Les lois sont des toiles d’araignées à travers lesquelles passent les grosses mouches et où restent les petites.
(Luật là những mạng lưới nhện qua đó những con ruồi lớn thoát khỏi và những con ruồi nhỏ bị giữ lại).
Honoré de Balzac
Balzac qua đời năm 1850. Từ đó đến nay cả đống nước sông, nước suối (cùng với nước mưa, nước mắt) đã ào ạt chẩy qua cầu và qua cống. Theo thời gian, loài người mỗi lúc một thêm tiến bộ và văn minh hơn. Luật pháp – nói chung – cũng vậy, cũng được cải thiện dần dần, nghiêm minh và đàng hoàng hơn thấy rõ. Ruồi lớn, giờ đây, cũng bị vướng vòng lao lý đều đều.
Ông Nguyễn Văn Túc không giữ im lặng mà bật tiếng chửi thề
Cả Tổng Thống Đài Loan (Trần Thủy Biển) lẫn Tổng Thống Nam Hàn (Park Geun-hye) đều bị ngồi tù chỉ vì lem nhem về tiền bạc. Mới đây, ngày 20 tháng 09 năm 2018, cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak cũng vừa phải vác chiếu hầu tòa vì tội biển thủ công qũi.
Nhân loại – tất nhiên – không phải lúc nào cũng vui vẻ nắm tay nhau, hướng về phía trước, và cùng đồng nhịp tiến bước. Ở Zimbabwe, Tổng thống Robert Mugabe (một con ruồi lớn) vừa thoát lưới dễ dàng vì luật pháp ở xứ sở này – xem ra – có hơi xộc xệch.
Nói vậy rất dễ gây ngộ nhận là (dường như) luật pháp tại Á Châu tiến bộ hơn ở Phi Châu chăng ?
Chưa chắc hơn đâu !
Việt Nam thuộc Đông Nam Á, và hệ thống pháp luật của quốc gia này, rõ ràng, đang có khuynh hướng thụt lùi. Cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hạ cánh an toàn, không một phiên tòa hay ngày tù tội gì ráo trọi, dù ông được công luận ghi nhận là một nhân vật "đầy tì vết tham nhũng" và "phá chưa từng có !".
Ngành tư pháp của đất nước Zimbabwe hình thành và lùi/tiến ra sao, nói thiệt, tui hoàn toàn mù tịt nên không dám lạm bàn. Còn ở Việt Nam của mình thì tui có biết (sơ) nên xin phép được nói qua chút xíu, nghe chơi, để rộng đường dư luận.
Đại Học Đông Dương khai giảng lần đầu vào năm 1907. Tác giả Trần Thị Phương Hoa (Institute for European Studies) cho biết thêm :
"Lần khai giảng thứ hai năm 1917 mở ra một hình thức mới cho trường - đó là mô hình bách khoa với nhiều trường kỹ thuật. Giai đoạn thứ ba từ 1932 đến 1945 khẳng định diện mạo của trường với ba thành tố : trường Y, trường Luật và trường Khoa học.
Mặc dù trường đại học hạn chế số lượng thành viên, uy tín chuyên môn của Đại học Đông Dương tăng dần. Kể từ năm 1932, trường Y và trường Luật trở thành một phân hiệu của trường Y và Luật Paris".
Không chỉ muộn màng, ngành luật học ở Việt Nam còn gặp rất nhiều trắc trở :
"Ngày 17/11/1950, Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 158-SL, quyết định việc bổ sung cán bộ công nông vào ngạch thẩm phán và thăng bổ các thẩm phán tòa án nhân dân huyện lên tòa án nhân dân tỉnh…Từ đây, theo ông Vũ Đình Hòe: ‘các thẩm phán huyện, đa số là đảng viên cộng sản, chỉ qua lớp chính trị và nghiệp vụ’. Quan điểm lựa chọn thẩm phán chủ yếu ‘đứng trên lập trường nhân dân’ của Hồ Chí Minh đã ảnh hưởng lâu dài đến nền tư pháp Việt Nam".
(Huy Đức, Bên Thắng Cuộc, tập II, OsinBook, USA, 2012).
Muốn biết "quan điểm lựa chọn thẩm phán ‘chủ yếu là đảng viên cộng sản’ và ‘đứng trên lập trường nhân dân’ của Hồ Chí Minh đã ảnh hưởng lâu dài đến nền tư pháp Việt Nam" ra sao, xin đọc qua một mẩu đối thoại (giữa quan tòa và bị cáo) trong phiên tòa xử Phan Thắng Toán và những người đồng vụ – vào năm 1971 – do nhạc sĩ Tô Hải ghi lại :
Chánh án : Anh có nhận là đã đánh nhạc của tư sản, là đồi truỵ không?
Toán xồm : Dạ ! Thưa quý tòa, con chỉ đánh những gì in trên đĩa của Liên Xô, của Tiệp Khắc, của Cộng Hòa Dân Chủ Đức thôi ạ !
Chánh án : Anh nói láo ! Thế Paloma, Santa Lucia là của ai ?
Toán Xồm : Dạ ! Paloma là của nước bạn Cuba ạ ! Còn Santa Lucia là dân ca Ý ạ ! Nhà xuất bản của nhà nước đã in và sân khấu nhà nước đã có nhiều ca sĩ biểu diễn ạ !
Chánh án : Vậy anh có biết cha cha cha là cái gì không ?
Toán Xồm : Dạ ! Có ạ ! Đây là một nhịp điệu xuất xứ cũng tại nước bạn Cuba ạ !
Chánh án : Thế còn Tango bleu chắc anh cũng đổ cho Cuba hết hả ?
Toán xồm : Dạ không ! Tango là một điệu nhảy Ác-giăng-tin nhưng đã được quốc tế hóa. Vừa giờ Đoàn xiếc Tiệp Khắc sang ta và các nước xã hội chủ nghĩa đều sử dụng cả ạ !
Chánh án : Nhưng người ta đánh khác, còn anh đánh khác. Đừng có ngụy biện !
Toán Xồm : Dạ ! Đánh y hệt ạ ! Chỉ có thua họ về nhạc cụ họ tốt hơn… chứ nếu chúng con có đầy đủ nhạc cụ như họ thì chúng con chẳng thua gì họ cả ạ !
Chánh án : Anh hãy im miệng ! Đồ ngoan cố !
Và cứ như vậy, suốt phiên tòa Chánh án chỉ sử dụng câu "Im miệng ! Đồ ngoan cố" để cắt lời người bị buộc tội. Không hề có ai bào chữa.
Cuối cùng, tòa luận án và tuyên án :
"Việc làm của bọn này đã gây ảnh hưởng xấu cho phong trào trật tự trị an, phá hoại việc thực hiện một số chính sách của Nhà nước, nhất là chính sách lao động sản xuất, chính sách nghĩa vụ quân sự… xâm phạm nghiêm trọng đến hạnh phúc, phẩm giá của phụ nữ, đến đạo đức và đời sống của nhiều người, và tuyên truyền xuyên tạc lại chế độ xã hội chủ nghĩa trong lúc cả nước đang chiến đấu chống Mỹ xâm lược.
Do tính chất nghiêm trọng của vụ án nói trên, tòa quyết định xử phạt Phan Thắng Toán 15 năm tù giam và sau đó 5 năm bị tước quyền công dân ; Nguyễn Văn Đắc, 12 năm tù giam và sau đó 5 năm bị tước quyền công dân ; Nguyễn Văn Lộc 10 năm tù giam và 4 năm bị tước quyền công dân…"
("Phan Thắng Toán và đồng bọn đã bị xét xử", báo Hà Nội Mới 12/01/1971).
Với truyền thống ban phát án tù vô tội vạ như trên của nền tư pháp công nông (hóa) ở Việt Nam, nên không có gì ngạc nhiên khi ông Lê Đình Lượng đã bị kết án đến 20 năm tù – vào ngày 16 tháng 8 vừa qua – chỉ vì "có nhiều bài viết với nội dung tuyên truyền, kích động, xuyên tạc, phỉ báng chủ trương, đường lối của Đảng".
Luật sư Đặng Đình Mạnh còn cho BBC tiếng Việt biết thêm là "ông Lượng giữ quyền im lặng suốt phiên tòa, nên bị đánh giá là ngoan cố".
Hơn ba tuần sau, vào hôm 14 tháng 9 năm 2018 – tại một phiên tòa khác – ông Nguyễn Văn Túc bị kết tội "tổ chức phản động, hoạt động trái pháp luật, nhằm âm mưu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lật đổ chính quyền nhân dân, thay đổi thể chế chính trị".
Tôi, bị đem ra xử, cũng nói : "Địt mẹ tòa !"
Ông Nguyễn Văn Túc không giữ im lặng mà bật tiếng chửi thề.
Khác với ông Lê Đình Lượng, ông Nguyễn Văn Túc không giữ im lặng mà bật tiếng chửi thề. Sự kiện này khiến nhà thơ Thái Bá Tân đã buông đôi câu cảm thán :
Hôm qua xử phúc thẩm
Y án mười ba năm
Với anh Nguyễn Văn Túc
Một tù nhân lương tâm.
Anh chấp nhận bản án,
Không van xin, kêu ca.
Nghe nói chỉ nhếch mép
Và chửi : "Địt mẹ tòa !"
FB Bùi Thị Minh Hằng bình phẩm : "Chắc chắn câu chửi thề này sẽ trở thành ‘dấu ấn ô nhục’ cho nền tư pháp cộng sản".
Tôi thì nghĩ hơi khác, câu chửi thề này không phải là dấu ấn, mà là dấu chấm (hết) cho hệ thống tư pháp công nông mù lòa và thô bạo của thể chế hiện hành. Từ nay, vẫn theo lời Thái Bá Tân :
Đừng nhắc đến công lý
Với tòa án nước ta.
Tôi, bị đem ra xử,
Cũng nói : "Địt mẹ tòa !"
Ai cũng đều nói thế cả thì kể như xong phim !
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 03/10/2048 (tuongnangtien's blog)
Phúc thẩm Nguyễn Văn Túc : ‘Bản lĩnh, không xin xỏ’ (BBC, 18/09/2018)
Phiên tòa phúc thẩm tại Hà Nội hôm 14/9 tuyên y án sơ thẩm 13 năm tù giam, 5 năm quản chế cho bị cáo Nguyễn Văn Túc, vì tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo điều 79, của Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Túc trước tòa tại phiên xử phúc thẩm hôm 14/9
Một số tổ chức nước ngoài như Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) gọi ông Túc là nhà hoạt động nhân quyền, kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ông.
Theo luật sư bào chữa Ngô Anh Tuấn, trong phần nói lời cuối cùng tại phiên tòa phúc thẩm vụ án xét xử mình, ông Nguyễn Văn Túc ngẫu hứng biến tấu bài thơ của Hồ Xuân Hương "Khóc ông Phủ Vĩnh Tường" :
"Cán cân công lý rơi đâu mất
Miệng túi càn khôn thắt chặt rồi"
Ông Túc là một người "rất bản lĩnh", luật sư Ngô Anh Tuấn nói. "Đây là bản án thái độ, tức thái độ của bị cáo sẽ đồng hành với bản án của họ".
Có một số tình tiết như thân nhân, bệnh tật cũng như việc ông Túc từng đi bộ đội có thể giúp làm giảm nhẹ bản án nhưng ông Túc đã dặn luật sư "không xin xỏ hay nhắc đến gia cảnh".
Luật sư Ngô Anh Tuấn cho biết, phiên tòa phúc thẩm diễn ra nhưng hạn chế phần tự bào chữa của bị cáo và tranh luận, đối đáp giữa bên viện kiểm sát và luật sư đã bị tòa cắt ngang.
Điều này khiến ông Túc và vợ và con gái có mặt tại phiên tòa rất tức giận, bật miệng chửi thề trước tòa.
Trong lời nói cuối cùng tại phiên tòa, ông Túc nói :
"Tôi đấu tranh cho sự tiến bộ xã hội, tôi mong muốn xã hội vận động theo hướng tích cực. Tôi không muốn lặp lại những sai lầm mà Đảng Cộng sản đã mắc phải để gây nên hận thù dân tộc kéo dài và nhiều mâu thuẫn không giải quyết được".
"Tôi đấu tranh và tôi chấp nhận hậu quả để mong rằng lớp con cháu sau này nhận ra sai lầm của Đảng Cộng sản để thay đổi. Tôi không vô cảm".
Ông Nguyễn Văn Túc là ai ?
Ông Túc từng ngồi tù bốn năm, từ 2008-2012, và ba năm quản chế vì tội "Tuyên truyền chống phá nhà nước". Ông bị xử cùng với ông Phạm Văn Trội.
Sau khi ra tù, ông Túc vẫn tiếp tục các hoạt động khiếu kiện đất đai, đòi hỏi quyền lợi cho người dân.
Theo lời kể của bà Rề, ông từng đi bộ đội bốn năm ở Campuchia và "được tặng bằng khen".
Ông Túc từng đi tù 4 năm vì tội "Tuyên truyền chống phá nhà nước" hồi 2008
Ông Túc bắt đầu thực sự "dấn thân" vào con đường đấu tranh khiếu kiện khi ruộng vườn 4 sào của ông bị đòi bán với giá rẻ mạt, gia đình bị xã hội đen uy hiếp hồi 2007.
Bà Rề kể ông Túc bị bắt giữ ngày 1/9/2017 sau khi lên Ủy ban nhân dân huyện để làm việc về một khiếu kiện bồi thường đất đai cho người dân. Khi đang trở về nhà thì ông đột ngột bị bắt giữ, "quăng lên xe".
Bà Rề cho biết ông Túc hiện đang bị bệnh tật rất nặng, như bệnh trĩ và tim mạch mãn tính, viêm giác mạc mãn tính, vai ông vẫn còn đau nhức từ lần bị bắt giữ vào năm ngoái.
"Bình thường ở nhà ông ấy [tiết kiệm] lắm. Ông ấy nói ông ấy ăn uống khổ nó quen rồi. Tôi chỉ thương ông ấy bệnh tật chứ tinh thần ông ấy minh mẫn lắm, việc nào ông ấy cũng nhớ, tại tòa ông ấy đọc vanh vách".
Bà Rề hy vọng ông Túc được giam giữ trong trại giam gần nhà để dễ dàng thăm nuôi, đưa thuốc cho ông.
Báo chí Việt Nam viết gì về ông Túc ?
Theo Thông tấn xã Việt Nam, ông Túc bắt đầu tham gia khiếu kiện từ 1997, với hoạt động "tính cố chấp, kéo dài nên đã bị các đối tượng phản động trong, ngoài nước lôi kéo, kích động, mua chuộc. Túc chuyển sang bất mãn chế độ".
Ông Túc từng tham gia khiếu kiện đất đai, chăng biểu ngữ đòi giữ vẹn toàn biển đảo và đa nguyên chính trị. Ông cũng viết nhiều bài được cho là 'chống đối'
Từ 2006, ông Túc "bị các đối tượng phản động vận động tham gia" các tổ chức như Đảng Dân chủ 21, Hội dân oan, Khối 8406….
Báo chí trong nước cho rằng ông Túc đã được "hỗ trợ vật chất, khích lệ tinh thần để tập hợp những đối tượng khiếu kiện cố chấp, có tư tưởng bất mãn, chán ghét chế độ, tiến hành các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước".
Sau khi mãn hạn tù hồi 2012, ông Túc "tiếp tục hoạt động chống đối".
Ông Túc đã "công khai thái độ chống đối, coi thường pháp luật, núp danh nghĩa tuyên bố sẽ đấu tranh vì 'dân chủ, nhân quyền' để chống Đảng, chế độ".
Ông "thường xuyên sử dụng mạng internet, liên lạc, hội luận, đăng tải các tài liệu có nội dung xấu, nhiều lần vi phạm án phạt quản chế tự đi khỏi địa phương, gặp gỡ các đối tượng chống đối chính trị và tham gia biểu tình ở Hà Nội".
Tại phiên tòa phúc thẩm, Thông tấn xã ghi, ông Túc "vẫn tỏ thái độ chống đối và kháng cáo toàn bộ bản án".
*****************
Hà Nội : Bảy người chết sau lễ hội âm nhạc (BBC, 17/09/2018)
Giới chức Hà Nội "tạm dừng cấp phép" tổ chức lễ hội âm nhạc sau vụ bảy thanh niên chết "nghi dương tính với ma túy" trong đêm 17/9 ở Công viên nước Hồ Tây.
Lễ hội âm nhạc điện tử "Du hành tới mặt trăng" tại Công viên nước Hồ Tây đêm 16/9
Tin cho hay bảy thanh niên chết "nghi dương tính với ma túy", nhiều người khác phải cấp cứu sau lễ hội âm nhạc ở Công viên nước Hồ Tây diễn ra vào đêm 16/9.
Lễ hội âm nhạc điện tử "Du hành tới mặt trăng" (Trip To The Moon) được quảng bá là sự kiện nằm trong khuôn khổ Tuần lễ âm nhạc điện tử 2018 - Vietnam Electronic Weekend (VEW) năm thứ ba liên tiếp. Vé dự sự kiện này được bán với giá 650.000 từ hai tháng trước.
Sự kiện do Công ty trách nhiệm hữu hạn Kết nối Châu Á tổ chức, với sự tham dự của bốn DJ nước ngoài.
Theo báo Người Lao Động, lượng người tham dự sự kiện này được Sở Văn hóa -Thể thao Hà Nội cấp phép tổ chức lên đến 5.000 người.
Báo Zing dẫn lời một bạn trẻ dự sự kiện nói "ngửi và phát hiện thấy nhiều người sử dụng chất kích thích" và trong khuôn viên sân khấu có những người bày bán "bóng cười".
Trong buổi họp báo được tường thuật trực tuyến trên mạng xã hội vào chiều 17/9 từ trụ sở Công an thành phố Hà Nội, ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở Văn hóa thể thao và du lịch Hà Nội nói : "Công ty Kết nối Châu Á từng tổ chức tốt đẹp nhiều lễ hội âm nhạc điện tử được cấp phép".
"Công ty này chưa từng bị xử lý vi phạm trước sự cố hôm 16/9".
"Về lễ hội đêm 16/9, toàn bộ các quy trình xin, cấp giấy phép đều đúng theo quy định của pháp luật".
"Sau vụ này, Hà Nội sẽ tạm dừng cấp phép tổ chức các lễ hội âm nhạc tương tự".
"Khi có kết luận của cơ quan điều tra thì chúng tôi mới xem xét và phối hợp thật chặt hơn nữa với cơ quan chức năng là chính quyền địa phương và Công an Hà Nội để đảm bảo an ninh trật tự".
Bệnh viện E Hà Nội là nơi hiện có ba nạn nhân "đang hôn mê"
'Tinh thể màu trắng'
Đại tá Nguyễn Văn Viện, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, cho biết : "Công an phát hiện bóng cười và một số tinh thể màu trắng tại hiện trường và đang xét nghiệm các loại ma túy đó là gì".
"Những người được đưa đi cấp cứu nằm trong số những người bị phát hiện có biểu hiện không bình thường tại nơi diễn ra lễ hội".
"Chưa có cơ sở để nói rằng bảy nạn nhân tử vong trong vụ này có đi cùng nhau hay không".
"Công an thành phố sẽ căn cứ vào kết quả điều tra để khởi tố vụ án hình sự, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan".
*****************
Âm nhạc, ma túy và những cái chết ở Hà Nội và Sydney (VOA, 18/09/2018)
Qua một sự trùng hợp ngẫu nhiên bi thảm, 7 thanh niên ở Việt Nam và hai thanh niên ở Sydney, trong đó có một người Úc gốc Việt, tử vong vào cuối tuần vừa rồi sau một lễ hội âm nhạc.
Hình ảnh lễ hội âm nhạc Defqon.1. ở Sydney
Những người trẻ tuổi trong cuộc đã "từ giã cuộc vui" theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng- giữa một lễ hội âm nhạc hoặc ngay sau đó. 7 người tại nhạc hội điện tử "Du hành tới Mặt Trăng" diễn ra tại Công viên nước Hồ Tây, Hà Nội vào đêm 16/9 ; và 2 người tại nhạc hội Defqon.1 tổ chức tại Trung tâm Đua thuyền Quốc tế Sydney ở Penrith, Australia, vào ngày 15/9.
Những cái chết có liên quan tới dùng ma túy quá liều nêu bật tính cách nghiêm trọng của vấn đề ma túy trong giới trẻ toàn cầu nói chung, và trong thành phần tuổi trẻ Việt Nam nói riêng, cả ở trong lẫn ngoài nước.
Theo kết quả điều tra sơ khởi thì có nghi vấn "sốc thuốc tập thể" đằng sau các trường hợp tử vong vào đêm 16/9 tiếp theo sau lễ hội âm nhạc ở Hà Nội.
Lễ hội này khởi sự từ 15g30 ngày chủ nhật, theo lời kể của những người có mặt thì càng về khuya đám đông càng lớn, không khí càng ngột ngạt, nhiều người bị ngất xỉu, gây hoang mang cho đám đông.
VnExpress dẫn lời một phát ngôn viên quận Tây Hồ, bà Võ Bích Thủy, cho hay xe cứu thương đã bắt đầu chuyên chở các bệnh nhân tới bệnh viện từ 10g30 tối. Trong 7 ca tử vong, một người chết trên đường tới bệnh viện, các bệnh nhân khác chết sau khi nhập viện. Nhiều người khác được đưa đi cấp cứu tại các bệnh viện gần đó, một số người vẫn trong tình trạng nguy kịch. Tất cả 7 người đã chết đều xét nghiệm dương tính với ma túy.
Đưa tin này, trang mạng tin tức news.com.au của Úc tường thuật rằng cảnh sát chưa xác định được tổng số các ca dùng ma túy quá liều, và loại ma túy nào đã gây "sốc tập thể".
Một người tham dự tiết lộ với trang mạng Zing rằng rất nhiều khán giả sử dụng "chất kích thích". Tin trong nước cho biết cảnh sát phát hiện 10 người có dính líu tới việc buôn ma túy trong lễ hội. Gần 70 người bị phát hiện có mang ma túy trên người. Những loại bị tịch thu gồm có MDMA, cocaine và thuốc lắc.
Tuần lễ Âm nhạc điện tử 2018 - Vietnam Electronic Weekend (VEW) là sự kiện âm nhạc lớn nhất từng được tổ chức tại thủ đô của Việt Nam, với sự đóng góp của các DJ và nghệ sĩ quốc tế nổi tiếng. Chương trình lễ hội được Sở Văn hóa thể thao và du lịch Hà Nội ký giấy phép tổ chức. Phó giám đốc Trương Minh Tiến xác nhận Sở Văn hóa thể thao và du lịch đã cấp giấy phép cho Công ty kết nối Châu Á do ông Lê Thái Sơn làm giám đốc, tổ chức sự kiện.
Đây là năm thứ 3 liên tiếp Tuần lễ âm nhạc điện tử được tổ chức tại Việt Nam.
Trong một sự trùng hợp lạ lùng, vào đêm 15/9 giờ Sydney, 2 người trẻ tuổi gồm 1 thanh niên 23 tuổi và một cô gái 21 tuổi, qua đời sau khi được đưa đến bệnh viện từ một lễ hội âm nhạc. Như trong bản tin của VOA, thanh niên trong cuộc là công dân Úc gốc Việt Joseph Phạm cư ngụ ở khu vực phía Tây Sydney. Một bản tin cập nhật cho biết Joseph chết vì lên cơn đau tim sau khi dùng ma túy quá liều. Nạn nhân thứ hai là một thiếu nữ đến từ Melbourne. Hai nạn nhân đều bất tỉnh trong khi có mặt tại lễ hội, và qua đời không lâu sau đó tại bệnh viện.
Ngoài 2 ca tử vong vừa kể, còn có hơn chục người khác được đưa vào bệnh viện với những triệu chứng sốc ma túy. Khoảng 700 người khác có mặt tại lễ hội Defqon cũng cần được chăm sóc.
Thủ hiến New South Wales Gladys Berejiklian hôm 16/9 yêu cầu đình chỉ vĩnh viễn lễ hội vì cho rằng Defqon là "một sự kiện không an toàn". Bà tuyên bố sẽ "làm tất cả những gì có thể làm để bảo đảm tình trạng này không bao giờ xảy ra nữa".
Hàng năm có hàng ngàn người chết trên khắp thế giới vì sử dụng ma túy quá liều. Một số sống sót nhưng bị chấn thương não bộ do óc thiếu dưỡng khí trong thời gian kéo dài. Các chuyên gia nói mọi người có thể đã từng chứng kiến điều này xảy đến cho những người xung quanh. Nhưng bây giờ, nó đã xảy ngay tại Việt Nam và trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Các chuyên gia khuyến cáo nếu nốc một lượng rượu lớn trong một thời gian ngắn, mức cồn trong máu có thể tăng cao một cách nguy hiểm, nhiều bộ phận trong cơ thể không hoạt động đúng mức. Trong trường hợp xấu nhất, ngộ độc rượu khiến bệnh nhân ngưng thở, tim ngưng hoạt động, nạn nhân có thể bị ngạt thở vì bị ói mửa quá nhiều.
Sử dụng chất kích thích quá liều còn có thể tăng nguy cơ trụy tim, bị nghẹt mạch máu, với hậu quả khôn lường đối với sức khỏe.
Thêm một thành viên Hội Anh em dân chủ bị tuyên án tù (RFA, 10/04/2018)
Thêm một thành viên của Hội Anh em dân chủ bị tuyên án 13 năm tù và 5 năm quản chế, với cáo buộc ‘lật đổ chính quyền nhân dân’, theo Điều 79 Bộ Luật hình sự Việt Nam.
Cựu tù nhân lương tâm, nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Văn Túc tại phiên tòa vào sáng ngày 10/04/18. AFP
Đây là bản án được tuyên bởi Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đối với nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Văn Túc vào sáng ngày 10 tháng 4 năm 2018. Ông Nguyễn Văn Túc là một cựu tù nhân lương tâm, từng bị tuyên án 4 năm tù giam với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’, theo Điều 88 Bộ Luật hình sự hồi năm 2008, do một số hoạt động gồm treo khẩu hiệu ở Hải Phòng yêu cầu ‘đa nguyên, đa đảng’ ; cũng như biểu tình chống Trung Quốc.
Cô Nguyễn Thị Mai, con gái của nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Văn Túc được tham dự phiên tòa và cô thuật lại với RFA sau khi phiên tòa kết thúc :
"Người ta bảo bố em ‘lật đổ chính quyền nhân dân’. Bố em bảo rằng ‘không’, bố em không lật đổ. Bố em bảo chỉ đấu tranh cho lẽ phải và đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền Việt Nam, làm cho xã hội tốt lên thôi, chứ bố em không lật đổ, bố em không muốn lật đổ. Người ta nói là có tội, người ta kết tội thì bố em bảo bố em chỉ làm như thế không phải là tội nên bố em vô tội".
Luật sư Ngô Anh Tuấn, là luật sư bào chữa cho nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Văn Túc nói với AFP rằng ông Túc tại tòa đã thừa nhận là thành viên của tổ chức xã hội dân sự độc lập-Hội Anh em dân chủ và ông Túc cũng thừa nhận đấu tranh vì dân chủ, nhưng ông Túc phản bác rằng ông không lật đổ chính quyền.
Một ngày trước khi diễn ra phiên tòa xét xử đối với nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Văn Túc, Phó Giám đốc Đặc trách khu vực Châu Á của tổ chức Theo dõi nhân quyền-Human Rights Watch, ông Phil Roberson lên tiếng rằng Chính quyền Việt Nam thường xuyên dùng các điều luật hà khắc để bắt bớ và giam cầm các nhà hoạt động ôn hòa. Tòa án tại Việt Nam chỉ tuyên các bản án theo lệnh của nhà cầm quyền mà thôi. Ông Phil Roberson kêu gọi Hà Nội nên công nhận ông Nguyễn Văn Túc không làm điều gì sai trái mà phải chịu án tù, cần phải rút lại các cáo buộc đối với ông Túc cũng như phải trả tự do ngay lập tức cho ông ta.
Vào ngày 5 tháng 4 năm 2018, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội cũng tuyên tổng cộng 66 năm tù đối với 6 nhà hoạt động dân chủ khác trong Hội Anh em dân chủ, bao gồm Luật sư Nguyễn Văn Đài, cô Lê Thu Hà, Kỹ sư Phạm Văn Trội, Mục sư Nguyễn Trung Tôn và Luật gia Nguyễn Bắc Truyển.
Các Chính phủ như Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu-EU, Đức… cùng nhiều tổ chức nhân quyền trên thế giới đồng loạt phản đối bản án mà Việt Nam tuyên cho các thành viên của Hội Anh em dân chủ, đồng thời kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho tất cả tù nhân lương tâm và cho phép mọi cá nhân ở Việt Nam tự do bày tỏ quan điểm của họ và tụ họp một cách ôn hòa mà không sợ bị trừng phạt.
*********************
Thêm thành viên Hội Anh em dân chủ nhận án tù tới 13 năm (VOA, 10/04/2018)
Nhà hoạt động Nguyễn Văn Túc hôm 10/4 nhận án tù 13 năm vì tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" sau phiên tòa tại tỉnh Thái Bình. Em trai ông nói với VOA rằng bản án này là "bất công".
Nhà hoạt động Nguyễn Văn Túc tại phiên tòa hôm 10/4/2018 ở Thái Bình
Ông Túc, 54 tuổi, tham gia Hội Anh em dân chủ từ năm 2014 với mục đích thúc đẩy việc thực hiện nhân quyền nêu trong Hiến pháp Việt Nam và được nhà nước cam kết với quốc tế tôn trọng những quyền đó.
Nhưng chính quyền Việt Nam coi Anh em dân chủ là hội trái pháp luật. Họ cáo buộc rằng mục đích của hội là "xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam" và "thay đổi thể chế chính trị xã hội hiện tại của Việt Nam", do đó, "đe dọa đến sự tồn vong của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Báo chí trong nước dẫn thông tin từ Công an Thái Bình nói ông Túc "tạm điều hành" Hội Anh em dân chủ từ cuối mùa hè năm 2017, sau khi 7 nhân vật cốt cán của hội bị chính quyền bắt tạm giam.
Vì những hoạt động của mình, ông Túc đã bị Công an Thái Bình khởi tố, bắt tạm giam vào đầu tháng 9/2017. Gia đình ông cho hay từ đó đến nay họ không được thăm gặp ông.
Theo tin trong nước, hội đồng xét xử tại phiên tòa hôm 10/4 đánh giá rằng "hành vi phạm tội" của ông Nguyễn Văn Túc là "đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia". Tòa đã tuyên phạt ông 13 năm tù giam và 5 năm quản chế tại địa phương.
Em trai ông Túc, ông Nguyễn Văn Tùng, cho VOA biết chỉ có 4 người thân của ông Túc có mặt tại phiên tòa với tư cách những người "bị triệu tập làm nhân chứng". Ông Tùng bày tỏ quan điểm về bản án vừa tuyên :
"Gia đình nghĩ anh không có tội. Cái này là anh bày tỏ chính kiến. Những việc anh ấy làm là lợi cho dân. Một người dân đen không có tấc sắt trong tay thì làm sao lật đổ cái chính quyền này ? Bản án quá bất công, mà [chúng tôi] quá bức xúc. Dư luận, quần chúng người ta cũng lên án nhiều".
Trước đó 5 ngày, một phiên tòa khác ở Hà Nội đã kết án 6 người, trong đó có luật sư Nguyễn Văn Đài, cũng đều là những thành viên Hội Anh em dân chủ, tổng cộng 66 năm tù giam.
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) có trụ sở tại Pháp đã đề nghị các đối tác của Việt Nam làm áp lực để Hà Nội chấm dứt chiến dịch đàn áp sau khi tòa án Hà Nội tuyên phạt tù các nhà hoạt động hôm 5/4.
Mỹ, EU đã phản đối các bản án nặng nề đó và kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho các tù nhân ngay lập tức.
Nói với VOA, em trai nhà hoạt động Nguyễn Văn Túc cũng kêu gọi các tổ chức quốc tế tiếp tục có động thái tác động đến chính quyền Việt Nam :
"Những bản án nặng nề quá thì cũng nhờ các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức nước ngoài lên tiếng kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam giảm án hoặc trả tự do cho anh trai tôi".
Ông Nguyễn Văn Túc (ngoài cùng bên trái) tại phiên tòa hồi năm 2009
Ông Túc, quê ở xã Đông La, huyện Đông Hưng, Thái Bình, trước đây từng bị chính quyền bỏ tù 4 năm, từ 2008-2012,vì tội "tuyên truyền chống nhà nước".
Trước đó, trong hơn 10 năm ông Túc tích cực hoạt động chống việc tước đoạt đất đai bất công, tranh đấu ôn hòa vì nhân quyền, biểu tình về các vấn đế biển đảo, lãnh thổ, cũng như phản đối tham nhũng.
*******************
Hà Nội tiếp tục xử những nhà hoạt động (RFA, 09/04/2018)
Một số nhà hoạt động tại Việt Nam sẽ bị đưa ra tòa xét xử trong những ngày tới.
Cựu tù chính trị Nguyễn Văn Túc Courtesy of Nguyễn Văn Túc
Theo thông báo của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình thì vào ngày 10 tháng tư, cựu tù chính trị Nguyễn Văn Túc, một thành viên khác nữa của Hội Anh em dân chủ, sẽ bị đưa ra xét xử cũng với cáo buộc theo điều 79 ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’.
Ông Nguyễn Văn Túc ngụ tại thôn Cổ Dũng 1, xã Đông La, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, bị bắt vào ngày 1 tháng 9 năm ngoái sau khi đến Ủy Ban Nhân Dân huyện Đông Hưng theo giấy mời làm việc để giải quyết vấn đề khiếu nại về đất đai.
Sau khi bắt giữ ông Nguyễn Văn Túc, cơ quan chức năng mới tiến hành đọc lệnh khám xét nhà, thông báo quyết định khởi tố và bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Túc.
Ông Nguyễn Văn Túc bị bắt lần đầu vào tháng 9 năm 2008 do một số hoạt động gồm treo khẩu hiệu ở Hải Phòng yêu cầu ‘đa nguyên, đa đảng’ ; cũng như biểu tình chống Trung Quốc… Ông bị tuyên án 4 năm tù giam và 3 năm quản chế trong cùng vụ với nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Mạnh Sơn, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Kim Nhàn, Ngô Quỳnh.
Theo lịch tòa đưa ra, sáng ngày 12 tháng 4 này, phiên xử nhà hoạt động Nguyễn Viết Dũng sẽ được tiến hành tại tỉnh Nghệ An sau khi hoãn hôm 5 tháng 4 vì vắng mặt 2 luật sư bào chữa.
Anh Nguyễn Viết Dũng sinh năm 1986 từng bị kết án 15 tháng tù vào năm 2015 sau khi tham gia biểu tình chống chặt cây xanh ở Hà Nội. Anh bị bắt lại vào ngày 27 tháng 9 năm ngoái tại Nghệ An với cáo buộc ‘tuyên truyền chống Nhà Nước’ theo điều 88 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.
Tin cũng cho biết trong ngày 12 tháng tư, tại Hà Nội, cựu tù nhân lương tâm, thầy giáo Vũ Văn Hùng, bị đưa ra xử với cáo buộc ‘cố ý gây thương tích hoặc làm hại sức khỏe người khác’ theo điều 134 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.
Tuy nhiên theo nhận định phiên xử thầy giáo Vũ Văn Hùng có khả năng bị hoãn vì luật sư bào chữa cho ông này đồng thời cũng nhận bào chữa cho anh Nguyễn Viết Dũng ở Nghệ An, nên có thể chỉ tham dự một trong hai phiên xử mà thôi.
Thầy giáo Vũ Văn Hùng bị bắt lần gần nhất là vào ngày 4 tháng giêng vừa qua sau khi ông đi dự cuộc họp mặt kỷ niệm ngày thành lập nhóm dân sự độc lập có tên Hội Giáo Chức Chu Văn An.
Ông bị bắt và bị kết án lần đầu vào tháng 9 năm 2008 với bản án 3 năm tù giam và 3 năm quản chế.
**************
Nhà nước chưa ban hành luật lập Hội nhưng Hội lập đầy ra đó (VNTB, 10/04/2018)
Hai trong số những người vợ tham dự phiên xử 6 thành viên của Hội anh em dân chủ tại Hà Nội vào ngày 5/4/2018 vừa qua, đã bày tỏ quan điểm cho rằng, phiên xử quá bất công, Hội đồng xét xử không đưa được lý lẽ xác đáng nào để chứng minh các bị cáo phạm tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo Điều 79 Bộ luật hình sự 1999…
Sáu nhà hoạt động của Hội Anh em dân chủ, trong đó có Luật sư Nguyễn Văn Đài, bị tuyên án tổng cộng lên tới 66 năm tù về tội danh "âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân" theo điều 79 của Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Họ và tên cụ thể của 6 thành viên Hội Anh em dân chủ bị tòa án Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm vào ngày 5/4/2018 vừa qua với cáo buộc "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo Điều 79 Bộ luật hình sự gồm :
- Nguyễn Văn Đài (SN 1969, trú tại khu tập thể Bách Khoa, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) ;
- Phạm Văn Trội (SN 1972, trú tại xã Chương Dương, huyện Thường Tín, Hà Nội) ;
- Nguyễn Trung Tôn (SN 1972, trú tại xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) ;
- Nguyễn Bắc Truyển (SN 1968, trú tại Phường 4, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh) ;
- Trương Minh Đức (SN 1960, trú tại thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) ;
- Lê Thu Hà (SN 1982, trú tại phường Đông Giang, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị)
Kết thúc phiên xử sơ thẩm trong ngày, tòa án Hà Nội tuyên tổng thẩy 66 năm tù giam và 17 năm quản chế dành cho cả 6 nhà hoạt động. Đông đảo dư luận theo dõi phiên xử, đặc biệt giới đấu tranh dân chủ-nhân quyền cho Việt Nam đồng lên án bản án quá nặng.
Hội đồng xét xử cho rằng, việc 6 nhà hoạt động thành lập Hội Anh em dân chủ thu hút nhiều người tham gia, là một tổ chức có cơ cấu chặt chẽ, có cương lĩnh, điều lệ hoạt động và mục đích đấu tranh nhằm thay đổi quyền lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, xây dựng chế độ đa nguyên đa đảng, đây là hành vi hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Cũng theo Hội đồng xét xử, luật sư Nguyễn Văn Đài là người đóng vai trò chủ mưu của vụ án nên tuyên phạt 15 năm tù giam và 5 năn quản chế.
Bà Khánh là vợ của luật sư Đài có mặt trong phòng xử án chia sẻ với Việt Nam Thời Báo, phòng xử rất nhỏ chứa rất nhiều người đa phần là những người mặc sắc phục, những người đến tham dự phiên xử như bà Khánh rất là ít. Qúa trình xét xử, Hội đồng xét xử không nói micro nên rất khó nghe.
Cả luật sư lẫn 6 nhà hoạt động đều cho rằng việc sinh hoạt trên mạng pháp luật không cấm, Hội Anh em dân chủ thông qua mạng thành lập là hợp Hiến pháp.
Theo bà Khánh, từ đầu tới cuối Hội đồng xét xử cứ nói 6 nhà hoạt động lập Hội Anh em dân chủ là có tổ chức, rồi ban bố cương lĩnh, có điều lệ hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Trong khi đó một hội hoặc một nhóm nào đó thành lập xong có tổ chức là chuyện bình thường. Bà Khánh nói :
"Vì dụ trong gia đình cũng phải có tổ chức, trong nhà trường thì phải có cô giáo, thầy giáo rồi học sinh. Không riêng gì hội nhóm dân sự, các hội nhà nước như hội nông dân, hội cựu chiến binh đều có chủ tịch hội, phó chủ tịch hội …người ta cứ bảo là mình có tổ chức mà không bảo là tổ chức ấy đã làm những gì để lật đổ chính quyền, phải có hành vi mới cấu thành việc lật đổ chính quyền chứ ?"
Bà Khánh chia sẻ tiếp :
"Họ (Hội đồng xét xử) bảo Nhà nước chưa ra luật lập hội nhưng hội lập đầy đó thôi, hiến pháp cho phép và luật pháp không cấm. Nhà nước cũng lập đầy hội đó như hội nông dân, hội cựu chiến binh, hội liên hiệp thanh niên, hội phụ nữ…".
Ngoài ra, Hội đồng xét xử còn truy cứu luật sư Đài về việc trả lời phỏng vấn báo đài nước ngoài, gặp các phái đoàn ngoại giao các nước, ông Đài khẳng định những điều này cũng không thể kết luận là luật sư Đài và Hội Anh em dân chủ có hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.
"Anh Đài nói khá dài. Ảnh giải thích lại Hội Anh em dân chủ mục đích thành lập là gì ? Sau cùng ảnh nói ; nếu ngày hôm nay quý vị khoan dung với người bất đồng chính kiến thì có nghĩa là quý vị khoan dung đối với chính mình ngày mai".
Đó là lời nói sau cuối của luật sư Đài trước khi bị Hội đồng xét xử kết án theo như lời bà Khánh chia sẻ.
Luật sư Nguyễn Văn Đài, kỹ sư Phạm Văn Trội, mục sư Nguyễn Trung Tôn và Luật sư Nguyễn Bắc Triển là 4 người bị Hội đồng xét xử cho là thành phần đứng đầu Hội Anh em dân chủ, còn ký giả Trương Minh Đức và nhà hoạt động nữ Lê Thu Hà không tham gia thành lập Hội Anh em dân chủ nhưng khi bị lôi kéo vào Hội đã tích cực tham gia.
Việt Nam Thời Báo liên lạc với bà Kim Thanh, vợ của ký giả Trương Minh Đức để hỏi thăm quá trình xét xử ký giả Đức tại tòa. Bà Kim Thanh cho biết, Hội đồng xét xử hỏi ký giả Đức ở trong Hội Anh em dân chủ, những người tham gia Hội này có phải mục đích thành lập một tổ chức đứng lên lật đổ chính quyền ? Ký giả Đức nói không và bản thân ký giả Đức nói mình hoàn toàn không có ý định lật đổ chính quyền. Trước khi tham gia Hội Anh em dân chủ thì ký giả Đức nói mình đã đọc những nội quy, những cương lĩnh đặt ra không có gì sai phạm, không có gì gọi là lật đổ chính quyền. Hội đồng xét xử nói có người cung cấp cho cơ quan chức năng hai File ghi âm ghi lại cuộc họp của thành viên Hội Anh em dân chủ tại miền Nam, tố cáo ký giả Đức có những hoạt động nhằm lật đổ chính quyền. Ký giả Đức muốn tòa chấp nhận cho đối chất với người tố cáo nhưng tòa không đáp ứng. Còn liên quan đến hai File ghi âm, bà Kim Thanh nói :
"Ảnh (ký giả Đức) nói tôi đã nghe hai File ghi âm này rồi và ảnh nói tôi muốn nói lên chính kiến của mình để mong đất nước được tốt hơn, người dân có cuộc sống tốt hơn chứ không có ý gì về lật đổ chính quyền"
Ký giả Trương Minh Đức bị Hội đồng xét xử tuyên bản án 12 năm tù giam và 3 năm quản chế. Lời cuối ký giả Đức nói tại tòa được bà Kim Thanh chia sẻ :
"Có. Ảnh có nói. Lúc đầu ảnh nói không cần bào chữa cho mình, chỉ yêu cầu hội đồng xét xử là những người cầm cân nẩy mực thì phải xét xử cho công bằng chứ đừng áp đặt vu khống, kết tội tôi những điều luật mơ hồ như vậy tôi thấy không thuyết phục. Lời cuối cùng ảnh nói là :Tôi không hối tiếc gì cả. Bây giờ các vị xử tôi thì sau này các vị cũng bị xử như vậy vì bất công không chừa một ai cả".
Được biết, có khoảng năm, sáu Đại sứ quán của các nước quan tâm đến tình hình nhân quyền Việt Nam có cử đại diện vào tham gia phiên xử. Tuy nhiên, bà Kim Thanh cho biết có lẽ họ được bố trí vào phòng khác để theo dõi phiên xử qua màn hình chứ không thấy có mặt trong phòng xét xử.
"Họ kêu gọi rất là nhiều. Các Đại sứ quán cũng có tiếp chúng tôi. Ngày hôm ấy có đại diện Đại sứ quán Đức, Anh…nhưng họ ngồi ở đâu, chắc họ ở phòng khác theo dõi phiên xử qua màn hình chứ còn trong phòng xử rất nhỏ nên tôi không thấy người nào là người nước ngoài cả" - lời bà Kim Thanh.
Ngay sau bản án mà tòa án Hà Nội tuyên cho 6 thành viên của Hội Anh em dân chủ, rất nhiều tổ chức quốc tế, Đại sứ quán của các nước trên thế giới lên tiếng bày tỏ quan ngại tình hình nhân quyền Việt Nam qua việc kết án.
"Họ có lên tiếng. Theo tôi biết sau phiên xử thì các đại sứ quán Anh, Hoa Kỳ… có ra thông cáo để lên án bản án này" - Lời của bà Khánh.
Hàn Giang