Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nhà thờ và Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm thành di tích cấp thành phố : Mừng hay lo ? (RFA, 31/12/2019)

Lên hạng di tích cấp thành phố : lo lắng!

Nhà thờ Thủ Thiêm và Tu viện Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm ở quận 2 cùng với Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1), Trường Trung học cơ sở Võ Trường Toản (quận 1) và Lăng Võ Tánh (quận Phú Nhuận) là 5 công trình vừa được Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố Hồ Chí Minh), vào ngày cuối năm 2019 trao bằng xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa cấp thành phố.

nhatho1

Bí thư thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thiện Nhân, vào sáng ngày 31/12/19 trao bằng xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa cấp thành phố cho Nhà thờ Thủ Thiêm và Tu viện Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm. Courtesy : sggp.org.vn

Tại buổi lễ trao bằng diễn ra vào sáng ngày 31/12, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Thanh Liêm phát biểu rằng việc công nhận 5 di tích lịch sử-văn hóa mới này là thể hiện truyền thống đạo lý "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ kẻ trồng cây".

Vào tối cùng ngày 31/12, Soeur Maria Nguyễn Thị Hậu, thuộc Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, chia sẻ với RFA cảm nhận trước thông tin vừa nêu :

"Chúng tôi nghe nói được xếp cho là di tích, tức là chúng tôi được ở lại thì chúng tôi rất mừng. Nhưng khi nói rằng mọi sự ở trong nhà dòng hay trong nhà thờ đều do nhà nước và chính phủ quyết định thì chúng tôi lại lo ngại vì chúng tôi cũng không hiểu lắm về vấn đề của nhà nước muốn thế nào. Chúng tôi chưa hiểu được".

Soeur Maria Nguyễn Thị Hậu cho biết thêm rằng trước đó Nhà thờ Thủ Thiêm và Tu viện Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm đã nhận được thông báo quyết định về xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa từ Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, được ký hôm 24/12/19. Tuy nhiên với các điều quy định trong quyết định xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa 2 cở sở tôn giáo này khiến cho cộng đoàn giáo dân ở Thủ Thiêm lo ngại.

Một giáo dân, ông Hoàng Đức Nhuận lên tiếng với Đài Châu Á Tự Do :

"Từ khi có quy hoạch đầu tiên thành lập Khu đô thị mới Thủ Thiêm thời ông Thủ tướng Võ Văn Kiệt thì đã có văn bản quyết định Nhà thờ Thủ Thiêm và Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm không giải tỏa. Còn bây giờ xếp vào di tích lịch sử-văn hóa như vậy thì nhà thờ và nhà dòng muốn làm gì cũng khó. Chính quyền làm thế để nói rằng là giữ lại, nhưng thực chất thì những ai không biết mới nghĩ như vậy thôi. Chẳng qua chính quyền quận 2 muốn lấy, muốn chiếm nên mới ra quyết định đưa vào di tích lịch sử-văn hóa".

Đài RFA ghi nhận nỗi lo ngại của cộng đoàn giáo dân ở Thủ Thiêm liên quan đến Điều 2 trong Quyết định số 5386 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ghi rõ rằng "Nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong khu vực di tích đã khoanh vùng bảo vệ. Trường hợp đặc biệt sử dụng đất đai ở khu vực di tích phải được phép của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố".

Từng trong tầm ngắm ‘di dời’

Qua tìm hiểu và tiếp xúc với đại diện các soeur trong Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và một số giáo dân ở Thủ Thiêm, chúng tôi được biết Nhà thờ Thủ Thiêm và Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm không bị giải tỏa theo quy hoạch ban đầu Khu đô thị mới Thủ Thiêm và kể cả sau này theo Quyết định 6565, Quyết định 6566. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã vận động nhà thờ và nhà dòng tự nguyện di dời.

Hồi đầu tháng 5 năm 2018, truyền thông trong nước loan tin Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Nhà thờ Thủ Thiêm, Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm bị di dời vì thuộc trong 9 lô đất ở trung tâm khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ được bán đấu giá, đồng thời yêu cầu các đơn vị liên quan có phương án di dời những cơ sở tôn giáo tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong đó có Nhà thờ Thủ Thiêm, Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và thu hồi đất của Trường tiểu học Thủ Thiêm, để bàn giao cho nhà đầu tư thi công tuyến đường ven sông và công viên bờ sông đúng tiến độ.

Thông báo này của Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ trong cộng đồng Công giáo và cả dư luận tại Việt Nam vào thời điểm đó.

nhatho2

Nhà thờ Thủ Thiêm Courtesy : tinmungchonguoingheo.com

Thắc mắc vàquan ngại

Trước quyết định mới nhất của Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh xếp Nhà thờ Thủ Thiêm cùng Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm là di tích lịch sử-văn hóa thì những giáo dân Đài RFA trao đổi đều cho rằng Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh chỉ là "mượn cớ". Giáo dân Giuse Cao Thăng Ca trình bày :

"Trong luật về di sản, văn hóa thì không có điều khoản nào quy định nhà thờ và nhà dòng có đủ điều kiện để được xếp vào di tích văn hóa-lịch sử hết. Tại vì để đáp ứng điều kiện được xếp vào di tích văn hóa-lịch sử thì địa điểm đó phải gắn liền với một địa điểm cách mạng, hoặc gắn liền với một nhà cách mạng nào đó. Nhà thờ Thủ Thiêm và Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm làm gì có điều đó ? Và tại sao họ lại ép đưa vào di tích lịch sử-văn hóa ? Điều này cho thấy rất rõ rằng họ muốn giải tỏa mà không được nên họ quản lý bằng cách khác. Việc này có rất nhiều rủi ro và rất gây bức xúc cho giáo dân. Chúng tôi cũng đã nhiều lần thẳng thắn trao đổi với Đức giám quản cũng như Linh mục Tổng đại diện như cả hai vị không nghe tiếng nói của giáo dân và các Ngài đã đưa đến quyết định cho nhà thờ và nhà dòng trở thành di tích lịch sử-văn hóa nên chúng tôi rất bức xúc với chính và cả giáo quyền".

Giáo dân Giuse Cao Thăng Ca nhấn mạnh rằng với Điều 3 trong Quyết định 5386 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là Sở Văn hóa-Thể thao và Chính quyền quận 2 quản lý hai cở sở nhà thờ và nhà dòng Thủ Thiêm sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, mà ông nói rằng "nhà của mình nhưng do người khác quản lý" :

"Là di tích văn hóa-lịch sử thì phải có ban quản lý và đại diện ban quản lý của chính quyền phải là trưởng ban và muốn làm điều gì đều phải thông qua ban quản lý. Tất cả các vấn đề như sửa chữa, tiền bạc…đều phải qua ban quản lý đó quản lý hết và thậm chí kể cả như linh mục hay tổng phụ trách…đều phải thông qua ban quản lý này".

Sœur cựu Bề trên Agatha Trần Thị Sanh còn đề cập đến lo ngại trước mắt của các nữ tu trong Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm :

"Hôm nọ người ta (chính quyền) có tới, chúng tôi dẫn họ đi tham quan chỗ chị em chúng tôi ngủ. Nhà dòng có đến mấy trăm người mà tất cả chị em chúng tôi ngủ tập thể mà chúng tôi phải chấp nhận trong bao nhiêu năm qua. Chúng tôi có đến 500-600 người mà không cho chúng tôi xây dựng nhà cửa thì chúng tôi lấy gì mà ở ? Cho nên, ước ao của chúng tôi bây giờ là khi được xếp vào di tích lịch sử thì chúng tôi phải xây dựng nhà mới để cho chị em chúng tôi được ở rộng rãi hơn, bởi vì đất của chúng tôi còn. Là di tích, mà ở quận 2 thì phát triển nên chúng tôi phải xây dựng thêm cái mới. Việc này chính quyền phải cho phép chúng tôi làm, chứ di tích mà để như ‘cái chùa bà đanh’ thì vô di tích làm chi ?"

Nhà thờ Thủ Thiêm và Tu viện Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm là hai cơ sở tồn tại hơn một thế kỷ tại Thủ Thiêm. Sau ngày 30/04/75, một số ngôi trường của nhà dòng bị nhà nước trưng thu làm cơ sở giáo dục. Một trường được sử dụng làm trường tiểu học đã bị đập phá và Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh thương lượng bồi thường 50 tỷ đồng cho nhà dòng. Tuy nhiên, Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm cho biết nếu ngôi trường không được chính quyền tiếp tục dùng vào mục đích giáo dục thì hãy trả lại cho nhà dòng và nhà dòng từ chối nhận số tiền bồi thường đó. Một ngôi trường khác bị đập phá hồi hạ tuần tháng 10 năm 2015, nhưng phải tạm dừng do gặp phải sự phản đối của nhà dòng và dư luận.

Thêm vào đó, nghĩa trang của giáo xứ Thủ Thiêm, rộng hơn 2 héc-ta cũng bị giải tỏa vào năm 2016, tuy nhiên Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã không đền bù gì cho nhà thờ.

****************

Việt Nam 2020 : Những chính sách mới có hiệu lực (BBC, 01/01/2020)

Không ngược đãi động vật, tăng lương tối thiểu, không uống bia rượu nơi công sở..., là các quy định mới có hiệu lực năm 2020 ở Việt Nam.

nhatho3

Lái ô tô, xe máy sau khi uống bia rượu có thể bị tước bằng lái tới 2 năm

Đi xe đạp sau khi uống rượu bia cũng bị phạt

Theo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia, từ ngày 1/1/2020, hành vi đi xe ra đường, dù là ô tô, xe máy hay xe đạp điện, khi trong máu, hơi thở có nồng độ cồn, đều bị cấm tiệt.

Nếu vi phạm, người lái ô tô bị phạt từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 tháng đến hai năm. Người đi xe máy bị phạt từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 tháng đến hai năm.

Người điều khiển xe đạp, xe thô sơ vi phạm bị phạt từ 400 - 600 ngàn đồng.

Luật này cũng quy định người dưới 18 tuổi không được uống rượu bia. Người bán rượu bia không được bán cho người dưới 18 tuổi. Không được lôi kéo, ép người khác uống rượu bia.

Trước khi giết vật nuôi phải gây ngất

nhatho4

Luật mới quy định phải yêu thương động vật, cho ăn uống đầy đủ, chuồng trại thoáng mát

Luật Chăn nuôi, chính thức có hiệu lực từ 1/1/2020 quy định phải đối xử nhân đạo với vật nuôi. Cụ thể như không được đánh đập, hành vạ vật nuôi, phải có chuồng trại phù hợp, thông thoáng, cấp đủ thức ăn, nước uống cho vật nuôi.

Đặc biệt, với vật nuôi để giết mổ, phải gây ngất trước khi giết mổ, và không để vật nuôi nhìn thấy cảnh đồng loại của mình bị giết mổ.

Người đồng tính, chuyển giới được giam giữ riêng

Luật Thi hành án hình sự có hiệu lực từ 1/1/2020 quy định ngoài sáu đối tượng được bố trí giam giữ riêng như quy định của luật hiện hành, thì nay bổ sung thêm một số đối tượng nữa.

Theo đó, người đồng tính, người chuyển đổi giới tính, người chưa xác định rõ giới tính được giam giữ riêng.

Phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi thì con được theo mẹ vào trại giam.

Tăng lương tối thiểu vùng và tăng lương cơ sở

Theo Nghị định 90/2019 quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trong các doanh nghiệp, từ ngày 1/1/2020, mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng thêm từ 150.000 - 240.000 đồng/tháng, tùy theo vùng.

Đối với lương cơ sở, mặc dù có thể được tăng từ ngày 1/7 lên thành 1,6 triệu đồng/tháng, nghĩa là mức lương thấp nhất của công chức, viên chức được tăng thêm 148.500 đồng/tháng. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn thấp hơn mức lương thấp nhất của người lao động trong doanh nghiệp.

******************

Có nên tái bổ nhiệm công chức bị kỷ luật cách chức ? (RFA, 31/12/2019)

Bị kỷ luật và chuyển vị trí !

Một vụ việc liên quan là vụ ông Ngô Văn Tuấn, nguyên phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, vào tháng 1/2018 bị Thủ tướng ký quyết định cách chức vì những sai phạm của ông này trong thời gian giữ chức Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa, trong đó có việc "nâng đỡ không trong sáng" bà Trần Vũ Quỳnh Anh.

nhatho5

Ông Ngô Văn Tuấn nguyên phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa. RFA Edited

Báo Thanh Niên loan tin hôm 30/12/2019 mấy hôm gần đây ông Ngô Văn Tuấn gửi đơn xin chuyển công tác với nguyện vọng được chuyển sang làm phó ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng – công nghiệp của tỉnh này. Vị trí này tương đương với phó giám đốc Sở.

Hồi tháng 3/2019, ông Tuấn xin quay lại Sở Xây dựng Thanh Hóa công tác, ngay sau khi ông Tuấn hết thời hạn kỷ luật 12 tháng. Khi đó Sở Xây dựng Thanh Hóa đã có những động thái được xem là "lạ" khi ông Trần Xuân Hoàn, Chánh văn phòng sở tự nguyện làm đơn xin xuống làm Phó thanh tra Sở. Ông Đào Vũ Việt, Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa ra văn bản xin được tiếp nhận ông Ngô Văn Tuấn và bổ nhiệm ông làm Chánh văn phòng Sở Xây dựng "chiếc ghế" mà ông Hoàn vừa tự nguyện xin từ bỏ vị trí.

Theo Điều 82 Luật Cán bộ, công chức hiện nay, công chức bị xử lý kỷ luật từ khiển trách đến cách chức thì không được nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực. Như vậy, công chức vi phạm vẫn có cơ hội được bổ nhiệm lại nếu sau 12 tháng không có vi phạm nào đến mức phải bị xử lý kỷ luật.

Cụ thể luật qui định, khi công chức bị kỷ luật bằng khiển trách, cảnh cáo hoặc hạ bậc lương thì không được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực ; Khi công chức bị kỷ luật bằng giáng chức hoặc cách chức thì không bổ nhiệm trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực. Đặc biệt, khi hết các khoảng thời hạn nêu trên mà công chức không vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì tiếp tục được bổ nhiệm theo quy định.

Từ 1/7/2020, khi có quyết định kỷ luật khiển trách, cảnh cáo hoặc hạ bậc lương có hiệu lực, công chức không được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn nhưng vẫn có thể được bổ nhiệm lại hoặc vào chức vụ thấp hơn. Quy định này cho thấy, Luật Cán bộ công chức sửa đổi dựa vào mức độ vi phạm, hình thức kỷ luật để xử lý công chức bị kỷ luật mà không áp dụng cách xử lý chung như hiện nay.

Nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang, người từng làm Hội thẩm Nhân dân thành phố nhiều năm trao đổi với RFA hôm 30/12/2019 có nhận định rằng, về nguyên tắc chung thì khi đã vi phạm thì không được tái bổ nhiệm, nhưng đôi khi cũng thòng thêm điều để phòng những trường hợp những lỗi lầm không phải lớn :

"Thật ra nó tùy vào mức độ vi phạm nặng hay nhẹ và xét trường hợp cụ thể nếu mà những cán bộ tái bổ nhiệm mà người ta vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ sau khi đã kỷ luật xong mà người ta ăn năn và làm bù lại những sai phạm quy định trước đó thì tôi thấy nó cũng được không đến nổi nào. Nhưng cơ bản không nên lạm dụng chuyện tái bổ nhiệm lại cán bộ đã bị xử lý kỷ luật trước đó 1 năm vì nhìn chung điều này không có lợi, sai phạm đã gây ảnh hưởng không tốt cho ngành công tác nói chung. Rất nhiều cán bộ không có sai phạm thì tại sao không sử dụng mà phải sử dụng lại ngoại trừ những nơi đã nói là khó tìm cán bộ".

Từ Hà Nội, luật sư Hà Huy Sơn cho rằng việc tái bổ nhiệm sau thời hạn qui định không có gì trái với pháp luật hiện hành và đã được Quốc hội quyết định nên bản thân ông không có ý kiến ; nhưng ông giải thích thêm hai vấn đề :

"Một nếu không cho bổ nhiệm lại thì nó cũng có tính răn đe để cho người khác không vi phạm nhưng bổ nhiệm lại cũng có điểm tích cực là tạo cơ hội cho những người vi phạm có cơ hội để sửa chửa những sai phạm của mình. Tái bổ nhiệm ở đây mức độ vi phạm chỉ ở mức vi phạm hành chính mà thôi chứ vi phạm về hình sự thì bộ luật hình sự cũng đã có những quy định rồi, một số tội không thể đảm nhiệm chức vụ thì cũng đã có quy định trong bộ luật hình sự".

Quan điểm của luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội luật gia thành phố Hồ Chí Minh, thì việc tái bổ nhiệm người từng vi phạm cũng nên tùy trường hợp, nhất là những người có khả năng chuyên môn ; còn những người kém đạo đức thì không cần bàn :

"Đó là hành lang pháp lý đặt ra để có những trường hợp cụ thể, giống như tôi từng nói là đánh người chạy đi chứ không đánh người chạy lại, họ có sai sót về mặt kỹ thuật thì xem xét từng trường hợp cụ thể và có thể tái bổ nhiệm lại vì có thể họ là những người có tài mà bỏ đi thì cũng không nên nhưng nếu những người đó vi phạm về lộ bí mật chẳng hạn, công nghệ của công ty hay hành động ức hiếp, người đó tham ô về vấn đề tiền bạc thì không nên sử dụng tái bổ nhiệm".

Nhà báo Võ Văn Tạo cho biết, đối với trường hợp ông Tuấn xin vào vi trí cao hơn là nguyện vọng mong muốn của ông Tuấn nhưng về mặt nguyên tắc tổ chức Đảng thì người ta sẽ không làm như thế, do đo nếu Thanh Hóa mà bổ nhiệm ông Tuấn theo nguyện vọng là điều không hay và không nên làm.

"…vì Thanh Hóa là một tỉnh rất là đông dân, cụ thể những ghế ông nắm giữ cũng như sắp tới vị trí phó giám đốc Sở thì nó cũng ngay thành phố Thanh Hóa chứ không phải những nơi vùng sâu vùng xa mà tìm cán bộ khó khăn gì, vì Thanh Hóa ngoài ông Tuấn ra thì còn rất nhiều cán bộ khác cũng có đạo đức không kém đâu nên trong trường hợp đó không nên sử dụng lại ông Tuấn".

Luật sư Hà Huy Sơn cho rằng, các vị trí được ứng cử thì quyền của cử tri, đại biểu, hội đồng nhân dân họ có tín nhiệm hay không người ta bầu. Còn việc chức vụ do bổ nhiệm thì người có quyết định bổ nhiệm thì phải chịu trách nhiệm.

"Tùy vào từng chức vụ và thời gian bao nhiêu để cho nó hợp lý, thì điều này do các cơ quan làm luật họ cân nhắc thôi vì ngay cả những người có tội thì cũng có thời gian và tùy mức độ mà được xóa án tích nên đối với cán bộ công chức viên chức mà vi phạm kỷ luật thì tùy vào từng cấp độ thời hạn bổ nhiệm nó là bao nhiêu lâu thì vấn đề là như thế chứ không phải là cứ dứt khoác không được bổ nhiệm lại".

*****************

Ủy ban Kiểm tra trung ương sẽ sớm ra quyết định kỷ luật chánh văn phòng thành ủy Hà Nội (RFA, 31/12/2019)

Phó trưởng Ban Tuyên giáo thành ủy Hà Nội, ông Phạm Thanh Học ngày 31/12 cho truyền thông trong nước biết Ủy ban Kiểm tra thành ủy sẽ có văn bản báo cáo Ủy ban kiểm tra Trung ương (UBKT) quyết định hình thức xử lý ông Nguyễn Văn Tứ, Chánh văn phòng Thành ủy Hà Nội.

nhatho6

Ông Nguyễn Văn Tứ bị bắt liên quan đến vụ án Nhật Cường trong thời gian ông làm Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội - Courtesy of vnexpress -RFA edited

Theo tin từ truyền thông trong nước, ông Phạm Thanh Học cho rằng ông Nguyễn Văn Tứ, Chánh văn phòng Thành ủy vừa bị Bộ công an bắt về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến vụ án Nhật Cường. Và việc ông Tứ bị bắt liên quan đến thời điểm ông làm giám đốc Sở kế hoạch & đầu tư chứ không phải trong thời gian làm chánh văn phòng thành ủy.

Ông Học cũng giải thích thêm do ông Tứ là thành ủy viên nên thẩm quyền quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng hoặc kỷ luật theo mức nào là do Ủy ban kiểm tra Trung ương quyết định.

Hôm 28/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra lệnh khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với ông Nguyễn Văn Tứ, Chánh Văn phòng Thành Uỷ Hà Nội và bà Phạm Thị Thu Hường, Chánh Văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.

Được biết, ông Tứ là Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội thời điểm gói thầu số hóa tài liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp TP được tổ chức đấu thầu rộng rãi công khai. Tuy nhiên, việc đấu thầu này phải tạm dừng để sau đó chính công ty Nhật Cường được giao thực hiện thí điểm gói thầu này.

Như vậy, tính đến thời điểm này, Bộ Công an đã khởi tố ít nhất 12 người về các tội danh khác nhau liên quan đến Công ty Trach nhiệm hữu hạn Giải pháp phần mềm Nhật Cường. Đây là công ty đã trúng thầu một loạt các dự án về công nghệ cao vào các cơ quan của thành phố Hà Nội với trị giá lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Published in Việt Nam

Với những gì cam kết giấy trắng mực đen mà lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ‘giao kèo’ lúc kêu gọi đầu tư với Lotte, thì liệu số phận của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và Nhà thờ Thủ Thiêm sắp tới đây sẽ giống như chùa Liên Trì đã bị cưỡng chế thô bạo vào tháng 9/2016 ?

thuthiem1

Tu viện Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm - Ảnh : Quý Hòa/NĐT.

"Chỉ còn chờ ‘đất sạch’ để khởi công" !

Cuối tháng 5/2016, UBND Thành phố Hồ Chí Minh chỉ định Liên danh Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) và các công ty Nhật Bản làm nhà đầu tư thực hiện Dự án Khu phức hợp thông minh (Eco Smart City) tại Khu chức năng số 2a trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Thời điểm được chỉ định đầu tư (thay cho việc phải đấu thầu), Liên danh Tập đoàn Lotte, gồm 4 công ty con : Lotte Asset Development Co., Ltd. (đầu tư và quản lý tài sản) ; Lotte Shopping Co., Ltd. (phát triển mảng bán lẻ gồm Diamond Plaza department store, Lotte Mart, Lotte.vn) ; Hotel Lotte Co., Ltd (quản lý khách sạn), và Lotte Engineering & Construction Co., Ltd (xây dựng), cùng với 3 công ty của Nhật Bản là Mitsubishi Corporation ; Mitsubishi Estate Co., Ltd. và Toshiba Corporation. Tuy nhiên sau đó 3 công ty của Nhật đã rút lui. Hiện chỉ còn mỗi Tập đoàn Lotte là nhà đầu tư của dự án Eco Smart City.

Nằm trong Khu chức năng 2a của Khu đô thị mới Thủ Thiêm có hai công trình tôn giáo trên trăm năm tuổi là Dòng Mến Thánh Giá thành lập năm 1840 và Nhà thờ Thủ Thiêm xây dựng năm 1859.

Theo một đại diện của Lotte Asset Development Co., Ltd., đơn vị này đã hoàn thành đồ án quy hoạch của dự án, và gửi trình duyệt bản đồ án hoàn thiện lần cuối cùng này đến ban ngành chức năng của UBND Thành phố Hồ Chí Minh hồi cuối tháng 4/2018. Phía Lotte cho biết họ đã hoàn thành mọi thủ tục cần thiết để có thể khởi công Dự án Khu phức hợp thông minh Eco Smart City vào dịp kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam 2/9/2018.

Hồ sơ về đồ án quy hoạch từ phía Lotte cho biết trong phần diện tích đất ở Khu chức năng 2a, họ dành phát triển dự án khoảng 5,012 ha (tại 6 lô đất ký hiệu 2-1, 2-2, 2-3, 2-4, 2-5 và 2-6) để xây dựng các công trình thương mại dịch vụ tổng hợp và dân cư đa chức năng với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 505.000 m2.

Ngoài diện tích xây dựng khu phức hợp thông minh, Lotte còn triển khai đầu tư hoàn chỉnh 4 đoạn đường và hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài khu phức hợp đồng bộ với hạ tầng Khu đô thị mới Thủ Thiêm trên diện tích đất gần 2,4ha. Nhà đầu tư được quyền kinh doanh và khai thác công trình này (khả năng lại xảy ra chuyện "trạm thu giá" !). Riêng 4 đoạn đường gồm N15, N16, D8, D10, nhà đầu tư sẽ bàn giao toàn bộ cho cơ quan Nhà nước quản lý. Trong đó, đường N15, N16 sẽ kết nối Đại lộ vòng cung R1 đến đường Ven hồ trung tâm R2.

Như vậy có thể thấy rằng trên bàn của các lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, bản đồ án quy hoạch cuối cùng của dự án Eco Smart City do Lotte trình, không hề có sự hiện diện của những công trình tâm linh là Dòng Mến Thánh Giá và Nhà thờ Thủ Thiêm.

Thời gian của những ‘lobby’

Trước đó trong một động thái ngoại giao kinh tế, vào chiều 8/3/2018, Phó chủ tịch Tập đoàn Lotte Hwang Kag Gyu đã có cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ông Hwang Kag Gyu ‘đánh tiếng’ với Thủ tướng Phúc rằng tập đoàn Lotte đang tích cực chuẩn bị để sớm khởi công xây dựng dự án Eco Smart City Thủ Thiêm. Tường thuật về buổi gặp gỡ, trang tin của Chính phủ cho hay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc "cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Lotte đầu tư lâu dài, phát triển bền vững tại Việt Nam".

Liệu số phận của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và Nhà thờ Thủ Thiêm sẽ giống như chùa Liên Trì đã bị cưỡng chế thô bạo vào tháng 9/2016 ?

Theo nguồn tin xác tín từ một chức sắc tôn giáo ở Sài Gòn, đang bắt đầu có những vận động hành lang ‘lobby’ đối với các cổ đông của Lotte, về việc yêu cầu nhà đầu tư gìn giữ các giá trị văn hóa tâm linh là Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và Nhà thờ Thủ Thiêm khi thực hiện dự án Eco Smart City Thủ Thiêm. Bởi với một quy hoạch biết lưu giữ công trình cổ làm bảo tàng hoặc làm khu nghệ thuật cho người trẻ ; thậm chí là khu thương mại nhưng bên trong cái "kiến trúc cũ" chứ không phải phá đi xây công trình mới, thì "lợi nhuận" từ di sản sẽ đạt được bằng cả kinh tế và văn hóa. Lợi nhuận ấy là bền vững và tích lũy theo giá trị di sản.

Khuyến cáo nói trên cũng phù hợp với bản thuyết trình Quy hoạch tổng mặt bằng Khu đô thị mới Thủ Thiêm do Sasaki Associates (Mỹ) thực hiện với sự hợp tác của Viện Quy hoạch Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 9-2004, là "những địa điểm nổi bật của khu Lõi trung tâm" có các cơ sở công giáo ở Thủ Thiêm. Xác định công trình tôn giáo lâu đời này là "khu văn hóa chính yếu", đơn vị thiết kế Sasaki Associates đề nghị "giữ lại và kết hợp với thiết kế của Lõi trung tâm".

Liệu những ông lớn như tập đoàn Lotte của Hàn Quốc có hiểu rất rõ điều ở trên khi quyết định dằn cọc tiền tươi đến 2.000 tỷ bạc để được trao quyền xây dựng khu đô thị thông minh Eco Smart City Thủ Thiêm tại Khu chức năng số 2a thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm - nghĩa là nơi đang có di sản Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm, Nhà thờ Thủ Thiêm với tuổi đời gần 180 năm ?

Dẫu đô thị có thông minh đến đâu, song khi không có đình, chùa, nhà thờ, chợ, khu dân cư cũ, thì Thủ Thiêm sẽ thành một đô thị vô hồn.

Thảo Vy

Nguồn : VNTB, 28/05/2018

Published in Diễn đàn

Cử tri phản ánh việc thu hồi đất thiếu minh bạch (RFA, 21/05/2018)

Cử tri phản ánh việc thu hồi đất thiếu minh bạch, đầu cơ "đẩy giá" đất, các dự án quy hoạch chưa được công khai…

dat1

Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nêu ý kiến cử tri tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV hôm 21 tháng 5 năm 2018. Courtesy of mattran.org.vn

Thông tin vừa nêu được ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nêu ra tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV hôm 21tháng 5.

Theo ông Mẫn, đa số trong tổng cộng gần 4.000 ý kiến của cử tri cho rằng việc thu hồi đất thiếu minh bạch, công tác quản lý đất đai chưa chặt chẽ, các dự án quy hoạch chưa được công khai, việc đền bù, hỗ trợ tái định cư bất cập, gây bức xúc. Tình trạng chuyển nhượng, giao dịch đất, đầu cơ "đẩy giá" đất tràn lan đang gây bất ổn ở một số địa phương.

Ngoài ra, những dự án đầu tư khu chung cư, nhà cao tầng ở khu vực trung tâm các thành phố lớn là nguyên nhân làm gia tăng mật độ dân cư, quá tải hạ tầng, gây tắc đường, ngập lụt và ô nhiễm môi trường.

Cũng theo ông Mẫn, cử tri đề nghị chính phủ rà soát, điều chỉnh quy hoạch phù hợp, quản lý chặt chẽ việc cấp phép xây dựng, xử lý nghiêm các trường hợp chung cư xây dựng sai phép, sai quy hoạch, tránh "việc đã rồi" mới giải quyết.

Cũng tin liên quan, hôm 21 tháng 5 kiểm toán nhà nước vừa có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về việc có nhiều vi phạm trong 17 dự án đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) trong năm 2017.

Theo cơ quan kiểm toán, những đặt ân về thanh toán, giao đất cho các dự án BT, không giúp giảm gánh nặng cho ngân sách.

Cũng theo cơ quan kiểm toán, hầu hết dự án BT chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu, làm giảm sự cạnh tranh và tiềm ẩn rủi ro chọn nhà đầu tư không đủ năng lực.

Việc thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức giao đất đã giải phóng mặt bằng có thu tiền sử dụng đất, hoặc cho thuê đất thu tiền một lần không thông qua đấu giá là không đúng với Luật Đất đai năm 2013.

Ngoài ra cơ quan kiểm toán nhà nước cũng cho rằng, vốn đầu tư của các doanh nghiệp chủ yếu là vốn vay, ước lượng khoảng 85%. Nhưng lại được nhà nước tính lãi, với lãi suất tối đa bằng 1,3 lần lãi suất trái phiếu chính phủ.

Vì vậy thực chất gần như toàn bộ dự án BT là vốn của nhà nước hoặc là vốn của nhà nước đi vay với lãi suất cao hơn lãi suất huy động. Việc này chứng tỏ, các dự án BT không làm giảm gánh nặng cho ngân sách.

********************

Nhiều tổ chức, cá nhân đòi trả lại chùa, nhà thờ ở Thủ Thiêm (Người Việt, 20/05/2018)

Mười tổ chức dân sự và nhiều cá nhân đã cùng ký tên trên một bản tuyên bố đòi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trả lại nhà đất đã bị nhà nước tước đoạt, đặc biệt vụ việc đang nóng tại Thủ Thiêm, thành phố Sài Gòn.

dat2

Ngày 9 tháng Năm, 2018, trong cuộc đối thoại với "đại biểu Quốc hội" mà cũng lại là nhà cầm quyền, đại diện dân Thủ Thiêm chứng minh nhiều khu vực ở Thủ Thiêm không nằm trong bản đồ "quy hoach" nguyên thủy tức nằm ngoài dự án khu đô thị mới nhưng vẫn bị nhà cầm quyền thành phố cưỡng chế tước đoạt. (Hình : Thanh Niên)

Bản tuyên bố của các tổ chức dân sự độc lập và cá nhân khởi xướng ngày 19 tháng Năm, 2018, viết rằng : "Tuần qua việc bạch hóa thông tin về tình hình giải tỏa đất đai ở bán đảo Thủ Thiêm suốt 20 năm qua đã khiến toàn xã hội choáng váng. Giữa thành phố lớn nhất nước, lợi ích thiết thân của hàng ngàn cư dân là quyền sống, quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo đã bị xâm phạm nghiêm trọng".

Bản tuyên bố được đưa ra sau phiên họp giữa đoàn "đại biểu Quốc hội" mà cũng lại là những người cầm quyền cao nhất ở thành phố Sài Gòn. Trong buổi tiếp xúc, nhiều người dân Thủ Thiêm mất nhà mất đất đã chứng minh nhà đất của họ nằm ngoài dự án "quy hoạch" khu đô thị mới nhưng vẫn bị cưỡng chế, sống lây lất vạ vật.

Những khu vực đã bị nhà cầm quyền thành phố cưỡng chế và đền bù bằng những số tiền rẻ mạt, đã được những tay tư bản đỏ sau đó bán lại với giá gấp ngàn lần.

Hai năm trước, nhà cầm quyền thành phố đã cưỡng chế, đuổi hòa thượng Thích Không Tánh ra khỏi chùa rồi san ủi Liên Trì. Mới đây, thấy thông báo sẽ cưỡng chế tu viện của các nữ tu Công giáo Dòng Mến Thánh Giá và nhà thờ Thủ Thiêm, một cơ sở tôn giáo đã có lịch sử hơn 150 năm.

Trong cuộc đối thoại với người dân Thủ Thiêm ngày 9 tháng Năm, 2018, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, "đại biểu Quốc hội" mà cũng là chủ tịch "Ủy Ban Nhân Dân" thành phố Sài Gòn đã không giải đáp nổi những tố cáo các sự ngang nhiên thay đổi "quy hoạch" của nhà cầm quyền thành phố, suốt 20 năm qua qua nhiều ông bí thư thành ủy và "ủy ban nhân dân" làm ngược với quyết định từ trung ương,dẫn đến giải tỏa hàng ngàn gia đình trái chủ trương từ nhà cầm quyền trung ương.

Bản tuyên bố cáo buộc "Chính quyền ở một thành phố trực thuộc trung ương ngang nhiên bác bỏ hiệu lực của một văn bản lập quy của thủ tướng chính phủ. Điều đó không chỉ bộc lộ rõ nạn vô pháp trong thể chế độc tài toàn trị của nhà nước đương quyền, mà còn một lần nữa phơi bày rõ gốc rễ của vấn đề là chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai. Theo đó, những dự án đầu tư phát triển đô thị trở thành cơ hội cho quan chức hối mại quyền thế, làm giàu bằng tước đoạt đất đai của người dân với giá đền bù rẻ mạt.

Sự tước đoạt hoang dã không chỉ diễn ra ở Thủ Thiêm. Khắp nơi trong cả nước hàng vạn dân oan đã đội đơn và giăng biểu ngữ đòi quyền sống và đòi công lý trước trụ sở Quốc hội, văn phòng các cơ quan hành pháp trong hơn hai chục năm qua. Thế nhưng, tiếng dân oan không được lắng nghe và nạn vô pháp vẫn ngang nhiên bất trị".

Trước tình hình nghiêm trọng nêu trên, các tổ chức xã hội dân sự và người Việt trong và ngoài nước đồng lòng kêu gọi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.

- Trả lại cho dân, Chùa Liên Trì, Nhà Thờ và Tu Viện Dòng Mến Thánh Giá ở Thủ Thiêm… phần đất không có trong quy hoạch ban đầu theo văn bản lập quy của thủ tướng, và đền bù thỏa đáng cho những nạn nhân đã bị cưỡng chế oan ức".

- Nghiêm trị các tổ chức và cá nhân vô trách nhiệm, lộng quyền, chà đạp đời sống của dân, luật pháp và đạo lý dân tộc.

- Chấm dứt ngay việc cưỡng bức thu hồi đất trái nguyện vọng của người dân mà chính quyền ở các địa phương đang thực hiện.

- Lập ban thanh tra có sự tham gia của cộng đồng xã hội (đại diện những người có quyền sử dụng đất), rà soát lại toàn bộ quá trình thực hiện quy hoạch phát triển đô thị trên cả nước.

- Công nhận và hiến định chế độ đa sở hữu đối với đất đai trên cả nước.

- Công nhận và cho đăng ký các Hội đồng đại diện quyền lợi và ý nguyện của người sử dụng đất trên khắp cả nước, và trả lại cho toàn dân quyền tự do lập hội".

Trong số những người ký tên trên bản tuyên bố, nhiều người từng là đảng viên cộng sản Việt Nam nổi tiếng nay đã nghỉ hưu, nhiều người là các nhân sĩ, trí thức trong ngoài nước. (TN)

*******************

Kêu gọi trả lại chùa Liên Trì, cơ sở Dòng Mến Thánh Giá ở Thủ Thiêm (RFA, 20/05/2018)

Một tuyên bố kêu gọi chính quyền trả lại chùa Liên Trì và các cơ sở của Dòng Mến Thánh Giá ở Thủ Thiêm vừa được dăng tải trên mạng vào ngày 19/5 vừa qua với chữ ký của hơn 10 tổ chức dân sự và hơn 100 cá nhân.

dat3

Nhà thờ Thủ Thiêm - Ảnh minh họa

Theo tuyên bố, những thông tin được bạch hóa thời gian qua liên quan đến việc giải tỏa Thủ Thiêm để xây đô thị mới ở thành phố Hồ Chí Minh đã gây choáng váng trong xã hội, lợi ích thiết thân của hàng ngàn cư dân, quyền sống, quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo đã bị xâm phạm nghiêm trọng.

Tuyên bố cũng nêu lên thực tế là việc cưỡng chế đất không chỉ xảy ra ở Thủ Thiêm mà còn diễn ra ở nhiều nơi khác trên toàn quốc.

Vụ việc Thủ Thiêm, Theo tuyên bố, cho thấy tình trạng vô pháp trong thể chế độc tài toàn trị và một lần nữa phơi bày rõ gốc rễ vấn đề của sở hữu toàn dân đối với đất đai.

Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh có kế hoạch phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm, ngay sát quận 1, quận trung tâm của thành phố từ hồi cuối những năm 90 của thế kỷ trước. Việc đền bù và giải tỏa đã bắt đầu từ đầu nhưng năm 2000 và tăng tốc trong giai đoạn từ 2012. Kết quả đã có khoảng 14.600 hộ dân với khoảng 60,000 người phải di dời. Chùa Liên Trì có tuổi đời hơn 100 năm đã bị phá huỷ. Nhà thờ Thủ Thiêm và Tu viện Dòng Mến Thánh Giá có tuổi đời hơn 100 năm hiện cũng có nguy cơ bị giải toả. Nhiều hộ dân ở Thủ Thiêm phản đối di dời vì mức đền bù không hợp lý đã nhiều năm ròng ra Hà Nội khiếu kiện.

Tuyên bố yêu cầu chính quyền ngay lập tức phải trả lại đất đai của chùa Liên Trì, các cơ sở của Dòng Mến Thánh Giá ở Thủ Thiêm, nghiêm trị các tổ chức, cá nhân lạm quyền, chấm dứt nạn cưỡng chế thu hồi đất trái nguyện vọng của người dân, công nhận chế độ đa sở hữu đối với đất đai trên toàn quốc.

Published in Việt Nam

Dư luận đặc biệt quan tâm đến thông tin từ Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Nhà thờ Thủ Thiêm, Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm bị di dời vì thuộc trong 9 lô đất ở trung tâm khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ được bán đấu giá. Liệu rằng Nhà thờ Thủ Thiêm, Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm sắp mất trong nay mai ?

nha1

Nhà thờ Thủ Thiêm - Ảnh : tinmungchonguoingheo.com

Thăm dò dư luận

Dư luận và nhiều người Công giáo tại Việt Nam bày tỏ sự hoang mang trước thông tin, được báo chí truyền tải vào ngày 1 tháng 5, về Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị liên quan có phương án di dời những cơ sở tôn giáo tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong đó có Nhà thờ Thủ Thiêm, Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm và thu hồi đất của Trường tiểu học Thủ Thiêm, để bàn giao cho nhà đầu tư thi công tuyến đường ven sông và công viên bờ sông đúng tiến độ.

Dư luận không chỉ hoang mang mà còn bức xúc khi một ngày sau đó trong cuộc họp báo, người phát ngôn của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ông Võ Văn Hoan cho biết bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm bị thất lạc và các bộ ngành có liên quan trong vòng 20 năm qua vẫn chưa tìm thấy bản gốc.

Vào ngày 3 tháng 5, Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương, thuộc Thanh tra Chính phủ, ông Nguyễn Hồng Điệp lên tiếng với truyền thông rằng Thành phố Hồ Chí Minh cần sớm trả lời cho người dân biết là không có bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm vì ngay cả Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cũng không có.

Dư luận thắc mắc rằng dựa vào đâu mà Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định di dời Nhà thờ Thủ Thiêm, có giá trị lịch sử lâu đời hơn 160 năm, và phải chăng có sự khuất tất ẩn giấu nào liên quan đến quyết định này của Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh ?

Linh mục An-tôn Lê Ngọc Thanh, thuộc Dòng Chúa Cứu Thế cho rằng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đang dùng truyền thông để dọn đường dư luận cho ý đồ giải tỏa Nhà thờ Thủ Thiêm, Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm của họ. Linh mục An-Tôn Lê Ngọc Thanh còn nhấn mạnh truyền thông liên tục đăng tin đồn thổi về Hội thánh Đức Chúa Trời trong thời gian qua cũng nhằm chủ ý này :

"Họ cố tình thổi Hội thánh Đức Chúa Trời, lúc thì gọi như vậy lúc thì gọi là Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ, để cho người ta thấy tôn giáo nói chung và theo tinh thần Ki-tô giáo như Công giáo nói riêng là xấu, bậy bạ khiến cho những người không có tôn giáo ở Việt Nam tin theo và dẫn đến chính quyền quyết định giải tỏa nhà thờ Thủ Thiêm, Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm được dân chúng ủng hộ bởi vì đó là một thứ đạo tào lao".

Đạt được mục đích di dời ?

Đài RFA ghi nhận Nhà thờ Thủ Thiêm và Tu viện Mến Thánh giá Thủ Thiêm là hai cơ sở tồn tại hơn một thế kỷ tại Thủ Thiêm, thuộc quận 2 thành phố Hồ Chí Minh. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, một số ngôi trường của nhà dòng bị Nhà nước trưng thu làm cơ sở giáo dục. Một trường được sử dụng làm trường tiểu học đã bị đập phá và Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh thương lượng bồi thường 50 tỷ đồng cho nhà dòng. Tuy nhiên, Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm cho biết nếu ngôi trường không được chính quyền tiếp tục dùng vào mục đích giáo dục thì hãy trả lại cho nhà dòng và nhà dòng từ chối nhận số tiền bồi thường đó. Một ngôi trường khác đập phá hồi hạ tuần tháng 10 năm 2015, nhưng phải tạm dừng do gặp phải sự phản đối của nhà dòng và dư luận.

Thêm vào đó, nghĩa trang của giáo xứ Thủ Thiêm, rộng hơn 2 héc-ta cũng bị giải tỏa cách nay 2 năm, nhưng Chính quyền đã không đền bù một đồng nào cho nhà thờ. Thông tin mới nhất chúng tôi được nghe từ người phụ trách pháp lý của Nhà thờ Thủ Thiêm và Tu viện Mến Thánh giá Thủ Thiêm là Chính quyền thành phố gây áp lực lên một số vị tại Tòa Tổng Giám mục Thành phố Hồ Chí Minh vận động nhà thờ và Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm tự nguyện di dời.

Liên quan đến tin tức Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị liên quan có phương án di dời Nhà thờ Thủ Thiêm và Tu viện Mến Thánh giá Thủ Thiêm vừa được truyền thông loan đi, một nữ tu trong Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm cho biết không nhận được thông báo chính thức nào từ phía chính quyền. Vị nữ tu này cho biết :

"Cả chục năm nay qua trao đổi (với Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh) thì mấy soeur nói cứ để nguyên hiện trạng như vậy, mấy soeur không đồng ý. Trước sau mấy soeur vẫn giữ lập trường như thế. Còn báo chí đăng thì kệ họ cứ đăng vì đó là quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Cho đến bây giờ vẫn chưa có gì hết".

Giáo dân Giuse-Cao Thăng Ca, người người phụ trách pháp lý của Nhà thờ Thủ Thiêm và Tu viện Mến Thánh giá Thủ Thiêm, khẳng định với RFA rằng không có việc di dời xảy ra vì :

"Thực chất nhà thờ Thủ Thiêm và Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm theo quy hoạch của thành phố Hồ Chí Minh đến giờ phút này vẫn còn được phép tồn tại. Hiện nay vấn đề pháp lý về quy hoạch đối với hội dòng và nhà thờ không thể chối cãi và phủ nhận được. Nếu bất kỳ một người nào muốn tìm thông tin về quy hoạch về Nhà thờ Thủ Thiêm và Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm chỉ cần vào trang web ‘Quy hoạch thành phố Hồ Chí Minh’ thì thấy bản vẽ cho đến năm 2018 nhà thờ và nhà dòng vẫn tồn tại. Mới nhất đây, ông Chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh đồng ý cho công ty của Hàn Quốc là Công ty Lotte để đầu tư làm khu lõi trung tâm thành phố-khu thành phố văn minh, thì trong bản vẽ này vẫn vẽ nhà thờ và nhà dòng tồn tại".

Ông Cao Thăng Ca cho biết thêm có khoảng 3000 giáo dân tại giáo xứ Thủ Thiêm và hiện chỉ còn khoảng 400 đến 500 giáo dân vì số còn lại đã bị giải tỏa, di dời. Tuy nhiên, các gia đình giáo dân vẫn kiên trì đòi công lý, bảo vệ đất đai nhà cửa của họ và Nhà thờ Thủ Thiêm cùng Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm.

"Hiện nay Cha xứ là Cha Lê Đăng Niêm, mặc dù sức khỏe của Ngài rất kém do bị tai biến nhưng Ngài sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ tài sản, bảo vệ đoàn chiên. Ngài là tấm gương sáng cho giáo dân noi theo. Thành ra, chúng tôi cũng cương quyết gìn giữ và bảo vệ được nhà thờ, không cho bất kỳ một thế lực hay nhóm lợi ích nào xâm hại đến nhà thờ".

Đài Á Châu Tự Do cũng ghi nhận truyền thông mạng xã hội mấy ngày qua tiếp tục có những ý kiến gửi đến Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh cần phải gìn giữ Nhà thờ Thủ Thiêm, Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm vì đó không chỉ là công trình tôn giáo mang giá trị lịch sử và giá trị kiến trúc nghệ thuật mà còn là biểu tượng nối liền quá khứ và hiện tại của thành phố.

Hòa Ái

Nguồn : RFA, 03/05/2018

Published in Diễn đàn

Nhà thờ Thủ Thiêm, Chùa Liên Trì cùng hằng hà sa số cơ sở tôn giáo khác đã và sắp biến mất trên toàn quốc phải chăng là thực tế khách quan về phát triển như nhiều giới chức trách nhiệm phát biểu trong mấy lúc gần đây ?

thuthiem1

Nhà thờ Thủ Thiêm, một di dản tôn giáo với 177 tuổi đời

Không có thực tế khách quan ấy, nếu luật sở hữu đất đai của Hiến pháp Việt Nam không ghi rằng Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý.

Đây mới là thực tế rất khách quan. Và hơn thế nữa luật này đã và đang nhấn lòng tin, của cải vật chất, di sản văn hóa và con người Việt Nam xuống chiếc mồ tập thể mang tên "sở hữu đất đai".

Người cộng sản đấu tranh cướp chính quyền từ quyền sở hữu ruộng đất. Địa chủ phú hào là kẻ thù của nhân dân vì sở hữu đất đai nên cần cần phải bị tiêu diệt. Lá cờ đầu đấu tranh ấy đã giúp cho cộng sản giành chiến thắng tại hầu hết các vùng nông thôn hẻo lánh. Và cũng từ đó họ hiểu rõ : khi người dân làm chủ mảnh đất của mình thì lúc đó sức mạnh của Đảng Cộng sản sẽ bị thu nhỏ lại. Điều kiện tất yếu này là quy luật, nó trở thành cương lĩnh bất thành văn của Đảng và giá nào cũng phải đấu tranh đưa nó vào Hiến Pháp. Khi đã thành luật, mọi nỗ lực thay đổi sẽ hạn chế và Đảng sẽ rảnh tay dùng sức mạnh của mình để quản lý quần chúng.

Khi nhà nước quản lý tức là người giữ tay hòm chìa khóa, nhà nước toàn quyền định đoạt việc sở hữu đất đai. Ban phát cho ai lúc nào, tịch thu của ai tại đâu, đều được tính toán và thực hiện một cách công khai bài bản.

Bài bản quen thuộc nhất để tịch thu đất đai là phát triển đô thị và những cơ sở tôn giáo sẽ là nạn nhân cuối cùng sau khi đền bù, giải tỏa cho người dân. Những cơ sở này không thể thoát khỏi chiếc búa giải tỏa khi nó đứng chơ vơ một mình giữa khoảng trống rợn người của hoang tàn sau khi giải tỏa trắng.

Những cơ sở tôn giáo luôn được sở hữu bởi tập thể có tổ chức hay một cộng đồng có niềm tin chung về tôn giáo. Những cơ sở này trong quá khứ của chế độ cũ chúng đương nhiên được cấp giấy chứng nhận sở hữu vì đã mua đất, xây dựng cơ sở trên mảnh đất ấy và sinh hoạt của họ đương nhiên được bảo vệ và thậm chí giúp đỡ từ nhà cầm quyền.

Nhưng với chế độ hiện nay thì khác, sự hiện diện của họ là rào cản cho quyết tâm xóa trắng quyền tư hữu đất đai. Cơ sở tôn giáo còn là nơi nuôi mầm hậu hoạn do yếu tố tự do tôn giáo vì thế giải tỏa chúng sẽ là một công đôi chuyện, biến mất trong trí nhớ người dân, kể cả tín đồ của nó.

Nhà thờ Thủ Thiêm, một di tích tôn giáo có thể xem là di sản văn hóa nếu nó nằm trong một thể chế dân chủ. Trước tin nó sắp biến mất như những công trình khác, Đại sứ quán Canada tại Hà Nội đã chính thức ra văn bản kêu gọi chính phủ Việt Nam xem xét lại việc giải tỏa nhưng đáp lại là sự im lặng như thường lệ của nhà cầm quyền.

Phát triển đô thị tại sao nhất thiết phải phá bỏ di sản văn hóa là câu hỏi chưa bao giờ được nhà nước chính thức trả lời trong khi nó tiếp tục được triển khai khắp nơi, từ Hà Nội tới Sài Gòn nơi di sản văn hóa chỉ còn lại trên đầu ngón tay và tiếp tục chờ ngày "phán xét".

Thì ra, đảng Cộng sản đã tính toán kỹ lưỡng từ ngày mới bắt đầu nắm chính quyền. Hiến pháp được xào nấu. Điều 4 khống chế cái đầu dân chủ. Điều 53 : "Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý".

Để ra vẻ khách quan, đất đai gộp chung với tài nguyên nước khoáng sản… là cách đánh tráo khái niệm rõ ràng nhất. Đất hoang hóa khi được người dân đổ công sức ra khai khẩn như thời kỳ miền Nam mở cõi nếu không được nhìn nhận qua luật tư hữu thì liệu có một miền Nam trù phú như hiện nay không ? Người nông dân và quyền tư hữu là sức dính kết làm cho con người không ngại gian khổ để khai thác đất đai. Mất đi cái quyền sở hữu những gì mình đổ mồ hôi ra gầy dựng là sự bất công cao nhất đối với dân chúng.

Dân oan cả nước đang đại diện cho sự bất công này.

Nhà thờ, đền chùa miếu mạo cũng không khác.

Đất đai nơi cơ sở tôn giáo đang chiếm ngự, lòng tin của tín đồ, giáo dân không thể tách rời nơi mà nhiều thế hệ con cháu họ đã kết nối với niềm tin. Xóa bỏ ký ức tôn giáo là tội ác. Xóa bỏ một mảnh đất cộng thêm cơ sở tôn giáo Đảng Cộng sản đang phạm tội hai lần.

Cánh Cò

Nguồn : RFA, 28/02/2017 (canhco's blog)

Published in Diễn đàn

thuthiem1

Khu vực nhà thờ Thủ Thiêm

Người Do Thái có câu "Một bông lúa trĩu hạt là một bông lúa biết cúi đầu", người Nhật Bản có câu "Người ta sẽ đập bỏ mọi thứ khi nỗi sợ hãi không được giải quyết". Sở dĩ tôi phải nhắc đến hai câu này trong lúc nói về quyết định của nhà cầm quyền Việt Nam : Đập bỏ nhà thờ có tuổi thọ 177 năm, lớn hơn quốc gia Canada 27 tuổi trong khi tình trạng bảo dưỡng của nhà thờ rất tốt, kết cấu nhà thờ hoàn toàn vững chắc và các hoạt động tôn giáo nơi đây vẫn diễn ra bình thường… Là vì, có hai điều mà nhà cầm quyền Việt Nam và bất kỳ nhà cầm quyền độc tài nào cũng phạm phải, đó là : Tính tự mãn, ngông cuồng và Sự sợ hãi có căn nguyên.

Ở khía cạnh tính tự mãn, ngông cuồng, sự rỗng tuếch về văn hóa, hơn ai hết, lịch sử hơn 40 năm chiếm miền Nam và rải đều chủ nghĩa cộng sản trên toàn cõi Việt Nam đã cho thấy người cộng sản đã chọn từ việc đập phá toàn bộ các giá trị văn hóa vật thể cũng như phi vật thể nhằm biến văn hóa Việt Nam thành một vùng đất trắng… Đến sau giai đoạn đập phá này là giai đoạn "trùng tu", người ta trùng tu một cách vô tội vạ và chẳng có bất chút tư duy nào về văn hóa khi đụng đến vấn đề trùng tu. Mọi thứ, khi được trùng tu xong, nó sẽ biến dạng thành một quái thai văn hóa. Và bên cạnh đó, vẫn tiếp tục đập phá những công trình tôn giáo để xóa trắng các giáo hạt, biến nó thành một loại "vùng kinh tế mới" giữa thành phố.

Ở vấn đề đập phá các đền đài miếu mạo, có lẽ cuộc đập phá dữ dội nhất ở những năm đầu và giữa thập niên 1980 đã xóa sổ đi rất nhiều di chí văn hóa vật thể và xóa trắng các loại hình văn hóa phi vật thể của miền Nam. Trong đó, các lăng tẩm ở Huế bị biến thành nhà máy xay bột cám heo, cơ sở chăn nuôi, các nhà thờ bị trưng thu để biến thành trường học. Hiện tại, trường đại học Đà Lạt, đại học kinh tế Đà Nẵng và đại học luật Sài Gòn, khu Fatima Bình Triệu là những bằng chứng sống động về việc trưng thu, biến dạng này.

Và chuyện trùng tu, từ chỗ có đường nét, có lịch sử, mang hơi thở văn hóa của thời đại thành một loại quái thái văn hóa, có lẽ kể không xiết. Hiện tại, vụ trùng tu các lăng tẩm, đàn tế trời, khuê văn các… ở Huế và trùng tu Văn Miếu Quốc Tử Giám ở Hà Nội là những vụ nổi cộm. Một khuôn hình bằng gạch men có hoa cúc nổi bên trên, có lá, có cành được đắp cách điệu hết sức đẹp và tinh tế, qua các bàn tay trùng tu, nó thành cái bánh trung thu trọc lóc. Nhưng như vậy còn đỡ hơn nhiều khi người ta ngang nhiên xóa bỏ mọi chi tiết trên vật thể và đắp vào đó những cái hoàn toàn mới và xa lạ với chính nó. Bất kì thứ gì được trùng tu bởi bàn tay các nhà trùng tu xã hội chủ nghĩa đều trở thành những quái thai văn hóa một cách thê thảm nhất !

Và hiển nhiên, vấn đề xóa sổ một khu di tích tôn giáo nào đó vẫn chưa bao giờ ngừng. Hiện tại, sau vụ xóa sổ chùa Liên Trì, sắp tới đây, nhà cầm quyền Việt Nam lại tiếp tục xóa sổ nhà thờ Thủ Thiêm. Vì sao nhà cầm quyền phải làm như vậy ?

Có hai lý do : Lý do kinh tế và lý do chính trị. Nhưng thực ra, lý do chính trị chi phối mạnh hơn cả, lý do kinh tế chỉ mang tính thứ yếu. Sau khi xóa sổ giáo xứ Cồn Dầu, Đà Nẵng và Giáo xứ Đông Yên, Hà Tĩnh, lăm le xóa sổ giáo xứ Thái Hà và hiện tại là quyết tâm xóa sổ giáo xứ Thủ Thiêm, Sài Gòn… Và sẽ còn nhiều giáo xứ, nhiều ngôi chùa khác đang được nhắm đến, không phải tự dưng người ta làm vậy.

Ở những giáo xứ và các ngôi chùa bị xóa sổ cũng đang nằm trên danh sách xóa sổ, đều có đặt điểm chung là có độ tuổi lịch sử khá cao, ít nhất cũng trên 100 năm. Và đây là những An toàn khu tôn giáo theo định nghĩa của nhà cầm quyền. Những nơi này được các con chiên ngoan đạo phụng thờ, tôn tạo qua nhiều thế hệ. Và không có gì khác ngoài đức tin tôn giáo cũng như sự không chấp nhận độc tài, độc đoán, cái ác… Những những An toàn khu tôn giáo này. Một khi người ta không chấp nhận độc tài, thì đương nhiên, kẻ độc tài sẽ tìm mọi cách xóa bỏ những nhóm này. Và không có cách nào tốt hơn đối với kẻ độc tài là xóa bỏ các giáo xứ.

Hơn nữa, từ ngày xưa, các vị linh mục quản xứ tiền nhân đã chọn những vùng đất có địa thế rất đẹp và thuận lợi trong việc xây dựng nhà thờ và cộng đồng tôn giáo ở đó. Khi đập bỏ những An toàn khu tôn giáo này đi, nhà cầm quyền sẽ lấy được một quĩ đất quí giá để biến nó thành một khu dân cư mới với giá thành cao nhất có thể. Và với việc này, số lợi nhuận thu về cho nhà cầm quyền, cơ hội để chấm mút, hối lộ và tham nhũng của giới quan chức địa phương không phải là nhỏ.

Những An toàn khu tôn giáo này chỉ có lý lẽ và niềm tin tôn giáo. Và trong một xã hội độc tài, man rợ, lấy lý lẽ và niềm tin tôn giáo để đấu với quyền lực công an, quân đội, với lòng tham và sự cố chấp thì vô cùng khó, bằng chứng là hầu hết các cuộc đấu tranh, những lý lẽ đã được đưa ra, thậm chí người ta kêu gào bằng lý lẽ, nhà nước vẫn cứ im lặng đập phá. Nếu một nhóm đập phá không được, người ta sẽ cho kéo đàn kéo đám từ công an tới quân đội cùng ra tay gắt máu để đập phá cho được.

Vì sao quĩ đất Việt Nam vẫn còn rất nhiều chỗ bỏ hoang hoặc nếu tính về giá trị kinh tế thì khi cho Trung Quốc thuê 50 năm, 70 năm, giá một mét vuông đất cho thời hạn dài gần thế kỉ cho thuê mua chưa được nửa ổ bánh mì thịt, người ta không nhắm đến để qui hoạch bán cho người Việt mà lại phải gây ra bất công, oan khiên và thậm chí đổ máu để lấy những khu đất đã được nhân dân xem là "đất thánh" ? Chỉ cần làm một phép so sánh nhỏ này cũng đủ thấy sự mâu thuẫn và vô lý trong bài toán kinh tế về đất đai tại Việt Nam hiện nay.

Nhưng vấn đề không nằm ở yếu tố kinh tế mà lại nằm ở lĩnh vực chính trị. Nhà cầm quyền, ngoài yếu tố thù hận các tôn giáo bất tuân độc tài ra, họ còn sợ hãi. Bởi súng ống, quân đội, công an và bạo lực của nhà cầm quyền chưa bao giờ làm suy suyễn niềm tin tôn giáo, niềm tin vào cái thiện và lẽ phải của các Ki-tô hữu và các Phật tử không thuộc giáo hội nhà nước. Đây là mối bất an thường trực của Đảng, bởi hơn ai hết, các nhà độc tài thừa biết họ đã lợi dụng tôn giáo để hình thành và phát triển như thế nào và họ sẽ bị lật đổ như thế nào khi họ không còn lợi dụng tôn giáo được nữa.

Chính vì mối lo thường trực này mà nhà cầm quyền Cộng sản luôn tỏ ra ngông cuồng và tự mãn, luôn thấy họ đúng khi đập phá, xây dựng, đạp trên lý lẽ và nhân tâm. Bởi suy cho cùng, xét về tính chính danh cũng như yếu tố văn hóa nền tảng, người Cộng sản luôn ở mức zero. Chính vì vậy, một bông lúa lép trong tiến trình phát triển của nhân loại thì không bao giờ biết cúi đầu và cũng chẳng thể cúi đầu được. Và điều này còn đúng với câu nói của người Nhật, "Người ta sẽ đập bỏ mọi thứ khi nỗi sợ hãi không được giải quyết".

Bởi hiếm có chế độ chính trị nào đã lợi dụng tôn giáo, đạp bỏ tôn giáo và ngông cuồng trong hành xử với tôn giáo hơn chế độ chính trị không có nền tảng về niềm tin, không có cái lõi văn hóa và không có ý thức dân tộc. Việc đập phá, xóa sổ mọi di chỉ văn hóa, tôn giáo sẽ mãi mãi là một phần hoạt động trong quá trình tồn tại của kẻ độc tài. Nhân dân yêu công lý sẽ không chấp nhận điều đó, nhưng không chấp nhận không có nghĩa là nhà nước chịu bó tay. Vấn đề là không chấp nhận bằng cách nào, bằng hành động nào mới quan trọng. Rất tiếc là hầu như các hoạt động tâm linh, niềm tin của người Việt vẫn còn ở dạng thô sơ, đơn lẻ, nếu không muốn nói là nó quá thô sơ và đơn lẻ bởi thiếu sự cộng hưởng và nương tựa.

Thử hỏi, nếu các giáo xứ biết nương tựa nhau để che chở nhau, các tôn giáo biết nương tựa nhau để che chở nhau thì nhà cầm quyền có dám làm những gì lâu nay họ đã làm ?

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 16/01/2017 (VietTuSaiGon's blog)

Published in Diễn đàn