mô tả là "tác phẩm truyền đi sức mạnh Trung Quốc" gây cơn sốt cả trong nước và ngoài nước. Nhưng đến ngày 19/4/2018, bộ phim đó đột nhiên được thông báo rút khỏi hệ thống các rạp, và gỡ khỏi các trang phim trực tuyến, theo chỉ thị của Ban Tuyên truyền Trung ương.

Theo Tân Hoa Xã, ngày 25/7/2018, Tưởng Kiến Quốc (Phó ban Tuyên truyền trung ương) đã đột ngột bị cách chức, và ngày 30/7/2018, Lỗ Vỹ (Phó Ban Tuyên truyền trung ương), đã bị Tòa án đưa ra xét xử. Ủy ban Kiểm tra kỷ luật TW đã buộc tội ông với những lời lẽ nặng nề, như là người khởi xướng trào lưu sùng bái cá nhân và lừa dối lãnh đạo. Nhiều người cho rằng việc chỉnh lý công tác tuyên truyền phản ánh tình trạng Trung Quốc bị đòn đau trong Chiến tranh thương mại. Sai lầm về tuyên truyền dường như đã làm cho lãnh đạo bị bất ngờ (caught off guard), nay họ nhận ra thì đã quá muộn. Công tác tuyên truyền gắn với Tập Cận Bình, tuy vị thế chưa bi suy yếu, nhưng khả năng kiểm soát quyền lực chắc bị giảm sút (7).

Trong nghiên cứu người ta phải dựa trên sự thật, nhưng trong tuyên truyền người ta có thể dựa vào "một nửa sự thật" (half truth) hay "sự thật khác" (alternative facts), thậm chí "tin vịt" (fake news) để đạt mục đích. Nghiên cứu và tuyên truyền tồn tại song song nên dễ làm người ta ngộ nhận và nhầm lẫn. Joseph Goebbels (bộ trưởng tuyên truyền Đức) từng nói: "Nói dối một lần chỉ là nói dối, nhưng nói dối một ngàn lần sẽ thành sự thật" (a lie told once remains a lie, but a lie told a thousand times becomes the truth). Sử gia Yuval Harari gọi xã hội loài người là "hậu sự thật" (post-truth) và cho rằng fake news đã tồn tại từ lâu trước Facebook.

Ngộ nhận và nhầm lẫn giữa nghiên cứu và tuyên truyền có thể gây tai họa. Điều đó thường xảy ra dưới chế độ chuyên chế khi vua không chịu lắng nghe sự thật và các quan không dám nói ra sự thật (vì sợ trái ý vua). Nó không chỉ xảy ra trong lịch sử, mà đang xảy ra tại Bắc Kinh (và một số nơi khác). Nhiều người đã nhận ra lãnh đạo Trung Quốc vừa qua bị bất ngờ và bị động đối phó với Mỹ trong cuộc chiến thương mại, vì họ đã ngộ nhận và nhầm lẫn lớn (hay còn gọi là "ngộ nhận chiến lược"). Không phải ì Trung Quốc thiếu người tài để đối phó với Mỹ, mà họ đã bị thể chế làm cho thui chột hoăc vô hiệu hóa. Muốn khắc phục vấn nạn này phải thay đổi thể chế, vì chỉ thay người (như thay áo) không thể giải quyết được vấn đề.

Thoát Trung thế nào    

Trong khu vực, xu hướng "thoát Trung" và "theo Trung" xảy ra đồng thời, phản ánh sự phân hóa của các nước (như ASEAN) dưới tác động của Trung Quốc đang trỗi dậy, muốn thao túng khu vực này và Biển Đông (như cái ao riêng của họ). Miến Điện là một trường hợp điển hình đã dám "tái cân bằng" (rebalance) quan hệ với Trung Quốc. Nói cách khác, đó là quá trình "thoát Trung", để tránh bị "Hán hóa" (sinicization) về kinh tế và chính trị thông qua "bẫy nợ" (debt trap). "Tái cân bằng" hay "thoát Trung" không có nghĩa là bài Trung hay chống Trung Quốc, vì đó là một cường quốc (láng giềng), có một nền văn hóa vĩ đại.

Quá trình "tái cân bằng" tại Miến Điện không phải ngẫu nhiên, mà do mấy thập kỷ kinh nghiệm quan hệ Miến-Trung làm người Miến tỉnh ngộ, buộc phải đảo ngược (push back), tuy họ vẫn phải giữ quạn hệ tốt với Trung Quốc. Nay quá trình đó đang lặp lại tại Triều Tiên sau cấp cao Liên Triều và Mỹ-Triều, tại Malaysia sau khi Mahathir Mohamad thắng Najib Razak và lên làm thủ tướng, và sẽ diễn ra tại các nước khác như một xu hướng mới. Trong khi quá trình "theo Trung" (như Cambodia, Lào, Thailand, Philippines) là do hoàn cảnh, và có thể đảo ngược, thì quá trình "thoát Trung" hầu như không thể đảo ngược (irreversible).  

Một số học giả và nhà báo thiếu phê phán (uncritically) thường có quan điểm thân Trung Quốc, do thấy đầu tư và ảnh hưởng của Bắc Kinh ngày càng tăng trong khu vực. Nhưng đầu tư của Trung Quốc trong mấy năm qua đã dẫn đến phản ứng của dân chúng (public backlash) làm quan hệ song phương dễ đổ vỡ (fragile). Tại Malaysia, thủ tướng mới Mahathir Mohamad (93 tuổi) đang tái cân bằng (rebalance) quan hệ với Trung Quốc như một ưu tiên hàng đầu. Ông đã quyết hủy hai dự án lớn là tuyến đường sắt East Coast Rail Link (trị giá 20 tỷ USD) và đường ống dẫn khí Sabah Gas Pipeline (trị giá hơn 2 tỷ USD). Đây là một phép thử (litmus test) để xem Trung Quốc có mềm dẻo để tái cấu trúc quan hệ trong tương lai hay không.

Tuy Thủ tướng Mahathir công khai chỉ trích quan hệ Trung-Mã dưới thời Razak, nhưng trong chuyến thăm Trung Quốc (18-22/8/2018), ông đã khéo léo tránh đổ lỗi cho Trung Quốc, mà đổ trách nhiệm cho người tiền nhiệm là Rajib Razak. Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, Mahathir nói rõ : "Chúng tôi luôn ghi nhớ trình độ phát triển của các nước không giống nhau…Chúng tôi không muốn có tình trạng chủ nghĩa thực dân kiểu mới vì các nước nghèo không thể cạnh tranh với các nước giàu. Vì vậy chúng tôi cần thương mại công bằng".        

Tuy quyết định của ông Mahathir là một thất bại lớn (big blow) cho kế hoạch "Vành đai & Con đường" của Trung Quốc tại khu vực, nhưng Tập Cận Bình vẫn phải vui vẻ chấp nhận và tuyên bố "hài lòng sâu sắc" (deeply satisfied) với chuyến thăm của thủ tướng Mahathir. Sau khi lên cầm quyền, ông Mahathir đã quyết đảo ngược các chính sách của Rajib Razak đã làm Malaysia nợ gần 250 tỷ USD do ký nhiều dự án bất lợi và vay Bắc Kinh hàng tỷ USD để cứu quỹ đầu tư nhà nước khỏi phá sản (8).

Tại Philippines, phản ứng trái chiều của dân chúng sẽ xảy ra khi làn gió chính trị đổi chiều, hoặc khi sức khỏe của tổng thống có vấn đề. Duterte có lần thú nhận ông là "tổng thống vịt què" (lame duck president) và "sẵn sàng từ chức" nếu quân đội và cảnh sát tìm được người thay thế. Lào và Campuchia cũng không phải ngoại lệ. Lào đang sa vào "bẫy nợ" của Trung Quốc, với dự án đường sắt cao tốc (trị giá 6 tỷ USD). Tại Campuchia, ngày càng nhiều người bất bình vì Hun Sen cho Trung Quốc thuê cảng Sihanoukville and Koh Kong 99 năm, và một diện tích chiếm  20% bờ biển nước này. Tuy Hunsen đàn áp đảng đối lập và công khai thân Trung quốc, nhưng con trai Hun Sen lại học West Point (chứ không phải Thanh Hoa).      

Đa dạng hóa quan hệ 

Theo New York Times, các nước châu Á buôn bán với Trung Quôc nhiều hơn với Mỹ (thường với tỷ lệ "hai trên một"). IMF dự báo Trung Quốc có thể trở thành cường quốc kinh tế số một thế giới vào năm 2030. Theo NDS, "Trung Quốc muốn gạt Mỹ khỏi khu vực Indo-Pacific, mở rộng phạm vi mô hình kinh tế nhà nước, và lập lại trật tự khu vực có lợi cho họ... Cạnh tranh kiểu chiến tranh lạnh thường không thấy sự chênh lệch (imbalance) về vùng ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc tại khu vực. Đây là hệ quả do Mỹ đã lỡ bước (missteps) và do chính sách tùy tiện (ad hoc) dựa trên quan hệ song phương của Trump tại Đông Nam Á (10).

Theo CNBC (23/8/2018), cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang leo thang tiếp tục "ăn miếng trả miếng", đánh thuế 25% số hàng hóa của nhau trị giá 16 tỷ USD, đưa tổng số lên 50 tỷ USD (giai đoạn một, từ 6/7/2018), bất chấp đàm phán đang diễn ra (ở cấp thứ trưởng). Nếu đàm phán lần trước (6/2018) ở cấp bộ trưởng (với phó thủ tướng Lưu Hạc) đã thất bại, đàm phán lần này càng khó thành công. Trump nói ông "không hy vọng nhiều vào đàm phán". Có nhiều khả năng Mỹ sẽ tiếp tục đánh thuế trị giá 200 tỷ USD (giai đoạn hai, từ 9/2018).

Nếu Trung Quốc vẫn không chịu thay đổi, Trump dọa sẽ đánh thuế trị giá hơn 500 tỷ USD (giai đoạn ba) trên toàn bộ hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ năm 2017. Theo Wilbur Ross (bộ trưởng thương mại Mỹ): "Họ sẽ không chịu thua một cách dễ dàng. Dĩ nhiên họ sẽ trả đũa đôi chút, nhưng cuối cùng, chúng ta có nhiều đạn hơn họ. Họ biết điều đó. Nền kinh tế của chúng ta mạnh hơn nhiều so với Trung Quốc, họ cũng biết điều đó" (CNBC, 23/8/2018).

Theo một báo cáo của Hội Đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations), tuy Mỹ vẫn là đồng minh chính về an ninh của các nước khu vực, nhưng cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang gia tăng, càng thúc đẩy các nước Đông Nam Á đa dạng hóa quan hệ đối tác chiến lược vượt ra khỏi quỹ đạo với Bắc Kinh hay Washington. Tại Malaysia, sau khi lên cầm quyền, Mahathir quyết định đi thăm Tokyo (chứ không phải Bắc Kinh hay Washington), trong chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của mình. Mahathir có thể quay lại chính sách "Hướng Đông" (Look East), vì ông tin rằng Nhật Bản có vai trò quan trọng hơn tại khu vực này. Đó là quan điểm được nhiều nước khác trong khu vực này chia sẻ (trong đó có Việt Nam).   

Quá trình Hán hóa là chiến lược của Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng ra toàn cầu, nhằm cạnh tranh với Mỹ sau khi trỗi dậy thành cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, thông qua cho vay, đầu tư, xây dựng hạ tầng (theo sáng kiến "Vành đai & Con đường") và dùng ảnh hưởng văn hóa tư tưởng (như Viện Khổng Tử và "Charm Offensive"). Đó là một loại chủ nghĩa thực dân mới (neo-colonization) dùng "bẫy nợ" thay "ngoại giao pháo hạm", thường dễ thành công tại các nước có thể chế tương đồng (như độc tài, tham nhũng), nhưng về lâu dài sẽ phản tác dụng khi chủ nghĩa dân tộc và xu hướng dân chủ hóa tại các nước đó trỗi dậy để "thoát Trung", chống lại sự nô dịch kinh tế và văn hóa (economic and cultural coercion).

Tham vọng Hán hóa nhằm nô dịch về kinh tế và văn hóa có thể thành công tại một số nước, nhưng thực tế chứng tỏ đó là một con dao hai lưỡi, có thể trở thành "gót chân Asin" của Trung Quốc trong quan hệ quốc tế, khi Mỹ triển khai chiến tranh thương mại và chiến lược quốc phòng (NDS) nhằm ngăn chặn Trung Quốc. Xu hướng dân chủ hóa và "thoát Trung" theo chủ nghĩa dân tộc tại khu vực sẽ làm Trung Quốc bị cô lập. Những gì đang diễn ra sẽ làm người Trung Quốc giật mình tỉnh ngộ vì họ đã "ngộ nhận chiến lược". Đó là một bài học lớn không chỉ cho người Trung Quốc, mà còn cho các quốc gia khác chưa tỉnh ngộ. 

Lời cuối 

Gần đây, Patrick Cronin (senior advisor, Center for New American Security) đã đưa ra một khái niệm mới để chỉ hành động của Trung Quốc tại Biển Đông là "insurgency" (bạo động).  Theo Cronin, luật pháp quốc tế trên biển có đứng vững được hay không còn phụ thuộc vào lòng tin của người dân được tự do đi lại như thế nào và tới đâu mà người ta muốn trong phạm vi quyền hạn của họ theo luật quốc tế. Mỹ phải tư duy và hành động như "counterinsurgent" (chống bạo động) trên Biển Đông, để phát huy ảnh hưởng của mình trước Trung Quốc là "insurgent" (kẻ gây bạo động) để bảo vệ sự có mặt thường xuyên và liên tục của tàu bè dân sự tại khu vực này (5). 

Theo Cronin, Việt Nam là một đồng minh chủ chốt (key ally) của Mỹ tại khu vực, trong khi Mỹ ủng hộ chủ quyền các nước tại Biển Đông, cung cấp nhiều vũ khí, và coi việc ngăn chặn Trung Quốc là mục tiêu chính. Gần đây, các quan chức cấp cao Mỹ đến thăm Việt Nam ngày càng nhiều, như ngoại trưởng Mike Pompeo (cũng như Rex Tillerson), bộ trưởng quốc phòng Jim Mattis, và Tổng thống Trump (11/2017). Việt Nam vẫn thân thiện với Mỹ và lập trường này chắc không thay đổi… Đáng chú ý là gần đây đã nổ ra nhiều cuộc biểu tình tại Việt Nam để phản đối luật đặc khu kinh tế, định cho nước ngoài thuê đất 99 năm.

Tuy Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật An ninh Mạng (12/6/2018), nhưng lại hoãn thông qua Luật ba Đặc khu (ít nhất là đến hết năm). Diễn biến này có thể liên quan đến những gì đang diễn ra tại Bắc Kinh cũng như trong quan hệ Mỹ-Trung, như một "hệ quả không định trước" (unintended consequence). Chắc phải có mối liên quan chặt chẽ giữa mục tiêu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và mục tiêu chiến lược mới của Mỹ (NDS). Nếu Trung quốc giật mình vì bộc lộ "gót chân Asin", liệu Việt Nam có giật mình tỉnh ngộ hay không?    

Nguyễn Quang Dy

Nguồn : Viet-studies, 26/8/2018  

Tham khảo :

(1) Hitting China’s Wall, Paul Krugman, New York Times, July 18, 2013

(2) The Coming Chinese Crackup, Wall Street Journal, March 6, 2015

(3) China’s Summer of Discontent, Minxin Pei, Project Syndicate, August 2, 2018

(4) Humans are a post-truth speciesYuval Noah Harari , the Guardian, August 5, 2018

(5) China is waging a Maritime insurgency in the South China Sea. It’s time for the United States to counter it, Patrick Cronin, National Interest, August 6, 2018

(6) Xi Jinping’s Path for China, Stratfor, August 10, 2018

(7) Trumps trade war is rattling China’s leadersKeith Bradsher  & Steven Lee Myers , New York Times, August 14, 2018

(8) Malaysia cancels two big Chinese projects, fearing they will bankrupt the country, Amada Erickson, Washington Post, August 21, 2018

(9) China-US trade war : Vice-President Wang Qishan ‘the firefighter’ might not be sent to front line, Shi Jiangtao, South China Morning Post, August 22, 2018

(10) Does China really dominate Southeast Asia ? David Hunt, Asia Times, August 23, 2018

11. With a wary eye on China’s maritime expansion, the US is switching up gear in the Indo- Pacific, Emanuele Scimia, South China Morning Post, August 23, 2018

Published in Diễn đàn

"Một thời kỳ Bắc thuộc rất nguy hiểm đã bắt đầu"

(Nguyễn Cơ Thạch, 1990)

Khi đề cập đến câu chuyện đặc khu kinh tế, người ta dễ sa vào tiểu tiết nên "thấy cây mà không thấy rừng". Chỉ tranh cãi và điều chỉnh "99 năm hay 70 năm" là vô nghĩa. Khi quan tâm đến "phần nổi của tảng băng" người ta cũng dễ quên phần chìm (mới là phần cốt lõi).

dackhu1

Khi quan tâm đến "phần nổi của tảng băng" người ta cũng dễ quên phần chìm (mới là phần cốt lõi).

Trong bài này, tôi đề cập đến hai vấn đề cốt lõi. Thứ nhất, câu chuyện đặc khu là một phần của bàn cờ Biển Đông, liên quan đến chiến lược "Một vành đai Một con đường" của Trung Quốc, đến chủ quyền Việt Nam và vấn đề "thoát Trung". Thứ hai, câu chuyện đặc khu là một phần của vấn đề chống tham nhũng và đổi mới thể chế. Cả hai vấn đề đều liên quan đến yêu cầu kiểm soát quyền lực và dân chủ hóa để thoát khỏi cái vòng kim cô về ý thức hệ đã lỗi thời.

Đục nước béo cò

Nói cách khác, cả hai vấn đề cốt lõi nói trên đều có cùng yêu cầu cấp bách là phải tháo gỡ ách tắc về thể chế để dân chủ hóa và phát triển (cả sức mạnh cứng và sức mạnh mềm). Muốn phát triển phải dân chủ hóa, muốn dân chủ hóa phải phát triển (cả nguồn lực và dân trí). Cả hai vấn đề đều dễ bị nhầm lẫn (vì dân trí), và dễ bị lợi dụng bởi các nhóm lợi ích đang tranh giành quyền lực và thao túng chính sách để "đục nước béo cò", bất chấp lợi ích cốt lõi của dân tộc. Trong bối cảnh "nội biến" thì dễ bị "ngoại xâm" bởi người láng giềng khổng lồ.

Trong câu chuyện đặc khu chỉ cần xác định "ai là kẻ thủ lợi" (câu La Tinh nổi tiếng : Cui bono ?) nếu không phải là các nhóm lợi ích muốn "đục nước béo cò", và người láng giềng khổng lồ đang quân sự hóa để kiểm soát Biển Đông (như "cái ao riêng") và bắt nạt các nước láng giềng nhỏ yếu hơn để kiểm soát họ (cả phần hồn lẫn phần xác) như "lợi ích cốt lõi". Nguy cơ "Hán hóa" không chỉ là câu chuyện lịch sử (trong sách giáo khoa) mà nó đang diễn ra tại nhiều nơi như Formosa và các đặc khu khác, không chỉ đe dọa sự tồn vong của Việt Nam mà cả các quốc gia khác.

Nếu đặt câu chuyện đặc khu kinh tế trong bức tranh lớn về Biển Đông, ngưởi ta rất dễ thấy "yếu tố Trung Quốc" nổi lên rất rõ và rất lớn. Tại sao lại là Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc (và Vũng Áng trước đây) mà không phải là chỗ nào khác ? Đơn giản vì đó là những vị trí chiến lược xung yếu nhất. Chỉ có mù lòa về địa chính trị mới không hiểu tại sao. Còn cho thuê 99 năm vì đó là tiền lệ mà Trung Quốc đã áp đặt cho nhiều nước khác bị sập "bẫy nợ". Đó là "chủ nghĩa thực dân mới kẻ cướp" (predatory neo-colonialism). Trong khi thế giới giật mình tỉnh ngộ và lo sợ, thì Việt Nam vẫn như mê ngủ, hay giả vờ không hiểu (và "không sợ"). 

dackhu2

Nếu đặt câu chuyện đặc khu kinh tế trong bức tranh lớn về Biển Đông, ngưởi ta rất dễ thấy "yếu tố Trung Quốc" nổi lên rất rõ và rất lớn.

Đến lúc này mà họ vẫn chưa nhìn thấy nguy cơ đó thì có thể bị mù lòa về chính trị hoặc tối mắt vì lợi ích. Nhưng trong lúc đất nước lâm nguy mà chỉ tranh cãi và chống đối nhau thì tai họa càng lớn và đến càng nhanh. Bài học Miến Điện là trước nguy cơ Hán hóa, họ đã biết dẹp mâu thuẫn nội bộ để tìm đồng thuận quốc gia và đổi mới thể chế. Tuy Việt Nam đi trước Miến Điện (về cải cách kinh tế) và đi trước Triều Tiên (về thống nhất đất nước) nhưng Việt Nam đang tụt hậu không chỉ về kinh tế mà còn về thể chế và đồng thuận quốc gia.   

Ván đã đóng thuyền

Hãy thử điểm lại vài nét cơ bản về thực trạng hiện nay trong câu chuyện đặc khu để thấy rõ chúng ta đang đi về đâu và đang làm gì trước nguy cơ Hán hóa. Nguy cơ đó không chỉ đến từ bên ngoài (như "ngoại xâm") mà còn đến từ bên trong (như "nội biến"). Tuy người ta tranh cãi và chém gió đã nhiều, nhưng nếu vẫn chưa tìm được đồng thuận quốc gia thì sẽ là "tai họa quốc gia". Khi giờ G tới, trước khi "ấn nút" quyết định, các Đại biểu quốc hội hãy đặt tay lên ngực mình (như nhân viên "Thế giới di động") để tự hỏi mình là ai (có còn là đại biểu cho nhân dân nữa không) và mình đang phục vụ lợi ích của ai (người dân hay nhóm lợi ích, Việt Nam hay Trung Quốc). Việc "ấn nút" không chỉ đơn giản là "ván đã đóng thuyền" như bán Sabeco và Vinamilk, mà còn để lại hậu họa khôn lường cho nhiều thế hệ sau.

Theo Vneconomy (16/04/2018), Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ quốc hội : "Bộ chính trị đã kết luận rồi, dự thảo luật không trái Hiến pháp, phải bàn để ra luật chứ không thể không ra luật". Nói cách khác, bà Ngân muốn đẩy trách nhiệm vì "ván đã đóng thuyền" nên Quốc hội bất lực, và gián tiếp thừa nhận vai trò Quốc hội chỉ là "ấn nút" để hợp thức hóa quyết định của Bộ chính trị. Nhưng Quốc hội và Bộ chính trị liệu có hình dung được nguy cơ tiềm ẩn và hệ quả khôn lường.

Một lần nữa Việt Nam lại sa vào bẫy của Trung Quốc (trong khi Triều Tiên đang "thoát Trung"). Không phải chỉ có "một làn sóng phản đối khủng khiếp" (như Thủ tướng nói) mà nguy cơ phân hóa và bạo loạn có thể lại xảy ra lần nữa như trong vụ dàn khoan HD 981 (5/2014). Tướng Nguyễn Chí Thanh từng nói đúng : "Mất đất chưa phải là mất nước. Mất dân mới là mất hết". Chẳng lẽ lãnh đạo ngày nay không cần đến dân, và coi người bạn "bốn tốt" và "16 chữ vàng" là "đại cục".

Phát biểu với báo Tuổi trẻ (4/6/2018) tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh (thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, và giám đốc nghiên cứu của Đại học Fulbright) cũng cho rằng dự luật đặc khu kinh tế chắc sẽ được thông qua vì trên thực tế "ván đã đóng thuyền". Nhưng nếu được triển khai thì "khả năng thành công của mô hình đặc khu sẽ rất thấp". Đó là một nhận xét khá khách quan và trung thực (nhưng cũng đầy bất lực). Tương tự như vậy, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng nhận xét, "Tôi rất ngờ rằng luật này sẽ vẫn được thông qua, dù người ta có thể sửa đôi điều để trấn an dư luận. Nhưng về cốt lõi nó vẫn thế, vì người mua kẻ bán đã thỏa thuận với nhau mấy năm nay rồi, giờ họ chỉ chờ luật để hợp thức hóa thôi"...

Theo Dân Trí (1/6/2018), Chủ tịch quốc hội cố lý giải những lợi ích mà đặc khu sẽ mang lại : "bỏ ra một đồng để thu lại vài chục, vài trăm đồng" (chắc chỉ có đánh bạc !). Phó Chủ tịch quốc hội Uông Chu Lưu nói "vừa làm vừa thử nghiệm" và hùng hồn tuyên bố : "Làm đặc khu phải theo nguyên lý dọn tổ đón phượng hoàng". Chắc ông này không học Public Relations/Marketing, hoặc "nhỡ mồm" (Freudian slip). Không biết ông Lưu muốn nói đến phượng hoàng nào, nhưng câu nói đó của ông đã gây bão dư luận, và đi vào lịch sử như "trạm thu giá BOT" của Bộ trưởng giao thông. Nếu ông Lưu muốn nói đến phượng hoàng nội (như Vingroup hay Sun Group) thì họ chẳng cẩn đến đặc khu nào cả, vì họ đã chiếm hết đất vàng làm tổ lâu rồi. Nếu ông muốn nói đến phượng hoàng ngoại (như ASEAN hay Mỹ, Nhật, Ấn, Úc…) thì nhầm to. Vậy chỉ còn phượng hoàng Tàu. Nhưng thực ra Trung Quốc không phải là phượng hoàng mà là "chó sói" (đó là từ ngữ mà một cán bộ cao cấp của Trung Quốc đã có lần thừa nhận). Con sói khổng lồ đã thò một chân vào Việt Nam (tại Formosa), nay muốn thò nốt cả ba chân và hợp pháp hóa sự có mặt của nó bằng luật định (cho "đúng quy trình"). Vì vậy, nhiệm vụ chính của Quốc hội là phải "ấn nút" thông qua luật đặc khu kinh tế như là "đóng giầy theo chân con sói". 

Dọn tổ đón phượng hoàng

Theo báo Tuổi Trẻ (6/6/2018), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng (bộ chủ quản của dự luật đặc khu) đã khẳng định, "Dự thảo không có một chữ nào về Trung Quốc, chỉ có những người cố tình hiểu theo hướng đó và đẩy vấn đề lên, chia rẽ quan hệ ta với Trung Quốc". 

Vậy ông Dũng giải thích thế nào về Điều 55.4 Mục 5 trong dự luật : "Công dân của nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam tại tỉnh Quảng Ninh sử dụng giấy thông hành hợp lệ… được miễn thị thực ...). Nước láng giềng đó là nước nào ? Ông Dũng đã ngụy biện một cách vụng về nên "giấu đầu hở đuôi", hoặc ông quá coi thường dân nên tưởng có thể dễ dàng "dắt voi qua rào" (như họ đã từng làm trong vụ Formosa). Tuy Formosa chưa phải là đặc khu nhưng họ đã hành xử như "Tô giới" : không cho cơ quan chức năng Việt Nam vào, và còn hỗn xược thách thức "chọn cá hay chọn thép ?". Đó là phượng hoàng nào ? do ai ?  

Thực ra câu chuyện đặc khu kinh tế đã được đề cập từ mấy năm nay. Tuy bộ Kế hoạch và đầu tư chịu trách nhiệm chính (từ thời bộ trưởng Bùi Quang Vinh đến thời bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng), nhưng các tỉnh liên quan cũng có vai trò lớn (chạy dự án). Hà Tĩnh chạy Vũng Áng, Khánh Hòa chạy Bắc Vân Phong, Kiên Giang chạy Phú Quốc, Quảng Ninh chạy Vân Đồn. Theo giáo sư Võ Đại Lược, ông Phạm Minh Chính (nguyên bí thư Quảng Ninh) là tác giả của đề án đặc khu kinh tế Vân Đồn (từ tháng 8/2012). Lúc đó, ông Chính muốn xây dựng hai đặc khu kinh tế (cả Vân Đồn và Móng Cái) và "rất hăng say về chuyện xây dựng đặc khu kinh tế", theo đó nhà đầu tư nước ngoài được thuê đất 70 năm (thậm chí có thể đến 120 năm). Trường Đại học Thâm Quyến (Trung Quốc) tham gia hội thảo và chắc đã tài trợ kinh phí tổ chức…

Trong dự thảo luật đặc khu có rất nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trái với các cam kết trong FTA về việc tạo lập môi trường đầu tư bình đẳng cho các nhà đầu tư khác nhau ở Việt Nam. Không những vậy, dự thảo còn cho phép kinh doanh nhiều lĩnh vực rủi ro cho quốc phòng và an ninh quốc gia, thậm chí cả các dự án điện hạt nhân. Điểm 4, Phụ lục IV cho phép : "Kinh doanh quân trang, quân dụng cho lực lượng vũ trang, vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dụng quân sự, công an, linh kiện, bộ phận, phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng chế tạo chúng… Kinh doanh bất động sản, chất nổ, khai thác và làm giàu quặng kim loại có sử dụng hóa chất độc hại…

Chắc năm nay là thời điểm tốt nhất để Trung Quốc bắt nạt và bắt chẹt Việt Nam trên đất liền (cũng như tại Biển Đông) với chiến thuật "tằm ăn dâu", biến thành "chuyện đã rồi". Sau khi đã quân sự hóa và kiểm soát được Biển Đông, tất yếu họ muốn kiểm soát cả trên đất liền, không chỉ tại Campuchia mà còn tại Việt Nam (và các nước khác), theo chiến lược tổng thể "Một Vành đai, Một Con đường", bằng cách lần lượt thôn tính các nước bằng " bẫy nợ". Những cánh tay dài của con bạch tuộc khổng lồ hay quái vật Frankenstein (như lời Richard Nixon) đã vươn tới Châu Phi (cảng Djibouti, 22 triệu USD/năm), tới Hy Lạp (cảng Piraeus, 436 triệu USD), tới Australia (cảng Darwin, 388 triệu USD, 99 năm), tới Sri Lanka (cảng Hambantora, 1,1 tỷ USD, 99 năm), tới Myanmar (cảng Yaukpyu và khu công nghiệp, đầu tư 10 tỷ USD, 75 năm), tới Campuchea (cảng Sihanoukville & Koh Kong, đầu tư 3,8 tỷ USD, 99 năm), tới Thailand (siêu kênh đào Kra, đầu tư 20-30 tỷ USD) để nối thẳng Vịnh Thailand với Ấn Độ Dương (bỏ qua eo Malacca).  

Ba con ngựa thành Troy

Khi nói đến "thoát Trung", chúng ta đừng nhầm với chống Trung Quốc như một đất nước và một dân tộc vĩ đại (là bạn). Nhưng người dân Việt Nam (cũng như người dân Trung Quốc) cần chống lại chính sách bá quyền nước lớn của họ (là thù). Cũng như trước đây, chúng ta không chống nước Mỹ và người Mỹ (là bạn) mà chỉ chống lại chính sách can thiệp của họ (là thù). Nếu nhầm lẫn, coi bạn là thù (hay coi thù là bạn) thì sẽ là tai họa. Người Việt lúc thắng thường hay ngạo mạn (như không sợ Mỹ), nhưng nay thất thế lại quá sợ Trung Quốc. Việt Nam muốn "làm bạn với tất cả", nhưng nếu nhầm lẫn biến bạn thành thù sẽ bị cô lập.  

Gần đây, Thủ tướng và Chủ tịch nước đã liên tiếp đi thăm các nước chủ chốt (như "tứ cường" Mỹ, Nhật, Ấn, Úc). Đó là những hoạt động ngoại giao đúng hướng để Việt Nam "tái cân bằng" quan hệ quốc tế. Nếu sự kiện bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là một thảm họa đối ngoại, làm mất lòng các đối tác chiến lược (Đức và Châu Âu) đe dọa làm trật bánh hiệp định EVFTA, nay luật đặc khu kinh tế chắc sẽ gửi một thông điệp tiêu cực tới các đối tác chiến lược khác (như "tứ cường") mà Việt Nam đang vận động (dễ làm "xôi hỏng bỏng không").

Trong bối cảnh cả nước đang sục sôi phẫn nộ, nếu Quốc hội quyết "ấn nút" để dắt "ba con voi qua rào" (như "ba con ngựa thành Troy"), thì khác gì hành động "tự sát chính trị" (theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng). Hành động mạo hiểm đó chắc chắn sẽ bị thiên hạ chê cười và nguyền rủa, như thằng bờm "cố đấm ăn xôi", định bán chạy ba đặc khu xung yếu nhất cho lão hàng xóm khổng lồ tham lam và độc ác. Không chỉ dư luận trong nước phản đối quyết liệt, mà dư luận quốc tế cũng đang lên tiếng, vì vấn đề ba đặc khu không chỉ liên quan đến Việt Nam, mà còn liên quan đến tầm nhìn Indo-Pacific mà Việt Nam ủng hộ. Đây là thế "tiến thoái lưỡng nan" (như "catch-22") không ai muốn, nên cần khôn ngoan thoát hiểm.

dackhu3

Việt Nam đang "bí tiền và bí cờ", trong khi bị Trung Quốc bắt nạt không cho khai thác dầu khí tại mỏ Cá Rồng Đỏ (Bãi Tư Chính) và Cá Voi Xanh (lô 128).

Sau sự kiện "tái xuất" (lần thứ nhất) tại hội nghị cấp cao APEC (6-12/11/2017), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã "tái xuất" (lần thứ hai) tại Trung ương 7 (7-12/5/2018). Sau chuyến thăm chính thức Ấn Độ (2-4/3/2018), ông Quang vừa thăm chính thức Nhật Bản (29/5-2/6/2018). Đó là mấy sự kiện nổi bật, đánh dấu "những đợt sóng ngầm chính trị" (lời Lê Hồng Hiệp) vẫn đang tiếp diễn và chưa ngã ngủ, còn nhiều ẩn số và biến số (cho tới Trung ương 8). Chắc Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hiểu rõ nguy cơ và hệ quả của ba đặc khu này, nhưng Thủ tướng buộc phải nói (như thanh minh) : "Nếu ai ở địa vị này cũng phải giao, không có cách gì khác". Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã bức xúc kết luận : "Không biết ai đưa ra ý tưởng như vậy, kể cả những người đồng ý, thì đều là những kẻ bán nước".

Để triển khai "chủ trương lớn" này, Bộ chính trị đã chỉ đạo Quốc hội "ấn nút" để thông qua luật đặc khu kinh tế, định biến một chuyện bất khả kháng thành "chuyện đã rồi", theo một thỏa thuận ngầm nào đó (với nhiều điều kiện đặc biệt). Nó chứng tỏ Việt Nam đang "bí tiền và bí cờ", trong khi bị Trung Quốc bắt nạt không cho khai thác dầu khí tại mỏ Cá Rồng Đỏ (Bãi Tư Chính) và Cá Voi Xanh (lô 128). Trong khi ngân sách thiếu hụt (thu không đủ chi), nội bộ ngày càng mâu thuẫn sâu sắc khi "người đốt lò vĩ đại" chống tham nhũng quyết liệt. Trong khi trì hoãn những dự luật khác, Quốc hội ráo riết chuẩn bị thông qua luật đặc khu kinh tế, được Quốc hội thảo luận từ cuối năm 2017, nay phải thông qua sớm (dự kiến 15/6/2018)

Kế hoãn binh

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan (Tiếng Dân, 5/6/2018), "dự luật đặc khu rất nên dừng lại. Quốc hội đừng thông qua vội, để hỏi thêm ý kiến của các chuyên gia về các lĩnh vực khác nhau, không phải chỉ về kinh tế, mà cả về xã hội và chuyên gia về an ninh, quốc phòng, nhìn từ nhiều góc độ để xem xét lại"… Theo bà Chi Lan, "mối nguy của việc ba đặc khu có thể biến thành những vùng lãnh thổ của Trung Quốc ở Việt Nam là rất lớn… Chưa chắc đã cần chờ đến 50 năm, 70 năm hay 99 năm đâu, các đặc khu này có thể rơi vào tay người Trung Quốc ở mức độ rất cao, đến mức họ khống chế hoàn toàn. Đấy là điều tôi thật sự lo lắng"…

Sáng 9/6/2018, Chính phủ thông báo đã đề nghị Quốc hội lùi thời gian thông qua dự luật đặc khu sang kỳ họp thứ 6 Quốc hội XIV, thay vì kỳ họp thứ 5 như dự kiến (15/6) và giảm thời hạn thuê đất xuỗng dưới 99 năm. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khôn ngoan lắng nghe dân và đưa ra đề xuất kịp thời, hợp lòng dân, để tháo gỡ bế tắc (tuy đó chưa phải là vấn đề cốt lõi). Tuy nhiên, bà Phạm Chi Lan nhận xét : "Đây là một trong những quyết định sáng suốt nhất… là một tiền lệ tốt để sau này Chính phủ, và Quốc hội sẽ biết lắng nghe"… Dư luận chung tuy hoan nghênh Chính phủ, nhưng chưa được thuyết phục. Họ muốn thấy Bộ chính trị tập trung vào các chủ trương lớn, không áp đặt quan điểm đối với các cơ quan lập pháp và hành pháp. Họ muốn Quốc hội hoãn thông qua dự luật an ninh mạng cũng như dự luật đặc khu.

Nhiều người nghi ngờ một số nhóm lợi ích đã câu kết với người Trung Quốc vì lợi ích riêng, làm phương hại cho lợi ích quốc gia. Nếu họ chưa bị vạch mặt để cho vào lò (như Trương Minh Tuấn trong vụ mua bán AVG), thì sớm muộn họ cũng sẽ bị lịch sử lên án và các thế hệ sau  nguyền rủa. Nhưng cuối cùng, chắc Quốc hội sẽ vẫn thông qua dự luật đặc khu, sau khi đã hoãn binh và điều chỉnh vài chi tiết cụ thể (để mị dân). Một số người khác lo ngại đó sẽ là "Thành Đô 2.0", là bước nối tiếp của Hội Nghị Thành Đô đầy ô nhục, tuy đã diễn ra cách đây 28 năm (9/1990), nhưng cái bóng đen của nó vẫn đang ám ảnh đất nước này.   

Theo nhà báo Vũ Kim Hạnh (Facebook, 9/6/2018) an ninh tiền tệ của Việt Nam đang bị Trung Quốc tấn công và đe dọa cũng như an ninh mạng (cyber security). Ngoài an ninh Biển Đông đang bị đe dọa, người Việt coi "đặc khu kinh tế là một cuộc tấn công từ Trung Quốc" (Bennett Murray, SCMP, 7/6/2018). Trong khi Việt Nam bất lực không đối phó được với các mối đe dọa của Trung Quốc, thì Quốc hội vẫn định thông qua dự luật an ninh mạng và dự luật đặc khu kinh tế, mở toang cửa cho Trung Quốc xâm nhập, và làm thiệt hại cho nền kinh tế và doanh nghiệp.  

Bà Kim Hạnh cho rằng các cơ quan quản lý của Việt Nam đã phản ứng quá chậm. Đã gần hai năm sau khi Alipay công bố chính thức đã đặt đại lý thanh toán tại Việt Nam, các cơ quan chức năng của Việt Nam vẫn chưa có giải pháp để đối phó. Theo bà Kim Hạnh, không ở đâu luật pháp lại lỏng lẻo và các cơ quan quản lý lại lúng túng như ở Việt Nam.  

Lời cuối

Nếu ai đã từng tìm hiểu về mô hình "đặc khu kinh tế" (special economic zone) chắc thấy "luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc" là một dự luật bất bình thường, từ cái tên dài lủng củng đến các điều khoản khó lý giải được nhồi nhét luộm thuộm trong văn bản luật và phụ lục. Có thể nói đó là hệ quả của sự kết hợp (cố ý) giữa nhận thức mơ hồ và ngộ nhận (do quan trí thấp) với sự đánh tráo khái niệm (bị thao túng bởi các nhóm lợi ích), giữa lợi ích nhóm trong và ngoài nước (có động cơ trục lợi) với thế lực ngoại bang (có ý đồ thôn tính Việt Nam). Chỉ có lý giải như vậy mới có thể hiểu được tại sao người ta lại ghép ba vị trí chiến lược xung yếu (Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc) vào một văn bản luật.

Tuy người ta có thể thỏa hiệp về thời hạn thuê đất (dưới 99 năm) nhưng chắc không thỏa hiệp về ba vị trí đặc khu, đánh đổi lấy các vị trí mới như khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) và Quang Trung (Sài Gòn) để phát triển "công nghệ 4.0" như chính phủ kiến tạo vẫn đề cập.

Nguyễn Quang Dy

Nguồn : viet-studies, 10/6/2018

Published in Diễn đàn
vendredi, 01 juin 2018 23:50

Nghịch lý về Đặc khu kinh tế

Gần đây, dư luận quan tâm và tranh cãi nhiều về dự luật "đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt" (gọi tắt là "đặc khu kinh tế") sắp được Quốc hội "bấm nút" thông qua. Dự kiến ba đặc khu kinh tế đầu tiên là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) có kinh phí đầu tư là 1.570.000 tỉ VND (tính đến năm 2030). Tuy không phản đối khái niệm "đặc khu kinh tế" (special economic zone) và chưa biết họ lấy tiền từ đâu để đầu tư nhưng tôi không ủng hộ ba đặc khu kinh tế nói trên, vì các lý do sau.

dackhu1

Quảng Ninh là một trong những tỉnh dự kiến sẽ có đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Nguồn : Internet

Bối cảnh

Tuy đối với các nước có nền kinh tế chuyển đổi (như Việt Nam), đặc khu kinh tế vẫn là một mô hình phát triển hấp dẫn, nhưng dường như đã lỗi thời và có nhiều bài học thất bại. Nó đòi hỏi những điều kiện nhất định, vì vấn đề không phải là làm cái gì (what) mà là làm thế nào (how).

Mọi chuyện đều có thể, nhưng "sai một ly đi một dặm". Nếu đủ điều kiện và phát triển đúng hướng/đúng cách, nó có thể là đòn bẩy kinh tế và đầu tàu phát triển (như Thâm Quyến). Dubai là một bài học thành công mà nhiều nước khác muốn bắt chước. Nhiều người Việt đã từng mơ ước biến Chu Lai thành Dubai của Việt Nam, hay biến Phú Quốc thành Singapore của Việt Nam. Singapore thành công vì có Lý Quang Diệu (Việt Nam không có). Dubai thành công vì không có yếu tố Trung Quốc (Việt Nam có quá nhiều). 

Tuy ý tưởng về đặc khu kinh tế không mới, nhưng người ta đã chóng quên bài học xấu về các dự án lớn như "đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng", khai thác bauxite Tân Rai & Nhân Cơ (Tây Nguyên), cũng như kinh nghiệm xấu tại Chu Lai (Quảng Nam, 2003), Dung Quất (Quảng Ngãi, 2005), Nhơn Hội (Bình Định, 2005), Chân Mây (Thừa Thiên, 2006), Vân Phong (Khánh Hòa, 2006), Phú Yên (Phú Yên, 2008). Tại sao các nơi đó thất bại ? Cái gì đảm bảo ba đặc khu mới này sẽ thành công ? Nếu Việt Nam không cải tổ thể chế để kiểm soát quyền lực và tham nhũng, thì các mô hình phát triển tương tự sẽ lặp lại bài học "lợi bất cập hại".

Khi tài nguyên ngày càng cạn kiệt và quỹ đất ngày càng khan hiếm, các nhóm lợi ích tất nhiên sẽ đua nhau tận thu bằng nhiều cách, như tăng thuế (VAT, thu nhập, tài sản), tăng giá (xăng dầu, điện, nước), tăng phí (như BOT). Đặc khu kinh tế là một miếng mồi ngon mà họ sẽ vận động để có phần. Trong khi Trung Quốc ráo riết quân sự hóa và kiểm soát Biển Đông, không cho người Việt khai thác dầu khí và đánh cá trong vùng biển của mình, chắc họ sẽ tăng cường bành trướng thế lực để chiếm các vị trí hiểm yếu trên đất liền. Đặc khu kinh tế là một miếng mồi ngon mà họ thèm muốn. Các nhóm lợi ích Việt Nam có thể câu kết với các tập đoàn Trung Quốc (vì song trùng lợi ích) để thao túng chính sách và dự án.

Tuy năng lực quản trị-điều hành của các cấp chính phủ (nhất là địa phương) còn yếu kém, nhưng lòng tham vô đáy, nên họ dễ bị các nhóm lợi ích thao túng. Trong khi bài học đau đớn về Formosa và bauxite Tây Nguyên còn chưa quên, thì bê bối về các dự án đầu tư công tại Ninh Bình đang làm dư luận giật mình kinh hoàng. Dù Ninh Bình không phải là đặc khu kinh tế, nhưng đã là "vương quốc" riêng. Các nhóm lợi ích không chỉ "ăn của dân không từ một cái gì" (như bà Nguyễn Thị Doan nói) mà họ còn "ăn tàn phá hại" và để lại những hệ quả khôn lường, không chỉ về kinh tế và xã hội, mà còn về an ninh quốc gia.

Bức tranh kinh tế

Theo chuyên gia Vũ Quang Việt, các đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc "đặt lợi ích nhóm lên hàng đầu". Các quy định trong dự luật về đặc khu chủ yếu nhằm vào thị trường địa ốc (property) và đánh bạc (casino) chứ không nhằm thu hút đầu tư công nghệ cao. Trong khi đó, cái mà Việt Nam cần là công nghệ cao và giáo dục để tăng năng suất lao động, phát triển công nghiệp và kinh tế trí thức, chứ không phải là phát triển địa ốc và casino. Ông Việt cho biết trong giai đoan 2011-2016, năng suất lao động trong khu vực công nghiệp tại Việt Nam tăng (hàng năm) rất thấp (chỉ đạt 2.9%), trong khi triển vọng tăng GDP (bình quân hàng năm) không thể cao hơn 5.0%, nếu năng suất lao động không tăng cao hơn 4.0%. Đó là một "hiện tượng kinh tế kỳ lạ", và là một nghịch lý phát triển tại một đất nước mà năng suất lao động vào loại thấp nhất thế giới (thấp hơn Singapore 15 lần).

Do không có cuộc tranh luận (debate) để đánh giá nghiêm túc và định lượng cụ thể các mặt lợi & hại về kinh tế-xã hội cũng như về địa chính trị, nên dễ dẫn đến tình trạng ngộ nhận (do chủ quan duy ý chí) hoặc bị động làm liều (do các nhóm lợi ích thao túng) nên dễ mắc sai lầm (như trước đây). 

Có mấy kịch bản có thể xẩy ra : Thứ nhất, chắc sẽ có một cơn "sốt đất mới" (new land rush) trong một thị trường địa ốc vốn đã quá nóng do giá đất đã bị giới đầu cơ địa ốc đẩy lên khá cao (thậm chí từ khi mới đồn đại về đặc khu). Thứ hai, dễ xuất hiện "bong bóng địa ốc" (property bubble) có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng cung-cầu (over supply) làm bức tranh kinh tế càng thêm méo mó và hỗn loạn. Thứ ba, do hệ quả của 2 hiện tượng nói trên, các đặc khu này sẽ không hấp dẫn đối với giới đầu tư công nghệ cao, vì họ cần một môi trường đầu tư sạch và một hệ sinh thái kinh doanh lành mạnh hơn.

Trong khi kêu gọi đầu tư cho công nghệ 4.0 thì những gì đang diễn ra tại các đặc khu này chỉ là tư duy kinh tế 1.0. Nếu định dùng ưu đãi cho thuê đất 99 năm để hấp dẫn đầu tư công nghệ cao thì không thực sự cần thiết, vì giới đầu tư công nghệ 4.0 không cần quyền sử dụng đất lâu dài. Để kinh doanh theo chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu, nhà đầu tư luôn cần kết nối với hệ thống hạ tầng và hệ sinh thái kinh doanh, mạng lưới đối tác và các tổ chức trung gian về tài chính, các dịch vụ chuyên nghiệp và nguồn lao động tay nghề cao, là những thứ mà các đặc khu kinh tế này không có. Điều duy nhất mà nó có chỉ đơn giản là thiết lập một không gian tự do kinh doanh trong một môi trường kinh doanh không tự do. Những ưu đãi đặc biệt thực ra chẳng có gì đặc biệt. Vậy mục đích thực sự của đặc khu kinh tế là gì (ngoài bất động sản) ? Câu trả lời nhãn tiền là "casino và redlight" vì đây là nơi duy nhất (tại Việt Nam) họ được phép hành nghề tự do. Nhưng còn một lý do nữa mà nhiều người nghĩ đến nhưng ngại nói ra (vì sợ nhạy cảm) là yếu tố Trung Quốc. Ngoài ra không có gì khác.

Bức tranh chính trị-xã hội

Hành lang pháp lý của đặc khu quy định nhiều quyền hạn cho "chủ tịch đặc khu" như lãnh chúa (hay "vua con") có quyền cho phép nhà đầu tư nước ngoài thuê đất 70 năm đến 99 năm (nếu được Thủ tướng đồng ý), và có quyền chọn thầu, ký hợp đồng lao động, tuyển công chức… Các nhà đầu tư được miễn thuế thuê đất 30 năm, có thể bán lại tài sản và thừa kế tài sản.

Một số chuyên gia cho rằng cho thuê đất tối đa 99 năm chỉ có lợi cho các đại gia bất động sản, trong khi đó 85% các nhà đầu tư khẳng định chính sách ưu đãi thuế là không cần thiết (theo World Bank). Người nước ngoài được phép làm việc 180 ngày/năm (mà không cần giấy phép lao động). Họ chỉ cần đầu tư 110 tỷ VND (5 triệu USD) là được cấp thẻ tạm trú 10 năm. Người Việt được phép vào chơi casino, và được miễn thuế thu nhập cá nhân trong vòng 5 năm (và giảm tiếp 50% sau đó). Những ưu đãi này sẽ dẫn đến một làn sóng di dân mới, đặc biệt là lao động giản đơn từ Trung Quốc và các nước láng giềng khác, làm đảo lộn cơ cấu dân số (demographic structure) và có thể làm gia tăng tệ nạn xã hội và tội phạm như tình trạng "miền Tây Hoang dã" (Wild West). Đồng thời, đặc khu kinh tế còn là "cái nôi đặc biệt" (special cubator) cho chủ nghĩa tư bản thân hữu (hay "tư bản đỏ"). 

Theo giáo sư Minxin Pei, sự cấu kết của "chủ nghĩa tư bản thân hữu" (crony capitalism) làm cho quá trình dân chủ hóa sẽ gặp khó khăn, rắc rối. Kịch bản dân chủ hóa do tầng lớp trung lưu dẫn dắt rất khó xảy ra dưới chế độ tư bản thân hữu (tại Trung Quốc). Các di sản của chủ nghĩa tư bản thân hữu (như tình trạng bất bình đẳng về tài sản, chính quyền địa phương mafia, cấu kết với các đại gia có đặc quyền) sẽ tạo điều kiện cho những kẻ chiếm đoạt được nhiều tài sản lớn sử dụng quyền lực chính trị để trấn áp các nhân tố dân chủ mới làm cho họ không thể phát triển. Chế độ thối nát (regime decay) sẽ hủy hoại thanh danh chế độ Đảng/Nhà nước bằng ba cách. Thứ nhất, khi các nhóm lợi ích hình thành và xâm nhập vào mọi ngõ ngách của chế độ, chúng sẽ thao túng quyền lực chính trị, biến quyền lực của chế độ thành công cụ quyền lực riêng. Thay vì phục vụ lợi ích của chế độ, chúng chỉ mưu cầu lợi ích riêng. Thứ hai, mạng lưới tham nhũng sẽ tranh giành quyền lực và lợi ích nhóm, làm suy yếu sự thống nhất của Đảng. Thanh trừng nội bộ gia tăng sẽ gây nguy hiểm cho sự an toàn cá nhân của lãnh đạo cấp cao. Thứ ba, khi tham nhũng cấu kết và lan rộng trong bộ máy an ninh của Đảng/Nhà nước, chắc chắn nó sẽ hủy hoại sự trung thành và hiệu quả của các thể chế trụ cột mà Đảng/Nhà nước đang dựa vào để tồn tại. (China’s Crony Capitalism, Minxin Pei, Harvard University Press, 2016). 

Trong khi một số người cho rằng Phú Quốc có thể phát triển như Singapore (theo nghĩa tốt), một số người khác cho rằng Vân Đồn có thể trở thành Crimea (theo nghĩa xấu).

Nhưng câu chuyện thành công của Singapore (the Singapore Story) dựa trên những tiền đề hoàn toàn khác. Ông Lý Quang Diệu từng nói : "Lẽ ra vị trí số một ở châu Á phải là của Việt Nam". Theo ông, vị trí địa lý chiến lược, tài nguyên thiên nhiên phong phú là hai yếu tố hàng đầu có thể đưa Việt Nam trở thành "người khổng lồ ở châu Á". Nhưng đáng tiếc ngày nay năng suất lao động của người Việt Nam chỉ bằng 1/15 của người Singapore (hay 1/5 của người Malaysia, 2/5 của người Thailand). Ông khẳng định sự thành công của một quốc gia bao gồm ba yếu tố chính là : (1) điều kiện tự nhiên (như vị trí chiến lược và tài nguyên thiên nhiên), (2) con người, và (3) thời cơ, nhưng căn bản nhất vẫn là yếu tố con người… Vì vậy Ông Lý Quang Diệu rất tiếc vì Việt Nam không biết trọng dụng nhân tài, và cho rằng nhân tài của Việt Nam đã định cư ở nước ngoài hết rồi. (Việt Nam trong mắt Lý Quang Diệu, Cao Huy Huân, VOA, 14/9/2014).

Bức tranh an ninh quốc gia

Giả sử các đặc khu kinh tế đó có thành công nhất định (trước mắt) về du lịch, địa ốc và casino, thì sẽ phải trả giá về vị thế địa chính trị và an ninh quốc gia. Nói cách khác là "lợi bất cập hại". Nếu điều 62 về Luật Đất đai là một lỗ hổng chính sách, bị các nhóm lợi ích thao túng, thì điều 69 là cánh cửa mở rộng cho Trung Quốc xâm nhập Việt Nam…Tại dự án thép Formosa (Hà Tĩnh) và dự án giấy Lee & Man (Hậu Giang) tràn ngập người Trung Quốc. Gần đây, dư luận phản ứng chính quyền Quảng Ngãi định di dời đồn Biên phòng Bình Hải để giao đất cho tập đoàn FLC làm dự án "quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị Bình Châu-Lý Sơn". Không phải chỉ có Quảng Ngãi mà trước đó Đà Nẵng cũng đã di dời đồn biên phòng để lấy đất giao cho dự án tư nhân. Thượng tướng Võ Tiến Trung (nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng) khẳng định, "việc bố trí đồn biên phòng ở đâu đã được nghiên cứu rất kỹ. Bởi lẽ đồn nằm trong thế trận phòng ngự, bảo vệ địa phương" (Zing, 22/4).

Điều 62 còn tiềm ẩn lợi ích nhóm, quy định chính quyền địa phương có quyền thu hồi đất của dân giao cho doanh nghiệp làm dự án. Các doanh nghiệp Việt Nam có quyền giao lại đất cho doanh nghiệp nước ngoài (như Trung Quốc). Trong một cuộc hội thảo tại Nhật (7/9/2017), ông Trịnh Văn Quyết (chủ tịch FLC) tuyên bố ngoài việc bán cổ phần, "FLC có thể chuyển nhượng cả dự án cho nhà đầu tư nước ngoài". Theo tin báo chí, UBND tỉnh Quảng Trị đang chuẩn bị giao cho FLC 1.000 ha tại bãi biển Cửa Việt, dự kiến để làm resort, sân golf, và xây dựng một sân bay. Ngoài Vũng Áng (đã nằm trong tay Trung Quốc), Vân Phong và Cửa Việt là hai vị trí chiến lược hiểm yếu đang bị Trung Quốc nhòm ngó. Từ Bắc Trung bộ đến Nam Trung bộ, nhiều vị trí phòng thủ chiến lược đã và đang được giao cho doanh nghiệp làm dự án mà không tính đến yếu tố an ninh quốc gia. Tại Đà Nẵng và Nha Trang, nhiều vị trí phòng thủ chiến lược dọc bờ biển đã bị các doanh nghiệp Trung Quốc chiếm.

Trong bối cảnh lợi ích kinh tế và chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông đang bị Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng, việc mở ba đặc khu kinh tế tại các địa điểm hiểm yếu đó vào lúc này không thể biện minh, cả về lý do phát triển kinh tế lẫn lý do an ninh quốc gia. Với năng lực quản trị yếu kém nhưng tiềm năng tham nhũng vượt trội, các khu vực đó sẽ trở thành các "đặc khu tham nhũng" của các nhóm lợi ích "tư bản đỏ" không bị kiểm soát, và là "cái nôi đặc biệt" cho "tư bản thân hữu". Nếu trước đây hầu hết các dự án lớn tại Việt Nam rơi vào tay các tập đoàn Trung Quốc, thì không có lý gì các đặc khu kinh tế đó lại không rơi vào tay họ và biến thành các "tô giới của Trung Quốc".

Các tập đoàn "tư bản thân hữu" Trung Quốc được nhà nước chống lưng có thừa nguồn vốn và động cơ để thôn tính các đặc khu kinh tế này như một cuộc "xâm lược mềm", không cần đánh vẫn thắng (như binh pháp Tôn Tử hay "Cờ Vây"). Những vị trí hiểm yếu trên đất liền mà Trung Quốc không chiếm được bằng vũ lực (như họ đã từng chiếm Hoàng Sa và Trường Sa) thì họ sẽ cưỡng chiếm bằng được qua đầu tư và "sức mạnh sắc bén" (sharp power). Vì vậy, "chủ tương lớn" về ba đặc khu kinh tế với những ưu đãi đặc biệt (như cho thuê đất 99 năm), chẳng khác gì "gửi trứng cho ác" hay "nối giáo cho giặc".

Bức tranh địa chiến lược

Trong lịch sử, Vân Đồn vốn là một tiền đồn có vị trí chiến lược án ngữ cửa ngõ phía Đông Bắc, để ngăn chặn thủy quân Trung Quốc xâm nhập bằng đường biển, như thời Ngô Quyền chống quân Nam Hán (tại Trận Bạch Đằng năm 938), thời Lý Thương Kiệt chống quân Tống, (1075-1077), thời Trần Hưng Đạo chống quân Nguyên Mông (1287-1288). Khi Lý Thường Kiệt đem quân đánh Khâm Châu, Liêm Châu và Ung Châu, thì Vân Đồn và Móng Cái là địa điểm tập kết quân nhà Lý. Khi Lý Thường Kiệt lập phòng tuyến Sông Cầu để chống quân Tống, Vân Đồn là căn cứ của thủy quân nhà Lý để ngăn chặn thủy quân Tống, không cho ngược sông để hội quân với bộ binh địch, nên quân Tống đã bại trận…

Nếu Vân Đồn có vị trí chiến lược án ngữ cửa ngõ phía Đông Bắc nhìn ra Vịnh Bắc Bộ, thì Phú Quốc có vị trí chiến lược án ngữ cửa ngõ phía cực Nam nhìn ra Ấn Độ Dương, trong khi Vân Phong có vị trí chiến lược án ngữ cửa ngõ Miền Trung nhìn ra Biển Đông. Tại Miền Trung, ngoài cảng Sơn Dương (Vũng Áng) mà Trung Quốc đã nắm, nay chỉ còn Vân Phong và Cửa Việt là hai cảng trung chuyển lớn (nước sâu) có tầm quan trọng chiến lược, nhưng Trung Quốc chưa nắm được. Phú Quốc có vị trí đặc biệt trong tầm nhìn chiến lược Indo-Pacific (cách Sihanoukville và Bokor có mấy chục km). Trung Quốc đã thuê được (lâu dài) hai vị trí chiến lược đó của Campuchea, nên họ rất thèm có Phú Quốc, để hình thành một tam giác chiến lược. Một khi Trung Quốc thỏa thuận được với Thailand để làm kênh đào Kra thì vị trí chiến lược của Phú Quốc còn quan trọng hơn cả Singapore.

Theo James Holmes (một chuyên gia hàng đầu của Mỹ về chiến lược hải quân), một cuộc xung đột vũ trang tại Biển Đông là có thể, và Trung Quốc có thể thắng Mỹ trong một cuộc chiến tại Biển Đông bằng "chiến tranh nhân dân trên biển" (people’s war at sea). Các chính khách và chuyên gia tại Washington và Hà Nội không nên coi phát biểu của bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc tướng Thường Vạn Toàn (Chang Wanquan ) chỉ là "dọa dẫm" (bluster). Trung Quốc có thể thắng dù họ vẫn yếu hơn Mỹ, bằng cách tập trung binh lực áp đảo Mỹ tại địa điểm và thời điểm quan trọng nhất. Tư tưởng "phòng ngự tích cực" (active defense) là tấn công chiến thuật để phòng ngự chiến lược. Hiện nay, các tư lệnh Trung Quốc có thể hợp đồng tác chiến bằng các lực lượng cả nhỏ lẫn lớn để đương đầu với Mỹ và đồng minh. Vì vậy các tư lệnh Mỹ và đồng minh phải nghiên cứu binh pháp của Trung Quốc để hiểu rõ tư tưởng phòng ngự tích cực ngoài khơi (offshore active defence) tại Biển Đông sẽ diễn ra thế nào. (China Could Win a War Against America in the South China Sea, James Holmes , National Interest, May 30, 2018).

Nếu xung đột tại Biển Đông xảy ra thì ba đặc khu Vân Đồn, Vân Phong, và Phú Quốc có ý nghĩa chiến lược hiểm yếu đối với mục tiêu ngăn chặn địch tiếp cận (A2/AD). Nếu ba vị trí chiến lược đó bị đối phương (Trung Quốc) chiếm thì coi như hết cờ (và "xong phim"), không chỉ đối với Việt Nam mà còn cả ASEAN và các cường quốc khác có lợi ích sát sườn tại Biển Đông như Mỹ-Nhật-Ấn-Úc, và EU (hoặc Nga). Nếu Biển Đông có ý nghĩa sống còn không chỉ đối với Việt Nam, mà còn với ASEAN và các cường quốc khác, thì câu chuyện đặc khu kinh tế Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc cũng có ý nghĩa tương tự. Ý nghĩa quan trọng nhất của ba đặc khu kinh tế này là chiến lược (chứ không chỉ kinh tế).

Thay lời kết

Ba đặc khu kinh tế mới là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) có kinh phí đầu tư là 1.570.000 tỉ VND. (Riêng Vân Đồn là 270.000 tỉ, Bắc Vân Phong là 400.000 tỉ, Phú Quốc là 900.000 tỉ). Tuy chưa biết họ có định "đội vốn" lên như "hội chứng Ninh Bình" hay không, nhưng với con số 1.570.000 tỉ VND, ngân sách nhà nước hay doanh nghiệp Việt đào đâu ra tiền (nếu không từ "phương bắc"). Điều này tiềm ẩn những rủi ro lớn và nguy cơ lâu dài về địa chính trị và an ninh quốc gia. Nếu đặt câu chuyện ba đặc khu kinh tế này trong bối cảnh xung đột lợi ích Biển Đông và tầm nhìn Indo-Pacific hiện nay, thì yếu tố Trung Quốc trong bức tranh địa chiến lược hiện lên rất rõ.

Bản chất của các đặc khu Vân Đồn, Phú Quốc, Vân Phong, chủ yếu là sân chơi địa ốc và cờ bạc. Ngay khi vừa mới bàn đến triển vọng thành lập đặc khu thì người ta đã đổ xô đến chiếm đất để đầu cơ và đẩy giá lên rồi, vậy cần thành lập đặc khu làm gì nữa. Muốn Vân Phong trở thành một cảng trung chuyển thì không nhất thiết phải lập đặc khu. Đầu tư địa ốc thực chất cũng chỉ là đầu cơ để để trục lợi ngắn hạn. Yếu tố chính để thu hút đầu tư là một số ưu đãi để lách luật, trốn thuế, hay rửa tiền. Nhưng nếu thu hút đầu tư bằng mọi giá, thì cái giá phải trả cũng sẽ rất lớn. Muốn phát triển bền vững, phải cải tổ thể chế để hội nhập quốc tế theo các tiêu chuẩn chung đã cam kết thông qua các hiệp định như WTO, BTA, FTA (và CPTPP).

Tuy Đảng lãnh đạo "toàn diện và triệt để", nhưng Quốc hội cũng phải gánh một phần trách nhiệm. Đây là lúc đại biểu quốc hội và quan chức chính phủ cần suy xét kỹ và quyết định nên chọn cái gì (như nên "chọn cá hay thép"). Nếu quyết định đúng họ sẽ được hậu thế hàm ơn. Nếu quyết định sai họ sẽ bị hậu thế nguyền rủa (dù có cao chạy xa bay). Nhiều chuyên gia cho rằng để được thông qua, dự luật này cần phải bổ xung, sửa đổi rất nhiều, để đảm bảo lợi ích quốc gia, và tránh những sai lầm đáng tiếc. Hậu quả tiêu cực về kinh tế, xã hội, thể chế, môi trường, và an ninh quốc gia, do các đặc khu để lại có thể khôn lường. Vì vậy, các đại biểu quốc hội và quan chức chính phủ cần suy xét xem ai được lợi từ đặc khu, và quyết định "bấm nút" vì lợi ích quốc gia, chứ không vì lợi ích nhóm (hay ngoại bang). 

Nguyễn Quang Dy

Nguồn : Vietstudies, 1/6/2018

Tham khảo :

1. Việt Nam trong mắt Lý Quang Diệu, Cao Huy Huân, VOA, 14/9/2014

2. China’s Crony Capitalism, Minxin Pei, Harvard University Press, 2016

3. Dự án luật về ba đặc khu Vân Đồn, Văn Phong và Phú QuốcVũ Quang Việt, Viet-studies, 30/5/2018

4. Mô hình đặc khu đã lỗi thời, Nguyễn Tiến Lập, MTG, 31/05/2018

5. China Could Win a War Against America in the South China Sea, James Holmes, National Interest, May 30, 2018

Published in Diễn đàn

"Chính trị là nghệ thuật biến điều không thể thành có thể"

(khuyết danh)

Nếu những vụ thử tên lửa và hạt nhân của Bắc Triều Tiên cũng như khẩu chiến giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un (trong năm 2017) làm thiên hạ lo lắng bao nhiêu về nguy cơ chiến tranh hủy diệt, thì những gì diễn ra (từ đầu năm 2018) làm người ta hy vọng bấy nhiêu về triển vọng hòa bình và hòa giải. Tâm trạng quá bi quan trước đây như "bên miệng hố chiến tranh" nay bỗng biến thành lạc quan như "hòa bình trong tầm tay".

trieu1

Bán đảo Triều Tiên : tâm trạng quá bi quan trước đây như "bên miệng hố chiến tranh" nay bỗng biến thành lạc quan như "hòa bình trong tầm tay". Ảnh Cú bắt tay lịch sử giữa Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Moon Jae-in tại Bàn Môn Điếm ngày 27/04/2018

Những điều tiếng trước đây về Donald Trump hay Kim Jong-un nay bỗng biến thành lời khen, như ông Kim "tuổi trẻ tài cao, quyền biến, xuất thần", hay ông Trump "xứng đáng nhận giải Nobel hòa bình". Chắc nhiều người vẫn chưa hình dung được đó là sự thật hay là ảo tưởng.

Những biến chuyển lịch sử

Ngày 27/04/2018 đã đi vào lịch sử Triều Tiên khi lãnh đạo hai miền gặp nhau và ký Tuyên bố chung tại Bàn Môn Điếm, khẳng định phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên là mục tiêu chung của cả hai miền.

Chủ tịch Kim Jong-un khẳng định với Tổng thống Moon Jae-in : "Nếu chúng ta thường xuyên gặp nhau và xây dựng lòng tin với Hoa Kỳ, nếu kết thúc chiến tranh và cam kết không xâm lược lẫn nhau, thì tại sao chúng ta phải sống trong căng thẳng với vũ khí hạt nhân ?".

Ông Kim cam kết : "Tôi quyết sẽ không lặp lại lịch sử đau thương của Chiến tranh Triều Tiên… Tôi cam kết với ngài sẽ không bao giờ có chuyện dùng vũ lực… Cùng sống chung trên một quê hương, chúng ta không bao giờ nên để đổ máu lần nữa".

Ông Kim Jong-un còn quyết định điều chỉnh lại múi giờ Bình Nhưỡng (30 phút) theo múi giờ Seoul. Khi chứng kiến giờ phút lịch sử lãnh đạo hai miền Triều Tiên ký Tuyên bố Chung Bàn Môn Điếm, Giám đốc Cục Tình báo trung ương Hàn Quốc Suh-hoon đã không cầm được nước mắt.

Theo New York Times (29/04/2018), ngay hôm sau (28/04) tổng thống Moon Jae-in đã điện đàm với Tổng thống Donald Trump để thông báo kết quả gặp cấp cao Liên Triều. Theo ông Moon Jae-in, ông Kim Jong-un đã nói rằng "Triều Tiên sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân nếu Mỹ đồng ý chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên và cam kết không xâm lược Triều Tiên". Ông Kim Jong-un còn nói sẽ mời các chuyên gia và nhà báo từ Hàn Quốc và Mỹ tới Triều Tiên trong tháng tới để theo dõi việc ngừng thử hạt nhân của Triều Tiên. Ông Moon cũng khẳng định với ông Trump rằng "ông Kim Jong-un hiểu ông và hai bên có thể chung sống hòa bình vui vẻ với nhau". Ông Moon còn khuyên ông Trump nên tiến hành gặp ông Kim càng sớm càng tốt, để tranh thủ đà thắng lợi của cuộc gặp cấp cao Liên Triều. Ông Moon Jae-in đã điện đàm với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (29/04) để thông báo là ông Kim Jong-un sẵn sàng đối thoại với Tokyo.

Trước đó, Mike Pompeo (ngoại trưởng mới của Mỹ) đã bí mật đến Bình Nhưỡng gặp ông Kim Jong-un (1/04/2018) với cương vị Giám đốc CIA. Ông Pompeo nói với ABC (29/04/2018) "cuộc gặp với ông Kim Jong-un rất tốt. Ông Kim đã chuẩn bị nghiêm túc việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, và có lộ trình cụ thể để đạt mục tiêu này". Ông Pompeo khẳng định : "Khi tôi ra về, ông Kim đã hiểu chính xác công việc như tôi đã mô tả hôm nay. Mục tiêu của Mỹ là phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược".

Có thể nói, cánh cửa hòa bình và hòa giải đã được mở ra từ Thế Vận hội Mùa đông Pyeongchang 2018 (XXIII Olympic Winter Games) diễn ra từ 9-25/2/2018. Trong dịp này, em gái của ông Kim Jong-un là Kim Yo-jong đã trao cho ông Moon bức thư của ông Kim. Cuộc gặp Pompeo-Kim là một bước chuẩn bị cơ bản cho cuộc gặp cấp cao Trump-Kim (sắp tới), và cuộc gặp cấp cao Moon-Kim sau đó (27/04/2018) đã tạo tiền đề thành công cho tiến trình hòa bình này.

Tổng thống Donald Trump đã nói với Bloomberg (29/04/2018) rằng ông Kim Jong-un "không nói chơi", và ông mong sẽ gặp ông Kim "trong 3-4 tuần nữa" (có thể tại Bàn Môn Điếm). Ông Kim Jong-un và ông Donald Trump đã dành cho nhau những lời lẽ tốt đẹp, tôn trọng lẫn nhau (khác hẳn năm ngoái). Họ khẳng định là hiểu mong muốn của nhau, và tin tưởng vào thành công trong cuộc gặp sắp tới.

Nhưng sự hoài nghi trong dư luận vẫn còn, cho đến khi những cam kết bằng giấy trắng mực đen được ký kết (thậm chí cho đến khi có các hành động cụ thể tiếp theo). Vì vậy, hai bên cần có thời gian để xây dựng lòng tin và thiện chí vì hòa bình và hòa giải. Ông Kim Jong-un đã vui vẻ chấp nhận thực tế này, và dường như đã chủ động chuẩn bị từ trước, nên đã vượt qua được những thử thách một cách ngoạn mục và bất ngờ. 

Khi những ngộ nhận về ván cờ Triều Tiên được giải mã, người ta sẽ hiểu ra đàm phán trực tiếp Mỹ-Triều là kết cục tất yếu của quá trình tìm giải pháp tháo gỡ bế tắc hiện nay, sau khi các bên đã hạ nốt quân bài cuối cùng trước khi ngã giá (nếu không muốn "già néo đứt dây"). Thực ra, những căng thẳng do mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên là hệ quả của trò chơi "bắt chẹt hạt nhân" (nuclear blackmail) như "bên miệng hố chiến tranh" (brinkmanship) của ông Kim Jong-un. Đó là một ván cờ nguy hiểm có tính toán như trò chơi "gambit". Những ai bị ám ảnh bởi cơn ác mộng Bắc Triều Tiên, chắc khó hình dung một ngày nào đó ông Donald Trump (the "stable genius") sẽ giáp mặt ông Kim Jong-un (the "little rocket man").

Lý giải các biến số bất ngờ

Năm 2017, trong khi thế giới "nín thở" trước triển vọng một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra bất cứ lúc nào, Donald Trump và Kim Jong-un đã chửi nhau một cách thậm tệ như trẻ con. Ông Trump gọi ông Kim là "little rocket man" (thằng nhỏ chơi tên lửa), trong khi ông Kim gọi ông Trump là "mentally deranged dotard" (lão già tâm thần). Nhưng sang năm 2018, thế giới bỗng sửng sốt khi thái độ của họ xoay 180 độ, với kế hoạch gặp gỡ cấp cao Mỹ-Triều. Thật khó hình dung một ngày nào đó, Donald Trump và Kim Jong-un có nhã hứng muốn gặp nhau, thông qua sự dàn xếp của Moon Jae-in (chứ không phải Tập Cận Bình).

Muốn lý giải các biến số trong trò chơi quyền lực này có lẽ cần đến "logic hạt nhân" và tư duy chiến lược "phi truyền thống" (unconventional). Căn cứ vào chiến lược NDS (National Defense Strategy), Mỹ cần một quốc gia hạt nhân là đồng minh của Mỹ bên cạnh Trung Quốc (để răn đe Trung Quốc). Nhưng nếu ông Trump và ông Kim chưa hiểu được ý đồ chiến lược của nhau thì đàm phán Trump-Kim có thể bế tắc. Vấn đề là Mỹ có thể chấp nhận một Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân hay không, và làm thế nào để đảm bảo rằng hai miền Triều Tiên sẽ mãi là đồng minh của Mỹ. Hiện nay, chìa khóa để giải mã ẩn số trong trò chơi phức hợp đó có lẽ đang nằm trong tay ông Moon Jae-in.

Những biến chuyển bất ngờ gần đây trên bán đảo Triều Tiên có thể làm cho phân tích và dự đoán của một số "chuyên gia" thiếu tầm nhìn "phi truyền truyền thống" bị sai lạc và hẫng hụt. Nếu trước đây người ta hay ngộ nhận về Trung Quốc, thì nay người ta càng dễ ngộ nhận và bất ngờ về bàn cờ Triều Tiên. Vì vậy, cần làm rõ những ẩn số và biến số trong trò chơi quyền lực mới để hiểu ván cờ thế liều lĩnh của ông Kim Jong-un. Chắc ông Moon Jae-in đã hiểu rõ ý đồ chiến lược của ông Kim Jong-un nên đã có những bước đi táo bạo có tính đột phá, để tạo ra bước ngoặt lịch sử. Nhưng xét cho cùng, đàm phán cấp cao Liên Triều nhằm đi đến hòa giải và thống nhất hai miền là bước đệm cho đàm phán cấp cao Mỹ-Triều.

Thứ nhất, liên quan đến ý đồ chiến lược của Bình Nhưỡng, có nhiều dấu hiệu chứng tỏ ông Kim Jong-un muốn Triều Tiên thoát Trung và xích lại gần Mỹ, nên sẵn sàng đánh đổi lá bài "phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên" lấy đảm bảo an ninh và lợi ích kinh tế. Nếu đúng vậy, tư duy và hành động của ông Kim Jung-un quả là táo bạo và độc đáo, như chơi một ván cờ thế (gambit), dồn Mỹ vào thế bị động đối phó (như "nuclear blackmail"), buộc phải lựa chọn hòa giải hoặc chiến tranh với Triều Tiên (như một đối thủ hạt nhân). Điều đó chứng tỏ triết lý "vũ khí quyết định" và ý đồ chiến lược của Bình Nhưỡng về cơ bản đã thành công, tạo ra được lợi thế chiến lược để mà cả với Mỹ về an ninh và lợi ích kinh tế. Mỹ buộc phải hòa giải vì nếu chiến tranh nổ ra thì chắc Trung Quốc sẽ trục lợi, và Mỹ sẽ thiệt hại. Vấn đề là ông Kim phải hạ bài đúng lúc để ngã giá có lợi nhất, trước khi quá muộn (vì "già néo đứt dây").

Thứ hai, liên quan đến thời điểm "ngã giá", một số nhà khoa học Trung Quốc nói rằng sự cố sập hầm thử hạt nhân tại núi Mantap (phía Đông-Bắc Triều Tiên) là một nguyên nhân chính làm Bình Nhưỡng phải đột ngột tuyên bố từ bỏ chương trình thử hạt nhân vì nguy cơ rò rỉ phóng xạ, làm cho Trung Quốc lo ngại. Theo nguồn tin trên, trung tâm thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri (trong núi Mantap) không sử dụng được nữa do sập hầm trong núi sau vụ thử hạt nhân lần thứ sáu (tháng 9/2017). Nhưng nguồn tin chính thức của Bình Nhưỡng đã cải chính rằng sự cố đó chỉ làm sập một đường hầm, còn hai đường hầm khác lớn hơn rất vững chắc nên không bị ảnh hưởng (tuy ông Kim đã quyết định từ bỏ chương trình này). Có thể Bắc Kinh tìm cách làm giảm uy tín của Kim Jong-un bằng cách cho các nhà khoa học tiết lộ tin tức về sập hầm ngầm trong núi Mantap, sau khi ông Kim tuyên bố (21/04/2018) sẽ từ bỏ chương trình hạt nhân trước cuộc gặp cấp cao Liên Triều và Mỹ-Triều sắp tới (BBC, 26/04/2018).

Thứ ba, liên quan đến ý đồ chiến lược của Mỹ, liệu Mỹ có thực sự muốn Triều Tiên dừng chương trình thử tên lửa không, hay muốn Triều Tiên cứ tiếp tục thử, để Mỹ lấy cớ triển khai hệ thống tên lửa đánh chặn THAAD tại Hàn Quốc (và Nhật Bản), nhằm tăng cường sức mạnh răn đe chống Trung Quốc (và Nga). Nếu đúng vậy thì Bắc Triều Tiên vô hình trung đang "ngầm giúp Mỹ". Nếu vậy, Triều Tiên phát triển tên lửa và hạt nhân không hẳn để gây chiến với Mỹ, mà chủ yếu nhằm có được vị thế quốc gia hạt nhân để đối thoại với Mỹ. Có người cho rằng ông Trump và ông Kim đã chơi trò "tung hứng" và khẩu chiến để đánh lừa thiên hạ, ngầm giúp Mỹ triển khai hệ thống THAAD để đối phó với Trung Quốc (và Nga). Có lẽ Mỹ muốn hai miền Triều Tiên là đối tác ở mức độ khác nhau (như "một nước, hai chế độ") nhằm gạt ảnh hưởng Trung Quốc, chứ không nhất thiết cần một nước Triều Tiên thống nhất. 

Trò chơi quyền lực mới

Không biết ông Donald Trump và ông Kim Jong-un có khùng hay tâm thần như người ta nói không, nhưng chắc họ không muốn tự sát. Sớm muộn Washington và Bình Nhưỡng phải đàm phán trực tiếp, với vai trò trung gian của Seoul (thay vì Bắc Kinh). Có lẽ vì vậy mà ông Tập Cận Bình và ông Kim Jong-un đã vội gặp nhau tại Bắc Kinh (25-28/3/2018) trước cuộc gặp cấp cao Liên Triều và Mỹ-Triều. Ông Kim tới Bắc Kinh không phải để "trấn an" (reassurance) hay "xích lại gần nhau" (rapprochement) mà là một nước cờ khôn khéo để vừa xoa dịu Bắc Kinh vừa dùng lá bài Trung Quốc làm đối trọng trước khi gặp ông Trump. Khi Bắc Triều Tiên thử bom nguyên tử, chắc người Trung Quốc sống trong tình trạng bất an, nay khi ông Trump sắp gặp ông Kim (mà không do Bắc Kinh dàn xếp) thì chắc ông Tập cũng thấy bất an.

Ông Kim Jong- un đang chơi cả hai lá bài nước lớn là Trung Quốc và Mỹ, biến "Hoàng đế Đỏ" Tập Cận Bình thành một lá bài trong tay mình, nên đây là một trò chơi đầy nguy hiểm. Nếu cuộc gặp cấp cao Mỹ-Triều thành công thì Bình Nhưỡng có thể thoát khỏi sự lệ thuộc và khống chế của Bắc Kinh. Nhưng nếu cuộc gặp thất bại thì Bình Nhưỡng sẽ đối mặt với nguy cơ bị cả Trung Quốc và Mỹ trừng phạt. Vì vậy, Kim Jong-un (the "little rocket man") phải làm thế nào để Donald Trump (the "stable genius") hiểu chính xác lập trường và ý đồ của mình (mà không làm mất lòng Trung Quốc). Đây là một nhiệm vụ "bất khả thi" đối với hai nhà lãnh đạo đầy khiếm khuyết, trừ phi họ được các cố vấn tài ba đàng sau hậu trường giúp.

Vừa qua, ông Kim Jong-un xuất hiện lần đầu trên vũ đài thế giới một cách thành công khá bất ngờ, nhưng không thể thiếu em gái Kim Yo-jong, là cánh tay phải và bộ óc của ông. Hai anh em giống một cặp bài trùng đầy ấn tượng, như ngôi sao đang nổi lên trên bầu trời Đông Á. Từ sau cuộc gặp Pompeo-Kim và cuộc gặp cấp cao Moon-Kim (có nhiệm vụ dọn đường) cuộc gặp cấp cao Trump-Kim sắp tới chắc không còn nhiều rủi ro. Các chuyên gia chắc không còn phải bận tâm lo cho ông Kim bằng lo cho ông Trump, vì tính khí ông này khá thất thường (nên dễ làm sai kịch bản) như một khẩu pháo không có chốt an toàn (loose cannon).

Theo giáo sư David Shambaugh (một chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc), ông Tập Cận Bình và ông Kim Jong-un "không phải là một cặp đôi hạnh phúc" (not a happy couple). Còn theo New York Times (22/04/2018) có nhiều dấu hiệu ông Kim Jong-un muốn giảm ảnh hưởng của Trung Quốc (để "thoát Trung"), trong khi Bắc Kinh lo ngại cuộc gặp cấp cao Liên Triều vừa qua và Mỹ-Triều sắp tới (dự kiến cuối tháng 5/2018) đang gạt Trung Quốc ra khỏi cuộc chơi. Có nhiều lý do khiến ông Trump và ông Kim muốn gặp nhau, để "làm loãng" (dilute) ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên. Trong khi đó, thủ tướng Nhật Shinzo Abe cũng vội vã đến Mar-a-Lago gặp tổng thống Trump (17/04/2018) để tìm cách hóa giải mối lo trước những diễn biến mới, đe dọa lợi ích của Nhật (và cá nhân ông Abe). Theo Patrick Cronin (CNAS-Center for a New American Security) Nhật Bản đang chịu nhiều áp lực, và ông Abe muốn Mỹ đảm bảo chắc chắn là sẽ không bỏ rơi Nhật Bản trong bất kỳ cuộc đàm phán cấp cao nào với Bình Nhưỡng.   

Ông Moon Jae-in nói rằng Seoul "sẽ cố tạo một đường dây đối thoại giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên" mà ông Moon đang đóng vai trò chính làm Bình Nhưỡng và Washington xích lại gần nhau. Theo báo South China Morning Post (Hong Kong) cả Bình Nhưỡng và Seoul đều muốn giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc trên bán đảo Triều Tiên. Bằng cách dàn xếp để ông Kim Jong-un gặp ông Donald Trump, ông Moon Jae-in đang giúp Bình Nhưỡng thoát dần khỏi vòng ảnh hưởng của Bắc Kinh. Nếu ông Kim Jong-un và ông Moon Jae-in thực hiện được điều này, không những vận mệnh của Triều Tiên và bàn cờ địa chính trị tại khu vực Đông Bắc Á sẽ có cơ hội thay đổi, mà còn có thể tác động tới cả khu vực Đông Nam Á.

Theo New York Times (22/04/2018), Trung Quốc đang bị gạt ra rìa nên rất lo ngại về cuộc gặp cấp cao Mỹ-Triều. Bắc Kinh sợ kết cục có thể là Bắc Triều Tiên hoặc một nước Triều Tiên thống nhất dựa vào Mỹ, trong khi mình bị gạt ra khỏi tâm điểm bàn cờ. Bắc Kinh lo ngại ý đồ của Kim Jong-un muốn kết nối với hai kẻ thù cũ là Hàn Quốc và Mỹ. Tập Cận Bình buộc phải tính đến các kịch bản xấu nhất, khi Trung Quốc không còn vai trò thiết yếu trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là trong khuôn khổ khu vực Đông Bắc Á. Trong khi Kim Jong-un quyết định ngừng thử tên lửa và hạt nhân, thì Moon Jae-in muốn từng bước tiến đến thống nhất hai miền Triều Tiên. Nếu ông có thể đạo diễn được một cuộc chơi lớn giữa Kim Jong-un và Donald Trump, dưới hình thức đánh đổi phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên lấy bình thường hóa quan hệ hai nước, thì cục diện địa chiến lược tại vùng Đông Á sẽ có biến đổi lớn. 

Lời cuối

Những biến chuyển lịch sử tại bàn cờ Triều Tiên đang hóa giải dần lo ngại của Việt Nam (và ASEAN) là Mỹ có thể bỏ rơi họ hay đánh đổi lợi ích lâu dài tại Biển Đông lấy lợi ích trước mắt tại Triều Tiên, nếu cuộc khủng hoảng hạt nhân tiếp tục. Vì vậy, nếu tháo được ngòi cuộc khủng hoảng Triều Tiên, thì có hy vọng hóa giải được thùng thuốc súng tại Biển Đông, vì an ninh của hai khu vực này liên quan đến nhau, nhất là trong bối cảnh Mỹ đang triển khai chiến lược mới (NDS) tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Một khi vai trò và ảnh hưởng của Trung Quốc có nguy cơ suy giảm tại bàn cờ Triều Tiên, nó có thể đem lại cơ hội mới cũng như thách thức mới cho bàn cờ Biển Đông. Tuy Trung Quốc không dễ dàng chịu lép vế trong ván cờ Triều Tiên, nhưng chắc họ sẽ phải rút kinh nghiệm để không lặp lại kịch bản xấu tại Biển Đông, nơi Trung Quốc có lợi thế so với Mỹ. Xét cho cùng, bàn cờ địa chính trị tại Biển Đông có thể còn quan trọng hơn cả bàn cờ Triều Tiên, nhất là đối với xung đột lợi ích chiến lược Trung-Mỹ.  

Việt Nam (và một số nước khác) đã tỏ thiện chí muốn đăng cai địa điểm gặp cấp cao Mỹ-Triều (trong 3-4 tuần nữa) tuy có nhiều khả năng cuộc gặp sẽ diễn ra tại Bàn Môn Điếm. Dù Việt Nam có một số kinh nghiệm về hòa giải và thống nhất đất nước mà hai miền Triều Tiên có thể tham khảo, nhưng đáng tiếc hầu hết đều là kinh nghiệm tiêu cực. Đến nay, tuy Việt Nam đã thống nhất, nhưng người Việt vẫn chưa thực sự hòa giải. Không nên quá bi quan, nhưng cũng đừng quá lạc quan về triển vọng hòa bình và thống nhất.

Có lẽ người Triều Tiên cần học hỏi người Đức (về hòa giải và thống nhất). Biết đâu, trong một tương lai không xa, người Việt phải học hỏi người Triều Tiên, vì người đi sau có thể vượt người đi trước, nếu không lầm đường lạc lối.

Lão Tử đã nói "Con đường vạn dậm bắt đầu bằng một bước chân".

Nguyễn Quang Dy

Nguồn : viet-studies, 04/05/2018

Published in Diễn đàn

Sau nhiều thập kỷ bị lôi cuốn vào chiến tranh cách mạng liên miên, Việt Nam đến nay vẫn lẩn quẩn tại ngã ba đường ý thức hệ, trong khi trật tự thế giới đã thay đổi. Sau mấy thập kỷ cải cách kinh tế, Việt Nam vẫn tụt hậu so với các nước láng giềng. Trong khi những động lực đổi mới kinh tế đã hết đà, Việt Nam vẫn chưa cải tổ thể chế để tạo ra những động lực mới. Lợi ích nhóm và lỗi hệ thống đang làm triệt tiêu thành quả cải cách và cản trở xu thế đổi mới. Nhưng nếu không cải tổ thể chế kịp thời để tháo gỡ nút thắt chính, mọi cố gắng cải cách kinh tế và chống tham nhũng có thể là "quá ít và quá muộn" (too little too late).

global1

Việt Nam vẫn tụt hậu so với các nước láng giềng

Nhìn lại chính sách Trung Quốc

Người ta đã nói nhiều về hiện tượng Trung Quốc trỗi dậy như người khổng lồ tỉnh giấc hay quái vật "Frankenstein" (lời Richard Nixon) đang muốn thay đổi trật tự thế giới cũ (do Mỹ cầm đầu). Người ta cũng bàn nhiều về nguyên nhân Trung Quốc trỗi dậy gây bất ổn như hiện nay, không chỉ do nội lực Trung Quốc mà còn do chính sách Trung quốc của Mỹ đã nuôi dưỡng và cổ vũ nó lớn mạnh, để nay trở thành "mối đe dọa lớn nhất" đối với Mỹ (nhận định của NDS). Không chỉ ông Henry Kissinger (là kiến trúc sư của chính sách Trung Quốc) mà cả một thế hệ các chính khách và học giả Mỹ đã chủ trương "can dự xây dựng" (constructive engagement) với Trung Quốc suốt mấy thập kỷ, cho đến gần đây mới bắt đầu tỉnh ngộ.

Theo Michael Pillsbury (một chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc),"Từ mấy thập kỷ nay, chính phủ Mỹ đã thoải mái trao cho Trung Quốc thông tin nhạy cảm, công nghệ, kinh nghiệm quân sự, thông tin tình báo, và tư vấn chuyên môn. Thật vậy, có quá nhiều thứ đã được trao trong thời gian quá lâu…nên không thể tính toán đầy đủ. Và những gì chúng ta không cho thì người Trung Quốc đã lấy trộm"... Pillsbury từng tin rằng "Viện trợ Mỹ cho Trung Quốc yếu đuối mà lãnh đạo của họ cũng suy nghĩ như chúng ta, sẽ giúp Trung Quốc trở thành một cường quốc dân chủ và hòa bình, không có tham vọng…" Nhưng nay Pillsbury coi sai lầm này của Mỹ là "một thất bại về tình báo nguy hiểm và quan trọng nhất có tính hệ thống trong lịch sử nước Mỹ". (The Hundred Year Marathon, Michael Pillsbury, MacMillan, 2015).

Tuy Mỹ không muốn thấy một Trung Quốc như vậy, nhưng người Mỹ đã vô hình trung góp phần quan trọng tạo ra con quái vật Frankenstein. Người ta có thể lý giải hiện tượng đó bằng "hệ quả không định trước" (unintended consequence), nhưng không thể phủ nhận sự thật là người Mỹ đã ngộ nhận và nhầm lẫn về người Trung Quốc, mặc dù Mỹ có nhiều viện nghiên cứu (think tanks) đẳng cấp thế giới. Người Mỹ không hẳn bị người Trung Quốc lừa gạt, mà chính người Mỹ đã tự lừa gạt mình. Có những nghịch lý và ngộ nhận làm nhiều người Mỹ "vô minh" vì tầm nhìn của họ bị che khuất (blind vision). Một số người tỉnh táo nhận ra nguy cơ và cảnh báo, nhưng đáng tiếc chính quyền không lắng nghe họ. Khi John Kennedy muốn đưa quân vào Việt Nam để can thiệp, George Ball (thứ trưởng ngoại giao) đã can ngăn và cảnh báo, nhưng họ không lắng nghe, nên đã mù quáng tham chiến, dẫn đến thảm họa.

Năm 1965, Mỹ đổ bộ quân vào Đà Nẵng để đánh Việt Cộng và ngăn chặn Trung Quốc (theo "thuyết Domino"). Sau hơn năm thập kỷ, tàu sân bay USS Carl Vinson đến Đà Nẵng không phải để đánh Việt Cộng, mà để ngăn chặn Trung Quốc. Kẻ thù và đồng minh thay đổi, nhưng lợi ích quốc gia không thay đổi. Việt Nam mời Trump đến họp cấp cao APEC Đà Nẵng và thăm Việt Nam, cũng như đón USS Carl Vinson là để răn đe Trung Quốc. Lịch sử là một trò chơi dễ làm những ai vô minh bị ngộ nhận. Muốn điều chỉnh chiến lược và có tầm nhìn mới, phải điều chỉnh hệ quy chiếu và hệ điều hành. Thật là vô lý khi hai đối tác (hay đối thủ) trong một ván cờ được vận hành bởi hệ quy chiếu và hệ điều hành khác hẳn nhau. 

Trong khi người Trung Quốc tư duy chiến lược theo binh pháp Tôn Tử thì chắc người Mỹ tư duy chiến lược theo binh pháp của Clausewitz, mà McNamara và các đồng sự là học trò xuất sắc (nhưng đã thất bại ở Việt Nam). Có những nghịch lý và bất cập làm người ta ngộ nhận về đối phương, nhầm lẫn về mục đích và phương tiện (như trong chiến tranh Việt Nam). Đó là "một cuộc chiến sai lầm, chống một kẻ thù sai, tại một địa điểm sai, vào một thời điểm sai, vì những mục đích sai" (a wrong war against a wrong enemy, in a wrong place, at a wrong time, for wrong purposes). Mỹ đã lặp lại sai lầm đó tại Iraq và Afganistan…

Mỹ điều chỉnh chiến lược

Việt Nam có vị trí chiến lược quan trọng nhất tại Biển Đông và là tâm điểm trong chiến lược quốc phòng mới của Mỹ (NDS). Biên giới phía Bắc Việt Nam giáp Trung Quốc và toàn bộ bờ biển tiếp giáp Biển Đông. Nhưng quan trọng hơn cả vị trí địa lý là vì tinh thần dân tộc của người Việt Nam trong suốt lịch sử lâu dài chống ngoại xâm vì độc lập và chủ quyền đất nước. Nhưng chính vị trí địa chính trị đã làm Việt Nam mắc kẹt giữa các cường quốc, buộc phải đu dây để cân bằng quan hệ giữa các nước lớn. Trung Quốc gây sức ép càng mạnh thì Việt Nam càng xích lại gần Mỹ để "tái cân bằng" (rebalance) và để "tìm đối trọng" (hedging).

Gần đây, quan hệ "đối tác toàn diện" Viêt-Mỹ có xu hướng trở thành "đối tác chiến lược toàn diện" (như với Nga, với Trung Quốc, với Nhật, với Ấn Độ…). Tuy Trung Quốc không muốn Việt Nam xích lại quá gần Mỹ, và Việt Nam cũng không muốn làm mất lòng người láng giềng khổng lồ (vì phụ thuộc quá nhiều vào họ), nhưng xu hướng "thoát Trung" ngày càng mạnh trong dân chúng và chính quyền. Tuy nhiên, có một thực tế là trong khi dân chúng dù muốn "thoát Trung" thì kinh tế và chính trị Việt Nam vẫn lệ thuộc vào Trung Quốc.  

Hơn bốn thập kỷ sau chiến tranh, quan hệ Viêt-Mỹ vẫn còn phức tạp. Tâm trạng người Việt đối với Mỹ là "vừa yêu vừa ghét" (love-hate) tuy nay "yêu nhiều hơn ghét". Trong khi đó tâm trạng người Việt đối với Trung Quốc là "ghét nhiều hơn yêu" (do nhiều lý do về lịch sử và văn hóa). Tâm trạng chống Mỹ và "chống diễn biến hòa bình" tuy còn khá nặng, nhưng chủ yếu là trong tuyên truyền của chính quyền. Trên thực tế, ngày càng nhiều người Việt thích Mỹ (như cho con đi học Mỹ hay định cư tại Mỹ) kể cả các quan chức "chống Mỹ".

Ngoài ra, tâm trạng sợ Mỹ bỏ rơi vẫn còn ám ảnh giới cầm quyền vì lo ngại Mỹ-Trung có thể "đi đêm" thỏa hiệp sau lưng (như sợ Trump đánh đổi lợi ích tại Biển Đông lấy lợi ích tại Bắc Triều Tiên). Tuy một số chuyên gia cho rằng khả năng Việt Nam bị Mỹ bỏ rơi là rất thấp vì bối cảnh hiện nay khác trước, nhưng tâm trạng bất an và lo ngại vẫn là một rào cản tâm lý khi hai nước cần nâng cấp quan hệ lên "đối tác chiến lược toàn diện".  

Người ta cho rằng Peter Navarro có vai trò quan trọng đằng sau quyết định của Trump tăng thuế thép (25%) và nhôm (10%) chủ yếu nhắm vào Trung Quốc, bất chấp phản đối của nhiều người, trong đó có cố vấn chủ chốt của Trump về kinh tế là Gary Cohn (vừa từ chức). Navarro là cố vấn chủ chốt của Trump về thương mại, có lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc, và là tác giả cuốn sách "Chết do Trung Quốc" (Death by China, Peter Navarro, Prentice Hall, 2011). Gần đây, Peter Navarro được Trump sủng ái nâng cấp cao hơn vì hợp với Tổng thống. Navarro đã thuyết phục được Trump đánh thuế cao và áp dụng một số chế tài chống Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, ép các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc, và ngăn chặn các công ty Trung Quốc mua lại các công ty của Mỹ. Đối với Việt Nam, quyết định tăng thuế tuy bất lợi về thương mại nhưng có lợi về chiến lược.

Nhiều người lo ngại quyết định của Trump thay ngoại trưởng Rex Tillerson bằng Mike Pompeo (cựu giám đốc CIA) có thể ảnh hưởng tới chính sách của Mỹ tại Biển Đông. Đúng là Tillerson có kinh nghiệm đối phó với Trung Quốc (và Nga), có quan điểm cứng rắn tại Biển Đông, liên quan đến lợi ích dầu khí của ExxonMobil (như dự án Cá Voi Xanh). Nhưng vai trò ngoại trưởng của Tillerson (và Bộ Ngoại giao) trong chính quyền Trump khá yếu (gần như bị vô hiệu hóa). Có nhiều lý do, nhưng chủ yếu vì Tillerson không hợp với Trump, nên vai trò yếu hơn so với bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis. Đó là một đặc điểm của chính quyền Trump mà một số chính khách (như thủ tướng Nhật Abe) đã nắm bắt và vận dụng hiệu quả.

Tuy Jim Mattis (và Bộ Quốc phòng) có vai trò lớn hơn, nhưng tới đây vai trò của ngoại trưởng Mike Pompeo (và Bộ Ngoại giao) chắc sẽ tăng lên. Chính quyền Trump nay đã công bố NDS và tầm nhìn Indo-Pacific, nên muốn triển khai chiến lược mới tất nhiên cần đến vai trò của Bộ Ngoại giao. Về vấn đề Triều Tiên, nếu khả năng đàm phán trực tiếp Mỹ-Triều trở thành hiện thực, và vai trò Nam Hàn tăng lên, thì vai trò Trung Quốc chắc sẽ giảm đi, nên thái độ của Mỹ tại Biển Đông có thể cứng rắn hơn. Những căng thẳng và nguy hiểm vì đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên giống trò chơi "bên miệng hố chiến tranh" (brinkmanship) hay một ván cờ "gambit". Nhưng ai đã từng nghiên cứu về chiến tranh hạt nhân chắc đều hiểu những hạn chế và quy luật của nó, nhất là sau vụ khủng hoảng tên lửa Cuba (10/1962).

Khi những nghịch lý và ngộ nhận về Bắc Triều Tiên dần được giải mã, chắc người ta sẽ thấy đàm phán Mỹ-Triều là kết cục tất yếu để tìm một giải pháp nhằm tháo gỡ bế tắc hiện nay, sau khi các bên đã xuất những con bài cuối cùng trước khi ngã giá (nếu không muốn "già néo đứt dây"). Bị ám ảnh bởi cơn ác mộng Bắc Triều Tiên nên nhiều người khó hình dung một ngày nào đó Donald Trump (the "stable genius") sẽ trực tiếp gặp Kim Jong-un (the "little rocket man"). Phát ngôn gây sốc của Trump tuy đầy kịch tính, nhưng sớm muộn rồi Washington cũng phải đàm phán với Bình Nhưỡng. Tuy vấn đề Triều Tiên vẫn còn nan giải, nhưng Biển Đông là thùng thuốc súng còn nguy hiểm hơn bán đảo Triều Tiên hay biển Đông Hải, vì Biển Đông mới là tâm điểm của ván cờ sinh tử Mỹ-Trung trong thế kỷ 21 này.  

Tư tưởng Tập Cận Bình

Tại Đại hội Đảng lần thứ 19 "Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới" đã được xác quyết và ghi vào điều lệ Đảng. Đó là một cột mốc lớn trong lịch sử để Trung Quốc bước vào "kỷ nguyên mới", nhằm thực hiện "Giấc mộng Trung Hoa" bằng chiến lược "Một vành đai, Một con đường" với những đại dự án có quy mô còn lớn hơn cả Kế hoạch Marshall của Mỹ trước đây. Trong bối cảnh nước Mỹ lâm vào khủng hoảng chính trị bởi hiện tượng Trumpism (ít nhất trong ba năm tới), Trung Quốc chắc sẽ nắm bắt cơ hội trời cho này để quyết tâm vượt Mỹ, tranh giành vai trò lãnh đạo thế giới. 

Người Trung Quốc coi trọng lịch sử, không phải chỉ vì tự hào mà còn muốn lợi dụng lịch sử làm bệ đỡ để "trở về tương lai" (back to the future). Tập Cận Bình cũng muốn làm "Trung Quốc vĩ đại trở lại" (chẳng khác gì Trump). Nhưng điều trớ trêu là những gì mà ông Trump đang làm để giúp "nước Mỹ vĩ đại trở lại" (America great again) thì hóa ra chỉ làm lợi cho Trung Quốc vĩ đại trở lại (China great again). Chỉ mấy tháng sau Đại hội 19, Quốc hội Trung Quốc đã sửa đổi Hiến pháp (11/3/2018), bỏ điều khoản hạn chế Chủ tịch nước Trung Quốc không được làm quá hai nhiệm kỳ, đi ngược lại với xu hướng dân chủ hóa trên thế giới.

Điều đó khẳng định xu hướng độc tài theo "chủ nghĩa tân độc đoán" (Neo-authoritarianism) mà Vương Hỗ Ninh đề xướng, nay tái sinh thành "chủ nghĩa tân bảo thủ" (Neo-conservatism), đã trở thành tư tưởng chủ lưu của Trung Quốc. Trong lịch sử, hiện tượng "cách mạng thụt lùi" đã từng xảy ra tại Iran (năm 1978), nay đang diễn ra tại Trung Quốc. Hai sự kiên đó tuy khác nhau về hình thức (tôn giáo) nhưng giống nhau về bản chất (cực đoan). Sau khi Tập Cận Bình quyết thay đổi luật chơi (quốc gia) do Đặng Tiểu Bình đặt ra để trở thành nhà độc tài (như "hoàng đế Trung Hoa"), chắc Tập cũng sẽ quyết thay đổi luật chơi (quốc tế). 

Trong trò chơi quyền lực mới (new "game of thrones") giữa con đại bàng Mỹ (đang suy yếu) và con rồng Trung Quốc (đang trỗi dậy) liệu họ có bị sa vào bẫy Thucydides (như Graham Allison suy đoán)? Chiến tranh không nhất thiết xảy ra nếu Trung Quốc "không đánh mà thắng". Những gì diễn ra tại Biển Đông trong mấy năm qua cho thấy Trung Quốc hầu như đã thắng hiệp đầu mà không cần đánh, vì họ vận dụng "Tam chủng chiến pháp" (three warfare doctrine) như một kiểu "chiến tranh không thông thường" (unconventional warfare). Đó là cuộc đấu trí và đấu lực trong "vùng xám" (grey zones) mà Trung Quốc có lợi thế, bằng cách "thay đổi thực địa" (changing facts on the ground) như "tầm ăn dâu", để biến thành "chuyện đã rồi" (fait accompli) mà không gây ra xung đột trực tiếp với Mỹ. Tóm lại, Trung Quốc đã ứng dụng linh hoạt binh pháp Tôn Tử (không đánh mà thắng) như cách đánh "cờ vây" ("Wei Qi" game).

Nếu muốn lý giải "Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới", có lẽ phải hiểu tư duy chiến lược của Vương Hỗ Ninh (Wang Huning). Vương là tác giả của ba chủ thuyết gần đây của Trung Quốc: "thuyết ba đại diện" (thời Giang Trạch Dân), "quan điểm phát triển khoa học" (thời Hồ Cẩm Đào), "giấc mộng Trung Hoa" và "chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc" (thời Tập Cận Bình). Nếu muốn lý giải những diễn biến trong cải cách kinh tế của Trung Quốc gần đây (và sắp tới), phải hiểu tư duy kinh tế của Lưu Hạc (Liu He). Việc đưa Vương Hỗ Nình vào thường vụ BCT và Lưu Hạc vào BCT càng khẳng định vai trò của hai bộ óc chiến lược đang cố vấn chính sách cho Tập Cận Bình.

Tuy tư duy về phát triển của Vương Hỗ Ninh đã phát huy tác dụng trong giai đoạn phát triển "hậu Thiên An Môn" nhưng không có gì đảm bảo tư tưởng của Vương Hỗ Ninh và chính sách của Lưu Hạc sẽ thành công trong giai đoạn tới (còn nhiều ẩn số). Những người theo "chủ nghĩa Tân Độc đoán" lập luận rằng ổn định chính trị sẽ cung cấp cấu trúc cho phát triển kinh tế, rằng "không có trật tự xã hội thì không thể có tự do và dân chủ". Theo Vương Hỗ Ninh, "sự thống nhất của ban lãnh đạo là điều kiện tiên quyết cho sự tồn tại của đất nước", còn dân chủ và tự do cá nhân "sẽ đến muộn hơn khi hội đủ các điều kiện thích hợp".

Giai đoạn phát triển kinh tế "Hậu Thiên An Môn" với mô hình phát triển mà David Shambaugh gọi là "authoritarian resilience" được người Mỹ đánh giá cao và ủng hộ, nay đã qua rồi. Những yếu tố thuận lợi ban đầu đã hết, nay bài toán phát triển kinh tế Trung Quốc khó khăn hơn nhiều. Tuy Trung Quốc đã trỗi dậy mạnh mẽ và giàu có về vật chất, nhưng tinh thần còn lạc hậu. Dòng người và dòng tiền từ Trung Quốc tiếp tục chảy ra ngoài (tới Mỹ và phương Tây). Đó là hệ quả của nghịch lý phát triển nóng không đồng bộ. Tuy chưa ai có thể dự báo được chắc chắn về tương lai của Trung Quốc, nhưng theo David Shambaugh Tập Cận Bình càng cố gắng làm khác Gorbachew thì kết cục Trung Quốc càng nhanh giống Liên Xô. 

Sự phát triển của Trung Quốc tuy thần kỳ nhưng ẩn chứa nhiều nghịch lý (như gót chân A-sin).  Tập Cận Bình không chỉ muốn làm khác Gorbachew mà còn làm khác Đặng Tiểu Bình (cả về đối nội và đối ngoại). Trong khi Đặng chấm dứt nền độc tài kiểu Mao, thì nay Tập quay lại với nền độc tài kiểu Mao để "tái tạo Trung Quốc" (Rejuvenation of the Chinese Nation). Về kinh tế, Tập muốn dựa vào doanh nghiệp nhà nước chứ không dựa vào tư nhân. Nếu những năm đầu thập niên 1990, phương Tây lo ngại Nhật "mua cả thế giới" thì nay Trung Quốc đang "mua cả thế giới". Tập còn muốn "Tàu hóa" cả thế giới (cinicization of the world) và thay đổi trật tự thế giới theo ý mình, lấy Trung Quốc làm trung tâm (để thay thế Mỹ).

Mấy thập kỷ qua, phương Tây đã ảo tưởng tin rằng Trung Quốc giàu có thì sẽ dân chủ hóa, nên đã hỗ trợ và giang tay chào đón Trung Quốc hòa nhập vào cộng đồng thế giới (vào WTO năm 2001). Người Mỹ, người Nhật và Tây Âu phải chịu trách nhiệm về sự trỗi dậy bất ổn và bất trị của Trung Quốc hiện nay. Tuy một số nước vẫn chạy theo Trung Quốc hoặc có chính sách hai mặt vì lợi ích kinh tế, nhưng hầu hết các nước phương Tây đã vỡ mộng và tỉnh ngộ về bản chất Trung Quốc. Gần đây, các quan chức an ninh Mỹ đã cảnh báo rằng các viện Khổng tử là các "ổ gián điệp trá hình". Một số nước (như Mỹ và Úc) đã áp dụng các biện pháp cứng rắn để đối phó, như một làn sóng phản ứng (backlash). (40 years after opening up, China is going backwardTetsushi Takahashi, Nikkei Asian Review, March 20, 2018).

Tầm nhìn khu vực Indo-Pacific

Một năm tuy quá ít để thay đổi trật tự thế giới, nhưng quá đủ để Mỹ-Trung điều chính chiến lược, tác động đến cục diện thế giới, nhất là khu vực Biển Đông. Đại hội Đảng CSTQ lần thứ 19 (và "hậu Đại hội") là một bước ngoặt lớn không chỉ đối với Trung Quốc mà còn đối với thế giới,  đặc biệt là đối với Mỹ. Không phải ngẫu nhiên khi Trump đến thăm Việt Nam dự họp cấp cao APEC Đà Nẵng (10/11/2017) đã tuyên bố tầm nhìn Indo-Pacific và nhấn mạnh vai trò của "bộ tứ" (Quad) gồm Mỹ-Nhật-Ấn-Úc. Tổng thống Donald Trump và chủ tịch nước Trần Đại Quang đã thỏa thuận về Kế hoạch Hành Động Hợp tác Quốc phòng Mỹ-Việt (2018-2020). Bộ trưởng quốc phòng Jim Mattis đã đến thăm Việt Nam (24-26/1/2018) sau khi công bố chiến lược quốc phòng (NDS) coi Trung Quốc là "mối đe dọa lớn nhất". Sau đó USS Carl Vinson đã đến Đà Nẵng (5-9/3/2018) trong một chuyến thăm lịch sử đầy ý nghĩa.

Hiện nay, Viêt Nam là tâm điểm (epicenter) trong chiến lược quốc phòng của Mỹ và an ninh khu vực, với tầm nhìn mới "Indo-Pacific". Chiến lược mới này đã thổi sức sống mới vào khuôn khổ đối thoại an ninh của "bộ tứ" (gồm Mỹ-Nhật-Ấn-Úc). Việt Nam chủ trương đa dạng hóa quan hệ quốc tế và tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng, không chỉ với Mỹ mà còn với Nhật, Ấn, Úc (và các nước khác). Theo các chuyên gia của viện Brookings, Viêt Nam đang tăng cường quan hệ với các nước thuộc "bộ tứ" trong bối cảnh các nước ASEAN đang bị chia rẽ về lập trường đối với sự trỗi dậy đầy bất an của Trung Quốc và những hoạt động lấn chiếm Biển Đông. (As US aircraft carrier departs Vietnam what are the implications for regional security? Jonathan Stromseth & Hunter Marston, Brookings, March 9, 2018). 

Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nhât-Việt đã được khẳng định và mở rộng sau chuyến thăm Nhật chính thức của TBT Nguyễn Phú Trọng (9/2015) và chuyến thăm Việt Nam chính thức của Nhật Hoàng Akihito (3/2017). Trong chuyến thăm Nhật của thủ tưởng Nguyễn Xuân Phúc (4-8/6/2017), hai bên đã ký Tuyên bố Chung về việc làm sâu sắc hơn Đối tác Chiến lược Sâu rộng Việt-Nhật, và nêu bật vấn đề hợp tác an ninh quốc phòng ngay ở phần đầu. Theo giáo sư Carl Thayer, "đây là một tín hiệu đáng chú ý". Nhật cam kết hỗ trợ mạnh mẽ Việt Nam nâng cao năng lực chấp pháp trên biển bằng cách cung cấp tàu tuần tra (6 chiếc năm 2014 và 6 chiếc năm 2017) và huấn luyện hải quân, sau khi tàu khu trục IZUMO thăm Cam Ranh (5/2017). Theo tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, trong năm 2018 Nhật dự kiến sẽ chuyển giao cho Việt Nam hai vệ tinh hiện đại và máy bay săn ngầm (anti-submarine and surveillance aircraft). Hiện nay Nhật vẫn là nước viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, trong khi kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 30 tỷ USD (năm 2016) và dự kiến sẽ tăng gấp đôi (năm 2020).

Ngoài việc mở rộng quan hệ hợp tác chiến lược với Nhật, quan hệ hợp tác quốc phòng với Ấn Độ đã được tăng cường khi thủ tướng Narendra Modi đến thăm Việt Nam (năm 2016) nhằm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Việt Nam là tâm điểm trong chiến lược "hướng đông" của Ấn Độ (từ "Look East" nay thành "Act East"). Ấn Độ đã hứa cho Việt Nam vay 500 triệu USD để mua sắm thiết bị nhằm nâng cấp năng lực quốc phòng. Ấn Độ cũng đã giúp huấn luyện thủy thủ tàu ngầm Kilo cho Hải quân Việt Nam. Trong năm 2017, Việt Nam đã gia hạn quyền thăm dò dầu khí cho công ty dầu khí quốc gia Ấn Độ (OLV) tiếp tục khoan thăm dò dầu khí (tại lô 128). Tiếp theo chuyến thăm Ấn Độ của thủ tưởng Nguyễn Xuân Phúc (24-26/1/2018) chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đi thăm Ấn Độ (2-4/3/2018).

Trong khi tăng cường quan hệ hợp tác chiến lược với Mỹ, Viêt Nam đang chú trọng mở rộng quan hệ hợp tác chiến lược với các nước khác, đặc biệt là Nhật Bản và Ấn Độ có thái độ nghi ngại Trung Quốc đang mở rộng thế lực không những tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương mà còn tại Ấn Độ Dương. Theo chuyên gia Joshure Kurlantzick (CFR), trong chuyến thăm Ấn Độ vừa qua, chủ tịch nước Trần Đại Quang và thủ tướng Narendra Modi đã trao đổi về tầm quan trọng của việc hai bên tiếp tục hợp tác khai thác dầu khí tại Biển Đông (giữa OVL với PVN, và có thể với cả bên thứ ba) "dù Trung Quốc có nói gì chăng nữa" (no matter what China says). Ấn Độ có thể tiếp tục cho Việt Nam vay thêm tiền để mua sắm nhiều hơn vũ khí Ấn Độ. Hai bên cũng khẳng định cam kết ủng hộ tự do hàng hải tại Biển Đông. 

Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác chiến lược với các nước khác (ngoài Mỹ) để làm đối trọng với Trung Quốc, vì lãnh đạo Hà Nội lo ngại về chiến lược của Mỹ tại Đông Nam Á và cam kết duy trì lâu dài lực lượng của Mỹ tại Biển Đông (long-term sustainability of the U.S. posture in the South China Sea). Ngoài ra, thái độ thất thường khó đoán của Trump và chính sách thương mại bảo thủ (như bỏ rơi TPP và đánh thuế cao) làm cho Hà Nội bất an. Để lấp lỗ hổng đó, Hà Nội phải tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với một số nước khác, như Nhật Bản và Ấn Độ, vì cho rằng Ấn Độ muốn có vai trò an ninh lâu dài tại Đông Nam Á và sẵn sàng triển khai sức mạnh tại Biển Đông. Vì vậy, theo chuyên gia Joshure Kurlantzick, "Ấn Độ là đối tác lớn lý tưởng đối với Việt Nam" (an ideal major partner for Vietnam), và trên thực tế "Việt Nam đang là tâm điểm trong chiến lược hướng đông của Ấn Độ" (Vietnam is now at the heart of India’s Look East strategic policy).  (Vietnam and India Cement an Increasingly Vital Relationship in Southeast Asia, Joshua Kurlantzick, CFR, March 9, 2018). 

Tiếp theo các chuyến thăm cấp cao tới Nhật và Ấn Độ gần đây, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi thăm Australia (14-18/3/2018) để nâng cấp đối tác chiến lược. Theo Carl Thayer, "Đây là cột mốc lớn thứ ba trong quan hệ song phương… là thời điểm chín muồi để hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược", nhân chuyến thăm Canberra của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để kỷ niệm 45 năm lập quan hệ song phương và nhân dịp họp thượng đỉnh ASEAN- Australia. Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Australia sẽ dẫn tới trao đổi thường xuyên hơn giữa lãnh đạo cấp cao, giúp giải quyết tốt hơn nhiều thách thức về phát triển kinh tế, các vấn đề xuyên quốc gia, hòa bình và an ninh ở khu vực cũng như trên thế giới. Tuy lập trường của Australia về Biển Đông còn bị ràng buộc nhiều bởi lợi ích kinh tế với Trung Quốc, nhưng việc Australia trở thành đối tác chiến lược của Viêt Nam là một tín hiệu mới, đóng góp tích cực vào "tầm nhìn Indo-Pacific tự do và rộng mở", dựa trên "bộ tứ" (Mỹ-Nhật-Ấn-Úc).      

Trong khi tăng cường quan hệ với các nước nói trên, Việt Nam luôn ý thức rằng Trung Quốc có thể gây khó dễ cho Việt Nam về kinh tế, vì Trung Quốc là nước láng giềng khổng lồ và là đối tác thương mại lớn nhất, chiếm gần 30% nhập khẩu và hơn 10% xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi cùng các nước thành viên khác thúc đẩy ký kết hiệp định CPTPP (hay còn gọi là TPP11) mà không có Mỹ, Việt Nam vẫn đang tăng cường quan hệ hợp tác với các đối tác trong "bộ tứ" tại "khu vực Indo-Pacific tự do và rộng mở". Đó là cách "đặt cược" (hedging) cho trước mắt cũng như cho tương lai, hy vọng một ngày nào đó Mỹ sẽ quay lại với TPP (như gần đây, 25 thượng nghị sỹ đảng Công Hòa đã lên tiếng kêu gọi Trump làm như vậy). 

Nghịch lý đồng thuận ASEAN

Có lần một phó thủ tướng Thailand nói (đại ý) Thailand phát triển nhanh (trong thập kỷ 1980-1990) vì đã tranh thủ được Nhật đang mạnh, nên sẵn sàng đầu tư vào Thailand, trong khi Việt Nam lúc đó chưa sẵn sàng. Khi Việt Nam sẵn sàng hợp tác thì đáng tiếc là kinh tế Nhật lại bị ốm yếu (sau khủng hoảng tài chính 1997). Nhận xét đó đã vô hình trung phản ảnh một thực tế là trong lịch sử, Việt Nam thường "nhỡ tàu" nên đã bỏ qua nhiều cơ hội. Sau 1975 khi ASEAN muốn mời Việt Nam vào ASEAN thì lúc đó Việt Nam còn làm cao. Khi Mỹ sẵn sàng bình thường hóa với Việt Nam (năm 1978) thì Việt Nam lại chưa sẵn sàng. Khi Việt Nam đánh Campuchea (12/1978) và Trung Quốc đánh Việt Nam (2/1979), phương Tây cấm vận để cô lập Việt Nam, thì ASEAN cũng quay lưng lại với Viêt Nam. 

Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, ASEAN là một mô hình thành công về chủ nghĩa khu vực (regionalism) tại Đông Nam Á, có thể so sánh với "ngôi nhà chung" Châu Âu (EU). ASEAN được xây dựng trên tư tưởng "ZOPFAN" (Zone of Peace, Freedom and Neutrality) với nguyên tắc "đồng thuận" được sùng bái (như "Cult of Consensus"). Đồng thuận được đánh đồng với "nhất trí" (unanimity) như một "điều kiện tiên quyết" cho hành động (prerequisite for action). Dù nguyên tắc đồng thuận nay được mô tả "đồng thuận trong đa dạng" (consensus in diversity) thì nó cũng trở thành "gót chân A-sin" của ASEAN, vì bất cứ nước thành viên nào cũng có thể phủ quyết làm vô hiệu hóa ASEAN. Các cường quốc khác (như Trung Quốc) chỉ cần hối lộ và xúi giục một nước thành viên nào đó (như Campuchea) là đủ tạo ra khủng hoảng, làm vô hiệu hóa tiếng nói và vai trò của ASEAN tại khu vực nhạy cảm này.

Nguyên tắc đồng thuận nhằm duy trì ổn định khu vực đang đứng trước thách thức mới, làm ASEAN trở thành nạn nhân của cái bẫy thể chế (institutionalization trap), không sẵn sàng đối phó với những thách thức mới của thế kỷ 21. Sự trỗi dậy của Trung Quốc là nguyên nhân chính dẫn đến căng thẳng, đe dọa trật tự thế giới và khu vực. Nếu ASEAN không muốn bị vô hiệu hóa và bị con rồng phương Bắc "bắt cóc" (hijacked), thì cách tốt nhất để duy trì vai trò khu vực và phát huy mô hình "độc đáo" của mình (nay đã bị lỗi thời), là phải triệt để cải tổ thể chế ASEAN và xem xét lại hệ quy chiếu và nguyên lý điều hành của ASEAN. 

Mỗi khi Trung Quốc gây sức ép mạnh để ngăn cản ASEAN ra nghị quyết làm cản trở ý muốn của Trung Quốc là đàm phán song phương thay vì đàm phán đa phương, thì kết cục là ASEAN bị vô hiệu hóa và hầu như tê liệt trước cái bóng đen của con rồng Trung Quốc mà không dám hành xử như một tổ chức độc lập vì hội nhập khu vực. Trung Quốc đang chia để trị khu vực, nhưng điều làm người ta ngạc nhiên là ASEAN đang trở thành cái khiên để che đỡ cho Trung Quốc chống lại Mỹ và các đồng minh chủ chốt của Mỹ tại khu vực. Biển Đông là nơi mà tranh chấp chủ quyền đang trở thành điểm nóng về địa chính trị trong thế kỷ 21, nơi mà cạnh tranh Mỹ-Trung về các lợi ích cốt lõi dễ bùng nổ nhất. Nếu chiến tranh thế giới thứ ba xảy ra thì có lẽ nó dễ xảy ra nhất tại Biển Đông (như "cái bẫy Thucydides").

Dưới thời Tổng thống Duterte, Manila đã ngả theo Trung Quốc vì động cơ kinh tế. Manila không chỉ theo đuôi lập trường của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông mà còn chống lại lập trường của Mỹ và các nước đồng minh. Nếu ASEAN muốn độc lập và có ý nghĩa (relevant) như một nhân tố ổn định để đóng góp vào trật tự khu vực (chứ không phải để làm tay sai cho Trung Quốc), thì phải từ bỏ sự "sùng bái đồng thuận". Các nước độc lập trong ASEAN như Indonesia, Việt Nam, Singapore, cần đi đầu để tháo gỡ vấn đề này bằng sự "hợp tác tối thiểu" (minilateral cooperation) trong vấn đề an ninh khu vực.

Muốn cứu vãn tình thế hiện nay ASEAN phải mạnh dạn thay "chủ nghĩa đa phương đã đổ vỡ" (broken multilateralism) bằng "chủ nghĩa tối thiểu năng động" (dynamic minilateralism) tới khi nào ASEAN chấn chỉnh được thể chế của mình. Mỹ và đồng minh không nhất thiết phải thuyết phục tất cả các nước ASEAN mà chỉ cần hợp tác với một số nước SEAN năng động. Để kiềm chế tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông, ASEAN cần liên kết với "bộ tứ" (Mỹ-Nhật-Ấn-Úc). Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Australia vừa diễn ra tại Sydney (March 18, 2018), Việt Nam và Australia đã nâng quan hệ lên "đối tác chiến lược" trong khi Indonesia mời Australia tham gia ASEAN như một thành viên mới (ASEAN-11). Điều này chứng tỏ xu hướng tìm giải pháp để cứu vãn tình thế hiện nay nhằm ngăn chặn đà suy thoái đang làm ASEAN mất vai trò (a downward spiral of irrelevance). (ASEAN Could Be Hijacked by China. Here’s How to Fix It, Richard Javad Heydarian , National Interest, March 15, 2018).  

Nghịch lý chống tham nhũng

Trong khi ở Trung Quốc, ông Tập Cận Bình chống tham nhũng triệt để (với khẩu hiệu "đả hổ diệt ruồi") thì ở Việt Nam trong gần một năm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng bắt đầu chống tham nhũng quyết liệt hơn với câu nói nay thành nổi tiếng là "lò đã cháy lên rồi thì củi khô hay củi tươi cho vào cũng cháy hết". Có lẽ vì vậy mà báo chí gọi ông Nguyễn Phú Trọng là "người đốt lò vĩ đại".  Trong khi ở Trung Quốc ông Tập Cận Bình bắt hổ Bạc Hy Lai (và gần đây là bắt Tôn Chính Tài) thỉ ở Việt Nam ông Nguyễn Phú Trọng cũng bắt hổ Đinh La Thăng. Trong khi ông Tập Cận Bình có ông Vương Kỳ Sơn là cánh tay phải, thì nay ông Nguyễn Phú Trọng cũng có ông Trần Quốc Vượng là cánh tay phải (tuy ông Vượng khác ông Vương). Nay chống tham nhũng trước mắt được lòng dân và củng cố được quyền lực, nhưng muốn có hiệu quả lâu dài, phải cải tổ thể chế mới kiểm soát được quyền lực.

Vừa qua, cuộc chiến chống tham nhũng đã chĩa mũi nhọn vào PVN (như một đại án). Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh cùng đồng sự đã biến thành củi tươi bị ném ngay vào lò từ trước Tết, nhưng vẫn chưa phải hồi kết, để sau Tết sẽ xử tiếp (cho có "tính nhân văn"). Tuy nhiên, một hệ quả là PVN gần như bị tê liệt, trong khi Việt Nam cần khai thác tiếp dầu khí để bổ xung cho ngân sách đang bị thiếu hụt trầm trọng, thậm chí có nguy cơ "sụp đổ tài khóa quốc gia" (lời thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc). Đồng thời, hệ quả của vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin đã dẫn đến khủng hoảng trong quan hệ Viêt-Đức, làm tổn thương triển vọng ký hiệp định tự do thương mại EVFTA (được cho là quan trọng chỉ sau TPP).

Để chống tham nhũng và củng cố quyền lực, TBT Nguyễn Phú Trọng đã quyết định tham gia Đảng ủy Công An Trung ương (tạo ra một tiền lệ mới), với mục đích được hiểu ngầm là để cải tổ bộ máy của Bộ Công An (từ lâu đã chịu nhiều ảnh hưởng của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng). Vụ bắt "Vũ Nhôm" là một đòn cân não nhắm vào Tổng cục 5, và vụ bắt tướng Nguyễn Thanh Hóa (cựu cục trưởng C50, dính líu đến đường dây đánh bạc trực tuyến) là một đòn đau nhắm vào Tổng cục Cảnh sát. Việc cải tổ PVN và Bộ Công An là cần thiết vì một số cá nhân và đơn vị đã "tự diễn biến" và tham nhũng, nhưng cái giá phải trả là an ninh năng lượng và an ninh quốc gia có thể bị ảnh hưởng nếu phương án cải tổ không đủ nhanh và đủ hiệu quả. Đó là nghịch lý chống tham nhũng. Một khi quyền lực không được kiểm soát thì các nhóm lợi ích sẽ thao túng thể chế để trục lợi. Muốn kiểm soát được tham nhũng phải kiểm soát được quyền lực, và muốn kiểm soát được quyền lực phải cải tổ thể thế đồng bộ.

Vụ Mobilefone mua AVG là một vụ đại án đã được điều tra từ lâu làm dư luận xôn xao, nhưng nay mới được lôi ra xử lý công khai và rốt ráo. Vụ án này trở nên đầy kịch tính khi Bộ chủ quản Thông tin và truyền thông đã có những phản ứng quyết liệt một cách vụng về như "lậy ông tôi ở bụi này" khi bộ gửi công văn phản bác lại kết quả điều tra của Thanh tra Chính phủ (nay được Ban Bí thư chỉ đạo). Sau khi đạo diễn cho Mobifone và AVG hủy hợp đồng giao dịch mà dư luận gọi là "nuốt không trôi phải nhè ra" hay "hủy hôn để chạy tang", và nộp lại tài sản tham nhũng để "khắc phục hậu quả" dù "muộn còn hơn không", họ hy vọng được giảm nhẹ tội mà ông Nguyễn Phú Trọng đã kết luận: "Đây là vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm…". 

Đó là mấy vụ đại án đang được xử lý rốt ráo trước Hội nghị trung ương 7. Nhiều củi to đang bị ném vào lò: Đinh La Thăng và cộng sự trong vụ PVN, Nguyễn Thanh Hóa và cộng sự trong vụ đánh bạc trực tuyến (dính líu đến C50 và tổng cục cảnh sát), Trương Minh Tuấn và cộng sự trong vụ Mobifone mua AVG. Còn vụ "Vũ Nhôm" vẫn treo lơ lửng như một quả bom nổ chậm (hay củi khô dự trữ khi cần). Các nhóm lợi ích dưới mọi hình thức, dù là củi khô hay tươi, đã bị phát hiện cho vào lò hay chưa bị lộ, đều là củi mục đang báo hại cho đất nước. Vì vậy, chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt của TBT Nguyễn Phú Trọng được lòng dân, tuy dư luận vẫn còn lo ngại không biết nó có bị dập khuân theo bài bản của Bắc Kinh hay không.

Như một quy luật bất thành văn, những gì diễn ra tại Việt Nam hầu như lặp lại những gì diễn ra tại Trung Quốc. Điều đó không chỉ do văn hóa của hai nước có chung nguồn gốc, mà còn do ý thức hệ và thể chế chính trị của hai nước giống nhau. Người Việt nổi tiếng vì tinh thần dân tộc chống ngoại xâm trong suốt lịch sử nhiều thế kỷ, nhưng nay ý thức "thoát trung" vì lợi ích dân tộc đang bị hạn chế (tuy vẫn cháy âm ỷ). Một phần có thể do dân trí thấp nhưng một phần khác chắc do "hội chứng Stokholm" là hệ quả của một thời gian dài sống chung với nỗi lo sợ trong tâm thức và bị kiểm soát bởi cái vòng kim cô của não trạng Thành Đô.

Trong khi Trung Quốc chống tham nhũng triệt để, thì Việt Nam cũng chống tham nhũng ngày càng quyết liệt, với những đại án làm nhiều kẻ giật mình lo sợ (tuy vẫn chưa động đến mấy mãnh hổ). Vì vậy chống tham nhũng ở Viêt Nam đầy nghịch lý và có thể phải trả giá, nếu không cải tổ thể chế để kiểm soát được quyền lực. Trong khi Trung Quốc triển khai "Tam chủng Chiến pháp" (chiến tranh tâm lý, pháp lý, truyền thông) thì Việt Nam hầu như chưa có đối sách. Công tác truyền thông ngày càng yếu kém, vì giao cho những kẻ bất tài, thất đức chỉ lo "đục nước béo cò" (như Trương Minh Tuấn). An ninh mạng của Việt Nam cũng yếu kém, nên tin tặc đã từng tấn công chiếm được mạng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất (29/7/2016). Chắc lúc đó ông cục trưởng cục C50 Nguyễn Thanh Hóa còn bận bảo kê đánh bạc online.

Thay lời kết

Trong khi Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ thì Việt Nam suy yếu, tụt hậu so với các láng giềng. Sự phát triển bất đối xứng tiềm ẩn nguy cơ phụ thuộc (và "Bắc thuộc"). Đến nay, chuyển đổi cơ cấu kinh tế vẫn ỳ ạch, công nghiệp hóa vẫn chậm, thương mại với Trung Quốc vẫn nhập siêu lớn, nợ công vẫn cao, ngân sách vẫn thâm hụt (thu không đủ chi), thậm chí có nguy cơ "sụp đổ tài khóa quốc gia". Năm 2017, Việt Nam tuy đạt các chỉ tiêu kinh tế cơ bản, nhưng vẫn chưa triển khai cải cách thể chế (như khuyến nghị của "Báo cáo Việt Nam 2035"). Nếu không cải tổ thể chế đồng bộ thì không tạo ra được động lực mới để phát triển tiếp.

Khi ông Phan Văn Khải mất, nhiều người tỏ lòng thương tiếc là có lý do. Ông Khải là một thủ tướng kỹ trị, đã có công thúc đẩy cải cách kinh tế phát triển đúng hướng, vừa tăng trưởng cao vừa ổn định vĩ mô, nên đã vượt qua được hệ quả khủng hoảng tài chính (1997), kiến tạo được nền móng vững vàng cho kinh tế thị trường thực sự chuyển mình và khởi sắc. Nhưng chưa đến mười năm sau, những thành quả đó đã bị tan hoang bởi vấn nạn tham nhũng tràn lan (massive corruption) và điều hành yếu kém (poor governance). Nếu người kế nhiệm tiếp tục điều hành đúng hướng thì chắc bức tranh kinh tế không bi đát như hiện nay.

Các "quả đấm thép" (tập đoàn kinh tế) tưởng là trụ cột của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã lần lượt phá sản, vì các nhóm lợi ích "tư bản đỏ" tranh nhau thao túng làm giàu nhanh. Con tàu Việt Nam đã bị họ "bắt cóc" (hijacked) đi chệch hướng và trật đường ray cải cách. Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam tuy vẫn khá cao, nhưng càng phát triển Việt Nam càng tụt hậu, vì phần lớn của cải xã hội chạy vào túi các nhóm lợi ích thân hữu. Họ "ăn của dân không từ một cái gì" (lời bà Nguyễn Thị Doan). Khi tài nguyên cạn kiệt, viện trợ nước ngoài sắp hết, họ tận thu bằng nhiều cách khác (như tăng giá điện, xăng dầu, phí BOT).

Cũng giống Trung Quốc, khi môi trường sống ngày càng ô nhiễm và bất an (cả vật chất và tinh thần) thì dòng người (và dòng tiền) chạy khỏi Việt Nam càng tăng (như bỏ phiếu bằng chân). Theo IOM, mỗi năm có khoảng 100.000 người di cư khỏi Việt Nam. Chống tham nhũng càng quyết liệt thì số người di cư ngày càng nhiều. Theo Epoch Times (30/12/2016) 85% người nhà quan chức cao cấp Trung Quốc đã định cư và mua nhà ở nước ngoài. Theo Wikileaks (6/1/2017) 65%quan chức cao cấp Việt Nam đã chuẩn bị điều kiện để ra nước ngoài. Hội nghị TW7 là cơ hội cuối cùng để Việt Nam đổi mới thể chế trước khi quá muộn.   

Nguyễn Quang Dy

Nguồn : vietstudies, 21/3/2018

Tham khảo

1. The Hundred Year Marathon, Michael Pillsbury, MacMillan, 2015

2A World in Disarray: American Foreign Policy and the Crisis of the Old Order, Richard Haass, Penguin, January 10, 2017

3. The Paradox of Xi’s Power, Minxin Pei, Project SyndicateOctober 27, 2017.

4. Wang Huning’s Neo-Authoritarian DreamJude Blanchettte blog, October 20, 2017

5. China’s New World Order ?, Ramesh Thakur, Project Syndicate, November 10, 2017

6. The Red EmperorRoderick MacFarquhar, New York Review of Books, January 18, 2018

7. Donald Trump and the Decline of US Soft Power, Joseph Nye, Project Syndicate, Feb 6, 2018

8. China vs America: Managing the Next Clash of Civilizations, Graham Allison, Foreign Affairs, September-October 2017

9. As US aircraft carrier departs Vietnam what are the implications for regional security? Jonathan Stromseth & Hunter Marston, Brookings, March 9, 2018). 

10. Vietnam and India Cement an Increasingly Vital Relationship in Southeast Asia, Joshure Kurlantzick, CFR, March 9, 2018).   

11. ASEAN Could Be Hijacked by China. Here’s How to Fix It, Richard Javad Heydarian,  National Interest, March 15, 2018

12. 40 years after opening up, China is going backwardTetsushi Takahashi, Nikkei Asian Review, March 20, 2018

Published in Diễn đàn
Trang 2 đến 2