Thêm một thành viên Hội Anh em dân chủ bị tuyên án tù (RFA, 10/04/2018)
Thêm một thành viên của Hội Anh em dân chủ bị tuyên án 13 năm tù và 5 năm quản chế, với cáo buộc ‘lật đổ chính quyền nhân dân’, theo Điều 79 Bộ Luật hình sự Việt Nam.
Cựu tù nhân lương tâm, nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Văn Túc tại phiên tòa vào sáng ngày 10/04/18. AFP
Đây là bản án được tuyên bởi Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đối với nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Văn Túc vào sáng ngày 10 tháng 4 năm 2018. Ông Nguyễn Văn Túc là một cựu tù nhân lương tâm, từng bị tuyên án 4 năm tù giam với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’, theo Điều 88 Bộ Luật hình sự hồi năm 2008, do một số hoạt động gồm treo khẩu hiệu ở Hải Phòng yêu cầu ‘đa nguyên, đa đảng’ ; cũng như biểu tình chống Trung Quốc.
Cô Nguyễn Thị Mai, con gái của nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Văn Túc được tham dự phiên tòa và cô thuật lại với RFA sau khi phiên tòa kết thúc :
"Người ta bảo bố em ‘lật đổ chính quyền nhân dân’. Bố em bảo rằng ‘không’, bố em không lật đổ. Bố em bảo chỉ đấu tranh cho lẽ phải và đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền Việt Nam, làm cho xã hội tốt lên thôi, chứ bố em không lật đổ, bố em không muốn lật đổ. Người ta nói là có tội, người ta kết tội thì bố em bảo bố em chỉ làm như thế không phải là tội nên bố em vô tội".
Luật sư Ngô Anh Tuấn, là luật sư bào chữa cho nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Văn Túc nói với AFP rằng ông Túc tại tòa đã thừa nhận là thành viên của tổ chức xã hội dân sự độc lập-Hội Anh em dân chủ và ông Túc cũng thừa nhận đấu tranh vì dân chủ, nhưng ông Túc phản bác rằng ông không lật đổ chính quyền.
Một ngày trước khi diễn ra phiên tòa xét xử đối với nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Văn Túc, Phó Giám đốc Đặc trách khu vực Châu Á của tổ chức Theo dõi nhân quyền-Human Rights Watch, ông Phil Roberson lên tiếng rằng Chính quyền Việt Nam thường xuyên dùng các điều luật hà khắc để bắt bớ và giam cầm các nhà hoạt động ôn hòa. Tòa án tại Việt Nam chỉ tuyên các bản án theo lệnh của nhà cầm quyền mà thôi. Ông Phil Roberson kêu gọi Hà Nội nên công nhận ông Nguyễn Văn Túc không làm điều gì sai trái mà phải chịu án tù, cần phải rút lại các cáo buộc đối với ông Túc cũng như phải trả tự do ngay lập tức cho ông ta.
Vào ngày 5 tháng 4 năm 2018, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội cũng tuyên tổng cộng 66 năm tù đối với 6 nhà hoạt động dân chủ khác trong Hội Anh em dân chủ, bao gồm Luật sư Nguyễn Văn Đài, cô Lê Thu Hà, Kỹ sư Phạm Văn Trội, Mục sư Nguyễn Trung Tôn và Luật gia Nguyễn Bắc Truyển.
Các Chính phủ như Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu-EU, Đức… cùng nhiều tổ chức nhân quyền trên thế giới đồng loạt phản đối bản án mà Việt Nam tuyên cho các thành viên của Hội Anh em dân chủ, đồng thời kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho tất cả tù nhân lương tâm và cho phép mọi cá nhân ở Việt Nam tự do bày tỏ quan điểm của họ và tụ họp một cách ôn hòa mà không sợ bị trừng phạt.
*********************
Thêm thành viên Hội Anh em dân chủ nhận án tù tới 13 năm (VOA, 10/04/2018)
Nhà hoạt động Nguyễn Văn Túc hôm 10/4 nhận án tù 13 năm vì tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" sau phiên tòa tại tỉnh Thái Bình. Em trai ông nói với VOA rằng bản án này là "bất công".
Nhà hoạt động Nguyễn Văn Túc tại phiên tòa hôm 10/4/2018 ở Thái Bình
Ông Túc, 54 tuổi, tham gia Hội Anh em dân chủ từ năm 2014 với mục đích thúc đẩy việc thực hiện nhân quyền nêu trong Hiến pháp Việt Nam và được nhà nước cam kết với quốc tế tôn trọng những quyền đó.
Nhưng chính quyền Việt Nam coi Anh em dân chủ là hội trái pháp luật. Họ cáo buộc rằng mục đích của hội là "xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam" và "thay đổi thể chế chính trị xã hội hiện tại của Việt Nam", do đó, "đe dọa đến sự tồn vong của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Báo chí trong nước dẫn thông tin từ Công an Thái Bình nói ông Túc "tạm điều hành" Hội Anh em dân chủ từ cuối mùa hè năm 2017, sau khi 7 nhân vật cốt cán của hội bị chính quyền bắt tạm giam.
Vì những hoạt động của mình, ông Túc đã bị Công an Thái Bình khởi tố, bắt tạm giam vào đầu tháng 9/2017. Gia đình ông cho hay từ đó đến nay họ không được thăm gặp ông.
Theo tin trong nước, hội đồng xét xử tại phiên tòa hôm 10/4 đánh giá rằng "hành vi phạm tội" của ông Nguyễn Văn Túc là "đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia". Tòa đã tuyên phạt ông 13 năm tù giam và 5 năm quản chế tại địa phương.
Em trai ông Túc, ông Nguyễn Văn Tùng, cho VOA biết chỉ có 4 người thân của ông Túc có mặt tại phiên tòa với tư cách những người "bị triệu tập làm nhân chứng". Ông Tùng bày tỏ quan điểm về bản án vừa tuyên :
"Gia đình nghĩ anh không có tội. Cái này là anh bày tỏ chính kiến. Những việc anh ấy làm là lợi cho dân. Một người dân đen không có tấc sắt trong tay thì làm sao lật đổ cái chính quyền này ? Bản án quá bất công, mà [chúng tôi] quá bức xúc. Dư luận, quần chúng người ta cũng lên án nhiều".
Trước đó 5 ngày, một phiên tòa khác ở Hà Nội đã kết án 6 người, trong đó có luật sư Nguyễn Văn Đài, cũng đều là những thành viên Hội Anh em dân chủ, tổng cộng 66 năm tù giam.
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) có trụ sở tại Pháp đã đề nghị các đối tác của Việt Nam làm áp lực để Hà Nội chấm dứt chiến dịch đàn áp sau khi tòa án Hà Nội tuyên phạt tù các nhà hoạt động hôm 5/4.
Mỹ, EU đã phản đối các bản án nặng nề đó và kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho các tù nhân ngay lập tức.
Nói với VOA, em trai nhà hoạt động Nguyễn Văn Túc cũng kêu gọi các tổ chức quốc tế tiếp tục có động thái tác động đến chính quyền Việt Nam :
"Những bản án nặng nề quá thì cũng nhờ các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức nước ngoài lên tiếng kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam giảm án hoặc trả tự do cho anh trai tôi".
Ông Nguyễn Văn Túc (ngoài cùng bên trái) tại phiên tòa hồi năm 2009
Ông Túc, quê ở xã Đông La, huyện Đông Hưng, Thái Bình, trước đây từng bị chính quyền bỏ tù 4 năm, từ 2008-2012,vì tội "tuyên truyền chống nhà nước".
Trước đó, trong hơn 10 năm ông Túc tích cực hoạt động chống việc tước đoạt đất đai bất công, tranh đấu ôn hòa vì nhân quyền, biểu tình về các vấn đế biển đảo, lãnh thổ, cũng như phản đối tham nhũng.
*******************
Hà Nội tiếp tục xử những nhà hoạt động (RFA, 09/04/2018)
Một số nhà hoạt động tại Việt Nam sẽ bị đưa ra tòa xét xử trong những ngày tới.
Cựu tù chính trị Nguyễn Văn Túc Courtesy of Nguyễn Văn Túc
Theo thông báo của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình thì vào ngày 10 tháng tư, cựu tù chính trị Nguyễn Văn Túc, một thành viên khác nữa của Hội Anh em dân chủ, sẽ bị đưa ra xét xử cũng với cáo buộc theo điều 79 ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’.
Ông Nguyễn Văn Túc ngụ tại thôn Cổ Dũng 1, xã Đông La, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, bị bắt vào ngày 1 tháng 9 năm ngoái sau khi đến Ủy Ban Nhân Dân huyện Đông Hưng theo giấy mời làm việc để giải quyết vấn đề khiếu nại về đất đai.
Sau khi bắt giữ ông Nguyễn Văn Túc, cơ quan chức năng mới tiến hành đọc lệnh khám xét nhà, thông báo quyết định khởi tố và bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Túc.
Ông Nguyễn Văn Túc bị bắt lần đầu vào tháng 9 năm 2008 do một số hoạt động gồm treo khẩu hiệu ở Hải Phòng yêu cầu ‘đa nguyên, đa đảng’ ; cũng như biểu tình chống Trung Quốc… Ông bị tuyên án 4 năm tù giam và 3 năm quản chế trong cùng vụ với nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Mạnh Sơn, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Kim Nhàn, Ngô Quỳnh.
Theo lịch tòa đưa ra, sáng ngày 12 tháng 4 này, phiên xử nhà hoạt động Nguyễn Viết Dũng sẽ được tiến hành tại tỉnh Nghệ An sau khi hoãn hôm 5 tháng 4 vì vắng mặt 2 luật sư bào chữa.
Anh Nguyễn Viết Dũng sinh năm 1986 từng bị kết án 15 tháng tù vào năm 2015 sau khi tham gia biểu tình chống chặt cây xanh ở Hà Nội. Anh bị bắt lại vào ngày 27 tháng 9 năm ngoái tại Nghệ An với cáo buộc ‘tuyên truyền chống Nhà Nước’ theo điều 88 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.
Tin cũng cho biết trong ngày 12 tháng tư, tại Hà Nội, cựu tù nhân lương tâm, thầy giáo Vũ Văn Hùng, bị đưa ra xử với cáo buộc ‘cố ý gây thương tích hoặc làm hại sức khỏe người khác’ theo điều 134 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.
Tuy nhiên theo nhận định phiên xử thầy giáo Vũ Văn Hùng có khả năng bị hoãn vì luật sư bào chữa cho ông này đồng thời cũng nhận bào chữa cho anh Nguyễn Viết Dũng ở Nghệ An, nên có thể chỉ tham dự một trong hai phiên xử mà thôi.
Thầy giáo Vũ Văn Hùng bị bắt lần gần nhất là vào ngày 4 tháng giêng vừa qua sau khi ông đi dự cuộc họp mặt kỷ niệm ngày thành lập nhóm dân sự độc lập có tên Hội Giáo Chức Chu Văn An.
Ông bị bắt và bị kết án lần đầu vào tháng 9 năm 2008 với bản án 3 năm tù giam và 3 năm quản chế.
**************
Nhà nước chưa ban hành luật lập Hội nhưng Hội lập đầy ra đó (VNTB, 10/04/2018)
Hai trong số những người vợ tham dự phiên xử 6 thành viên của Hội anh em dân chủ tại Hà Nội vào ngày 5/4/2018 vừa qua, đã bày tỏ quan điểm cho rằng, phiên xử quá bất công, Hội đồng xét xử không đưa được lý lẽ xác đáng nào để chứng minh các bị cáo phạm tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo Điều 79 Bộ luật hình sự 1999…
Sáu nhà hoạt động của Hội Anh em dân chủ, trong đó có Luật sư Nguyễn Văn Đài, bị tuyên án tổng cộng lên tới 66 năm tù về tội danh "âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân" theo điều 79 của Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Họ và tên cụ thể của 6 thành viên Hội Anh em dân chủ bị tòa án Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm vào ngày 5/4/2018 vừa qua với cáo buộc "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo Điều 79 Bộ luật hình sự gồm :
- Nguyễn Văn Đài (SN 1969, trú tại khu tập thể Bách Khoa, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) ;
- Phạm Văn Trội (SN 1972, trú tại xã Chương Dương, huyện Thường Tín, Hà Nội) ;
- Nguyễn Trung Tôn (SN 1972, trú tại xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) ;
- Nguyễn Bắc Truyển (SN 1968, trú tại Phường 4, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh) ;
- Trương Minh Đức (SN 1960, trú tại thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) ;
- Lê Thu Hà (SN 1982, trú tại phường Đông Giang, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị)
Kết thúc phiên xử sơ thẩm trong ngày, tòa án Hà Nội tuyên tổng thẩy 66 năm tù giam và 17 năm quản chế dành cho cả 6 nhà hoạt động. Đông đảo dư luận theo dõi phiên xử, đặc biệt giới đấu tranh dân chủ-nhân quyền cho Việt Nam đồng lên án bản án quá nặng.
Hội đồng xét xử cho rằng, việc 6 nhà hoạt động thành lập Hội Anh em dân chủ thu hút nhiều người tham gia, là một tổ chức có cơ cấu chặt chẽ, có cương lĩnh, điều lệ hoạt động và mục đích đấu tranh nhằm thay đổi quyền lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, xây dựng chế độ đa nguyên đa đảng, đây là hành vi hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Cũng theo Hội đồng xét xử, luật sư Nguyễn Văn Đài là người đóng vai trò chủ mưu của vụ án nên tuyên phạt 15 năm tù giam và 5 năn quản chế.
Bà Khánh là vợ của luật sư Đài có mặt trong phòng xử án chia sẻ với Việt Nam Thời Báo, phòng xử rất nhỏ chứa rất nhiều người đa phần là những người mặc sắc phục, những người đến tham dự phiên xử như bà Khánh rất là ít. Qúa trình xét xử, Hội đồng xét xử không nói micro nên rất khó nghe.
Cả luật sư lẫn 6 nhà hoạt động đều cho rằng việc sinh hoạt trên mạng pháp luật không cấm, Hội Anh em dân chủ thông qua mạng thành lập là hợp Hiến pháp.
Theo bà Khánh, từ đầu tới cuối Hội đồng xét xử cứ nói 6 nhà hoạt động lập Hội Anh em dân chủ là có tổ chức, rồi ban bố cương lĩnh, có điều lệ hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Trong khi đó một hội hoặc một nhóm nào đó thành lập xong có tổ chức là chuyện bình thường. Bà Khánh nói :
"Vì dụ trong gia đình cũng phải có tổ chức, trong nhà trường thì phải có cô giáo, thầy giáo rồi học sinh. Không riêng gì hội nhóm dân sự, các hội nhà nước như hội nông dân, hội cựu chiến binh đều có chủ tịch hội, phó chủ tịch hội …người ta cứ bảo là mình có tổ chức mà không bảo là tổ chức ấy đã làm những gì để lật đổ chính quyền, phải có hành vi mới cấu thành việc lật đổ chính quyền chứ ?"
Bà Khánh chia sẻ tiếp :
"Họ (Hội đồng xét xử) bảo Nhà nước chưa ra luật lập hội nhưng hội lập đầy đó thôi, hiến pháp cho phép và luật pháp không cấm. Nhà nước cũng lập đầy hội đó như hội nông dân, hội cựu chiến binh, hội liên hiệp thanh niên, hội phụ nữ…".
Ngoài ra, Hội đồng xét xử còn truy cứu luật sư Đài về việc trả lời phỏng vấn báo đài nước ngoài, gặp các phái đoàn ngoại giao các nước, ông Đài khẳng định những điều này cũng không thể kết luận là luật sư Đài và Hội Anh em dân chủ có hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.
"Anh Đài nói khá dài. Ảnh giải thích lại Hội Anh em dân chủ mục đích thành lập là gì ? Sau cùng ảnh nói ; nếu ngày hôm nay quý vị khoan dung với người bất đồng chính kiến thì có nghĩa là quý vị khoan dung đối với chính mình ngày mai".
Đó là lời nói sau cuối của luật sư Đài trước khi bị Hội đồng xét xử kết án theo như lời bà Khánh chia sẻ.
Luật sư Nguyễn Văn Đài, kỹ sư Phạm Văn Trội, mục sư Nguyễn Trung Tôn và Luật sư Nguyễn Bắc Triển là 4 người bị Hội đồng xét xử cho là thành phần đứng đầu Hội Anh em dân chủ, còn ký giả Trương Minh Đức và nhà hoạt động nữ Lê Thu Hà không tham gia thành lập Hội Anh em dân chủ nhưng khi bị lôi kéo vào Hội đã tích cực tham gia.
Việt Nam Thời Báo liên lạc với bà Kim Thanh, vợ của ký giả Trương Minh Đức để hỏi thăm quá trình xét xử ký giả Đức tại tòa. Bà Kim Thanh cho biết, Hội đồng xét xử hỏi ký giả Đức ở trong Hội Anh em dân chủ, những người tham gia Hội này có phải mục đích thành lập một tổ chức đứng lên lật đổ chính quyền ? Ký giả Đức nói không và bản thân ký giả Đức nói mình hoàn toàn không có ý định lật đổ chính quyền. Trước khi tham gia Hội Anh em dân chủ thì ký giả Đức nói mình đã đọc những nội quy, những cương lĩnh đặt ra không có gì sai phạm, không có gì gọi là lật đổ chính quyền. Hội đồng xét xử nói có người cung cấp cho cơ quan chức năng hai File ghi âm ghi lại cuộc họp của thành viên Hội Anh em dân chủ tại miền Nam, tố cáo ký giả Đức có những hoạt động nhằm lật đổ chính quyền. Ký giả Đức muốn tòa chấp nhận cho đối chất với người tố cáo nhưng tòa không đáp ứng. Còn liên quan đến hai File ghi âm, bà Kim Thanh nói :
"Ảnh (ký giả Đức) nói tôi đã nghe hai File ghi âm này rồi và ảnh nói tôi muốn nói lên chính kiến của mình để mong đất nước được tốt hơn, người dân có cuộc sống tốt hơn chứ không có ý gì về lật đổ chính quyền"
Ký giả Trương Minh Đức bị Hội đồng xét xử tuyên bản án 12 năm tù giam và 3 năm quản chế. Lời cuối ký giả Đức nói tại tòa được bà Kim Thanh chia sẻ :
"Có. Ảnh có nói. Lúc đầu ảnh nói không cần bào chữa cho mình, chỉ yêu cầu hội đồng xét xử là những người cầm cân nẩy mực thì phải xét xử cho công bằng chứ đừng áp đặt vu khống, kết tội tôi những điều luật mơ hồ như vậy tôi thấy không thuyết phục. Lời cuối cùng ảnh nói là :Tôi không hối tiếc gì cả. Bây giờ các vị xử tôi thì sau này các vị cũng bị xử như vậy vì bất công không chừa một ai cả".
Được biết, có khoảng năm, sáu Đại sứ quán của các nước quan tâm đến tình hình nhân quyền Việt Nam có cử đại diện vào tham gia phiên xử. Tuy nhiên, bà Kim Thanh cho biết có lẽ họ được bố trí vào phòng khác để theo dõi phiên xử qua màn hình chứ không thấy có mặt trong phòng xét xử.
"Họ kêu gọi rất là nhiều. Các Đại sứ quán cũng có tiếp chúng tôi. Ngày hôm ấy có đại diện Đại sứ quán Đức, Anh…nhưng họ ngồi ở đâu, chắc họ ở phòng khác theo dõi phiên xử qua màn hình chứ còn trong phòng xử rất nhỏ nên tôi không thấy người nào là người nước ngoài cả" - lời bà Kim Thanh.
Ngay sau bản án mà tòa án Hà Nội tuyên cho 6 thành viên của Hội Anh em dân chủ, rất nhiều tổ chức quốc tế, Đại sứ quán của các nước trên thế giới lên tiếng bày tỏ quan ngại tình hình nhân quyền Việt Nam qua việc kết án.
"Họ có lên tiếng. Theo tôi biết sau phiên xử thì các đại sứ quán Anh, Hoa Kỳ… có ra thông cáo để lên án bản án này" - Lời của bà Khánh.
Hàn Giang