Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nước Việt theo truyền thống tôn sư trọng đạo, không phải đến giờ nhà giáo mới có ngày được tôn vinh. Nhưng từ khi có Ngày 20/11, nghề giáo đã mất nhiều giá trị, nhà giáo bị gánh thêm nhiều gánh nặng, ràng buộc trong cả ngoài nghề nghiệp. Những lẵng hoa sặc sỡ chỉ trong ngày 20/11 không che lấp nỗi bóng đen ảm đạm đeo đẳng nhà giáo suốt 364 ngày còn lại trong năm.

ngaynhagiao1

Một lớp học ở vùng sâu, vùng xa phía tây các tỉnh duyên hải miền Trung - Ảnh minh họa

Ông cha ta có ngày nhà giáo không ? Phải chăng từ ngày được đảng quan tâm, mới có ngày nhà giáo ? Xin thưa từ lâu lắm rồi dân gian có câu "Mồng một tết cha, mồng hai tết vợ, mồng ba tết thầy". Ngày nhà giáo của ông cha ta được đặt định ngay trong dịp tết nguyên đán, khoảng thời gian tinh khiết và long trọng nhất của năm. Đó không phải câu nói suông mà đã là tục lệ. Không cần ai phát động, không cần báo đài đưa tin, không có băng cờ khẩu hiệu, người ta thực hành nghiêm cẩn đạo nghĩa, tình nghĩa thầy trò một cách tự nhiên. Tới bây giờ vẫn còn không hiếm học trò xưa đi viếng tết thầy cũ dịp mồng ba tết. Bạn bè tôi, những cựu giáo chức thế hệ U70, U80 vẫn giữ nếp ở nhà suốt ngày mồng ba tết vì ngại học trò đến thăm mà không có mặt. Đi tết thầy cô, chúc tết thầy cô ngày tết mồng ba gói trà, miếng bánh chừng như tự nhiên, ấm áp hơn là lễ lạc đông người nơi công sở.

Ngay trong nội dung chương trình giáo dục trước khi được đảng lãnh đạo có những mẫu chuyện, bài học về tình nghĩa thầy trò rất chân thực và thuyết phục.

Ngay trong sách tập đọc lớp vỡ lòng, sau câu ca dao ngắn công cha như núi Thái Sơn… học trò được học bài thuộc lòng Ông Thầy Đầu Tiên :

Trẻ còn ngu dại biết chi

Nhờ thầy chỉ dạy khắc ghi trong lòng

Mở mang trí hóa cho thông

Cầm tay sửa miệng cái công dẫy đầy.

Nhờ ai ta được thế này

Ta nên nhớ lấy ông Thầy đầu tiên.

Ở lớp lớn hơn, trẻ được đọc chuyện ông Carnot thành đạt về trường thăm thầy cũ vẫn cúi đầu lễ phép : "Thưa thầy con là Carnot, là học trò cũ của thầy đây !", đơn giản nhưng thấm vào lòng người. Truyền thuyết về Đầm Mực nêu tấm gương con thuồng luồng vì cái nghĩa với thầy Chu Văn An dám trái mệnh trời làm mưa phải trả giá bằng tính mạng của mình thật thấm thía.

Không chỉ là truyền thuyết, sách vở, cách đây trên 100 năm ở Miền Nam có rất nhiều câu chuyện thật về đạo nghĩa thầy trò càng là bài học đáng nêu gương. Anh học trò ở Cần Giuộc dâng em gái làm vợ ông thầy mù Nguyễn Đình Chiểu. Kết quả cuộc hôn nhân hiếu nghĩa này là nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, người phụ nữ Việt đầu tiên làm chủ báo và lại khai sinh tờ Nữ Giới Chung tờ báo Việt đầu tiên dành cho nữ giới.

Cụ Phan Thanh Giản dời mộ vị đại sư Võ Trường Toản từ Gia Định về Ba Tri, Bến Tre, không để hài cốt thầy nằm trong vùng đất bị Pháp chiếm. Đến lượt mình cũng gửi xác ở đây để lại cho Ba Tri một quần thể di tích lịch sử ba lăng mộ nằm kề Nguyễn Đình Chiểu, Phan Thanh Giản, Võ Trường Toản.

Thế hệ kế tiếp đến lượt Tống Hữu Định và những học trò trí thức Tây học Nam Kỳ đầu thế kỷ 20 dù không học chữ Hán từ các vị nho gia Phan Thanh Giản, Võ Trường Toản nhưng vẫn đóng góp của tiền trùng tu Văn Thánh Miếu Vĩnh Long lập ban thờ các vị này trong Thơ Lầu và còn gọi là Văn Xương Các còn kiên cố đến ngày nay (1).

Trong thời phong kiến, theo quy củ của Khổng Giáo, thứ bậc xã hội phải tôn trọng là Quân, Sư, Phụ. "Tước hữu ngủ sĩ cư kỳ liệt, dân hữu tứ sĩ vi chi tiên !" - Nguyễn Công Trứ. Nghề giáo, kẻ sĩ nằm trong 5 tước và đứng đầu tứ dân. Từ thời Pháp thuộc đến Việt Nam Cộng hòa, thầy giáo là công chức được bổ nhiệm theo ngành dọc không lệ thuộc vào chính quyền địa phương về hành chính, chính trị, nghiệp vụ. Trường không có kế toán, thủ quỹ, lương do nhân viên từ Ty phát thẳng cho giáo viên.

Không có ngày 20/11 để tôn vinh nghề giáo, thầy cô giáo nhưng tiêu chuẩn tuyển sinh vào Đại học Sư Phạm rất khắt khe, hồ sơ thi vào Sư Phạm phải có chứng chỉ đại cương Văn Khoa hoặc Khoa Học tương thích với ngành đăng ký.

Giáo sư Trung học đệ nhị cấp tức giáo viên trung học phổ thông bây giờ được bổ nhiệm theo nghị định của Bộ Giáo Dục. Ngạch lương của giáo sư đệ nhị cấp cao hơn đốc sự hành chính (phó quận, phó tỉnh, phó ty) khoảng 20%. Thầy giáo không phải là nhân dân cũng không phải nhân viên của ông quận. Chính quyền tôn trọng họ như một loại nhân sĩ. Không có chuyện Ủy Ban, Phòng Giáo Dục điều nữ giáo viên đi tiếp bia cho quan khách như những cô gái bia ôm.

Ở trường tôi học, ông Quận cùng đội bóng chuyền của đại đội hành chính quận đấu giao hữu với đội của trường. Khi ông quận chơi banh bị lỗi vẫn bị trọng tài thầy giáo hay học trò thổi còi phải nín khe chấp nhận chứ không dám lớn tiếng thách thức mày có biết bố mày là ai không !

Hiệu trưởng chỉ có vai trò điều hành công việc của nhà trường chứ không phải là ông vua toàn quyền sinh sát như bây giờ. Muốn khiển trách, kỷ luật, thuyên chuyển thầy cô trong trường, hiệu trưởng cứ làm hồ sơ báo cáo lên đến Bộ xem xét quyết định. Người thầy tư do trong không gian của chương trình giáo dục khai phóng. Tự do giảng dạy, tự do chấm điểm học sinh không phải chịu áp lực về thành tích, tỉ lệ lên lớp, tỉ lệ tốt nghiệp, tỉ lệ khá giỏi. Một giai thoại được nhiều người bàn tán hoàn toàn không phải nịnh nọt. Giáo sư Phạm Biểu Tâm thẳng thắng lắc đầu khi có người gợi ý nâng điểm cho Ngô Đình Lệ Thủy, trưởng nữ của Cố vấn Ngô Đình Nhu, nhưng hoạn lộ của ông thầy này chẳng mảy may suy suyển. Không ai cấm nhưng cũng không có chuyện thầy giáo dạy thêm thu học phí.

Quan hệ thầy trò, quan hệ đồng nghiệp, quan hệ với phụ huynh, hoàn toàn trong suốt vì mục tiêu giáo dục, không có sự chen lấn của đồng tiền, lợi ích chính trị, lợi ích thân hữu.

Ngựa chứng trong sân trường, tiểu thuyết của Duyên Anh gây tranh cãi thời đó chỉ là chuyện một học sinh bướng bỉnh về tính cách ở độ tuổi dậy thì chứ chưa đến mức vô lễ, càng không có chuyện học trò, phụ huynh hành hung thầy cô giáo hay ngược lại.

Vậy đó ! Không có Ngày Nhà Giáo nhưng cả thiết chế xã hội, guồng máy giáo dục và hệ thống luân lý tôn trọng người thầy, bảo đảm công việc dạy học không bị tì vết, áp lực.

Từ khi Đảng lãnh đạo cả nước, trong đó có ngành giáo dục, nghề giáo có ngày 20/11 để diễn tuồng tặng hoa hô khẩu hiệu nhưng thân phận nhà giáo hoàn toàn thay đổi. Những bài học kính trọng, yêu thương của học trò không có người thầy. Từ vỡ lòng trẻ được học thuộc lòng 5 điều Bác Hồ dạy Thiếu Niên Nhi Đồng "yêu tổ quốc, yêu đồng bào…".

Đó không phải khiếm khuyết của ngành giáo dục mà là mục tiêu của chế độ. Việc hạ thấp vai trò, giá trị của người thầy được thể hiện xuyên suốt từ tổ chức bộ máy ngành giáo dục trong guồng máy chung, các thiết chế xã hội.

ngaynhagiao2

Còn nhiều học sinh và giáo viên ở vùng sâu và vùng xa học tập trong điều kiện hết sức khó khăn.

Thầy cô giáo là loại viên chức hạng bét trong thang bậc xã hội và phải nhận lãnh nhiều công việc ngoài giáo dục. Theo phân cấp quản lý, trường cấp 1,2 thuộc xã, trường Trung học thuộc huyện, quận. Ông Chủ tịch, công an bà mặt trận đều có thể sai khiến, giao việc cho ông hiệu trưởng. Trường học trở thành bộ máy hành chính, chính trị với đủ thứ tổ chức đảng, đoàn, công đoàn, hội… thậm chí là đơn vị hành chính sự nghiệp có thu với hầm bà lằng các loại phí. Dù muốn hay không muốn, ông hiệu trưởng cũng trở thành một lãnh chúa với đủ thứ quyền hạn, trách nhiệm với địa phương, với ngành dọc cấp trên nào là trách nhiệm đóng góp xây dựng địa phương, thành tích thi đua thậm chí là trách nhiệm nâng điểm, chạy trường cho con cái quan chức, bán bảo hiểm y tế… Vụ án "hiệu trưởng mua trinh học trò" : Kiếm tiền trên thân xác học trò Sầm Đức Xương đâu phải là trường hợp duy nhất (2).

Thân phận giáo viên còn bèo bọt hơn. Họ là tay sai của Hiệu trưởng và bị trói chặt trong thể chế giáo dục được áp đặt từ trên mà không có chút tự do nào. Về chuyên môn, giáo viên phải dạy theo chương trình áp đặt từ bên trên với lịch tiến độ cứng nhắc theo khuôn mẫu chung cả nước. Họ phải gồng lưng chạy theo những quy định hành chính hình thức nào soạn giáo án, nào tập huấn nâng cao nào học tập chính trị, nào cập nhật kiến thức theo sự thay đổi xoành xoạch chương trình học.

Giáo viên phải chịu áp lực trực tiếp từ bao thứ chỉ tiêu học sinh lên lớp, học sinh khá giỏi… và cả những yêu cầu cá nhân của gia đình các học sinh có thế lực. Thậm chí giáo viên còn phải làm những việc hạ thấp nhân phẩm con người theo yêu cầu quan chức cấp trên. Một số giáo viên, các giáo viên cho biết Hiệu trưởng thường xuyên chỉ đạo một số giáo viên đi uống rượu, tiếp khách trong các buổi tiệc tại các đơn vị như : Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nam Tây Nguyên ; Đồn Biên phòng 11, 12 ; Ban quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ ; Chi cục Hải quan cửa khẩu Bu P’Răng ; Công an tỉnh trong và ngoài giờ hành chính, có cả thứ 7 và chủ nhật. (3)

Đó không phải là cá biệt ở một địa phương, cũng không phải bất thường, ông Lê Bá Thiềm, Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo thị xã Hồng Lĩnh Hà Tỉnh xác nhận : Có sự điều động này, có việc giáo viên nữ tham gia phục vụ tại các buổi lễ. "Chuyện đi tiếp khách là hoàn toàn trong sáng. Tuy nhiên, trong các bữa tiệc, rượu vô thì lời ra ; ai đó có một hành động không đẹp thì cũng là chuyện bình thường trong cuộc sống" (4).

Giáo viên trở thành thứ đầu sai phải thu đủ loại tiền từ học phí, sinh hoạt phí theo quy chế trường, các loại quỹ, bảo hiểm y tế…

Lương thấp không đủ sống, công việc chiếm nhiều thời gian, dạy thêm thật có thu phí để bổ sung kiến thức cho học trò là cách làm có lương tâm vẫn bị xã hội phê phán. Nhiều trường hợp biến tướng giáo viên xem học thêm là thủ thuật trấn lột học trò. Điểm số được tiền tệ hóa bằng học phí thậm chí bằng tình dục.

Trong bối cảnh như vậy làm sao có được tình thầy trò chân thực ? Trong mối quan hệ trên dưới phụ thuộc, bị áp lực bởi đồng tiền, quyền lực chính trị, quyền lợi về vật chất tinh thần là sao có sự tôn vinh kính trọng chân thành. Ngày 25/5/2023, cô Vũ Thị Kim Quy (giáo viên trường Trung học phổ thông Lê Duẩn) xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông bị cha học sinh L hành hung tại nhà riêng chỉ vì cô Quy hạ điểm hạnh kiểm của em L (5).

Không thể thống kê hết những vết đen trên phông màu lòe loẹt của Ngày Nhà Giáo. Một nền cai trị chuyên chế, dối trá tất yếu sản sinh ra nền giáo dục bệnh hoạn phi luân.

Gió Bấc

Nguồn : RFA, 20/11/2023

1. https://vinhlongtourist.vn/en/detailnews/ ?t=van-thanh-mieu-di-tich-lich-...

2. https://thanhnien.vn/vu-an-hieu-truong-mua-trinh-hoc-tro-kiem-tien-tren-...

3. https://nld.com.vn/thoi-su/vu-hieu-truong-dieu-giao-vien-di-tiep-khach-n...

4. https://dantri.com.vn/giao-duc/dieu-dong-giao-vien-nu-di-tiep-khach-chuy...

5. https://plo.vn/giao-vien-chu-nhiem-bi-phu-huynh-hanh-hung-tai-nha-rieng-post735023.html

Additional Info

  • Author Gió Bấc
Published in Diễn đàn

Ngày nhà giáo, nói về những ông thầy đặc biệt

Trương Duy Nhất, 19/11/2018

Biết rằng 20/11, nhưng không thể không nói. Xin lỗi quý cô thầy.

deu1

Bộ trưởng ngọng :

Vẫn cần những bông hoa cho nhà giáo hôm nay. Nhiều thầy cô đáng được như thế. Nhưng có một người, ít nhất một người không đáng, đó là ông Nhạ, Phùng Xuân Nhạ bộ trưởng.

Người đứng chót bảng tín nhiệm qua cuộc bỏ phiếu gần nhất của quốc hội. Người tạo ra quá nhiều hệ quả bê bết và điều tiếng cho giáo dục nửa nhiệm kỳ qua.

Lịch sử, chưa thời nào giáo dục Việt đụng một bộ trưởng tệ hại, phi giáo dục và phản văn hoá thế.

Một bộ trưởng từ cách ngồi, dáng đứng chẳng khác kẻ du côn. Một bộ trưởng đánh vần đến trẹo mồm không ra nổi chữ "nồn". Một bộ trưởng tự duyệt phong hàm giáo sư cho chính mình.

Những chính khách giáo sư và hiện tượng nhà giáo vô giáo :

Ai thống kê cho tôi, hiện bao nhiêu vị mang hàm giáo sư, phó giáo sư nhưng "mất dạy", tức không còn hoặc chưa từng giảng dạy ?

Nhiều lắm.

Thế gian, chẳng đâu như nước Việt mình, một ông Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng hàm giáo sư. Bộ trưởng công an cũng giáo sư. Rồi la liệt những chính khách khác, những quan chức chính phủ, địa phương không liên quan, chẳng hiểu biết gì về giáo dục, phi giáo dục hoàn toàn, vẫn giáo sư.

Đến một ông "mất dạy" mấy thập niên rồi như Nguyễn Thiện Nhân cũng giáo sư, cũng được vinh danh là "nhà giáo ưu tú".

Hề đến mức, có "đại tướng giáo sư", "thượng tướng giáo sư", "đại tá giáo sư"...

Có thể nói, ngoài chuyện bộ trưởng ngọng, việc trùng điệp một đội ngũ những tướng tá quân đội, công an được phong hàm giáo sư, cùng những chính khách giáo sư như Tổng Bí thư giáo sư, Chủ tịch nước giáo sư, Bí thư tỉnh giáo sư... là những điều bậy bạ và phản giáo dục nhất của sự nghiệp giáo dục.

Họ là những nhà giáo vô giáo.

Chất lượng giáo dục là chất lượng con người. Chất lượng con người là chất lượng chế độ.

Vì thế, nhìn vào ông Nhạ, nhìn vào đội ngũ các giáo sư vô giáo đó, không chỉ để thấy chất lượng giáo dục, đó còn là chất lượng con người, chất lượng chế độ.

Trương Duy Nhất

Nguồn : RFA, 19/11/2018 (truongduynhat's blog)

*********************

Quà đểu

Trương Duy Nhất, 19/11/2018

Tôi tin, đếch có quan chức nào dám móc tiền túi mua chiếc Rolex trị giá hàng tỷ đồng. 

Cũng như rượu ngoại. Tôi viết lâu rồi : là thứ người mua không bao giờ uống, và người uống không bao giờ mua.

deu2

Móc tiền túi mua chai Macallan mấy chục triệu đồng, vợ nó tát cho sưng mồm. 

Nhưng :

Đời đau ở chỗ, nhiều khi nốc rượu dổm đến nát gan mà đếch biết. Bọn đại gia, trọc phú Việt nhà mình lắm thằng cũng đểu giả. Mua rượu về nhà chúng uống là rượu thật, chính hãng. Nhưng rượu biếu, nhất là mỗi dịp lễ tết, toàn hàng đểu. 

Cũng không gì ngạc nhiên lắm. Bởi không chơi rượu đểu, tiền đâu phục vụ hàng valy, thậm chí container rượu phân phát cho đội ngũ quan chức tầng tầng lớp lớp vậy. 

Mà nốc rượu như quan Việt, cũng chẳng có hãng nào sản xuất kịp. 

Đồng hồ, một chiếc Rolex đểu hàng Tàu, vàng chóe như của tướng Vĩnh, có 7.000USD, nhưng khi đem biếu chúng hét lên tới 1,1 tỷ.

Khổ thân, tròng lên cổ tay mấy năm rồi không biết hàng đểu. 

Chưa chắc chỉ đồng hồ, còn nhiều thứ nữa. 

Sau vụ này, tôi nghĩ các quan chức, nhất là hàng Bí thư, Chủ tịch tỉnh thành hoặc trung ương ủy viên trở lên, hãy vén cổ tay áo lên nhìn kỹ lại xem chiếc Rolex hay Patek Philippe đang đeo nó có mùi Tàu không nhé. 
Không chừng, ngay con Patek Philippe của "người hùng" Đoàn Ngọc Hải cũng chắc gì đã made in Thuỵ Sỹ. 
Đời, có sự trả giá hết. Tham lam lắm cũng có ngày gặm cứt, à quên gặm cái... ông Nhạ ! 

Trương Duy Nhất

Nguồn : RFA, 19/11/2018 (truongduynhat's blog)

********************

SMS, nhân chuyện tướng Vĩnh

Trương Duy Nhất, 17/11/2018

Tôi không quen tướng Vĩnh, nên không biết chuyện ông không biết SMS và không xài máy tính (như tiết lộ từ người bạn thân ông, nhà báo đại tá Nguyễn Như Phong) thực hư mức nào. 

Nhưng tôi nghi ngờ thông tin này.

deu3

Yêu cầu công việc của một tư lệnh cảnh sát quốc gia như tướng Vĩnh, không thể không nhắn tin hay dùng laptop. 

Ừ, thì cũng có thể nhiều vị quan liêu, lính làm cho hết. Nhưng tham mưu, lính lác giúp là ở công việc.

Những chuyện đánh đấm, giành giật, hoặc móc ngoặc, bảo kê như ông làm với bọn đánh bạc công nghệ cao thì phải thực tay ông, không thể nhờ - sai đứa nào giúp được.

Cũng có thời, tôi cứ tưởng hàng Bộ Chính trị hay nguyên thủ, họ chẳng bao giờ cầm điện thoại đâu, trong tay thư ký hết.

Nhầm to ! Thậm chí có người 2,3 máy. Máy cho công việc, máy cho gia đình, máy cho việc... không phải công việc.

Đừng tưởng các quan Bộ Chính trị không biết nhắn tin hay xài laptop nhé. Bây giờ là thời của chỉ thị, mệnh lệnh tin nhắn. Công văn lạc hậu, vứt lâu rồi. Đặc biệt, đối với những việc "nhạy cảm". Cờ Lờ Mờ Vờ là ở việc nước việc công thôi, việc khác chớ xem thường họ.

Tôi biết, và nhiều lần chứng kiến những vị hai tay choanh choách hai máy. Những năm 2009 - 2010, một nhân vật cũ như ông Nguyễn Văn Chi mà đã dùng tới 3,4 điện thoại. Thay sim rác, nhắn 1 tin, vứt, thay sim khác. Tháo lắp soẹt soẹt như chuyên nghiệp vậy. Khi đánh vụ Vinashin, thời cao điểm, tôi nhìn ông ngồi chỉ đạo "đánh án" mà hai tay cùng lúc 3,4 máy choanh choách. Không thể tin nổi.

Nói chung, hễ những chuyện đánh đấm, đốt lò, hay mờ ám chi đó thì đều phải xài tin nhắn, sim rác. Họ không dốt như chúng ta tưởng.

Không ít vị giờ còn chơi cả Whatsapp, Telegram... nữa đấy.

Vì thế, chuyện tướng Vĩnh nghi lắm. Hay có phải do bênh bạn quí bạn quá mà ông Phong mắc phải cái lỗi, giống kiểu mấy tay nhà báo nào đó ca ngợi cậu học trò nghèo Trần Đại Quang bắt đom đóm cho vào vỏ trứng làm đèn học vậy ?

Trương Duy Nhất

Nguồn : RFA, 17/11/2018 (truongduynhat's blog)

Published in Diễn đàn