Noel buồn của người lao động nghèo
VOA, 22/12/2023
Giáng sinh đã cận kề và năm 2023 chuẩn bị đi qua, nhưng với nhiều gia đình lao động nghèo ở Hà Nội thì năm nay ‘không có Noel hay Tết nhất gì hết’ vì kinh tế ảm đạm, mất việc, và buôn bán ế ẩm.
Một người bán hàng rong tại Hà Nội gánh hàng đi qua khu phố Hàng Mã
Cuộc sống khó khăn, một số người đang phải sống nhờ vào sự giúp đỡ từ gia đình ở quê không khác mấy so với thời thủ đô còn bị phong toả bởi đại dịch Covid cách đây 3 năm. Những người mất việc, trở về từ các khu công nghiệp phía Nam, rất ít hy vọng có được việc làm mới và thu nhập ổn định trong năm 2024.
Chị Nguyễn Thị Dương, một người buôn bán thịt heo tại một khu chợ dân sinh ở quận Ba Đình, Hà Nội, cho biết nhiều tháng nay gia đình chị rơi vào cảnh túng thiếu, hàng ngày phải ăn thịt ế trừ bữa. Vốn liếng dành dụm sau nhiều năm buôn bán chị đã tiêu sạch trong thời đại dịch Covid. Sau khi mở cửa trở lại cho đến nay, buôn bán ngày một khó khăn hơn.
"Hàng họ ế lắm, chán lắm. Ai ở chợ cũng kêu như là vạc luôn ý. Khách đến chị hỏi xong là cuối cùng lại thôi. Buôn ngày có con lợn thôi mà ngày nào cũng ế nửa con phải xách đi gạ người quen mua giúp. Nói tóm lại rau, thịt, cá tôm cái gì cũng ế cả", chị Dương than thở.
Theo chị Dương, mọi chuyện bắt nguồn từ tình trạng ảm đạm chung của nền kinh tế sau đại dịch. Phần lớn các gia đình đã tiêu hết tiền tiết kiệm trong thời gian phong tỏa chống dịch kéo dài. Công nhân mất việc nhiều, bất động sản ế ẩm…dẫn đến người người, nhà nhà phải thắt chặt chi tiêu tối đa. Chị Dương cho biết thêm, cuộc sống của gia đình chị hiện phải dựa vào nguồn trợ cấp tật nguyền của cậu con út và sự giúp đỡ của gia đình từ quê gửi ra.
"Tom nó không làm gì được nên phải có người trông nữa. Thì cả hai mẹ con được 1,2 triệu đồng/tháng. Còn gạo hay thịt gà, các thứ khác thì mẹ mình lại gửi ở quê lên giúp. Ngoài ra, các em cũng thỉnh thoảng giúp cho một ít tiền nữa", chị Dương nói và lo lắng rằng nếu tình hình này tiếp tục kéo dài thì đến gia đình có nhiều người thân ở quê như chị cũng không thể giúp đỡ được mãi vì mọi người cũng không dư dả gì.
Anh Nguyễn Thanh Yên là một công nhân làm việc trong lĩnh vực gia công đồ may mặc xuất khẩu ở phía Nam. Năm nay, anh về quê nhà Sóc Sơn ăn Tết sớm với gia đình từ giữa tháng 12 vì mất việc. Anh nói chỉ còn cách về quê sớm vì ở lại các khu nhà trọ gần nơi làm việc sẽ vừa tốn tiền thuê trọ, lại còn phải lo tiền ăn uống và chi tiêu cá nhân. Anh đã cố trụ lại chờ việc suốt 6 tháng qua, giờ tiền tiết kiệm đã tiêu sạch. Về quê ít nhất không mất tiền trọ, gia đình có gì ăn nấy, ít nhất cũng cầm cự thêm nửa năm để chờ cơ hội mới, anh nói.
Anh Yên cho biết trong hoàn cảnh đó, gia đình anh và rất nhiều gia đình khác nơi anh sinh sống đều chọn phương án thắt lưng buộc bụng tối đa trong dịp Noel và Tết vì ‘mất việc, tiền không có thì vui vẻ gì mà đón Noel và đón Tết’.
"Người ta cũng làm gì có tiền đâu mà người ta mua bán trang trí nhà cửa gì nữa. Những cái đó kiểu như giờ nó cũng hơi phù phiếm nên người ta có trang trí gì đâu. Chỉ còn giới trẻ là thích nhưng người chi tiền lại là người lớn mà người lớn thì có tiền đâu mà người ta chi", anh Yên nói thêm.
Vẫn theo lời anh, không khí Noel tại thị xã nơi anh sống dù có nhà thờ và một vài xóm đạo nhưng rất ảm đạm, yên ắng.
Anh Nguyễn Thành Minh, nhân viên bán hàng cho một doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng trong nước, cho biết mấy tháng nay anh đã chạy đôn chạy đáo khắp các địa phương khu vực phía Bắc để bán hàng mong sao đủ doanh số cuối năm để được thưởng Tết. Nhưng cho đến giờ vẫn chưa đạt nổi nửa doanh số, cũng đồng nghĩa đây sẽ là một dịp Noel và Tết đói kém của gia đình.
"Thế này thì làm gì có tiền tiêu Tết. Đói dài ra rồi. Làm gì có Tết đâu. Năm nay nói tóm lại là mất Tết rồi. Bây giờ dân hết tiền rồi. Bất động sản chết, chứng khoán chết, nhà hàng chết, chợ búa cũng chết. Các nhà hàng thì ngồi vêu hết cả", anh Minh chia sẻ thêm về tình hình ảm đạm của hầu hết các lĩnh vực kinh doanh hiện nay và dự đoán tình trạng khó khăn sẽ còn kéo dài trong năm tới.
Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay đạt trên 5%, dù thấp hơn so với chỉ tiêu từ 6%-6,5% nhưng vẫn ở mức tăng trưởng gần như cao nhất trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, theo báo nhà nước.
Còn Ngân hàng Thế giới thì dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam năm nay là 4,7%, sau đó sẽ tăng lên 5,5% năm sau và 6% vào năm 2025. Nguyên nhân cho tình trạng suy giảm tăng trưởng đáng kể so với mức 8% của năm 2022, theo Ngân hàng Thế giới, là do môi trường bên ngoài khó khăn và nhu cầu trong nước yếu ; và đầu tư công sẽ là một nguồn lực quan trọng để Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới đây.
Nguồn : VOA, 22/12/2023
***********************
Chương trình biểu diễn Kpop tại Hà Nội bị hủy do nghệ sĩ rút
RFA, 22/12/2023
Hàng loạt nghệ sĩ Hàn Quốc và cả Việt Nam rút khỏi chương trình "K-Pop Festival Open Air # 2" tại Sân Mỹ Đình vào hai ngày 23 và 24/12. Lý do được cho biết vì ban tổ chức không xin được phép.
Sân khấu trước đêm diễn - VietnamNet
Mạng allkpop của Hàn Quốc loan tin vừa nêu trong ngày 22/12. Truyền thông Nhà nước Việt Nam cũng loan tin trong cùng ngày xác nhận chương trình biểu diễn vừa nêu bị hủy.
Mạng allkpop cho biết theo kế hoạch trong ngày thứ nhất của chương trình có nhiều nghệ sĩ nhạc Pop Hàn Quốc tham gia thuộc các nhóm như Highlight, INFINITIVE, Super Junior D&E, EXO’s Chen and Xiumin và The Wind ; sang ngày thứ hai có Highlight, Jaejoong, 2PM’s Nichkhun & Jun.K, MAMAMOO+, EXO’s Chanyeol, Raiden, TRI.BE, và The Wind.
Vào ngày 20/12 vừa qua, một số nhóm, bắt đầu với INFINITY, thông báo rút khỏi chương trình do ban tổ chức không thực hiện một số điều khoản ký kết, cũng như tình trạng giấy phép có được cấp hay chưa.
Mạng allkpop trong bản tin phát đi ngày 22/12 cho biết tính đến lúc này các nhóm tuyên bố chính thức rút gồm INFINITY, Highlight, The Wind, Jaejong, TRI.BE, 2PM’s, Nichkhum và Jun.K.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam ngày 22/12 loan tin dẫn thông báo xin lỗi khán giả của đơn vị tổ chức chương trình biểu diễn vừa nêu, Bom Entertainment.
Thông báo nêu rõ rằng : "Bằng sự cố gắng hết sức của công ty, được sự ủng hộ của các cơ quan chức năng, sự phối hợp của các đối tác trong và ngoài nước đến nay mặc dù công tác chuẩn bị cho chương trình đã gần hoàn thiện ; nhưng cảm thấy chưa thể mang đến cho khán giả bữa tiệc âm nhạc tuyệt vời và hoàn hảo nên Ban Tổ chức BOM Entertainment rất lấy làm tiếc và phải ngay lập tức đưa ra thông báo xin được dừng việc tổ chức chương trình".
Mạng báo Sao Star trong nước vào ngày 22/12 cho biết "mặc dù thông báo sẽ hoàn tiền cho những ai đã mua vé, thế nhưng nhiều khán giả đã bỏ tiền ra cho biết đến thời điểm hiện tại họ vẫn chưa nhận được tiền hoàn. Đồng thời, tung tích của ban tổ chức đêm diễn cũng không cánh mà bay khiến nhiều người cho rằng đây là đơn vị lừa đảo".
Nguồn : RFA, 22/12/2023
Dù quý vị không biết Chúa Giê Su là ai, ngày Chúa Giê Su ra đời đã thay đổi lịch sử nhân loại. Ngài sinh ra trong xã hội những người bị áp bức. Chúa Giê Su và cả cha mẹ ngài là những người tị nạn chính trị đầu tiên được ghi trong lịch sử. Sau khi Chúa bị đóng đinh, các học trò của ngài cũng trở thành những người tị nạn. Đó là một tôn giáo của loài người tị nạn và bị lưu đầy. Vì thế, một thông điệp mạnh mẽ nhất của mùa Giáng sinh là : Tự do !
Giáo hoàng Francis hôn tượng Chúa Hài Đồng trong lúc làm lễ đêm Giáng sinh tại nhà thờ Thánh Peter ở Vatican. (Hình : Alberto Pizzoli/AFP via Getty Images)
Paul, vị tông đồ từ Tarsus, biết rằng cả loài người chung quanh ngài đang sống như nô lệ trong gông cùm. Vị Caesar, hoàng đế La Mã Tiberius, nắm quyền tuyệt đối. Pháp luật và các phán quan La Mã cùng các vệ binh bảo vệ trật tự của đế quốc. Nhưng con người không suy nghĩ, được nói, được sống tự do.
Tất cả phục vụ Caesar. Mọi người phải đóng thuế cho Caesar. Không ai được chỉ trích Caesar. Những người đọc sách cấm, những người có ý kiến theo "lề bên trái" sẽ bị trừng phạt. Dân La Mã họp thành một "đảng cầm quyền" hưởng những ưu tiên hơn đám dân thường. Mạng đám thường dân rẻ hơn cỏ rác. Chúa Giê Su không chấp nhận trật tự đó, ngài thầm lặng phản đối bằng cuộc đời mình.
Thánh Paul đi lánh nạn trên đường tới Damascus, Syria bây giờ, đã nói với những anh chị em người Galatians, "Hãy sống vững vàng trong tự do, vì Chúa Cứu Thế đã giúp chúng ta được tự do, không chịu làm nô lệ nữa !" [Galatians 5:1]
Thánh Paul cũng lo rằng trong thế giới này những Hoàng đế Caesars, những nhà tiên tri giả, trong tương lai sẽ tìm cách thuyết phục mọi người rằng họ chỉ là những nô lệ của cường quyền. Điều này đã diễn ra trong lịch sử. Những tiên tri giả như Karl Marx, những Caesars như Hitler, Stalin, Mao Trạch Đông vẫn có lúc được hàng triệu, hàng trăm triệu người sùng bái.
Trong xã hội ngài đang sống, Chúa Giê Su là một nhà cách mạng. Ngài tuyên dương những quy luật sống làm người xứng đáng, đó là "Luật của Thượng Đế", cao hơn những luật lệ đang được chính quyền và giáo quyền bảo vệ. Ngày nay loài người đã liệt kê các điều luật đó trong các văn kiện, như bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền.
Chúa Giê Su nói, "(Thượng Đế) gửi tôi đến đây tuyên dương tự do cho những kẻ bị tù đầy và cởi trói cho những người bị áp bức [Luke 4 :18].
Ngài không ngần ngại nói : "Nay chúng ta biết đức công chính đến từ Thượng Đế, khác với những luật lệ hiện hành [Romans 3 :21]. Và : "Con người được biện minh bằng niềm tin,… [Romans 3 :28] mà "không được biện minh bởi những luật lệ [Galatians 3 :11]
Thông điệp của Chúa Giê Su là : Mọi người bình đẳng trước mặt Đấng Tối Cao. Đặc biệt, Chúa không coi trọng những kẻ đầy quyền lực, những người giàu có sang trọng mà lại đề cao những người yếu thế, những người cùng khổ, bị áp bức.
Chúa Giê Su sanh ra trong một chuồng nuôi súc vật, trong một gia đình thợ thuyền, mới sinh ra đã được cha mẹ bế đi qua Ai Cập trốn tránh một pháp lệnh quái gở của Tiberiusr. Khi lớn lên, ngài dạy người chung quanh không nên sợ hãi bọn cường quyền, dù quyền chính trị hay quyền tôn giáo. Tụ do là tự do không sợ hãi. Ngài chỉ được một nhóm nhỏ tin theo, sau cùng đếm được 11 người. Có những đám đông tới nghe ngài nói chuyện, nhưng phần lớn họ tới vì hy vọng được ăn bánh chớ không phải vì phép lạ.
Cuối cùng ngài bị các giáo sĩ xử tội và chính quyền đem đóng đinh. Chỉ có mấy tông đồ chứng kiến ngài sống lại và bay lên trời.
Những người ngoại đạo có thể không tin ở phép lạ phục sinh, nhưng cũng phải nhìn thấy những môn đồ của Giê Su đã mang thông điệp tự do truyền bá cho khắp mọi người, đã thay đổi thế giới trong suốt hai ngàn năm.
Trong cuộc đời của ngài, Chúa Giê Su không làm bạn với những người quyền quý, giàu sang mà tìm đến những người cùng đinh trong xã hội, những di dân từ nước khác tới, cả người bệnh tật và cô gái điếm. Ngài luôn luôn xung đột với đám người nắm quyền lưc, chính trị và tôn giáo. Những tông đồ đem lời dạy của Chúa Giê Su đi rao giảng không ai có quyền hành hay tài sản đáng kể. Không ai nuôi tham vọng cướp chính quyền.
Một thông điệp được Chúa Giê Su nhắc đi nhắc lại mãi, là : Những người đang yếu kém chính là những người mạnh mẽ nhất ! Hãy yêu thương đồng loại, không phân biệt, không kỳ thị. Ai thấm nhuần được giáo lý đó, là đang ngộ "ân sủng" của Chúa. Con người không cần phải đi tìm quyền lực để sai bảo người khác, áp chế người khác, tiêu diệt kẻ thù, tự khen tự thưởng cho chính mình. Những người yếu kém, sống trong bóng tối, trong gông cùm, bị đày đọa và bóc lột, họ ở gần Chúa hơn.
Thánh Paul viết trong một thông điệp sứ đồ Corinthians, kể rằng có lúc ông cảm thấy có cái gai sắc nhọn đâm trong da thịt mình. Ông ám chỉ cái gai nào, chúng ta không biết, có thể đoán với nhau. Thánh Paul khẩn thiết xin Chúa gỡ cái gai ra cho mình. Sau ba lần ông cầu xin Chúa Giê Su đã bảo : "Ân sủng của ta cũng đủ cho con rồi, vì quyền năng của ta sẽ hoàn hảo trong lúc con yếu". Thánh Paul ngộ ra : "Vậy thì khi con yếu, là lúc con mạnh !"
Trong mùa Lễ Giáng sinh, những người theo đạo Chúa hay không theo đều có thể nhớ đến Con Người sinh ra khiêm tốn trong máng cỏ ở Galilee, trong cuộc đời ngắn ngủi ở trần gian đã từng đứng lên nói cho mọi người chung quanh biết rằng thế giới này không phải thuộc về Caesar tất cả, mà còn những quy tắc, luật lệ cao thượng, thiêng liêng hơn. Nghe những lời cầu kinh và những bài hát Giáng sinh trong những ngày này, chúng ta đều có thể mở trái tim mình, nguyện sống sao cho xứng đáng làm người.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : Người Việt, 24/12/2019