Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

24/12/2019

Thông điệp Tự Do mùa Giáng sinh

Ngô Nhân Dụng

Dù quý vị không biết Chúa Giê Su là ai, ngày Chúa Giê Su ra đời đã thay đổi lịch sử nhân loại. Ngài sinh ra trong xã hội những người bị áp bức. Chúa Giê Su và cả cha mẹ ngài là những người tị nạn chính trị đầu tiên được ghi trong lịch sử. Sau khi Chúa bị đóng đinh, các học trò của ngài cũng trở thành những người tị nạn. Đó là một tôn giáo của loài người tị nạn và bị lưu đầy. Vì thế, một thông điệp mạnh mẽ nhất của mùa Giáng sinh là : Tự do !

thongdiep1

Giáo hoàng Francis hôn tượng Chúa Hài Đồng trong lúc làm lễ đêm Giáng sinh tại nhà thờ Thánh Peter ở Vatican. (Hình : Alberto Pizzoli/AFP via Getty Images)

Paul, vị tông đồ từ Tarsus, biết rằng cả loài người chung quanh ngài đang sống như nô lệ trong gông cùm. Vị Caesar, hoàng đế La Mã Tiberius, nắm quyền tuyệt đối. Pháp luật và các phán quan La Mã cùng các vệ binh bảo vệ trật tự của đế quốc. Nhưng con người không suy nghĩ, được nói, được sống tự do.

Tất cả phục vụ Caesar. Mọi người phải đóng thuế cho Caesar. Không ai được chỉ trích Caesar. Những người đọc sách cấm, những người có ý kiến theo "lề bên trái" sẽ bị trừng phạt. Dân La Mã họp thành một "đảng cầm quyền" hưởng những ưu tiên hơn đám dân thường. Mạng đám thường dân rẻ hơn cỏ rác. Chúa Giê Su không chấp nhận trật tự đó, ngài thầm lặng phản đối bằng cuộc đời mình.

Thánh Paul đi lánh nạn trên đường tới Damascus, Syria bây giờ, đã nói với những anh chị em người Galatians, "Hãy sống vững vàng trong tự do, vì Chúa Cứu Thế đã giúp chúng ta được tự do, không chịu làm nô lệ nữa !" [Galatians 5:1]

Thánh Paul cũng lo rằng trong thế giới này những Hoàng đế Caesars, những nhà tiên tri giả, trong tương lai sẽ tìm cách thuyết phục mọi người rằng họ chỉ là những nô lệ của cường quyền. Điều này đã diễn ra trong lịch sử. Những tiên tri giả như Karl Marx, những Caesars như Hitler, Stalin, Mao Trạch Đông vẫn có lúc được hàng triệu, hàng trăm triệu người sùng bái.

Trong xã hội ngài đang sống, Chúa Giê Su là một nhà cách mạng. Ngài tuyên dương những quy luật sống làm người xứng đáng, đó là "Luật của Thượng Đế", cao hơn những luật lệ đang được chính quyền và giáo quyền bảo vệ. Ngày nay loài người đã liệt kê các điều luật đó trong các văn kiện, như bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền.

Chúa Giê Su nói, "(Thượng Đế) gửi tôi đến đây tuyên dương tự do cho những kẻ bị tù đầy và cởi trói cho những người bị áp bức [Luke 4 :18].

Ngài không ngần ngại nói : "Nay chúng ta biết đức công chính đến từ Thượng Đế, khác với những luật lệ hiện hành [Romans 3 :21]. Và : "Con người được biện minh bằng niềm tin,… [Romans 3 :28] mà "không được biện minh bởi những luật lệ [Galatians 3 :11]

Thông điệp của Chúa Giê Su là : Mọi người bình đẳng trước mặt Đấng Tối Cao. Đặc biệt, Chúa không coi trọng những kẻ đầy quyền lực, những người giàu có sang trọng mà lại đề cao những người yếu thế, những người cùng khổ, bị áp bức.

Chúa Giê Su sanh ra trong một chuồng nuôi súc vật, trong một gia đình thợ thuyền, mới sinh ra đã được cha mẹ bế đi qua Ai Cập trốn tránh một pháp lệnh quái gở của Tiberiusr. Khi lớn lên, ngài dạy người chung quanh không nên sợ hãi bọn cường quyền, dù quyền chính trị hay quyền tôn giáo. Tụ do là tự do không sợ hãi. Ngài chỉ được một nhóm nhỏ tin theo, sau cùng đếm được 11 người. Có những đám đông tới nghe ngài nói chuyện, nhưng phần lớn họ tới vì hy vọng được ăn bánh chớ không phải vì phép lạ.

Cuối cùng ngài bị các giáo sĩ xử tội và chính quyền đem đóng đinh. Chỉ có mấy tông đồ chứng kiến ngài sống lại và bay lên trời.

Những người ngoại đạo có thể không tin ở phép lạ phục sinh, nhưng cũng phải nhìn thấy những môn đồ của Giê Su đã mang thông điệp tự do truyền bá cho khắp mọi người, đã thay đổi thế giới trong suốt hai ngàn năm.

Trong cuộc đời của ngài, Chúa Giê Su không làm bạn với những người quyền quý, giàu sang mà tìm đến những người cùng đinh trong xã hội, những di dân từ nước khác tới, cả người bệnh tật và cô gái điếm. Ngài luôn luôn xung đột với đám người nắm quyền lưc, chính trị và tôn giáo. Những tông đồ đem lời dạy của Chúa Giê Su đi rao giảng không ai có quyền hành hay tài sản đáng kể. Không ai nuôi tham vọng cướp chính quyền.

Một thông điệp được Chúa Giê Su nhắc đi nhắc lại mãi, là : Những người đang yếu kém chính là những người mạnh mẽ nhất ! Hãy yêu thương đồng loại, không phân biệt, không kỳ thị. Ai thấm nhuần được giáo lý đó, là đang ngộ "ân sủng" của Chúa. Con người không cần phải đi tìm quyền lực để sai bảo người khác, áp chế người khác, tiêu diệt kẻ thù, tự khen tự thưởng cho chính mình. Những người yếu kém, sống trong bóng tối, trong gông cùm, bị đày đọa và bóc lột, họ ở gần Chúa hơn.

Thánh Paul viết trong một thông điệp sứ đồ Corinthians, kể rằng có lúc ông cảm thấy có cái gai sắc nhọn đâm trong da thịt mình. Ông ám chỉ cái gai nào, chúng ta không biết, có thể đoán với nhau. Thánh Paul khẩn thiết xin Chúa gỡ cái gai ra cho mình. Sau ba lần ông cầu xin Chúa Giê Su đã bảo : "Ân sủng của ta cũng đủ cho con rồi, vì quyền năng của ta sẽ hoàn hảo trong lúc con yếu". Thánh Paul ngộ ra : "Vậy thì khi con yếu, là lúc con mạnh !"

Trong mùa Lễ Giáng sinh, những người theo đạo Chúa hay không theo đều có thể nhớ đến Con Người sinh ra khiêm tốn trong máng cỏ ở Galilee, trong cuộc đời ngắn ngủi ở trần gian đã từng đứng lên nói cho mọi người chung quanh biết rằng thế giới này không phải thuộc về Caesar tất cả, mà còn những quy tắc, luật lệ cao thượng, thiêng liêng hơn. Nghe những lời cầu kinh và những bài hát Giáng sinh trong những ngày này, chúng ta đều có thể mở trái tim mình, nguyện sống sao cho xứng đáng làm người.

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 24/12/2019

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Ngô Nhân Dụng
Read 613 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)