Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ngày 16/12/1978, James Carter và Đặng Tiểu Bình ra tuyên cáo chung thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc. Hai ngày sau, Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc họp quyết định thay đổi chính sách kinh tế, đưa nước Tàu bây giờ lên hàng thứ nhì sau nước Mỹ và không bao lâu nữa sẽ lên hàng đầu.

mytrung1

Từ năm 2020, cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ biến thành một cuộc chiến tranh lạnh. Trong hình, các kiện hàng từ Trung Quốc nhập cảng Long Beach, California, hôm 23 Tháng Tám, 2019. (Hình : Frederic J. Brown/AFP via Getty Images)

Nếu không mở cửa bang giao với Mỹ thì Trung Quốc không thể tiến nhanh như vậy. Cuộc giao thương có lợi cho cả hai bên, nhưng Trung Quốc được lợi về căn bản khi phát triển thị trường và tiếp nhận các kỹ thuật công nghiệp mới. Dân Mỹ thì chỉ được mua những quần áo cho đến máy giặt, cho tới điện thoại cầm tay giá rẻ vì "made in China".

Nhưng Tổng thống Donald Trump đã mở đầu cuộc chiến tranh mậu dịch, thay đổi cục diện. Từ năm 2020, cuộc đối đầu sẽ biến thành một cuộc chiến tranh lạnh, dù ai sẽ lên làm tổng thống Mỹ sau cuộc bầu cử. Cuộc chiến sẽ không chỉ giới hạn trong phạm vi kinh tế mà còn lan sang chính trị, ngoại giao, và rất có thể có xung đột quân sự.

Hai bên sắp ký một thỏa hiệp hưu chiến, một hành động gỡ thể diện cho cả Donald Trump lẫn Tập Cận Bình. Theo những lời hứa hẹn, trong hai năm tới Trung Quốc sẽ nhập cảng hàng hóa của Mỹ lên con số cao gấp đôi số thương vụ 188 tỷ USD năm 2017. Cũng trong năm 2017, nước Tàu nhập cảng 1.840 tỷ USD và nay còn nhiều hơn, cho nên nếu tăng lên cũng không khó gì. Nhưng cuộc chiến đã thay đổi từ căn bản, không chỉ là vấn đề mua bán hàng hóa nữa.

Khi ông Trump tuyên chiến bằng thuế quan đánh trên hàng hóa Trung Quốc, mục tiêu của ông là muốn giảm bớt khiếm hụt thương mại với nước Tàu. Lúc đó không ai nói đến tên công ty Huawei. Nhưng trong hơn một năm qua Huawei trở thành một biểu tượng của cuộc tranh chấp. Chính phủ Mỹ đã đặt công ty viễn thông này và 100 công ty nhỏ phụ thuộc vào sổ đen, với lý do an ninh quốc gia. Cuộc chiến mậu dịch đổi thành cuộc chiến xem nước nào chiếm thế thượng phong trong cuộc chạy đua công nghiệp tương lai.

Trong khi cuộc khẩu chiến giữa Washington và Bắc Kinh về mậu dịch có lúc nóng lúc lạnh, dân chúng Mỹ càng ngày càng mất cảm tình với chính quyền Trung Quốc.

Trong tháng 12/2019, Pew Research Centre ghi nhận tỷ số người Mỹ mất thiện cảm với nước Tàu đã tăng lên tới 60% so với 47% vào năm ngoái. Người dân nghi ngờ và chính phủ đã hạn chế hoạt động của sinh viên và giáo sư Trung Quốc vì lo rằng, cũng như Huawei, họ đều phải theo lệnh đảng công nhân Trung Quốc.

Trong năm 2019 đã có 8 Viện Khổng tử đóng cửa, ba viện khác sắp chấm dứt trong tháng đầu năm 2020. Năm 2017 có 103 Viện Khổng tử hoạt động trong các đại học ở Mỹ, sẽ chỉ còn 85 viện.

Bang giao Trung-Mỹ đã thay đổi trên nhiều bình diện.

Những mặt trận mới mở ra ngoài phạm vi kinh tế khi các đại biểu quốc hội Mỹ thông qua các đạo luật về Hồng Kông và quyền làm người của dân thiểu số Uyghur Hồi giáo ỏ Tân Cương. Các vấn đề Đài Loan, Biển Đông trong vùng Đông Nam Á cũng được giới tướng lãnh Mỹ và Ngũ Giác Đài làm cho nóng hơn.

Cuộc chiến thương mại đã lan qua các lãnh vực có tính cách căn bản như cuộc chạy đua tiến bộ công nghiệp khi Mỹ ngưng hoặc đe dọa ngưng cung cấp hàng hóa thuộc loại kỹ thuật cao mà nước Tàu đang rất cần. Sau đó các vấn đề an ninh và chính trị toàn cầu đã nổi lên. Và cuối cùng, phải công nhận hai nước Mỹ và Trung Quốc khác nhau trên căn bản chính trị, một nước theo chế độ tự do dân chủ và một nước độc tài độc đảng. Do đó, cuộc ganh đua sẽ không phải chỉ để coi nước nào mạnh hơn mà trở thành một cuộc chạy đua để quyết định ý thức hệ nào sẽ ảnh hưởng trong thế giới trong tương lai.

Trong năm 2019, người ta thấy những xung đột cơ bản đó hiện rõ trong những cuộc thảo luận về mậu dịch, khi các thỏa thuận được hai bên đồng ý đã phải rút lại vì phía Trung Quốc nhìn ra rằng chịu nhượng bộ tức là chấp nhận thay đổi nền tảng chính trị của chế độ cộng sản.

Tổng thống Donald Trump không phải một mình gây ra cuộc chiến này, ông chỉ là người đến đúng lúc nước Mỹ phải thay đổi cách ứng đối với chế độ cộng sản Trung Quốc. Bởi vì chính họ đã thay đổi trước.

Từ năm 1979, trong cuộc bang giao Trung-Mỹ, giới chính trị Mỹ giả thiết rằng quan hệ thương mại sẽ giúp nước Tàu giàu mạnh hơn mà hậu quả là, khi giới trung lưu khá giả hơn, đông hơn, chiếm đa số, thì chế độ cộng sản sẽ phải thay đổi. Trung Quốc sẽ hội nhập vào một thế giới một cách hòa bình mà không làm thay đổi trật tự có sẵn, với kinh tế thị trường và chế độ tự do dân chủ lan rộng khắp nơi.

Nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình đã buộc người Mỹ phải thay đổi.

Trong nước, ông Tập Cận Bình đã nắm giữ tất cả các chức quan trọng nhất trong đảng và nhà nước, nhiệm kỳ không còn bị giới hạn để ông ta có thể trị vì suốt đời với các danh hiệu không kém gì ông Mao Trạch Đông. Mới cuối tháng 12, Trung ương Đảng họp còn tặng cho ông ta thêm danh hiệu "Lãnh tụ nhân dân".

Từ khi lên nắm quyền, mục tiêu của ông Tập Cận Bình là bảo vệ quyền hành của đảng và do đó vẫn củng cố các doanh nghiệp nhà nước. Chính sách của Trung Quốc đối với những người có ý kiến độc lập, hô hào dân chủ, nhân quyền đã khắc nghiệt hơn. Dân thiểu số ở Tân Cương, Tây Tạng bị đàn áp tàn bạo hơn.

Bên ngoài, họ Tập bành trướng thế lực nước Tàu ra khắp thế giới, không phải bằng giao thương bình đẳng mà bằng cách đe dọa, mua chuộc, lũng đoạn, theo lối các đế quốc những thế kỷ trước.

Cả thế giới nhìn thấy không có hy vọng Trung Quốc sẽ trở thành một phần tử bình thường trong cộng đồng thế giới.

Cuộc chiến tranh lạnh không thể nào tránh khỏi. Đúng vào lúc kinh tế Trung Quốc đang bắt đầu trì trệ, lý do chính là cơ cấu chỉ huy đến lúc hết khả năng, không thể nào kích thích phát triển được nữa.

Tuy sản lượng kinh tế có sẽ vượt qua nước Mỹ nhưng Trung Quốc còn đi sau nước Mỹ rất xa về nhiều mặt, quan trọng nhất là lợi tức bình quân mà mỗi người dân được hưởng. Nước Tàu còn chưa có một hệ thống an sinh xã hội như các nước tiên tiến. Trong khi Trung Quốc càng ngày càng nhiều già hơn và dân số bắt đầu giảm.

Trung Quốc cuối cùng sẽ đuối sức trong cuộc chiến tranh lạnh mới. Đảng cộng sản sẽ phải thay đổi chính sách kinh tế và chế độ chính trị. Đó là một điều may cho dân chúng Trung Hoa. 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 31/12/2019

Published in Diễn đàn
mardi, 24 décembre 2019 20:22

Thông điệp Tự Do mùa Giáng sinh

Dù quý vị không biết Chúa Giê Su là ai, ngày Chúa Giê Su ra đời đã thay đổi lịch sử nhân loại. Ngài sinh ra trong xã hội những người bị áp bức. Chúa Giê Su và cả cha mẹ ngài là những người tị nạn chính trị đầu tiên được ghi trong lịch sử. Sau khi Chúa bị đóng đinh, các học trò của ngài cũng trở thành những người tị nạn. Đó là một tôn giáo của loài người tị nạn và bị lưu đầy. Vì thế, một thông điệp mạnh mẽ nhất của mùa Giáng sinh là : Tự do !

thongdiep1

Giáo hoàng Francis hôn tượng Chúa Hài Đồng trong lúc làm lễ đêm Giáng sinh tại nhà thờ Thánh Peter ở Vatican. (Hình : Alberto Pizzoli/AFP via Getty Images)

Paul, vị tông đồ từ Tarsus, biết rằng cả loài người chung quanh ngài đang sống như nô lệ trong gông cùm. Vị Caesar, hoàng đế La Mã Tiberius, nắm quyền tuyệt đối. Pháp luật và các phán quan La Mã cùng các vệ binh bảo vệ trật tự của đế quốc. Nhưng con người không suy nghĩ, được nói, được sống tự do.

Tất cả phục vụ Caesar. Mọi người phải đóng thuế cho Caesar. Không ai được chỉ trích Caesar. Những người đọc sách cấm, những người có ý kiến theo "lề bên trái" sẽ bị trừng phạt. Dân La Mã họp thành một "đảng cầm quyền" hưởng những ưu tiên hơn đám dân thường. Mạng đám thường dân rẻ hơn cỏ rác. Chúa Giê Su không chấp nhận trật tự đó, ngài thầm lặng phản đối bằng cuộc đời mình.

Thánh Paul đi lánh nạn trên đường tới Damascus, Syria bây giờ, đã nói với những anh chị em người Galatians, "Hãy sống vững vàng trong tự do, vì Chúa Cứu Thế đã giúp chúng ta được tự do, không chịu làm nô lệ nữa !" [Galatians 5:1]

Thánh Paul cũng lo rằng trong thế giới này những Hoàng đế Caesars, những nhà tiên tri giả, trong tương lai sẽ tìm cách thuyết phục mọi người rằng họ chỉ là những nô lệ của cường quyền. Điều này đã diễn ra trong lịch sử. Những tiên tri giả như Karl Marx, những Caesars như Hitler, Stalin, Mao Trạch Đông vẫn có lúc được hàng triệu, hàng trăm triệu người sùng bái.

Trong xã hội ngài đang sống, Chúa Giê Su là một nhà cách mạng. Ngài tuyên dương những quy luật sống làm người xứng đáng, đó là "Luật của Thượng Đế", cao hơn những luật lệ đang được chính quyền và giáo quyền bảo vệ. Ngày nay loài người đã liệt kê các điều luật đó trong các văn kiện, như bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền.

Chúa Giê Su nói, "(Thượng Đế) gửi tôi đến đây tuyên dương tự do cho những kẻ bị tù đầy và cởi trói cho những người bị áp bức [Luke 4 :18].

Ngài không ngần ngại nói : "Nay chúng ta biết đức công chính đến từ Thượng Đế, khác với những luật lệ hiện hành [Romans 3 :21]. Và : "Con người được biện minh bằng niềm tin,… [Romans 3 :28] mà "không được biện minh bởi những luật lệ [Galatians 3 :11]

Thông điệp của Chúa Giê Su là : Mọi người bình đẳng trước mặt Đấng Tối Cao. Đặc biệt, Chúa không coi trọng những kẻ đầy quyền lực, những người giàu có sang trọng mà lại đề cao những người yếu thế, những người cùng khổ, bị áp bức.

Chúa Giê Su sanh ra trong một chuồng nuôi súc vật, trong một gia đình thợ thuyền, mới sinh ra đã được cha mẹ bế đi qua Ai Cập trốn tránh một pháp lệnh quái gở của Tiberiusr. Khi lớn lên, ngài dạy người chung quanh không nên sợ hãi bọn cường quyền, dù quyền chính trị hay quyền tôn giáo. Tụ do là tự do không sợ hãi. Ngài chỉ được một nhóm nhỏ tin theo, sau cùng đếm được 11 người. Có những đám đông tới nghe ngài nói chuyện, nhưng phần lớn họ tới vì hy vọng được ăn bánh chớ không phải vì phép lạ.

Cuối cùng ngài bị các giáo sĩ xử tội và chính quyền đem đóng đinh. Chỉ có mấy tông đồ chứng kiến ngài sống lại và bay lên trời.

Những người ngoại đạo có thể không tin ở phép lạ phục sinh, nhưng cũng phải nhìn thấy những môn đồ của Giê Su đã mang thông điệp tự do truyền bá cho khắp mọi người, đã thay đổi thế giới trong suốt hai ngàn năm.

Trong cuộc đời của ngài, Chúa Giê Su không làm bạn với những người quyền quý, giàu sang mà tìm đến những người cùng đinh trong xã hội, những di dân từ nước khác tới, cả người bệnh tật và cô gái điếm. Ngài luôn luôn xung đột với đám người nắm quyền lưc, chính trị và tôn giáo. Những tông đồ đem lời dạy của Chúa Giê Su đi rao giảng không ai có quyền hành hay tài sản đáng kể. Không ai nuôi tham vọng cướp chính quyền.

Một thông điệp được Chúa Giê Su nhắc đi nhắc lại mãi, là : Những người đang yếu kém chính là những người mạnh mẽ nhất ! Hãy yêu thương đồng loại, không phân biệt, không kỳ thị. Ai thấm nhuần được giáo lý đó, là đang ngộ "ân sủng" của Chúa. Con người không cần phải đi tìm quyền lực để sai bảo người khác, áp chế người khác, tiêu diệt kẻ thù, tự khen tự thưởng cho chính mình. Những người yếu kém, sống trong bóng tối, trong gông cùm, bị đày đọa và bóc lột, họ ở gần Chúa hơn.

Thánh Paul viết trong một thông điệp sứ đồ Corinthians, kể rằng có lúc ông cảm thấy có cái gai sắc nhọn đâm trong da thịt mình. Ông ám chỉ cái gai nào, chúng ta không biết, có thể đoán với nhau. Thánh Paul khẩn thiết xin Chúa gỡ cái gai ra cho mình. Sau ba lần ông cầu xin Chúa Giê Su đã bảo : "Ân sủng của ta cũng đủ cho con rồi, vì quyền năng của ta sẽ hoàn hảo trong lúc con yếu". Thánh Paul ngộ ra : "Vậy thì khi con yếu, là lúc con mạnh !"

Trong mùa Lễ Giáng sinh, những người theo đạo Chúa hay không theo đều có thể nhớ đến Con Người sinh ra khiêm tốn trong máng cỏ ở Galilee, trong cuộc đời ngắn ngủi ở trần gian đã từng đứng lên nói cho mọi người chung quanh biết rằng thế giới này không phải thuộc về Caesar tất cả, mà còn những quy tắc, luật lệ cao thượng, thiêng liêng hơn. Nghe những lời cầu kinh và những bài hát Giáng sinh trong những ngày này, chúng ta đều có thể mở trái tim mình, nguyện sống sao cho xứng đáng làm người.

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 24/12/2019

Published in Văn hóa
mardi, 17 décembre 2019 22:07

Trump có thể tin Tập được không ?

Thị trường chứng khoán Mỹ chỉ nhích lên chút đỉnh trong ngày thứ Sáu, 13/12/2019, khi cuộc hưu chiến mậu dịch Mỹ-Trung được công bố. Lý do vì thị trường đã lên hôm trước rồi ; nhưng cũng vì kết quả rất khiêm tốn đối với nền kinh tế Mỹ.

trump1

Sau 17 tháng chiến tranh mậu dịch leo thang, các trại chủ ở Mỹ đã thiệt hại 11 tỷ USD. (Hình : Jorge Guerrero/AFP via Getty Images)

Trung Quốc hứa sẽ mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ trong hai năm tới, con số quá nhỏ so với sản lượng nước Mỹ. Những hứa hẹn của Bắc Kinh về bảo vệ tác quyền các sản phẩm trí tuệ và mở cửa thị trường cho các công ty dịch vụ Mỹ cũng phải chờ nhiều năm mới thể hiện được, nếu Trung Quốc thực tâm muốn làm.

Tình trạng khả nghi biểu lộ ngay trong cách Trung Quốc công bố tin tức. Trong khi Tổng thống Donald Trump báo trước sắp có "thỏa hiệp giai đoạn một" nhiều lần và chính phủ Mỹ nêu chi tiết nhiều điểm hai bên đã thỏa thuận thì Trung Quốc chỉ loan báo kết quả đại cương.

Các báo, đài ở Bắc Kinh không coi đây là một tin quan trọng để bình luận. Ngày thứ Bảy, chỉ có một tạp chí Hoàn Cầu Thời Báo viết một bài mô tả bản thỏa hiệp là một "bước đầu" trong cuộc thương thuyết mậu dịch giữa Mỹ và Trung Quốc. Họ còn nói trong tương lai "phải chờ xem hai nước có tiến thêm bước nào nữa không".

Trong bản thỏa hiệp do phía Mỹ công bố, Trung Quốc sẽ mua 50 tỷ USD nông phẩm, có thịt và đậu nành. Về phía Trung Quốc, các báo, đài không nói đến các con số 200 tỷ USD hay 50 tỷ USD trên đây. Năm ngoái Trung Quốc nhập cảng 137 tỷ USD nông phẩm, mua của Mỹ 9,2 tỷ USD trong khi mua thêm của nhiều nước khác. Trong quá khứ nước Tàu mua nhiều nông phẩm Mỹ nhất vao năm 2012 cũng chỉ có 25,9 tỷ USD. Hiện nay nông phẩm Brazil, Argentina đang chiếm thị trường Trung Quốc để thay thế hàng Mỹ. Trong năm qia Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ đô la xây dựng hạ tầng cơ sở ở hai nước này để vận chuyển và tiếp thị nông sản nhanh hơn.

Các viên chức Trung Quốc họp báo không xác định con số nào, nhưng lại nói rằng phía Mỹ hứa sẽ mua thêm nông phẩm của Trung Quốc. Họ còn nói việc mua hàng hóa "cao cấp" của Mỹ sẽ dựa trên "số cầu trong thị trường" và tuân theo các luật lệ của Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO). Nếu mai mốt không mua như đã hứa, họ có thể lấy cớ trong nước không có nhu cầu, hoặc sợ bị các nước khác thưa kiện với WTO vì mua hàng Mỹ với giá cao hơn hàng nước khác ; hoặc viện ra cả hai lý do đó.

Ông Robert Lighthizer, đại diện thương mại của chính phủ Mỹ, nhấn mạnh đến trách nhiệm của đối phương khi thi hành thỏa hiệp, ông nói rằng, "Cuối cùng, tất cả bản thỏa hiệp có được thể hiện hay không là tùy thuộc những người quyết định ở Trung Quốc chứ không phải ở Mỹ. Nếu phe bảo thủ cứng rắn ở Bắc Kinh quyết định thì kết quả này, nếu phe cải tổ quyết định thì lại khác".

Ông Lighthizer đã có kinh nghiệm cay đắng về phe thủ cựu trong Bộ Chính trị Trung Quốc. Trong năm qua Tổng thống Trump đã đe dọa tăng quan thuế trên hàng nhập cảng từ Trung Quốc rồi ngưng không thi hành tất cả bốn lần, để hy vọng tiến tới thỏa hiệp, nhưng vô hiệu. Ngược lại, Chủ tịch Tập Cận Bình đã hai lần rút lại các thỏa hiệp đã gần xong chỉ vì bị phe bảo thủ ngăn cản.

Tháng Tư vừa qua, hai phái đoàn Mỹ, Trung đã thỏa thuận một bản thỏa hiệp, nhưng vào phút chót phải xé bỏ vì ông Tập Cận Bình bị các tay cứng rắn trong Bộ Chính trị phê bình. Ông Tập phải rút lại việc giảm trợ cấp các doanh nghiệp nhà nước như Mỹ yêu cầu. Tháng Mười, một thỏa hiệp cũng gần hoàn tất, nhưng phe diều hâu trong Bộ Chính trị phản đối vì khi đó chính phủ Mỹ không bỏ bớt một thứ thuế quan nào đã đánh trên hàng Trung Quốc. Đối với họ, không giảm bớt thuế quan, không thỏa hiệp.

Cuối cùng phe bảo thủ trong Đảng cộng sản Trung Quốc thắng thế. Chính phủ Mỹ đã ngưng không đánh thuế trên 160 tỷ USD hàng nước Tàu dự định vào ngày 15/12, và cắt một nửa thuế quan từ Tháng Chín đánh trên 120 tỷ USD hàng hóa khác.

Doanh nghiệp nhà nước là vấn đề khúc mắc nhất. Chính phủ Trump đã yêu cầu Trung Quốc phải giảm trợ cấp cho các xí nghiệp quốc doanh, vì họ có thể bán giá rẻ, cạnh tranh dễ dàng với các doanh nghiệp tư nhân ở Mỹ. Nhưng phe cứng rắn Trung Quốc đã phản đối, coi đó là xâm phạm vào chủ quyền kinh tế của nước Tàu. Cuối cùng, vấn đề này không hề được nhắc tới trong bản thỏa hiệp sắp ký, một thắng lợi lớn cho phe bảo thủ bên Tàu.

Trong quá khứ, Trung Quốc luôn luôn trợ cấp các xí nghiệp của họ để loại bỏ các đối thủ quốc tế. Cách trợ cấp đơn giản nhất là các ngân hàng của nhà nước cho vay với lãi suất rất thấp. Có một lúc hầu hết các bản tiếp nhận ánh sáng mặt trời để tạo ra điện trên thế giới đều mua từ nước Tàu, vì các nước khác không thể cạnh tranh giá cả.

Bây giờ, phe bảo thủ Trung Quốc đã thừa thắng xông lên. Họ không muốn ngừng trợ cấp các ngành kỹ thuật cao, sẽ cạnh tranh với các công ty Mỹ và quốc tế trong những công nghiệp tân tiến nhất. Trung Quốc đã bỏ ra hàng trăm tỷ đô la để thúc đẩy các ngành viễn thông, tin học, trí khôn nhân tạo, cho đến máy bay và xe chạy điện, vân vân, với mục tiêu sẽ đứng đầu thế giới.

Một doanh nghiệp nhà nước đang mở 110 nhà kho lớn ở ngoài Thượng Hải, với các văn phòng hoàn toàn vi tính hóa, nhắm chế tạo máy bay để sẽ cạnh tranh với Boeing. Hàng chục thành phố trợ cấp các nhà sản xuất chế ra những chip điện tử có khả năng cạnh tranh với Mỹ, Đài Loan và Nam Hàn. Họ muốn thoát khỏi cảnh lệ thuộc vào các hàng kỹ thuật cao của các nước này, vì đã đi xa trước nước Tàu hàng chục năm. Phe bảo thủ ở bên Tàu không muốn từ bỏ giấc mộng đứng đầu thế giới trong mọi ngành kỹ thuật trong 20 năm tới.

Ông Tập Cận Bình đã chịu theo phe bảo thủ, hoặc ông ta cũng bảo thủ như họ. Ngay cả khi Trung Quốc nhượng bộ Mỹ, chấp nhận mua 50 tỷ USD, thì việc mua bán, tồn kho, tiếp thị số nông sản này cũng do các doanh nghiệp nhà nước đảm trách. Vì trong thị trường tư nhân không ai có thể ấn định ngay số hàng mua trước khi biết giá cả ! Nước Mỹ đang giúp cho vai trò kinh tế quốc doanh ở nước Tàu mạnh hơn.

Bản thỏa hiệp sẽ được ông Robert Lighthizer, và ông Lưu Hạc – phó thủ tướng Trung Quốc – ký vào đầu năm 2020, vào lúc Thượng Viện Mỹ có thể đang biểu quyết không kết án Tổng thống Trump trong vụ đàn hặc ; Tổng thống Trump sẽ tuyên bố đại thắng.

Khi công bố tin về thỏa hiệp thương mại, Tổng thống Trump vui mừng nói, "Các trại chủ sắp đặt mua các máy cày và nông cụ lớn hơn !". Trong năm qua số các nông trại khai phá sản đã tăng 24% và số nợ của các nông gia đã lên tới 416 tỷ USD, mức nợ cao nhất kể từ gần 40 năm qua. Thỏa hiệp mua thêm nông sản Mỹ sẽ xoa dịu tâm lý các nhà nông ở vùng Trung Tây, họ có thể sẽ bỏ phiếu cho Tổng thống Trump tái đắc cử.

Sau 17 tháng chiến tranh mậu dịch leo thang, các trại chủ ở Mỹ đã thiệt hại 11 tỷ USD. Trong năm qua công quỹ đã phải xuất ra 28 tỷ USD để bù cho các nhà nông bị thiệt hại vì chiến tranh mậu dịch. Sang năm, Trung Quốc hứa sẽ mua 20 tỷ USD nông phẩm, lên bằng con số năm 2017. Các nhà nông sẽ tăng số bán cho Trung Quốc lên 40 hay 50 tỷ USD !

Ông Tập Cận Bình có một thỏa hiệp, tạo một không khí hòa hoãn, ít nhất giúp cho dân Trung Quốc yên tâm trước khi về quê ăn Tết. Nhưng không thể biết liệu ông ta sẽ thi hành bản thỏa hiệp như thế nào, vì ngoài mấy con số 200 tỷ và 50 tỷ USD, các điều khác đều chưa đủ chi tiết. Việc thi hành và thương thuyết các thỏa hiệp khác trong thời gian sắp tới sẽ khó khăn, vì đụng tới những vấn đề mà phe bảo thủ ở Bắc Kinh quyết không nhượng bộ.

Bản thỏa hiệp cũng nói Trung Quốc hứa sẽ không ép các công ty Mỹ chuyển giao kỹ thuật, không âm mưu hạ giá đồng nhân dân tệ. Hai bên hứa sẽ thiết lập các cơ cấu để giải quyết những điều tranh tụng khi thi hành thỏa hiệp.

Nhưng tất cả chỉ là những lời hứa.

Chúng ta có thể nhớ lại Hiệp Định Paris chấm dứt chiến tranh Việt Nam còn đi xa hơn những điều cam kết trong thỏa hiệp ngưng chiến mậu dịch này. Bản Hiệp Định Paris được các cường quốc ký bảo đảm, từ Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Anh, Pháp, Mỹ, vân vân. Các nước ký kết đồng ý thiết lập một cơ cấu kiểm soát đình chiến quốc tế và cả một "Ủy Ban Bốn Bên" gặp nhau mỗi ngày để theo dõi việc thi hành. Kết quả ra sao ai cũng biết rồi. 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 17/12/2019

Published in Diễn đàn
mardi, 03 décembre 2019 14:02

Vận xấu của Tập Cận Bình

Ông Tập Cận Bình không tin nghiệp báo hay số mệnh. Nếu tin thì ông đã không ra lệnh giết người một cách lạnh lùng như câu chuyện mới được hai tác giả Peter Mattis và Matthew Brazil kể trong cuốn sách về "Gián Điệp Trung Quốc" (Chinese Communist Espionage).

tcb2

Trong năm con heo, không gì làm cho Tập Cận Bình sợ bằng mối lo thịt heo tăng giá !

Năm 2011, Trung Quốc bắt được một công chức bán tin mật cho tình báo Mỹ, CIA. Anh ta bị xử tử. Nhưng chưa đủ, Tập Cận Bình ra lệnh cho các công chức làm cùng một bộ với anh ta phải ngồi coi ti vi chứng kiến cảnh hành quyết đang diễn ra. Và bà vợ anh, đang có thai, cũng bị giết. Ác không kém gì Kim Jong-un, đã giết những thủ hạ bị nghi phản bội bằng "khuyển quyết", xua chó cắn đến chết.

Những người như vậy chắc không tin có số mệnh và nghiệp báo, nhân quả.

Năm nay vận số của Tập Cận Bình rất xấu. Người Trung Hoa tin rằng năm con heo là một năm phồn thịnh, an nhàn. Nhưng từ đầu năm đến nay Trung Quốc gặp không biết bao nhiêu là chuyện xui xẻo. Chiến tranh thương mại với Mỹ. Dân Hồng Kông nổi dậy. Mức tăng trưởng của Tổng sản lượng nội địa giảm trong khi lạm phát lên cao.

Nhưng trong năm con heo, không gì làm cho Tập Cận Bình sợ bằng mối lo thịt heo tăng giá !

Trên mặt kinh tế, tổng sản lượng nước Tàu chỉ tăng 6% trong quý thứ ba năm 2019, con số thấp nhất kẻ từ năm 1992 khi người ta bắt đầu ghi chép. Ba tháng cuối năm GDP có thể chỉ tăng dưới 6%. Những số thống kê này cũng không đáng tin. Giáo sư Hướng Tùng Tộ (Xiang Song zuo, 向松祚), Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh, đã đặt câu hỏi : Làm sao GDP tăng được 6% trong khi số thuế thu đã giảm 3% và tiền lời các xí nghiệp giảm 1,7% !

Tháng Mười vừa qua, chỉ số giá hàng tiêu thụ (CPI) tăng 3,8%, cao nhất kể từ đầu năm 2012. Thủ phạm chính là giá thịt heo ! Tháng Chín, giá đã tăng 70% trong 12 tháng. Tháng Mười, thịt heo tăng giá hơn 100% so với năm ngoái ! Heo tăng giá khiến thịt bò, cừu, gà cũng tăng theo.

Khi giá sinh hoạt tăng, một hậu quả là mãi lực của người tiêu thụ đi xuống. Người ta bớt mua sắm, đúng vào lúc ông Tập Cận Bình đang hô hào "tái cấu trúc" nền kinh tế. Kế hoạch của đảng là chuyển từ xuất cảng sang tiêu thụ trong nước. Bây giờ dân tiêu thụ phải giảm chi ! Tất cả chỉ vì vận ông Tập rất xấu trong Năm Con Heo !

Dân Tàu thích thịt heo. Năm ngoái họ đã làm thịt 694 triệu con, 1,4 tỷ người ăn 56 triệu tấn thịt lợn, bằng một nửa số thịt lợn cả thế giới đã ăn !

Thời Mao Trạch Đông, dân thành thị được cung cấp theo tiêu chuẩn tối đa nửa ký thịt heo một tháng. Một dấu hiệu khiến Tập Cận Bình lo lắng là gần đây ở Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây, chính quyền đã tái lập chế độ tem phiếu, hạn chế mỗi người được mua tối đa một ký thịt mỗi ngày theo giá chính thức ! Mua hơn, trả giá chợ đen !

Thịt heo lên giá vì bệnh "sốt Phi Châu" (African swine fever). Cho đến nay, một phần ba số heo nuôi trong nước Tàu đã chết vì bệnh. Đến cuối năm, trước Tết, cứ đà này đàn heo sẽ chết một nửa.

Người dân kết tội chính quyền cộng sản sai lầm. Khi bắt đầu cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, Tập Cận Bình đánh thuế nhập cảng trên thịt heo Mỹ. Không những thế, đánh cả vào thịt heo Canada vì vụ bắt giam bà Mạnh Vãn Chu, công ty Huawei.

Số thịt heo nhập cảng thực ra không đáng kể. Nước Tàu chỉ mua ở ngoài số thịt bằng 3% số nuôi trong nước, chỉ có 1% mua từ Mỹ dù Mỹ là nước đứng đầu xuất cảng thịt heo.

Nhưng chính quyền Trung Quốc lại bù lại số heo không mua từ Mỹ và Canada bằng cách cho nhập cảng heo mua của Nga.

Bệnh sốt Phi Châu được khám phá lần đầu tiên vào tháng Tám năm ngoái ở Trung Quốc là tại một trại nuôi heo gần biên giới Nga. Bệnh lan ra khắp 31 tỉnh trong lục địa, đã giết 200 triệu con heo.

Nga với Trung Quốc mới khánh thành đường ống dẫn khí đốt dài 2.800 cây số từ Siberia qua nước Tàu. Nhập cảng hơi đốt thì vô hại, nhưng mua heo bệnh là chuyện khác ! Người Trung Hoa biết Nga là nước mà heo bị bệnh "sốt Phi Châu" nặng nhất thế giới.

Đúng là cái số đen của Tập Cận Bình. Tập Cận Bình sanh năm Quý Tỵ, 1953. Nhờ các thầy tử vi coi giúp tại sao trong Năm Con Heo ông ta lại xui xẻo như vậy !

Để đối phó với tai nạn thịt heo tăng giá, Nhà nước cộng sản Trung Quốc đã phải cử một phó thủ tướng, Hồ Xuân Hoa (Hu Chun Hua, 胡春華) đặc biệt phụ trách làm sao tăng số heo nuôi trong nước. Một biện pháp là bỏ qua những luật lệ bảo vệ môi trường để các nhà nuôi heo nhỏ đang bị cấm được hoạt động trở lại. Phải mất cả năm nuôi heo đủ lớn để làm thịt.

Nhưng khi môi trường không được bảo vệ thì không biết hậu quả sẽ ra sao ? Có thứ bệnh nào mới xuất hiện, không phải bệnh heo mà là bệnh cho con người, hay không ? Ông Hồ Xuân Hoa nắm tỉnh Quảng Đông. Ngay trong tỉnh này, một lò heo tại thành phố Phật Sơn mới bị đưa lên đài ti vi sau khi các nhà báo đánh lừa họ, đem heo chết đến bán và họ ngang nhiên mua để "làm thịt !" Nhà nuôi heo Hiệp Nhất quận Nam Hải này đã từng được Bộ Nông nghiệp của ông Hồ Xuân Hoa ban khen là "Xí nghiệp nuôi heo gương mẫu".

Các nhà báo đã quay phim cảnh gạ bán mỗi con heo chết 300 đồng nguyên (43 USD), rồi chứng kiến cảnh con heo được cạo lông, mổ bụng, đóng dấu "đã được thanh tra" rồi xẻ thịt đem ra chợ bán. Ra chợ, nhà báo giả dạng đến hỏi mua, anh bán thịt còn nói : Heo mới này ! Sờ coi, còn nóng hổi !

Với bao nhiêu luật lệ mà còn thấy cảnh đó, không biết khi nới lỏng luật lệ thì họ còn làm gì nữa ! Khi ông hoàng đế đang gặp vận xui thì không đoán trước được !

Ông Tập Cận Bình từng kể chuyện trước đây hơn 40 năm, ông đi học ở tỉnh Thiểm Tây, ba tháng trời không được miếng thịt nào. Một bữa ông và mấy bạn cùng phòng vớ được một miếng thịt heo đông lạnh. Sướng quá, họ ăn ngay, khỏi cần nấu nướng ! Có lẽ cái số ông dính líu đến thịt heo từ đó !

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 03/12/2019

Published in Diễn đàn
jeudi, 07 novembre 2019 17:47

Bao giờ đến thanh niên Việt Nam ?

Giới thanh niên đang đứng dậy đấu tranh khắp thế giới ; ngay tại những nước độc tài khét tiếng như Egypt, Saudi Arabia.

baogio1

Người biểu tình Hồng Kông đeo mặt nạ diễn hành vào tối thứ Ba, 5/11/2019. Hồng Kông rơi vào suy thoái sau khi các cuộc biểu tình chống chính phủ kéo dài đến tháng thứ năm. (Hình : Billy H.C. Kwok/Getty Images)

Những cuộc biểu tình chống chế độ của giới trẻ đều bộc phát, không thể đoán trước. Và thường bắt đầu từ những biến cố nhỏ. Các cuộc biểu tình đã đạt được những mục tiêu đầu tiên, như ở Hồng Kông, Ecuador, Chile, Lebanon… dù chưa thành công hoàn toàn. Nhưng sau khi tập hợp xuống đường người ta mới thấy những vấn đề lớn lâu nay vẫn bị chìm lấp có cơ hội nổi bùng lên. Cuộc tranh đấu vẫn tiếp tục.

Thanh niên khắp nơi ngó về Hồng Kông ; cả trong nước Việt Nam, Hồng Kông cũng là đề tài được theo dõi và bàn luận nhất trên các mạng xã hội.

Tại Barcelona, nước Tây Ban Nha, thanh niên đã hô hào nhau "Làm như Hồng Kông !" khi tiến đến chiếm phi trường ! Họ xuống đường khi nghe tin một lãnh tụ của phong trào bị tòa xử án tù và bị bắt giam ngày 14 Tháng Mười, vì hô hào vùng Catalan ly khai. Ngay sau đó một thông điệp được truyền đi trên mạng, giống hệt như các thanh niên Hồng Kông đã gởi, kêu gọi nhau "Tiến về phi trường El Prat". Thanh niên Barcelona còn truyền cho nhau cả đoạn phim dùng hoạt hình, "Cẩm Nang Chống Bom Cay Mắt" mà các bạn trẻ Hồng Kông tung lên trên mạng !

Tại sao giới trẻ xuống đường ?

Giới trẻ khắp nơi cảm thấy lòng phấn khởi lên cao trong năm qua khi theo dõi các cuộc biểu tình ở Cộng Hòa Czech, Algeria, Sudan và Kazakhstan, tiếp theo đến Bolivia, Iraq, Nga, Tây Ban Nha trong những tháng trước.

Chính quyền thường không thể nào đoán trước được khi nào giới trẻ tức giận nổi lên ! Các cuộc biểu tình thường bắt đầu vì những nguyên nhân rất nhỏ mà các ông nhà nước xưa nay vẫn làm và dân chúng vẫn lặng im chịu đựng.

Ở Chile, nguyên nhân chính là vé xe buýt và xe điện ngầm tăng giá. Dân Ecuador nổi lên vì tăng thuế xăng. Ở Lebanon lý do gây bất mãn đầu tiên là chính phủ đặt thêm thuế tiêu thụ đánh trên việc sử dụng WhatsApp để gọi điện thoại. Tại Saudi Arabia, các ông hoàng tàn bạo chưa bao giờ tưởng tượng người dân dám biểu tình. Nhưng cả một phong trào phản đối bùng lên trên mạng sau khi nhà nước tính đánh thuế 100% trên các tiệm ăn có "hút thuốc điếu" (hookahs). Thực ra đó không phải là những thứ "điếu cầy" rẻ tiền như ở Việt Nam mà là loại điếu bằng thủy tinh hoặc bằng đồng, khói chạy qua một bình chứa nước ; giống điếu thuốc lào của người Việt nhưng thường rất sang trọng.

Chính quyền các nước Chile, Lebanon, Ecuador, Saudi, đều phải nhượng bộ, xóa bỏ ngay những quyết định của họ. Giống như Trung Quốc đã phải cho chính quyền Hồng Kông rút lại dự luật dẫn độ châm ngòi cho các cuộc biểu tình.

Nhưng sau khi được nhượng bộ rồi, các phong trào thanh niên không chấm dứt mà lại bắt đầu mở rộng các mục tiêu của họ. Vì họ đã đánh thức người dân chung quanh tỉnh dậy để nhìn thấy những vấn đề lớn hơn : nghèo đói, bất công, tham nhũng, và sau cùng là cả hệ thống chính trị do một băng đảng độc quyền thao túng !

Lâu nay, người dân vẫn cam chịu các tệ nạn đó mà không dám chống đối. Giới trẻ là những nạn nhân chịu cảnh bất công nặng nề nhất. Chỉ cần một hành động nhỏ của chính quyền là đủ thành giọt nước làm tràn ly. Thanh niên đứng dậy. Và người dân hết sợ hãi.

Chile là quốc gia giàu nhất trong các nước Châu Mỹ La Tinh, nhưng cũng là xã hội bất công nhất. Người dân nhìn ra rằng những quyết định tăng vé xe buýt hoặc đánh thuế điện thoại là tiêu biểu cho các chính sách nhằm bóc lột đa số dân nghèo, còn bọn người giàu nhất nước vẫn tiếp tục hưởng thụ. Trong ngày dân chúng biểu tình chống mấy đồng tăng giá xe buýt thì báo, đài tiết lộ bức hình ông Tổng thống Sebastián Piñera đang ăn trong một tiệm cơm Ý sang trọng nhất.

Người dân Lebanon thấy thanh niên xuống đường phản đối thuế đánh vào việc dùng điện thoại WhatsApp thì họ cũng nhớ ra rằng lâu nay họ vẫn cúi đầu chịu đựng cảnh tham nhũng, bất công mà đáng lẽ họ phải phản đối.

Tiêu biểu cho cảnh thối nát của bộ máy chính quyền là bản tin tiết lộ ông Thủ tướng Saad al-Hariri đã tặng món quà trị giá 16 triệu USD cho một cô người mẫu mặc bikini ông quen ở quần đảo Seychelles năm 2013.

Điều trớ trêu là trong năm nay đời sống của người dân Lebanon đã được cải thiện, điện, nước không còn bị cắt ngang như năm ngoái. Nhưng người dân vẫn đứng dậy lên tiếng. Họ không chỉ đòi thay đổi một chính phủ hay một lãnh tụ độc tài như Mùa Xuân Á Rập 2011, mà họ lên án tất cả "giai cấp chính trị" vẫn nắm quyền nhờ bản Hiến Pháp lỗi thời.

Giới trẻ Lebanon dẫn đầu những đoàn biểu tình đòi thay đổi cả hệ thống chính trị. Họ nói : "Chúng tôi đến đây không phải chỉ vì chống thuế trên WhatsApp. Chúng tôi đến đây vì đủ các thứ, xăng dầu, bánh mì, thực phẩm, vì đủ các thứ khác !"

Nhưng trên hết, giới trẻ ở thủ đô Beirut đang đòi phải xóa bỏ cả hệ thống chính trị đã ngự trị nước Lebanon từ thời thành lập quốc gia thế kỷ trước. Lebanon có nhiều tôn giáo đã từng xung đột cho nên khi lập quốc người ta đã thỏa hiệp để các giáo phái đều hài lòng. Hiến pháp Lebanon ấn định các giáo phái chia phần những địa vị trong chính quyền, như các phái Sunni và Shia trong Hồi giáo, các nhóm theo Thiên Chúa Giáo và các tôn giáo ít người khác.

Cơ cấu chính trị đó tạo cơ hội cho thủ lãnh các nhóm tôn giáo lợi dụng, họ dùng quyền hành được hiến pháp bảo đảm để chia quyền lợi cho phe đảng của cá nhân. Những người có khả năng nhưng không thuộc băng đảng nào thì không được dùng ! Trong các cuộc biểu tình mới đây tại Lebanon, thanh niên thuộc các tôn giáo khác nhau đã đoàn kết lại, đòi thay đổi bản Hiến Pháp chia phần gây cảnh bất công này. Mà đó cũng là một nguồn gốc của tham nhũng !

Trong những cuộc nổi dậy dẫm máu ở Iraq, các thanh niên cũng theo đuổi mục tiêu này. Sau khi giết Saddam Hussein người Mỹ lập ra một chế độ phân chia quyền bính giữa những người Iraq theo phải Shia (đa số) Sun Ni và người Kurd (thiểu số). Nhưng cơ cấu tưởng là công bằng đó đã tạo ra cảnh bất công và tham nhũng. Bởi vì, cũng giống như tại Lebanon, giới lãnh tụ tôn giáo và chính trị ở Iraq cũng lạm dụng phương pháp chia phần này để phe đảng trục lợi, còn những thanh niên có khả năng đều bị gạt ra ngoài.

Một điều đặc biệt trong phong trào xuống đường ở Iraq là giới trẻ đã tấn công vào tòa Tổng Lãnh Sự của Iran ở thành phố Karbala. Trong thế kỷ trước hai nước đã đánh nhau ít nhất hai lần rất nặng nề. Chính quyền Iran, theo phái Shia, hiện nay ủng hộ chính phủ Iraq đồng thời vẫn yểm trợ các đạo dân quân cùng giáo phái, thao túng chính trị Iraq. Dân biểu tình ở Karbala hô khẩu hiệu : "Karbala giải phóng ! Iran cút đi !" Có mấy người chết trong cuộc biểu tình này.

Những cuộc biểu tình chống chính phủ gần đây thường do những người trẻ khởi xướng, rồi sau đó được "người lớn" ủng hộ và tham dự. Như ở Hồng Kông, Lebanon, Chile. Các hành động bộc phát này thường cũng không có ai "đứng đầu", mà chỉ do các mạng xã hội bảo nhau

Nhìn lại các cuộc xuống đường của giới trẻ khắp nơi, nguyên nhân khởi động thường là kinh tế nhưng dân những quốc gia này còn sung túc hơn dân Việt Nam. Theo cách tính dựa trên mãi lực (PPP) của IMF, lợi tức bình quân một năm của người Việt Nam tương đương với 7.510 USD (đứng hạng 121) ; dân Lebanon đứng hạng 86, được 14.684 USD ; dân Iraq được 17.659 USD, hạng 76 ; còn dân Chile đứng hạng 56 trong số gần 200 nước, có lợi tức bình quân với mãi lực bằng 25.978 USD.

Với lợi tức gấp hai tới gấp bốn lần dân Việt như vậy, thanh niên các nước trên nổi dậy vì động cơ chính là họ chống bất công, chống tham nhũng, rồi chống cả cơ cấu chính trị tạo ra tham nhũng, bất công.

Dân Việt Nam chắc chắn chịu đựng bất công, tham nhũng còn nặng nề hơn Chile, Lebanon hay Iraq. Và chịu đựng lâu hơn. Thanh niên Việt Nam trả hàng mấy chục ngàn đô la để được đi làm "lao công nô lệ" ở nước ngoài, chắc chắn phải cảm thấy nhục nhã và uất ức hơn.

Giống như dân Hồng Kông nổi lên chống áp lực của Trung Quốc, dân Iraq liều mình chịu chết để chống Iran, thanh niên Việt Nam đã nhiều lần nổi dậy chống bá quyền Trung Quốc.

Giới trẻ thế giới đang đứng dậy không phải chỉ vì chống cái ác mà còn để đề cao cái thiện. Hàng triệu thanh niên đã bãi khóa, biểu tình từ Melbourne đến Mumbai, đến Berlin và New York, cho tới những hòn đảo nhỏ xíu trong Thái Bình Dương, cùng với Greta Thunberg, cô nữ sinh 16 tuổi người Thụy Điển hô hào loài người bảo vệ môi trường sống. 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 05/11/2019

Published in Diễn đàn
vendredi, 01 novembre 2019 23:05

Đô la là vũ khí đánh Trung Quốc

Quốc hội Mỹ sẽ biểu quyết dự luật "Nhân Quyền và Dân Chủ cho Hồng Kông". Tin vừa loan báo, Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối Mỹ muốn can thiệp vào nội bộ Trung Quốc ! Tại sao ?

dola1

Hồng Kông quá quan trọng đối với Trung Quốc trong thương mại quốc tế nên Mỹ có một lợi thế là dùng đô la như một vũ khí để đánh Trung Quốc. Trong hình, ngân hàng China Citic Bank International tại quận Wanchai ở Hồng Kông. (Hình : Nicolas Asfouri/AFP via Getty Images)

chính quyền cộng sản Trung Quốc không lo chính phủ Mỹ sẽ giúp những người tranh đấu đòi cho Hồng Kông sống dân chủ. Mối lo chính là dự luật này, nếu thành luật sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Hồng Kông, nhất là vai trò của Hồng Kông trong đời sống kinh tế nước Trung Hoa.

Bởi vì Hồng Kông là một trung tâm tài chính quốc tế. Và cũng là cửa ngõ để đưa đồng "nhân dân tệ" ra thị trường thế giới, thành nơi đồng tiền Trung Quốc được dùng, được trao đổi với tiền ngoại quốc. Mỗi năm, các cuộc trao đổi thương mại từ lục địa qua Hồng Kông dùng nhân dân tệ lên tới 500 tỷ nguyên (70 tỷ USD), số "đồng nguyên" được ký thác trong các ngân hàng ở Hồng Kông đã lên tới 644 tỷ.

Vì vậy, trong cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay, Hồng Kông sẽ trở thành một mục tiêu tấn công của chính phủ Mỹ. Chiến tranh mậu dịch sẽ biến thành chiến tranh tài chính !

Bắc Kinh lo ngại, vì họ vẫn muốn dùng địa vị của Hồng Kông để "quốc tế hóa" đồng nhân dân tệ, mục tiêu sau cùng là biến đồng "nguyên" thành một thứ tiền tệ quốc tế.

Khi hai thương gia ở Congo và Ecuador mua bán với nhau chẳng hạn, họ thường không dùng tiền của nước họ mà phải dùng một thứ tiền tệ nào dễ dùng để đi mua ở các nước khác. Tập Cận Bình muốn có ngày họ sẽ dùng đồng nguyên.

Còn lâu tham vọng này mới thành sự thật ; vì địa vị của đồng nguyên còn quá thấp.

Theo số liệu của Ngân Hàng Thanh Lý Quốc Tế (Bank for International Settlements – BIS), trong tháng Tư năm nay 88% các vụ giao thương trên thế giới được thanh toán bằng đô la Mỹ. Đồng nguyên đứng hàng tứ tám, chỉ có 4.3% tổng số thương vụ quốc tế, đứng sau đồng franc Thụy Sĩ.

Công ty Swift (the Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication) ở Bỉ (Belgium) chuyên ghi chép những món tiền chuyển tay sau các vụ trao đổi thương mại thế giới. Vai trò này giống như công việc của các thư ký nhưng nó lại đầy các tin tức quan trọng.

Theo Swift thì hơn 40% các vụ thanh toán thương mại quốc tế được trả bằng đô la Mỹ. Số đồng nguyên dùng để thanh toán chỉ chiếm dưới 2% ; đứng sau đồng tiền Anh Quốc (7%), Nhật Bản (4%).

Những vai trò thống ngự của đồng đô la trong thương mại quốc tế có đem lợi lộc gì cho nước Mỹ hay không ?

Chính phủ Mỹ có thể sử dụng thế mạnh này khi muốn tạo áp lực trên các quốc gia khác. Khi chính phủ Mỹ ra lệnh cho các ngân hàng nước Mỹ không được giao dịch với bất cứ cá nhân, công ty thương mại, ngân hàng, hay một quốc gia nào, thì họ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề !

Thí dụ, năm 2018, Tổng Thống Donald Trump rút nước Mỹ ra khỏi thỏa hiệp quốc tế với Iran về bom nguyên tử. Ngày 5 tháng Mười Một, công ty Swift thông báo cho mọi người biết từ nay họ không giữ quan hệ nào với các ngân hàng xứ Iran nữa. Các ngân hàng Mỹ cũng không thanh lý các ngân phiếu của các công ty Iran hoặc phát xuất từ các ngân hàng của Iran nữa.

Ông Trump còn đi một bước xa hơn nữa. Ông cấm các công ty và ngân hàng Mỹ không được giao dịch với những công ty hay ngân hàng thuộc nước khác nhưng làm ăn với các ngân hàng hay xí nghiệp Iran. Một công ty Pháp mua dầu của Iran sẽ được ghi vào sổ đen. Công ty đó không thể thanh toán các ngân phiếu dùng đô la Mỹ qua các ngân hàng Mỹ. Họ sẽ gặp bao nhiêu chuyện phức tạp trong giao dịch quốc tế, những lợi lộc do việc mua dầu lửa của Iran trở thành quá nhỏ so với những trở ngại vì không được dùng da Mỹ để thanh toán với nước khác.

Trung Quốc phải nhập cảng 70% dầu lửa và 50% khí đốt, Iran là một nguồn cung cấp lớn. Công ty dầu lửa ở Chu Hải, Trung Quốc, sẽ phải ngưng việc mua bán trực tiếp với các công ty Iran nếu muốn thoát bị Mỹ cấm không được giao dịch với các ngân hàng Mỹ kể từ tháng Bảy năm nay. Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối chính phủ Mỹ đơn phương "ra lệnh" các nước khác không được mua bán với Iran, nhưng cuối cùng cũng không thay đổi chi được.

Vì vai trò của đồng đô la Mỹ trong nền tài chính thế giới cũng không phải do các chính phủ Mỹ áp đặt mà được. Người ta thích lấy đô la khi bán hàng, cứ như thế biến đô la thành một đồng tiền quốc tế !

Chính phủ Mỹ chỉ lợi dụng địa vị đó để làm áp lực ngoại giao. Các công ty quốc tế vẫn có thể thay đổi, dùng đồng euro thanh toán với nhau nếu không dùng đồng tiền Anh Quốc hay tiền Nhật. Nhưng đồng nhân dân tệ thì chắc còn phải đợi lâu lắm mặc dù nền kinh tế Trung Quốc sẽ có ngày vượt lên lớn hơn kinh tế Mỹ và hiện nay giao dịch thương mại của Trung Quốc đã đứng hàng đầu.

Trong cuộc chiến tranh mậu dịch Mỹ-Trung Quốc hiện nay, ông Donald Trump có một lợi thế là dùng đô la như một vũ khí. Nhưng điều này ít khi được nhắc tới !

Với dự luật "Nhân Quyền và Dân Chủ cho Hồng Kông", Quốc hội Mỹ có thể tấn công vào vai trò trung tâm tài chính của Hồng Kông bằng cách cho phép chính phủ cấm các ngân hàng Mỹ giao dịch với các cơ sở thương mại và tài chính của lãnh thổ này khi nhà cầm quyền xâm phạm các quyền tự do dân chủ của người dân. Vì vai trò của Hồng Kông quá quan trọng đối với Trung Quốc trong thương mại quốc tế, lệnh cấm này sẽ có thể gây trở ngại cho rất nhiều xí nghiệp trong nước Trung Hoa !

Giấc mộng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ càng xa lắc xa lơ ! 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 01/11/2019

Published in Diễn đàn

Các chính phủ Nixon và Ford rút quân rồi ngưng viện trợ từ năm 1973 đến 1975, bỏ mặc Quân Lực Việt Nam Cộng hòa chiến đấu cho đến khi kiệt lực. Người Việt miền Nam cay đắng mãi, tự hỏi tại sao bạn đồng minh bỏ rơi mình tàn nhẫn như vậy ?

quan1

Người Syria và người Kurd di tản, chạy trốn khỏi cuộc tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vào các khu vực do người Kurd kiểm soát ở phía Đông Bắc Syria hôm 11 Tháng Mười, 2019, tại thị trấn Tal Abyad, Syria. (Hình : Delil Souleiman/AFP via Getty Images)

Bây giờ, có thể đoán được lý do tại sao, chút đỉnh !

Trước hết, người Mỹ vẫn nói một quốc gia không có bè bạn, chỉ có quyền lợi. Khi hai nước cùng chung một kẻ thù thì có thể hợp tác với nhau, vì quyền lợi chung. Người Việt mình thì quen gọi như thế là "đồng minh".

Từ năm 1954, nhiều người Việt ở miền Nam nghĩ chế độ Cộng hòa của mình là "đồng minh" của nước Mỹ. Bởi vì nước Mỹ lúc đó đang tìm cách chống Trung Cộng, không cho bành trướng khắp vùng Đông Nam Á ; trong khi dân miền Nam thì chống Việt Cộng, một đảng cộng sản đàn em giúp Trung Cộng theo đuổi cùng mục đích đó. Thế thì hai nước là đồng minh chớ còn là chi nữa ?

Nhưng bây giờ mới hiểu, có lẽ mình nghĩ như vậy là nhầm to !, Không chắc người Mỹ đã coi mình là đồng minh ! Đặc biệt là chính phủ Mỹ. Khi nói đến các lực lượng quân sự đã chiến đấu cùng với quân Mỹ, người Mỹ có thể gọi đó là "bạn chiến đấu" hay "bạn cùng phe", nhưng nhiều người không gọi là "allies – đồng minh !"

Tổng thống Mỹ Donald Trump nghĩ như vậy. Ông hiểu chữ "allies" theo ý nghĩa khác người Việt mình. Khi ông nói về các đạo quân người Kurd ở miền Bắc Syria. Người Kurd đã chiến đấu cùng quân Mỹ tiêu diệt tàn quân ISIS. Người Việt gọi họ là đồng minh của Mỹ. Nhưng bây giờ họ đang bị chính phủ Mỹ bỏ rơi, mặc cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ "làm thịt". Họ đang lâm vào cảnh giống như Quân Lực Việt Nam Cộng hòa bị Mỹ ngưng viện trợ, mặc cho quân cộng sản miền Bắc nuốt dần dần.

Hôm thứ Tư, khi nghe các đại biểu quốc hội thuộc cả hai đảng chỉ trích việc nước Mỹ bỏ rơi các đồng minh người Kurd, Tổng thống Trump "tuýt" rằng : "Người Kurd chiến đấu để bảo vệ đất đai của họ !" (They’re fighting for their land). Ý ông muốn nói người Kurd chiến đấu vì nhu cầu của chính họ, không phải vì muốn giúp Mỹ tiêu diệt ISIS.

Một câu khẳng định đó đủ cho thấy ông Trump đánh giá 10.000 quân Kurd đã bỏ mình trong mấy năm qua thế nào ! Họ đánh cho tổ tiên, con cháu, giòng giống của chính họ !

Các vị tổng thống đời trước như Nixon và Ford không biết nói một câu tương tự : "Quân Việt Nam Cộng Hòa chiến đấu cho đất nước và chế độ tự do của họ !"

Ông Lê Duẩn có thể làm chứng biện minh cho các ông Nixon. Lê Duẩn khẳng định "Chúng ta (Việt Cộng miền Bắc) chiến đấu cho cả Liên Xô, cả Trung Quốc !" Không một vị tổng thống nào của Việt Nam Cộng hòa nói một câu như vậy ! Ergo, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chỉ chiến đấu cho nước mình, cho con cháu mình được sống tự do ; chớ đâu có đánh vì muốn giúp nước Mỹ chống Trung Cộng ! Nói vậy là đủ cho ông Nixon biện minh cho việc phủi tay, rút ra khỏi miền Nam Việt Nam !

Đúng như ông Trump nhận xét về người Kurd ngày nay, họ đánh bọn khủng bố ISIS cho họ, chớ không phải cho nước Mỹ. Các ông Nixon và ông Ford không biết nói khéo như thế. Hai ông còn kém ông Trump thêm một điểm nữa, là không biết cách phủ nhận chữ "đồng minh" trong quan hệ với Việt Nam Cộng Hòa.

Tổng thống Trump giải thích, "Như có người hôm nay mới viết một bài rất vững mạnh, nói rằng người Kurd đâu có giúp gì nước Mỹ trong Đại Chiến Thứ Hai. Thí dụ, họ không giúp người Mỹ trong trận Normandy ! Đó là trận quân đồng minh Anh, Mỹ đổ bộ vào bờ biển Normandie ở Pháp, tấn công và tiêu diệt Đức Quốc Xã !

Tới đây thì chúng ta biểu rõ hơn. Trong tự điển của của Tổng thống Trump, từ "đồng minh" (allies) chỉ đáng đem dùng khi nói đến các nước Âu Châu, những nước từng đứng cùng phe với Mỹ trong hai trận chiến tranh thế giới lớn, thế kỷ trước.

Ông Trump chịu ảnh hưởng của Kurt Schlichter, một nhà bình luận mà ông nhắc đến nhưng không nêu tên. Trong một bài mới xuất hiện trên mạng, ông Schlichter viết, "Người Kurd giúp chúng ta tiêu diệt quân ISIS, đúng sự thật như thế. Nhưng một sự thật khác là người Kurd đằng nào cũng phải đánh quân khủng bố ISIS, vì bọn đó nằm ngay bên cạnh họ. Người Kurd hợp tác với chúng ta ở đất nước họ vì chung một mối quan tâm cần xóa bỏ bọn khủng bố !"

Ông Schlichter viết thêm : "Người Kurd không hề xuất hiện ở Normandy để giúp chúng ta, cũng như không đến Khe Sanh (Việt Nam) hoặc Kandahar (Afghanistan)".

Đó là ý tưởng mà Tổng thống Trump đã trích dẫn, ông chỉ nhắc đến Normandy là cái tên quen thuộc với ông hơn. Hai tên Khe Sanh và Kandahar nghe như tiếng Hy Lạp, lạ hoắc, khó nhớ.

Nhưng nhà bình luận Kurt Schlichter phạm mấy điều nhầm lẫn. Vì đã quên lịch sử, hoặc không chịu học lịch sử.

Trước hết, người Kurd là một dân tộc nhưng không có một quốc gia. Sau Thế Chiến Thứ Nhất các nước thắng trận đã có ý định cho người Kurd trong vùng lập quốc, thành một nước gọi là Kurdistan. Nhưng kế hoạch này bị các nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Iran phản đối, thế là bị bỏ quên luôn. Từ thượng cổ tới nay dân Kurd vẫn không có một đất nước riêng, không có một chính quyền và quân đội để quyết định gửi quân đi đánh nhau ở bất cứ nơi nào trên thế giới, Normandie, Khe Sanh hoặc Kandahar !

Nếu người Kurd mà tính mang quân đi giúp nước Mỹ ở các mặt trận đó thì họ sẽ bị chính quyền các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Iran, Syria và Armenia (trước thuộc nước Nga) đánh cho tan nát ngay ! Thử tưởng tượng bây giờ người Việt gốc Champa hay gốc Khmer dự tính đem quân đi giúp nước Mỹ ở Iraq chẳng hạn. Có chính quyền Việt Nam nào cho phép hay không ?

Đặt câu hỏi tại sao người Kurd không đến đánh giúp quân Mỹ ở Normandie chứng tỏ ông Schlichter mù tịt về lịch sử thế giới và lịch sử vùng Trung Đông !

Vả lại, ông Schlichter cũng không để ý rằng nước Israel cũng không phải đồng minh của Mỹ, vì họ không hề gửi quân tới giúp quân Anh, Mỹ đổ bộ ở Normandie ! Vì nước Israel sanh trễ mất hai năm, sau trận đánh !

Hơn nữa, từ thời Chiến Tranh Lạnh cho tới ngày nay, các chính phủ Mỹ, ít nhất là trước thời Tổng thống Trump, vẫn coi nước Đức, Nhật Bản, nước Ý là các nước "đồng minh" xưa kia chống cộng sản và nay chống khủng bố. Mà các nước Đức, Ý chắc chắn không nước nào gửi quân đến giúp Mỹ đổ bộ ở Sicily và Normandie ! Nhật Bản cũng không thể nào gửi quân đi giúp Mỹ trong các trận đánh ở Okinawa !

Chuyện khôi hài đến thế mà cũng xưng xưng nói được thì kỳ lạ thật !

Dù những lời biện minh cho hành động bỏ rơi quân Kurd vô nghĩa lý, nhưng hậu quả trước mắt là quân đội cùng đàn bà, trẻ em người Kurd đang bị quân Thổ Nhĩ Kỳ đánh bom và tấn công tơi tả. Chính phủ Mỹ đã quyết định phủi tay, không muốn dính dáng chi tới vùng Trung Đông nữa. Hai nước vui mừng nhất là Nga và Iran, cùng chính quyền Assad ở Syria.

Và từ nay khi nào nước Mỹ cần có đồng minh, ở bất cứ nơi nào trên thế giới, các quốc gia khác và các nhóm thiểu số có quân lực riêng ở nước khác, sẽ rất lo ngại. Họ có được coi là những đồng minh của Mỹ hay không ?

Người ta sẽ đánh giá lại quan niệm "đồng minh với Mỹ".

Tướng James G. Stavridis, nguyên tư lệnh lực lượng Mỹ ở Âu Châu, nhận xét rằng xưa nay khi nào nước Mỹ giữ lời bảo vệ các đồng minh thì luôn luôn được lợi. Thí dụ, trong Thế Chiến Thứ Hai, Mỹ đã bảo vệ nước Anh hoặc Australia trước đe dọa của Đức và Nhật. Năm 1950 Mỹ bảo vệ Nam Hàn. Khi nào nước Mỹ bỏ rơi các nước đồng minh, Tướng Stavridis nhận xét, như ở Việt Nam và bây giờ có thể ở Afghanistan và Syria, thì thế nào cũng bị thiệt hại.

Chúng ta đang thấy quả báo nhãn tiền : Mỹ bỏ rơi Việt Nam Cộng hòa cho nên bây giờ phải đối phó với mối lo lớn hơn : Trung Cộng bành trướng trong vùng biển Đông Nam Á !

Tướng Paul D. Eaton, đã từng tham chiến ở Iraq, nhận xét : "Muốn làm cho nước khác tin mình cần rất nhiều thời gian. Khi nào người ta mất tin tưởng, như bây giờ, muốn lập lại niềm tin rất khó".

Mai mốt, nếu Mỹ bỏ cả Syria và Afghanistan, không biết các chính phủ sau sẽ phải lo ngăn chặn ảnh hưởng của Iran và Nga trong vùng Trung Đông và Nam Á như thế nào !

Cả quốc hội Mỹ, hai đảng, đang cố can ngăn ông tổng thống. Muốn hiệu quả, có lẽ, họ phải mở một lớp học về lịch sử, ít nhất, giúp ông Trump hiểu hai chữ đồng minh nghĩa là gì. Nên kể lại chuyện chính phủ Nixon đối xử với Việt Nam Cộng hòa ! 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 11/10/2019

Published in Diễn đàn

Từ giữa thế kỷ 20, khi nào kinh tế Mỹ lên thì kinh tế thế giới cũng lên, Mỹ xuống thì các nước khác cũng xuống theo. Thí dụ, năm 2001 công nghiệp tin học ở Mỹ mất đà hay năm 2008 bị khủng hoảng tài chánh vì địa ốc, cả thế giới chịu tai nạn.

kinhte1

Nước Đức xuất cảng rất nhiều xe hơi. Trong 12 tháng qua ở nước Tàu số xe bán giảm bớt 12%. Bắc Kinh đã hạn chế không để các ngân hàng vung tiền cho vay nữa, Đức chịu ảnh hưởng nặng nề, một nguyên nhân khiến kinh tế Đức tụt giảm. Trong hình, xe hơi nhập cảng của Mercedes-Benz tại một phòng trưng bày ở Thanh Đảo, phía Đông tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Hình : STR/AFP/Getty Images)

Năm 2019 một hiện tượng mới xuất hiện : Kinh tế thế giới xuống và đang kéo nước Mỹ xuống theo.

Nguyên nhân một phần cũng vì cuộc chiến tranh thương mại do Mỹ khởi động khiến kinh tế các nước khác yếu đi. Trung Quốc lao đao vì các đòn quan thuế của Tổng Thống Donald Trump. Người Mỹ thì vui mừng khi thấy khiếm hụt mậu dịch của Mỹ đối với nước Tàu bắt đầu giảm.

Trong tháng Tám năm nay số thâm thủng bớt được 3,1% so với tháng trước, và giảm bớt 11,4% so với tháng Tám năm ngoái. Nhưng khiếm hut giảm được ở phía Đông thì lại tăng lên ở đằng Tây. Thâm thủng mậu dịch của nước Mỹ đối với tất cả thế giới vẫn tăng thêm gần 55 tỷ vào cuối tháng Tám. Riêng số khiếm hụt với Đức tăng hơn 7 tỷ USD.

Số khiếm hụt lên cao vì các công ty Mỹ lo mua nhiều, đề phòng chính phủ sẽ tăng thuế nhập càng. Tổ chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO) mới tuyên án cho Mỹ được phép đánh thuế nhập cảng trên 7,5 tỷ USD hàng hóa Châu Âu. Sẽ tăng thuế trên rượu vang, pho ma, cho đến máy bay Airbus ! Đây là một thắng lợi, vì Mỹ nạp đơn thưa kiện từ năm 2014, tố cáo các nước Liên Âu (EU) trợ cấp cho công ty Airbus, cạnh tranh không công bằng với Boeing !

Nhìn chung thì nền thương mại toàn cầu đã thay đổi khiến kinh tế Mỹ không còn đóng vai trò đầu tàu kéo thế giới chạy theo nữa. Ngược lại, bây giờ Mỹ cũng bị lôi kéo, không cưỡng được.

Trước đây, khi các nước suy thoái, bớt mua hàng Mỹ xuất cảng, Mỹ vẫn chịu đựng được dễ dàng. Vì trong nền kinh tế Mỹ tỷ số hàng xuất cảng tương đối thấp. Ba phần tư việc sản xuất ở Mỹ là để cung ứng cho nhu cầu người tiêu thụ trong nước. Khi kinh tế thế giới xuống, Mỹ không bị ảnh hưởng nặng so với các nơi khác, như nước Đức chẳng hạn.

Nước Đức xuất cảng rất nhiều xe hơi và cả những thứ máy móc để chế tạo xe hơi. Khi người tiêu thụ bên Tàu hay bên Ấn Độ không mua xe nhiều nữa thì người Đức lo ngại. Từ 2012 đến 2018 số xe hơi dân Tàu mua tăng gấp rưỡi. Nhưng trong 12 tháng qua ở nước Tàu số xe bán giảm bớt 12%. Bắc Kinh đã hạn chế không để các ngân hàng vung tiền cho vay nữa, sợ trái bong bóng nợ xấu bùng nổ. Đức chịu ảnh hưởng nặng nề, một nguyên nhân khiến kinh tế Đức tụt giảm.

Trước đây, nước Mỹ không bị lôi cuốn vào cơn thoái trào của thế giới như vậy. Kinh tế Mỹ chịu áp lực từ các yếu tố trong nước, như tỷ số lạm phát, chính sách chi tiêu của chính phủ, mức lãi suất do Ngân Hàng Trung Ương ấn định, vân vân.

Nhưng đến năm 2019 tình hình bắt đầu khác. Nguyên do vì tỷ trọng của nền kinh tế Mỹ trong hệ thống toàn cầu giờ đây nhỏ hơn trước. Nhiều quốc gia mới phát triển nhanh, thế giới bên ngoài đã giàu hơn. Riêng nước Tàu, Tổng Sản Lượng đã tăng gấp bốn lần kể từ năm 1980, bây giờ chỉ thua GDP nước Mỹ.

Lý do thứ hai, từ ba chục năm qua Mỹ bắt đầu bán ra ngoài nhiều hơn, nhờ nền kinh tế toàn cầu hóa. Năm 1980 Mỹ xuất cảng 272 triệu USD hàng hóa và dịch vụ (trong khi mua vào 291 triệu USD) ; tới năm 2018 Mỹ xuất cảng 2.500 triệu. Số xuất cảng đã tăng gần gấp mười lần (và số nhập cảng 3.100 triệu USD tăng hơn 10 lần).

Ngày nay, các công ty Mỹ đem tiền lời ở nước ngoài về nhiều hơn trước. Khi dân các nước khác ít tiêu tiền hơn thì Mỹ cũng chịu ảnh hưởng. Ngoài ra, nhờ tiến bộ kỹ thuật bây giờ Mỹ lại bắt đầu xuất cảng dầu, khi kinh tế thế giới xuống khiến giá dầu khí giảm, các công ty dầu khí của Mỹ bị ảnh hưởng nặng hơn.

Trong lãnh vực tài chánh, nước Mỹ cũng mất vai trò đầu tầu. Ngày xưa Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (Fed) chỉ cần căn cứ trên các điều kiện kinh tế trong nước mỗi khi quyết định lãi suất, cho lên hay xuống. Ngày nay, họ phải ngó xem các nước khác đang làm gì.

Tháng trước, Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu (ECB) cắt lãi suất, Tổng Thống Donald Trump đã thúc giục Fed phải cắt theo. Fed đã cắt tháng trước, và trong kỳ họp tới chắc còn cắt nữa. Vì mọi người đang lo kinh tế thế giới thoái trào sẽ kéo nước Mỹ xuống theo !

Ngân Hàng Trung Ương Mỹ không thể làm ngơ như hồi xưa. Vì khi ECB cùng với Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Hàn, vân vân, cắt giảm lãi suất, giới đầu tư sẽ chuyển tiền vào nước Mỹ để kiếm lời cao hơn. Muốn đầu tư ở Mỹ, họ phải đi đổi tiền, tức là mua đô la Mỹ. Giá trị đồng đô la lên cao, khiến cho hàng hóa Mỹ bán ra ngoài sẽ tăng giá khi tính ra tiền nước khác. Các công ty Mỹ sẽ bán hàng khó hơn, trong khi dân Mỹ mua hàng ngoại quốc thấy rẻ hơn !

Hiện tượng đồng đô la lên giá đã diễn ra trong một năm qua. Cuộc chiến tranh thương mại nhắm cắt giảm khiếm hụt mậu dịch của Mỹ đối với cả thế giới ; đánh bằng cách tăng quan thuế. Nhưng những xáo trộn do cuộc chiến mậu dịch làm nhiều nước gặp khó khăn, người ta càng muốn đầu tư vào nước Mỹ. Thế là đồng đô la càng tăng giá. Nước Mỹ vẫn mua nhiều hơn số bán ra ; cán cân mậu dịch vẫn thâm thủng như cũ và còn cao hơn.

Khi phát động chiến tranh mậu dịch, chính phủ Mỹ suy nghĩ rất giản dị. Ông Peter Navarro, cố vấn thương mại của Tòa Bạch Ốc nói rằng mục tiêu cuộc chiến quan thuế này là làm cho bên địch chịu đòn đau, còn nước Mỹ thì không sao. Điều này nghe hợp lý, vì Trung Quốc và các nước Âu Châu, Canada, Mexico sống nhờ xuất cảng sang Mỹ. Khi quan thuế tăng làm cho giá hàng của họ đắt quá, không bán được nữa, thì họ sẽ không sống nổi, sẽ phải xếp giáo quy hàng. Trong khi đó nước Mỹ xuất cảng ít, có bán ít hơn chút cũng không sao.

Nhưng thực tế không giản dị như vậy. Chiến tranh mậu dịch khiến hầu hết các nước bị ảnh hưởng vì các nước khác cũng mua, bán hàng với các nước bị đánh thuế nặng. Do đó, cuộc chiến làm cho kinh tế cả thế giới đi xuống. Khi nghèo hơn, người ta cũng không thể mua hàng Mỹ xuất cảng nhiều như trước. Các công ty Mỹ không biết cuộc chiến bao giờ mới ngã ngũ, không biết sẽ dẫn tới đâu, đã bắt đầu ngưng không đầu tư và không tuyển mộ công nhân như trước nữa. Các số thống kê đang phơi bày hiện tượng này.

Chỉ số dự báo kinh tế PMI (đo lường kế hoạch sản xuất công nghiệp) đã tụt xuống 49,1 trong tháng Tám, lại xuống 47,8 trong tháng Chín. Khi nào chỉ số PMI thấp hơn 50 nó báo hiệu hoạt động sản xuất công nghiệp sẽ giảm bớt. Hai tháng qua, PMI đã tụt giảm nặng nề nhất kể từ tháng Sáu, 2009, khi Mỹ đang lôi cả thế giới vào cơn thoái trào lớn.

Khi hoạt động sản xuất giảm bớt thì các công nhân trong những ngành đó sẽ tiêu thụ ít đi, khiến các ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng. Trong tháng Chín, đến lượt chỉ số PMI trong các ngành dịch vụ, không sản xuất hàng hóa, cũng tụt giảm, ở nước Đức cũng như ở Mỹ ; nhưng vẫn là 50,4, cao hơn con số 50, tức là vẫn tăng trưởng, dù yếu ớt. Bốn lãnh vực dịch vụ ở Mỹ đi xuống trong tháng Chín là ngành địa ốc, cho thuê nhà thuê xe, và ngành bán sỉ.

Tóm lại, kinh tế Mỹ bây giờ không thể vững chân khi kinh tế thế giới đi xuống.

Điều đáng lo là hiện nay các người nắm quyền kinh tế khắp nơi sẽ khó chống đỡ khi kinh tế thoái trào, so với quá khứ.

Trước đây, muốn kích thích cho kinh tế đi lên, người ta vẫn dùng một phương pháp là cắt giảm lãi suất để người tiêu thụ cũng như giới sản xuất dễ vay tiền hơn. Nhưng Ngân Hàng Âu Châu (ECB) vừa mới giảm lãi suất cơ bản xuống dưới số không ; rất khó cắt xuống nữa. Fed ở Mỹ thì còn đường để cắt, nhưng đã báo trước không chấp nhận lãi suất âm. Chính phủ có thể kích thích kinh tế bằng cách tiêu tiền thật nhiều, nhưng mức khiếm hụt ngân sách hiện đã lên rất cao sẽ không cho phép mạnh tay nữa.

Nếu chính sách lãi suất âm của ECB không vực dạy được kinh tế Đức và Âu Châu thì họ có thể dùng đến sách lược cuối cùng là hạ giá đồng euro để xuất cảng dễ hơn. Khi đó, đồng đô sẽ la lên giá, Mỹ bán hàng khó, sẽ phải phản ứng bằng cách hạ giá đồng mỹ kim. Một cuộc chạy đua hạ giá tiền tệ có thể tai hại không khác gì cuộc chạy đua đánh thuế lẫn nhau đang diễn ra.

Giữa những tin tức bi quan đó, ngày Thứ Sáu, 4 tháng Mười, đã có một tin vui : Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã giảm thêm, từ 3,7 xuống 3,5% mặc dù chỉ có 136.000 công việc làm mới, thấp hơn mọi dự đoán. Nhưng tin vui mừng cũng không làm người ta bớt lo lắng vì kinh tế thế giới vẫn trên đà uy yếu.

Trong kỳ họp cuối tháng này, Ngân Hàng Trung Ương Mỹ chắc sẽ hạ lãi suất một lần nữa, mặc dù kinh tế vẫn còn khỏe mạnh chưa cần tiêm thuốc kích thích. Cứ cẩn thận ngăn ngừa trước khi nước lụt đến chân thì hơn. Mỗi lần lãi suất lên hay xuống cũng phải chờ ít nhất nửa năm mới gây được ảnh hưởng trên đời sống. 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 04/10/2019

Published in Diễn đàn
samedi, 28 septembre 2019 17:56

Đàn hặc hay không đàn hặc ?

Ngày thứ Ba 24/9, bà Nancy Pelosi nói sẽ bắt đầu việc điều tra để đàn hặc (impeachment) Tổng thống Donald Trump, sau vụ ông Trump điện thoại cho Tổng thống Volodymyr Zelensky, đề cập tới việc điều con trai cựu Phó Tổng thống Joe Biden về một vụ tham nhũng ở xứ Ukraine nhiều năm trước đây.

impeach1

Các nhà hoạt động muốn luận tội Tổng thống Donald Trump. (Hình : AP Photo/J. Scott Applewhite)

Theo thiển ý, bà chủ tịch Hạ viện không nên đàn hặc ông Trump ! Cứ bắt đầu cuộc điều tra nhưng không đi đến chỗ cuối cùng !

Bởi vì đàn hặc là một hành động chính trị, mặc dù bên ngoài trông giống như một vụ điều tra hình sự, truy tố và buộc tội trước tòa án.

Bị đàn hặc cũng giống như bị đưa ra tòa. Nhưng các nhà lập hiến Mỹ muốn phân biệt nên không dùng từ "indictment" tức là lên án, truy tố như công việc của các biện lý ; mà họ sử dụng chữ "impeachment" để cho thấy tầm quan trọng. "Impeachment" là một thủ tục đặc biệt ghi trong hiến pháp nước Mỹ, dành cho những người giữ chức vụ cao nhất trong guồng máy hành pháp, lập pháp và tư pháp. Trong sử Việt Nam thường nói đến các quan ngự sử có quyền đàn hặc, hay đàn hạch quan lại, có khi đàn hạch cả vua chúa, tương đương với hành động "impeach" này.

Hiến pháp Mỹ quy định Hạ viện đóng vai trò đàn hặc, tức là viết bản cáo trạng. Thượng viện đóng vai xử án xem đương sự đáng kết án và phải từ chức hay không.

Nhưng tự bản chất, đàn hặc mang tính chất chính trị chứ không mang phải là pháp lý. Quốc hội, vì quyền lợi quốc gia có quyền tố cáo tội trạng một tổng thống, hay một bộ trưởng, một đại biểu hay quan tòa, nhưng Quốc hội không có bổn phận phải đàn hặc nếu họ không thấy cần.

Vì đàn hặc là một hành động chính trị, cho nên nên được xét đoán với tiêu chuẩn chính trị : Đàn hặc Tổng thống Donald Trump trong thời gian này có ích lợi cho nước Mỹ hay không ? Nói riêng với bà Nancy Pelosi thì câu hỏi là : Đàn hặc ông Trump có lợi hay chỉ tai hại cho đảng Dân chủ ?

Trong thời gian tới, hai phe, những người ủng hộ ông Trump và những người chống ông sẽ tranh cãi xem ông Trump có làm gì để đáng bị đàn hặc hay không. Nhưng chúng ta có thể không cần đề cập đến chuyện này mà bàn ngay về lợi, hại chính trị của việc đàn hặc !

Trước hết, đối với đảng Dân chủ, đàn hặc là một con dao hai lưỡi, không chắc đã hạ được đối thủ mà sẽ chỉ tự làm chính mình bị thương.

Hiện có 235 dân biểu Hạ viện thuộc đảng Dân chủ, 198 người là Cộng hòa, bà Pelosi có thể huy động đủ đa số dân biểu đồng ý đàn hặc ông tổng thống. Nhưng sau đó vấn đề được đưa lên Thượng viện quyết định thì chắc ông Trump sẽ nắm phần thắng.

Ông Mitch McConnell, trưởng khối đa số ở Thượng viện, người luôn luôn ủng hộ ông Trump, có thể bỏ qua, không đưa đề tài này vào chương trình nghị sự ! Ông đã từng làm như vậy rồi, năm 2016, khi ông không đem bàn đề nghị đưa Thẩm phán Merrick Garland vô Tối cao Pháp viện ; rồi cho chìm xuồng luôn !

Nếu Nghị sĩ McConnel chịu đem vấn đề đàn hặc ra bàn, thì, khi Chánh án tối cao Pháp viện John Roberts chủ tọa, phải có 67 nghị sĩ đồng ý mới đủ để kết tội. Đảng Cộng hòa đang chiếm đa số 53-45 trong Thượng viện sẽ không bao giờ muốn cách chức ông tổng thống !

Trong lịch sử đã có hai tổng thống Mỹ bị Hạ viện đàn hặc rồi được Thượng viện tha bổng, đó là Bill Clinton năm 1999 và Andrew Johnson năm 1868. Năm 1974, Tổng thống Richard Nixon chỉ từ chức trước khi bị đàn hặc vì biết chắc chắn các đại biểu Cộng hòa cũng bỏ rơi mình. Hiện nay, các đại biểu Cộng hòa cần ông Trump hơn là ông Trump cần họ.

Cho nên, đối với bà Nancy Pelosi và các ứng cử viên đảng Dân chủ năm 2020, đàn hặc là một canh bạc rất tốn tiền mà biết chắc cuối cùng sẽ phải thua. Ông chủ sòng có thể ngồi yên không làm chi cả cũng thắng lớn !

Nhưng chắc chắn ông ta không ngồi yên. Trong suốt thời gian thủ đô Mỹ tràn ngập chuyện đàn hặc hay không đàn hặc, ông Donald Trump sẽ lên tiếng công kích giới Thượng lưu Washington đang tìm cách "lật đổ" ông, một người đại biểu cho các tầng lớp dân chúng bị bỏ quên – những điều này ông từng hô hào từ năm 2016 và sẽ còn lớn tiếng nói tiếp trong năm 2020.

Khi Thượng viện không đủ túc số để lật đổ ông, ông Trump sẽ tuyên bố đại thắng "Vũng Lầy Washington" và thêm một khẩu hiệu cho cuộc tranh cử năm 2020.

Một năm sôi nổi chuyện đàn hặc sẽ tai hại cho các ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ !

Cho tới nay, đảng Dân chủ có một lợi thế nếu họ chỉ tấn công vào cá tính của ông Trump. Họ làm sao cho các cử tri tới năm 2020 nghĩ rằng quyết định bỏ phiếu của họ là lựa chọn ông Trump hay một người tánh tình khác hẳn Trump.

Nếu dân Mỹ phải chứng kiến tấn tuồng đàn hặc diễn gần một năm trên ti vi, người ta sẽ thấy đây là một cuộc đấu giữa một bên là ông Donald Trump, bên kia là bà Chủ Tịch Nancy Pelosi và Dân Biểu Jerrold Nadler, trưởng Ban Tư pháp Hạ viện. Chưa chắc nhiều Mỹ người ưa bà Pelosi hơn ông Trump !

Nhưng việc đàn hặc tai hại cho đảng Dân chủ hơn cả là nó sẽ làm biến chứng ngay cả cuộc tranh cử sơ bộ năm tới.

Trong đảng Cộng hòa thì giản dị, sẽ không ai có thể đẩy được ông Trump ra ngoài, nhưng trong đảng Dân chủ sẽ có cuộc tranh hùng giữa năm bảy người. Nếu vụ đàn hặc diễn ra, các ứng cử viên tổng thống Dân chủ đi tới đâu cũng sẽ bị người ta khỏi ý kiến về việc cất chức ông tổng thống ! Lúc tranh luận trong nội bộ đảng họ cũng được hỏi chuyện này. Những người quá khích nhất, công kích ông Trump tàn tệ nhất, sẽ thu hút được nhiều phiếu nhất ! Cuối cùng, các ứng cử viên Dân chủ sẽ tranh đua nhau xem ai quá khích hơn ai ! Họ sẽ bị lôi cuốn vào một câu chuyện có thể làm cho dân Mỹ phát chán, trong khi người ta biết trước kết quả sau cùng là ông Trump sẽ vẫn ngồi đó !

Đàn hặc một ông tổng thống là một hành động trọng đại cho nên hiến pháp Mỹ mới đòi hỏi 2 phần 3 các nghị sĩ chấp thuận. Cất chức một vị tổng thống tức là xóa bỏ kết quả một cuộc bàu cử do tất cả các cử tri người Mỹ bỏ phiếu ! Vì vậy, muốn kết tội một tổng thống người ta đòi phải đi qua một quá trình khó khăn, phải có những chứng cớ không những về hành động của dương sự mà còn phải kể đến hậu quả tai hại nghiêm trọng của các hành động đó. Một cuộc đàn hặc mang nặng tính chất đảng phái sẽ làm mất uy tín của đảng nào đưa ra vấn đề đó.

Đối với người dân Mỹ không ngả về phía nào, cả vụ đàn hặc kéo dài hàng năm sẽ chỉ là một trò chơi đấu đá vô ích. Riêng một câu hỏi "Ông Trump có dáng bị đàn hặc hay không ?" cũng sẽ gây tranh cãi, chia rẽ tất cả nước Mỹ. Người ta sẽ hỏi thêm : Màn trình diễn đàn hặc này, so với chuyện ông Trump nói gì với ông Zelensky, vụ nào tai hại cho nền dân chủ nước Mỹ nặng nề hơn ?

Trong lúc đó thì ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, có thể ngồi rung đùi coi tuồng đàn hặc ở Mỹ. Nhiều người đã lên án ông Putin cho gián điệp xâm nhập vào mạng lưới truyền thông Mỹ trong cuộc bàu cử 2016 để chia rẽ dân Mỹ, phao tin đồn nhảm khiến người Mỹ thù ghét lẫn nhau. Bây giờ ông Putin không cần làm gì hết mà dân Mỹ đã chia rẽ đến cùng rồi !

Tóm lại thì bà Pelosi không nên tiến hành thủ tục đàn hặc ông Trump.

Từ cả năm nay bà Pelosi vẫn lờ đi không nói đến chuyện đàn hặc dù có nhiều đại biểu Dân chủ thúc đẩy. Cho tới nay, bà mới tuyên bố sẽ mở cuộc điều tra xem vụ ông Trump điện thoại cho Tổng thống Volodymyr Zelensky có đáng đàn hặc hay không, nếu ông Trump lại tìm cách che đậy. Nhưng bà Pelosi chưa nói gì đến chuyện cho Hạ viện biểu quyết vấn đề này.

Năm 1974, lãnh đạo Dân chủ tại Hạ viện Mỹ đã cho biểu quyết một dự luật cho phép Ủy ban Tư pháp điều tra các hành động đáng đàn hặc của Tổng thống Nixon. Có 410 người đồng ý, bốn người chống, cho thấy các đại biểu Cộng hòa cũng bỏ rơi ông Nixon. Năm 1998, Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ, do Cộng hòa kiểm soát, cũng bỏ phiếu (21-16) quyết định mở cuộc điều tra đàn hặc Tổng thống Clinton ; vở tuồng đàn hặc lúc đó mới bắt đầu.

Hiện giờ, bà Nancy Pelosi chưa yêu cầu biểu quyết cái gì cả. Có thể chính bà thấy đàn hặc không có lợi, chẳng đáng thúc đẩy làm gì. Nhiều người đã xúi bà Pelosi bỏ qua chuyện đàn hặc, chỉ làm một nghị quyết "khiển trách" ông tổng thống về cuộc điện đàm với Ukraine mà thôi.

Nhưng "phe đàn hặc" trong đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ càng ngày càng đông ! Không ai tiên đoán được tình hình sẽ biến chuyển ra sao khi bà Pelosi chịu áp lực của hàng trăm dân biểu cùng đảng !

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 27/09/2019

Published in Diễn đàn
mardi, 24 septembre 2019 22:05

Dân chủ như nước Israel !

Dân chủ là một cuộc tranh đua trong luật lệ. Giống như cuộc chơi đá banh, hay đánh cờ. Khó hơn đá banh và đánh cờ, luật lệ các cuộc chơi dân chủ thay đổi, tùy theo lựa chọn của mỗi nước. Và khi áp dụng các luật lệ này, kết quả cũng thay đổi tùy theo tánh chất của mỗi xã hội.

israel1

Những công dân Israel gốc Á Rập đã đi bỏ phiếu rất đông, chỉ vì họ muốn lật đổ ông Benjamin Netanyahu ! Trong hình, hàng chục ngàn người Israel tham gia cuộc biểu tình phản đối "Luật miễn trừ" đối với đương kim Thủ tướng Netanyahu hôm 25/05/2019, tại Tel Aviv, Israel. (Hình : Amir Levy/Getty Images)

Những chính quyền độc tài thường chỉ trích chế độ dân chủ làm cho quốc gia yếu đi vì tranh chấp đảng phái. Trường hợp Ấn Độ và Israel chứng minh ngược lại, đặc biệt là Israel !

Ấn Độ và Israel cùng ra đời trước đây ngoài 70 năm, mà trước đó họ đều chưa hề có quốc gia ! Khi lập quốc, hai nước đều chọn thể chế tự do dân chủ.

Ấn Độ là một nước lớn và phức tạp nhất, Israel thuộc hàng nhỏ nhưng thuần chủng nhất. Nhưng cả hai chế độ dân chủ ở hai nơi đều sống bền bỉ, chưa bao giờ đứt đoạn.

Hơn một tỷ dân Ấn Độ sống trong mấy chục nước nhỏ, nói hàng ngàn thứ tiếng khác nhau, theo nhiều thứ tôn giáo mà ngay trong Ấn Giáo cũng chia ra nhiều chi phái. Đa số dân theo Ấn Giáo, họ vẫn tin rằng loài người chia thành bốn đẳng cấp cha truyền con nối, có những người sinh ra đã đáng trọng hay đáng khinh rồi. Với một dân tộc nghèo, ít học với đủ các động cơ chia rẽ như thế, khi nước Ấn Độ giành được độc lập năm 1947 không ai tin chính quyền dân chủ sẽ kéo dài được mươi năm. Cả thế giới chờ coi được mấy năm thì Thủ tướng Nehru sẽ phải cai trị theo một chế độ độc tài, như Mao Trạch Đông bên nước láng giềng.

Nhưng sau hơn 70 năm, Ấn Độ vẫn kiên trì theo thể chế dân chủ. Các cuộc bầu cử tổ chức đúng kỳ hạn. Hai đảng chính trị lớn đã nhiều lần thay nhau lên cầm quyền, ở cấp liên bang cũng như cấp tiểu bang. Đa số 1,300 triệu người dân Ấn coi ngày bỏ phiếu cũng là một lễ hội, mặc dù có lúc người ta vẫn đánh nhau vỡ đầu. Ấn Độ là một tấm gương cho các dân tộc muốn xây dựng tự do dân chủ, vì nếu hơn một tỷ dân Ấn Độ sống được thì dân tộc nào cũng có thể sống theo lối dân chủ được !

Nước Israel khác hẳn. Dân số chỉ có 9 triệu : trong đó 75% thuộc một chủng tộc là người gốc Do Thái. Nước này bị kẹp giữa mấy trăm triệu người ở các nước Á Rập thù nghịch, mà ngay trong nước họ, một phần năm dân số là người Á Rập từng ở đó trước khi nước Israel ra đời. Những người Á Rập này là công dân, có quyền bỏ phiếu.

Người Do Thái được tiếng là "đoàn kết" với nhau vì tất cả đều quyết tâm xây dựng lại "đất tổ" sau hai ngàn năm phải sống lưu vong. Nhưng trong nước Israel vẫn có hàng chục đảng chính trị của người gốc Do Thái, cùng với năm, bảy nhóm chính trị người gốc Á Rập. Nhìn từ bên ngoài, chính trị nước Israel có vẻ "nát bét !". Nhưng họ vẫn là quốc gia hùng mạnh nhất vùng Trung Đông !

Cuộc bỏ phiếu ngày 17/9 vừa rồi tại Israel cho thấy cuộc sống chính trị phức tạp trong thể chế dân chủ. Tại Ấn Độ, nơi có những đảng lớn đủ chiếm đa số ở quốc hội và được ủy quyền thành lập nội các, những cuộc chuyển giao quyền giữa các đảng diễn ra dễ dàng. Nhưng Israel thì không được như vậy, đảng thắng lớn nhất trong cuộc bỏ phiếu tuần trước cũng chỉ chiếm được 33 trong số 120 ghế dân biểu !

Khác với các chế độ độc tài độc đảng, trong "cuộc chơi" dân chủ, các phe nhóm phải thỏa hiệp và liên minh để chiếm đa số và nắm quyền. Tại nước Mỹ, mỗi đảng Cộng Hòa hay Dân Chủ đều liên kết các nhóm dân khác biệt về quyền lợi và chủ trương, nhưng họ chia sẻ một số giá trị tinh thần hoặc nhu cầu vật chất với nhau. Ở Israel, các nhóm quyền lợi khác biệt họp riêng trong các đảng chính trị của họ. Sau mỗi lần dân bỏ phiếu, các đảng mới họp lại, liên minh để có đủ ít nhất 61 phiếu trong Quốc hội 120 người.

Ông Benjamin Netanyahu thuộc đảng Likud đã làm thủ tướng từ hơn 10 năm nay nhờ liên kết được các đảng cánh hữu. Trong kỳ bỏ phiếu tháng Tư năm nay, Likud vẫn chiếm được nhiều ghế nhất, ông Netanyahu được mời lập chính phủ. Nhưng ông ta không tập họp được đủ 61 phiếu, vì một đảng nhỏ trong liên minh của ông không hợp tác nữa.

Ông Avigdor Lieberman, lãnh tụ đảng Yisrael Beitenu, đã rút chân ra khỏi liên minh vì không chấp nhận ngồi chung với một đảng cực hữu của những giáo sĩ "cực chính thống" (ultra-Orthodox). Mất đảng của Lieberman, Netanyahu không đủ 61 phiếu để lập chính phủ. Netanyahu không muốn lãnh tụ đảng chiếm số ghế lớn thứ nhì có cơ hội đứng ra lập chính phủ, cho nên do quyền của đương kim thủ tướng, ông giải tán Quốc hội, cho dân chúng đi bầu lại lần nữa.

Cuộc chơi dân chủ cũng nhiều may rủi ! Lần bỏ phiếu này Netanyahu thua nặng hơn. Đảng Likud chỉ được 31 ghế, trong khi đảng Xanh và Trắng (màu cờ Israel) được 33 ghế ! Theo Hiến Pháp, tổng thống Israel sẽ mời lãnh tụ đảng có nhiều ghế nhất lập chính phủ mới. Lãnh tụ Xanh và Trắng, Tướng Benny Gantz, cựu tham mưu trưởng quân đội Israel, có thể được Tổng thống Reuven Rivlin mời lập chính phủ, nếu ông ta liên minh được các đảng cho đủ 61 phiếu !

Trong mấy ngày qua, ông Rivlin đã mời lãnh tụ tất cả các đảng trong quốc hội mới tham khảo để coi đảng nào ủng hộ ai, tính toán cho có người hội đủ 61 phiếu.

Cuộc thăm dò cho thấy Netanyahu, đương kim thủ tướng, được 55 đại biểu ủng hộ, còn tướng Gantz chỉ có được 54 người.

Ông Netanyahu giữ đủ đại biểu các đảng đã liên kết với ông, trừ Lieberman, người không chấp nhận ngồi chung với nhóm cực hữu "ultra-Orthodox". Ông Gantz thì được nhóm 13 đại biểu thuộc sắc dân Á Rập ủng hộ, đáng lẽ có 57 phiếu: nhưng vào phút chót ba đại biểu Á Rập đã rút lại không ủng hộ ông.

Không ai hội đủ 61 phiếu, Tổng thống Reuven Rivlin đã mời cả Netanyahu và Gantz tới, đề nghị hai đảng chiếm nhiều ghế nhất lập một "chính phủ đoàn kết".

Nhưng nếu lập một chính phủ đoàn kết thì ai sẽ làm thủ tướng, Netanyahu hay Gantz ? Hoặc hai người sẽ luân phiên nhau, mỗi người giữ chức hai năm ? Tại Israel đã có tiền lệ, từ năm 1984 tới 1988, hai ông Shimon Peres, phe tả, và Yitzhak Shamir, phe hữu, đã thay phiên nhau cầm quyền. Nhưng ai sẽ làm thủ tướng trước, Netanyahu hay Gantz ?

Tướng Gantz chống không muốn Netanyahu làm thủ tướng, vì ông ta sắp phải ra tòa sau khi bị truy tố ba vụ lạm dụng quyền hành. Nếu còn tiếp tục làm thủ tướng, Netanyahu có thể được miễn khỏi hầu tòa, cho tới khi mãn nhiệm. Ngược lại, nếu chỉ là một bộ trưởng, Netanyahu sẽ phải ra tòa và có thể bị mất chức. Trong hai người, Netanyahu hay Gantz, ai sẽ nhượng bộ ?

Hai đảng Lykud và Xanh Trắng có thể lập một chính phủ đoàn kết vì hai đảng có 64 phiếu rồi : nhưng nếu như vậy thì tập hợp chính trị lớn thứ ba sẽ đóng vai đối lập chính thức. Và điều lý thú là nhóm đại biểu này là 13 người gốc Á Rập ! Lần đầu tiên một người gốc Á Rập sẽ trở thành lãnh tụ đối lập chính thức trong guồng máy lập pháp nước Israel !

Trong "cuộc chơi dân chủ" vừa qua, những công dân Israel gốc Á Rập đã đi bỏ phiếu rất đông ! Hồi tháng Tư, chỉ có 47% dân gốc Á Rập đi bầu, tháng này tỷ số lên tới 60%. Nguyên nhân là vì họ chỉ muốn lật đổ ông Netanyahu !

Người Israeli gốc Á Rập lâu nay vẫn thờ ơ không đi bỏ phiếu vì tẩy chay chính quyền Israel. Từ khi nước Israel ra đời, trong cuộc bầu cử nào cũng có các đại biểu gốc Á Rập đắc cử. Nhưng họ không bao giờ tham gia chính phủ, vì không muốn chịu chung trách nhiệm về những vụ quân Israel đàn áp người Palestine hoặc bảo vệ người Do Thái lập các khu định cư mới trong vùng đất của người Á Rập bị chiếm đóng.

Nhưng các đại biểu gốc Á Rập đã hai lần ủng hộ giúp Yitzhak Rabin đủ số phiếu để làm thủ tướng Israel, 1993 và 1995, vì ông Rabin chủ trương hòa đàm rồi ký thỏa ước với lãnh tụ Palestine tại Oslo, Na Uy. Ông Rabin sau đó bị một người Do Thái cực hữu ám sát.

Nếu Gantz và Netanyahu không thể nào ngồi chung, đảng Yisrael Beitenu của ông Avigdor Lieberman có thể chiếm ưu thế. Với tám ghế trong quốc hội mới, họ ngả về phía nào đều có thể giúp một trong hai ông này có đủ 61 phiếu thuận ! Lieberman đang nắm quân bài lớn trong tay !

Cuộc đấu cờ, hay cuộc đá banh dân chủ ở Israel còn tiếp tục trong những ngày sắp tới !

Người ngoài nhìn vào có cảm tưởng Israel là một quốc gia chia rẽ, nát như tương, vì các đảng phái tranh hùng. Nhưng đó chỉ là bề ngoài. Các nhà chính trị chia chác mặc cả với nhau không hề ảnh hưởng tới nền tảng của quốc gia. Quân đội, cảnh sát, guồng máy tư pháp cũng như hành chánh, hệ thống tài chánh, ngân hàng, vẫn hoạt động điều hòa vì tất cả đứng độc lập với các nhà chính trị. Đảng phái vẫn tranh hùng nhưng không làm nước Israel yếu ớt !

Ngược lại, chính vì người dân Israel tin tưởng vào các quy tắc dân chủ, đã sống theo những thủ tục do chế độ dân chủ đặt ra, cho nên họ mới có thể đoàn kết với nhau, đứng vững suốt 70 năm giữa một thế giới thù nghịch !

Những quốc gia chưa thành lập được thể chế tự do dân chủ nên nhìn vào Israel học xem cách người ta sống tự do dân chủ như thế nào. 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 24/09/2019

Published in Diễn đàn
Trang 1 đến 9