Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/05/2018

Các biến số bất ngờ tại bàn cờ Triều Tiên

Nguyễn Quang Dy

"Chính trị là nghệ thuật biến điều không thể thành có thể"

(khuyết danh)

Nếu những vụ thử tên lửa và hạt nhân của Bắc Triều Tiên cũng như khẩu chiến giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un (trong năm 2017) làm thiên hạ lo lắng bao nhiêu về nguy cơ chiến tranh hủy diệt, thì những gì diễn ra (từ đầu năm 2018) làm người ta hy vọng bấy nhiêu về triển vọng hòa bình và hòa giải. Tâm trạng quá bi quan trước đây như "bên miệng hố chiến tranh" nay bỗng biến thành lạc quan như "hòa bình trong tầm tay".

trieu1

Bán đảo Triều Tiên : tâm trạng quá bi quan trước đây như "bên miệng hố chiến tranh" nay bỗng biến thành lạc quan như "hòa bình trong tầm tay". Ảnh Cú bắt tay lịch sử giữa Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Moon Jae-in tại Bàn Môn Điếm ngày 27/04/2018

Những điều tiếng trước đây về Donald Trump hay Kim Jong-un nay bỗng biến thành lời khen, như ông Kim "tuổi trẻ tài cao, quyền biến, xuất thần", hay ông Trump "xứng đáng nhận giải Nobel hòa bình". Chắc nhiều người vẫn chưa hình dung được đó là sự thật hay là ảo tưởng.

Những biến chuyển lịch sử

Ngày 27/04/2018 đã đi vào lịch sử Triều Tiên khi lãnh đạo hai miền gặp nhau và ký Tuyên bố chung tại Bàn Môn Điếm, khẳng định phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên là mục tiêu chung của cả hai miền.

Chủ tịch Kim Jong-un khẳng định với Tổng thống Moon Jae-in : "Nếu chúng ta thường xuyên gặp nhau và xây dựng lòng tin với Hoa Kỳ, nếu kết thúc chiến tranh và cam kết không xâm lược lẫn nhau, thì tại sao chúng ta phải sống trong căng thẳng với vũ khí hạt nhân ?".

Ông Kim cam kết : "Tôi quyết sẽ không lặp lại lịch sử đau thương của Chiến tranh Triều Tiên… Tôi cam kết với ngài sẽ không bao giờ có chuyện dùng vũ lực… Cùng sống chung trên một quê hương, chúng ta không bao giờ nên để đổ máu lần nữa".

Ông Kim Jong-un còn quyết định điều chỉnh lại múi giờ Bình Nhưỡng (30 phút) theo múi giờ Seoul. Khi chứng kiến giờ phút lịch sử lãnh đạo hai miền Triều Tiên ký Tuyên bố Chung Bàn Môn Điếm, Giám đốc Cục Tình báo trung ương Hàn Quốc Suh-hoon đã không cầm được nước mắt.

Theo New York Times (29/04/2018), ngay hôm sau (28/04) tổng thống Moon Jae-in đã điện đàm với Tổng thống Donald Trump để thông báo kết quả gặp cấp cao Liên Triều. Theo ông Moon Jae-in, ông Kim Jong-un đã nói rằng "Triều Tiên sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân nếu Mỹ đồng ý chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên và cam kết không xâm lược Triều Tiên". Ông Kim Jong-un còn nói sẽ mời các chuyên gia và nhà báo từ Hàn Quốc và Mỹ tới Triều Tiên trong tháng tới để theo dõi việc ngừng thử hạt nhân của Triều Tiên. Ông Moon cũng khẳng định với ông Trump rằng "ông Kim Jong-un hiểu ông và hai bên có thể chung sống hòa bình vui vẻ với nhau". Ông Moon còn khuyên ông Trump nên tiến hành gặp ông Kim càng sớm càng tốt, để tranh thủ đà thắng lợi của cuộc gặp cấp cao Liên Triều. Ông Moon Jae-in đã điện đàm với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (29/04) để thông báo là ông Kim Jong-un sẵn sàng đối thoại với Tokyo.

Trước đó, Mike Pompeo (ngoại trưởng mới của Mỹ) đã bí mật đến Bình Nhưỡng gặp ông Kim Jong-un (1/04/2018) với cương vị Giám đốc CIA. Ông Pompeo nói với ABC (29/04/2018) "cuộc gặp với ông Kim Jong-un rất tốt. Ông Kim đã chuẩn bị nghiêm túc việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, và có lộ trình cụ thể để đạt mục tiêu này". Ông Pompeo khẳng định : "Khi tôi ra về, ông Kim đã hiểu chính xác công việc như tôi đã mô tả hôm nay. Mục tiêu của Mỹ là phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược".

Có thể nói, cánh cửa hòa bình và hòa giải đã được mở ra từ Thế Vận hội Mùa đông Pyeongchang 2018 (XXIII Olympic Winter Games) diễn ra từ 9-25/2/2018. Trong dịp này, em gái của ông Kim Jong-un là Kim Yo-jong đã trao cho ông Moon bức thư của ông Kim. Cuộc gặp Pompeo-Kim là một bước chuẩn bị cơ bản cho cuộc gặp cấp cao Trump-Kim (sắp tới), và cuộc gặp cấp cao Moon-Kim sau đó (27/04/2018) đã tạo tiền đề thành công cho tiến trình hòa bình này.

Tổng thống Donald Trump đã nói với Bloomberg (29/04/2018) rằng ông Kim Jong-un "không nói chơi", và ông mong sẽ gặp ông Kim "trong 3-4 tuần nữa" (có thể tại Bàn Môn Điếm). Ông Kim Jong-un và ông Donald Trump đã dành cho nhau những lời lẽ tốt đẹp, tôn trọng lẫn nhau (khác hẳn năm ngoái). Họ khẳng định là hiểu mong muốn của nhau, và tin tưởng vào thành công trong cuộc gặp sắp tới.

Nhưng sự hoài nghi trong dư luận vẫn còn, cho đến khi những cam kết bằng giấy trắng mực đen được ký kết (thậm chí cho đến khi có các hành động cụ thể tiếp theo). Vì vậy, hai bên cần có thời gian để xây dựng lòng tin và thiện chí vì hòa bình và hòa giải. Ông Kim Jong-un đã vui vẻ chấp nhận thực tế này, và dường như đã chủ động chuẩn bị từ trước, nên đã vượt qua được những thử thách một cách ngoạn mục và bất ngờ. 

Khi những ngộ nhận về ván cờ Triều Tiên được giải mã, người ta sẽ hiểu ra đàm phán trực tiếp Mỹ-Triều là kết cục tất yếu của quá trình tìm giải pháp tháo gỡ bế tắc hiện nay, sau khi các bên đã hạ nốt quân bài cuối cùng trước khi ngã giá (nếu không muốn "già néo đứt dây"). Thực ra, những căng thẳng do mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên là hệ quả của trò chơi "bắt chẹt hạt nhân" (nuclear blackmail) như "bên miệng hố chiến tranh" (brinkmanship) của ông Kim Jong-un. Đó là một ván cờ nguy hiểm có tính toán như trò chơi "gambit". Những ai bị ám ảnh bởi cơn ác mộng Bắc Triều Tiên, chắc khó hình dung một ngày nào đó ông Donald Trump (the "stable genius") sẽ giáp mặt ông Kim Jong-un (the "little rocket man").

Lý giải các biến số bất ngờ

Năm 2017, trong khi thế giới "nín thở" trước triển vọng một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra bất cứ lúc nào, Donald Trump và Kim Jong-un đã chửi nhau một cách thậm tệ như trẻ con. Ông Trump gọi ông Kim là "little rocket man" (thằng nhỏ chơi tên lửa), trong khi ông Kim gọi ông Trump là "mentally deranged dotard" (lão già tâm thần). Nhưng sang năm 2018, thế giới bỗng sửng sốt khi thái độ của họ xoay 180 độ, với kế hoạch gặp gỡ cấp cao Mỹ-Triều. Thật khó hình dung một ngày nào đó, Donald Trump và Kim Jong-un có nhã hứng muốn gặp nhau, thông qua sự dàn xếp của Moon Jae-in (chứ không phải Tập Cận Bình).

Muốn lý giải các biến số trong trò chơi quyền lực này có lẽ cần đến "logic hạt nhân" và tư duy chiến lược "phi truyền thống" (unconventional). Căn cứ vào chiến lược NDS (National Defense Strategy), Mỹ cần một quốc gia hạt nhân là đồng minh của Mỹ bên cạnh Trung Quốc (để răn đe Trung Quốc). Nhưng nếu ông Trump và ông Kim chưa hiểu được ý đồ chiến lược của nhau thì đàm phán Trump-Kim có thể bế tắc. Vấn đề là Mỹ có thể chấp nhận một Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân hay không, và làm thế nào để đảm bảo rằng hai miền Triều Tiên sẽ mãi là đồng minh của Mỹ. Hiện nay, chìa khóa để giải mã ẩn số trong trò chơi phức hợp đó có lẽ đang nằm trong tay ông Moon Jae-in.

Những biến chuyển bất ngờ gần đây trên bán đảo Triều Tiên có thể làm cho phân tích và dự đoán của một số "chuyên gia" thiếu tầm nhìn "phi truyền truyền thống" bị sai lạc và hẫng hụt. Nếu trước đây người ta hay ngộ nhận về Trung Quốc, thì nay người ta càng dễ ngộ nhận và bất ngờ về bàn cờ Triều Tiên. Vì vậy, cần làm rõ những ẩn số và biến số trong trò chơi quyền lực mới để hiểu ván cờ thế liều lĩnh của ông Kim Jong-un. Chắc ông Moon Jae-in đã hiểu rõ ý đồ chiến lược của ông Kim Jong-un nên đã có những bước đi táo bạo có tính đột phá, để tạo ra bước ngoặt lịch sử. Nhưng xét cho cùng, đàm phán cấp cao Liên Triều nhằm đi đến hòa giải và thống nhất hai miền là bước đệm cho đàm phán cấp cao Mỹ-Triều.

Thứ nhất, liên quan đến ý đồ chiến lược của Bình Nhưỡng, có nhiều dấu hiệu chứng tỏ ông Kim Jong-un muốn Triều Tiên thoát Trung và xích lại gần Mỹ, nên sẵn sàng đánh đổi lá bài "phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên" lấy đảm bảo an ninh và lợi ích kinh tế. Nếu đúng vậy, tư duy và hành động của ông Kim Jung-un quả là táo bạo và độc đáo, như chơi một ván cờ thế (gambit), dồn Mỹ vào thế bị động đối phó (như "nuclear blackmail"), buộc phải lựa chọn hòa giải hoặc chiến tranh với Triều Tiên (như một đối thủ hạt nhân). Điều đó chứng tỏ triết lý "vũ khí quyết định" và ý đồ chiến lược của Bình Nhưỡng về cơ bản đã thành công, tạo ra được lợi thế chiến lược để mà cả với Mỹ về an ninh và lợi ích kinh tế. Mỹ buộc phải hòa giải vì nếu chiến tranh nổ ra thì chắc Trung Quốc sẽ trục lợi, và Mỹ sẽ thiệt hại. Vấn đề là ông Kim phải hạ bài đúng lúc để ngã giá có lợi nhất, trước khi quá muộn (vì "già néo đứt dây").

Thứ hai, liên quan đến thời điểm "ngã giá", một số nhà khoa học Trung Quốc nói rằng sự cố sập hầm thử hạt nhân tại núi Mantap (phía Đông-Bắc Triều Tiên) là một nguyên nhân chính làm Bình Nhưỡng phải đột ngột tuyên bố từ bỏ chương trình thử hạt nhân vì nguy cơ rò rỉ phóng xạ, làm cho Trung Quốc lo ngại. Theo nguồn tin trên, trung tâm thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri (trong núi Mantap) không sử dụng được nữa do sập hầm trong núi sau vụ thử hạt nhân lần thứ sáu (tháng 9/2017). Nhưng nguồn tin chính thức của Bình Nhưỡng đã cải chính rằng sự cố đó chỉ làm sập một đường hầm, còn hai đường hầm khác lớn hơn rất vững chắc nên không bị ảnh hưởng (tuy ông Kim đã quyết định từ bỏ chương trình này). Có thể Bắc Kinh tìm cách làm giảm uy tín của Kim Jong-un bằng cách cho các nhà khoa học tiết lộ tin tức về sập hầm ngầm trong núi Mantap, sau khi ông Kim tuyên bố (21/04/2018) sẽ từ bỏ chương trình hạt nhân trước cuộc gặp cấp cao Liên Triều và Mỹ-Triều sắp tới (BBC, 26/04/2018).

Thứ ba, liên quan đến ý đồ chiến lược của Mỹ, liệu Mỹ có thực sự muốn Triều Tiên dừng chương trình thử tên lửa không, hay muốn Triều Tiên cứ tiếp tục thử, để Mỹ lấy cớ triển khai hệ thống tên lửa đánh chặn THAAD tại Hàn Quốc (và Nhật Bản), nhằm tăng cường sức mạnh răn đe chống Trung Quốc (và Nga). Nếu đúng vậy thì Bắc Triều Tiên vô hình trung đang "ngầm giúp Mỹ". Nếu vậy, Triều Tiên phát triển tên lửa và hạt nhân không hẳn để gây chiến với Mỹ, mà chủ yếu nhằm có được vị thế quốc gia hạt nhân để đối thoại với Mỹ. Có người cho rằng ông Trump và ông Kim đã chơi trò "tung hứng" và khẩu chiến để đánh lừa thiên hạ, ngầm giúp Mỹ triển khai hệ thống THAAD để đối phó với Trung Quốc (và Nga). Có lẽ Mỹ muốn hai miền Triều Tiên là đối tác ở mức độ khác nhau (như "một nước, hai chế độ") nhằm gạt ảnh hưởng Trung Quốc, chứ không nhất thiết cần một nước Triều Tiên thống nhất. 

Trò chơi quyền lực mới

Không biết ông Donald Trump và ông Kim Jong-un có khùng hay tâm thần như người ta nói không, nhưng chắc họ không muốn tự sát. Sớm muộn Washington và Bình Nhưỡng phải đàm phán trực tiếp, với vai trò trung gian của Seoul (thay vì Bắc Kinh). Có lẽ vì vậy mà ông Tập Cận Bình và ông Kim Jong-un đã vội gặp nhau tại Bắc Kinh (25-28/3/2018) trước cuộc gặp cấp cao Liên Triều và Mỹ-Triều. Ông Kim tới Bắc Kinh không phải để "trấn an" (reassurance) hay "xích lại gần nhau" (rapprochement) mà là một nước cờ khôn khéo để vừa xoa dịu Bắc Kinh vừa dùng lá bài Trung Quốc làm đối trọng trước khi gặp ông Trump. Khi Bắc Triều Tiên thử bom nguyên tử, chắc người Trung Quốc sống trong tình trạng bất an, nay khi ông Trump sắp gặp ông Kim (mà không do Bắc Kinh dàn xếp) thì chắc ông Tập cũng thấy bất an.

Ông Kim Jong- un đang chơi cả hai lá bài nước lớn là Trung Quốc và Mỹ, biến "Hoàng đế Đỏ" Tập Cận Bình thành một lá bài trong tay mình, nên đây là một trò chơi đầy nguy hiểm. Nếu cuộc gặp cấp cao Mỹ-Triều thành công thì Bình Nhưỡng có thể thoát khỏi sự lệ thuộc và khống chế của Bắc Kinh. Nhưng nếu cuộc gặp thất bại thì Bình Nhưỡng sẽ đối mặt với nguy cơ bị cả Trung Quốc và Mỹ trừng phạt. Vì vậy, Kim Jong-un (the "little rocket man") phải làm thế nào để Donald Trump (the "stable genius") hiểu chính xác lập trường và ý đồ của mình (mà không làm mất lòng Trung Quốc). Đây là một nhiệm vụ "bất khả thi" đối với hai nhà lãnh đạo đầy khiếm khuyết, trừ phi họ được các cố vấn tài ba đàng sau hậu trường giúp.

Vừa qua, ông Kim Jong-un xuất hiện lần đầu trên vũ đài thế giới một cách thành công khá bất ngờ, nhưng không thể thiếu em gái Kim Yo-jong, là cánh tay phải và bộ óc của ông. Hai anh em giống một cặp bài trùng đầy ấn tượng, như ngôi sao đang nổi lên trên bầu trời Đông Á. Từ sau cuộc gặp Pompeo-Kim và cuộc gặp cấp cao Moon-Kim (có nhiệm vụ dọn đường) cuộc gặp cấp cao Trump-Kim sắp tới chắc không còn nhiều rủi ro. Các chuyên gia chắc không còn phải bận tâm lo cho ông Kim bằng lo cho ông Trump, vì tính khí ông này khá thất thường (nên dễ làm sai kịch bản) như một khẩu pháo không có chốt an toàn (loose cannon).

Theo giáo sư David Shambaugh (một chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc), ông Tập Cận Bình và ông Kim Jong-un "không phải là một cặp đôi hạnh phúc" (not a happy couple). Còn theo New York Times (22/04/2018) có nhiều dấu hiệu ông Kim Jong-un muốn giảm ảnh hưởng của Trung Quốc (để "thoát Trung"), trong khi Bắc Kinh lo ngại cuộc gặp cấp cao Liên Triều vừa qua và Mỹ-Triều sắp tới (dự kiến cuối tháng 5/2018) đang gạt Trung Quốc ra khỏi cuộc chơi. Có nhiều lý do khiến ông Trump và ông Kim muốn gặp nhau, để "làm loãng" (dilute) ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên. Trong khi đó, thủ tướng Nhật Shinzo Abe cũng vội vã đến Mar-a-Lago gặp tổng thống Trump (17/04/2018) để tìm cách hóa giải mối lo trước những diễn biến mới, đe dọa lợi ích của Nhật (và cá nhân ông Abe). Theo Patrick Cronin (CNAS-Center for a New American Security) Nhật Bản đang chịu nhiều áp lực, và ông Abe muốn Mỹ đảm bảo chắc chắn là sẽ không bỏ rơi Nhật Bản trong bất kỳ cuộc đàm phán cấp cao nào với Bình Nhưỡng.   

Ông Moon Jae-in nói rằng Seoul "sẽ cố tạo một đường dây đối thoại giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên" mà ông Moon đang đóng vai trò chính làm Bình Nhưỡng và Washington xích lại gần nhau. Theo báo South China Morning Post (Hong Kong) cả Bình Nhưỡng và Seoul đều muốn giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc trên bán đảo Triều Tiên. Bằng cách dàn xếp để ông Kim Jong-un gặp ông Donald Trump, ông Moon Jae-in đang giúp Bình Nhưỡng thoát dần khỏi vòng ảnh hưởng của Bắc Kinh. Nếu ông Kim Jong-un và ông Moon Jae-in thực hiện được điều này, không những vận mệnh của Triều Tiên và bàn cờ địa chính trị tại khu vực Đông Bắc Á sẽ có cơ hội thay đổi, mà còn có thể tác động tới cả khu vực Đông Nam Á.

Theo New York Times (22/04/2018), Trung Quốc đang bị gạt ra rìa nên rất lo ngại về cuộc gặp cấp cao Mỹ-Triều. Bắc Kinh sợ kết cục có thể là Bắc Triều Tiên hoặc một nước Triều Tiên thống nhất dựa vào Mỹ, trong khi mình bị gạt ra khỏi tâm điểm bàn cờ. Bắc Kinh lo ngại ý đồ của Kim Jong-un muốn kết nối với hai kẻ thù cũ là Hàn Quốc và Mỹ. Tập Cận Bình buộc phải tính đến các kịch bản xấu nhất, khi Trung Quốc không còn vai trò thiết yếu trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là trong khuôn khổ khu vực Đông Bắc Á. Trong khi Kim Jong-un quyết định ngừng thử tên lửa và hạt nhân, thì Moon Jae-in muốn từng bước tiến đến thống nhất hai miền Triều Tiên. Nếu ông có thể đạo diễn được một cuộc chơi lớn giữa Kim Jong-un và Donald Trump, dưới hình thức đánh đổi phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên lấy bình thường hóa quan hệ hai nước, thì cục diện địa chiến lược tại vùng Đông Á sẽ có biến đổi lớn. 

Lời cuối

Những biến chuyển lịch sử tại bàn cờ Triều Tiên đang hóa giải dần lo ngại của Việt Nam (và ASEAN) là Mỹ có thể bỏ rơi họ hay đánh đổi lợi ích lâu dài tại Biển Đông lấy lợi ích trước mắt tại Triều Tiên, nếu cuộc khủng hoảng hạt nhân tiếp tục. Vì vậy, nếu tháo được ngòi cuộc khủng hoảng Triều Tiên, thì có hy vọng hóa giải được thùng thuốc súng tại Biển Đông, vì an ninh của hai khu vực này liên quan đến nhau, nhất là trong bối cảnh Mỹ đang triển khai chiến lược mới (NDS) tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Một khi vai trò và ảnh hưởng của Trung Quốc có nguy cơ suy giảm tại bàn cờ Triều Tiên, nó có thể đem lại cơ hội mới cũng như thách thức mới cho bàn cờ Biển Đông. Tuy Trung Quốc không dễ dàng chịu lép vế trong ván cờ Triều Tiên, nhưng chắc họ sẽ phải rút kinh nghiệm để không lặp lại kịch bản xấu tại Biển Đông, nơi Trung Quốc có lợi thế so với Mỹ. Xét cho cùng, bàn cờ địa chính trị tại Biển Đông có thể còn quan trọng hơn cả bàn cờ Triều Tiên, nhất là đối với xung đột lợi ích chiến lược Trung-Mỹ.  

Việt Nam (và một số nước khác) đã tỏ thiện chí muốn đăng cai địa điểm gặp cấp cao Mỹ-Triều (trong 3-4 tuần nữa) tuy có nhiều khả năng cuộc gặp sẽ diễn ra tại Bàn Môn Điếm. Dù Việt Nam có một số kinh nghiệm về hòa giải và thống nhất đất nước mà hai miền Triều Tiên có thể tham khảo, nhưng đáng tiếc hầu hết đều là kinh nghiệm tiêu cực. Đến nay, tuy Việt Nam đã thống nhất, nhưng người Việt vẫn chưa thực sự hòa giải. Không nên quá bi quan, nhưng cũng đừng quá lạc quan về triển vọng hòa bình và thống nhất.

Có lẽ người Triều Tiên cần học hỏi người Đức (về hòa giải và thống nhất). Biết đâu, trong một tương lai không xa, người Việt phải học hỏi người Triều Tiên, vì người đi sau có thể vượt người đi trước, nếu không lầm đường lạc lối.

Lão Tử đã nói "Con đường vạn dậm bắt đầu bằng một bước chân".

Nguyễn Quang Dy

Nguồn : viet-studies, 04/05/2018

Quay lại trang chủ
Read 814 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)