Cuộc khủng hoảng các ngân hàng cỡ trung và cỡ nhỏ ở Mỹ hiện đã được kiểm soát sau khi có sự can thiệp của chính quyền nhưng tình hình vẫn còn nhiều rủi ro, nhất là Fed tiếp tục tăng lãi suất như dự định, một chuyên gia kinh tế nói với VOA.
Cú sập Silicon Valley Bank là vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ
Khủng hoảng bắt đầu khi ngân hàng Silicon Valley, hay SVB, tọa lạc tại Thung lũng Silicon và chuyên đầu tư vào các công ty công nghệ, hôm 8/3 tuyên bố họ gánh chịu khoản lỗ sau thuế lên đến 1,8 tỷ đô la và cần huy động vốn khẩn cấp để giải tỏa lo ngại của khách hàng gửi tiền.
Sau nỗ lực bán SVB cho các ngân hàng có tình trạng tốt hơn gặp thất bại, cuối cùng Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) đã quyết định đóng cửa và tiếp quản ngân hàng này.
Vài ngày sau đó, đến lượt Signature Bank, một định chế tài chính ở New York chuyên cho vay trong lĩnh vực đầu tư tiền số, được FDIC yêu cầu phải đóng cửa. Cho đến ngày 19/3, FDIC loan báo Signature Bank đã được New York Community Bancorp tiếp quản.
SVB là ngân hàng lớn thứ 16 của Mỹ với tài sản 209 tỷ đô la, còn với tài sản 110 tỷ đô la, SB xếp thứ 29 trong hệ thống ngân hàng Mỹ. Cú sập của SVB và Signature Bank lần lượt là hai vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ hai và thứ ba trong lịch sử nước Mỹ, sau vụ sập ngân hàng Washington Mutual hồi năm 2008.
Dư chấn từ cú sập SVB và Signature Bank còn chưa tan thì đã đến lượt First Republic Bank cũng chao đảo. Tuy nhiên, sau đó vào ngày 17/3, 11 ngân hàng dẫn đầu là các ngân hàng lớn nhất của Mỹ như JPMorgan Chase, Bank of America, Wells Fargo, Citigroup đã đồng ý góp 30 tỷ đô la để cứu cho First Republic Bank khỏi sập như hai ngân hàng trước đó.
‘Nhẹ hơn năm 2008’
Trao đổi với VOA từ Forth Worth, Texas, Giáo sư-Tiến sỹ Khương Hữu Lộc, vốn giảng dạy chương trình MBA tại Keller Graduate School of Management, nói rằng với những biện pháp này thì hiện giờ khủng hoảng ‘đã được kiểm soát’ và hậu quả của nó ‘không đến mức nghiêm trọng như hồi năm 2008’.
Ông nói việc chính phủ Mỹ mà cụ thể là FDIC đã đứng ra đảm bảo cho tất cả các khách hàng gửi tiền ở SVB và Signature Bank, thậm chí cho cả những ai có tài khoản nhiều hơn mức giới hạn mà FDIC chấp nhận 250.000 là đô la, thì tình hình đã ổn định lại, không kích hoạt ‘bank run’, tức tình trạng người dân đổ xô đến các ngân hàng rút tiền ồ ạt.
Ông cho biết hiện giờ chỉ ở các ngân hàng có nhiều nợ xấu thì các khách hàng gửi số tiền lớn mới cảm thấy bất an mà rút tiền, còn đại đa số người gửi tiền khác ở các ngân hàng đều yên tâm số tiền của họ được chính phủ đảm bảo.
Bàn về tại sao First Republic Bank được cứu còn SVB và Signature Bank thì không, ông Lộc nói đó là do tình hình ở SVB và Signature Bank ‘diễn ra quá nhanh’ nên FDIC xử lý không kịp đành phải để cho sập và tiếp quản lại.
"First Republic Bank có quy mô lớn gần gấp đôi, cân đối tài chính (balance sheet) tốt hơn", Giáo sư Lộc chỉ ra. "Các ngân hàng dồn sức cứu trợ First Republic Bank cũng chính là tự cứu mình vì họ muốn tránh bank run lan đến ngân hàng của họ".
Tuy nhiên, ông cho rằng First Republic Bank ‘hiện vẫn chưa ra khỏi vùng nguy hiểm’ và sắp tới ‘chắc chắn sẽ có thêm’ một số ngân hàng cỡ nhỏ và cỡ trung nữa sẽ bị phá sản do ‘không gánh nổi tỷ lệ nợ xấu cùng với tình trạng rút tiền ồ ạt’.
"Chính phủ không nên cứu tất cả các ngân hàng chỉ trừ những ngân hàng nào có cơ cấu vững chãi, không bị nhiều nợ xấu", ông khuyến nghị.
Khi được hỏi tại sao trong cuộc khủng hoảng hồi năm 2008, chính phủ Mỹ đổ tiền ra cứu trợ các ngân hàng trong khi lần này, Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố là sẽ ‘không tiêu tiền thuế dân’ để cứu các ngân hàng, vị giáo sư này nói các ngân hàng bị ảnh hưởng hồi năm 2008 ‘là quá lớn nên không thể để cho sập’ và cuộc khủng hoảng 2008 còn lan qua các lĩnh vực khác như bảo hiểm, bất động sản…
Riêng việc FDIC bỏ tiền ra để đảm bảo tiền gửi của khách hàng ở SVB và Signature Bank, ông nói số tiền này sẽ được thu hồi lại sau khi hai ngân hàng này được FDIC cơ cấu cho đến khi lành mạnh trở lại thì sẽ được bán đấu giá các tài sản cho các ngân hàng khác.
Về các ngành kinh tế bị ảnh hưởng trong hai vụ sập này, cụ thể là các doanh nghiệp công nghệ hay các nhà đầu tư tiền số, vốn là những đối tượng cho vay chủ yếu của hai ngân hàng, ông Lộc nói trước mắt họ sẽ chới với nhưng rồi họ sẽ tìm được những nhà cho vay khác thay thế nhưng ‘sẽ phải chịu lãi suất cao hơn’.
Nguyên nhân khách quan ?
Theo phân tích của Giáo sư Khương Hữu Lộc thì các ngân hàng này bị sập một phần do nguyên nhân khách quan khi mà nhu cầu rút tiền trong một lúc quá lớn và Cục dự trữ liên bang (Fed) liên tục tăng lãi suất.
Sau đại dịch, các hãng khởi nghiệp công nghệ cần nhiều tiền để đầu tư nên rút tiền từ ngân hàng. Để đáp ứng nhu cầu này, SVB đã phải liên tục bán lỗ các tài sản đầu tư của họ. Cho đến khi mức lỗ này lên quá cao, các khách hàng gửi tiền sợ ngân hàng không còn đủ khả năng thanh toán nên đổ xô đến rút tiền, gây ra bank run.
Ông Lộc chỉ ra trong thời điểm các ngành công nghệ ở Thung lũng Silicon bùng nổ, SVB đã được hưởng lợi rất nhiều và đã huy động được rất nhiều tiền. Số tiền đó, ngân hàng này đã đầu tư vào trái phiếu chính phủ hay cổ phiếu được bảo đảm bằng tài sản thế chấp (mortage-backed securities) vốn là ‘những khoản đầu tư an toàn’.
Những khoản đầu tư này có lãi suất cố định trong thời hạn cố định, nếu SVB để đó chờ cho đến khi đáo hạn thì không phải lỗ, nhưng do áp lực rút tiền của khách hàng mà họ phải bán tháo các tài sản đầu tư này khiến họ bị lỗ nặng.
"Nói ví dụ lúc SVB mua trái phiếu thì lãi suất của Fed chỉ có 1% thôi, các khoản đầu tư này có tiền lời cao hơn, nhưng bây giờ lãi suất Fed đã tăng lên gần 5% rồi thì tiền lời các gói trái phiếu đó không còn hấp dẫn nữa, nên nếu muốn bán được thì phải bán thấp hơn giá trị lúc mua vào", ông Lộc giải thích.
"Giá trị đã giảm rồi mà SVB còn phải bán tháo nữa nên giá càng giảm, bán càng lỗ", ông nói thêm.
Riêng về các ngân hàng lớn hàng đầu nước Mỹ, ông Lộc nói ‘không phải lo’ vì họ có tài sản rất lớn và danh mục hoạt động của họ đa dạng chứ không phải tập trung vào một vài lĩnh vực như SVB hay Signature Bank.
Bài học lâu dài
Vị giáo sư này cũng chỉ ra một sai lầm từ thời chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump là nguyên nhân sâu xa gây ra khủng hoảng lần này. Đó là miễn cho các ngân hàng nhỏ và trung phải tuân thủ điều luật Dodd-Frank vốn được chính quyền Barack Obama ban hành để siết chặt hoạt động của các ngân hàng sau cuộc khủng hoảng năm 2008.
"Theo điều luật Dodd-Frank thì những ngân hàng có tỷ lệ tập trung vào một lĩnh vực cao như SVB thì tỷ lệ dự trữ bắt buộc phải cao hơn những ngân hàng khác", ông Lộc phân tích và cho rằng nếu SVB bị bắt tuân thủ điều luật này thì có thể họ đã không bị sụp đổ như vậy.
"Những năm sau khủng hoảng 2008, các ngân hàng nhỏ và trung đều chới với cả, nếu bắt họ đi theo điều luật Dodd-Frank thì họ sẽ không chịu nổi sẽ bị khánh tận luôn", ông giải thích lý do tại sao chính quyền Trump miễn điều luật này.
"Đáng lẽ là chỉ cho miễn từ 6 tháng đến 1 năm thôi để chờ cho họ ổn định lại. Đằng này chính quyền Trump cho miễn luôn, đến khi chính quyền Biden lên cũng không xem xét lại".
Do đó, ông cho rằng về lâu dài, phải đưa các ngân hàng thuộc diện rủi ro như SVB vào diện quản lý của điều luật Dodd-Frank thì mới tránh cho các ngân hàng sụp đổ.
Ông cũng khuyến nghị là trong tình hình hiện nay, Fed nên cân nhắc chậm lại việc tăng lãi suất một thời gian để chờ cho thị trường ổn định lại. Theo lời ông, nếu lúc này Fed vẫn tăng cao lãi suất thì các khoản đầu tư của các ngân hàng lại càng mất giá hơn nữa, khiến họ có nguy cơ đối mặt khoản lỗ lớn nếu phải bán tháo, làm cuộc khủng hoảng ngân hàng thêm tồi tệ.
Giáo sư Lộc đề xuất trong năm nay Fed chỉ nên tăng lãi suất thêm một lần nữa với mức tăng chỉ 0,25%.
Thậm chí ngay cả khi Fed không tăng lãi suất để chống lạm phát, thì với tình trạng các ngân hàng hiện nay họ sẽ thận trọng hơn trong việc cho vay, làm giảm dòng tiền đưa ra thị trường và nhờ đó lạm phảm cũng sẽ được kiềm hãm, ông cho biết.
Theo Giáo sư Khương Hữu Lộc
Nguồn : VOA, 23/03/2023