Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ngày 4/11/2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì buổi họp công bố quyết định về việc thành lập Ban chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026 và Tổ giúp việc.

dang1

Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước tại hội trường Quốc hội hôm 23 tháng 10 năm 2018. AFP

Ban này do ông Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, sáu người khác gồm Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư ; Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương ; Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội ; Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ ; Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Tổ giúp việc gồm 12 người, do ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương làm Tổ trưởng.

Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Đình Cống, nguyên Trưởng khoa Xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nộ nói rằng ban này chỉ khác tên chứ không phải là ban mới :

Cái ban đấy thì vẫn thường có, cứ mỗi lần chuẩn bị đại hội đảng thì họ lại lập ra Ban chuẩn bị nhân sự, bây giờ gọi là Ban chỉ đạo quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Tôi thì tôi gọi là một ban quái gở.

Nhiệm vụ của ban này là để đi tìm những cán bộ rồi đưa vào danh sách để các đại hội bầu ủy viên trung ương, Bộ chính trị, và tất nhiên dự trù những cá nhân để bầu Bộ trưởng, Thủ tướng, Phó thủ tướng, Chủ tịch quốc hội. Ban này tìm người, lập danh sách rồi lên danh sách gọi là quy hoạch cán bộ. Ban này quyền hành to lắm đấy.

Đáng lẽ ai được bầu thì ra đại hội ứng cử, giới thiệu, tranh luận, tranh cử để được bầu. Ở đây là lên danh sách theo kiểu trước đây gọi là "đảng cử dân bầu". Bây giờ thì "đảng cử, đảng bầu". Mà cử là do ban quy hoạch này cử đấy. Coi như họ chọn trước. Ví dụ bầu ba người thì chọn trước 4, 5 người rồi đem ra bầu.

RFA : Một trong những yêu cầu chọn người được đưa ra là trình độ, hiểu biết phải tương đối toàn diện trên các lĩnh vực ; phải nắm chắc tình hình trong nước, quốc tế... và loại bỏ ngay những người có biểu hiện suy thoái. Giáo sư nghĩ sao về yêu cầu này ?

Nguyễn Đình Cống : Người ta nói thế thôi chứ thực chất là chọn người cùng phe cánh với họ, cùng chạy chọt với họ. Nói cho hay thì ai chả nói được. Họ nói là phải làm cho liêm khiết, cho tử tế, cho đúng đắn, phải chọn cho được người có tài có đức. Họ tạo ra địa chỉ để chạy chức chạy quyền. bây giờ ông nào muốn vào trung ương, ông nào muốn vào tứ bộ trưởng thì phải biết, phải đến gặp mấy người trong ban.

Hiện nay họ đưa ra một quyết định rất dở hơi rằng ra đại hội thì đại biểu không được giới thiệu người mà chỉ được bầu trong danh sách do cấp ủy cũ chuẩn bị. Cấp ủy cũ thì dựa vào danh sách của mấy ông trong Ban chỉ đạo quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Các ông này lựa chọn thay cho đại hội.

Phải loại bỏ ra khỏi danh sách những người biểu hiện suy thoái, thực ra là loại bỏ những người không ăn cánh với họ. mà muốn loại thì dễ lắm, chỉ cần sơ hở một câu nói nào đó thôi. Thực chất họ loại vì không ăn cánh, không phải trong phe nhóm. Việc tiêu cực là chắc chắn xảy ra.

RFA : Ban chỉ đạo chỉ đưa danh sách rồi ra đại hội sẽ bầu. Tức là cũng có bầu bán. Như vậy có dân chủ hay không, thưa Giáo sư ?

Nguyễn Đình Cống : Tôi thấy chẳng có dân chủ gì cả. Chỉ là dân chủ giả hiệu thôi, bởi mọi người chỉ được bầu trong danh sách chọn sẵn. Cách làm như thế này là hạn chế những người có uy tín, có năng lực, có tài năng nhưng không cùng phe cùng nhóm. Không chấp nhận ứng cử của những người mà họ cảm thấy họ đủ trình độ và năng lực. Nếu muốn được nằm trong danh sách bầu thì phải vào cho được cái quy hoạch của người ta.

Cách làm như thế này là một dạng độc tài độc đoán chứ chẳng dân chủ gì hết.

Người ta sẽ có mẹo, có cách để chọn người họ muốn. Ví dụ đưa ra danh sách 10 người để bầu ra 5 thì trong các buổi họp, người ta sẽ có cách vận động, thảo luận để nói nên bầu cho ai. Lúc ấy cũng có một chút gọi là "dân chủ", tức là được lựa chọn 5 trong 10 người. Họ không ép buộc vì nó rõ ràng quá, nhưng họ sẽ tìm cách vận động để hướng dẫn cho người bỏ phiếu.

RFA : Cám ơn Giáo sư đã dành thời gian cho RFA.

Nguồn : RFA, 06/11/2018

Published in Diễn đàn

Không ký lệnh công bố Luật An ninh mạng chủ tịch Quang sẽ có tiếng thơm để đời ?!

Năm 2015 nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã đưa ra Luật An Toàn Thông Tin Trên Mạng nhằm bảo vệ an toàn cho người xử dụng, an toàn cho dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin. Nói nôm na là an toàn kỷ thuật mạng.

Ngày 12 tháng 6 năm 2018 lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam ép quốc hội thông qua Luật An ninh mạng 2018 (an toàn nội dung) nhằm khóa miệng người dân hầu bảo vệ chế độ.

Tuy nhiên Luật An ninh mạng 2018 còn phải chờ Chủ tịch nước Trần Đại Quang ký lệnh công bố thì mới có hiệu lực thi hành.

Qua cuộc phỏng vấn của Nhà báo Trần Quang Thành, Giáo sư Nguyễn Đình Cống đã vạch trần sự thật về cái Luật An ninh mạng phản dân hại nước này và cho rằng nếu ông Trần Đại Quang không ký Lệnh công bố Luật An ninh mạng thì người dân sẽ ghi nhận công đóng góp của ông vào sự tiến bộ của đất nước.

Nội dung cuộc phỏng vấn như sau, mời quí vị cùng nghe :

Giáo sư Nguyễn Đình Cống trả lời phỏng vấn của nhà báo Trần Quang Thành

Trần Quang Thành thực hiện

Nguồn : Tiếng Dân Việt Media, 27/06/2018

Published in Video

I. Giới thiệu chương trình học                 

Đó là chương trình do Ban Tuyên giáo đưa ra, nhằm nâng cao nhận thức về lý luận chính trị và giáo dục đạo đức. Đối tượng học là đảng viên và cán bộ cơ sở của Đảng, cán bộ của Mặt trận cùng các đoàn thể và có thể mở rộng cho một số người dân.

hoc1

Chương trình học do ông Võ Văn Thưởng đề xuất cho các đảng viên và cán bộ cơ sở của Đảng, cán bộ của Mặt trận cùng các đoàn thể và có thể mở rộng cho một số người dân.

Nội dung gồm 6 vấn đề (Vấn đề : I, II… VI), mỗi vấn đề gồm một số chuyên đề (1 ; 2… 5)

Vấn đề I. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam

Chuyên đề 1. Cơ sở hình thành và phát triển Chủ nghĩa yêu nước.

Chuyên đề 2. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong lịch sử.

Chuyên đề 3. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới.

Chuyên đề 4. Giáo dục Chủ nghĩa yêu nước trong giai đoạn mới.

Vấn đề II. Giáo dục đạo đức cách mạng trong thời kỳ mới

Chuyên đề 1. Đạo đức và vai trò của đạo đức.

Chuyên đề 2. Truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam.

Chuyên đề 3. Tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Chuyên đề 4. Giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên trong thời kỳ mới.

Vấn đề III. Tư tưởng Hồ Chí Minh

Chuyên đề 1. Nguồn gốc, quá trình hình thành, phát triển của Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Chuyên đề 2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam.

Chuyên đề 3. Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân, nhà nước, đại đoàn kết.

Chuyên đề 4. Tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế, văn hóa, con người.

Chuyên đề 5. Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng.

Vấn đề IV. Vấn để tôn giáo và chính sách tôn giáo

Chuyên đề 1. Tôn giáo trong đời sống xã hội.

Chuyên đề 2. Tình hình tôn giáo ở Việt Nam.

Chuyên đề 3. Chính sách tôn giáo của Đảng.

Chuyên đề 4. Đảng viên với tín ngưỡng và tôn giáo.

Vấn đề V. Vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc

Chuyên đề 1. Vấn đề chung về dân tộc và quan hệ dân tộc.

Chuyên đề 2. Đặc điểm các dân tộc ở nước ta.

Chuyên đề 3. Công tác và chính sách dân tộc của Đảng.

Chuyên đề 4. Nhiệm vụ của tổ chức cơ sở Đảng.

Vấn đề VI. Hội nhập quốc tế

Chuyên đề 1. Quan điểm, chủ trương về hội nhập quốc tế.

Chuyên đề 2. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

Chuyên đề. Hội nhập quốc tế về văn hóa.

Chuyên đề 4. Hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh.

Việc mở lớp học do các Huyện ủy, Quận ủy thực hiện. Mỗi chuyên đề được trình bày trong 1 buổi, ngoài ra còn thảo luận, liên hệ, tham quan, viết thu hoạch. Mỗi Vấn đề được học trong thời gian 3 đến 3,5 ngày, học viên được cấp Giấy chứng nhận.

Để chuẩn bị, Nhà xuất bản Chính trị phát hành 6 cuốn sách, ứng với 6 Vấn đề. Ban Tuyên giáo soạn và phổ biến, mỗi Vấn đề có 2 loại hướng dẫn : thực hiện chương trình và chi tiết các chuyên đề. Giảng viên do Ban Tuyên giáo cấp huyện đề xuất và cấp ủy quyết định.

II. Vài nhận xét về nội dung

Mới xem qua thấy rất phong phú, nhưng ít thích hợp với đối tượng. Phần lớn kiến thức ở các chuyên đề đầu là thuộc dạng hàn lâm, it phù hợp cho trình độ phổ thông hoặc quá chung chung. Trình bày những kiến thức đó mà không hấp dẫn thì chỉ làm người nghe thêm chán. Gần hết nội dung cơ bản của mỗi Vấn đề lại là những điều đã trở nên quá bình thường, nhiều học viên đã biết rõ từ trước, nay bị đặt vào thế "biết rồi, khổ lắm, nói mãi". Đó là chưa kể một số nội dung do suy luận, bị áp đặt, không phản ảnh thực tế khách quan. Bị nhồi nhét những nội dung như thế làm cho nhận thức bị chây lì, lệch lạc, xa rời chân lý.

Về vấn đề Chủ nghĩa yêu nước. Phải chăng tôn giáo đã thấy được tình cảnh đất nước có thể bị rơi vào thời kỳ Bắc thuộc mới nên đã đưa yêu nước lên thành chủ nghĩa. Tuy vậy không đề cập gì đến nguy cơ trước mắt mất dần biển đảo và chủ quyền vào tay Tàu phù. Hơn nữa một vài nội dung là yêu Đảng chứ không hẳn là yêu nước, là áp đặt, khó được chấp nhận.

Về vấn đề đạo đức. Chủ yếu viết chung chung, một vài nhận định chưa chính xác, chưa chỉ ra đúng nguyên nhân gốc của suy thoái đạo đức. Giáo dục đạo đức lại chủ yếu là đạo đức Hồ Chí Minh, trùng lặp qúa nhiều.

Về Tư tưởng Hồ Chí Minh. Tuyệt đại đa số dân Việt biết về Tư tưởng Hồ Chí Minh thông qua tuyên truyền một chiều, rằng ông không những là một lãnh tụ cách mạng mà còn là một vị thánh. Có thể điều đó là phù hợp với thời gian xa xưa trước đây, còn bây giờ, khi thông tin đa chiều đã khá phổ biến, khi nhiều bí mật đã được công khai, mà vẫn giữ cách tuyên truyền áp đặt như cũ, thì may ra chỉ có thể làm thỏa mãn một số ít người cuồng tín, còn đại đa số sẽ càng mất tin tưởng.

Về vấn đề tôn giáo. Bản chất của cộng sản là dị ứng với tôn giáo. Chấp nhận tự do tôn giáo chỉ là thế buộc phải làm. Trình bày tôn giáo theo quan điểm duy vật là khá xa rời bản chất tâm linh của nó. Vừa qua Quốc hội thông qua Luật Tín ngưỡng và tôn giáo. Hội đồng Liên Tôn cho rằng Đảng đang đàn áp tôn giáo bằng cả luật pháp và hành động. Vậy nội dung của Vấn đề này ít phù hợp thực tế và khó thuyết phục được số đông có hiểu biết.

Về vấn để dân tộc. Viết nhiều về bình đẳng, về phát triển kinh tế, văn hóa, về sự quan tâm đến các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, trong lúc việc quan trọng và cấp thiết là sự hòa hợp dân tộc sau chiến tranh lại ít được bàn đến.

III. Vài điều bình luận

1. Nhận định chung

Thực trạng của đạo đức trong đảng đang suy thoái, có nguy cơ lớn đến sự tồn vong. Phải chăng tổ chức các lớp học như trên là cần thiết để cứu vớt sự tan rã về tư tưởng, sự yếu kém về nhận thức chính trị, để ngăn ngừa sự tự diễn biến trong nội bộ, để chống trả sự tấn công của các thế lực thù địch. Sự chuẩn bị là khá chu đáo. Thế thì tại sao dám có ý nghĩ là càng học càng bị tụt lùi.

Thưa rằng : Để việc dạy học làm phát triển và tích lũy được những phẩm chất tốt đẹp thì nội dung và phương pháp phải đúng, phù hợp, tiến bộ (hấp dẫn được càng tốt), người dạy và học đều có tinh thần say sưa và trách nhiệm cao. Nếu ngược lại, nội dung nhàm chán, lạc hậu hoặc không phù hợp thực tế, phương pháp áp đặt, gò bó, người dạy và học không say sưa, chỉ làm cho qua chuyện thì hiệu suất của dạy học rất thấp. Dạy và học như thế, với một số người, nói rằng càng học càng bị tụt lùi là còn nhẹ, nặng hơn là càng học càng lú lẫn, càng ngu muội, chỉ bị nhồi sọ hoặc tẩy não để trở thành công cụ và biết nói như vẹt. Kinh nghiệm hoạt động sư phạm hơn nửa thế kỷ qua cho tôi dự đoán về kết quả những lớp học nói trên như sau : Với Tuyên giáo và các tổ chức cơ sở của Đảng : Có được thành tích dổm để báo cáo và tuyên truyền. Với người học, phần lớn càng học càng xa rời thực tế và Chân, Thiện, Mỹ. Với xã hội, tạo ra sự lãng phí đáng kể.

2. Nhu cầu của việc học

Ban tôn giáo thấy rất cần mở các lớp học, nhưng liệu đảng viên và cán bộ cơ sở có thấy được, cảm nhận được đó là nhu cầu bức thiết không, hay là họ bị bắt đi học. Nếu học viên không có nhu cầu, không hứng thú, bị bắt buộc thì tại sao tôn giáo lại mở lớp. Ấy là vì duy ý chí, xa rời thực tế, thiếu trí tuệ / thiếu dũng khí để đánh giá đúng nguyên nhân gốc gây ra tình trạng suy thoái. Họ tưởng nhầm sự suy thoái chủ yếu do làm kém công tác tư tưởng mà không biết rằng chính vì Đảng đã phạm nhiều sai lầm.Trong những năm đầu của cách mạng, của chế độ, những lớp học chính trị như kể trên là đáng mong đợi, những cuộc chỉnh huấn là có tác dụng lớn về cải tạo tư tưởng, nhưng hiện nay không còn phù hợp. Hiện nay vẫn phải động viên tinh thần, vẫn phải làm công tác tư tưởng, nhưng phải tìm cách làm khác có hiệu quả. Tình hình đã thay đổi nhiều mà vẫn giữ cách làm không thích hợp thì chỉ có thất bại. Cuối đợt học thế nào chẳng có viết thu hoạch, có đánh giá kết quả. Chưa mở lớp cũng đã biết trước kết quả tốt đẹp. Liệu trong những thu hoạch, những đánh giá như vậy có bao nhiều phần là bịa đặt, dối trá.

3. Sự lãng phí

Khi huy động hết tất cả các đối tượng cần học theo quy định của tôn giáo thì số học viên là vài triệu. Nếu mỗi người đều học cả 6 Vấn đề thì phải mất nhiều chục triệu ngày công, tính thành tiền vào khoảng nhiều ngàn tỷ đồng, đó là chưa kể công sức và tiền của để chuẩn bị và phục vụ cho các lớp học. Khi bỏ ra công sức và tiền của lớn mà thu được kết quả mỹ mãn, làm cho tình trạng trở nên tốt hơn, có chuyển biến tích cực thì quá xứng đáng đồng tiến bát gạo. Nhưng như đã phân tích, các lớp học chỉ nặng về hình thức để tạo thành tích dổm, thế thì lợi bất cập hại là rõ ràng.

IV. Vài đề nghị

1. Nên làm cách khác

Để nâng cao tinh thần yêu nước, chấn hưng đạo đức, hòa hợp dân tộc và tôn giáo thì nên tìm cách làm khác có hiệu quả hơn là tổ chức các lớp học như trên. Sẽ vô ích và phản tác dụng khi một mặt dạy Chủ nghĩa yêu nước, mặt khác ngăn cản kỷ niệm các chiến sĩ hy sinh ở Vị Xuyên, ở Hoàng Sa, khủng bố người yêu nước dám thể hiện bất đồng quan điểm, khi một mặt kêu gọi đoàn kết lương giáo, mặt khác tổ chức ra Hội Cờ đỏ để quậy phá các Linh mục và giáo dân, khi một mặt nêu cao HTQT, mặt khác tổ chức mật vụ đến nước khác bắt người bất chấp luật pháp quốc tế v.v…

2. Nên học thứ khác

Đó là học kiến thức về nhân quyền, về tự do và dân chủ, về luật pháp, về cách người dân chống lại áp bức cường quyền, chống lại các oan sai, về đạo lý làm người lương thiện v.v…. Những điều này cơ bản được dạy trong các nhà trường, nhưng chưa đủ. Khi tôn giáo không thể hoặc không muốn dạy những thứ này thì hãy để cho các cá nhân, các tổ chức dân sự được tự do mở lớp. Vào Google và trên các trang mạng sẽ tìm được khá nhiều bài giảng rất hay.

3. Nên chấp nhận và tổ chức đối thoại

Tháng 5/2017 ông Võ Văn Thưởng đề xuất việc đối thoại giữa tôn giáo với những người bất đồng chính kiến để cùng nhau tiếp cận chân lý. Có tiếp cận được nó thì mới đề xuất được việc làm đúng, còn nhận thức sai thì càng tích cực bao nhiêu càng xa rời Chân Thiện Mỹ bấy nhiêu. Một số nội dung của 6 Vấn đề trên đây là không tiếp cận mà xa rời chân lý. Đã có một số người, trong đó có tôi, từng yêu cầu được đối thoại với Ban tôn giáo, với Hội đồng lý luận nhưng chưa được chấp nhận. Ban tôn giáo nên nghiên cứu để chấp nhận càng sớm càng tốt.

Nguyễn Đình Cống

Nguồn : Tiếng Dân, 08/01/2018

Published in Diễn đàn

Giáo sư Nguyễn Đình Cống trả lời phỏng vấn của nhà báo Trần Quang Thành

Hôm 15/11/2017, thay mặt  Bộ chính trị, ông Trần Quốc Vượng, thành viên thường trực Ban bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra trung ương Đảng cộng sản Việt Nam ký ban hành Quyết định 102 về xử lý vi phạm của đảng viên, trong đó qui định rằng những đảng viên cộng sản nào đề cập đến những vấn đề như là tam quyền phân lập, hay xã hội dân sự sẽ bị khai trừ ra khỏi đảng. Có thể nói đây là một đạo luật của đảng để quản lý hoạt động của đảng viên.

Có những điều trong Qui định này vượt quá khuôn khổ Hiến pháp và các văn bản nhà nước mà cũng do chính đảng đề ra. Ví dụ như vấn đề xã hội dân sự, tam quyền phân lập…

Cũng nên biết những cán bộ chủ chốt nắm quyền trong bộ máy nhà nước công sản đều là đảng viên đảng cộng sản. Vai trò của những cán bộ cao cấp này là thúc đẩy sự phát triển của xã hội và duy trì sự ổn định quốc gia. Khi thi hành quyết định 102, câu hỏi đặt ra phải giải thích như thế nào cho nhân dân rõ vai trò của đảng và nhà nước trong việc duy trì ổn định xã hội khi chính cán bộ nhà nước và đảng lạm quyền, tham nhũng, chiếm của công làm của riêng ? Khi cán bộ nhà nước vi phạm chính luật pháp do đảng ban hành, giải thích thích như thế nào về tam quyền phân lập giữa lập pháp-hành pháp-tư pháp ?

Xã hội dân sự là gì ? Đến nay chính quyền và đảng cộng sản cũng không giải thích rõ ràng. Đó là những tổ chức do nhà nước hay do người dân quản lý ? Đảng cộng sản thành lập những tổ chức vệ tinh như Mặt trận Tổ quốc, Hội phụ nữ, Câu lạc bộ cựu chiến binh, Hội Cờ đỏ… để bảo vệ đảng, trong khi người dân cần những tổ chức độc lập để phản ánh hay cung cấp những thông tin độc lập nhưng trung thực, khác với thông tin một chiều của đảng và nhà nước.

Người dân muốn được thông tin và giải thích một cách rõ ràng những  mâu thuẫn này.

Đề cập đến Qui định 102,  từ Hà Nội Giáo sư Nguyễn Đình Cống, cựu đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, trả lời phỏng vấn của nhà báo Trần Quang Thành.

Giáo sư Nguyễn Đình Cống vạch rõ "Qui định 102 thể hiện sự quá suy yếu của đầng cộng sản Việt Nam".

Nội dung như sau, mời quí vị cùng nghe :

Trần Quang Thành thực hiện

Nguồn : Tieng DanViet Media, 14/12/2017

Published in Video

1. Giới thiệu Quy định 102

Ngày 15/11/2017 Đảng cộng sản Việt Nam ban hành Quy định số 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Quy định này thay cho Quy định số 181-QĐ/TW ngày 30/3/2013. Về hình thức : Quy định 102 gồm 31 trang A4, tổng trên 2 vạn chữ, quá dài. Về nội dung, có 5 chương với 37 điều. 

quydinh1

Ngày 15/11/2017 Đảng cộng sản Việt Nam ban hành Quy định số 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.

Chương IQuy định chung (6 điều). 

Chương II. Các vi phạm về chính trị, tổ chức. Điều 7. Quan điểm chính trị. 8. Tập trung dân chủ. 9. Bầu cử. 10.Tuyên truyền, phát ngôn. 11. Tổ chức, cán bộ. 12. Bí mật. 

Chương III. Các vi phạm về chính sách, pháp luật. Điều 13. Phòng chống tội phạm. 14. Thanh tra, kiểm tra. 15. Khiếu nại tố cáo. 16. Tham nhũng lãng phí. 17. Đầu tư xây dựng. 18. Tài chính ngân hàng. 19. Nhân đạo từ thiện. 20. An sinh xã hội. 21. Đất đai, nhà ở. 22. Văn bằng chứng chỉ. 23. Lập hội, biểu tình. 24. Hôn nhân gia đình. 25 và 26. Kết hôn, quan hệ với người nước ngoài. 27. Kế hoạch hóa gia đình. 28. Đạo đức y tế. 

Chương IV. Các vi phạm vềđạo đức lối sống, tín ngưỡng tôn giáo. 29. Lãnh đạo điều hành. 30. Chức trách công vụ. 31. Tệ nạn xã hội. 32. Bạo lực gia đình. 33. Đạo đức, nếp sống. 34. Tín ngưỡng tôn giáo. 

Chương V. Điều khoản thi hành (3 điều).

Quy định 102 có hình thức và nội dung tương tự so với Quy định 181. Có thêm 1 điều về thời hiệu xử lý kỷ luật (điều 3). Mỗi điều của các chương II ; III ; IV có 3 mục 1 ; 2 ; 3 ứng với 3 mức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, (hoặc cách chức), khai trừ. Mỗi mục (1 ; 2 ; 3) lại có các tiểu mục a ; b ; …i, k, kể ra chi tiết các hành động, lời nói, ý nghĩ vi phạm kỷ luật.

Tôi chưa so sánh toàn bộ từng chi tiết của Quy định 102 và 181, chỉ xin lấy vài so sánh làm thí dụ : mấy chữ cuối tiểu mục a, mục 3, điều 8 Quy định 102 viết là "Đảng và dân tộc" thì ở Quy định 181 viết là "Đảng và nhân dân" (thay Nhân dân bằng Dân tộc), ở cuối mục 3 điều 8 của Quy định 102 là : "đơn vị nơi mình sinh hoạt", còn tương đương ở Quy định 181 là : "đơn vị nơi mình sinh hoạt, công tác" (bớt chữ công tác), ở cuối mục 3 điều 10 là "đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta", còn ở Quy định 181 là "đối với Đảng" (thêm Nhà nước và chế độ ta), hoặc như tiểu mục e và g. mục 3 điều 13 là chia đôi nội dung tiểu mục e của Quy định 181. V.v….

Tôi chỉ mới tập trung xem các vi phạm bị khai trừ (mục 3 trong các điều), vấn đề được nhiều người quan tâm. Thấy rằng Ở Quy định 102 thêm vào khá nhiều việc mà ở Quy định 181 chưa nói tới. Lấy dẫn chứng điều 7 Quy định 102, có 10 tiểu mục (a đến k) với khoảng 350 từ, tương đương của Quy định 181 có 6 tiểu mục (a đến e) với 174 từ.

Quy định 102 thêm vào các việc như là : "Phản bác nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ; đòi thực hiện thể chế ‘tam quyền phân lập’, ‘xã hội dân sự’, ‘đa nguyên, đa đảng’. Kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ. Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng. Tác động, lôi kéo, định hướng dư luận xã hội không theo đường lối của Đảng. Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang ; đòi ‘phi chính trị hóa’ quân đội và công an ; xuyên tạc đường lối quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân.Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, văn học – nghệ thuật. Sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật lệch lạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của Đảng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước".

Điều 8, có thêm : "Trả thù người góp ý, đấu tranh, phê bình, tố cáo hoặc người cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến vi phạm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân mình". 

Điều 16 thêm 7 tiểu mục (từ e đến m) về các vi phạm liên quan đến lợi dụng chức vụ để tham nhũng, trục lơi, Điều 18 thêm tiểu mục e về thông đồng với cấp dưới để tham nhũng. Điều 31 vẫn giữ nguyên 5 tiểu mục, nhưng nội dungg vê đánh bạc được chuyển từ tiểu mục a (QĐ181) xuống tiểu mục đ (QĐ102).

II. Vài lời bình luận

Đọc xong Quy định 102 tôi có một số nhận xét sau :

1. Sự quá suy yếu của Đảng cộng sản

Một tổ chức (hoặc xã hội) là vững chắc, mạnh mẽ khi các thành viên tự giác hiểu rõ và thực thi đúng đắn, đầy đủ nghĩa vụ của mình mà ít cần đến khen thưởng hoặc kỷ luật.

Đảng cộng sản Việt Nam đang mắc vào lỗi nặng. Một mặt khi đảng viên vi phạm luật pháp thì được tổ chức đảng bao che bằng Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 7/7/2007, mặt khác, trong nội bộ lại ban hành nhiều quy định quá rườm rà về kỷ luật. Năm 1988 có chỉ thị số 27-CTCT/TW ngày 4 tháng 2. Tiếp đến Quy định số 94/QĐ-TW ngày 25/10/2007, tiếp theo là 181-QĐ/TW ngày 30/3/2013, rồi đến Quy định 102. Trong Quy định 94 năm 2007 mới chỉ có 12 điều. Càng ngày quy định càng dài thêm.

Người ta nhầm tưởng ban hành Quy định kỷ luật đảng viên càng dài, càng chi tiết chứng tỏ sự nghiêm minh và sáng suốt của cấp trên. Không phải. Nghĩ như thế, làm như thế là vấp phải nhầm lẫn lớn. Đảng đã có điều lệ, trong đó viết khá rõ về kỷ luật đảng viên. Đối với một tổ chức có trí tuệ, vững mạnh, như thế là đủ. Tại sao Đảng cộng sản Việt Nam lại thấy chưa đủ. Phải ban hành thêm hết quy định này đến quy định khác chỉ với 1 nội dung xử lý kỷ luật đảng viên, rồi cảm thấy còn thiếu nên ban hành thêm 19 điều cấm.

Để thắt chặt một tổ chức, có 2 loại liên kết : bên trong và bên ngoài. Liên kết bên trong là chất keo, đó là lý tưởng, là đoàn kết. Liên kết bên ngoài là các dây buộc, đó là các điều cấm, các loại kỷ luật. Liên kết trong làm cho người ta yêu thương, tin cậy nhau. Liên kết ngoài làm người ta nghi kỵ nhau, đề phòng nhau. Đã không thể tạo lập liên kết trong mà phải nhờ cậy liên kết ngoài thì còn đâu là tổ chức vững mạnh, chỉ cần đứt một vài dây buộc là tất cả sẽ tung ra. Hiện trạng của đảng cộng sản bây giờ là không có cách gì tạo được liên kết trong rộng rãi. Đúng ra khi đã rơi vào trạng thái như vậy thì phải tìm cách thay đổi từ gốc, tìm một loại liên kết trong khác, phù hợp, nhưng lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam. Vì thiếu trí tuệ nên chỉ thấy liên kết ngoài, chỉ có thể dùng dây buộc mà không thể dùng keo.

2. Ẩn giấu sự thiếu lòng tin vào cấp dưới và đảng viên

Điều lệ đảng đã ghi rõ 3 hình thức kỷ luật, cách tự kiểm điểm và kiểm điểm tại chi bộ, thẩm quyền thi hành kỷ luật, báo cáo, quyết định, khiếu nại. Mặc dầu trong điều lệ không ghi rõ các lĩnh vực và mức độ vi phạm ứng với từng mức kỷ luật, nhưng mỗi đảng viên có trình độ bình thường đều hiểu được rằng mắc lỗi nhẹ thì chỉ phê bình, góp ý, mắc lỗi vừa thì khiển trách, nặng hơn thì cảnh cáo, quá nặng thì khai trừ. Như thế nào là nhẹ hoặc nặng thì tập thể chi bộ thảo luận trên từng sự việc cụ thể, nếu không thống nhất thì còn báo cáo cấp trên, nếu không thỏa đáng thì còn khiếu nại. Tôi nghĩ, chỉ trừ vài trường hợp quá đặc biệt, tuyệt đại đa số các chi bộ đủ trí tuệ để biết mức độ kỷ luật cần thiết cho từng trường hợp.

quydinh1

Tài liệu hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng và Quy định mới nhất những điều đảng viên không được làm - Ảnh minh họa

Nếu đã tin vào khả năng các cơ sở đảng có thể vận dụng điều lệ thì cần gì phải ban bố hết quy định này đến quy định khác với những hướng dẫn rất chi tiết. Chỉ vì cấp trên không tin. Họ nghĩ rằng nếu không được hướng dẫn thật chi tiết thì cấp dưới có thể không biết, làm sai, không bảo đảm tính nghiêm minh. Việc này còn che giấu thói kiêu ngạo, coi thường người khác.

Người ta cho rằng phải vạch ra cho đầy đủ mọi trường hợp, mọi tình huống. Nhưng trí tuệ một vài người làm sao bao quát được mọi chuyện có thế xẩy ra, chưa xẩy ra trong cuộc đời. Mà thực ra không nên làm như vậy, không thể làm như vậy. Để đề phòng chuyện này trong Quy định cũng có nêu : "Trường hợp đảng viên vi phạm những nội dung chưa có trong Quy định này thì căn cứ vào quy định của Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước và vận dụng Quy định này để xử lý kỷ luật cho phù hợp" (điều 1).

Đã có Điều lệ Đảng và Pháp luật Nhà nước thì cần gì phải thêm Quy định 102. Còn nữa : "Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc cần bổ sung, sửa đổi thì báo cáo để Bộ Chính trị xem xét, quyết định" (điều 37).

3. Thể hiện sự kém trí tuệ, làm một việc quá lãng phí

Đảng cộng sản Việt Nam từ một đảng làm cách mạng chuyển thành đảng cầm quyền. Điều này đòi hỏi phải thay đổi nhiều thứ để phù hợp với vai trò và nhiệm vụ mới. Nhưng lãnh đạo của đảng vẫn cố duy trì cung cách cũ nên gặp phải nhiều mâu thuẩn, phát sinh nhiều khó khăn. Để giải quyết các khó khăn và mâu thuần này lãnh đạo không nghĩ ra được điều gì hay mà lại không chịu nghe những góp ý chân thành. Đó chỉ là do họ muốn bảo vệ lợi ích cá nhân và nhóm

Nếu không vì lợi ích cá nhân và nhóm mà thật sự vì lợi ích của Đảng và của Dân tộc thì những người lãnh đạo nên và phải làm theo cách khác. Cách nào ? Cách mà phần lớn các nước đang thực hành có hiệu quả là dựa vào 3 nguồn : Kinh tế thị trường tự do, Chế độ dân chủ đa nguyên với tam quyền phân lập, Xã hội dân sự.

Lãnh đạo cứ tưởng ban hành Quy định 102 sẽ củng cố được kỷ luật, tăng cường đoàn kết. Không đâu, ngược lại thì có. Có thể các đảng viên sẽ dè dặt hơn trong phát ngôn và hành động, nhưng sẽ sôi sục hơn trong ý nghĩ. Các đảng viên sẽ đề phòng nhau, tỏ ra sợ sệt hơn. Sự kém trí tuệ còn thể hiện trong một số chỗ nhầm lẫn và trinh bày ngô nghê, mà phải phân tích kỹ mới thấy được.

Về trình bày : Tuy nêu ra nhiều chi tiết vi phạm thuộc nhiều lĩnh vực, nhưng nhiều việc vẫn ở dạng tù mù vì chỉ là định tính trong một khoảng rất rộng. Nhiều câu văn, nhiều nội dung trùng lặp hàng vài chục lần, quá nhàm chán.

Cứ cho rằng khi mà kỷ luật trong đảng đã quá rệu rã, nguy cơ tự diễn biến quá cấp bách, rất cần xiết chặt tổ chức thì phải ban hành Quy định về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm như là một giải pháp tình thế. Nếu thế thì việc gì phải ra Quy định 102 dài dòng, chỉ cần bổ sung và sửa chữa một chút Quy định 181 là được. Việc soạn thảo, ban hành Quy định 102 gây ra tốn kém không cần thiết. Hay Quy định 181 do một người khác ký, bây giờ người mới phải ký để tạo uy danh. Không phải thế đâu. Với những người hiểu biết thì họ xem việc đó như là một kiểu đạo văn.

4. Ẩn giấu sự run sợ

Ban hành Quy định 102, bên ngoài tỏ ra kiên quyết, nhưng bên trong ẩn giấu sự run sợ, thể hiện bởi tăng cường kỷ luật khai trừ đối với nhiều vi phạm vừa được thêm vào. Đó là những lời dọa dẫm những kẻ yếu bóng vía, là nắm giẻ bịt miệng những kẻ cầu an, nhưng là trò cười đối với người có bản lĩnh.

Các lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam quá tôn thờ nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nên đảng viên nào có ý phản bác là khai trừ ngay. Họ cũng quá thù hận thể chế ‘tam quyền phân lập’, ‘xã hội dân sự’, ‘đa nguyên, đa đảng’nên đảng viên nào dám đòi thực hiện thì phải khai trừ ngay. Họ cũng phải giữ cho được sự toàn trị, phải nắm thật chắc lực lượng vũ trang và báo chí, văn học, nghệ thuật, đảng viên nào nghi ngờ đến sự lãnh đạo trong 2 lĩnh vực đó phải khai trừ ngay.

Thử hỏi tôn thờ những thứ độc hại và mơ hồ, thù hận những xu hướng tiến bộ mà đại đa số các nước văn minh theo đuổi thì liệu có tồn tại được lâu dài. Chắc họ biết dư luận cho rằng khó có thế lực bên ngoài đánh đổ được cộng sản, mà cộng sản chỉ bị sụp đổ từ bên trong. Họ quá lo sợ cái thế lực bên trong ầy nên tìm cách tận diệt. Nhưng diệt thế nào được lực lượng phát sinh và phát triển theo đúng quy luật.

5. Ra oai và lên gân

Những vi phạm về tham nhũng, lảng phí viết ở điều 16. Điều này được bổ sung nhiều tiểu mục, kể ra rất nhiều hành vi, nhưng xem ra chỉ là đánh trống và hô khẩu hiệu. Việc chống tham nhũng và lãng phí ở dạng "đả hổ" tuy có làm dăm ba vụ nhưng hiệu quả chưa rõ ràng, còn loại ruồi nhặng tràn lan khắp nơi thì vài chục cái Quy định 102 chẳng làm gì được.

III. Nhận xét chung

Toàn bộ tinh thần, nội dung và văn bản của Quy định 102 thể hiện một trình độ trí tuệ quá thấp, có cái nhìn thiển cận, sự bảo thủ nặng nề, sự độc đoán lên tột đỉnh, sự quẩy đạp trong hấp hối. Rồi cũng sẽ giống như số phận của nhiều quyết định hoặc nghị quyết khác, tốn nhiều công sức và giấy mực để làm ra, tốn nhiều thời gian và công sức để phổ biến và quán triệt, nhưng rồi chẳng mang lại được nhiều kết quả tích cực, sẽ là lợi ít hại nhiều.

Để cứu vớt phần nào uy tín và danh dự của Đảng thì phải có những cải cách triệt để chứ không phải bằng cách tạo ra nhiều nghị quyết hoặc quyết định có giá trị quá thấp, mà lại cứ nhầm tưởng là kết quả của đỉnh cao trí tuệ.

Nguyễn Đình Cống

Nguồn : Tiếng Dân, 09/12/2017

Published in Diễn đàn

Vừa qua Bauxitvn và Báo Tiếng Dân đăng bài "Giá lúc này có được tầm nhìn và bản lĩnh Sáu Dân " của Giáo sư Tương Lai, nhân kỷ niệm lần 95 ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

vvk1

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong lần về thăm và làm việc tại Cà Mau. Ảnh : internet

Sau khi đọc kỹ bài viết, tôi tìm nghiên cứu lại bức thư nổi tiếng của ông Kiệt gửi Bộ Chính trị năm 1995. Tôi không có dịp gặp gỡ, trao đổi ý kiến với ông, chỉ biết cố Thủ tướng qua những việc làm, bài viết của ông, và qua các bài viết về ông. Vì vậy những điều tôi trình bày sau đây, một phần dựa vào các thông tin có hạn, phần khác dựa vào cảm nhận. Nếu nó đúng được chút nào mong được chia sẻ, nếu có chỗ nào chưa chính xác, mong được các vị hiểu rõ hơn, giúp cải chính.

Tôi thấy trong hàng ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao của Nhà nước, ông Võ Văn Kiệt là một trong những người xuất sắc, có nhân cách và phẩm giá rất tốt. Sẽ là phúc lớn cho đất nước, dân tộc khi có được nhiều người như ông và những người như thế liên kết được lại với nhau để tạo thành sức mạnh tổng hợp của trí tuệ và lòng nhân ái. Tiếc thay, đó chỉ mới là mơ ước.

Trí tuệ, sự dũng cảm, lòng nhân ái, sự bao dung của ông Sáu Dân-Võ Văn Kiệt đã được viết nhiều, đặc biệt là những bài của các anh Tương Lai, Nguyễn Trung, Việt Phương, tôi xin không nhắc lại, tôi tin vào sự trung thực của những trí thức chân chính. Tôi chỉ muốn nêu một ý có tính cách phản biện để cùng nhau suy nghĩ.

Ông Kiệt là người yêu nước thương dân, có trí tuệ, tính trung thực và lòng dũng cảm. Ông đem theo những đức tính tốt đẹp ấy khi vào đảng. Là đảng viên, ông trung thành với Đảng, với chủ nghĩa Mác Lênin, với con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ông nghĩ rằng sự lãnh đạo duy nhất của Đảng cộng sản Việt Nam là một trong những điều kiện tiên quyết để giữ vững độc lập, để mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Ông hơi khác với những người như Hoàng Minh Chính, Trần Độ, Trần Xuân Bách, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Kiến Giang v.v… Những người đó đã thấy rõ cái sai từ gốc của chủ nghĩa Mác Lênin. Còn ông chỉ mới thấy rất rõ những sai lầm của Đảng trong đường lối kinh tế, trong tổ chức và làm việc của hệ thống chính quyền, trong nhận định về tình hình thế giới v.v… Những sai lầm, những bất cập của Đảng do ông nêu ra đều rất đúng, nhưng ông mới chỉ dừng lại ở nguyên nhân gần, rõ ràng. Ông chưa truy nguyên đến tận gốc là sự độc tài toàn trị của Đảng theo đường lối vô sản chuyên chính của chủ nghĩa Mác Lênin. Vì vậy những ý kiến đề xuất của ông về hình thức là hay, là đúng, nhưng chưa chạm đến cái gốc, cái cốt lõi, vì thế nghe thì hay mà Bộ Chính trị không thể làm theo, và nếu có làm theo được thì cũng chỉ như mới chữa bệnh ngoài da.

Trong thời gian làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như ở cương vị cao tại Chính phủ, ông Kiệt đã làm được nhiều việc tốt, ích quốc lợi dân, thể hiện tầm nhìn sáng suốt và bản lĩnh cao cường. Tầm nhìn ấy, bản lĩnh ấy được đánh giá cao so với nhiều lãnh đạo khác của Đảng. Tuy vậy nó vẫn bị hạn chế bởi ý thức hệ, bởi nhận thức nhầm về chủ nghĩa Mác Lênin. Bài viết của Giáo sư Tương Lai cho rằng, trong giai đoạn "Thế nước chông chênh… Trĩu nặng nỗi lo đất nước trước nanh vuốt của kẻ thù… thế nước chưa bao giờ lâm vào tình cảnh ngặt nghèo như hiện nay…". 

Giáo sư viết tiếp : "Và rồi, hôm nay ….những người yêu mến và thương nhớ ông lại nhắc đến cái điệp khúc ‘Giá như lúc này có ông Sáu Dân’, một điệp khúc như cứa vào gan ruột chúng ta khi cùng ngồi lại tưởng nhớ đến một người thuộc về loại người xưa nay hiếm".

Vì quá thương tiếc và cảm phục mà những người yêu mến thốt ra "Giá như lúc này có ông Sáu Dân". Đó là tình cảm chân thành, rất đáng trân quý, nhưng nhận định có lẽ hơi ảo tưởng. Phải chăng có ông Sáu Dân thì tình hình sẽ sáng sủa hơn. Tôi nghĩ, nếu có ông Sáu Dân thì có thêm một ngọn nến hoặc một ngọn đuốc thắp lên trong đêm để cùng hàng vạn, hàng triệu ngọn nến khác xua tan từng mảng bóng tối chứ cũng chưa đủ sức xoay chuyển tình thế.

Tôi không biết vào cuối đời có lúc nào ông Kiệt nhận thức được cái gốc gác của mọi sai lầm nằm ở chủ nghĩa Mác Lênin hay không. Có lần đọc bài của Giáo sư Tương Lai thấy ông Kiệt có nghĩ đến việc lập một đảng mới. Nhưng nếu vẫn lập đảng theo đường lối chủ nghĩa Mác Lênin thì cũng không giải quyết được chuyện gì. Có lập đảng mới thì phải là một đảng chính trị không theo chủ nghĩa Mác Lênin.

Càng ngày Đảng cộng sản Việt Nam càng lộ rõ bản chất dối trá và tàn bạo. Để cứu nước, cần phải có đổi mới về chính trị, phải thay đổi độc tài toàn trị bằng thể chế dân chủ với tam quyền phân lập. Ông Võ Văn Kiệt hình như chưa nghĩ đến chuyện này. Khi viết thư gửi Bộ Chính trị vào tháng 8/1995 ông đang là Thủ tướng chính phủ, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, dưới thời Tổng bí thư Đỗ Mười. Nhận xét rằng, lúc đương quyền cao chức trọng như thế mà ông buộc phải viết thư thì mới thấy tình thế éo le như thế nào. Ngoài việc ông Kiệt trung thành với chủ nghĩa Mác Lênin, tôi còn cảm nhận ông là người cán bộ rất giỏi trong phạm vi quyền hạn và tổ chức có sẵn. Ông chưa có cái nhìn vượt ra xa ngoài phạm vi đó. Nhưng hiện nay đất nước đang cần người thoát ra khỏi chủ nghĩa Mác Lênin và hoạt động để tạo ra tổ chức.

Thương tiếc Võ Văn Kiệt như một người con ưu tú của dân tộc, nhưng cũng nên thấy mặt hạn chế của ông vì khó thoát ra khỏi hoàn cảnh trớ trêu của lịch sử.

Nguyễn Đình Cống

Nguồn : Tiếng Dân, 28/11/2017

Published in Diễn đàn

Về hoạt động của Hội Cờ Đỏ tôi chỉ mới được tiếp xúc qua thông tin, rằng mục đích công khai của Hội là nhằm : "bảo vệ an ninh Trung Quốc". Nếu đúng như thế thì tôi cho là Hội đã đập gậy vào lưng đảng cộng sản. Tôi đem ý đó trao đổi với bạn bè, có người phản bác, cho rằng không phải kiểu gậy ông đập vào lưng ông, mà là đánh một cái tát trời giáng vào bộ mặt nhem nhuốc của Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là ngay trước cuộc Hội nghị của APEC vào đầu tháng 11/2017 tại Đà Nẵng. Tại sao vậy ?

codo0

Liên Minh Hội Cờ Đỏ là một dạng kiêu binh thời cộng sản. Ảnh : internet

Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ Việt Nam vẫn tuyên truyền rằng Việt Nam, có sự ổn định chính trị vững chắc. Số 1 của ổn định chính trị là sự an ninh. Gìn giữ an ninh là nhiệm vụ hàng đầu của Công an. Việt Nam lại là nước có lực lượng công an đông đúc, mạnh mẽ, nhiều kinh nghiệm. Tính trên số dân thì công an Việt Nam hùng hậu nhất thế giới. Ngoài ra Quân đội Nhân dân cũng nhiều lúc được huy động vào việc bảo vệ an ninh. Không những thế, lực lượng đảng viên, cơ sở Đảng có khắp nơi.

Một đất nước ổn định, lại có lực lượng công an hùng hậu, có đảng viên khắp nơi, thế mà nhân dân còn tự phát đứng ra lập Hội để bảo vệ an ninh Tổ quốc. Rồi Hội ở các nơi họp lại thành Liên minh. Đối với người dân bình thường trong nước cũng như các Chính phủ và dân nước ngoài có quan tâm đến tình hình Việt Nam, sẽ hỏi : Điều gì xảy ra vậy ? Việt Nam bị loạn quá rồi hay sao ? Tại sao lại trống giong cờ mở để ra quân, lại có một số hoạt động ném đá lên mái nhà dân vào ban đêm. Phải chăng những người dân là đối tượng của Hội đã làm mất an ninh. Nếu họ làm mất an ninh thì công an ở đâu, luật pháp để đâu mà để hội quần chúng phải ra tay. Hay là như có nhận xét : Việt Nam có nhiều luật nhưng chỉ thích dùng một luật rừng.

Xin các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước hãy đứng ra xa mà nhìn vào, đứng trên cao mà nhìn xuống, hãy đặt mình là người nước ngoài tử tế, để xem hoạt động của Hội Cờ Đỏ hay dở như thế nào. Xin các vị hãy sờ lưng, sờ mặt xem có bị đau, bị rát, bị sưng chỗ nào không.

Nhân Quốc hội đang họp, cũng nên có Đại biểu nào tìm hiểu và chất vấn xem sao. Xin nhắc các vị câu triết lý của Ba Tư cổ rất có giá trị : "Định làm việc gì phải thấy cho hết những điều hại mà nó có thể mang lại". Chỉ có những kẻ quá tham và quá ngu mới làm liều để đạt một chút lợi nhỏ trước mắt, để thỏa mãn một chút tự ái hoặc bị bế tắc.

Nguyễn Đình Cống

Nguồn : Tiếng Dân, 02/11/2017

Published in Diễn đàn

Phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Đình Cống

Ngày 4/8/2017 vừa qua, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đã ký ban hành Quy định số 90-QĐ/TW. Nội dung quy định này nêu lên những tiêu chuẩn lựa chọn các chức danh Tứ trụ triều đình – Các tiêu chí đánh giá cán bộ.

Trong dư luận xã hội đang có những đánh giá khác nhau về quy định này. Nhiều người cho rằng đây là môt quy định đen tối nhằm mục đích thâu tóm quyền lực trước hội nghị trung ương 6 của Đảng Cộng sản Việt Na. Nó cũng phản ánh những bất ổn trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam.

Từ Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Đình Cống đã trả lời phỏng vấn của nhà báo Trần Quang Thành về nội dung Quy định 90:

Trần Quang Thành thực hiện

Nguồn : Tieng DanViet Media, 23/08/2017

Published in Video

Phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Đình Cống, 07/08/2017

Trần Quang Thành thực hiện

Nguồn : Tieng DanViet Media, 07/08/2017

Published in Video

Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, tưởng là thắng lợi to, không ngờ mang lại nhiều tai họa lớn vì đã va đầu vào lũy thép Nhân quyền và Pháp trị của nước Đức, làm cho mặt mày xây xát, gan ruột rối bời.

kesach1

Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã va đầu vào lũy thép Nhân quyền và Pháp trị của nước Đức

Nguyên nhân sâu xa là thói kiêu ngạo cộng sản. Nguyên nhân gần là sự nóng vội muốn lập công với thói quen coi thường và dẫm đạp lên luật pháp, với nhầm lẫn tai hại giữa mưu mô xảo quyệt với trí thông minh. Bây giờ biết làm sao đây để thoát ra được mớ bòng bong làm rối trí nhiều người. Thấm nhuần câu "Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách" tôi cố suy nghĩ, tìm 3 kế sách, xin nêu ra để mọi người tham khảo.

1. Thượng sách :

Khôn ngoan chẳng lọ thật thà. Đó tà tổng kết của Tổ tiên truyền đời cho con cháu. Lỡ dại rồi thì nhận đi. Người ta đánh kẻ chạy đi, mấy ai đánh người chạy lại. Ai là người đề xướng kế hoạch này, ai là người cao nhất quyết định thì hãy tự thú một cách chân thật. Ai là người thực hiện thì hãy trình bày đúng, không giấu giếm, không bịa đặt. Thế rồi mỗi người tự nhận hình phạt từ mức cao nhất là tự xử đến từ chức, tự nộp mình cho tòa án Đức xét xử.

Trên cơ sở đó Chính phủ ra tuyên bố nhận lỗi với Chính phủ và nhân dân Đức, nhận lỗi với nhân dân Việt nam, trả lại Trịnh Xuân Thanh nguyên vẹn theo yêu cầu của Đức, thề từ nay trở đi không dùng mưu ma chước quỷ, không dối trá, không đẫm đạp lên luật pháp.

Làm được như vậy sẽ phần nào lấy lại được lòng tin và uy tín. Việc làm sao để xét xử được Trịnh Xuân Thanh và đồng bọn sẽ nghĩ cách khác.

2. Trung sách :

Lê Lai cứu chúa. Đó là việc thí tướng để giữ mạng vua. Sách này Khổng Minh và Tào Tháo đều đã dùng.

Các lãnh đạo cao nhất chối bỏ trách nhiệm vì không biết (dựa vào câu ông Tô Lâm nói ngày 30/7 : tôi không biết), đổ riệt cho cấp dưới, dùng hình phạt nặng vài cán bộ cấp dưới. Về đối ngoại, trao trả Trịnh Xuân Thanh và chân thành xin lỗi Đức.

Làm như thế là một cách " rút củi đáy nồi", tạm dẹp yên sóng gió, nhưng về lâu dài e không bưng bít được sự thật, không khắc phục được tính kiêu ngạo và coi thường pháp luật của thói quen cộng sản.

3. Hạ sách :

Bịt tai đánh trống (hoặc Hãy nói theo cách của bạn). Đó là việc Đức nói gì mặc họ, ta cứ nói theo cách của ta, kiên trì chủ thuyết : Trịnh Xuân Thanh tự thú, không có chuyện bắt cóc, bắt nhái gì ở đây cả. Cứ kiên trì đường lối ban đầu, miễn sao lừa bịp được một số người. Thế rối để cho : " Trời mưa đất chịu".

Chính quyền cộng sản Việt Nam đã mang tiếng nhiều rồi về thói dối trá, lật lọng, tráo trở, nay thêm một vụ này nữa cũng chưa đến nỗi làm cho lãnh đạo mất quyền và lợi. Mọi tai họa sẽ đổ lên đầu nhân dân. Nhân dân đã chịu đựng nhiều, nay chịu thêm một chút chẳng sao, rồi lâu ngày sẽ quên đi. Sách này dễ làm hơn cả, thích hợp với bản chất cộng sản hơn cả và sẽ tich lũy dần những năng lượng làm sụp đổ chế độ.

Ý kiến cuối cùng :

Sau khi đề ra 3 sách lược như trên tôi thấy vẫn chưa đủ, nhưng đề ra thêm nữa e sẽ bị loạn. Cho rằng các sách trên mang ký hiệu 1.0 ; 2.0 ; 3.0. Hy vọng sẽ có người khác đề ra các phiên bản tiếp theo 1.1 ; 1.2…..3.1 ; 3.2 v.v…hoặc các sách lược hoàn toàn mới, khác với các sách trên, để giúp những người có trách nhiệm rộng đường tham khảo và lựa chọn.

Nguyễn Đình Cống

(06/08/2017)

Published in Diễn đàn