Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/11/2018

Ngày nhà giáo, quà đểu, nhân chuyện tướng Vĩnh

Trương Duy Nhất

Ngày nhà giáo, nói về những ông thầy đặc biệt

Trương Duy Nhất, 19/11/2018

Biết rằng 20/11, nhưng không thể không nói. Xin lỗi quý cô thầy.

deu1

Bộ trưởng ngọng :

Vẫn cần những bông hoa cho nhà giáo hôm nay. Nhiều thầy cô đáng được như thế. Nhưng có một người, ít nhất một người không đáng, đó là ông Nhạ, Phùng Xuân Nhạ bộ trưởng.

Người đứng chót bảng tín nhiệm qua cuộc bỏ phiếu gần nhất của quốc hội. Người tạo ra quá nhiều hệ quả bê bết và điều tiếng cho giáo dục nửa nhiệm kỳ qua.

Lịch sử, chưa thời nào giáo dục Việt đụng một bộ trưởng tệ hại, phi giáo dục và phản văn hoá thế.

Một bộ trưởng từ cách ngồi, dáng đứng chẳng khác kẻ du côn. Một bộ trưởng đánh vần đến trẹo mồm không ra nổi chữ "nồn". Một bộ trưởng tự duyệt phong hàm giáo sư cho chính mình.

Những chính khách giáo sư và hiện tượng nhà giáo vô giáo :

Ai thống kê cho tôi, hiện bao nhiêu vị mang hàm giáo sư, phó giáo sư nhưng "mất dạy", tức không còn hoặc chưa từng giảng dạy ?

Nhiều lắm.

Thế gian, chẳng đâu như nước Việt mình, một ông Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng hàm giáo sư. Bộ trưởng công an cũng giáo sư. Rồi la liệt những chính khách khác, những quan chức chính phủ, địa phương không liên quan, chẳng hiểu biết gì về giáo dục, phi giáo dục hoàn toàn, vẫn giáo sư.

Đến một ông "mất dạy" mấy thập niên rồi như Nguyễn Thiện Nhân cũng giáo sư, cũng được vinh danh là "nhà giáo ưu tú".

Hề đến mức, có "đại tướng giáo sư", "thượng tướng giáo sư", "đại tá giáo sư"...

Có thể nói, ngoài chuyện bộ trưởng ngọng, việc trùng điệp một đội ngũ những tướng tá quân đội, công an được phong hàm giáo sư, cùng những chính khách giáo sư như Tổng Bí thư giáo sư, Chủ tịch nước giáo sư, Bí thư tỉnh giáo sư... là những điều bậy bạ và phản giáo dục nhất của sự nghiệp giáo dục.

Họ là những nhà giáo vô giáo.

Chất lượng giáo dục là chất lượng con người. Chất lượng con người là chất lượng chế độ.

Vì thế, nhìn vào ông Nhạ, nhìn vào đội ngũ các giáo sư vô giáo đó, không chỉ để thấy chất lượng giáo dục, đó còn là chất lượng con người, chất lượng chế độ.

Trương Duy Nhất

Nguồn : RFA, 19/11/2018 (truongduynhat's blog)

*********************

Quà đểu

Trương Duy Nhất, 19/11/2018

Tôi tin, đếch có quan chức nào dám móc tiền túi mua chiếc Rolex trị giá hàng tỷ đồng. 

Cũng như rượu ngoại. Tôi viết lâu rồi : là thứ người mua không bao giờ uống, và người uống không bao giờ mua.

deu2

Móc tiền túi mua chai Macallan mấy chục triệu đồng, vợ nó tát cho sưng mồm. 

Nhưng :

Đời đau ở chỗ, nhiều khi nốc rượu dổm đến nát gan mà đếch biết. Bọn đại gia, trọc phú Việt nhà mình lắm thằng cũng đểu giả. Mua rượu về nhà chúng uống là rượu thật, chính hãng. Nhưng rượu biếu, nhất là mỗi dịp lễ tết, toàn hàng đểu. 

Cũng không gì ngạc nhiên lắm. Bởi không chơi rượu đểu, tiền đâu phục vụ hàng valy, thậm chí container rượu phân phát cho đội ngũ quan chức tầng tầng lớp lớp vậy. 

Mà nốc rượu như quan Việt, cũng chẳng có hãng nào sản xuất kịp. 

Đồng hồ, một chiếc Rolex đểu hàng Tàu, vàng chóe như của tướng Vĩnh, có 7.000USD, nhưng khi đem biếu chúng hét lên tới 1,1 tỷ.

Khổ thân, tròng lên cổ tay mấy năm rồi không biết hàng đểu. 

Chưa chắc chỉ đồng hồ, còn nhiều thứ nữa. 

Sau vụ này, tôi nghĩ các quan chức, nhất là hàng Bí thư, Chủ tịch tỉnh thành hoặc trung ương ủy viên trở lên, hãy vén cổ tay áo lên nhìn kỹ lại xem chiếc Rolex hay Patek Philippe đang đeo nó có mùi Tàu không nhé. 
Không chừng, ngay con Patek Philippe của "người hùng" Đoàn Ngọc Hải cũng chắc gì đã made in Thuỵ Sỹ. 
Đời, có sự trả giá hết. Tham lam lắm cũng có ngày gặm cứt, à quên gặm cái... ông Nhạ ! 

Trương Duy Nhất

Nguồn : RFA, 19/11/2018 (truongduynhat's blog)

********************

SMS, nhân chuyện tướng Vĩnh

Trương Duy Nhất, 17/11/2018

Tôi không quen tướng Vĩnh, nên không biết chuyện ông không biết SMS và không xài máy tính (như tiết lộ từ người bạn thân ông, nhà báo đại tá Nguyễn Như Phong) thực hư mức nào. 

Nhưng tôi nghi ngờ thông tin này.

deu3

Yêu cầu công việc của một tư lệnh cảnh sát quốc gia như tướng Vĩnh, không thể không nhắn tin hay dùng laptop. 

Ừ, thì cũng có thể nhiều vị quan liêu, lính làm cho hết. Nhưng tham mưu, lính lác giúp là ở công việc.

Những chuyện đánh đấm, giành giật, hoặc móc ngoặc, bảo kê như ông làm với bọn đánh bạc công nghệ cao thì phải thực tay ông, không thể nhờ - sai đứa nào giúp được.

Cũng có thời, tôi cứ tưởng hàng Bộ Chính trị hay nguyên thủ, họ chẳng bao giờ cầm điện thoại đâu, trong tay thư ký hết.

Nhầm to ! Thậm chí có người 2,3 máy. Máy cho công việc, máy cho gia đình, máy cho việc... không phải công việc.

Đừng tưởng các quan Bộ Chính trị không biết nhắn tin hay xài laptop nhé. Bây giờ là thời của chỉ thị, mệnh lệnh tin nhắn. Công văn lạc hậu, vứt lâu rồi. Đặc biệt, đối với những việc "nhạy cảm". Cờ Lờ Mờ Vờ là ở việc nước việc công thôi, việc khác chớ xem thường họ.

Tôi biết, và nhiều lần chứng kiến những vị hai tay choanh choách hai máy. Những năm 2009 - 2010, một nhân vật cũ như ông Nguyễn Văn Chi mà đã dùng tới 3,4 điện thoại. Thay sim rác, nhắn 1 tin, vứt, thay sim khác. Tháo lắp soẹt soẹt như chuyên nghiệp vậy. Khi đánh vụ Vinashin, thời cao điểm, tôi nhìn ông ngồi chỉ đạo "đánh án" mà hai tay cùng lúc 3,4 máy choanh choách. Không thể tin nổi.

Nói chung, hễ những chuyện đánh đấm, đốt lò, hay mờ ám chi đó thì đều phải xài tin nhắn, sim rác. Họ không dốt như chúng ta tưởng.

Không ít vị giờ còn chơi cả Whatsapp, Telegram... nữa đấy.

Vì thế, chuyện tướng Vĩnh nghi lắm. Hay có phải do bênh bạn quí bạn quá mà ông Phong mắc phải cái lỗi, giống kiểu mấy tay nhà báo nào đó ca ngợi cậu học trò nghèo Trần Đại Quang bắt đom đóm cho vào vỏ trứng làm đèn học vậy ?

Trương Duy Nhất

Nguồn : RFA, 17/11/2018 (truongduynhat's blog)

Quay lại trang chủ
Read 716 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)