Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam không chỉ giới hạn trên biển với những va chạm xung quan việc đánh cá, khoan dầu, mà nó còn mở rộng vào phòng làm việc của các học giả hai bên.

bien1

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) và Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh, tại một cuộc họp báo ở Hà Nội, ngày 1/4/2018. AFP

Người ta biết gì về học giả Trung Quốc nghiên cứu Biển Đông và quan hệ Việt Trung ?

Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, Trưởng Khoa quan hệ quốc tế tại Đại học Khoa học xã hội nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh trình bày vấn đề này.

Ông Nguyễn Thành Trung có bằng Tiến sĩ quan hệ quốc tế tại Đại học Virginia, Hoa Kỳ, và cũng là cựu sinh viên Đại học Phúc Đán, ở Thượng Hải. Ông thông thạo tiếng Trung Quốc và có quan hệ nhiều với giới học giả nước này.

Nguyễn Thành Trung : Theo tôi được biết thì giới học giả nghiên cứu về quan hệ Việt Trung hiện nay cũng không có nhiều, bởi vì đa số học giả Trung Quốc vẫn tập trung vào các mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ, Trung Quốc Nhật Bản, Trung Quốc với Nga hay là EU (Cộng đồng Châu Âu), đó là các mối quan tâm chính của các học giả Trung Quốc. Nhưng bên cạnh đó cũng có một số ít nghiên cứu nhiều về mối quan hệ Việt Trung và tình hình Biển Đông.

Về mối quan hệ Việt Trung thì đa số lạc quan, có nghĩa là họ hy vọng về sự tốt dần lên của mối quan hệ hai nước. Nhưng đối với vấn đề Biển Đông thì họ đều giữ một quan điểm, cũng không lạ, là nhất quán với quan điểm của Chính phủ Trung Quốc, tức là Biển Đông thuộc chủ quyền của họ. Và họ cố gắng tiến hành các tranh luận khoa học để cố gắng chứng minh quan điểm của Trung Quốc về Biển Đông.

Kính Hòa : Nếu chúng ta đứng ở một góc nhìn của phương Tây, Mỹ hay Châu Âu, khi nói về các quan hệ quốc tế, chúng ta hay phân chia những quan điểm như là diều hâu, hay bồ câu, vậy giới học giả Trung Quốc có thế không khi nhìn quan hệ Việt Trung và Biển Đông ?

Nguyễn Thành Trung : Theo tôi biết thì phần lớn học giả Trung Quốc, khi họ ở Trung Quốc thì họ vẫn phải chịu ảnh hưởng của Chính quyền Trung Quốc. Tất nhiên là cũng có một số ủng hộ việc Trung Quốc giải quyết chuyện Biển Đông bằng con đường luật pháp quốc tế. Số này lại không nhiều.

Kính Hòa : Sự nghiên cứu về Biển Đông của họ trong thời gian vừa qua để đưa ra những chứng liệu gọi là lịch sử, có tiến triển nào hay không ?

Nguyễn Thành Trung : Hiện tại họ sử dụng tranh luận là nhiều hơn là các chứng cứ lịch sử. Tôi thấy một khuynh hướng hiện nay ở Trung Quốc là họ cũng không chú trọng những chứng cứ lịch sử để ủng hộ vị thế của họ ở Biển Đông, mà họ sử dụng các học giả Trung Quốc học ở nước ngoài cũng như những học giả tại Đại lục, các giáo sư chuyên nghiên cứu về luật, các giáo sư chuyên nghiên cứu về quan hệ quốc tế, chính trị quốc tế, thậm chí họ mời cả những giáo sư nước ngoài tới làm việc ở những viện nghiên cứu của họ ở khu vực phía Nam Trung Quốc để tạo ra một sự tranh luận, để chứng minh rằng Biển Đông là một vùng lãnh hải của Trung Quốc. Chúng ta cũng biết có một ông nổi tiếng người Mỹ là Mark Valencia, ông này ủng hộ quan điểm của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông.

Kính Hòa : Chúng ta có thể kể một số học giả Trung Quốc nghiên cứu về Biển Đông và quan hệ Việt Trung ?

Nguyễn Thành Trung : Về quan hệ Việt Trung, ở khu vực Quảng Tây có một ông chuyên nghiên cứu về mậu dịch biên giới Việt Nam Trung Quốc là ông Cổ Tiểu Tùng, và các ông Trâu Khắc Nguyên, Ngô Sĩ Tồn, Trương Kiệt, Chu Hoa Hữu, bà Nông Hồng. Đó là một số vị chuyên nghiên cứu về Biển Đông người Trung Quốc.

Kính Hòa : Những trung tâm nghiên cứu Biển Đông, Việt Nam, quan hệ Việt Trung thì tập trung ở khu vực nào, đại học nào ?

Nguyễn Thành Trung : Nằm ở khu vực tỉnh Quảng Tây. Có một trung tâm nghiên cứu về Biển Đông mà Trung Quốc gọi là Biển Hoa Nam, đặt tại Đảo Hải Nam. Thậm chí là Trung Quốc còn thành lập một trung tâm nghiên cứu về Trung Quốc mà trước đây báo chí Mỹ nói rất nhiều, đặt tại Virginia, Mỹ, do bà Nông Hồng làm giám đốc trung tâm. Đây là cái cách mà Trung Quốc gây sức ép, gây ảnh hưởng lên giới học giả của Mỹ, ngay tại nước Mỹ.

Kính Hòa : Đối với giới học giả Việt Nam nghiên cứu về Biển Đông, quan hệ Việt Trung, thì ông nghĩ rằng có cách quan hệ như thế nào, tranh luận như thế nào với học giả Trung Quốc ?

Nguyễn Thành Trung : Đối với giới học giả Việt Nam, mặc dù đã có một số học giả trẻ, có khả năng về ngoại ngữ, nhưng so với Trung Quốc thì vẫn còn ít, chưa kể là chúng ta không có kinh phí để thực hiện những nghiên cứu của chúng ta, vì vậy chúng ta cũng khó mời được các học giả nước ngoài, nghiên cứu cùng chúng ta để nghiên cứu về Biển Đông, cũng như là tranh thủ sự ủng hộ của họ về chủ quyền của ta ở Biển Đông. Nhân vật lực, tất cả mọi thứ, chúng ta thua sút rất nhiều so với Trung Quốc. Chính phủ nên xem vấn đề này để tạo nên sự chuyển biến mới trong thời gian tới. Số lượng học giả Trung Quốc ở nước ngoài ngày càng đông đảo hơn, cả về luật quốc tế, chính trị quốc tế, quan hệ quốc tế, họ đang tạo ra một bình diện mới về tranh luận học thuật về chủ quyền Biển Đông.

Kính Hòa : Đa số học giả Trung Quốc nhìn quan hệ Việt Trung với cái nhìn tích cực, lý do nào để họ dựa vào đó mà cho rằng quan hệ này sẽ tích cực, mà họ không thấy rằng vấn đề Biển Đông sẽ là một trở ngại cho quan hệ này hay sao ?

Nguyễn Thành Trung : Họ cũng biết vấn đề Biển Đông là một trở ngại cho mối quan hệ, họ nghĩ rằng là kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao từ năm 1991 đến nay, Việt Nam và Trung Quốc đã thiết lập được điều gọi là thể chế hóa rất nhiều kênh, về mặt ngoại giao. Có nghĩa là giữa hai nước có nhiều kênh liên lạc với nhau nhiều hơn. Không chỉ về mặt đảng mà còn về mặt chính quyền. Các bộ cũng có sự kết nối với nhau, nhiều kênh liên lạc hơn. Mỗi năm đều có hội đàm cấp cao giữa hai chính phủ, một là Việt Nam sang thăm Trung Quốc, hay Trung Quốc sang Việt Nam. Việc này tạo kênh liên lạc thường xuyên giữa hai nước, có thể tránh được những rủi ro hay sự leo thang không đáng có giữa hai bên.

Các học giả Trung Quốc đều hiểu rằng vấn đề Biển Đông không thể giải quyết trong một sớm một chiều, nhưng họ tin rằng là chính quyền hai quốc gia biết cách để tránh, để các vấn đề này không ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai quốc gia.

Kính Hòa

Nguồn : RFA, 24/04/2018

Published in Diễn đàn

Việt Nam ngày càng chủ động hơn trong quan hệ ngoại giao với Mỹ.

Đó là quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, Trưởng Khoa Quan hệ quốc tế tại Đại học Khoa học xã hội & nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh. Quan điểm này được ông trình bày trong bài viết mới đây trên trang CSIS, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế có trụ sở tại Mỹ. Bài viết mang tựa đề The Art of Staying Relevant, Vietnam-US Engagement at APEC 2017.

ngoaigiao1

Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang, và vợ ông, Bà Nguyễn Thị Hiền, chuẩn bị dự APEC 2017, Đà Nẵng. 10/11/2017. AFP

Sau đây là trao đổi của Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung với Kính Hòa về quan điểm này của ông, một ngày trước khi APEC 2017 khai mạc tại Đà Nẵng.

Nguyễn Thành Trung : Việt Nam là một chủ thể quan trọng trong quan hệ quốc tế trong khu vực. Một khi đã xác định như thế, mình không phải là một nước nhỏ, thì Việt Nam nên chủ động trong các chính sách đối ngoại của mình. Cụ thể là Việt Nam phải chủ động trong những biện pháp dùng để can dự với những nước lớn. Ví dụ như với nước Mỹ thì mình chủ động can dự với Mỹ nhiều hơn trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Việt Nam cần thể hiện mình nhiều hơn nữa trong chính trường thế giới đang có rất nhiều biến động hiện nay.

Kính Hòa : Quan điểm đó của ông có phải là được chứng minh bằng hoạt động đối ngoại của Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong một năm qua ?

Nguyễn Thành Trung : Đúng như vậy. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là Thủ tướng đầu tiên của các quốc gia Đông Nam Á thăm nước Mỹ trong năm 2017. Nhìn lại thì Việt Nam đã làm nhiều cách để mời ông Trump thăm chính thức Việt Nam trong tháng 11 này. Ông ấy cũng là Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống.

Kính Hòa : Có thể nói gì về cách tiếp cận đó của Việt Nam với Mỹ, và cách giao hảo hiện nay của Việt Nam với Trung Quốc ?

Nguyễn Thành Trung : Nếu so mối quan hệ Việt Nam Mỹ, với quan hệ Việt Nam Trung Quốc, thì Việt Nam đã chủ động hơn rất nhiều trong quan hệ với Mỹ. Còn mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc là một mối quan hệ truyền thống, kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao từ năm 1991. Mối quan hệ Việt Nam Trung Quốc có rất nhiều kênh, kênh đảng, kênh chính quyền,… Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ chậm hơn, vào năm 1995, sau đó thì quan hệ chính trị phát triển chậm, trong khi quan hệ thương mại thì phát triển nhanh. Cho đến gần đây Tổng Thống Obama dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng hiện nay Việt Nam đã chủ động hơn với Mỹ. Còn với Trung Quốc thì Việt Nam đã có một quan hệ truyền thống với cơ chế song phương, mà tôi cho là hết sức sâu sắc và toàn diện, mặc dù còn nhiều điểm Việt Nam và Trung Quốc cần phải đẩy mạnh hơn nữa mặc dù về mặc cơ chế thì nó đã có cơ chế rõ ràng, trong khi với Mỹ thì cơ chế này chỉ đang được đẩy mạnh vào chiều sâu hơn.

Kính Hòa : Ông có nghĩ rằng chuyến đi sắp tới của Tổng thống Donald Trump tới Hà Nội, tới Đà Nẵng, có mag đến tiến triển nào nữa không trong quan hệ Việt Mỹ ?

Nguyễn Thành Trung : Tôi nghĩ rằng một tiến triển vượt bực thì tôi không cho là có, nhưng nó mang nhiều ý nghĩa biểu tượng của ngoại giao Việt Nam.

Quan sát ông Trump ở Nhật Bản, Hàn Quốc, hay Trung Quốc thì chúng ta thấy ông ấy tập trung vào thương mại, dĩ nhiên cũng có vấn đề an ninh nhưng chỉ là thứ yếu, so với điều mà ông ấy hứa với cử tri là tạo công ăn việc làm cho người Mỹ, tạo dựng thương mại công bằng hơn, cắt giảm thâm hụt mậu dịch. Đó cũng là cơ hội của Việt Nam để chứng tỏ rằng mình muốn kết nối sâu hơn với nước Mỹ, bằng cách là Việt Nam sẽ mua nhiều hàng Mỹ hơn, tìm cách cho hàng Mỹ xuất hiện nhiều ở Việt Nam hơn.

Kính Hòa : Trong bài viết của ông có nói rằng Việt Nam đã nói cái ngôn ngữ của ông Trump, đưa cho ông ấy cái gì ông ấy muốn, nhưng mà người Trung Quốc họ dường như họ cũng làm như vậy, thành ra so với sức nặng của Trung Quốc thì Việt Nam vẫn yếu thế hơn ?

Nguyễn Thành Trung : Chúng ta không thể nào so sánh chúng ta được với Trung Quốc. Khi ông Trump tới Trung Quốc thì hai nước đã ký một khoản làm ăn trị giá đến 250 tỉ đô la. Nhìn lại khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Mỹ thì đã ký kết trị giá 8 tỉ đô la hàng hóa Việt Nam sẽ mua của Mỹ. Tôi không biết tới đây ở Hà Nội, Việt Nam sẽ ký mua bao nhiêu, nhưng không so được với Trung Quốc. Mỹ cũng hiểu điều đó, và thâm thụt mậu dịch giữa Mỹ với Trung Quốc và với Việt Nam cũng là những con số khác nhau. Trung Quốc là 300 tỉ đô la, Việt Nam chỉ có ba mươi mấy tỉ đô la. Việt Nam cũng có vị thế của mình, và ông Trump cũng sẽ hiểu vai trò của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, mà nếu xét rộng hơn thì Việt Nam là quốc gia duy nhất có kinh nghiệm đối xử với Trung Quốc, không chỉ hiện nay, mà còn là cả ngàn năm nay.

Kính Hòa : Trước đây vài ngày có tin nói Trung Quốc và Việt Nam đã đạt được cách giải quyết những bất đồng trên Biển Đông. Ông đánh giá tin này như thế nào ?

Nguyễn Thành Trung : Quan điểm của tôi là chào đón những gì đạt được mang tính khung, trong quan hệ giữa hai quốc gia. Nhưng tôi cũng lo ngại rằng đó cũng chỉ là những cái khung, cái quan trọng hơn là cái cơ chế để thực hiện dựa trên những cái khung đó. Chúng ta thấy là Việt Nam đã có những hiệp định khung với Trung Quốc để giải quyết những vấn đề trên biển, và tôi nghĩ rằng từ từ nó sẽ tốt hơn.

Nhưng tôi e ngại là việc này còn tốn bao nhiêu thời gian nữa để đi sâu vào vấn đề chủ quyền trên Biển Đông. Hiện Việt Nam và Trung Quốc chỉ có những thỏa thuận về môi trường, an toàn hàng hải ở khu vực xung quanh Vịnh Bắc bộ, còn những khu vực khác chưa được tiến triển.

Kính Hòa : Xin cám ơn ông.

Kính Hòa thực hiện

Nguồn : RFA, 10/11/2017

Published in Diễn đàn